SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN V PHỤC SINH
Ga 15, 9-11
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
9Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.
10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.
11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy sống trọn vẹn tình yêu, theo mẫu mực tuyệt hảo như Thiên Chúa yêu thương. Ta hãy giữ giới răn của Chúa Giêsu để sống trong tình yêu của Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không có lời mời gọi nào êm dịu và ngọt ngào cho bằng tiếng gọi của tình yêu. Sự ngọt ngào ấy còn tuyệt diệu hơn nữa khi có tiếng gọi của tình yêu từ chính Chúa.
Nhưng lạy Chúa, từ vườn địa đàng, nơi phủ ngập tình yêu của Chúa, tổ tiên loài người đã đánh mất tình yêu. Lòng con người hóa nên chai cứng và thù hận đã bóp nghẹt con tim. Tình trạng ấy đang ảnh hưởng trên đời sống con hôm nay.
Lời Chúa đã đánh thức tình yêu con sống dậy, và hướng dẫn con biết sống trong tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy cần được sống trong đời thường. Tình yêu ấy sẽ biến đổi con thành người sống trong thuận hoà. Tình yêu ấy luôn ẩn dấu trong trái tim để hướng dẫn con sống đời yêu thương cụ thể. Tình yêu ấy lắng đọng trong đôi mắt để con nhìn người khác là anh em. Tình yêu ấy luôn ngập tràn trên môi miệng để con biết nói lời dựng xây, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với kẻ khác. Tình yêu ấy luôn hiện diện trên đôi tay để con biết sẵn sàng cho đi những nghĩa cử cao đẹp. Và tình yêu ấy luôn tiến bước trên đôi chân để con sẵn sàng đi đến với mọi người.
Lạy Chúa, xin dạy con sống tình yêu chia sẻ như Chúa, để đời con tràn đầy niềm vui hạnh phúc, vì “kẻ cho thì có phúc hơn người nhận”. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2:
Kitô giáo gắn liền với thánh giá. Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá. Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh, mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu, từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang. Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát, nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn. Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo. Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình: “Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11). Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn. “Con nói những điều này lúc còn ở thế gian để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13). Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24). Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ. Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.
Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình, và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này, bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ. Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến, “nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn, vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy. Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy, Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b). Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy, để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a). Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha, nên ai giữ lệnh Thầy truyền cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con. Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn. Và con người tưởng mình có thể tìm được bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình. Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ. Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu! Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy! Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu. Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười, nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa. Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân. Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng. Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh. Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại. Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều màu hồng. Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con. Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM 3: ANH EM HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY
“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Chúa Giê-su yêu con người với tình yêu bao la của Thiên Chúa. Ngài tha thiết mời gọi con người “ở lại” trong tình yêu thương của Ngài.
Giống như sự liên kết giữa cây nho và cành nho, động từ “ở lại” diễn tả một sự kết hợp mật thiết, thân tình của con người với Chúa Giê-su. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể “ở lại” trong tình thương của Ngài. Chúa đã chỉ cho chúng ta con con đường cụ thể: đó là tuân giữ các điều răn của Chúa, là những đòi hỏi căn bản và nền tảng cho nếp sống của người tín hữu. Tuy nhiên, tất cả giới răn này đều quy hướng về tình yêu thương (x. Mt 22,34-40) và suy cho cùng, Chúa Giê-su muốn chúng ta “ở lại” trong tình yêu của Ngài, nghĩa là hãy sống với tình yêu mà Ngài đã yêu chúng ta, tình yêu của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,12-13).
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong một bài giảng tại nhà nguyện Thánh Mác-ta đã giải thích rằng việc Chúa Giê-su mời gọi con người “ở lại” trong tình yêu của Ngài bởi vì trong cuộc sống hôm nay còn có nhiều tình yêu khác đang lôi cuốn chúng ta: tình yêu tiền của, tình yêu danh lợi, tình yêu vị kỷ, tình yêu quyền lực… Nhưng tất cả những tình yêu này không phải là tình yêu của Chúa Giê-su, không phải là tình yêu của Thiên Chúa Cha. Chúng chỉ làm cho chúng ta dần rời xa tình yêu của các Ngài.
Là người tín hữu, mỗi chúng ta được mời gọi ý thức tình yêu cao cả mà Đức Giê-su đã dành cho chúng ta. Trong mỗi Thánh Lễ, qua bàn tay linh mục, hy tế thập giá xưa kia của Chúa được tái hiện lại để ban Mình và Máu Thánh, dưới hình bánh rượu, là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng chúng ta. Mỗi khi rước Mình Thánh Chúa, chẳng phải chúng ta đang “ở lại” trong tình thương của Ngài? Xin đừng để những thói xấu, tội lỗi của trần gian làm cho chúng ta trở nên bất xứng với ân huệ cao vời mà Ngài đã dành cho chúng ta.
Lm. Gio-an Trần Văn Viện
SUY NIỆM 4: NẾU… THÌ SẼ…!
Đau buồn, trăn trở, xao xuyến và lưu luyến trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân là lẽ thường tình. Nhất là sự ra đi ấy lại là cái chết. Vì thế, trước sự chia lìa đó, người ta thường trăn trối cho nhau những lời tâm huyết phát xuất từ đáy lòng. Người trăn trối thì thỏa lòng, người đón nhận thì trân trọng và coi đây như lời thiêng liêng nên tìm mọi cách để thi hành.
Hôm nay, Đức Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao, nên Đức Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.
Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền dạy của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Như vậy, với văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng: lệnh truyền yêu thương là điều Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của mình… Ngài cũng muốn các ông trải dài lệnh truyền ấy không chỉ bằng lời nói, mà là hành động.
Tuy nhiên, suốt hơn hai ngàn năm qua đi, sự giàu có, quyền lực và thực dụng… đã làm cho con người ngày càng xa rời nhau khi sự phân biệt giàu nghèo được thiết lập ngay tại tâm can của con người. Vì thế, người ta không ngừng củng cố uy tín bằng quyền lực mà quên đi tình thương. Sự liên đới trong tinh thần trách nhiệm phải chăng là điều xa xỉ, quan điểm chụp giật là đề tài được nhiều người lựa chọn! Bởi vì mục đích của họ là thỏa mãn cái bụng, củng cố cái ghế, chứ không phải sống và thi hành tâm tư lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thế nên, xã hội và con người hôm nay nhiều khi không màng chi đến tín nghĩa, ân tình và lòng từ bi thương xót… Lời trăn trối của Đức Giêsu khi xưa phải chăng đã đi vào quên lãng?
Không! Nếu con người và xã hội hôm nay không chấp nhận đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, thì chúng ta, những người Kitô hữu, mỗi người không thể thờ ơ trước lời trăn trối đầy yêu thương của Đức Giêsu được. Bởi lẽ đây là điều căn bản thể hiện căn tính của người Công Giáo. Mất đi bản chất này, chúng ta không còn là Kitô hữu đúng nghĩa!
Lạy Chúa Giêsu, những lời trăn trối của Chúa hôm nay đã làm cho mỗi người chúng con phải tự cật vấn lương tâm mình, để sống sao cho phù hợp với tư cách người môn sinh của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5:
Người đời thường nói: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”. Nhưng cái khổ lớn nhất không phải là yêu mà là bị người mình yêu từ chối tình yêu. Đúng vậy, yêu mà bị phản bội thì đau tê tái lòng. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã thí mạng mình vì chúng ta và mong muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Nhưng nhân loại hình như đã hững hừ trước tình yêu của Chúa. Vì thế Ngài tha thiết kêu mời chúng ta: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Khi ấy ta cảm nhận được niềm vui trọn vẹn.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Chúa Giêsu là tình yêu hữu hình của Chúa Cha dành cho chúng ta những người con yêu dấu của Chúa. Vì tình yêu, Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra mang thân phận con người để ở giữa loài người chúng ta.
Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu đói, chịu khát… và bôn ba đi khắp các nẻo đường đất nước Do Thái để rao giảng Tin mừng, làm phép lạ cứu chữa những ai đau khổ. Cũng chính vì yêu, Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào con đường thập giá chịu đau khổ và sẵn sàng đón nhận cái chết đau thương trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Rồi Chúa đã phục sinh vinh hiển mang lại niềm vui và hy vọng lớn lao cho tất cả chúng ta. Nhưng vì muốn ở lại mãi với nhân loại, Chúa Giêsu đã ban lời giáo huấn và giới luật yêu thương. Đặc biệt với sáng kiến tuyệt diệu, Người đã thiết lập các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, để qua đó ở lại mãi với chúng ta.
Tình yêu Chúa thật quá cao vời. Sẵn sàng chấp nhận mọi gian lao đau khổ, ngay cả hy sinh tính mạng Mình để được “ở lại” với chúng ta. Vì thế, Chúa cũng mong mỏi chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài, nên tha thiết mời gọi tất cả chúng ta: “Hãy ở lại trong tình thương của Ngài”.
Ở lại trong tình thương của Chúa, được thể hiện qua việc tuân giữ giới răn của Ngài. Bởi lẽ thánh Phaolô trong gửi tín hữu Rôma đã nói: “Không sống theo luật, luật mới do Thánh Linh là sống phản với Thánh Linh, mà Thánh Linh chính là tình yêu Thiên Chúa”. Thánh Gioan cũng nói: “Ai giữ luật Chúa thì ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong kẻ ấy”. Không ai có thể nói tôi yêu mến Chúa mà không thực hiện lời Ngài.
Kinh nghiệm cho thấy, khi tôi yêu mến ai thì bất cứ việc to, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ người ấy nhờ tôi, tôi sẵn sàng làm, có khi người ấy không nhờ tôi cũng làm miễn sao đẹp lòng người mình yêu. Như thế muốn ở lại trong tình yêu Chúa, chúng ta phải thực hành lời Chúa. Nghĩa là thực hiện điều Chúa truyền dạy, mà lời dạy của Chúa là giới răn yêu thương.
Trung thành sống trọn tình mến Chúa, yêu người là ta đã ở lại trong Chúa và khi đó chúng ta sẽ được Chúa ban cho niềm vui trọn vẹn là được sống mật thiết với Chúa ngay ở đời này và cho đến đời sau.
Lm Seoka- https://gpcantho.com/suy-niem-loi-chua-tuan-v-phuc-sinh
SUY NIỆM 6:
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ.
Phaolô nói nhân danh Thiên Chúa, ngài làm chứng về điều chân thật, tốt đẹp. Là Thiên Chúa hằng sống, đấng thấu suốt mọi tâm can. Tâm can của con người là nơi bí ẩn nhất từ đó xuất phát điều lành cũng như điều dữ. Hành động theo thánh ý Thiên Chúa được thể hiện qua các lề luật của Người, tin mừng, những phận vụ riêng của mình hoặc hành động theo sự xúi giục của ma quỷ và những đam mê không kiểm soát được, tất cả khởi đầu từ tấm lòng của ta. Thiên Chúa biết ta và yêu thương ta. Không có ngăn trở hay khác biệt dẫn đến phân biệt đối xử. Thánh Thần được ban cho mọi người có lòng thành tâm: cho bất cứ ai thuộc bất cứ dân tộc, tôn giáo nào. Lý luận của Phêrô thật rõ ràng: nếu Thiên Chúa không phân biệt đối xử thì ta là ai mà lại dám?
Lạy Chúa, đấng dò thấu mọi tâm can, xin chữa lành con khỏi chỉ trích phân biệt đối xử. Xin làm cho con nên khí cụ tình thương của Chúa.
Đức Kitô là sự thông hiệp. Ngài không đến thế gian này để sáng lập một tôn giáo mới, nhưng để mời gọi mọi người hiệp thông trong Ngài (Roger di Taizé)
Niềm vui
Cách ngôn trung hoa có câu: ‘Vẫn là vợ chồng dù phải ăn mày’. Nói cách khác, nếu chúng ta yêu thương nhau, chúng ta vẫn hạnh phúc ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Niềm vui là dấu chỉ của người tín hữu đích thực, người yêu mến Thiên Chúa và ở lại trong tình yêu của Đức Kitô. Khép kín và do dự, lòng con người khó mà chấp nhận được Thiên Chúa yêu cách vô biên, dù những tội lỗi và những khước từ.
Chấp nhận tình yêu không cân xứng của Đức Kitô, chấp nhận sự kiện là ngài yêu ta bằng một tình yêu vĩnh cửu, nghĩa là cảm nghiệm một niềm vui vô cùng to lớn, niềm vui được diễn tả qua những giọt nước mắt thống hối và trong những lời chúc tụng tạ ơn. Để niềm vui này tràn đầy, tâm hồn phải ở trong tình yêu của Ngài, phải nỗ lực luôn làm theo ý Ngài, sẵn sàng vác thập giá mình mỗi ngày, chịu đựng mất mát những niềm vui khác dù chính đáng và đến mức độ trải nghiệm sự vắng bóng Thiên Chúa, bóng tối của tâm hồn trước khi ánh bình mình của niềm vui vĩnh cửu ló dạng, ngay bây giờ và mai sau.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê