Thứ năm đầu tháng, tuần 13 thường niên.

Thứ tư - 03/07/2019 09:04

Thứ năm đầu tháng, tuần 13 thường niên.

"Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế".

 

Lời Chúa: Mt 9, 1-8.

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường.

Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng? Bảo rằng "Tội con được tha rồi", hay nói "Hãy chỗi dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên đời này Con Người có quyền tha tội".

Bấy giờ Người nói với người bất toại: "Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế.

 

Suy Niệm 1: Sống niềm tin

Con người là con vật xã hội. Xã hội không dành riêng phần đất cho những người tự đóng kín vào mình. Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác và cũng có bổn phận để người khác nhờ đến tôi.

Ðời sống đức tin cũng không ra ngoài định luật ấy. Ơn cứu độ được gửi đến cho tất cả, chứ không cho riêng một ai, mỗi cá nhân đón nhận nhưng rồi phải san sẻ cho người khác. Sự thánh thiện hoặc tội lỗi của một người cũng có ảnh hưởng đến người khác. Chúa Giêsu đã lên án mạnh mẽ những ai làm cớ vấp phạm cho người khác xa lìa Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay thuật lại một phép lạ xẩy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người tê liệt được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Phúc Âm Marcô và Luca cho thấy rõ hơn quang cảnh của phép lạ này: vì không có chỗ để chen vào, người ta leo lên gỡ mái nhà và thòng người tê liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người tê liệt, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.

Dấu lạ đòi hỏi lòng tin. Một khi lòng tin đã đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, thì con người sẽ dễ dàng gặp được dấu lạ và lòng tin có thể chuyển dấu lạ hay ơn lành sang cho người khác. Với đám đông đang vây quanh Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng, thì việc đưa bệnh nhân đến gần Ngài quả là một cố gắng vượt mức. Nhìn vào cố gắng này, chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: Ngài là ai mà con người phải cố gắng tìm gặp đến thế? Ðặt câu hỏi tức là đã bắt đầu tiến đến gần Thiên Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống niềm tin, dù cho có gặp nhiều cản trở, nhờ đó chúng ta sẽ nhận được ơn lành của Chúa, và củng cố niềm tin nơi nhiều người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Phép lạ và Lời Chúa

Khi Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” Và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” (Mt. 9, 1-3)

Đức Giêsu, người hay làm phép lạ

Nếu đọc một mạch hết các Phúc âm, người ta có cảm tưởng là Chúa Giêsu đã làm vô số các phép lạ. Phải nói là rất nhiều, nên các thánh ký đã cẩn thận lưu ý ta rằng còn nhiều phép lạ khác không được kể lại trong các sách Phúc âm.

Điều này khiến ta có thể đặt ra ít nhiều câu hỏi: Tại sao Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều việc lạ lùng như vậy? Tại sao thời Chúa Giêsu các phép lạ thường hay xảy ra, còn thời chúng ta thì hiếm có thế? Tại sao có phép lạ?

Ý nghĩa các phép lạ

Không bao giờ Chúa Giêsu làm phép lạ để có ý phô trương hay làm lóa mắt người ta, càng không phải để mời mọc những kẻ tin vào Người hy vọng mình có được một cuộc sống chan hòa những cảnh tuyệt vời, lạ lùng, và phi thường.

Sinh thời, các phép lạ Chúa làm đều đáp ứng những mục tiêu rõ rệt. Các phép lạ ấy có mục đích chỉ cho ta thấy Đức Giêsu đúng là Con Thiên Chúa. Các phép lạ ấy cũng tỏ cho thấy Chúa Cha đã ban cho Người cũng như cho những kẻ kế vị Người những quyền năng thiêng liêng. Nhất là các phép lạ được thực hiện cốt để người ta tin vào lời của Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Trích đoạn Phúc âm ta đọc lại hôm nay nói lên ý nghĩa này rõ rệt. Dân chúng ngạc nhiên trước tiên không phải vì người bại liệt được chữa khỏi, nhưng vì phép lạ ấy chứng tỏ việc “Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền tha tội”. Phép lạ như con dấu chứng thực cho sự việc này.

Thiên Chúa còn làm phép lạ nữa không? Chắc chắn, còn. Nhiều không? Ai dám nói được điều này. Có một điều chắc chắn. Ay là ta không được nuôi dưỡng lòng tin của mình bằng các phép lạ, nhưng phải bằng Lời Chúa.

 

Suy Niệm 3: CHÚA LÀ ĐIỂM TỰA ĐỜI CON (Ga 20, 24-29)

Xem lại thứ Sáu tuần 1 TN, thứ Sáu tuần 6 TN và thứ Hai tuần 2 MV

Trong một căn phòng hậu phẫu, có nhiều bệnh nhân với những bệnh lý khác nhau. Các bệnh nhân thường hay kêu la đau đớn và tỏ vẻ khó chịu với thân nhân của mình. Tuy nhiên, những người hiện diện ở đó thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy và chứng kiến một bệnh nhân trạc tuổi 60, ông không kêu ca, không trách móc, nhưng có lúc lại nở nụ cười tươi. Hỏi thăm, mới biết ông là người Công Giáo và phải mổ để cắt thận vì sỏi quá nhiều.

Trong lúc trò chuyện, có một người hỏi thăm ông: “Tại sao các bệnh nhân khác thì đau đớn và kêu la, còn ông thì không?” Trong tiếng nói nhỏ nhẹ, ông nói: “Mỗi lần cơn đau đến với tôi, tôi nhớ đến Chúa chịu đóng đinh. Ngài còn đau đớn hơn tôi nhiều, vì thế, tôi luôn cầu xin Chúa giúp sức để vượt qua cơn đau và tôi cũng xin Chúa cho mình được thông phần đau khổ với Ngài”. Thật tuyệt vời, Đức Giêsu là điểm tựa của ông, và cuộc thương khó, cái chết của Ngài đã làm cho ông can đảm, vui vẻ đón nhận đau đớn vì lòng yêu mến Chúa.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

Tin Mừng hôm nay trình thuật cuộc đối thoại giữa thánh Tôma và các Tông đồ khác, hẳn ai cũng biết ngài là người cứng lòng tin, bởi vì thánh nhân đã từng nói: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin". Như vậy, với ngài, không thấy là không tin. Thấy thì mới tin. Niềm tin của Tôma chính là: tay phải sờ, mắt phải thấy thì mới có sự thuyết phục. Niềm tin của thánh nhân là niềm tin của lý trí.

Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn Tôma, các Tông đồ khác và cả chúng ta ngày hôm nay phải đạt tới mức độ vượt lên trên những gì là khả giác của đời thường, để tiến tới một đức tin trưởng thành, tức là không thấy mà vẫn tin: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Mong thay lời tuyên tín của thánh Tôma khi xưa: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" cũng là lời cầu nguyện và xác tín của mỗi chúng ta, và, lời chúc phúc của Đức Giêsu cho Tôma: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin" cũng là lời chúc phúc cho chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, đức tin của chúng con còn non yếu, xin Chúa giúp cho đức tin của chúng con được lớn mạnh và trưởng thành. Xin cho chúng con tin tưởng vào Lời Chúa và những lời dạy của Giáo Hội. Xin cho chúng con biết luôn tìm đến Chúa như là điểm tựa của cuộc đời chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Thấy họ có lòng tin

Suy niệm :

Khiêng một người bất toại trên một cái giường là điều không dễ.

Chẳng biết có mấy người khiêng và khiêng bao xa?

Chẳng rõ tương quan giữa họ ra sao, có phải là bạn bè, họ hàng không?

Có điều chắc là anh bất toại không thể tự mình đến với Thầy Giêsu được.

Chân của anh có vấn đề, và thời ấy không có xe lăn như bây giờ.

Anh cần đến sự giúp đỡ của bạn bè quen biết.

Và đã có những người đáp lại vì tình thương đối với anh chịu tật nguyền.

Rồi đã có một cuộc hẹn, và sau đó cả nhóm lên đường.

Tình bạn làm cho đường đến nhà của Thầy Giêsu ở Caphácnaum gần hơn.

Nhưng vất vả, nhọc nhằn thì vẫn không tránh được.

Đưa người bất toại đến với Thầy Giêsu quả là một kỳ công,

vì trong Tin Mừng theo thánh Máccô, họ đã phải đưa người bệnh xuống

qua một lỗ thủng ở trên mái nhà, bởi lẽ không có đường nào khác ! (Mc 2, 4).

Dù sao Thầy Giêsu cũng đã thấy lòng tin của họ (c. 2).

Lòng tin là cái bên trong, nhưng được lộ ra ngoài.

Cả người bất toại lẫn các người khiêng đều có chung một lòng tin.

Tin rằng đến với Thầy Giêsu là thế nào cũng được khỏi.

Họ nuôi một niềm hy vọng lớn: khi trở về không phải khiêng nhau nữa.

Anh bất toại có thể đi được bằng đôi chân của chính mình,

và đi ngang hàng với những người bạn khác.

Tin, yêu và hy vọng là những tâm tình có trong tim của nhóm bạn này.

Không có những điều đó thì cũng chẳng có phép lạ khỏi bệnh.

Ơn Thiên Chúa vẫn đến với con người ngang qua lòng tốt của con người.

Nhưng lạ thay Thầy Giêsu lại có vẻ không màng đến chuyện chữa bệnh.

Thầy nói với người bất toại: “Các tội của anh được tha thứ” (c. 2).

Ơn đầu tiên người bất toại nhận được là một ơn mà anh không xin,

ơn đó không phải nơi thân xác, nhưng nơi linh hồn.

Hẳn Thầy Giêsu không có ý nói rằng anh bị tật là vì đã phạm tội.

Nhưng Ngài muốn cho thấy uy quyền của lời Ngài nói.

Lời này có thể tha tội và lời này cũng có thể chữa lành.

Nếu các kinh sư nghĩ rằng Ngài đã nói phạm thượng (c. 3),

dám tiếm quyền tha tội dành cho một mình Thiên Chúa,

thì Ngài sẽ chứng tỏ cho họ thấy Ngài có quyền tha tội dưới đất.

Ngài bảo anh bất toại: “Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà” (c. 6).

Ngài đã không chọn điều dễ hơn (c. 5), điều khó kiểm chứng.

Anh bất toại đã đứng dậy và đi về nhà cùng với các bạn của anh.

Anh đã được hơn cả điều anh mong ước, đó là hồn an xác mạnh.

Đức Giêsu có quyền giải phóng ta khỏi bệnh tật và tội lỗi.

Tội lỗi cũng làm ta bất toại, không đến được với Thiên Chúa và tha nhân.

Nhưng Đức Giêsu đã muốn chia sẻ quyền này cho “loài người” (c. 8).

Môn đệ của Ngài vẫn làm thừa tác vụ chữa lành và tha tội cho đến tận thế.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã giúp cho bao người què đi được trên đôi chân của mình.

Chúa đã làm cho người bất toại

nằm chờ đợi nhiều năm bên hồ nước

bất ngờ trỗi dậy, vác chõng và bước đi.

Chúa đã làm cho người bất toại

mà bạn bè vất vả đưa xuống từ lỗ hổng của mái nhà,

được khỏi bệnh, lòng bình an vì được tha thứ.

Chúa đã cho kẻ bại tay được đưa tay ra

và tay anh trở lại bình thường.

Bất toại trên thân xác thật là điều đáng sợ.

Nhưng đáng sợ hơn là thứ bất toại của tâm hồn.

Có thứ bất toại làm chúng con không đến được với người khác,

dù nhà họ ở kế bên nhà chúng con,

không đến được với Chúa, dù Chúa vẫn luôn chờ đợi.

Có thứ bất toại làm chúng con không thể đưa tay ra

để bắt tay người đối diện hay để chia sẻ một món quà.

Có thứ bất toại làm trái tim chúng con khô cứng,

hững hờ trước nỗi đau của người anh em.

Xin giúp chúng con ra khỏi

những thành kiến và mặc cảm, thù oán và ghen tương,

để chuyển động mềm mại hơn dưới sự tác động của Chúa.

Xin cũng giúp chúng con biết khiêm tốn

nhìn nhận sự bại liệt của mình,

và chấp nhận để người khác đưa mình đến gặp Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.



 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

Thursday (July 5):  “Take heart – your sins are forgiven”

Scripture:  Matthew 9:1-8  

1 And getting into a boat he crossed over and came to his own city. 2 And behold, they brought to him a paralytic, lying on his bed; and when Jesus saw their faith he said to the paralytic, “Take heart, my son;  your sins are forgiven.”  3 And behold, some of the scribes said to themselves, “This man is blaspheming.” 4 But Jesus, knowing their thoughts, said, “Why do you think evil in your hearts?  5 For which is easier, to say, `Your sins are forgiven,’ or to say, `Rise and walk’?  6 But that you may know that the Son of man has authority on earth to forgive sins” — he then said to the paralytic — “Rise, take up your bed  and go home.” 7 And he rose and went home. 8 When the crowds saw it, they were afraid, and they glorified God, who had given such authority to men.

Thứ Năm 4-7  Đừng sợ – tội con đã được tha

Mt 9,1-8

1 Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình.2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi! “3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.”4Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?5 Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn?6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà! “7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

Meditation:

What cripples the mind and heart and stifles the healing power of love? Sin and unforgiveness for certain! Sin cripples us more than any physical ailment can. Sin is the work of the kingdom of darkness and it holds us in eternal bondage. There is only one solution and that is the healing, cleansing power of Jesus’ forgiveness.

 

Power of forgiveness

Jesus’ treatment of sinners upset the religious teachers of the day. When a cripple was brought to Jesus because of the faith of his friends, Jesus did the unthinkable. He first forgave the man his sins. The scribes regarded this as blasphemy because they understood that only God had authority to forgive sins and to unbind a man or woman from their burden of guilt. Jesus claimed an authority which only God could rightfully give. Jesus not only proved that his authority came from God, he showed the great power of God’s redeeming love and mercy by healing the cripple of his physical ailment. This man had been crippled not only physically, but spiritually as well. Jesus freed him from his burden of guilt and restored his body as well.

 

Healing body, mind, and soul

The Lord Jesus is ever ready to bring us healing of mind, body, and soul. His grace brings us freedom from the power of sin and from bondage to harmful desires and addictions. Do you allow anything to keep you from Jesus’ healing power?

 

 

“Lord Jesus, through your merciful love and forgiveness you bring healing and restoration to body, mind, and soul. May your healing power and love touch every area of my life – my innermost thoughts, feelings, attitudes, and memories. Pardon my offences and transform me in the power of your Holy Spirit that I may walk confidently in your truth and goodness.”

Suy niệm:

Điều gì làm cho tâm trí ra què quặt và làm tê liệt sức mạnh chữa lành của tình yêu? Tội lỗi và sự không tha thứ là cái chắc! Tội lỗi làm chúng ta què quặt hơn bất cứ bệnh tật thể lý nào có thể. Tội lỗi là công việc của vương quốc tăm tối, nó giam giữ chúng ta trong sự nô lệ vĩnh viễn. Chỉ có một giải pháp duy nhất là sự chữa lành, sức mạnh thanh tẩy ơn tha thứ của Đức Giêsu.

Quyền năng tha thứ

Cách đối xử của Đức Giêsu với những người tội lỗi làm cho các Kinh sư tức tối. Khi người ta mang đến cho Đức Giêsu một người què bởi lòng tin của bạn bè, Đức Giêsu đã làm một điều thật ấn tượng. Trước hết, Người tha thứ tội lỗi cho anh ta. Các kinh sư coi điều này như là sự phạm thượng, bởi vì họ biết rằng chỉ duy có mình Thiên Chúa mới có quyền tha thứ tội lỗi, và cất đi gánh nặng tội lỗi của họ. Đức Giêsu xác nhận uy quyền mà chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa mới có thể ban. Đức Giêsu không chỉ chứng thật uy quyền của Người đến từ Thiên Chúa, Người còn bày tỏ quyền lực cao cả của tình yêu và lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa bằng cách chữa lành cho anh què khỏi đau khổ về phần xác. Người này không chỉ què về phần thể lý, nhưng phần thiêng liêng cũng vậy. Đức Giêsu giải thoát cho anh khỏi gánh nặng của tội lỗi, và phục hồi sức khỏe cho thân xác anh.

Chữa lành thân xác, tâm trí, và linh hồn

Chúa Giêsu luôn luôn sẵn sàng đem lại cho chúng ta sự chữa lành phần xác, phần hồn, và phần tâm trí nữa. Ơn sủng của Người đem tới cho chúng ta sự giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và sự ràng buộc với những ước muốn và nghiện ngập tai hại. Bạn có cho phép bất cứ điều gì ngăn cản bạn khỏi sức mạnh chữa lành của Đức Giêsu không?

Lạy Chúa Giêsu, ngang qua tình yêu và sự tha thứ của lòng thương xót, Chúa đem lại sự chữa lành và sự phục hồi cho thân xác, tâm trí, và linh hồn của con. Chớ gì sức mạnh và tình yêu chữa lành của Chúa chạm đến mọi sự của cuộc đời con – những tư tưởng thầm kín nhất, những cảm giác, những thái độ, và những ký ức của con. Xin Chúa tha thứ cho những xúc phạm của con, và biến đổi con trong sức mạnh của Thần Khí, để con có thể bước đi mạnh dạn trong sự thật và công chính của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây