Thứ Sáu tuần 10 thường niên.

Thứ năm - 13/06/2019 09:24

Thứ Sáu tuần 10 thường niên.

"Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi".

 

 

Lời Chúa: Mt 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

"Có lời dạy rằng: "Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị". Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa".

 

 

SUY NIỆM 1: Chớ ngoại tình, đừng ly dị

Hôn nhân không phải là một sự phối hợp tạm thời để có thể dễ dàng phân ly vì sự thay đổi hoặc vì đam mê của con người. Chúa Giêsu lên án những phóng đãng luân lý, như sự bất trung, ngoại tình, ly dị do pháp luật cho phép.

Chống lại sự bất trung, Chúa Giêsu lên án cách nhìn ngắm không trong sạch của những ước muốn xác thịt, liều mình đi đến chỗ phạm tội trong tâm hồn. Cử chỉ này bị coi là đã thành tội, vì tội phát sinh bởi ý muốn thầm kín của tâm hồn. Với những lời gắt gao, Chúa nhắc lại việc cần phải dấn thân một cách nghiêm chỉnh và cương quyết chống lại những lạc hướng do ích kỷ, để cứu vãn và tăng cường tình yêu hôn nhân bằng mọi giá.

Chống lại việc ly dị, Chúa Giêsu đã sửa lại luật Môsê cho phép ly dị trong một số trường hợp. Ðối với Ngài, lý do là sự lựa chọn của một tình yêu dâng hiến, với tình yêu này, người nam và người nữ dấn thân sống chung với nhau suốt đời. Ngài kêu gọi lương tâm của con người, và không luật nào được thay thế và vi phạm lương tâm này. Tội tà dâm phải được loại trừ tận gốc rễ, và trong tư tưởng thầm kín. Cái nhìn trong sạch: "Phúc cho ai có tâm hồn trọng sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa"; muốn thế, cần phải hy sinh những gì gây cớ vấp phạm.

Trong luật cũ có vẻ bao dung đối với nam giới và nghiêm khắc đối với nữ giới, thì Chúa Giêsu đặt cả hai trên cùng một cấp bậc: Ngài lên án rõ ràng và như nhau về việc ly dị đối với cả hai giới, và tuyên bố việc phối hợp với người khác sau khi ly dị là ngoại tình.

Theo giáo huấn của Chúa, việc phối hợp giữa người nam và người nữ là một biểu lộ của tình yêu, và tình yêu này đến từ Thiên Chúa, chứ không do tình dục ích kỷ. Tình yêu là một sự trao ban cho nhau, là cuộc gặp gỡ của tự do.

Xin Chúa cho chúng ta biết tiến lên theo Thánh Thần thúc đẩy, để chúng ta không chiều theo những ước muốn và hành động của xác thịt; trái lại biết sống trong tự do của Chúa, nhờ đó lề luật của Chúa sẽ trở nên nguồn an vui và sức mạnh của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Giải phóng tình yêu

“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt. 5, 27-28)

Những lời nói cũ rích?

Có những người nói rằng thời đại ta là thời đại giải phóng tình dục và họ vỗ tay hoan hô. Những người khác nhìn thấy cảnh sống phóng túng tràn lan hầu như khắp nơi, thì lại chỉ buông lời trách móc. Ta nên xử trí thế nào cho phải. Cách ăn nết ở của đàn ông đàn bà cũng như của thanh thiếu niên nam nữ xưa đối với nhau có những mặt tốt và mặt xấu của nó. Xưa có những cách bày tỏ tình bằng hữu, cho đến cả tình yêu nữa, không phải luôn luôn hoàn hảo, xứng với con người hay hợp với tinh thần Kitô giáo đâu. Nhưng những cách cư xử mới của những người thời nay cũng không phải là hoàn toàn bảo đảm. Chắc chắn là chúng ta đã đạt tới những nếp sống phóng túng chẳng giúp gì cho việc khơi đậy và phát triển một tình yêu sâu xa giữa nam nữ cũng như giữa vợ chồng.

Trong bối cảnh hiện nay thì chắc chắn những lời Chúa phán kia có nguy cơ bị coi là lỗi thời. Không được thèm muốn vợ người khác, phải cương quyết để sống trung tín với người nam hay nữ mình yêu, người ta còn sẵn sàng thực hiện điều này không?

Yêu thương, khó đấy

Thế nhưng ta phải thực hiện yêu thương, sẽ phải luôn luôn thực hiện yêu thương, bởi lẽ không bao giờ một tình yêu muốn được coi là chân thật, bền bỉ và trung tín sẽ chịu dung dưỡng với những dễ dãi và thỏa hiệp.

Từ mấy thập niên qua, người ta dã tốn công nhiều để giải phóng người nam và người nữ khỏi một số những điều cấm kỵ vốn cản trở họ yêu nhau một cách hồn nhiên và được vui sướng. Nhưng giờ đây một trách vụ mới lại được đặt ra. Phải giải phóng tình yêu khỏi tất cả những gì làm thoái hóa, hư hỏng và bóp nghẹt tình yêu, làm cho tình yêu trở thành một thực phẩm không còn mùi vị gì nữa và không còn mời gọi vươn lên nữa.

Chúa Giêsu đã yêu thương đến độ đón nhận thập giá. Chẳng có tình yêu giữa hai vợ chồng khi tình yêu ấy không trải qua con đường này.

 

Suy Niệm 3: HÃY SỐNG TRONG SẠCH TỪ TƯ TƯỞNG (Mt 5, 27-32)

Trên các trang mạng xã hội gần đây có đăng tải câu chuyện của một quan tham, ông ta là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ông này có ý đồ dâm đãng với nhiều phụ nữ. Ông ta trở thành điển hình cho thói ăn chơi sa đọa và bệnh hoạn. Giấc mơ mà ông này đeo đuổi chính là được "qua đêm" với 1.500 người phụ nữ. Kết cục ông đã bị bắt (xc. http://www.tienphong.vn/the-gioi/quan-tham-trung-quoc-dat-muc-tieu-ngu-voi-1500-nguoi-phu-nu-711861.tpo).

Hôm nay Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học về sự thanh bạch, khiết tịnh từ bên trong, Ngài nói: “Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi”. Sau đó, Ngài đã nói lên tính cẩn trọng, dứt khoát với tội để có sự toàn vẹn trong cuộc sống mai hậu: “Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục”.

Trong đời sống thực tế, có nhiều người bên ngoài tỏ ra rất đạo đức, thánh thiện, nhưng bên trong luôn đi tìm muốn sự bất khiết.

Lời Chúa hôm nay nhắc cho mỗi chúng ta hãy tránh xa những dịp tội, nhất là tội dâm dục, để được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc trên Thiên Quốc mai sau.

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con và ban cho có tự do, đồng thời Chúa cho phép chúng con sử dụng sự tự do đó để làm điều thiện hay xấu. Xin Chúa ban ơn trợ lực, để chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban mà làm việc tốt, hầu sinh ích cho phần hồn chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Ngoại tình trong lòng

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay hẳn gây sốc cho những ai nghe Đức Giêsu,

và nhất là cho chúng ta ở thế kỷ này nữa.

Đòi hỏi của Đức Giêsu mang tính tận căn, vượt quá Luật Môsê.

Không phải chỉ là tránh ngoại tình trong hành động,

mà còn phải tránh cả ngoại tình trong tư tưởng, trong trái tim,

khi nhìn người phụ nữ bằng cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt.

Phụ nữ ở đây hẳn là người đã có chồng, đầu tóc được che khăn.

Thèm muốn ở đây không phải chỉ là một rung động tự nhiên trước vẻ đẹp,

nhưng muốn nói đến một dục vọng xác thịt được nuôi dưỡng kéo dài,

nhắm đến một tương quan bất chính với người phụ nữ ấy.

Thèm muốn này có tính chiếm đoạt.

Điều này đã được nói đến ở giới răn thứ mười:

chớ thèm muốn vợ người khác (Xh 20, 17).

Đàn ông hôm nay thấy khó tránh cái nhìn thèm muốn, chiếm đoạt.

vì phụ nữ hôm nay biết cách lôi kéo cái nhìn của họ.

Nhiều phụ nữ coi “gợi cảm” và “gợi tình” là điều cần nhắm tới.

Các quán bán cà phê đều cần những cô “có ngoại hình”.

Trong các tạp chí và trên mạng thiếu gì những hình ảnh tươi mát, dâm ô.

Chúng ta đã quen với một nền văn hóa tiếp thị bằng hình ảnh như thế.

Từ nhìn đến thèm muốn cháy bỏng, rồi dẫn đến sa ngã thực sự.

Nạn mãi dâm, ngoại tình, đổ vỡ trong gia đình vẫn là chuyện nhức nhối.

Từ đó phát sinh bao bệnh tật và tệ nạn trong xã hội.

Đức Giêsu muốn ngăn chặn cái xấu từ trong gốc rễ.

Bà Evà đã nhìn, đã thèm muốn, rồi cuối cùng đã hái trái cấm.

Từ mắt đến tim và đến tay: đó vẫn là con đường bình thường của cám dỗ.

Đức Giêsu đã dùng lối ngoa ngữ để nói lên đòi hỏi tận căn của Ngài.

Nếu mắt hay tay làm dịp cho chúng ta phạm tội về xác thịt,

thì thà mất mắt phải hay tay phải mà vào Nước Trời

còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục.

Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt,

vì làm thế cũng chẳng khiến ta hết dục vọng.

Nhưng chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn

mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời.

Làm sao để cái nhìn của tôi được trong sáng ngay giữa một thế giới ô uế?

Làm sao để tôi không coi người khác phái chỉ là đối tượng của dục vọng xác thịt?

Làm sao tôi có thể quay đi và nhắm mắt để được tự do?

 

Cầu nguyện :

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ tâm hồn con thanh khiết.

Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,

xin gìn giữ mắt con.

Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,

xin dạy con biết trân trọng thân xác.

Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,

xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao

vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,

để biết tự hiến trong yêu thương.

Xin đừng để con phung phí sức lực

vào những chuyện tình cảm chóng qua,

nhưng giúp con tự rèn luyện mình

để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ thân xác con thanh khiết. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

1. Điều răn “Chớ ngoại tình”

Điều răn này có ở trong Mười Điều Răn của Cựu Ước và của Giáo Hội. Cùng đích của điều răn này, tuy không được phát  biểu trong văn bản của Mười Điều Răn, nhưng ai cũng có thể đoán ra được: đó là sự bền vững và tình yêu. Bền vững và tình yêu liên quan chặt chẽ với nhau và là nền tảng của hạnh phúc, của niềm vui và của chính sự sống. Sự sống có thể phát sinh, nhưng không thể tồn tại và lớn lên nếu không có sự bền vững và tương quan tình yêu.

Nhưng trong thực tế, điều răn này đã bị Tội lợi dụng, đã trở thành phương tiện của Tội như thánh Phaolô nói trong Rm 7: Luật trở thành nơi cho Tội ẩn nấp, trở thành phương tiện của Tội, thậm chí trở thành đà phóng của tội (x. Rm 7, 8). Nghe những khẳng định này chúng ta có thể lấy làm lạ, nhưng đó lại là kinh nghiệm sống của mọi người, của chính chúng ta. Những người để mình bị chi phối bởi Tội sẽ nghĩ như thế này: thế nào là một hành vi ngoại tình? Họ đòi cho được một định nghĩa, hay họ tự tạo cho mình một định nghĩa; và sau đó thì ham muốn thoải mái, nghĩ ngợi thoải mái, tưởng tượng thoải mái, ăn nói thoải mái…, miễn sao mình không vi phạm điều mà luật chớ ngoại tình định nghĩa. Như thế, họ giữ luật “chớ ngoại tình” chỉ ở bên ngoài, chỉ có cái vỏ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng cái đê lề luật không thể ngăn chặn mãi được sức mạnh của lòng ham muốn, chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ vỡ, sẽ vỡ tan tành.

 2. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6)

Cách Đức Giêsu hoàn tất Lề Luật (x. Mt 5, 17) không phải là bổ túc thêm những luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn (nếu là như thế, thì làm sao tuân giữ được, vì luật bình thường đã nặng nề rồi), nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó. Và để đi đến cùng, thì phải khởi đi từ đầu.

Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là một thúc đẩy của Thần Khí, đi từ khởi đầu cho đến cùng đích bằng cách đi ngang Lề Luật, vượt qua lề luật.

Cha

 

trên trời

(c. 48)

Con tim
 

 

    KHỞI ĐẦU  =>

 

 

LUẬT

 

 

 

=> CÙNG ĐÍCH

Sáng Tạo

 

Sau này, một số người Pharisiêu đến hỏi Đức Giêsu: “chồng có được phép rẫy vợ không?” (Mt 19, 3-12) Ngày nay, cả hai vợ chồng đều được mời gọi chia sẻ bổn phận lo cho đời sống gia đình, tùy theo khả năng và hoàn cảnh; vì thế, câu hỏi này phải được nói lại như sau: vợ chồng có được phép bỏ nhau không? Bởi vì, ngày nay, người vợ cũng có thể chủ động bỏ chồng của mình!

Những người Pharisiêu hỏi như thế là để thử Đức Giê-su. Thử, nghĩa là đặt người khác vào trong một tình huống khó khăn, để xem người này có nói sai hay hành động sai hay không nhằm kết án. “Thử” ở đây tương đương với hành động giăng bẫy. Và câu hỏi của những người Pharisiêu thực sự là một cái bẫy chết người; thực vậy, nếu Ngài trả lời không được phép, Ngài sẽ nói ngược với Luật Môsê, mà Luật Mô-sê đến từ chính Thiên Chúa; nếu trả lời được phép, Ngài sẽ trở thành người đồng lõa với tệ nạn lạm dụng sự cho phép của Lề Luật để bỏ nhau, một cách vô trách nhiệm và gây hậu quả sâu rộng, trong thực tế.

Quả thật, có điều luật, được viết trong sách Đệ Nhị Luật, đòi buộc phải làm giấy li hôn, trong trường hợp li dị (x. Đnl 24, 1). Đặt vào bối cảnh lịch sử, thực ra, đó là một luật tiến bộ, đặc biệt theo hướng tôn trọng người phụ nữ: thay vì đuổi vợ bừa bãi, thì người chồng phải viết chứng thư, trao tận tay để nàng có thể làm lại cuộc đời. Nhưng Đức Giêsu, một cách thật bất ngờ, mặc khải cho người nghe thực trạng mà từ đó luật được ban hành, thực trạng mà Đức Giêsu gọi là “lòng chai dạ đá” của con người. Luật được ban, điều này có nghĩa là “cái xấu”, sự dữ đã có mặt. Chẳng hạn luật cấm giết người, điều này có nghĩa là người ta đã giết người trong thực tế! Điều này đúng cho mọi Lề luật, xưa cũng như nay, đời cũng như đạo.

Như thế, Lề Luật chỉ giới hạn và ngăn cản, như cái đê chắn sóng nước hung dữ, chứ không thể giải quyết tận căn sự dữ có trong lòng con người, gây tai hại cho đời sống con người, trong đó có đời sống hôn nhân và gia đình; hơn nữa, trong thực tế, chính khi nại đến Luật, để biết được phép hay không được phép, thì giao ước, tình yêu, lòng trung thành, tương quan hiệp nhất đang bị tổn thương và có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Khi nói đến Luật, thì sự dữ đã có đó rồi, tương tự như khi người ta thiết lập luật li dị hay nói đến luật li dị. Điều lạ lùng là khi có lề luật, cái xấu không bớt, nhưng lại càng sinh sôi (x. Rm 7, 7-13), như chúng ta thấy hiện nay trong mọi lĩnh vực, bởi vì tương quan tình yêu, tình bạn, tình đồng bào và đồng loại đã bị đỗ vỡ (hay nghiêm trọng hơn, không được xây dựng từ khởi đầu) ngay trong lòng con người.

 3. Hoàn tất điều răn “chớ ngoại tình”

Đức Giê-su quan tâm đến cái xấu đang có mặt trong lòng con người, và mời gọi chúng ta giải quyết tận căn bằng cách trở về với nguồn gốc.

  • Ở nguồn gốc, không có lề luật, chỉ có ơn sủng nhưng không tuyệt đối: người phụ nữ là một tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, ban không cho người đàn ông; và ngược lại, người đàn ông, vốn là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, được ban không cho người phụ nữ. Người phụ nữ là tuyệt tác, vì được dựng nên từ xương thịt con người, vốn là tinh hoa của sáng tạo; trong khi đó, người đàn ông được dựng nên từ bùn đất. Vì thế, người phụ nữ được gọi là phái đẹp và tượng trưng cho sự dịu dàng.
  • Ở nguồn gốc, là tình yêu hai người dành cho nhau một cách quảng đại và nhưng không, cùng với lời cam kết thuộc về nhau vĩnh viễn, vì cả hai một cách tự do, trở nên “một xương một thịt”.

Nguồn gốc của sáng tạo là ơn sủng và tình yêu, và ở ngọn nguồn của mỗi đôi hôn nhân cũng như vậy, cũng là ơn sủng và tình yêu. Bởi vì người con trai hay người con gái đã làm gì cho người kia, mà người này lại tự nguyện thuộc về mình suốt đời, tự nguyện cho đi, trao vào tay người kia cuộc đời mình? Xóa bỏ hay quên đi tình yêu nhưng không ban đầu này, đời sống hôn nhân sẽ không còn nền móng, và sẽ mau chóng đổ vỡ. Bởi vì, đời sống hôn nhân không thể chỉ đặt nền tảng trên lề luật, cho phép hay không cho phép, nhưng đặt nền tảng trên ơn sủng, ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban người kia cho mình, ơn sủng nhưng không của người này trao ban cho người kia; và từ đó phát sinh lời cam kết vĩnh viễn thuộc về nhau, cho dù cuộc đời bể dâu.

Vợ chồng chọn nhau, nhưng còn được mời gọi đón nhận nhau như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, trong một Giao Ước được Thiên Chúa đóng ấn vĩnh viễn. Tình yêu và Giao Ước của Thiên Chúa mới là đá tảng vững bền cho đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, cảm xúc của chúng ta hay giao động và không ổn định.

Và ơn gọi dâng hiến cũng cò cùng một nền tảng: ở ngọn nguồn là ơn huệ sự sống, tái tạo sự sống và ơn gọi nhưng không Chúa ban, và chúng ta liều mình đáp lại vĩnh viễn và qua từng ngày sống, với lòng cảm mến, với tâm tình tạ ơn và ca tụng: “Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả”.

Lời cam kết tình yêu của Thiên Chúa là Chân Lý, nghĩa là luôn luôn đúng. Lời cam kết của chúng ta, trong giao ước hôn nhân cũng như trong lời tuyên khấn, cũng được mời gọi trở nên “chân lí”, nghĩa là luôn luôn đúng, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

*  *  *

Vì thế, để đạt được cùng đích của điều răn chớ ngoại tình, Đức Giê-su mời gọi loài người chúng ta khởi đi từ đầu, và tất yếu phải khởi đi từ đầu; và năng động này không chỉ có giá trị cho điều răn “chớ ngoại tình”, nhưng cho mọi điều răn và lề luật (x. Mt 5, 17-48).

  • Khởi đi từ đầu nơi lòng muốn hay lòng ước ao, nơi đôi mắt, nơi đôi tai, nơi tay. Và đoạn tuyệt với sự dữ ngay từ đây, ở những bước đầu này: “chặt, ném và ném cho xa”.
  • Khởi đi từ đầu nơi tình yêu và ân huệ được trao ban cách nhưng không và quảng đại khi mới yêu nhau. Quên đi khởi đầu này sẽ là tai họa, là đại họa như chúng ta vẫn chứng kiến hay đọc trên báo.
  • Khởi đi từ đầu nơi sáng tạo, ở đó người nam và người nữ được ban cho nhau như là quà tặng tuyệt đối nhưng không của Thiên Chúa. Như chính Đức Giêsu sẽ trả lời chất vấn của những người lệ luật:

Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra
con người có nam có nữ.

                                                             (Mt 19, 4)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Nếu mắt anh em gây cớ cho anh em phạm tội

Friday (June 14):  “If your eye causes you to sin”

Scripture:  Matthew 5:27-32  

27 “You have heard that it was said, `You shall not commit adultery.’ 28 But I say to you that every one who looks at a woman lustfully has already committed adultery with her in his heart.  29 If your right eye causes you to sin, pluck it out and throw it away; it is better that you lose one of your members than that your whole body  be thrown into hell. 30 And if your right hand causes you to sin, cut it off and throw it away; it is better that you lose one of your members than that your whole  body go into hell.  31 “It was also said, `Whoever divorces his wife, let him give her a certificate of divorce.’  But I say to you that every one who divorces his wife, except on the ground of unchastity, makes her an adulteress; and whoever marries a divorced woman commits adultery.

Thứ Sáu  14-6         Nếu mắt anh em gây cớ cho anh em phạm tội

Mt 5, 27-32

27 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.29 Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.30Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục.31 “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.32 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

Meditation:

 

What does Jesus mean when he says “pluck out your eye” or “cut off your hand and throw it away” if it leads you to sin? Is he exaggerating here? Jesus used forceful language to urge his disciples to choose for life – an enduring life of joy and happiness with God – rather than for death – an unending death and total separation from a community of love, peace, joy and friendship with God. Jesus set before his disciples the one goal in life that is worth any sacrifice and that goal is the conformity of our will with God and what he desires for our well-being and happiness with him. Just as a doctor might remove some part of the body, such as a diseased limb, in order to preserve the life of the whole body, so we must be ready to part with anything that causes us to sin and which inevitably leads to spiritual death.

 

 

The great stumbling block – bad example

Jesus warns us of the terrible responsibility that we must set no stumbling block in the way of another, that is, not give offence or bad example that might lead another to sin. The young in faith are especially vulnerable to the bad example of those who should be passing on the faith. Jesus teaches that righteousness involves responding to every situation in life in a way that fulfils’s God’s law, not just externally but internally as well. Jesus says that evil desires spring from the heart. That is why the sin of adultery must first be dealt with in the heart, the place not only of the emotions, but the mind, will, though, and intentions as well.

 

 

 

God’s intention from the beginning

God’s intention and ideal from the beginning was for man and woman to be indissolubly united in marriage as “one flesh” (see Genesis 2:23-24). That ideal is found in the unbreakable union of Adam and Eve. They were created for each other and for no one else. They are the pattern and symbol for all who were to come. Moses permitted divorce as a concession in view of a lost ideal (see Mark 10:2-9). Jesus sets the high ideal of the married state before those who are willing to accept his commands. Jesus gives the grace and power of his Holy Spirit to those who seek to follow his way of holiness in their state of life – whether married or single.

 

 

The power to live a holy life

If we want to live righteously as God desires for us, then we must know and understand the intention of God’s commands for us, and decide in our heart to obey the Lord. Through the gift and working of the Holy Spirit, the Lord writes his law on our hearts and gives us his power to live his way of righteousness and holiness. Do you trust in God’s love and allow his Holy Spirit to fill you with a thirst for holiness and righteousness in every area of your life?

 

 

“Lord Jesus, begin a new work of love within me. Instill in me a greater love and respect for your commandments. Give me a burning desire to live a life of holiness and righteousness. Purify my thoughts, desires, and intentions that I may only desire what is pleasing to you and in accord with your will.”

Suy niệm:

 Ðức Giêsu có ý gì khi Người nói “móc mắt đi” hay “chặt tay và ném nó đi” nếu nó khiến cho bạn phạm tội? Ở đây Người có đang phóng đại không? Ðức Giêsu sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để thúc giục các môn đệ chọn lựa cho sự sống – một cuộc sống vĩnh viễn cùng niềm vui và hạnh phúc với Thiên Chúa – hơn là cho cái chết – một cái chết bất tận và hoàn toàn xa cách khỏi cộng đoàn tình thương, bình an, vui mừng, và thân tình với Thiên Chúa. Ðức Giêsu đề ra cho các môn đệ mục đích duy nhất trong cuộc sống, xứng đáng với bất cứ sự hy sinh nào, và mục đích ấy hòa hợp ý muốn của chúng ta với Thiên Chúa, và những gì Người ao ước cho tình trạng hạnh phúc của chúng ta với Người. Giống như một bác sĩ có thể vứt bỏ một phần thân thể, như một cái tay hay cái chân bị hư hoại, để giữ lấy sự sống cho toàn thân, nên chúng ta phải sẵn sàng dứt bỏ bất cứ điều gì khiến chúng ta phạm tội, và chắc chắn đưa chúng ta đến cái chết thiêng liêng.

Cớ vấp phạm lớn nhất – gương xấu

Ðức Giêsu cảnh báo chúng ta về trách nhiệm nặng nề mà chúng ta không phải là chướng ngại vật trên con đường của người khác, nghĩa là, không được gây gương mù gương xấu, có thể đưa người khác tới chỗ phạm tội. Đức tin của giới trẻ đặc biệt rất dễ bị tổn thương với gương xấu của những người lẽ ra phải truyền đạt đức tin cho họ. Ðức Giêsu dạy rằng sự công chính bao gồm sự đáp trả của mọi tình huống trong cuộc đời, trong cách thức thực thi lề luật của Chúa, không chỉ ở bên ngoài, nhưng cả bên trong nữa. Ðức Giêsu nói rằng những ước muốn xấu xa nảy sinh từ trong lòng. Đó là lý do tại sao tội ngoại tình trước hết phải giải quyết tận bên trong, nơi chốn không chỉ của những động cơ, nhưng của cả tâm trí, ý chí, tư tưởng, và những quyết định nữa.

Ý định của Thiên Chúa từ thuở ban đầu

Ngay từ ban đầu, ý định của Thiên Chúa là người nam và người nữ liên kết với nhau trong hôn nhân không thể chia cắt, giống như “một thân thể” (St 2,23-24). Lý tưởng đó được tìm thấy trong mối liên kết bất khả phân ly giữa Adam và Eva. Họ được tạo dựng cho nhau, chứ không cho một ai khác. Họ là kiểu mẫu và biểu tượng cho tất cả những ai sắp sửa bước vào đời sống hôn nhân. Môisen cho phép ly dị như một sự nhượng bộ trong quan điểm về một lý tưởng bị lu mờ (Mc 10,2-9). Ðức Giêsu đặt lại lý tưởng cao quý của tình trạng hôn nhân, trước những ai sẵn sàng tiếp nhận các giới răn của Người. Ðức Giêsu ban ơn sủng và quyền năng của Chúa Thánh Thần cho những ai muốn bước theo đường lối thánh thiện của Người trong ơn gọi của họ – dù ở bậc gia đình hay sống độc thân.

Sức mạnh để sống đời sống thánh thiện

Nếu chúng ta muốn sống công chính như Thiên Chúa mong ước, thì chúng ta phải nhận biết và hiểu ý định của các giới răn của Người dành cho chúng ta, và quyết tâm vâng phục Thiên Chúa. Ngang qua ơn sủng và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ghi khắc lề luật của Người vào lòng chúng ta, và ban cho chúng ta sức mạnh để sống theo đường lối công chính và thánh thiện của Người. Bạn có tin cậy vào tình yêu của Chúa và để cho Chúa Thánh Thần lấp đầy lòng bạn niềm khao khát sự thánh thiện và công chính trong mọi lãnh vực đời sống của bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy khởi sự tác động yêu thương mới mẻ trong lòng con. Xin gia tăng nơi con tình yêu và lòng tôn kính lớn lao hơn đối với các điều răn của Chúa. Xin ban cho con một ước muốn nóng cháy để sống một đời sống thánh thiện và công chính. Xin hãy thanh tẩy các tư tưởng, ước muốn, và ý định của con để con có thể chỉ ao ước những gì làm vui lòng Chúa và phù hợp với ý Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây