THỨ SÁU TUẦN V THƯỜNG NIÊN Mc 7,31-37

Thứ năm - 13/02/2025 06:26
THỨ SÁU TUẦN V THƯỜNG NIÊN
Mc 7,31-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
31 Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh.
33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra!
35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.
37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.

SUY NIỆM: ĐỨC KITÔ LÀ THẦY THUỐC TUYỆT HẢO
Sứ điệp: Bị khuyết tật về thể lý đã là một đau khổ, nhưng bị khuyết tật về tâm linh lại càng đau khổ hơn. Chỉ có Đức Kitô là thầy thuốc tuyệt hảo sẽ chữa lành mọi khuyết tật thể xác và tâm linh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người bị bệnh câm điếc giao tiếp rất vất vả, khó khăn. Họ chỉ có thể nói và nghe bằng dấu hiệu bàn tay. Còn con, con cám ơn Chúa vì được diễm phúc vẫn là người lành lặn về thể xác. Nhưng lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại câm điếc về cuộc sống thiêng liêng. Vâng, con câm điếc vì chẳng nghe Chúa nói và cũng chẳng biết nói Chúa nghe. Vì mải mê lạc thú trần gian và đi tìm vui chơi giải trí, con chẳng còn giờ đến với Chúa. Tiền bạc danh vọng chi phối con, nên con không còn thiết tha với việc cầu nguyện. Con hững hờ trước việc đọc kinh, các buổi phụng vụ, con dửng dưng với bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.
Còn đối với những người chung quanh, nhiều lúc con cũng trở thành một kẻ câm điếc. Bên cạnh con, biết bao người đang cần đến con: cần một nụ cười, một lời thăm hỏi, hay một sự giúp đỡ nào đó. Thế mà vì ích kỷ khép kín, con đã bịt tai ngậm miệng. Con chỉ nghĩ đến con, chỉ lo cho gia đình con.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con đến với Chúa, xin cứu chữa con khỏi căn bệnh trầm trọng đó. Xin Chúa mở tai con, để con lắng nghe tiếng Chúa, để con nghe được những nhu cầu của tha nhân. Xin cho con biết thương xót, biết lo lắng cho những ai ở gần con. Xin cho con biết sống yêu thương.
Xin Chúa dạy con biết lặng thinh khi không nên nói, và xin dạy con biết nói khi không được im lặng. Amen.
Ghi nhớ: “Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: CÂM ĐIẾC PHẬN NGƯỜI
Nghe và nói là 2 khả năng vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Bởi đó là 2 phương thế giúp con người trao đổi, giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng nhân loại. Những anh chị em bị khiếm khuyết về 2 khả năng này thường sống rất thụ động và cô đơn, vì mặc cảm. Nhiều lúc họ chỉ muốn nói 1 lời yêu thương, 1 lời cám ơn hay xin lỗi, cũng không sao nói được.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy xót thương, và muốn bày tỏ sự đồng cảm với những anh chị em ấy. Mỗi người hãy thể hiện bằng những nghĩa cử tốt đẹp và cầu nguyện cho họ; để Chúa là Đấng có thể làm cho kẻ điếc được nghe và người câm nói được, đụng chạm đến và chữa lành cho những anh chị em đó.
Phần chúng ta, mỗi người đừng quên cầu nguyện cho chính mình, bởi có thể chúng ta cũng là những người đang câm điếc về phương diện tâm hồn.
Câm, bởi có những lúc dù chứng kiến 1 sự bất công xảy ra trước mắt, nhưng chúng ta đành im lặng và chấp nhận để cho sự thật bị chôn vùi; hoặc câm khi chúng ta im lặng trước 1 người anh em bạn hữu đang gặp khổ đau bất hạnh, mà không có 1 lời động viên, an ủi hay ít là 1 lời cầu nguyện.
Điếc, bởi có những lần chồng không chịu nghe lời khuyên của vợ, vợ không chịu đón nhận lời góp ý của chồng, con cái không chịu lắng nghe lời chỉ dạy của cha mẹ; điếc bởi nhiều lần chúng ta “giả điếc làm ngơ”, không chịu mở lòng mình để đón nhận lời xây dựng nhắc nhở của bề trên và những người xung quanh, dù biết mình đã làm sai.
Đó là căn bệnh câm điếc về phương diện tâm hồn. Và đôi lúc chúng ta còn câm điếc cả về phương diện tâm linh nữa.
Câm vì chúng ta không nói về Chúa cho người khác, không làm tròn trách nhiệm loan báo Tin mừng của 1 người kitô hữu. Và Điếc vì chúng ta không chịu lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy. Chúng ta phớt lờ và để ngoài tai những lời giáo huấn của Chúa và Giáo Hội, và chọn lắng nghe theo tiếng nói của đam mê và dục vọng.
Như thế, tất cả chúng ta đều cần đến ơn chữa lành của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện và xin Chúa Giêsu chạm vào môi miệng của chúng ta, để mỗi người biết nói lên những lời yêu thương và truyền rao Tin mừng cứu độ. Chúng ta hãy cầu nguyện và xin Chúa Giêsu chạm vào đôi tai của chúng ta, để mỗi người có thể lắng nghe nhau và lắng nghe lời Chúa phán dạy.
Nguyện xin Chúa Giêsu là vị Lương Y nhân từ, lắng nghe lời cầu khẩn và thương chữa lành cho tất cả chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
 
SUY NIỆM: EPHATA – HÃY MỞ RA
Câu chuyện
Một phụ nữ có người bạn bị điếc. Bà hỏi người bạn muốn gì nhân dịp sinh nhật. Người bạn trả lời: “Nhờ bạn viết thư cho Ann Landers, yêu cầu cho tôi bản kinh cầu nguyện cho người điếc”.
Và ngày sinh nhật của người điếc đó, bà Ann đã gửi tặng lời kinh như bà thỉnh nguyện. Trong đó có lời cầu như sau:
“Lạy Chúa, người ta thường có thiện cảm với kẻ mù, người què, nhưng nổi sung bực bội với kẻ điếc, nên người điếc luôn phải ẩn tránh bạn hữu và ngày càng phải sống cô đơn khép kín!”…
Lời kinh trên đây cho chúng ta thấy nỗi khổ của kẻ điếc. Chúng ta thường nghĩ rằng người mù khổ hơn kẻ điếc. Nhưng Helen Keller vừa mù vừa điếc thì cho rằng bị điếc còn khốn hơn bị mù nhiều, vì các cánh cửa cuộc đời bị khóa chặt lại: mở radio vô ích, xem truyền hình chẳng thú vị gì, không thể nói chuyện với ai, và cảm thấy cô đơn chán nản… (Câu chuyện theo Br. Thiện Mỹ, CMC).
Suy niệm
Chúa Giêsu dùng nước miếng để mở môi miệng, tai anh câm điếc, chúng ta cũng thấy cùng một cử chỉ khi Đức Giêsu chữa người mù ở Bétsaiđa trong Tin Mừng Marcô (x. Mc 8,23) và làm cho người mù từ mới sinh được sáng mắt trong Tin Mừng Gioan (x. Ga 9,6). Tác giả J.Potin nghiên cứu môi trường văn hóa trong Kinh Thánh xác nhận việc chữa lành bằng cử chỉ đụng chạm với nước miếng là: “Những cách thức chữa bệnh này rất thông dụng trong các đền thờ ngoại giáo và vẫn còn thịnh hành trong các môi trường Kitô giáo” (Theo Đức Giêsu Lịch sử đích thực, Centurion, tr.172). Ngài dùng các phương thế bình dân để tỏ bày quyền năng Thiên Chúa.
Thánh Bède le Vénérable nhìn cử chỉ của Chúa Giêsu làm cho anh chàng câm điếc đã xác tín: “Trong phép lạ này tỏ hiện hai bản tính trong Chúa Giêsu, đó là bản tính con người – Người ngước nhìn lên trời, Người xao xuyến, cầu nguyện. Tiếp theo lời quyền năng Thiên Chúa (Ephata – Hãy mở ra) và Ngài thực hiện cuộc chữa lành” (Theo Commentaire de l’évangile selon saint Marc).
Cuộc sống của chúng ta không chỉ điếc, mù, ngọng, câm về thể lý, như chúng ta thường thấy nơi các anh em khuyết tật với tất cả sự xót thương dành cho họ. Tuy nhiên, nơi con người nói chung tình trạng tự nhiên lúc vừa sinh ra của chúng ta, trải qua đường đời bao nhiêu sóng gió, nghịch cảnh, khiến sự thất vọng rơi vào cõi lòng của con người, khiến cho họ tự nhốt kín mình, một tình trạng cô đơn cách biệt. Đó là tình trạng câm, mù khi con người bị “bít kín” trước những sự việc của Thiên Chúa gợi mở và làm cho tương lai của con người. Còn nữa, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.
Thật thế, cuộc sống của chúng ta, như Chúa Giêsu đã có lần mắng các tông đồ: “Các anh có mắt mà như mù, có tai mà như điếc”. Hôm nay trước Ngài, chúng ta phải xin được Đức Giêsu “mở ra” để đón nhận mầu nhiệm nước Trời.
Ephata – Hãy mở ra:
Xin hãy mở miệng con, để con ca ngợi tình thương của Ngài, để con biết hỏi đường với Chúa và với anh em hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ, để con có thể hồn nhiên vén mở khám phá ra thế giới của mình, để con nhìn thấy tương lai, ơn gọi mà Chúa đã dành cho chúng con.
Xin mở mắt con để con biết nhìn kỳ công của Ngài, để con biết rằng Ngài đã thương con, mở mắt con để con biết nhìn vào tương lai với tâm tình xác tín Chúa dẫn con đi.
Xin mở tai con để con nghe lời Ngài – lời sự sống dẫn con đi trên khắp nẻo đường cuộc sống. Mở tai lắng nghe tiếng Chúa qua những giây phút thinh lặng. Chúng con thưa lên với Chúa như Samuel ngày xưa: “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,10).
Như anh chàng câm điếc được Đức Kitô đến và chữa lành, chúng ta cũng được Ngài đang đến bên cạnh, mời gọi tin và giơ tay chạm đến mỗi người: Ephata – hãy mở ra. Ngài khai thông mọi ngăn cách, cản ngăn vốn làm cho chúng ta ù tai, đau nhức để lắng nghe học hỏi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Ngài mở môi, miệng lưỡi để chúng ta cất lời và tìm lại đời sống cầu nguyện, gắn bó thân tình với Thiên Chúa trong hành trình tiến vào tương lai… Chính lúc đó, tương lai của chúng ta đang mở ra, dù phải đối diện với bao nghịch cảnh, bao khốn khổ.
Ý lực sống: “Bấy giờ mắt kẻ mù sẽ mở, tai người điếc sẽ thông. Bấy giờ què quặt sẽ nhảy nhót tựa hươu nai, lưỡi người câm sẽ reo hò niềm vui. Nước sẽ phun lên trong sa mạc, khe suối tuôn chảy giữa vùng đất hoang vu… đất khô cằn có mạch nước trào ra” (Is 35,6-7a).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: “LÒNG NGHẸN NGÀO CHẲNG THỐT NÊN LỜI”

Trong tương quan giữa người với người hoặc giữa con người với Thiên Chúa, có những lúc vì quá yêu thương khi phải thấy người mình yêu đau khổ mà chẳng thể nói lên lời. Đó là kinh nghiệm mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta. Dưới sự soi sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng dành một chút khoảng lặng trong tâm hồn để cảm nhận tình yêu của Chúa dành cho mỗi người, qua đó giúp chúng ta sống sao cho đẹp lòng Chúa và ngày càng mến thương nhau hơn.
Các trình thuật của bốn thánh sử Tin mừng vẫn thường kể lại rất nhiều trường hợp Chúa Giêsu chữa bệnh cho con người. Tuy nhiên, nét đặc biệt trong Tin mừng hôm nay được thánh sử Mac-cô ghi lại thì không nhiều:“Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là "hãy mở ra", tức thì tai anh được sõi sàng” (Mc 7,32-35). Điều đáng lưu ý là sau một loạt các tác động: đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi, ngước mắt lên trời thì Chúa Giêsu còn “thở dài”. Tiếng thở dài này không phải là sự chán chường khi phải chữa bệnh vì chúng ta biết sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến thế gian là để cứu chữa và giải thoát con người khỏi tội và những hậu quả của nó. Đối với người Do Thái, sự câm điếc thể lý còn có thể được hiểu là sự câm điếc về đức tin khi họ là những người không nghe và không được biết mạc khải của Thiên Chúa. Trong khi đó, sứ mạng của Chúa Giêsu là “công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt” (Lc 4,18). Vậy, việc Chúa thở dài xem ra não lòng ấy thật ra là một lời cầu xin tha thiết với Chúa Cha khi chứng kiến cảnh con người đau khổ. Quả thế, trước đó, Chúa Giêsu đã “ngước mắt lên trời” (Mc 7,34), một thái độ diễn tả Người đang bước vào sự đối thoại đặc biệt với Chúa Cha. Ta có thể hình dung Chúa Giêsu đang than thở với Chúa Cha khi thấy con người vẫn cứ chìm ngập trong đau khổ. Thái độ ấy của Chúa Giêsu xuất phát từ một tấm lòng rung động trước sự khốn khó của con người, là đối tượng mà Thiên Chúa hết lòng yêu thương. Cảm xúc nghẹn ngào này của Chúa là kết quả của một tình yêu trọn vẹn giữa Con Thiên Chúa với nhân loại, là sự biểu lộ cho chính lời tự tình của Thiên Chúa với dân Người trong Cựu ước mà nay được bày tỏ qua Ngôi Lời nhập thể làm người: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Trong Cựu ước, rồi đến Tân ước cũng như cho đến tận cùng thời gian, Thiên Chúa vẫn luôn thổn thức và nghẹn ngào vì yêu thương con người, cho dẫu biết bao lần con người sa ngã trong tội lỗi hay thậm chí là khước từ Chúa!
Thật vậy, đọc lại câu chuyện của bài đọc thứ nhất, nếu ta đặt lòng cách sâu xa và cùng đi vào trong dòng tư tưởng nói trên, ta sẽ cảm nhận được sự nghẹn ngào của Chúa khi phải chứng kiến tội lỗi của vua Salomon mà từ đó đưa đến kết cục là vương quốc bị phân chia khi Chúa nói với Gia-róp-am: “Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: “Đây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ cho ngươi mười chi tộc. Vì Đavít tôi tớ Ta và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc” (1V 11,31b-32). Đọc rồi cảm để thấy nghẹn lòng bởi chắc chắn Thiên Chúa không vui gì khi phải nói như thế. Trước đó, Thiên Chúa đã nhiều lần nhắc nhở vua Salomon về những sai trái của ông, vậy mà ông này vẫn cứ chạy theo các thần ngoại, chai lì trong tội và chối bỏ Thiên Chúa. Nghe câu kết mà thấy xót xa cho một giao ước mà trong đó Thiên Chúa luôn thuỷ chung, còn con người thì hay bội tín: “Như thế, Israel lìa bỏ nhà Đavít cho đến ngày nay” (1V 12,19)Thật đau đớn biết chừng nào khi đã hết lòng khuyên lơn mà người mình yêu lại cứ trơ như đá và lì trong tội, nhất là Chúa chẳng vui gì khi thấy con người, vì xa rời Chúa, mà tiến dần đến đau khổ và bất hạnh. Thật ra, Chúa chẳng được gì khi con người đến hay không đến với Chúa, nghe hay không nghe Người chỉ dạy! Chỉ là đáng thương và đáng tiếc khi con người không chịu đến và không chịu nghe theo sự chỉ dạy của Chúa, là những sự hướng dẫn khôn ngoan và ân sủng để, như lời thánh Phaolô, con người nội tâm nơi chúng ta được vững vàng. Nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy, chúng ta sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa (x. Ep 3,16b-19). Vì yêu thương con người và muốn cho con người được hạnh phúc, Thiên Chúa đau buồn khi thấy con người đau khổ. Yêu thật nhiều mà cứ thấy người mình yêu phải khổ thì sao không nghẹn ngào cho nổi! Ai đã từng yêu chắc hẳn sẽ cảm nếm được phần nào cảm xúc nghẹn ngào này của Chúa!
Suy gẫm một chút về tiếng lòng yêu thương của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người và hằng ở cùng nhân loại, chúng ta được mời gọi trở về lòng mình để xét lại tương quan của mỗi người với Chúa và cách mà mỗi chúng ta đã sống với Người, Đấng yêu thương từng người chúng ta. Chúa vẫn chờ ta trong Bí tích Thánh Thể để ta rước Chúa vào lòng, để ta với Chúa được kết hợp nên một trong một tình yêu cao cả nhiệm mầu, để ta được Chúa làm cho nên thánh, làm cho đời sống tràn đầy sức mạnh mà trổ sinh hoa trái thánh thiện. Vậy, mỗi chúng ta đã đáp trả lại sự ước mong mãnh liệt này của Chúa mỗi ngày như thế nào? Nếu vì bận rộn công việc mưu sinh nên không thể dự lễ hằng ngày, vậy chúng ta có nhớ rước lễ thiêng liêng nhiều lần trong ngày để dù ở đâu hay làm gì, ta và Chúa vẫn không xa nhau? Trước mỗi chọn lựa trong ngày sống, Chúa ở bên ta cách đặc biệt qua sự hướng dẫn trong lương tâm để nhắc ta làm lành lánh dữ. Những lúc đó, ta có nhớ lời Chúa, có chịu nghe tiếng Chúa, có xin Chúa chỉ dạy hay thậm chí lại cố tình cho qua để làm mọi sự theo ý thích của bản năng xác thịt và những ham muốn đê hèn? Nghĩ lại những lúc chúng ta làm trái ý Chúa thì Chúa quả thật nghẹn ngào biết dường nào! Chúa vẫn nói và nói trong thinh lặng của tâm hồn; Chúa nói qua lời Chúa mà chúng ta nghe, học từ tấm bé và vẫn nghe khi chúng ta đọc lời Chúa hoặc tham dự thánh lễ; Chúa nói qua sự nhắc nhở của những người thân; Chúa nói qua các biến cố xảy ra trong cuộc đời, tỉ dụ như qua cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh mà những ngày qua các trang mạng không ngừng đưa tin. Chúa vẫn không ngừng nói để nhắc con người xa tránh tội lỗi, để sống thánh thiện công chính mà tìm được hạnh phúc và nên người xây dựng hạnh phúc cho người khác! Chúa nói rất nhiều và Người vẫn cứ mãi nghẹn ngào để chờ đợi con người đáp lại tiếng Chúa mà sống sao cho tốt, sống sao cho xứng là con cái Chúa!
Tiếng nghẹn ngào của Chúa cũng nhắc mỗi chúng ta về sự nghẹn ngào của người thân yêu ngay trong gia đình của chúng ta. Thật vậy, chắc không thiếu những người cha và những người mẹ trong gia đình đang nghẹn ngào không thốt nên lời khi thấy những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu; khi phải sống lây lất cho qua ngày với những người con thờ ơ, lãnh đạm và coi thường cha mẹ già yếu; khi phải thấy cảnh những người con tranh giành, xâu xé của cải của cha mẹ ngay lúc các ngài còn đang sống; hoặc khi phải chứng kiến cảnh con cái trong nhà thờ ơ với đời sống đức tin và trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cháu;…Họ đau lòng không thốt nên lời khi phải thấy những người mà mình hết mực yêu thương đang phải đau khổ vì một đời sống xa vắng Chúa và cứ thế dần tuột dốc trên đường đưa tới tội lỗi và sự huỷ diệt. Thêm vào đó, ở đâu đó và ngay lúc này, bao trái tim của người vợ cũng đang nghẹn ngào không thốt nên lời vì phải sống với những người chồng ích kỷ, gia trưởng hoặc thiếu trách nhiệm. Họ nghẹn ngào vì ước ao được chồng tôn trọng, được chồng sẻ chia những bận rộn của cuộc sống gia đình, được có một người chồng gương mẫu trong trách nhiệm làm chồng và làm cha. Từ đây, cũng không thiếu những người chồng đang nghẹn ngào vì ước mong có được sự chung thuỷ của người vợ, ước mong vợ hết lòng yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho chồng, cho con và cho gia đình. Rồi cũng lại có vô số những người con đang nghẹn ngào không thốt nên lời khi thấy cha mẹ không quan tâm đến niềm vui nỗi buồn và cuộc sống của con, thậm chí còn thường xuyên cãi vã, lời qua tiếng lại với nhau khiến bầu khí gia đình trở nên nặng nề đến phát chán! Tất cả những người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con ấy đều mong ước có được hạnh phúc êm ấm. Họ ước ao mỗi người biết tôn trọng, biết quan tâm, biết chu toàn trách nhiệm, biết hết lòng yêu thương và quý trọng nhau. Đó là cách mà mỗi người đang cùng nhau cất đi những gánh nặng cho người thân yêu để làm vơi đi sự nghẹn ngào thẳm sâu trong lòng hầu gia đình được ngập đầy bầu khí yêu thương!
Mong sao mỗi người chúng ta, qua việc suy gẫm lời Chúa hôm nay, cảm nghiệm cách sâu hơn, mạnh hơn và chắc chắn hơn về tình yêu của Chúa dành cho mỗi người cũng như tình yêu của người thân thuộc dành cho chúng ta. Tình yêu ấy không ồn ào, không xa hoa, không hình thức bề ngoài nhưng cứ âm thầm ngay bên với sự thổn thức nghẹn ngào liên lỉ dành cho người hết lòng được yêu thương!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thổn thức vì yêu khi thấy chúng con đau khổ và xa vắng Chúa. Xin cho chúng con cảm nhận được nỗi lòng sâu thẳm của Chúa để biết trở về và làm mới lại tương quan với Chúa sao cho sâu sắc và bền chặt hơn. Xin cho chúng con cũng nhận biết và cảm nghiệm được nỗi lòng nghẹn ngào vì yêu của cha mẹ, của vợ chồng và của con cái để biết quan tâm, lo lắng tận tình và nỗ lực xây dựng gia đình với tất cả tình yêu và trách nhiệm hầu mang hạnh phúc đến cho nhau. Amen.
Thực hành: Dành vài phút trước khi đi ngủ để suy gẫm về tình yêu của Chúa trong suốt cả ngày sống sắp qua.
Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

SUY NIỆM: HÃY BIẾT NHẠY BÉN VỚI NHỮNG DẤU CHỈ 
Ngày nay, người ta nói nhiều về sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của con người. Họ đưa ra rất nhiều lý do để giải thích cho sự dửng dưng và vô cảm đang trở thành phổ quát trong xã hội hôm nay.
Nguyên nhân mấu chốt, căn bản có lẽ chính là thiếu sự nhạy bén!
Thật vậy, nếu người ta có một chút nhạy bén thì hẳn họ đã không hờ hững khi thấy một người phải đói lả trong khi mình lại quá dư thừa; hay thiếu trách nhiệm khi xả rác cách bừa bãi trong khi hằng đêm vẫn có những người phải thức trắng để dọn dẹp đường phố; hoặc vô tâm đến mất nhân tính khi cướp đi từng gói mỳ tôm, từng nắm gạo của những người vô gia cư, nghèo khổ, đói khát đang thoi thóp mong chờ chút lương thực cho ấm lòng…! Tệ hơn nữa, đó là nhiều khi chúng ta lại phủi tay đến lạnh lùng trước tấm lòng của những người làm việc tốt, để rồi tung ra những lời nói không thật gây nên một sự hoang mang làm cho người ta bị khổ tâm!
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu ra tay cứu chữa cho một người điếc và nói ngọng được nghe và nói rõ ràng. Đây là niềm vui mừng của người bị bệnh và cũng là niềm vui của những người đã dẫn anh ta đến gặp Đức Giêsu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc lui lại các chương trước thì chúng ta sẽ thấy rõ giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu luôn có sự đối kháng, và họ luôn cho rằng: Đức Giêsu lấy quyền của tướng Quỷ mà trừ Quỷ. Như vậy, họ không hề có chút nhạy bén với điều thiện, mà ngược lại, họ luôn lạnh lùng, vô cảm và vô tâm trước những nghĩa cử tốt lành của Đức Giêsu.
Lối sống và cái nhìn của những người Pharisêu khi xưa có thể cũng chính là quan điểm và lựa chọn của chúng ta! Nhiều khi vì thành kiến cá nhân, mà chúng ta không thể thấy được điều tốt nơi anh chị em mình. Lòng ích kỷ nơi bản thân nó đã làm cho lương tâm bị che khuất, sự thật bị bóp méo, vì thế, hậu quả chính là sự chia rẽ, bất công và không thể nhận ra chân lý.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tâm tình như đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là luôn biết ca ngợi và chúc tụng những điều tốt đẹp Chúa đã làm chung quanh và cho bản thân chúng con. Amen.
Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

SUY NIỆM: HÃY MỞ RA
Michel-Angelo là một trong những danh họa đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ nhất, bất hủ vì giá trị nghệ thuật siêu vượt thời gian đã đành, mà còn bất hủ vì sự sống động mà ông đã mặc cho các tác phẩm của ông, điển hình là bức tượng Môsê. Người ta kể lại rằng sau khi hoàn thành bức tượng này, Michel-Angelo đứng chiêm ngắm một cách say sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ vào và thốt lên: “Hãy nói đi”.
Quả thật, lời nói là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Khi chúng ta mở miệng thốt ra lời, là lúc chúng ta muốn biểu lộ sự sống, đồng thời nói lên rằng chúng ta đang sống cùng và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này cần phải được xác nhận bằng tiếng nói của chúng ta. Những người câm điếc một phần nào bị hạn chế trong sự liên lạc với thế giới xung quanh, sự hiện diện của họ dễ bị người khác quên lãng. Nhưng đáng thương hơn, có lẽ là những người thấp cổ bé miệng, những người mà tiếng nói không được nhìn nhận, những người bị tước đoạt quyền được lên tiếng, quyền sống của họ gần như bị khước từ.
Sống xứng với phẩm giá con người, đó là phải được có tiếng nói. Có lẽ đó cũng là điều mà Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể cũng muốn khẳng định với chúng ta qua cuộc sống và cái chết của Ngài. Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người. Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi nó biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa.
Cử chỉ Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo Hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Ephrata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa; để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa, chính Ngài là lương thực mang lại sự sống đích thực cho chúng ta. Xin cho sự sống ấy tràn ngập tâm hồn chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu Chúa và không ngừng yêu thương, liên đới, chia sẻ với mọi người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây