Thứ Sáu tuần 11 thường niên – Thánh Lu-y Gôndaga, tu sĩ. Lễ nhớ.
"Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó".
* Sinh năm 1568, gần Man-tu-a miền Lom-bác-đi-a, trong một gia đình Cát-ti-di-ô-nê quyền quý, hấp thụ lòng đạo đức của thân mẫu. Lu-y sớm có khuynh hướng sống đời tu. Sau khi trao lại cho anh (em) phần đất người được tổ tiên giao cho để cai quản, người gia nhập dòng Chúa Giêsu. Trong khi phục vụ bệnh nhân đang kỳ dịch, thánh nhân bị lây và qua đời lúc mới 23 tuổi (năm 1591)
Lời Chúa: Mt 6, 19-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó.
Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm.
Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?"
Suy Niệm 1: Hai tư thế
Trong điện Vatican, có treo một bức họa nổi tiếng của Rafaelo mang tên là "trường phái Athène", mô tả dung mạo và sứ điệp của hai triết gia Hy Lạp là Aristote và Platon. Danh họa Rafaelo mô tả Aristote đứng vững trên mặt đất, một tay cầm cuốn sách luân lý, một tay chỉ xuống mặt đất; còn Platon thì được vẽ hai chân chỉ chạm nhẹ mặt đất, một tay cầm cuốn sách, một tay chỉ về trời cao. Trong hai tư thế khác nhau này, Rafaelo muốn nói lên khía cạnh nổi bật của thiên tài Hy Lạp, đồng thời là hai chiều kích căn bản của ơn gọi làm người, đó là chinh phục mặt đất, đồng thời vượt qua vật chất, vượt khỏi tầm mức những gì thấy được; vừa dấn thân trong lãnh vực trần thế, vừa biết hướng về trời cao và những giá trị đời đời.
Tin mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay cũng mời gọi chúng ta đang sống trong ơn gọi trên trần gian, nhưng hãy biết hướng về trời cao, nơi tích chứa của cải đích thực. Tin Mừng nhắc đến hai tư tưởng: một mời gọi con người hướng về trời, một mời nói lên vai trò của mắt, không phải mắt thân xác, nhưng là mắt tinh thần, mắt đức tin hướng dẫn cuộc sống con người. Suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể nhận ra được liên hệ giữa hai tư tưởng này. Sự tăm tối tinh thần là điều đáng sợ hơn cả, vì không nhận thấy đâu là điều phúc thật của con người. Do mù quáng tinh thần và chỉ nhận của cải, danh vọng, quyền bính là phúc thật, con người sẽ tìm cách có được những thứ ấy càng nhiều càng tốt. "Kho tàmg của con ở đâu, thì lòng con ở đó". Ðó là định luật tâm lý tự nhiên của con người. Nếu tôi chỉ nhìn thấy lý tưởng của mình trong việc thu tích của cải, danh vọng, quyền thế, thì làm sao tôi có thể hướng nhìn trời cao và số phận đời đời của con người.
Xin Chúa thanh tẩy và soi sáng con mắt tinh thần chúng ta, để chúng ta có thể nhận ra đâu là điều thiện hảo và qui hướng về đó mà tiến tới.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 2: Sống điều cốt lõi
“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.” (Mt. 6, 19-20)
Mới chịu tin có một nửa
Trong cuộc sống có nhiều chuyện làm ta phải vất vả và tiêu tốn, dầu biết rằng nó chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho ta. Người ta gọi những cái đó là tiền bạc, tiện nghi, thú vui, địa vị, thăng thưởng… Những cái đó không có gì là xấu cả, nếu ta biết xử dụng tốt. Những thứ đó có thể mang lại cho ta ít nhiều hạnh phúc và tọai nguyện. Chẳng ai lại khinh miệt những thứ đó. Ta đâu phải là những thiên thần. Và những của cải trần gian có đó không phải để làm cho con người thoái hóa, nhưng là giúp thăng tiến.
Tuy nhiên nếu chỉ bám víu vào của cải và coi đó như tiền cọc cho ta tìm hớn hở và sống an bình thì lầm đường rồi. Người ta đã nói nhiều và nói đi nói lại điều này rồi. Chúng ta chịu tin đấy, nhưng chưa trọn vẹn, vì nếu không hẳn chúng ta sẽ chú tâm hơn nữa để tìm kiếm những thực tại khác, còn quý hơn cả những của cải trần gian, vì nó có thể làm cho ta thành những con người hạnh phúc.
Những của cải quý giá hơn
Những thực tại kia tiềm ẩn ngay trong nội tâm ta, chứ không ở bên ngoài.Những thực tại ấy không nằm trong diện sở hữu, nhưng là thực thể thuộc về hiện hữu của ta. Nếu muốn gọi tên những thực thể đó, người ta sẽ gọi là tinh thần phục vụ, là sự hiến thân quên mình. Người ta cũng gọi nó là tình nghĩa bạn bè, là bình an nội tâm, là sự sống thiêng liêng. Đó là những kho báu đích thực mà Phúc âm nói đến. Kho tàng đó ở trong nội tâm ta và người ta không thể dùng tiền bạc mà mua sắm được.
Cái làm cho đời sống ta có phẩm chất, không phải là những của cải quý giá mà ta có, nhưng là phẩm chất của tâm hồn và ý hướng của ta. Đó chính là khả năng ta có, khả năng dám sống mạo hiểm một cách cao đẹp với những người ta yêu thương, và mạo hiểm một cách đặc biệt với Thiên Chúa Đấng yêu thương ta. Tiếc rằng chúng ta lo lắng quá nhiều đến cái là hời hợt và thứ yếu, còn cái là cơ bản và cốt lõi trong đời, thì lại không để tâm cho đủ.
Suy Niệm 3: Điểm lợi thú của chúng ta ở đâu?
Con người tôn giáo xây dựng bản ngã mình theo điều họ ao ước, điều họ hướng đến, tìm kiếm, nói cách khác, kho tàng của họ. Không thể tích trữ cùng một lúc hai kho tàng, một ở dưới đất và một ở trên trời. Phải chọn lựa. Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Phúc Âm không thể trung lập. Phúc Âm đòi hỏi dấn thân. Phúc Âm đòi hỏi con người không được chia sẻ giữa hai kho tàng nhưng phải dấn thân theo đuổi một trong hai mà thôi. Môn đệ Đức Kitô từ chối dấn thân con người mình, đời sống mình vào những của cải chóng tàn của một thế giới đi vào hư vô. Trái lại hãy dấn thân vào cái hơn là bất diệt nữa. “Trời” ở đây không phải là một sự vật, nhưng là một Con người. Môn đệ Đức Kitô phải dấn thân cho Đức Kitô, phó thác cho Đức Kitô, sống vì Đức Kitô, làm những công việc của Đức Kitô. Điều họ tìm kiếm là xây dựng bản ngã, số phận, hạnh phúc mình trong Đức Kitô. Cần phải nhớ Đức Kitô đã hiến tất cả công việc và mạng sống cho anh chị em mình. Chính nhờ một đường lối như thế mà người Kitô hữu tích trữ kho tàng trên trời.
Cũng như việc quyến luyến với một kho tàng nào liên kết số phận vào đó, cũng thế con mắt điều khiển các thái độ của thân thể: Chúng ta đang đứng trước một kiểu nói đặc biệt của Kinh Thánh.
Thân thể là con người cụ thể. Mắt đóng vai trò lôi kéo tất cả con người vào sự sống hay sự chết. Mắt và con người góp phần tích cực trong việc lựa chọn chúng muốn. Nếu mắt rộng mở, nghĩa là khi hiểu biết rõ ràng, con người quyết định bằng một lựa chọn tốt, lúc bấy giờ toàn con người ở trong ánh sáng. Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy “ngước mắt” nhìn về những gì tốt lành, chân thật, công minh, tươi đẹp, nhưng chớ “ngước mắt” trên những gì có thể lôi cuốn chúng ta vào bóng tối sự gian dối và sự dữ. Đâu là những chọn lựa của chúng ta về sách báo, phim ảnh, bạn bè…?
Mắt tôi, tức là sự chú ý của tôi, có được định hướng nhờ một sự lựa chọn tình bạn cao cả nhất, tình bạn với Đức Kitô không?
Suy Niệm 4: HAI CUỘC SỐNG (Mt 6, 19-23)
Sống trên đời ai cũng phải làm lụng vật vả để kiếm kế sinh nhai. Đây là quy luật sinh tồn tất yếu của con người trong đời sống.
Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu cho các môn đệ thấy con người chúng ta có hai cuộc sống. Một là cuộc sống thể xác; hai là cuộc sống thần linh. Cuộc sống thể xác luôn gắn liền với quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Vì thế, cuộc sống này có giới hạn nhất định của nó. Tuy nhiên, trong niềm tin, con người còn có cuộc sống vĩnh cửu, nơi cuộc sống này, không có sinh, cũng chẳng có diệt, tức là cuộc sống thần linh.
Tuy nhiên, để có cuộc sống hạnh phúc trong cuộc sống thần linh thì lại phải kết tố từ chính cuộc sống trần gian này. Thế nên, những gì diễn ra trong cuộc sống vật chất thì đều có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống mai hậu.
Lời Chúa hôm nay cho thấy, Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ hãy lo tích trữ những của cải trên trời, nơi đó mối mọt không tài nào đục khoét được cũng như không ai lấy mất đi. Gia tài đó được tích trữ qua hành động yêu thương, sự sẻ chia bác ái vô vị lợi.
Cùng một sứ điệp, Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy hướng về quê trời như là mục đích tối hậu của mình. Muốn được như thế, ngay giây phút này, chúng ta hãy tích trữ những việc lành phúc đức với lòng mến ngang qua những nghĩa cử bác ái, liên đới, cảm thông và yêu thương anh chị em đồng loại. Đây chính là kho tàng không thể mối mọt nào đục khoét được.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong khi lo tìm kiếm của cải vật chất phần xác, thì cũng biết tìm kiếm của cái trên trời. Xin cho chúng con làm mọi việc vì lòng mến Chúa và yêu người chân thành, để những việc ấy thật sự có giá trị cứu chuộc linh hồn chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 5: Kho tàng ở đâu, tim ở đó
Suy niệm :
Cuộc sống con người ở đời thật mong manh và bấp bênh.
Vì thế con người muốn tìm cho mình một cái gì chắc chắn.
Của cải vật chất hứa hẹn cho con người một chỗ dựa an toàn.
Càng có nhiều của cải thì càng vững:
nhiều người đã thành thật tin như vậy
nên đã suốt đời lo tích trữ một kho tàng trên trần gian.
Thầy Giêsu không tin như thế.
Đối với Thầy, kho tàng dưới đất cũng mong manh và bấp bênh.
Thời xưa mối mọt là kẻ thù đáng sợ của nhiều thứ tài sản (G 4, 19).
Nhà cửa, đồ đạc đều có thể làm mồi cho chúng.
Thật ra vật chất tự nó đã mang mầm mống hư hoại rồi.
Hơn nữa, sự đe dọa không chỉ đến từ bên trong.
Kẻ trộm là nguy hiểm có thực đối với những căn nhà thời ấy.
Hắn có thể đào ngạch, khoét vách làm bằng bùn,
để lấy đi những của cải thường được chôn dấu dưới đất (c. 19).
Kho tàng dưới đất quả là không bền.
Thầy Giêsu đề nghị chúng ta tích trữ một cách khôn ngoan hơn,
tích trữ một kho tàng gì đó mà mối mọt không đục khoét được
và kẻ trộm không sao ăn cắp được.
Đó là thứ kho tàng trên trời được tích trữ qua bao việc lành,
những việc ta làm theo ý Thiên Chúa.
Có một sự khác biệt lớn giữa kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất.
Tích trữ kho tàng dưới đất khiến ta cậy dựa vào của cải đời này.
Tích trữ kho tàng trên trời đòi ta hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa.
Kho tàng ở đâu thì tim anh ở đó (c. 21).
Kho tàng trên trời sẽ nâng tim anh lên trời cao.
Kho tàng dưới đất sẽ kéo tim anh xuống đất thấp.
Trái tim là nơi sâu thẳm của tâm linh con người.
Chính vì thế thi thoảng cần kiểm tra xem tim mình đang ở đâu,
kho tàng nào đang khiến mình gắn bó.
Chúng ta phải ngừng theo đuổi những kho tàng mau qua
để gắn bó với những giá trị thực sự bền vững.
Con người thời nay cũng phải sống trong sự bấp bênh triền miên.
Càng tiến bộ kỹ thuật lại càng có nhiều bất ổn, bất trắc,
nên đời sống vẫn không vì thế mà được thư thái bình an.
Nhiều người đã cảm được sự phù du của vật chất và tiếng tăm.
Tiền bạc và quyền lực như nước trôi qua kẽ tay, chẳng ai nắm được.
Thầy Giêsu mời chúng ta đổi mới cái nhìn.
Đừng nhìn bằng mắt xấu, nghĩa là bằng cặp mắt thèm muốn, tham lam.
Hãy nhìn bằng mắt tốt, nghĩa là bằng cặp mắt siêu thoát, quảng đại.
Cái nhìn bằng mắt tốt sẽ đem lại ánh sáng cho toàn thân (c. 22).
Cái nhìn bằng mắt xấu sẽ gây ra bóng tối kinh khủng (c. 23).
Con mắt là ngọn đèn cho thân thể.
Ước gì con mắt tôi biết thấy Chúa là kho tàng đích thực của mình.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM:
1. Bài Giảng Trên Núi
Trong Thánh Lễ của những ngày này, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su, được kể lại trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.
Trong bài giảng đầu tiên này, Đức Giê-su công bố Tin Mừng Nước Trời (5, 1-16) và mời gọi chúng ta đón nhận và sống Tin Mừng Nước Trời: trước hết trong cách chúng ta tuân giữ Lề Luật; tiếp đến, vì Lề Luật, xét ở mức độ chữ viết, không chi phối hết mọi hành vi của chúng ta, nên Đức Giê-su nói về tương quan đích thật của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời, khởi đi từ việc thực hành những việc đạo đức: bố thí, cầu nguyện và ăn chay (6, 1-18), việc sử dụng những gì thuộc về cuộc đời này (6, 19-34) và cách chúng ta sống với người khác (7, 1-20: những bài Tin Mừng của tuần tới).
Trong bài Tin Mừng của hai ngày vừa qua, Đức Giê-su nói về tương quan đích thực của chúng ta với Cha trên trời, ngang qua các việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay (6, 1-18), và trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai, ngang qua tương quan sâu kín của chúng ta với « những kho tàng » (c. 19-23) và những nhu cầu ăn mặc của đời thường (c. 24-34). Và khi nói về những vấn đề này, lời của Đức Giê-su chất đầy những hình ảnh, mặc khải cho chúng ta vô vàn ý nghĩa sâu sa. Những hình ảnh Người dùng trong bài Tin Mừng hôm nay, có thể chia làm hai nhóm : con tim và đôi mắt.
2. Con tim
Nhóm hình ảnh thứ nhất xoay quanh hình ảnh « con tim » (là chữ « lòng » trong bản dịch Việt Ngữ) :
Vì kho tàng của anh ở đâu,
thì lòng anh ở đó. (c. 21)
Có những kho tàng ở dưới đất ; và vì « ở dưới đất », nên những kho tàng này tất yếu sẽ qua đi, hoặc vì mối mọt hoặc vì bị lấy trộm, thậm chí, như trong thực tế cuộc sống cho thấy, bị ăn cướp bằng bạo lực, gây nguy hại cho tính mạng.
Có những kho tàng ở trên trời ; và vì « ở trên trời », nên những kho tàng này sẽ không qua đi. Hình ảnh « ở trên trời » nhắc nhớ lời nguyện Đức Giê-su vừa truyền đạt cho chúng ta : « Lạy Cha chúng con ở trên trời ». Như thế, kho tàng ở trên trời, rốt cuộc là những gì thuộc về Thiên Chúa, Cha của chúng ta, là Danh của Người, là Nước của Người, là Ý của Người, và là chính Người.
Vậy, con tim của tôi đang hướng về đâu và đang hiện diện nơi đâu ? Tôi có « kho tàng » của tôi không ? Và « kho tàng » của tôi là gì ?
3. Đôi mắt
Nhóm hình ảnh thứ hai xoay quanh hình ảnh « đôi mắt ». Đức Giê-su nói :
Đèn của thân thể là đôi mắt. (c. 22)
Theo Đức Giê-su, đôi mắt được ví như cây đèn, soi sáng cho cả thân thể hiện hữu và bước đi trong ánh sáng. Thật vậy, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nghĩa là ngang qua hai « cửa sổ » là đôi mắt, chúng ta nhìn thấy tâm hồn.
Tâm hồn hướng về những gì cao quí, hay « bừng cháy lòng yêu mến Chúa », đôi mắt sẽ bừng sáng, soi sáng cho « thân thể », cho con người trọn vẹn, bước đi mỗi ngày trong hành trình làm người. Thánh I-nha-xiô Loyola gởi chuyển động tâm hồn này là « an ủi thiêng liêng » (LT 316).
Nhưng « cây đèn đôi mắt » có thể không tỏa sáng, hay không được thắp sáng, khi ấy : « ánh sáng nơi anh thành bóng tối » và « tối biết chừng nào », nghĩa là thật chết chóc. Bởi vì, tâm hồn để cho sự dữ làm cho quên ơn, nghi ngờ ; từ đó búng phát sự ghen tị và lòng ham muốn.[1]
* * *
Và Đức Giê-su muốn nói với chúng ta rằng, đôi mắt của chúng ta sẽ sáng, nếu tâm hồn chúng ta, con tim chúng ta hướng về « những kho tàng ở trên trời ». Kho tàng trên trời là chính Thiên Chúa, nhưng lại được trao ban cho chúng ta ngay ở dưới đất, nơi ngôi vị của Đức Giê-su, là Ngôi Lời Thiên Chúa, trao ban ánh sáng và sự sống.
Vậy, lúc này đây, thời gian này đây, giai đoạn này đây, đôi mắt của tôi đang « sáng hay tối » ? Và bởi vì đôi mắt sáng hay tối không tùy thuộc vào sức khỏe thể lý, nhưng tùy thuộc vào con tim ; vậy, con tim của tôi đang hướng về đâu, về « kho tàng » nào ? Và « kho tàng » đó là gì ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Có thể đọc Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE của ĐTC Phanxicô, về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay (19/03/2018), chương năm: CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC và PHÂN ĐỊNH, số 158-175.
Hãy tích trữ kho tàng ở trên trời
Friday (June 21): “Lay up treasure in heaven” Scripture: Matthew 6:19-23 19 “Do not lay up for yourselves treasures on earth, where moth and rust consume and where thieves break in and steal, 20 but lay up for yourselves treasures in heaven, where neither moth nor rust consumes and where thieves do not break in and steal. 21 For where your treasure is, there will your heart be also. 22 “The eye is the lamp of the body. So, if your eye is sound, your whole body will be full of light; 23 but if your eye is not sound, your whole body will be full of darkness. If then the light in you is darkness, how great is the darkness! |
Thứ Sáu 21-6: Hãy tích trữ kho tàng ở trên trời.
Mt 6,19-23 19 “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.21 Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.22 “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng.23 Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!
|
Meditation:
What do you treasure and seek after the most? What do you value above all else? Jesus offers a treasure of incomparable value and worth, but we need healthy eyes – good spiritual vision – to recognize what is the greatest treasure we can possess. What Jesus said about seeking treasure made perfect sense to his audience: keep what lasts! Aren’t we all trying to find something we treasure in this life in the hope that it will bring us happiness, peace, and security? God offers us the best treasure possible Jesus contrasts two very different kinds of wealth – material wealth and spiritual wealth. Jesus urges his disciples to get rich by investing in wealth and treasure which truly lasts – not just for a life-time – but for all eternity as well. Jesus offers heavenly treasures which cannot lose their value by changing circumstances, such as diminishing currency, damage or destruction, loss or theft. The treasure which Jesus offers is kept safe and free from corruption by God himself. What is this treasure which Jesus offers so freely and graciously? It is the treasure of God himself – the source and giver of every good gift and blessing in this life – and a kingdom that will endure forever. The treasure of God’s kingdom produces unspeakable joy because it unites us with the source of all joy and blessings which is God himself. God offers us the treasure of unending joy and friendship with himself and with all who are united with him in his heavenly kingdom. A life-time investment that constantly grows and lasts forever In Jesus Christ we receive an inheritance which the Apostle Peter describes as imperishable, undefiled, and unfading, kept in heaven for us (1 Peter 1:4). Paul the Apostle describes it as a kingdom of everlasting peace, joy, and righteousness in the Holy Spirit (Romans 14:17).
How realistic and attainable is this heavenly treasure? Can we enjoy it now, or must we wait for it in the after-life? The treasure of God’s kingdom is both a present and a future reality – like an investment which grows and matures, ever increasing and multiplying in value, and producing an endless supply of rich rewards and benefits. Seekers of great treasure will go to any length to receive their reward. They direct all their energies and resources to obtain the treasure. We instinctively direct our energies and resources – an even our whole lives – towards that which we most value. To set one’s heart on heavenly treasure is to enter into a deeper and richer life with God himself. It is only by letting go of false treasure that one can enter into the joy of a heavenly treasure that is immeasurable and worth more than we can give in exchange. Do you seek the treasure which lasts for eternity? Sin and deception blind the heart and mind to what is good, true, and of lasting value and worth Jesus used the image of human vision – the ability to see clearly and accurately with the human eye – to convey a deeper truth and reality of spiritual and moral vision that can distinguish between what is true or false, good or bad, wise or foolish, helpful or hurtful to body, mind, and soul. Bad eyesight serve as a metaphor for moral stupidity and spiritual blindness (for examples, see Matthew 15:14, 23:16 ff.; John 9:39-41; Romans 2 2:19; 2 Peter 1:9; and Revelations 3:17.) The eye is the window of the heart, mind, and “inner being” of a person. How one views their life and reality reflects not only their personal vision – how they see themselves and the world around them, it also reflects their inner being and soul – the kind of moral person and character they choose for themselves. If the window through which we view life, truth, and reality is clouded, soiled, or marred in any way, then the light of God’s truth will be deflected, diminished, and distorted. Only Jesus Christ can free us from the spiritual darkness of sin, unbelief, and ignorance. That is why Jesus called himself the light of the world – the one true source of light that can overcome the darkness of sin and the lies and deception of Satan. Pride prejudice, and sin blind us to the way of truth, goodness, and love What can blind or distort our “vision” of what is true, good, lovely, pure, and eternal (Philippians 4:8)? Certainly prejudice, jealousy, and self-conceit can distort true and clear judgment of ourselves and others and lead to moral blindness. Prejudice and self-conceit also destroys good judgment and blinds us to the facts and to their significance for us. Jealousy and envy make us despise others and mistrust them as enemies rather than friends. We need to fearlessly examine ourselves to see if we are living according to right judgment and sound principles or if we might be misguided by blind prejudice or some other conceit. Love is not jealous …but rejoices with the truth (1 Corinthians 13:4-6). Do you live your life in the light of God’s truth? “Lord Jesus, you have the words of everlasting life. May the light of your truth free me from the error of sin and deception. Take my heart and fill it with your love that I may desire you alone as my Treasure and my All.” |
Suy niệm: Bạn tích lũy và tìm kiếm loại kho báu nào nhất? Điều gì bạn coi là giá trị hơn cả? Ðức Giêsu ban cho một kho báu có giá trị không thể so sánh nhưng chúng ta cần có cặp mắt tốt – nhãn quan thiêng liêng – để nhận ra nó. Những gì Ðức Giêsu nói về việc tìm kiếm kho báu hoàn toàn hợp lý đối với thính giả của Người: hãy giữ những gì tồn tại! Chẳng phải tất cả chúng ta đều cố gắng tìm kiếm những gì chúng ta coi là kho báu trong cuộc đời này với hy vọng rằng nó sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc, bình an, và an toàn đó sao? TC ban cho chúng ta kho báu tốt nhất có thể Ðức Giêsu đối chiếu hai loại tài sản – tài sản vật chất và tài sản thiêng liêng. Ðức Giêsu thúc giục các môn đệ hãy làm giàu bằng việc đầu tư vào tài sản và kho báu thật sự tồn tại, không chỉ cho đời này mà còn cho đời sau nữa. Ðức Giêsu ban phát những kho báu trên trời, kho báu không thể mất đi giá trị của nó qua việc thay đổi những biến cố, như giảm bớt tiền bạc, sự giảm sút về vật chất, sự mất mát, hay sự huỷ hoại về thể lý. Kho báu Ðức Giêsu ban cho được chính Thiên Chúa cất giữ cách an toàn và không hư nát. Kho báu này là gì mà Ðức Giêsu ban cho quá thoải mái và quảng đại? Ðó chính là kho báu chính Thiên Chúa – nguồn mạch và Ðấng ban phát mọi ân huệ và phúc lành trong cuộc đời này – và một vương quốc sẽ tồn tại mãi mãi. Kho báu vương quốc Thiên Chúa phát sinh niềm vui và những phúc lành khôn tả là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta kho báu của niềm vui bất tận và tình bằng hữu với Người và với tất cả những ai kết hiệp với Người trong vương quốc thần linh của Người.
Sự đầu tư cả đời mà vẫn luôn tăng trưởng và tồn tại mãi mãi Trong Ðức Giêsu Kitô, chúng ta nhận lãnh quyền thừa hưởng mà thánh Phêrô tông đồ mô tả là không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai, được giữ trong Thiên đàng cho chúng ta (1Pr 1,4). Thánh Phaolô tông đồ mô tả nó là một vương quốc bình an, vui vẻ, và công chính mãi mãi trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17). Kho báu Thiên đàng này có hiện thực và có thể đạt được không? Chúng ta có thể tận hưởng nó bây giờ hay chúng ta phải chờ đợi cho tới đời sau? Kho báu vương quốc của Thiên Chúa vừa ở hiện tại vừa ở tương lai – giống như sự đầu tư tăng trưởng và mãn kỳ, luôn gia tăng và nhân lên về giá trị.
Những người tìm kiếm kho báu lớn lao sẽ bất chấp đường dài để lãnh nhận phần thưởng của mình. Họ điều khiển tất cả năng lực và tài nguyên của mình để đạt được kho báu. Theo bản năng, chúng ta điều khiển các năng lực và tài nguyên của mình – thậm chí cả cuộc đời của mình – hướng tới điều mà chúng ta coi là giá trị nhất. Hướng tâm hồn về kho báu trên trời là đi vào cuộc sống sâu thẳm và phong phú hơn với chính Thiên Chúa. Chỉ khi nào rời bỏ kho báu giả dối thì người ta mới có thể bước vào niềm vui của kho báu trên trời, kho báu không thể đo lường và hơn cả những gì chúng ta có thể đánh đổi. Bạn có tìm kiếm kho báu tồn tại mãi mãi không? Tội lỗi và lừa dối làm mù quáng lòng trí trước những gì là tốt, là thật, và giá trị và đáng giá mãi mãi Ðức Giêsu cũng dùng hình ảnh về sự nhìn – khả năng để nhìn rõ ràng và chính xác với cặp mắt phàm trần – để truyền đạt một nguyên tắc thiêng liêng quan trọng về vương quốc Thiên Chúa. Cái nhìn mờ ảo và xấu xa thường được dùng như một phép ẩn dụ cho sự ngu dốt và mù quáng thiêng liêng. (xem Mt 15,14; 23,16; Ga 9,39-41; Rm 2,19; 2Pr 1,9; Kh 3,17). Ðức Giêsu mô tả con mắt người ta giống như cửa sổ của “nội tâm” – lòng, trí, và linh hồn của một người. Cách thức người ta nhìn cuộc đời và thực tại của mình sẽ ảnh hưởng không chỉ tới cái nhìn của riêng họ – cách thức họ nhìn chính mình và thế giới xung quanh họ, nó cũng tác động tới nội tâm và linh hồn của họ – chính là mẫu người đạo đức và cá tính mà họ chọn cho chính mình. Nếu cửa sổ qua đó chúng ta nhìn cuộc đời, sự thật, và thực tại bị che phủ, bị dơ bẩn, hay bị hư hỏng cách nào đó, thì ánh sáng sự thật của Thiên Chúa sẽ bị lệch hướng, giảm đi, và méo mó.
Chỉ có Ðức Giêsu Kitô mới có thể giải thoát chúng ta khỏi bóng tối thiêng liêng của tội lỗi, sự vô tín, và sự thiếu hiểu biết. Ðó là lý do tại sao Ðức Giêsu gọi mình là ánh sáng của thế gian – nguồn mạch ánh sáng đích thật và duy nhất có thể chiến thắng bóng tối của tội lỗi và những giả dối, và sự lừa dối của Satan. Thành kiến và tội lỗi kiêu căng làm chúng ta mù quáng trước con đường sự thật, tốt lành, và yêu thương Điều gì có thể làm mù quáng hay bóp méo “cái nhìn” của chúng ta về những gì là sự thật, tốt lành, đáng yêu, tinh tuyền, và vĩnh cửu (Pl 4,8)? Chắc hẳn thành kiến, ghen tị, và tự phụ gây ra sự méo mó và mù quáng. Thành kiến hủy hoại sự phán đoán tốt và làm cho chúng ta bị mù quáng trước những sự kiện và ý nghĩa của chúng đối với chúng ta. Ghen tị làm cho chúng ta không tin tưởng và nghi ngờ người khác và bóp méo khả năng phân định chính xác các sự kiện của chúng ta. Chúng ta cần can đảm xét mình để thấy mình có sống theo những nguyên tắc đúng đắn, hay là chúng ta có thể bị lầm lạc bởi thành kiến hay một vài điều tự kiêu khác. Tình yêu không ghen tị… nhưng vui mừng với sự thật (1Cor 13,4-6). Bạn có sống cuộc sống đời mình trong ánh sáng chân lý của Chúa không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa có những lời ban sự sống đời đời. Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa giải thoát con khỏi sự sai lầm của tội lỗi và lừa dối. Xin đón nhận tâm hồn con và lấp đầy nó với tình yêu của Chúa, để con có thể ao ước chỉ mình Chúa là Kho báu và là Tất cả của con. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn