Thứ Ba tuần 14 thường niên.

Thứ hai - 08/07/2019 08:36

Thứ Ba tuần 14 thường niên.

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".

 

Lời Chúa: Mt 9, 32-38

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".

Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.

Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

 

 

Suy Niệm 1: Nhu cầu truyền giáo

Nhờ tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ. Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít".

Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.

Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.

Là người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức tin chết?

Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chúng ta đều là thợ gặt

Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt. 9, 36-39)

Một mùa gặt bội thu

Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.

Không phải chỉ có các linh mục, các tu sĩ nam nữ là những người phải nói về Chúa, phải giới thiệu Chúa cho người ta, mà là tất cả những ai đã hưởng ánh sáng và niềm vui mà Chúa ban cho kẻ sống mật thiết với Người.

Ta không thể đã được gặp Chúa rồi mà lại sống ích kỷ. Người Kitô hữu chính cống là người biết chia sẻ cho người khác điều mình đã thấy, đã biết, đã trải qua.

Mỗi người đều có phần trách nhiệm

Phải cần đến nhiều tay thợ, để những con người thời nay nam cũng như nữ biết đối diện với Chúa và sống sự sống của Người. Mỗi tín hữu dù nam hay nữ đều phải là thợ gặt trong cánh đồng mênh mông của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm góp phần lớn nhỏ của mình.

Đừng đẩy trách nhiệm của mình cho người khác. Không phải chỉ cầu nguyện cho thêm đông số các người chuyên lo việc truyền giáo, cho có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ dấn thân hết mình cho Giáo hội mà thôi. Tốt hơn ta hãy cầu xin cho chính chúng ta để biết làm gì hơn trong phần trách nhiệm của mình, cụ thể là cầu nguyện cho ta được ơn can đảm và niềm vui để hoàn thành tốt trách nhiệm Chúa trao.

 

Suy Niệm 3: XIN MỞ MIỆNG CON (Mt 9, 32-38)

Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.

Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.

Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.

Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ! Họ là những người mê tiền tài, danh vọng, dâm dục... nên mọi hành vi, cử chỉ đều hướng chiều về nó, khiếm người đó bị câm không nói được về Chúa cho anh chị em mình.

Thật vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình  khoái danh, sắc, dục...! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ... làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù!

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Sai thợ ra gặt lúa

Suy niệm :

Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối

của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.

Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.

Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.

Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.

Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.

Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.

Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.

Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”

Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).

Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,

thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.

Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:

“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).

Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.

Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,

nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).

Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.

Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược

về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).

Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.

Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.

Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.

Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.

Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).

Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.

Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.

Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.

Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.

Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.

Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.

Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.

Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.

Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.

Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.

Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.

Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.

Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.

Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.

Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.

Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.

Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?

Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,

đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.

Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy

đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.

Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay

những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.

Xin cho họ

biết quên hạnh phúc và tương lai của mình

để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.

Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,

cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,

thấy được những mất mát của bao người đau khổ,

và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.

Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ

để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,

sống như Ngài đã sống

và tiếp tục làm những gì

Ngài đã làm trên trần gian.

Cũng xin Cha

gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,

thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,

để tất cả trở thành những môi trường tốt

giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.



 

TỘI LỖI VÀ SỰ THIỆN

Ba thiếu niên tách khỏi các bạn, chúng tìm một chổ vắng và ngồi trên một cây gỗ lớn, xa cặp mắt của Don Bosco. Chúng bắt đầu nói những chuyện thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, Don Bosco đã đoán được điều chúng toan tính; bất chợt, Ngài lại gần và trìu mến bảo chúng: “Sao các con không đi chơi với các bạn? Tách rời ra, phân tán chúng con ra, chúng con là ba đứa trẻ tốt; kết bè lại, chúng con là ba đứa xấu“. Ba thiếu niên ấy đỏ mặt; chúng mỉm cười dưới cái nhìn âu yếm của Don Bosco và chạy đi chơi.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một trong những đặc điểm của tội phạm, của những kẻ làm điều xấu là họ thích tìm chỗ khuất để làm điều không tốt. Một khi những người tội lỗi nhận thấy người khác nhìn mình với thái độ khinh khi, coi thường, đầy sự dè chừng thì họ có xu hướng dấn sâu hơn vào những điều xấu để khẳng định giá trị bản thân. Như thế thái đồng hành để cảm thông, để nâng đỡ và sửa lỗi như Don Bosco đã làm với những đứa trẻ trên thật sự cần thiết để tránh được nhiều vấn đề.

Chính Đức Giêsu là một mẫu gương tuyệt vời về thái độ cư xử với những người tội lỗi, và ngài đã đưa nhiều kẻ lầm lạc trở về con đường ngay chính. Trong Kinh Thánh, chúng ta không bao giờ thấy Ngài chửi mắng, xét xử về tội trạng của người khác cho bằng kêu gọi họ ăn năn trở về. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Giêsu kêu gọi một người thu thuế đi theo Ngài, đồng thời Ngài còn dùng bữa với nhiều người thu thuế và tội lỗi khác. Hành vi ấy đã bị những người Pharisêu tra vấn, bởi lẽ những ai làm nghề thu thuế thời ấy được coi như những kẻ hút máu đồng bào, được gán đồng hạng với những phường tội lỗi. Vậy mà một người thầy chuyên đi giảng dạy đạo lý, dạy điều hay lẽ phải cho người khác lại giao du và ngồi ăn uống với họ, như thế khác nào là đồng phạm với kẻ hút máu đồng bào kia! Thế thì tư cách của một thầy dạy như vậy chắc phải có vấn đề. Việc Chúa Giêsu làm cũng tương tự như con cái chúng ta, người thân chúng ta hay bạn bè tốt của chúng ta đang giao du với những kẻ xấu bị chúng ta bắt gặp. Hiển nhiên rằng chúng ta sẽ dễ dàng kết án, suy luận về hậu quả của những hành vi ấy, chúng không thể chấp nhận để người thân của mình lâm vào vòng nguy hiểm ấy.

Thế nhưng Chúa Giêsu đã chứng minh một điều trái ngược rằng bằng tình yêu, sự cảm thông và tha thứ có thể hoán cải được những người tội lỗi ăn năn trở về. Bằng chứng là Ngài đã có một người môn đệ làm nghề thu thuế đã trở nên thánh, và nhiều người tội lỗi khác đã trở thành chứng nhân cho Chúa. Đức Giêsu nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” . Không phải Ngài ưa thích gì tội lỗi, hay ưu tiên cho kẻ tội lỗi mà bỏ bê những người công chính, nhưng chính là Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy có lòng nhân từ. Điều chúng ta cần lên án chính là sự dữ, điều tội lỗi; Thiên Chúa làm nên mọi sự đều tốt đẹp, con người thì tốt đẹp trong công trình tạo dựng và họ luôn được mời gọi trở nên hoàn thiện. Giả sử Đức Giêsu là Thiên Chúa mà còn từ chối, xua đuổi những kẻ tội lỗi thì còn lối thoát nào cho họ!

Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta học cách sống quảng đại của Chúa trong cách đối xử với tha nhân và với chính mình. Sửa lỗi người khác cách tàn nhẫn và không đúng lúc, với sự tức giận, lăng mạ và chửi bới quả là thiếu khôn ngoan. Chúng ta sống thế nào để nhìn ra những điều tích cực, tin tưởng vào điều gì con người không thể, nhưng Thiên Chúa thì làm được mọi sự. Ngài có thể rút từ sự dữ thành sự thiện trong tình yêu quan phòng của Ngài.

Giuse Đinh Thành Đạt SDB

 

 

Suy niệm 2

Abraham Lincol, vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, là người đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sử đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông liền sai người về bang Canitky, là nơi sinh quán của mình để mời cho kì được người bạn già đến thủ đô Washington với mục đích cho ông tham khảo ý kiến.

Hai người gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Khỉ giờ phút tâm sự đã qua, Abraham Lincol cảm thấy tươi vui hẳn lên.

Sau cùng, khi có người hỏi ông đã làm gì để tổng thống phấn khởi lên như thế, người bạn già của tổng thống đã cho biết: tổng thống đã không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan đến chiến tranh hay chuyện đất nước. Ông cũng cho biết ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe người bạn tri ân trút hết nỗi lòng của mình, bao nhiêu những ẩn uất và đè nén từ bấy lâu nay, Abraham Lỉncol đã trút hết cho người bạn già và người bạn già chỉ biết ngồi đó đề lắng nghe và cảm phục.

Nhiều người cho rằng sự hiện diện, lắng nghe và cảm thông ấy của người bạn già là một nhân tô’ quan trọng để giúp cho tổng thống Abraham Lincol đủ phấn khởi và nghị lực để giải quyết những việc đại sự của đất nước.

Khi đến với con người xem ra Thiên Chúa đã chọn con đường hiện diện và lắng nghe ấy, tên của Ngôi Lời Nhập thể là Emmanuen, Thiên Chúa ở với con người. Ngôi Lời ấy đã nói bằng sự thinh lặng nhiều hơn, thinh lặng của một thơ nhi bé bỏng, thinh lặng của suốt 30 năm tại Nadarét và cuối cùng thinh lặng trong cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá.

Ngôi Lời được ngỏ bằng sự thinh lặng của vâng phục, của tín thác, nhất là thinh lặng của cảm thông với người tội lỗi. Ngài xem ra chỉ hiện diện với tất cả cảm thông và tha thứ. Ngài đi lại, đồng bàn với họ. Trong sự thinh lặng ấy, người tội lỗi và kẻ khốn cùng đã nghe được tiếng mời gọi và sự tha thứ của một Thiên Chúa mà danh xưng là Tình Yêu.

Hôm nay, “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Ngài nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về Lời kêu gọi đó đã được Giáo hội nhắc nhở chúng ta về bổn phận truyền giáo cho mọi người.

Tin mừng nào cũng hàm chứa sự đòi hỏi phải được chia sẻ và loan báo. Người nào đã đón nhận Tin mừng mà không chịu chia sẻ và loan báo thì không phải là người Kitô. Có người chia sẻ và loan báo bằng lời rao giảng, nhưng sự chia sẻ và loan báo đáng tin cậy nhất là bằng chứng từ của cuộc sống. Một gương mặt vui tươi lạc quan, tin tưởng, đã là một lời loan báo về Tin mừng của tình yêu và hy vọng. Một sự hiện diện cảm thông nâng đỡ, tha thứ đã là một chia sẻ của Tin mừng yêu thương. Một cuộc sống quảng đại tử tế đã là lời loan báo hùng hồn hơn bất cứ sự rao giảng nào khác.

Giữa một xã hội thiếu vắng tình người và niềm tin, nhiều người đang cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Chúng ta hãy xin Chúa cho mọi người tín hữu Kitô luôn biết ý thức rằng cuộc sống của chúng ta trước hết phải trở thành những tín hiệu, để nhờ đó nhiều người có thể đọc được Tin mừng của Chúa.

Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh, SDB

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây