Thánh Banaba, tông đồ. Lễ nhớ.

Thứ hai - 10/06/2019 08:37

Thứ Ba tuần 10 thường niên – Thánh Banaba, tông đồ. Lễ nhớ.

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

 

 

Thánh nhân quê ở đảo Sýp. Ít lâu sau lễ Ngũ Tuần, người có mặt trong cộng đoàn Giêrusalem, rồi ở Antiôkia, nơi người đã giới thiệu ông Saolê thành Tácxô với các anh em.

Người đã cùng với ông Phaolô đi loan báo Tin Mừng cho Tiểu Á, nhưng sau người trở lại đảo Sýp. Thánh Banaba, với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Mt 10, 7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.

“Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.

“Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Người được sai đi

Suy niệm:

Chúng ta không rõ Thầy Giêsu đã sai các môn đệ lên đường

sau thời gian họ sống với Ngài bao lâu.

Nhưng chúng ta biết chắc là Thầy có sai các môn đệ.

Thầy sai họ đi để làm những việc Ngài đã và đang làm (Mt 9, 35),

như rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, chữa bệnh, trừ quỷ (c. 8a).

Như thế họ trở nên những cộng sự viên của Ngài trong cùng một sứ vụ.

Thầy Giêsu không độc quyền trong công việc.

Ngài cũng không giữ riêng cho mình quyền trên các thần ô uế (Mt 10,1).

Việc chia sẻ quyền và mời gọi cộng tác đã có từ thời Thầy Giêsu,

và vẫn kéo dài trong Giáo Hội.

Lời dặn dò của Đức Giêsu trước khi sai họ đi đã đánh động nhiều tâm hồn,

đặc biệt những vị sáng lập các dòng tu.

Đặt mình vào bối cảnh vùng Galilê cách đây gần hai mươi thế kỷ,

chúng ta mới hình dung được khuôn mặt của những vị tông đồ đầu tiên.

Trước hết họ được sai đến với chính đồng hương của họ,

“những chiên lạc nhà Israel”, vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9, 36).

Loan báo Tin Mừng là lên đường, đường đất đá hay đường núi đồi,

và đi bằng đôi chân của mình, không giày dép.

Những bước chân nhẹ nhàng vì hành trang chẳng có gì.

Thắt lưng chẳng mang tiền vàng, bạc, đồng, để dùng khi hữu sự.

Cả những điều một người lữ hành thường có cũng không:

một bao bị, một cái áo dự phòng, một cái gậy để chống khi đi đường xa.

Người tông đồ được đặt ở trong tình trạng bấp bênh, không chỗ dựa.

Chỗ dựa duy nhất của họ là lòng tốt của Thiên Chúa,

được thể hiện qua lòng tốt của người đón nghe Tin Mừng.

Chuyện ăn, chuyện ở, họ đều phải tin tưởng phó thác (cc. 10b. 11).

Hành trang nhẹ nhàng, tâm hồn nhẹ nhàng,

nên các tông đồ cũng thi hành sứ vụ một cách nhẹ nhàng, thanh thoát.

Họ làm mọi sự mà chẳng đòi hỏi gì (c. 8b).

Vừa rao giảng Tin Mừng rằng Nước Trời đã đến rồi,

vừa minh chứng Tin Mừng ấy bằng bao niềm vui đem đến cho người khác.

Bệnh nhân được khỏi, người chết sống lại, người phong được sạch,

và nhất là ma quỷ không còn chỗ cư ngụ trong lòng con người (c. 8a).

Bình an là lời chúc trên môi dành cho mọi căn nhà họ đến ở (c. 12).

Rõ ràng hành trình truyền giáo là một kinh nghiệm đầy ắp niềm vui hứng khởi,

cho đoàn chiên và cho chính các tông đồ.

Nếu Thầy Giêsu dặn dò các tông đồ hôm nay, Ngài sẽ nói gì?

Ngài sẽ bảo chúng ta đừng mang gì và nên làm gì cho con người hôm nay?

Chắc Ngài cũng sẽ khuyên hãy nhẹ nhàng hơn, phó thác hơn, vô vị lợi hơn.

Thế giới hôm nay vẫn yếu đau và bị ám như cách đây hai ngàn năm.

Thế giới hôm nay vẫn chờ một Tin Vui, một lời chúc Bình an.

Chúng ta vẫn được mời gọi để làm điều Ngài và các môn đệ đã làm.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

SUY NIỆM 2: Người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”.

Sau khi trở lại, thánh Phaolô đến Giêrusalem, nhưng cộng đoàn tín hữu tại đây vẫn còn ngờ vực thiện chí của ngài.

Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.

Từ Antiokia, cùng với Marcô, Barnaba và Phaolô lên đường đi đến đảo Sýp, quê hương của Barnaba và từ đó sang Tiểu Á. Tại một trạm đầu tiên ở Tiểu Á, Marcô đã chia tay với Barnaba và Phaolô. Barnaba và Phaolô bắt đầu những trạm truyền giáo cam go nhất. Mỗi một bước đi là mỗi một lần bị chống đối và bách hại từ phía những người Do Thái. Những người này cũng xúi giục dân ngoại chống lại các vị tông đồ.

Tại Líttra, sau khi thánh Phaolô chữa lành một người tàn tật, dân thành xem các ngài như những vị thần. Họ định giết bò để tế cho các ngài nhưng liền sau đó bị người Do Thái xúi giục họ lại quay ra tấn công hai ngài. Riêng thánh Phaolô bị gây thương tích. Dù bị chống đối và bách hại, hai vị tông đồ vẫn hoán cải được nhiều người cũng như tổ chức được giáo đoàn. Bị người Do Thái và dân ngoại chống đối và bách hại, Barnaba và Phaolô còn gặp khó khăn ngay cả từ phía cộng đoàn Giêrusalem. Vấn đề xoay quanh việc có nên cắt bì cho dân ngoại không. Hai vị thánh này đã tranh đấu và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong cộng đoàn Giêrusalem.

Về sau, trong chuyến đi trở lại để viếng thăm các cộng đoàn, Barnaba và Phaolô đã chia tay nhau mỗi người một ngả. Barnaba đi với Marcô đến Sýp; Thánh Phaolô cùng với một người môn đệ tên là Xila trở lại Tiểu Á. Những năm tháng còn lại của Barnaba không còn được nhắc đến nữa. Nhưng cũng như thánh Phaolô, thánh Barnaba vừa rao giảng Tin Mừng vừa tự lực cánh sinh. Khi thánh Phaolô bị giam tại Rôma, Marcô đã trở thành môn đệ của ngài. Ðiều này cho thấy rằng Barnaba không còn nữa.

Theo truyền thuyết, thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Dù thế nào đi nữa, tất cả mọi truyền thuyết đều gặp nhau trong cùng một điểm là xem Barnaba như con người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô đầu tiên. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thái độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu và đại lượng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Thánh Barnabas

Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội, đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Qua sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse, và các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản.

Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô, một người mới tòng giáo mà ai ai cũng sợ hãi vì quá khứ bắt đạo của Saolô. Sau đó, Barnabas được sai đi rao giảng ở Antiôkia. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnabas đã xin Phaolô (tên cũ là Saolô) đến tiếp tay; cả hai đã xây dựng một giáo hội thật phát triển. Theo sách Công Vụ Tông Ðồ, chính ở Antiôkia mà “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu.”

Chính trong cộng đoàn siêng năng cầu nguyện này mà “Thánh Thần phán bảo, 'Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy.” Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.” Do đó, Barnabas và Phaolô khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Trong một thành phố, người Hy Lạp quá mến mộ các ngài đến nỗi họ tôn thờ Barnabas và Phaolô như các thần Zeus và Hermes. Vất vả lắm thì các ngài mới ngăn cản được đám đông hiếu khách ấy đừng dâng của lễ mà tế các ngài.

Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Phaolô và Barnabas đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã làm chủ tình hình trong Công Ðồng Giêrusalem.

Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.

Mặc dù không có những dữ kiện rõ ràng, dường như Barnabas, với sự tháp tùng của Gioan Máccô, đã trở về Cyprus. Ở đây, theo truyền thuyết, ngài đã chịu tử đạo vào năm 61.

Lời Bàn

Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người “đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa.” Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ “tràn ngập niềm vui và Thánh Thần.”

(Trích trong ‘Gương Thánh Nhân’ – http://nguoitinhuu.com)

 

SUY NIỆM 4: Gợi ý từ ‘Hạt giống… Nảy mầm’ của Lm. Trọng Hương

A. Hạt giống...

Những chỉ dẫn tiếp theo về cách đối xử của người được sai đi giảng Tin Mừng:

- Công việc sẽ làm: “chữa lành” người đau yếu.

- Trừ quỷ.

- Tinh thần phục vụ quảng đại: Hãy cho cách nhưng không, vì trước đó ta đã lãnh nhận cách nhưng không.

- Đừng quá bận tâm đến những phương tiện vật chất. Có thứ gì thì dùng thứ đó.

- Cũng đừng quá quan tâm kén chọn chỗ trọ.

- Phải đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.

B.... nẩy mầm.

1. “Các con hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần”: nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa ở quá xa. Sứ giả Tin Mừng phải làm cho người ta tin rằng Thiên Chúa và Nước Trời đang ở thật gần, bởi vì Thiên Chúa chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

2. “Chữa lành các bệnh nhân…, làm cho kẻ chết sống lại…, làm cho những người cùi được sạch… trừ quỷ…”: tông đồ là một con người chuyên làm lành: xoa dịu những đau khổ, đem lại lẽ sống cho kẻ tuyệt vọng, giúp đỡ những người bị xã hội khinh chê, giải thoát người ta khỏi tội lỗi…

3. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”: Làm tông đồ cũng là một bổn phận công bình. Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo Hội cho nên tôi cũng phải biết cho đi.

4. Nhận và cho: Một hôm có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền 25 đồng vàng để ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng bác ái của Ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 đồng vàng nữa ngoài số 25 đồng mà ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo (Góp nhặt)

5. Phaolô và Banaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Banaba thì tình cảm và mềm dẽo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau: lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì có mặt những người do thái nên vì muốn không gây khó chịu cho họ, thánh Banaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách nặng hai ngài. Nhưng sách thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, Banaba người đỡ đầu cho Phaolô, còn Phaolô chỉ là một kẻ đến sau, một người cấp dưới. Thế mà hôm nay người đến sau và người cấp dưới ấy công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng trước mặt cả người do thái lẫn người lương tòng giáo. Vậy mà hai vị này vẫn nhịn. Thật là một tấm gương về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí. Lần đụng độ thứ hai là về việc của Marcô (Cv 15,39): Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Banaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô giận lắm. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Banaba lại rủ Marcô theo, có ý là để Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần Banaba thì cũng thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên cũng nhất định giữ anh này. Kết quả là Banaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng một hướng riêng. Chuyện bất đồng này lại sinh kết quả tốt là việc truyền giáo càng được đẩy mạnh hơn. Còn thêm một kết quả nữa chứng minh quan điểm của Banaba là hợp lý, đó là ông đã thực sự cứu chữa được Marcô, Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành và tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

Mỗi người chúng ta khi sinh ra mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.

6. Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trước khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trong đó lời dặn đầu tiên là “Anh em hãy chữa lành” và lời dặn cuối cùng là “Đến đâu anh em hãy mang bình an tới đó”. Với cá tính tự nhiên thích hợp với hai điều này, Thánh Banaba đã thực hiện rõ nhất hai lời căn dặn này của Chúa:

- Ngài đã cứu chữa Phaolô khi đứng ra bảo lãnh Phaolô trước mặt các tông đồ; rồi giúp cho hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác nhau vui vẻ.

- Ngài đã cứu chữa giáo đoàn Antiôkhia, chẳng những hóa giải được mối e ngại của Giêrusalem đối với những hoạt động truyền giáo của giáo đoàn non trẻ này, mà còn khuyến khích họ, bồi dưỡng giáo lý cho họ và nâng uy tín của họ đối với giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Rồi lại làm cho hai giáo đoàn mẹ con hòa thuận hợp tác.

- Ngài cứu chữa chính giáo đoàn mẹ Giêrusalem, đem đồ cứu trọ của Antiôkhia về cho Giêrusalem.

- Cùng với Phaolô, Ngài cứu chữa các tín hữu gốc lương dân. Bênh vực họ trong hội nghị Giêrusalem. Góp phần làm cho kitô hữu gốc do thái và kitô hữu gốc lương dân sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin.

- Ngay cả khi đụng chạm với Phaolô, Thánh Banaba cũng được thúc đẩy bởi tấm lòng thích cứu chữa và hòa giải: trong vụ ăn uống là vì Ngài không muốn gây vấp phạm cho các tín hữu gốc do thái; trong vụ Marcô là vì Ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm.

7. “Đừng sắm vàng bạc hay tiến đồng để giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy” (Mt 10,9-10)

Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Họ tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Họ muốn tung cánh trong tự do bát ngát. Họ gieo Tin Mừng khắp cánh đồng Galilê.

Quê hương con, bao thế hệ cũng đã lên đường. Họ kiếm tìm bình đẳng, bác ái và tự do. Họ đấu tranh cho công bằng xã hội. Họ xây dựng một thế giới hòa bình. Và nhiều người đã bỏ mình vì Nước Chúa.

Còn con… Con cần đội chiếc mũ bằng cấp. Con thích mặc chiếc áo sắc đẹp. Con muốn xỏ đôi giày tình yêu. Con ham vác vài bao của cải, và tay cầm cây gậy quyền năng. Rồi con trở nên nặng nề vì các tạo vật ấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. (Hosanna)

 

SUY NIỆM 5: Thánh Barnaba

Dù không phải là một trong số mười hai tông đồ được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng thánh Barnaba được thánh ký Luca gọi là tông đồ trong sách Tông đồ Công vụ của ngài. Vì như tông đồ Phaolô, Barnaba cũng nhận được từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt. Thánh nhân là người gốc Dothái, sinh tại đảo Cyprô. Tên của ngài là Giuse nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi.”

Ngay khi trở thành Kitô hữu, thánh Barnaba đã bán tất cả những gì ngài có và đem tiền dâng cho các tông đồ. Thánh nhân là người tốt bụng. Ngài rất nhiệt thành hăng say tin yêu Đức Chúa Giêsu. Barnaba được sai đến thành Antiôkia để rao giảng Tin mừng. Antiôkia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc Rôma thời ấy. Tại đây, những người tin theo Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Barnaba nhận thấy mình cần sự giúp đỡ nên liền nghĩ tới Phaolô thành Tarsô. Ngài tin rằng Phaolô đã thực sự được ơn trở lại. Chính Barnaba đã đứng ra thuyết phục thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu; và đã xin cho Phaolô đến làm việc với mình. Barnaba là người khiêm tốn. Ngài không ngại chia sẻ năng lực và trách nhiệm. Ngài cũng biết Phaolô có một ân sủng rất đặc biệt và ngài muốn thánh nhân có cơ hội để trao ban.

Một thời gian sau, Chúa Thánh Linh đã chọn Phaolô và Barnaba để thực hiện một sứ vụ quan trọng. Sau đó không lâu, hai vị tông đồ đã lên đường thực hiện sứ mệnh anh dũng này. Các ngài đã phải chịu nhiều đau khổ và thường hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng giữa những thử thách cam go, việc rao giảng của các ngài đã thuyết phục được nhiều người trở về với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Sau đó, thánh Barnaba tiếp tục thực hiện một cuộc truyền giáo khác. Lần này với thánh Marcô, người bà con với ngài. Họ đi về Cyprô, quê hương của Barnaba. Qua việc rao giảng của thánh Barnaba, rất nhiều người đã trở nên Kitô hữu đến nỗi Barnaba được gọi là tông đồ của đảo Cyprô. Theo ý kiến chung, người ta cho rằng vị đại thánh này đã bị ném đá chết vào năm 61.

Thánh Barnaba đã nhận một danh xưng biểu hiệu đúng con người của ngài: một người tốt luôn luôn khuyến khích người khác yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện với vị thánh này và xin ngài làm cho chúng ta cũng được trở nên những “người con của sự an ủi” như thánh nhân.

 

SUY NIỆM 6: Thánh Barnaba

Mặc dù thánh Barnaba không phải là một người trong nhóm mười hai tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, nhưng thánh Luca coi ngài như vị tông đồ, vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Thánh nhân là người gốc Do Thái, sinh tại đảo Síp. Tên của ngài là Giuse, nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản. Danh xưng này có nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi.”

Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo. Sau đó, Barnaba được sai đi rao giảng ở Antiôkia để rao giảng Tin Mừng. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnaba đã xin Phaolô đến giúp sức cho mình. Cả hai đã xây dựng một Giáo Hội thật phát triển tại nơi đây. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu".

Sau một thời gian, Chúa Thánh Thần đã chọn thánh Barnaba và thánh Phaolô để thực hiện một sứ vụ quan trọng, đó là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Do đó, hai ông đã khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên ở nước ngoài, trước hết là đến Síp và sau đó là đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh một vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Thánh Phaolô và Barnaba đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã được Công đồng Giêrusalem chấp thuận, tức là những người ngoài Do Thái khi rửa tội không buộc phải chịu cắt bì.

Barnaba và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo của mình, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Máccô, vị thánh sử tương lai. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnaba đem Máccô đến đảo Síp. Sau này cả ba người là Phaolô, Barnaba và Máccô đã làm hòa với nhau.

Tuy không có những dữ kiện rõ ràng, nhưng theo truyền thuyết thì thánh Barnaba đã được phúc tử đạo tại Síp vào năm 61. Đồng thời, truyền thống Hội Thánh nhìn nhận ngài là vị sáng lập Hội Thánh tại đảo Síp. Bên cạnh đó, người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448 và trên ngực ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.

Thánh Barnaba là mẫu gương về lòng nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, và là mẫu gương về một đời sống khiêm nhường, bác ái và chia sẻ cho tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin thánh nhân phù trợ cho mỗi người chúng ta, để trong đời sống thường ngày chúng ta biết quan tâm và chia sẻ Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

Pet. Hải Văn SDB

 

SUY NIỆM 7: Thánh Barnaba

Thánh Barnaba nắm giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách Công Vụ Tông Đồ, không phải cho mình mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách.

Ngài là một người Do Thái được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem. Chính ở địa vị này mà khoảng năm 39 tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv 9-27). Bốn năm sau, Ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26). Thành phố này rất quan trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân.

Một lần nữa, cùng với Saolê, Ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho Giáo Hội Giêrusalem (Cv 27-30). Nơi đây hai người lại được Gioan Marô là bà con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn. Ba người họp thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14). Từ đây Barnaba dần dần ẩn mặt đi. Dầu Chypre là sinh quán của Ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới là Phaolô dẫn dầu cuộc truyền bá Phúc Âm. Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới lục địa Tiểu Á. Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes. Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông. Ba năm sau Phaolô trở về và được cộng đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối Ngài theo trong chuyến hành trình (Cv 15,1-35).

Năm sau, dự định hành trình truyền giáo thứ hai có sự tranh chấp về việc kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và Barnaba trở về Chypre. Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên Ngài không còn được nhắc đến trong sách Công Vụ nữa. Trong việc trao đổi thư từ của Phaolô với Giáo Hội Côrintô cho thấy khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống (1Cr 9,5). Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Roma (2Tm 4). Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.

Một truyền thống sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria, Rôma, và Milan. Tại Milan, Ngài là Giám mục tiên khởi. Một truyền thống đáng tin hơn cho biết Ngài chết vì ném đá ở Salamis, sinh quán của Ngài. Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc Âm thánh Barnaba và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnana. Nhưng những tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công Vụ các tông đồ. cuốn gọi là thơ thánh Barnaba mà nhiều giáo phụ chép vào thơ mục Thánh Kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do Thái theo Kitô giáo ở Alexandria.

 Người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực Ngài còn có một cuốn Phúc Âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Ngài đã chép tay.

(tgpsaison.net)

 

SUY NIỆM 8: Thánh Barnaba

Thánh Bác-na-ba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái. Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài thành Bác-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36). Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Ngài cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26). Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37). Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24). Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).

Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Bác-na-ba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô. Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26). Thánh Bác-na-ba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á. Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem. Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cả ở nơi người Do-thái lẫn nơi người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Bác-na-ba vì vấn nạn liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy luật Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), và vì Gio-an Mác-cô, người em họ của Bác-na-ba. Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau. Sau đó, Thánh Bác-na-ba cùng với Thánh Mác-cô đã đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39). Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, Thánh Bác-na-ba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân. Cũng theo truyền thuyết, Thánh Bác-na-ba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I. Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này. Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài đã được phúc Tử Đạo thông qua việc bị ném đá đến chết.

Một số chuyên gia đã so sánh Thánh Bác-na-ba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.

Có một bức thư mang tên của Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng ngũ các sách Ngụy Thư. Bức thư này muốn chứng minh những huấn giáo của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi như thành phần của quy điển Tân Ước. Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên bức thư này không được công nhận là của Thánh Bác-na-ba. Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền. Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi cho tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn. Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Bác-na-ba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái.

Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.

Tương truyền về việc Thánh Bác-na-ba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn. Theo đó, Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp). Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết trên ngôi mộ của Ngài. Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó.

Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Bác-na-ba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài. Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy. Khai quật ngôn mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, khi Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài một cách hết sức trang trọng. Trên ngực của Thánh Bác-na-ba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Bác-na-ba chép lại. Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật. Qua đó vị Giám mục của Giáo hội Sýp đã thuyết phục được nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Sýp được thành lập bởi Thánh Bác-na-ba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó. Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay. Nguồn suối này được cho là có khả năng chữa lành cũng như có khả năng kỳ diệu, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da. Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Bác-na-ba.

Các Thánh Tích của Thánh Bác-na-ba đã được tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, và tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Song ngữ

Tuesday (June 11): “The salt of the earth and light of the world”

Scripture:  Matthew 5:13-16

13 “You are the salt of the earth; but if salt has lost its taste, how shall its saltiness be restored? It is no longer good for anything except to be thrown out and trodden under foot by men. 14 You are the light of the world. A city set on a hill cannot be hidden. 15 Nor do men light a lamp and put it under a bushel, but on a stand, and it gives light to all in the house. 16 Let your light so shine before men, that they may see your good works and give glory to your Father who is in heaven.”

 

Thứ Ba  11-6           Anh em là muối và là ánh sáng của thế gian

Mt 5,13-16

13 “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.14“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Meditation:

 

Jesus used ordinary images, such as salt and light, to convey extraordinary truths that transform our minds, hearts, and lives. What does salt and light have to teach us about God and the transforming power of his kingdom? Salt was a valuable commodity in the ancient world. People traded with it, like we trade with valuable goods, such as gold and stock. Salt also served a very useful purpose, especially in warmer climates before the invention of electricity and refrigeration. Salt not only gave rich flavor to food, it also preserved food from going bad and being spoiled.

God’s power at work within us purifies and enriches our lives

Jesus used the image of salt to describe the transforming effect of God’s work in our lives – and how the Holy Spirit wants to work in and through us to bring the power and blessing of God’s kingdom to others. As salt purifies, preserves, and produces rich flavor for our daily food, we, too, as disciples of Jesus, are “salt” for the world of human society. The Lord wants to work in and through us to purify, preserve, and spread the rich flavor of God’s kingdom everywhere – his “kingdom of righteousness, peace, and joy in the Holy Spirit” (Romans 14:17).

 

 

Don’t lose your saltiness 

What did Jesus mean by the expression “if salt has lost its taste… it is no longer good for anything except to be thrown out and trodden under foot” (Matthew 5:13)? Salt in the ancient world was often put into ovens to intensify the heat. When the salt was burned off and no longer useful it was thrown out on the ground where it would get stepped on and swept away (Matthew 5:13). 

How can we lose our “saltiness” – the power of God’s rich grace and strength at work in us? If we allow the world (which is opposed to God’s truth and moral goodness), and sinful habits, and Satan’s lies and deception to corrupt our minds and hearts, then we will lose the rich flavor and strength of God which preserves us from moral and spiritual corruption. The Lord wants us to preserve and enrich our “saltiness” – through Godly living and the rejection of sin – not only for our own sake but also for the sake of others who will be impacted by our witness and behavior. 

 

 

 

Paul the Apostle reminds us that we are called to be “the aroma of Christ to God among those who are being saved and among those who are perishing, to one a fragrance from death to death, to the other a fragrance from life to life” (2 Corinthians 2:15-16 ). Do you allow the fragrance of Christ’s love, truth, and holiness to permeate every area of your life, your thoughts, words, actions, and relationships?

 

 

Let the light of Christ shine brightly in and through you for all to see 

Jesus used the image of light and a lamp to further his illustration of God’s transforming work in and through us. Lamps in the ancient world served a vital function, much like they do today. They enable people to see and work in the dark and to avoid stumbling. The Jews also understood “light” as symbol or expression of the inner beauty, truth, and goodness of God. In his light we see light ( Psalm 36:9). His word is a lamp that guides our steps (Psalm 119:105). God’s grace not only dispels the darkness in our lives, it also fills us with the light of Christ’s truth, wisdom, joy, and peace.

 

Jesus used the image of a lamp to describe how his disciples are to live in the light of his truth and love. Just as natural light illuminates the darkness and enables one to see cleary, so the light of Christ shines in the hearts of believers and enables us to see the heavenly reality of God’s kingdom (Ephesians 5:13-14). Our mission is to be light-bearers of Jesus Christ so that others may see the truth of the Gospel and be freed from the blindness of sin and deception.

 

There is great freedom and joy for those who live in the light of God’s truth and goodness. Do you know the joy and freedom of living in God’s light?

 

“Lord Jesus, you guide me by the light of your saving truth. Fill my heart and mind with your light and truth and free me from the blindness of sin and deception that I may see your ways clearly and understand your will for my life. May I radiate your light and truth to others in word and deed”.

Suy niệm:

Ðức Giêsu đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc như muối và ánh sáng để diễn đạt các chân lý cao quý biến đổi tâm, trí, và cuộc đời chúng ta. Muối và ánh sáng có điều gì để dạy chúng ta về Thiên Chúa và về sức mạnh biến đổi của triều đại của Người? Muối là một vật phẩm có giá trị thời xưa. Người ta có những dịch vụ làm ăn về nó, như ngày nay chúng ta mua bán vàng và cổ phiếu. Muối cũng có mục đích rất hữu dụng trong những lúc thời tiết nóng bức, trước khi người ta phát minh ra điện và tủ lạnh. Muối không chỉ đem lại mùi vị cho thức ăn, nó cũng giữ thịt khỏi bị hư.

Quyền năng Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta thánh hóa và làm phong phú đời sống chúng ta

Ðức Giêsu dùng hình ảnh muối để diễn tả sự ảnh hưởng biến đổi của tác động Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta – và cách thức Chúa Thánh Thần muốn hoạt động qua chúng ta để đem sức mạnh và phúc lành của vương quốc Thiên Chúa đến người khác. Giống như muối tẩy sạch, gìn giữ, và đem lại mùi vị thơm ngon cho thực phẩm, chúng ta là môn đệ của Ðức Kitô cũng phải trở thành muối trong thế giới xã hội con người. Chúa muốn hoạt động trong và qua chúng ta để thanh tẩy, gìn giữ, và đem lại hương vị phong phú của vương quốc Thiên Chúa khắp mọi nơi – “vương quốc công chính, bình an, và niềm vui trong Chúa Thánh Thần của Người” (Rm 14,17).

Đừng đánh mất tính muối của bạn

Ðức Giêsu có ý gì qua câu nói “Nếu muối mất đi mùi vị của nó… thì nó không còn giá trị gì nữa ngoại trừ ném nó ra đường cho người ta chà đạp” (Mt 5,13)? Muối trong thế giới cổ xưa thường được bỏ vào bếp để gia  tăng sức nóng. Khi muối đã bị đốt cháy và không còn hữu ích nữa thì sẽ bị người ta ném ra đường nơi nó dễ dàng để người ta chà đạp lên (Mt 5,13).

Làm sao chúng ta có thế đánh mất “chất muối” của mình – quyến năng ơn sủng và sức mạnh phong phú của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta? Nếu chúng ta cho phép thế gian (điều chống lại sự thật và luân lý tốt lành của Thiên Chúa), các thói quen tội lỗi, và sự lừa dối của Satan hủy hoại lòng trí chúng ta, thì chúng ta sẽ đánh mất ơn nghĩa và sức mạnh của Thiên Chúa, là điều gìn giữ chúng ta khỏi sự hủy hoại luân lý và tâm hồn. Chúa muốn chúng ta gìn giữ và làm phong phú “chất muối” – ngang qua đời sống đạo đức và loại trừ tội lỗi – không chỉ cho lợi ích cá nhân mà còn cho lợi ích của người khác nữa, những người sẽ được tác động bởi chứng từ và hành vi của chúng ta.

Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi để trở thành “hương thơm của Ðức Kitô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu rỗi cũng như những người bị hư mất, là mùi tử khí đưa đến tử vong, nhưng đối với những người được cứu độ, chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống (2Cr 2,15-16). Bạn có để cho hương thơm tình yêu, chân lý, và thánh thiện của ÐK thấm vào mọi khía cạnh của đời sống, tư tưởng, lời nói, hành động, và các mối quan hệ của mình không?

Hãy để ánh sáng của Đức Kitô chiếu vào và qua bạn cho mọi người nhìn thấy

Ðức Giêsu cũng dùng hình ảnh ánh sáng và đèn để làm cho sự minh họa thêm sâu xa. Đèn trong thế giới cổ xưa đóng một vai trò rất quan trọng, giống như ngày nay vậy. Chúng giúp người ta thấy và làm việc trong bóng tối và tránh bị trượt chân. Người Do thái cũng hiểu “ánh sáng” như một khái niệm về vẻ đẹp nội tâm, sự thật, và lòng nhân của Thiên Chúa.Trong ánh sáng của Người, chúng con được nhìn thấy ánh sáng (Tv 36,9). Lời Người là ngọn đèn soi cho con bước (Tv 119,105). Ơn sủng của Thiên Chúa không chỉ chiếu soi vào bóng tối trong cuộc đời chúng ta, mà còn lấp đầy chúng ta với ánh sáng, niềm vui, và bình an.

Ðức Giêsu đã dùng hình ảnh cái đèn để mô tả cách thức các môn đệ phải sống trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Người. Cũng như ánh sáng tự nhiên chiếu soi bóng tối và giúp người ta nhìn thấy, ánh sáng của Đức Kitô cũng soi sáng tâm hồn các tín hữu và giúp chúng ta nhìn thấy thực tại vĩnh cửu của nước Thiên Chúa (Ep 5,13-14). Thật tế, sứ mệnh của chúng ta phải là người mang ánh sáng của Đức Kitô, để người khác có thể nhìn thấy chân lý Phúc âm và được giải thoát khỏi sự mù quáng của tội lỗi và lừa dối.

Có sự tự do và niềm vui lớn lao dành cho những ai sống trong ánh sáng chân lý và khoan dung của Thiên Chúa. Bạn có biết niềm vui và tự do của cuộc sống trong ánh sáng Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hướng dẫn con bằng ánh sáng chân lý cứu độ của Chúa. Xin lấp đầy tâm trí con với ánh sáng và chân lý của Chúa và giải thoát con khỏi sự mù quáng của tội lỗi và lừa dối để con có thể nhìn thấy những đường lối của Người cách rõ ràng và hiểu biết ý định của Chúa dành cho cuộc đời con. Chớ gì con chiếu tỏa ánh sáng và chân lý của Chúa đến cho người khác trong lời nói và việc làm.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây