ĐỔ HẾT SỨC BẢO VỆ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Thứ sáu - 18/01/2019 20:02
ĐỔ HẾT SỨC BẢO VỆ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
LỄ THÁNH GIA THẤT 2018
Hàng năm, Chúa nhật ngay sau lễ Chúa Giêsu Giáng Sinh, Hội Thánh Công giáo mừng lễ Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, thánh Cả Giuse.
Qua đó, Hội Thánh dạy mỗi thành viên trong gia đình học đòi bắt chước gương của Thánh Gia mà sống đời sống cầu nguyện, chuyên chăm tìm thánh ý Chúa, thực thi bác ái, dành cho nhau những nghĩa cử yêu thương, quan tâm, thành thật, tôn trọng, thủy chung, đón nhận, tha thứ, chăm sóc lẫn nhau... theo gương Thánh Gia.
Năm nay, Hội Thánh mừng lễ Thánh Gia Thất vào Chúa nhật 30.12, vừa là Chúa nhật cuối của năm, vừa là ngày áp cuối của năm Dương lịch 2018.
Gia đình vốn đã là cung thánh của sự sống, đã là nền tảng cao cả và sản nghiệp quý báu của mỗi kiếp người, lại được mừng lễ vào những dịp vừa trọng đại, vừa đáng nhớ, sẽ càng ý nghĩa, càng cho ta nhiều cảm nhận, nhiều suy tư...
Để góp thêm phần long trọng, góp thêm ý nghĩa cho việc mừng lễ, đồng thời giúp mỗi cá nhân có thêm "điểm tựa" suy tư về gia đình, về tương quan bản thân với chính gia đình mình, bên cạnh tấm gương tuyệt đỉnh của gia đình Thánh Gia, tôi xin kể lại câu chuyện cảm động về một người cha và lòng biết ơn của một người con dành cho cha...
Một thời, trên các trang báo, người ta nói đến người thanh niên Thái Lan tên là Klanarong Srisakul. Anh được hàng triệu người trên thế giới biết đến, vì trong lễ tốt nghiệp, anh bận lễ phục của Đại học Chualongkorn danh tiếng nhất nước, tìm người cha của mình và quỳ rạp xuống để lạy ông bên chiếc xe tải chở đầy rác bẩn. Anh bày tỏ lòng biết ơn với người cha mới chỉ học hết lớp bốn, nhưng đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy anh.
Trên trang cá nhân, Klanarong Srisakul tâm sự, cha anh là một người lái xe chở rác. Khi còn là một đứa trẻ, anh đã từng xấu hổ về người cha lam lũ của mình. Nhiều lần, Klanarong Srisakul tự hỏi tại sao cha mình không mặc đồng phục đẹp, như đồng phục của cảnh sát hay quân đội giống những người cha khác…
Sống bên nhau, hai cha con chia sẻ một giấc mơ. Cha anh chỉ học đến lớp bốn, vì thế ước mơ lớn nhất của ông là con được đi học. “Ông nói với tôi rằng, gia đình tôi chẳng có bất cứ tài sản gì, nhưng ông có thể cho tôi đi học. Tôi muốn trở thành một người lính, nhưng tôi đã không vượt qua kỳ thi đầu vào. Tôi phát hiện ra rằng, cha tôi đã khóc thầm”…
Những giọt nước mắt của người cha đã làm cho Klanarong Srisakul quyết tâm vượt qua mọi trở ngại. Cuối cùng, anh đã đậu vào ngành kỹ thuật của trường Chualongkorn, một ngôi trường được xem là một trong một trăm ngôi trường kỹ thuật tốt nhất thế giới. Và hôm nay, anh đã tốt nghiệp…
Để có gia đình, đôi khi đã khó khăn, nhưng nó vẫn còn là điều dễ dàng thực hiện. Để sống tronh gia đình với tất cả những trách nhiệm mà một gia đình cần có, không dễ chút nào.
Vì thế, hạnh của gia đình và của từng thành viên trong gia đình ấy, phải đặt đức thờ phượng dành cho Thiên Chúa lên trên hết, phải chăm lo đời sống cầu nguyện, nhắc nhở nhau siêng năng cầu nguyện, siêng năng chịu bí tích, siêng năng tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ...
Cầu nguyện để gắn kết với Thiên Chúa, để sống cùng nhau, thêm quyến luyến nhau là bí quyết cho hạnh phúc gia đình.
Hãy ưu tiên cho việc cầu nguyện. Đừng tiếc thời gian cầu nguyện. Đừng vì lười mà bỏ cầu nguyện. Đừng lấy lý do bận bịu mà thôi cầu nguyện. Đừng buông cầu nguyện chỉ để kiếm tiền. Cầu nguyện là trí tuệ, là sự khôn ngoan, là lẽ sống của kẻ tìm hạnh phúc.
Con người chỉ đẹp nếu biết mở bàn tay để sống cho nhau, sau khi đã chắp bàn tay hướng về Thiên Chúa.
Hãy cùng nhau cầu nguyện trong gia đình mình và cho chính gia đình mình.
Hạnh phúc còn do nỗ lực của từng người gìn giữ nâng niu mà có.
Xin đề nghị vài điều mà bài học của gia đình Thánh Gia cung cấp, cũng như câu chuyện về tình yêu, lòng biết ơn cha thật cảm động của người thanh niên Thái Lan để lại, giúp mỗi thành viên có thể "gìn giữ, nâng niu" gia đình mình:
- Hãy trân quý những thời gian mà mọi người trong cùng gia đình còn được sống bên nhau.
- Hãy bỏ hết công sức để mỗi thành viên dành cho nhau những vị trí cao trong trái tim mình.
- Hãy thực hiện những điều cao thượng nhất mà cá nhân có thể nghĩ ra để trao cho nhau nồng ấm, ân cần, chu đáo, săn sóc, nghĩa tình, an bình, niềm vui, hạnh phúc...
- Hãy trao cho nhau sự tin tưởng, và không bao giờ có ý thiếu thủy chung, thiếu sự kính trọng, và phản bội, dù chỉ mới chớm manh nha trong suy nghĩ.
- Hãy trở thành chỗ dựa cho nhau, dù đang phẳng lặng hay trải qua thử thách.
- Hãy sẵn sàng thứ tha, cảm thông, rộng lượng, sẻ chia ngay cả trước khi người trong cuộc cần đến chúng.
- Xin đừng bao giờ gắt gỏng, chua cay, đanh đá, quyết ăn thua đủ... Vì nếu gia đình mà chỉ toàn những điều ấy, thì làm sao cái mà ta gọi là gia đình, còn là gia đình?
- Phải luôn luôn gọi về trách nhiệm. Chỉ cần một thành viên thiếu trách nhiệm, gia đình có thể tan hoang.
- Phải thường xuyên đối diện với bản thân để nhận ra cái đúng cái sai. Từ đó, chân thành nhận lỗi, nghiêm túc sửa lỗi. Đồng thời phát huy cái tốt, kiên quyết thực hiện điều tốt, điều có ích, dẫu khó khăn đến đâu. Không bao giờ được bỏ qua lời xin lỗi, nếu cần phải xin lỗi.
- Biết ơn nhau, trân trọng những giá trị của nhau là việc phải làm thường xuyên trong gia đình. Vì thế, hai tiếng cám ơn phải được thường xuyên cất lên trên môi mỗi người.
Hãy nhớ một nguyên tắc không bao giờ sai. Đó là:
- Phá hủy thì nhanh, nhưng bảo tồn sẽ rất lâu.
- Phá hủy thì dễ, nhưng bảo tồn sẽ rất khó.
- Bảo tồn hạnh phúc của gia đình, là bảo tồn hạnh phúc của chính mình.
- Bảo tồn hạnh phúc của gia đình, là bảo tồn gia sản có một không hai của đời người.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, thánh Cả Giuse giúp chúng ta luôn khôn ngoan, tỉnh táo bảo vệ gia đình mình. Vì đó là bảo vệ giá trị làm người của mỗi con người.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
 
 
 

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây