SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH
(Ga 16, 20-23)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
21Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.
22Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.
23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.
SUY NIỆM 1: NIỀM VUI VĨNH CỬU
“Thật, Thầy bảo thật anh em: Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Lời tiên báo ấy của Chúa Giêsu quả thật đã ứng nghiệm thưa cộng đoàn. Sau khi đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá, giới lãnh đạo Do Thái và cả đám đông dân chúng hăng hái bắt đầu một cuộc truy lùng và bắt giết các tông đồ để “diệt cỏ tận gốc”. Phần các tông đồ thì vô cùng sợ hãi. Sách Công vụ tông đồ cho biết, các ngài đã vào trốn trong nhà tiệc ly và đóng kín cửa vì họ sợ người Do Thái.
“Bây giờ anh em lo buồn và sợ hãi, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được”. Quả là như thế, sau khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và trao ban Thánh Thần, thì tình thế hoàn toàn đảo ngược. Nếu trước đây các tông đồ buồn bã và sợ hãi bao nhiêu thì bây giờ các ngài lại vui mừng và can đảm bấy nhiêu.
Nhờ tin vào Chúa Giêsu phục sinh mà các tông đồ đã có một cái nhìn lạc quan hơn về đau khổ. Các ngài nhận ra và hiểu rằng, những khó khăn và đau khổ mà các ngài đang gặp phải chẳng đáng là gì so với thập giá Chúa Giêsu. Chính điều đó đã làm cho Thánh Phêrô cũng như các tông đồ khác vui mừng khi thấy người ta kết án mình chung một hình phạt với Chúa Giêsu là bị đóng đinh vào thập giá. Vì đối với các tông đồ lúc này, “sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”.
Trong cuốn “Đường Hy Vọng”, Đức hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận cho biết thời gian đầu sau khi bị bắt ngài cũng từng rơi vào hoang mang và sợ hãi như thế. Ngài không hiểu tại sao Chúa vừa chọn ngài làm giám mục không lâu rồi lại để ngài rơi vào cảnh tù đày. Có lần ngài than thở với Chúa rằng: Lạy Chúa, con như người thợ dệt đang mải dệt cuộc đời mình, nhưng tại sao Chúa lại đưa tay cắt đứt ngay hàng chỉ! Nhưng rồi Đức hồng y chợt nhận ra rằng, ở đâu và bị gì không quan trọng, điều quan trọng là có Chúa luôn ở bên mình. Để rồi dù trong cảnh gian nan, khốn khó và lao tù, ngài vẫn cảm thấy an bình và tràn trề hy vọng.
Thưa anh chị em, đời người vốn là thân lữ khách. Niềm vui nỗi buồn quyện lẫn vào nhau chắc đã nhiều lần khiến anh chị em hoang mang và hụt hẫng. Có những biến cố bỗng dưng ập đến khiến nhiều người dường như muốn quỵ ngã. Đó là chuyện không của riêng ai. Nhiều lúc nhìn lên, ta thấy đời mình sao quá lận đận lao đao, nhưng khi nhìn xuống anh chị em sẽ thấy có những người còn đau khổ hơn mình rất nhiều. Đó là thập giá của cuộc đời mà chúng ta được mời gọi hãy đón nhận. Bởi ai cam đảm vác thập giá đời mình mà bước theo Chúa Giêsu thì sẽ được hưởng vinh quang với Ngài.
Niềm vui nỗi buồn ở đời nay chỉ là cái nay còn mai mất. Điều mà Chúa muốn chúng ta nhắm tới đó là niềm vui vĩnh cửu trên trời. Ước gì điều đó sẽ giúp mỗi người có một cái nhìn lạc quan hơn về những khó khăn đau khổ mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, để sẵn sàng đón nhận và vượt qua tất cả.
Sau cùng, chúng ta cùng lắng nghe lại lời này của Chúa Giêsu: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2:
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.
• Cuộc chia tay nào mà chẳng có nước mắt. Thế nhưng có những sự thật rất phủ phàng trong một số cuộc chia tay mà người đời thường nói có kẻ khóc người cười. Đức Giêsu báo trước cuộc chia tay của mình cho các môn đệ, và biết rằng các ông sẽ khóc vì Ngài chính là người thân yêu của họ. Tuy nhiên, thế gian vì không đón tiếp Ngài và loại trừ Ngài nên tâm trạng của họ là vui mừng.
• Niềm an ủi cho các môn đệ chính là nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui trong ngày sau hết. Các môn đệ cần tập sống sự xa cách Thầy về mặt thân xác nhưng ngược lại, họ được lấp đầy tinh thần và lối sống của Thầy mình.
• Cuộc đời luôn là một hành trình có gặp rồi có chia tay. Đức Giêsu chia tay với các môn đệ mình nhưng Ngài luôn để lại nơi họ sự bình an, niềm hy vọng cậy trông.
→ Tôi thấy mình có những kinh nghiệm gì về các cuộc chia tay? Những cuộc chia tay này củng cố giúp tôi điều gì? Lời của Đức Giêsu giúp tôi điều gì?
→ Lạy Chúa, xin giúp cho con nhất quán trong lối sống của mình.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 3: NỖI BUỒN SẼ TRỞ THÀNH NIỀM VUI.
Chúa Giêsu cho các môn đệ biết trước về những đau buồn mà các ông sẽ gặp trên hành trình theo Ngài. Những ai theo Chúa trong mắt thế gian là những người khờ dại, thua thiệt. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khẳng định: thế gian vui một chút rồi sẽ buồn một đời, còn các môn đệ đau khổ một chút nhưng sẽ vui trọn đời. Niềm vui của thế gian và niềm vui của Thiên Chúa khác xa nhau. Niềm vui thế gian là hậu quả của tội lỗi, còn niềm vui của Thiên Chúa là ân sủng của tình yêu đích thực. Do đó, niềm vui của thế gian chỉ diễn ra trong tích tắt nhưng đau khổ thì vô vàn ngay sau đó. Người môn đệ chân chính sẽ không bao giờ tìm niềm vui thế gian, nhưng sẽ sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ để có được niềm vui trọn vẹn trong Chúa.
Chúng ta thường dễ thỏa hiệp với tội lỗi để có được niềm vui trước mắt, nhưng chúng ta không hề hay biết hậu quả khôn lường do nó để lại. Mỗi lần chúng ta phạm tội có thể đem lại cho mình một chút niềm vui, nhưng ngay lập tức là sự cắn rứt lương tâm về hành động sai trái vừa làm. Cho nên mỗi người đừng bao giờ tìm niềm vui chóng qua nơi thế gian hay thụ tạo, nhưng luôn biết chọn lựa khôn ngoan tìm niềm vui đích thực bằng cách sống thánh thiện theo ý Chúa.
Lạy Chúa, chúng con chỉ có thể tìm được niềm vui đích thực khi can đảm bước đi trên hành trình thương khó của Đức Kitô. Xin cho chúng con luôn khám phá thấy niềm vui ngay trong chính những đau khổ mà bản thân đang gặp. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4:
Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy. Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn, Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ. Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20). Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời. Niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22). Không có một Kitô giáo buồn. Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo, bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia : Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu. Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức, qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ, qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối, qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.
Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi. Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong. Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập. Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường. Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui. Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa. Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui. Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền. Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui. Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán. Thế giới hôm nay là một thế giới buồn. Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm. Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể. Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa, người ta lại không biết mình sống để làm gì. Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới, không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm, nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con, nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21). Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ, nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu. Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời, người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười, nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa. Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân. Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng. Nụ cười ấy hòa với niềm vui của người được lành bệnh. Lạy Chúa Giêsu, có những niềm vui Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay, có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại. Xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống, dù không phải tất cả đều màu hồng. Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con. Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM 5: THEO CHÚA
Tâm trạng lo buồn và vui mừng của người phụ nữ trước và sau khi sinh con, được Đức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ Ngài biết họ cũng sẽ có tâm trạng như vậy.
Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em sẽ khóc lóc và than van”. Lời tiên báo này nhắc cho các môn đệ về thử thách họ sẽ phải trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Đức Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn. Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác còn thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Đấng bị đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.
Và Đức Giêsu cũng loan báo về sự phục sinh của Ngài khi nói: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng”. Điều đó cho chúng ta thấy, phải qua khổ giá mới đạt tới vinh quang. Đó cũng chính là con đường mà các môn đệ Chúa sau này đã đi.
Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Có thể từ những thế lực bên ngoài, nhưng cũng có thể ngay trong chính tâm hồn mỗi người. Nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giêsu và đạt được niềm vui bất diệt.
Lạy Chúa, chúng con tin rằng những đau khổ, hy sinh, cố gắng trên con đường theo Chúa, là dấu hiệu loan báo niềm vui tràn đầy và hạnh phúc đời đời mà Chúa đã dành sẵn cho những ai bước theo Ngài.
Xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con để Ngài thêm sức cho chúng con, giúp chúng con kiên tâm, bền chí mà vững bước vượt qua mọi gian lao thử thách mà theo Chúa đến cùng. Xin đừng để chúng con sống buông xuôi. Trái lại, xin cho chúng con biết lội ngược dòng để đến cùng Chúa là nguồn suối hạnh phúc đích thực. Amen.
Lm. Phanxicô Hoàng Trọng Tưởng
SUY NIỆM 6:
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ rằng: “anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Rồi Ngài đưa ra hình ảnh người đàn bà trải qua cơn đau đớn vì sinh con. Nhưng khi sinh con rồi thì bà quên đi cơn đau đớn, nỗi buồn sẽ biến thành niềm vui vì người con của bà được sinh ra.
Khi nhắc đến nỗi lo buồn vất vả của người nữ sắp sinh con, Chúa muốn nối kết nỗi buồn và khó nhọc của các môn đệ với sự xuất hiện của một con người mới, một nhân loại mới với ơn cứu độ đời đời và Chúa khẳng định với các môn đệ và với mọi người Kitô hữu rằng; niềm vui ơn cứu độ ấy không ai lấy mất được.
Tình yêu thương và sự tha thứ giữa vợ chồng, sự hy sinh phục vụ của cha mẹ, tình tương thân tương ái quên mình, đó là những hy sinh cần thiết để mang lại niềm vui đích thực, sâu xa và bền vững cho gia đình cũng như cho cộng đoàn Hội Thánh. Không những thế, nó còn làm thay đổi lối sống của những người sống xung quanh chúng ta.
Mỗi người chúng ta hãy ý thức rằng; Chính Chúa Kitô đã phải trải qua đau khổ rồi mới bước vào vinh quang phục sinh bất diệt của Ngài. Ngài không tiến vào vinh quang bằng con đường nào khác ngoài con đường thập giá. Mỗi người chúng ta muốn vào hưởng vinh quang phục sinh với Chúa, chúng ta cũng không thể qua con đường nào khác ngoài con đường thập giá mà chính Chúa đã đi qua.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết can đảm chấp nhận mọi đau khổ mà ta gặp thấy trên đường đời hay trong trách nhiệm và bổn phận của ta. Vì qua chính những gian nan đau khổ, thử thách ấy, sẽ dẫn chúng ta bước vào vinh quang phục sinh bất diệt với Chúa. Amen.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
SUY NIỆM 7:
Lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay vừa là một lời cảnh báo, nhưng cũng vừa là một lời khích lệ:
Chúa Giêsu cảnh báo những ai theo Chúa phải đối diện với những đau buồn giữa thế gian vô đạo: “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20).
Chúa Giêsu cũng khích lệ vì niềm vui sẽ trọn vẹn và vĩnh cửu sau khi các môn đệ đã kinh qua những thử thách đời sống đức tin: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).
- Anh em phải đau buồn, còn thế gian sẽ vui mừng.
“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Nghĩa là người môn đệ Chúa sẽ phải gặp gian nan thử thách, nhưng họ đừng để mình gục ngã buông xuôi.
Người môn đệ Chúa Giêsu như là một lời chứng cản trở sự sa đoạ của thế gian, nên thường bị thế gian ghét bỏ và loại trừ. Người môn đệ đau buồn vì tội lỗi của thế gian và lo lắng cho thế gian được tỉnh giấc.
Thế gian vui mừng vì sự thất bại của người môn đệ, cũng tựa như Satan và các thủ lãnh vui mừng vì đã đóng đinh được Chúa Giêsu vào thập giá và giết chết Người.
Người môn đệ trở thành trò vui cho thế gian cười nhạo vì cách sống trung thực và thánh thiện.Người môn đệ bị nhục mạ, đánh đập và giết chết như Thầy Giêsu.
Giống như người phụ nữ khi chuyển dạ thì đau đớn, nhưng khi sinh được một người con thì bà rất vui mừng. Qua thời gian của thử thách đức tin, mà nhờ đó, người môn đệ cũng phải quặn đau để sinh ra những đứa con cho Thiên Chúa.
- Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).Thánh Andre Dũng Lạc (Tử đạo Việt nam) nói lên một cách đầy xác tín rằng:
“Đông qua tiết lại thì xuân tới
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Mai sau cùng gặp chốn thiên đàng”
Thật vậy, niềm vui lớn nhất của môn đệ là được hẹn gặp Thầy Chí Thánh khi Thầy sống lại và đặc biệt gặp nhau vĩnh viễn trên thiên đàng.
Niềm vui của người môn đệ Chúa Giêsu mang tính vĩnh cửu là vì đối tượng của niềm vui là chính Thầy Giêsu, Đấng đã phục sinh và không còn chết nữa. Đặc biệt, niềm vui đạt đến trọn vẹn khi Kitô hữu được Chúa Giêsu đem vào cõi vĩnh hằng.
Niềm vui của môn đệ không lệ thuộc vào niềm vui của thế gian, không lệ thuộc vào những thứ hời hợt ở bên ngoài như sợ biệt ly, sợ mất mát, sợ thất bại…, nhưng là sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, là được sống với Ngài. Kinh nghiệm cho thấy ngay cả trong những lúc đau khổ, giống như hai người yêu nhau, họ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi hi sinh cho nhau, dù khi đó chính mình đang chịu thiệt thòi cho người mình yêu được vui. Kitô hữu vẫn cảm nhận được niềm vui có Chúa hiện diện, tựa như các tông đồ lòng hoan hỷ vui mừng vì xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô.
Chân lý “qua thập giá tới vinh quang là bất biến”. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quý nhất dành cho những ai theo Chúa Giêsu chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Chúa Giêsu và hưởng niềm vui Phục Sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phaolô từng nói: “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa cuộc đời này, biết bao vui buồn đắp đổi. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa, để mai sau chúng con cũng được gặp Ngài trong vinh quang, khi đó niềm vui chúng con sẽ trọn vẹn và vĩnh hằng. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM 8: QUA ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG
1. Tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau lúc sinh con được Đức Giê-su dùng để báo cho các môn đệ về viễn tượng Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Một lần nữa Đức Giê-su khẳng định chân lý “qua đau khổ đến vinh quang”.
Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan đau khổ, nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giê-su và đạt được niềm vui bất diệt.
2. Trước khi bước vào cuộc tử nan, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: ”Các con sẽ khóc lóc và than vãn”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Đức Giê-su. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn, Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Đấng bị đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: ”Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.
Nhưng cái chết của Đức Giê-su chỉ là một gian đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được. Chúa chết đi để sống lại. Chúa ra đi để rồi trở lại. Chúa Phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: ”Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.
3. Bằng hình ảnh tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau sinh con được Đức Giê-su dùng để báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Qua đó, Ngài khẳng định: ”xuyên qua thập giá đau khổ, mới đến vinh quang phục sinh.
Như hai môn đệ trong ngày Chúa phục sinh, bước nhanh trên con đường hướng về Em-mau, một làng cách Giê-ru-sa-lem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản và than thở: ”Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel, nhưng… “(x.Lc 24,13-25), Chúa Giê-su Phục sinh mà họ không nhận ra, qua Kinh Thánh bắt đầu từ ông Mai-sen, tới các tiên tri, đã giải thích: ”Đấng Thiên sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao” (x.Lc 24,26-27). Qua đó, Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống lại là nền tảng của cuộc sống của người tin vào Chúa.
4. “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Đó là lời Đức Giê-su nói với các môn đệ, một lời khích lệ, một lời tiên báo, một lời hứa và cũng là lời bảo đảm chắc chắn. Thực vậy, khi Chúa chết, các môn đệ buồn phiền, nhưng khi Chúa sống lại, hiện ra với các ông, các ông vui mừng. Hai môn đệ trên đường đi Em-mau, sau khi gặp được Chúa đã phấn khởi vui mừng chạy về Giê-ru-sa-lem báo tin cho các môn đệ khác. Cô Maria Ma-đa-lê-na sau khi gặp được Chúa cũng vui mừng chạy về báo tin Thầy đã sống lại. Nỗi buồn chia tay nay lại trở thành niềm vui. Lời Chúa báo trước đã thành sự thật: ”Bây giờ các con buồn sâu, nhưng khi Thầy gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng”.
5. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh: chỉ trong đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Ki-tô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình; chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).
6. Chân lý “qua thập giá tới vinh quang” là bất biến. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quí nhất dành cho những ai theo Đức Giê-su chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giê-su và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phao-lô từng nói: ”Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
7. Truyện: Qua đau khổ tới vinh quang.
Có một người nọ luôn tỏ ra khó chịu, không thể nhìn bất cứ cái gì đẹp đẽ và khỏe mạnh. Một hôm đi ngang qua một vùng gần sa mạc, ông thấy một cây dừa non tươi tốt. Ông ta liền nhặt một cục đá khá nặng và đặt vào giữa đọt cây dừa rồi ra đi với nụ cười khoái trá đầy vẻ độc ác.
Cây dừa đã vùng vẫy tìm cách vứt hòn đá đi, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cây dừa bèn đổi chiến thuật bằng cách đâm rễ thật sâu xuống tới những mách nước ngầm dưới lòng đất. Sức sống đến từ lòng đất và hơi ấm mặt trời từ trên cao xuống đã làm cho cây dừa trở thành một cây dừa có sức mạnh nâng cả tảng đá lên cao.
Sau nhiều năm tháng trôi qua, người đàn ông kia trở lại với ước muốn hằn học rằng sẽ được nhìn thấy cây dừa oằn mình dưới sức nặng của viên đá. Cây dừa đã cúi sâu cho ông ta xem viên đá vẫn còn nguyên trong đọt non của mình và nói:
– Tôi cảm ơn ông, chính viên đá tai ác của ông đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ và trưởng thành.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM 9: TÌNH YÊU VÀ ĐAU KHỔ
Trong bài xã luận của bán nguyệt san Công giáo Italia, số tháng 3/1993 có ghi lại gương hy sinh của một người mẹ trẻ tên là Carla Levati, qua đời khi mới chỉ được 28 tuổi. Khi mang thai đứa con thứ hai, Carla được các bác sĩ cho biết chị bị viêm cột sống mà một cuộc chữa trị có thể phương hại trầm trọng đến mạng sống của thai nhi. Với sự đồng ý của chồng, chị Carla chấp nhận đau khổ và ngay cả cái chết, miễn là đứa con được sinh ra lành mạnh. Nhưng vì quá đau đớn, người mẹ đã qua đời 8 tiếng đồng hồ sau khi đứa con chào đời ngày 26/1/1993.
Cái chết của chị Carla đã gây nhiều phản ứng sôi nổi tại Italia. Những tờ báo lớn xuất bản tại Rôma xem sự hy sinh của chị như một hành động hy sinh cao cả chứ không mù quáng. Nguyên tắc của chị Carla tuân theo chính là tình yêu: chỉ tình yêu mới có thể thúc đẩy người mẹ hy sinh mạng sống mình vì đứa con. Nguyên tắc âý không chỉ bắt nguồn từ Tin mừng, mà còn là một đòi hỏi của tình mẫu tử. Người mẹ là người trao ban sự sống bằng chính đau khổ của mình và nếu cần chết đi để cứu mạng sống của con mình.
Ý nghĩa cao cả nơi cái chết của chị Carla có thể giúp chúng ta đi sâu vào Tin mừng hôm nay. Thật thế, chính Chúa Giêsu đã nhận chân ý nghĩa cao cả nôĩ đau đớn của người đàn bà trong khi sinh con. Niềm đau đớn ấy mang một ý nghĩa cao cả đến độ đã được Chúa Giêsu mượn để nói lên chính cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Có đau đớn trong khi sinh con, người đàn bà mới cảm nhận được niềm vui khi đứa con chào đời; có trải qua khổ nạn, Chúa Giêsu mới đi vào vinh quang Phục sinh; và từ nỗi đau khổ được chấp nhận trong tinh thần phó thác hiến dâng, người môn đệ Chúa Kitô mới cảm nhận được niềm vui tái sinh.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh; chỉ trong đức tin đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu. Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống: chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình: chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 10: NIỀM VUI TRỌN VẸN
Một người phụ nữ đang mang thai, bà ta sẽ rất sợ hãi khi biết sắp đến giờ bà sinh. Bà thấu được những cơn đau dữ dội, xé lòng mà mình sẽ phải gánh chịu! Tuy nhiên, niềm vui khôn tả sẽ ập đến với bà khi mắt bà nhìn thấy đứa con của mình cất tiếng khóc chào đời.
Thấy được tâm trạng các môn đệ đang hoang mang lo lắng vì sắp phải lìa xa mình, Đức Giêsu đã trấn an các ông và vén mở cho các ông thấy niềm vui sẽ nên trọn: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được”.
Trong đời sống đức tin của chúng ta, cũng có những lúc đi trong đêm tối của cô đơn, ốm đau, bệnh tật. Những lúc đó, chúng ta chán nản và muốn buông xuôi. Nhưng như bà mẹ mệt nhọc lúc mang thai và đau đớn khi sinh hạ, sau đó, bà sẽ vui mừng khi thấy con mình chào đời. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của cuộc đời đức tin nơi chúng ta.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn của đức tin và hy vọng trong nguồn ơn cứu độ, bởi vì: sau khi mưa trời lại sáng; thất bại là mẹ thành công; và nếu ta cùng chết với Đức Giêsu thì cũng được cùng Ngài sống lại trong vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ, chấp nhận hy sinh, để từ đó, một ngày kia, chúng con được chan chứa niềm vui vì thập giá sẽ nở hoa cứu độ. Amen.
Ngọc Biển SSP