Ngôi Hai Thiên Chúa Làm Người và Hiệp Hành Với Con Người

Thứ sáu - 24/12/2021 23:01
Lễ Đêm Giáng Sinh – 2021
NGÔI HAI THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI VÀ HIỆP HÀNH VỚI CON NGƯỜI


Trong bối cảnh của đại dịch kéo dài, bầu khí Giáng sinh năm nay tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung xem ra trầm lắng hẳn so với những năm trước. Việc trang hoàng đơn sơ hơn, việc mua sắm ít nhộn nhịp hơn, và cả việc vui chơi cũng ít sôi động hơn. Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu chúng ta, cốt lõi của việc mừng Chúa Giáng sinh vẫn không thay đổi. Giáng sinh vẫn là một mầu nhiệm được cử hành với tất cả sự trang trọng và ý nghĩa sâu xa nhất. Và sứ điệp của ngày lễ Giáng sinh vẫn không hề thay đổi, sứ điệp mà thiên thần đã loan báo cho các mục đồng năm xưa trong đêm con Thiên Chúa chào đời: “Này đây tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: hôm nay Đấng Cứu độ đã giáng sinh cho anh em; Người là Đấng Kitô, Người là Đức Chúa” (Lc 2,11). Đấng Cứu độ mà các thiên thần loan báo không phải là một đại ngôn sứ, hay một thủ lãnh xuất thân từ chốn phàm trần, mà là một Đấng đến từ trời cao, Đấng được Thiên Chúa xức xầu (Đấng Kitô), và là Đức Chúa Ngôi Hai. Vì thế mới được gọi là Tin Mừng trọng đại.

Vậy Tin Mừng này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, đặc biệt trong năm chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 2023 với chủ đề: hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ?

Xin được mở ngoặc ở đây: “hiệp” có nghĩa là “cùng với nhau”, hay “hòa hợp với nhau”; “hành” có nghĩa là “đi”. Như vậy “hiệp hành” là “cùng đi với nhau”, hay “cùng đi trong sự hòa hợp với nhau”. Thực sự trước khi Giáo hội mời gọi chúng ta hướng đến một Giáo hội hiệp hành, thì qua Mầu nhiệm Nhập thể, chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiệp hành với nhân loại chúng ta rồi.
  1. Ngài hiệp hành với con người chúng ta trong suốt cuộc sống trần gian.
       Ngài không đến trần gian theo kiều các vua chúa vi hành, chỉ một tháng hai tháng rồi trở lại hoàng cung. Ngài đến ở với con người và hiệp hành với con người, không phải một ngày hai ngày, một tháng hai tháng, một năm hay hai năm, mà ở với con người và hiệp hành với con người trọn cả kiếp người, từ khi sinh ra cho đến khi chết trên Thập giá.
Để rồi từ đây, Thiên Chúa Đấng vô hình vĩnh viễn mang lấy danh xưng Emmanuel, rút gọn lại là Noel: Thiên Chúa ở cùng chúng, hiệp hành với chúng ta. Ngài hiệp hành với con người suốt 33 năm trong kiếp người, và Ngài còn hứa ở với con người, “hiệp hành” với con người cho đến tận thế.
  1. Ngài hiệp hành với con người chúng ta trong mọi biến cố trầm thăng của phận người.
       Trong mùa đại dịch, một số trẻ em sinh ra trong các bệnh viện, nhưng không phải là bệnh viện phụ sản mà là bệnh viện điều trị covid, và ngay sau khi sinh thì mẹ con phải tách nhau ra: mẹ tiếp tục điều trị covid, còn con thì được chăm sóc đặc biệt ở các lồng kính. Chúa Giêsu thì sinh ra trong mùa kiểm tra dân số, thân phụ mẫu của Ngài đã phải khăn gói cấp tốc về quê quán để đăng kiểm, báo hại là Ngài phải sinh ra trong hang đá bò lừa giữa đêm đông giá lạnh, không được các y bác sĩ chăm sóc, không có các máy móc sưởi ấm, chỉ có bò lừa thở hơi làm ấm.
       Một giáo xứ nọ ở Miền Tây còn làm hang đá với mô hình là một bệnh viện dã chiến; trong đó Chúa Giêsu hài đồng bị covid, Đức Mẹ và thánh Giuse cùng với thiên thần mang đồ bảo hộ túc trực chung quanh. Còn ba nhà đạo sỹ không phải mang vàng, nhũ hương và mộc dược, mà là mang vaccin, thuốc chữa covid và các thiết bị y tế. Thông điệp muốn nói là Chúa Giêsu đang hiệp hành với con người cách trọn vẹn trong mọi biến cố vui buồn của phận người: dịch bệnh, khổ đau, … Ngài cùng chịu đau khổ với người khổ đau, chịu muộn sầu với người sầu muộn…, như là một cách thức hiệp hành đích thực. Những ai tin nhận nhận và yêu mến Ngài sẽ nhận ra điều này. “Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17). Hơn thế nữa, Ngài còn mang lấy tất cả mọi tội lỗi của con người chúng ta và đưa lên cây Thập giá.
  1.  Ngài hiệp hành với con người chúng ta trong hành trình tiến về nhà Cha.
Hành trình nhân loại chúng ta tiến về nhà Cha trên trời là một hành trình dài và nhiều gian nan, nhưng chúng ta không lẻ loi đơn độc, nhưng có Chúa Giêsu hiệp hành - cùng đi với chúng ta. Ngài sẽ chỉ đường dẫn lối cho chúng ta, để ta không bị lầm đường lạc lối. Ngài còn sẵn sàng ban ơn nâng đỡ cho ta, để ta không buông xuôi bỏ cuộc, vì mỏi mệt chán chường. Và cái giá mà Ngài phải trả để cho chúng ta được ở với Ngài trên Vương quốc của Cha Ngài, đó chính là cái chết tủi nhục trên cây Thập tự.

Ngài chính là “ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ, hầu đem ơn cứu độ đến cho mọi người” như lời quả quyết của thánh Phaolô với ông Titô trong Bài đọc thứ 2. Vì thế:
- Hãy chúc tụng tạ tạ ơn Chúa vì ân sủng lớn lao này theo tâm tình của Đức Mẹ.
- Hãy nỗ lực sống theo lời mời gọi của thánh Phaolo, đó là “hãy từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục” (Tt 2,11).
- Và tích cực hơn nữa đó là hãy nhiệt thành “sống tinh thần hiệp hành”. Con Thiên Chúa đã “hiệp hành” với chúng ta một cách thiết tha, và Ngài cũng mời gọi chúng ta “hiệp hành với nhau” một cách thiết thực, và cùng nhau “hành hiệp”, để cùng nhau hưởng ơn cứu độ đời đời. “Hành” ở đây còn có ý là “làm”, là “thực hiện”; hiệp” là những việc nghĩa, việc cứu giúp người. “Hành hiệp” tức là thực hiện những việc nghĩa tình, những việc cứu giúp người, hay theo cách nói của thánh Phaolô là sống “công chính và đạo đức” (x. Tt 2,12). Cụ thể là sống hiệp thông với Chúa, với Giáo hội qua các Bí tích, tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, giáo họ, hoặc của các hội đoàn, và cộng tác với anh chị em mình trong sứ vụ loan báo Tin Mừng yêu thương, Tin Mừng cứu độ cho hết thảy mọi người. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây