THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN Mc 4,35-41

Thứ sáu - 31/01/2025 09:10
THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN
Mc 4,35-41

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.
Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?” 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”

SUY NIỆM: 
Sứ điệp: Chúa Giêsu đang ở trên thuyền với các môn đệ. Ngài dùng quyền năng để dẹp tan sóng gió. Hôm nay Chúa cũng đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Hãy lên tiếng cầu cứu, Chúa sẽ ra tay cứu giúp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật là thú vị khi chứng kiến cảnh Chúa dẹp tan bão táp giữa biển khơi. Phép lạ Chúa làm thật bất ngờ. Điều đó khơi dậy nơi tâm hồn con ý thức về một Thiên Chúa quyền uy và đầy sức mạnh.
Sống giữa biển đời với bao sóng gió gian nan thử thách, tâm hồn con chao đảo tưởng chừng như đắm chìm. Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin để con nhận ra Chúa đang hiện diện nơi cuộc đời con. Chúa vẫn “hiện diện một cách vắng mặt”, hiện diện một cách kín đáo.
Con muốn xác tín rằng: Thiên Chúa con tin thờ là Thiên Chúa quyền uy. Con biết rằng nếu Chúa muốn, Chúa sẽ ra tay dẹp yên sóng biển. Nhưng đối với con, điều quan trọng nhất là xin Chúa nâng đỡ cuộc đời con, để con vượt thắng những gian nan thử thách trong cuộc sống: một sự hiểu lầm, người thân đau ốm lâu ngày, mùa màng thất thu, con cái ngỗ nghịch ngang bướng…
Con tin Chúa vẫn đang hiện diện nơi cuộc đời con. Đôi vai trĩu nặng những trái ý, con không chịu đựng một mình nhưng được chia sẻ trên đôi vai của Chúa nữa. Xin giúp con nhận ra được sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Sự hiện diện ấy là ánh sáng giúp nhận ra con người thật của con, như luồng sáng soi tỏ những hạt bụi li ti. Sự hiện diện ấy là sức mạnh đỡ nâng và giải thoát, như hôm nào trên biển, Chúa uy quyền dẹp yên bão tố. Amen.
Ghi nhớ: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người ?”
TGM Giuse Nguyễn Năng
THỨ 7 SAU CN 3 TN
Mc 4, 35-41
SUY NIỆM: TẦM QUAN TRONG CỦA ĐỨC TIN
Có lẽ bài Tin mừng hôm nay đã khá quen thuộc đối với nhiều người.
Khi đối diện với 1 trận cuồng phong giữa đại dương mênh mông sóng gió, các tông đồ hoảng sợ. Các ông sợ đến nỗi quên rằng Chúa đang ở bên cạnh mình. Sau bao nhiêu nỗ lực chèo chống nhưng thất bại, cũng may là các tông đồ đã nhớ đến Chúa. Nhưng thay vì cầu cứu thì các ông lại trách móc Ngài: “Thầy ơi chúng ta sắp chết mất, mà Thầy chẳng lo gì sao?”.
Thưa anh chị em, đời người ki-tô hữu cũng được ví như 1 chiếc thuyền trôi lênh đênh xuôi ngược dòng đời, bị sóng ba đào xô lấp bủa vây, khiến chúng ta nhiều lần chới với tả tơi. Và đôi lúc chúng ta cũng trách Chúa rằng: Sao con không thấy Chúa đưa bàn tay đỡ nâng đời con, nhưng lại để một mình con chèo chống, làm thuyền con nát tan giữa đời.
Nguyên nhân không nằm ở Chúa mà là nằm ở nơi chúng ta thưa anh chị em. Bởi đức tin của chúng ta chưa đủ để phép lạ xảy ra với chính bản thân mình.
Chúa Giêsu đã từng nói với chúng ta như thế nào? “Chỉ cần anh em có đức tin bằng hạt cải thôi thì anh em có thể dời núi lấp biển”.
Bài đọc I hôm nay cho biết, bà Xa-ra năm xưa đã làm được điều đó. Vốn đã mang căn bệnh hiếm muộn lại còn ở cái tuổi cao niên, thì chuyện sinh con đẻ cái là điều dường như không thể. Thế nhưng bà đã thụ thai và sinh con nối dõi tông đường. Thánh Phaolô cho biết, sở dĩ điều ấy xảy ra là vì bà luôn tin rằng Đấng đã hứa với bà là Thiên Chúa trung tín. Abraham cũng vậy, ông sẵn sàng hiến tế Ixaac, người con duy nhất của ông cho Thiên Chúa làm hy lễ. Bởi vì ông tin rằng, Thiên Chúa có quyền năng làm cho người chết trỗi dậy.
Anh chị em hãy xét mình lại xem, đức tin của mình đang ở mức độ nào. Và trong những lần gặp khó khăn gian nan thử thách, liệu đức tin đó còn hay không?
Và để kết thúc, chúng ta cùng thưa lên với Chúa những lời chân thành sau đây: Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin, để con thấy Chúa luôn đồng hành. Xin ban thêm sức mạnh, để con thắng vượt ngàn gian nan. Cho con qua khổ đau, đường thánh giá giúp con tôi luyện, đức tin thêm vững vàng, tình yêu Chúa nồng nàn chứa chan. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM:                                                                                        
Chẳng hiểu tại sao lúc chiều xuống, Đức Giêsu lại bảo các môn đệ đưa mình qua bờ phía đông của Biển hồ, trên con thuyền mà Ngài ngồi giảng các dụ ngôn (Mc 4,1).
Do địa thế đặc biệt, hồ Galilê hay có những trận cuồng phong ập đến bất chợt, tạo ra những cơn bão lớn trên sóng nước.
Tối hôm ấy, thầy trò đã gặp một cơn bão như vậy.
 Thầy Giêsu phó thác mọi sự cho các môn đệ vốn là ngư phủ lành nghề.
Thầy mệt nên ngủ say ở đuôi thuyền, ngủ trên một cái gối.
Trong khi đó các môn đệ phải vật lộn với sóng gió, nước tràn đầy thuyền.
Họ có vẻ mất bình tĩnh khi thấy cơn giông bão không đánh thức Thầy được.
Chính họ đánh thức Thầy bằng một lời trách móc :
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38).
Thầy Giêsu đã thức dậy, và đã làm cho biển lặng, gió yên.
Đời con người ai tránh được sóng gió bất chợt.
Nếu biết trước sẽ gặp sóng gió, ai dám vượt biến ban đêm.
Sóng gió xảy ra trong đời riêng của mỗi người, trong gia đình,
trong đất nước, trong Giáo Hội, trên thế giới.
Sóng gió làm ta thấy mình con thuyền đời mình chòng chành, mong manh,
và khiến ta sợ hãi, hoảng loạn.
Giữa cơn sóng gió có khi người tín hữu lại thấy Chúa lạnh lùng, vô cảm.
Như các môn đệ, chúng ta không hiểu tại sao Chúa có thể ngủ được khi đời ta bị đe dọa bởi cuồng phong, tại sao Chúa vắng mặt, thinh lặng và khoanh tay vào lúc chúng ta cần đến Ngài hơn cả. “Tại sao anh em sợ? Anh em không có lòng tin sao?” (c.40).
Anh em không tin là Thầy đang ở trong cùng một con thuyền với anh em sao?
Lẽ ra chúng ta phải cảm thấy yên tâm
khi nhìn Chúa ngủ giấc ngủ tín thác của trẻ thơ ngay giữa cơn giông bão.
Nhìn Chúa ngủ bình an, chúng ta hiểu rằng chẳng có gì đáng sợ.
Vâng lời Chúa để qua bờ bên kia, và có Chúa trong con thuyền đời mình,
điều đó không làm chúng ta tránh được giông bão,
có khi lại gặp bão tố nhiều hơn.
Nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ qua được bờ bên kia
với lòng tin được tôi luyện của người tín hữu dày dạn.
Chúng ta dám tin Chúa có quyền trên sóng gió của đời ta không?
Cầu nguyện:

Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
 
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
 
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
 
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 
SUY NIỆM: “VẬY NGƯỜI NÀY LÀ AI, MÀ CẢ ĐẾN GIÓ VÀ BIỂN CŨNG TUÂN LỆNH?”
1. Cuồng phong và giấc ngủ
Chúng ta hãy đặt mình trong tình huống này : cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước; trong khi đó Đức Giê-su vẫn ngủ! Vì thế, các môn đệ không chỉ hoảng hốt, nhưng còn đánh thức và trách cứ Người:
Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? (c. 38)
Chúng ta hãy hình dung ra sự tương phản gần như tuyệt đối, để cảm thông với các môn đệ và cũng để nhận ra kinh nghiệm này cũng hiện diện trong đời sống đức tin và hành trình đi theo Đức Ki-tô của mỗi người chúng ta :
Ø Một bên là gió rít sóng gào, một bên là Đức Giê-su, đang ngủ vô tư như em bé (vì chỉ có em bé mới có thể ngủ trong những tình huống như thế).
Ø Một bên là các môn đệ chạy tới chạy lui hốt hoảng la hét, mất hết lòng tin.
Ø Một bên là tư thế nghỉ ngơi, an bình, hơi thở nhẹ nhàng, hoàn toàn phó thác của Đức Giê-su.
Hơn nữa trong bài Tin Mừng, thánh sử Mác-cô còn kể lại một chi tiết rất có ý nghĩa, đó là Đức Giê-su ngủ ở đàng lái!
Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. (Mc 4, 38)
Giữa sức mạnh của phong ba, bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành, nghĩa là bằng sự tín thác tuyệt nơi Thiên Chúa.
Biến cố này giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu; thực vậy, trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu cũng sẽ đối đầu và chiến thắng sức mạnh của sự dữ, của tội lỗi và của sự chết bằng sự hiền lành tuyệt đối.
2. Lòng tin
Vừa này, các môn đệ trách Đức Giêsu; còn bây giờ, sau khi ngăm đe gió và truyền cho biển yên lặng, Người trách các môn đệ (theo thánh sử Mát-thêu (Mt 8, 26), Người trách các môn đệ trước, để nêu bật lên sóng gió trong tâm hồn và sức mạnh dẹp yên của lòng tin):
Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (c. 40)
Qua lời trách này, Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ rằng, các ông không được hoảng lên, kêu la và đánh thức Thầy như thế. Đáng lẽ các ông phải “ngồi yên”!
Ø Cứ để biển động như thế.
Ø Cứ để gió gào như thế.
Ø Cứ để sóng thét và vùi dập con thuyền như thế.
Ø Và cứ để Người ngủ như thế.
Bởi vì chính Người đã lên thuyền và các ông đi theo Người. Nhưng nếu các ông cứ để yên thì chuyện gì xẩy ra, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra chuyện gì sẽ xẩy ra, sẽ chết hết! Như các môn đệ đã hốt hoảng la lên: “chúng ta chết đến nơi rồi!”
Ø Biển sẽ động đến tận cùng khả năng hung hãn của nó.
Ø Gió sẽ gào đến hết hơi của nó.
Ø Sóng sẽ thi thố hết sức mạnh kinh hồn của nó.
Ø Và Đức Giêsu sẽ cứ ngủ bình yên; nhưng ở đây, Ngài sẽ không để mình bị vùi dập, vì chưa đến “giờ”, và đây không phải là cách Người sẽ chết.
3. “Im đi! Câm đi!”
Chúng ta hãy cảm nếm sức mạnh của lời Chúa, vì đó là sức mạnh của Ngôi Lời sáng tạo :
Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển:
“Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
(c. 39)

Lời Chúa làm cho hư vô chuyển thành hiện hữu ; hỗn mang trở thành trật tự ; kêu gào trở nên yên lặng. Chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa lời trách của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lời trách vừa thẳng và nặng. Thẳng và nặng giống như Chúa nói với sóng gió. Tại sao vậy ? Bởi vì lòng chúng ta cũng có sóng gào gió thét, cũng có hỗn mang. Để dẹp yên, có lẽ còn khó hơn; vì thế, theo lời kể của thánh Mát-thêu, Người thực hiện điều này trước khi nói với sóng gió (x. Mt 8, 23-26).
Các môn đệ vừa nãy sợ sóng gió, sợ chết ; bây giờ lại tiếp tục hoảng sợ trước căn tính thật sự của Đức Giê-su. Chúa dẹp yên sóng gió bên ngoài rồi ; nhưng sóng gió nội tâm dường như vẫn còn:
Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (c. 41)
Tương tự như khi các ông hoảng sợ và tưởng là ma khi thấy Đức Kitô phục sinh từ cõi chết. Căn tính của Đức Giê-su lộ ra bởi sức mạnh của lời sáng tạo : chế ngự khuất phục hỗn mang, sự chết. Như các môn đệ, chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết căn tính của Chúa, dù ngài đồng thuyền với ta. Vì như thánh Phao-lô nói : “Mọi sự được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài.” (Col 1, 16) 
Nơi Mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa sẽ “ngủ” ở giữa gió rít sóng gào : một bên là bạo lực tuyệt đối ; một bên là hiền lành tuyệt đối. Ngài sẽ để yên cho Biển động, sóng to gió lớn, dập vùi Ngài cho đến chết. Ngài muốn để mọi sự diễn ra như thế, để chúng ta tín thác tuyệt đối vào ngôi vị của Ngài, và cũng để kinh nghiệm quyền năng tuyệt đối của Ngài trên Sự Dữ và Sự Chết. Quyền năng chỉ bộc lộ mức độ tuyệt đối khi trực diện với thế lực đối lập đã thi thố hết sức mạnh của nó.
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta gặp thử thách hay hiểm nguy, chúng ta kêu và Chúa “thức dậy” cứu chúng ta. Nhưng cũng có khi, chúng ta được mời gọi có kinh nghiệm tương tự như kinh nghiệm của mầu nhiệm Thương Khó, nghĩa là hoàn toàn phó thác, để cho Thiên Chúa dẫn chúng ta đi ngang qua bão tổ của thử thách, như Đức Giê-su. Thực ra, dù muốn dù không, đó sẽ là thời điểm của sự chết, tất yếu sẽ đến với mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi sống thực tại này như một hành trình Vượt Qua.
Xin Chúa ban cho chúng ta lòng tín thác của bé thơ, như Đức Giê-su, nơi vòng tay yêu thương và bao dung của Thiên Chúa Cha.
Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.

(Tv 131, 2)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM: ĐỨC TIN TRONG CUỘC SỐNG
1/ Đức tin trong công việc trao phó
Câu truyện Đức Giêsu và các môn đệ vượt qua biển hồ Têbêria, bị sóng to gió lớn của Thánh sử Marcô: Sau bốn dụ ngôn, là trình thuật bốn phép lạ, gồm Dẹp sóng to gió lớn; Chữa người quỷ ám ở Ghê-ra-sa; Chữa người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-rô sống lại. Ngụ ý của Chúa Giêsu. Đây là bốn phép lạ không dành cho đám đông, nhưng dành riêng cho nhóm nhỏ của Ngài, nhằm giáo dục các ông về đức tin. Câu cuối của trình thuật nhắc đến: “anh em vẫn chưa có lòng tin ư?”
Đúng vậy chấp nhận đi chung thuyền với Chúa, chấp nhận để Chúa đứng đầu mũi thuyền, thì đồng nghĩa với việc tin tưởng vào Chúa, trao phó vào tay Chúa, không được bất an, không được giao động, không được càm ràm thanh trách.
Sứ điệp lời Chúa gởi đến chúng ta, khi nhận lãnh một trách nhiệm trong cộng đoàn, nhận lãnh một trách nhiệm trong gia đình, đây không phải công việc riêng tư, cá nhân, nhưng phải ý thức người cùng hội cùng thuyền với Chúa. Khi gặp sóng to gió lớn chúng ta không được bất an, giao động. Hãy tin tưởng và cầu nguyện để được Chúa dẫn dắt và vượt qua.
2/ Đức tin Trong cuộc sống
Bài đọc I Thư Do Thái khẳng định: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” Ví như tổ phụ Abraham: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu”. Chính nhờ vậy mà Thiên Chúa đã thi thố quyền năng của Ngài trên cuộc đời tổ phụ Abraham, những điều không thể trở nên có thể.
Đến vùng đất hứa, định cư và lập nghiệp, hiển nhiên đây là vẫn nạn của cuộc sống từ thờ tổ phụ Abraham cho đến thời đại ngày hôm nay. Xưa tổ phụ làm trong đức tin theo lệnh Chúa. Thánh Giuse cũng thực hiện trong đức tin theo lệnh Chúa, tất cả đều nhận được sự trợ giúp từ ở nơi Thiên Chúa. Xin cho các gia đình trẻ có một đức tin kiên vững để được Chúa dẫn dắt trong đời sống ân phước, mỗi ngày mở ra hồng ân kỳ diệu, đừng vì lý do kế sinh nhai, xây dựng sự nghiệp mà gác lại đời sống đức tin.
Lm. Tam Thái
SUY NIỆM: NIỀM TIN VÀO THIÊN CHÚA
Chúa ơi ! Chúa ở đâu?”
“ Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38)
Đời người cũng giống như một chiếc thuyền lúc êm xuôi, lúc dập dìu khi phải gánh chịu những con sóng lớn. Đó phải chăng từ những con sóng là tiền bạc vật chất,  những con sóng là danh lợi địa vị, hay những con sóng là bệnh tật đau yếu và cũng có những con sóng là hơn thua ghen ghét thù hận, là loại bỏ anh em của mình. Trong bối cảnh giữa cơn đại dịch đã cướp đi bao sinh mệnh: cha mất con, vợ mất chồng, con cái mất cha mất mẹ … Chỉ còn lại tiếng gào thét trong tuyệt vọng và cũng là lúc tiền bạc, danh lợi địa vị trở nên vô nghĩa. Quả thế, Lời Chúa như thức tỉnh mỗi người trong chúng ta, khiến chúng ta phải chậm lại để nhìn lại đời sống đức tin của mình. Phải chăng mỗi người chúng ta đang lo lắng và sợ hãi, kêu ca và than vãn: Lạy Chúa! Chúa ở đâu? Hay chúng ta đang trách móc và tuyệt vọng: “Sao con không thấy Chúa đưa bàn tay đỡ nâng đời con”. Có lẽ nỗi sợ hãi đã làm cho chúng ta quên mất quyền năng của Thiên Chúa – Người Cha luôn săn sóc chở che cho con cái của mình.
 Trở lại bài Tin Mừng mà Thánh sử Mac-cô đã thuật lại. Khi Chúa Giê-su đang ngủ trên thuyền thì một trận cuồng phong ập đến. Trong khi đó, các Tông đồ đang lo sợ thì Đức Giê-su vẫn điềm nhiên gối đầu ngủ say sưa. Điều này làm cho các ông thêm lo sợ, thế nên các ông gào thét đánh thức Người và còn hờn trách Người đã bỏ mặc các ông (x.Mc 4,38). Và rồi Chúa đã ra lệnh: “Im đi! Câm đi!” (Mc 4,39) và răn đe khiến biển yên gió lặng. Có phải chăng, tất cả là ý Chúa muốn cho các Tông đồ và cho cả chúng ta nữa. Là những thử thách là Thập Giá mà Chúa đã trao phó cho chúng ta. Cũng là lúc chúng ta cần ngẫm lại niềm tin vào Thiên Chúa nơi mỗi người trong chúng ta và tự hỏi mình đã giao phó cả cuộc đời cho Chúa chưa?
 Lạy Chúa, chúng con là những kẻ mọn hèn yếu đuối, chúng con không xin cho chúng con tránh được những khó khăn thử thách. Nhưng xin Chúa ban thêm cho chúng con đủ sức để vượt qua giông bão của cuộc đời, và để chúng con ca vang tình yêu Chúa:
Cho con thêm niềm tin để con thấy Chúa luôn đồng hành, cho con thêm sức mạnh để con thắng vượt ngàn gian nan. Cho con qua khổ đau, đường Thánh Giá giúp con tôi luyện, đức tin thêm vững vàng. Tình yêu Chúa nồng nàn chứa chan” (Trích: bài hát “Cho con thấy Chúa” - St. Sr. Hiền Hòa). Amen !
Tôma Aquinô Trần Vũ Hoàng
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây