THỨ NĂM TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
Mc 6,7-13
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.
8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”
12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
SUY NIỆM: ĐƯỢC CHÚA SAI ĐI RAO GIẢNG
Sứ điệp: Tông đồ là người được Chúa sai đi, được giao nhiệm vụ rao giảng ơn cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên thế giới và dựng nên con. Con thật nhỏ bé giữa vũ trụ mênh mông rộng lớn này. Ai cũng có một mảnh đời riêng, một khoảng hẹp riêng cho đời mình. Dù không là gì so với vô tận không gian, con vẫn biết rằng Chúa không bỏ quên mỗi một người trong chúng con. Đàng khác, dù con có muốn lẩn trốn vào góc quên lãng, muốn cuộn mình vào trong lớp vỏ lặng câm, vì mặc cảm nhỏ nhoi hèn kém, thì con vẫn không thể tránh khỏi cái nhìn yêu thương của Chúa.
Chúa đã sai các tông đồ đến với chúng con, gọi chúng con bước ra khỏi vỏ bọc của mình, khiến trái tim khép kín phải mở cửa nhảy mừng, khiến môi miệng lặng câm phải cất vang lời hát, và khiến mọi khao khát được no thỏa niềm vui. Các mục tử chính là sự hiện diện sống động của Chúa giữa đàn chiên, là những người được Chúa sai đến tới mọi ngõ ngách của thế giới này. Qua các ngài, chính con cũng được sai đi để đến với anh em mình, nhìn vào mắt nhau để nói lời yêu thương, cầm tay nhau mà sánh bước về Nước Chúa. Như vậy, con sẽ chìm lặng trong sự hủy diệt nếu con quay mặt làm ngơ trước sự săn sóc của Chúa. Trái lại, khoảng hẹp đời con sẽ rộng mở thênh thang nếu con đón lấy ánh lửa yêu thương Chúa gửi đến với con.
Lạy Chúa, con mong sao được là ngọn lửa thắp lên từ lửa tình yêu của Chúa, và được sai đi để thắp sáng cuộc đời anh em, biến những khoảnh khắc thành vĩnh cửu, biến những vui buồn mau qua thành hạnh phúc đời đời. Xin Chúa chúc lành cho ý nguyện của con. Amen.
Ghi nhớ: “Người bắt đầu sai các ông đi”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: LOAN BÁO TIN MỪNG
Nơi trang Tin Mừng hôm nay chúng ta được nghe câu chuyện Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng. Chúng ta cùng tìm hiểu kinh nghiệm truyền giáo của Chúa Giêsu qua đoạn Tin Mừng hôm nay.
Trước hết, chúng ta thấy Chúa Giêsu không sai các tông đồ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Bởi vì Người biết khả năng con người yếu kém, vì thế cần phải có tập thể nâng đỡ thì mới hoàn thành sứ vụ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm cho thấy lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục người khác, mà cần phải có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể thì lời chứng đó mới thực sự đáng tin.
Tiếp theo, Chúa Giêsu sai các tông đồ đi loan báo Tin Mừng với một sứ vụ cụ thể. Ngài trao cho các tông đồ quyền giảng dạy Lời Chúa, quyền đặt tay chữa lành bệnh nhân, quyền trừ quỷ. Những hoạt động này là một sự nối dài và mở rộng sứ vụ cứu độ của chính Chúa Giêsu.
Cuối cùng, khi lên đường truyền giáo, Chúa Giêsu dạy các tông đồ không được mang gì khi đi đường, cụ thể là: không mang lương thực, không bao bị, không tiền bạc, không mặc hai áo, ngoại trừ cây gậy để đi đường. Như thế, các ông lên đường với tất cả sự nhẹ nhàng thanh thoát. Càng nhẹ nhàng thanh thoát thì càng dễ dàng thi hành sứ vụ và càng được tự do hơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng sự nhẹ nhàng thanh thoát này thật sự là một thách đố. Khi người tông đồ phải lên đường với hai bàn tay trắng, không có lộ phí, không có lương thực dự trữ, lúc đó họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân. Ra đi tay trắng như thế là chấp nhận đủ mọi bất trắc có thể xảy ra dọc đường, vì thế họ phải luôn đặt mình thường xuyên dưới sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Đối với chúng ta ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang kêu gọi và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Bởi vì mỗi người chúng ta khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đều được kêu gọi và được sai đi loan báo Tin Mừng: có người bằng lời nói, thế nhưng tất cả đều bằng việc làm, nghĩa là bằng đời sống gương mẫu tốt lành của mình.
Quả thật, việc loan báo Tin Mừng bằng đời sống gương mẫu tốt lành tự nó có năng lực thuyết phục người ta chấp nhận chân lý mà không cần lời nói. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”, nghĩa là lời nói mới chỉ làm lung lay lòng người, nhưng đời sống gương mẫu sẽ lôi kéo người ấy về hẳn phía mình.
Phương ngôn Ả Rập có câu: “Nếu anh không làm được ngôi sao trên trời, thì anh hãy làm cái đèn trong nhà anh”. Quả thật, đa số chúng ta ở đây không có điều kiện để đi đây đó làm tông đồ truyền giáo như những nhà truyền giáo nổi tiếng trên thế giới, thế nhưng chúng ta đều có thể làm tông đồ truyền giáo bằng gương sáng. Làm gương sáng là một nhiệm vụ mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Các con là đèn cháy sáng, sự sáng của các con phải chiếu tỏa trước người ta, để người ta thấy công việc của các con mà ngợi khen Cha trên trời”. Chúng ta làm tông đồ truyền giáo bằng gương sáng qua ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ tốt lành của mình v.v… Chắc chắn rằng đời sống gương mẫu tốt lành của chúng ta sẽ có sức lôi cuốn hơn những lời nói hoặc những bài giảng hay.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn ý thức nhiệm vụ loan báo Tin Mừng qua đời sống gương mẫu tốt lành của mình theo gương Chúa Giêsu để danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được lớn lên mỗi ngày. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU GỌI MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ VÀ SAI ĐI
Câu chuyện
Cha Piô Ngô Phúc Hậu vị tông đồ truyền giáo vùng sông nước mênh mông, đất đai thẳng cánh cò bay hiu quạnh ở vùng cực nam của Tổ quốc, cha chia sẻ về một trong những kinh nghiệm truyền giáo: Mình xách môbylét đi một đường, vừa đi vừa liếc, lòng thầm cầu nguyện để Chúa chọn cho người truyền giáo một nơi dừng chân. Tự nhiên lòng mình thấy ấm hẳn lên khi nhác thấy một căn nhà lá có trồng cây lựu ở phía trước. Trái lựu to bằng nắm tay đang đánh đu theo gió. Như một phản xạ, mình lái môbylét vào tới hàng ba, làm bộ ngắm nghía cây lựu. Bà chủ nhà, nét mặt hiền từ, mái tóc muối tiêu, nghe tiếng xe nổ và tắt máy vội vàng chạy ra.
– Thầy kiếm ai đó?
– Chào bác. Cây lựu nhà bác dễ thương quá, cho tôi ngắm một tí.
– Thì vô trong nhà uống nước đã.
– Bác thứ mấy để tôi xưng hô cho dễ.
– Tôi thứ năm. Thứ của ông nhà tôi.
– Thế bác trai đi đâu rồi, bà Năm?
– Ông tôi mất từ lâu rồi.
– Bây giờ bà Năm ở với ai?
– Có hai bà cháu à. Thầy ở đâu mà vô đây?
– Tôi ở Ô Môn vô đây dạy giáo lý. Sáng vô, chiều về. Đi tới đi lui thấy bất tiện quá. Tôi muốn ở lại đây luôn, mà chưa kiếm được chỗ nào ở cho thuận lợi.
– Thì thầy ở đây với tôi. Nhà rộng rinh à. Thầy ở đây thì cũng như con cháu trong nhà chứ gì.
– Thế bà Năm theo đạo nào?
– Tôi chẳng theo đạo nào hết. Thờ ông bà vậy thôi.
– Cám ơn Chúa. Cám ơn bà Năm. Vậy ngày mai tôi vô ở luôn nhá.
– Ừa (Trích Nhật ký Truyền giáo, Bà Năm).
Suy Niệm
Người môn đệ được sai đi, hành trang duy nhất là sự nhiệt thành và lòng tin thác cậy trông. Mang tâm tình của Đức Kitô truyền cho các môn đệ: “Đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo”. Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi”…
Thánh Gioan Kim Khẩu Suy Niệm lệnh truyền của Chúa trên các tông đồ: “Ngài phòng giữ cho các môn đệ khỏi mọi sự nghi ngờ của những ý niệm trần gian lưu tâm; Ngài cất đi nơi các ông khỏi mọi sự lo toan trần thế, để toàn tâm lo việc Lời Chúa, và Ngài làm cho các ông biết quyền năng và sự chăm sóc mà Ngài dành cho họ”. Thật thế, đêm hôm trước cuộc tử nạn, Ngài chất vấn các ông về sự quan tâm của chính Ngài: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” (Lc 22,35)… Sau khi đã trang bị cho các ông những quyền lực cần thiết cho sứ vụ, Ngài ra lệnh cho các ông để lại tất cả những gì không cần thiết” (Theo Homélie XXXII sur l’évangile selon saint Matthieu, 4). Để lại những lo toan trần thế, không cần thiết để làm “nhẹ bớt”, sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần như Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhận định: “Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xích vàng, để tiến tới. Cuối đường có Chúa đón chờ con” (ĐHV số 179).
Làm việc tông đồ một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Vì thế Chúa Giêsu nói đến hình ảnh sai hai người ra đi. Trong Công vụ sứ đồ, các thừa sai luôn luôn đồng hành với nhau: Phêrô và Gioan (x.Cv 3,1; 4,13); Phaolô và Barnabê (x.Cv 13,2); Giuđa và Sila (x.Cv 15,22b)…
Chúa gọi và sai người môn đệ. Người tín hữu qua bí tích Rửa Tội cũng được gọi sai đi. Mỗi ngày, hay ít là Chúa nhật, chúng ta tham dự thánh lễ, Missa – Messe, chữ Messe- Missa – thánh lễ có nghĩa là “sự sai đi” như lời truyền: “Anh hãy đi! Anh em được sai đi” “Ite, Missa est”. Chính Chúa đã thiết lập nhịp sống sai đi và trao cho mọi người chúng ta. Sai đi để sinh hoa kết quả tôn vinh Thiên Chúa như lời mời gọi: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8), đó là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu như Chúa nói: “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”(Ga 15,16).
Thật thế, đời con là một sự ra đi, ra đi tiến vào đời vì được sai như lời ca được tấu lên tiễn bước con: “Ngài sai tôi đi vào đời, niềm tin vui gieo lòng người, Ngài sai tôi đi mọi nơi…”.
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: GIẢNG GÌ? GIẢNG NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi được Đức Giêsu gọi và chọn các môn đệ, các ông đã ở lại với Ngài một thời gian, nay Ngài sai họ đi để rao giảng Tin Mừng.
Đức Giêsu truyền cho họ đi rao giảng, và không những thế, Ngài còn dạy cho họ biết giảng điều gì, và giảng như thế nào!
Về nội dung lời giảng: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Đây cũng chính là sự tiếp nối lời giảng dạy của Đức Giêsu và của Gioan Tiền Hô.
Về cách giảng:
– Trước tiên, để lời giảng của các ông có giá trị, họ phải là chứng nhân.
– Thứ đến, chữa lành thể xác bằng việc chữa bệnh.
– Cuối cùng, giải thoát con người khỏi xiềng xích trói buộc của Ma Quỷ.
Về thái độ, tác phong của người môn đệ: người thừa sai phải là người nghèo. Nghèo để thanh thoát; để liên đới; để tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi loan báo Lời Chúa cho mọi người, nhất là những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Người đi theo Chúa phải là người luôn luôn xây dựng và cổ võ sự hiệp nhất, sống tình huynh đệ và yêu thương, trở nên chứng nhân cho Lời Chúa bằng hành động.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo. Nhưng trước tiên, xin cho chúng con biết sống nghèo, tin tưởng, phó thác nơi Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: SỨ MỆNH TÔNG ĐỒ
Một tôn giáo chỉ tồn tại, nếu mỗi ngày một phát triển và có thêm người gia nhập. Kitô giáo do Chúa Giêsu thiết lập cũng nằm trong diện đó. Dưới con mắt Chúa, mỗi linh hồn đều có giá trị như nhau và mỗi người đều được sai đi tìm những con chiên lạc và dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi. Ngài ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người, không phải để bị vất vào lò lửa đời đời, nhưng là để được thu vào kho lẫm. Do đó, mối bận tâm lớn nhất của Ngài khi đến thế gian chính là đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người.
Từ trước tới giờ, Ngài vẫn làm việc đó một mình, nhưng nay vì tính cách khẩn thiết của việc tông đồ, Ngài cần có những con người cộng tác: Mùa gặt bề bộn, mà thợ gặt thì ít. Sứ mệnh tông đồ từ nay được trao cho họ. Sứ mệnh đó thật cao cả và cấp bách, vì thế Chúa đòi hỏi nơi họ sự thoát ly trọn vẹn, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa quan phòng. Ra đi một cách thảnh thơi, không bồn chồn, không bối rối, không bận tâm đến bị, đến tiền. Không những thế, họ còn phải hy sinh tất cả cho sứ mệnh, đo lường mọi sự theo lợi ích của Nước Thiên Chúa. Họ chấp nhận giao tiếp với thế gian nếu đó là cơ hội để phổ biến sứ điệp, họ không mưu cầu tư lợi, nhưng dũ bỏ hết những gì không liên quan đến sứ mệnh, chỉ như thế, họ mới có thể đạt tới trình độ siêu thoát và dễ dàng chinh phục các linh hồn về cho Nước Chúa.
Mỗi người chúng ta cũng được kêu gọi vào sứ mệnh tông đồ, chúng ta có ý thức sứ mệnh cao cả ấy không? Các linh hồn được cứu rỗi hay bị luận phạt, một phần lớn tùy thuộc vào đời sống của chúng ta. Ðiều đó có thể làm chúng ta run sợ, nhưng nếu chúng ta nhiệt tâm mở rộng Nước Chúa nơi các tâm hồn, chúng ta sẽ được an tâm, không ai có thể trách chúng ta đã đùa giỡn với số phận đời đời của họ, và các linh hồn sẽ là triều thiên cho chúng ta trong ngày Chúa vinh quang ngự đến.
Chúng ta hãy sống kết hiệp với Chúa. Tất cả hoạt động của chúng ta sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Càng kết hiệp với Chúa, chúng ta càng có khả năng chu toàn bổn phận người tông đồ giữa dân Chúa, và như vậy chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa hứa cho người thợ tận tâm, nhiệt tình cho Nước Chúa trị đến.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: NHÀ TRUYỀN GIÁO HÔM NAY
Hành trang mang theo trên hành trình truyền giáo của người môn đệ được Đức Giêsu sai đi rất đơn sơ, giản dị: không mang gì đi đường; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; không được mặc hai áo; ngoài ba vật dụng thật sự cần thiết để thực thi sứ vụ là gậy, dép và mặc một chiếc áo (x. Mc 6,8). Tất cả những đòi hỏi đó nhằm hướng đến sứ vụ cấp bách là làm sao Tin Mừng được đón nhận khắp mọi nơi.
Để làm được điều đó, người môn đệ truyền giáo phải là người rao giảng không chút sợ hãi, luôn ý thức sứ mạng của mình và tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chính các ông là những sứ giả mang Lời đi nhưng chính Thánh Thần mới là Đấng cảm hóa tâm hồn và trí tuệ của những ai đón nhận Lời. Vì thế, người môn đệ không có gì để tự hào hay khoe khoang ngoài tình yêu họ được đón nhận từ Đấng đã sai họ đi.
Ngày nay, phương tiện kỹ thuật, nhất là kỹ thuật vi tính và truyền thông đã và đang được sử dụng trong hoạt động truyền rao Tin Mừng theo nhiều cách thế. Đó là điều đáng khích lệ và cần phát huy. Tuy nhiên, sẽ là không đúng nếu người môn đệ đánh mất đi lòng tín thác nơi Thiên Chúa để cậy dựa vào phương tiện kỹ thuật; đánh mất đi lòng khắc khoải gặp gỡ và kinh nghiệm về chính Thiên Chúa trong sâu thẳm lòng mình; đánh mất đi sự nhạy bén trước hoàn cảnh éo le của phận người bởi bức tường ngăn cách của sự tiện nghi, dễ dãi do vật chất và phương tiện hiện đại mang lại.
Lạy Chúa, xin cho các nhà truyền giáo luôn khắc khoải và hành động để làm sao Tin Mừng được công bố cách hữu hiệu nhất.
Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD