SUY NIỆM THỨ 2 TUẦN VII PHỤC SINH
Ga 16,29-33
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
29Các môn đệ Người thưa: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy.
Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à ? 32Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình.
Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.
33Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: “Trong thế gian, các ngươi sẽ phải khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên, Ta đã thắng thế gian”. Đó là lời Chúa Giêsu tiên báo và là niềm an ủi cho mỗi người chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khác với mọi nhà chính trị, trước khi Chúa về cùng Chúa Cha, Chúa đã tiên báo cho những kẻ theo Chúa toàn là những sự khốn khó, nào là bắt bớ, ưu phiền, nào là chống đối, tan rã… Quả thật, hai ngàn năm qua là một bằng chứng cho thấy đã ứng nghiệm cái sự thật đáng sợ đó. Giáo Hội luôn bị bách hại. Tuy nhiên Chúa đã an ủi khích lệ Giáo Hội can đảm lên. Tất cả mọi gian khổ thử thách, dù đáng sợ đến đâu, vẫn không thể ngăn cản Giáo Hội tiến đến chiến thắng cuối cùng mà Chúa dành cho Giáo Hội.
Lạy Chúa, sống giữa thế gian đầy sức mạnh tấn công, đầy gương xấu và mọi thứ lý thuyết đi ngược lại đường lối của Chúa, xin Chúa cho con luôn can đảm, cho con nhớ rằng Chúa đã không báo trước cho con những điều thuận lợi, may lành, mà là báo trước những sự đau khổ, bất lợi và thiệt thòi gắn liền với lý tưởng phụng sự Chúa. Vì thế, khi gặp những nghịch cảnh, con không ngỡ ngàng nhưng biết đón nhận với lòng yêu mến Chúa. Với tình yêu, con sẽ vượt qua tất cả. Khi con thông phần vào thập giá Chúa thì con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh.
Lạy Chúa, Chúa là cùng đích của đời con, xin cho con luôn vững tin vào Chúa, hy vọng nơi Chúa. xin cho con trung thành theo Chúa trên con đường thánh giá, để con dự phần vào chiến thắng của Chúa. Chúa đã chiến thắng thế gian, xin giúp con nhìn lên Chúa mà an tâm tiến bước. Amen.
Ghi nhớ: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: CHÚA LÀ ĐIỂM TỰA ĐỜI TA
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, Tin Mừng hôm nay cho biết, trong khi các tông đồ đang cô đơn, hoang mang và sợ hãi; thì Chúa Giêsu đã xuất hiện đúng thời, đúng lúc và nói lời khích lệ: “Đừng sợ! Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”.
Chúa chúng ta đủ tư cách để nói lên những lời an ủi ấy thưa anh chị em, bởi chính Ngài đã trải qua những khoảnh khắc cô đơn và đau đớn khi một mình đối diện với cái chết. Ngài gần như tuyệt vọng đến nỗi thưa lên rằng: “Lạy Cha, sao cha bỏ con?”, “nếu có thể xin cho con khỏi uống chén này”. Nhưng nhờ vào sức mạnh của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã chiến thắng những oan trái của thế gian và chiến thắng cả những yếu đuối của bản thân Ngài. Chúa Giêsu đã nhận ra rằng, Ngài không cô độc vì có Chúa Cha luôn ở với mình.
Lời trấn an của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ năm xưa, cũng chính là lời an ủi dành cho từng người chúng ta hôm nay. Bởi Chúa hiểu rõ nhiều cá nhân và nhiều gia đình đang trải qua một cuộc sống không dễ dàng chút nào: đầy khó khăn, gian khổ và thiếu thốn về nhiều mặt. Chúa hiểu rõ nhiều người đang phải vật lộn với đời và với nhau, phải đương đầu với gian nan thử thách và đôi lúc cảm thấy mình không còn sức để cố gắng. Chúa cũng hiểu rất rõ nhiều người đang bị giằn co giữa một thế giới mà tốt xấu, đen trắng, thật giả và thiện ác lẫn lộn; làm ta khó có thể phân biệt và chọn lựa cho hợp ý Chúa…
Những lúc như thế, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy can đảm lên bởi Ngài đã thắng thế gian, và Ngài đang đồng lao cộng khổ với từng người trong chúng ta. Những lúc như thế, anh chị em hãy tựa nép vào lòng Chúa và ngỏ hết những tâm tư: cả những vui buồn sướng khổ của đời sống dương gian, cả những đêm ngày miệt mài với những lo toan, và cả những tiếng cười lẫn những hàng mi ngấn lệ. Những lúc như thế, anh chị em hãy khẽ nói với Chúa rằng: Con tin Chúa ơi, Chúa chính là niềm an ủi và là niềm vui của con, xin tình Ngài đỡ nâng giúp con vượt qua muôn ngàn nguy khốn. Và xin Ngài hằng chở che cho con thoát những ngày tối tăm.
Một khi chúng ta cậy trông và phó thác vào Chúa như vậy, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được nguồn ủi an và bình an thật sự trong tâm hồn. Hãy tin tưởng như thế vào Chúa chúng ta, thưa anh chị em. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: CHÚA CHA Ở VỚI THẦY.
Chúa Giêsu không bao giờ cảm thấy cô đơn vì Chúa Cha luôn ở với Ngài. Người cô đơn là người không biết yêu và không được yêu. Chúa Giêsu luôn yêu mến Chúa Cha và được Chúa Cha yêu mến nên Ngài không bao giờ cô đơn. Vì thế, dù các môn đệ có bỏ rơi Ngài hay gặp những khó khăn trên hành trình loan báo Tin mừng Cứu độ Ngài cũng không nản lòng. Chính sự hiện diện và kết hợp mật thiết với Chúa Cha là động lực và sức mạnh để Ngài vác thập giá cho đến cùng.
Sự cô đơn đến từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như ở một mình không có người bên cạnh, hoặc ở chung một nhà mà lại không yêu thương nhau. Chúng ta đừng sợ cô đơn vì luôn có Chúa ở cùng. Dẫu cho cả thế giới này quay lưng với chúng ta thì vẫn luôn có Chúa bên cạnh. Điều mỗi người cần làm là luôn gắn bó với Chúa trong cầu nguyện và chu toàn mọi việc bổn phận để lòng yêu mến Chúa tràn ngập trong mình. Ai yêu mến Chúa nhiều thì không bao giờ cô đơn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn yêu mến Chúa trong từng ngày sống, để dù gặp những khó khăn thử thách chúng con vẫn không sợ phải chiến đấu một mình, vì tin chắc rằng Chúa luôn cùng đi với chúng con trên mọi nẻo đường. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4:
29. Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa.
• Sau khi Đức Giêsu nói các môn đệ xin trực tiếp với Cha, các ông rất hạnh phúc vì là môn đệ của Thầy Giêsu. Vì các ông yêu mến Giêsu nên các ông dễ dàng hiểu được lời Thầy mình nói. Chính vì thế các ông đã nói Thầy không dùng dụ ngôn mà nói nữa.
• Lý do Thầy Giêsu không dùng dụ ngôn mà nói cũng là vì chỉ ít lâu nữa Thầy đâu còn ở với các môn đệ. Các ông phải tập sống sự xa cách với Thầy. Các ông cần để cho Lời Thầy thấm nhập vào cuộc sống của các ông. Muốn vậy, các ông phải tiếp tục mở lòng mình ra cho Thánh Thần hướng dẫn.
• Thầy Giêsu luôn rõ ràng trong sứ điệp. Chỉ có con người không rõ ràng nên Giêsu mới dùng dụ ngôn. Con người thích lòng vòng vì sợ phải nghe lời thẳng thắn góp ý của người khác. Lời của Chúa luôn có sức biến đổi lòng người.
→ Tôi có dám để cho Lời Chúa chất vấn tôi? Tôi sẽ thay đổi lối sống của tôi như thế nào?
→ Lạy Chúa, xin cho con luôn biết đặt để Lời Chúa dẫn dắt và hướng dẫn cuộc đời con.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 5:
Tin mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại chân tình giữa Chúa Giêsu với các môn đệ trong một bố cảnh hết sức đặc biệt, trước khi Chúa Giêsu rời khỏi các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên trong bầu khí trầm buồn, ngậm ngùi này lại loé lên tia sáng của niềm vui, hy vọng và tin tưởng.
– Vui là bởi vì các môn đệ đã hiểu rõ về Thầy mình chính là Đấng bởi Thiên Chúa mà đến. Các ông nói rằng:“Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự…Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”.
– Hy vọng, vì cho dù các môn đệ sẽ sợ hãi chạy trốn bỏ Thầy một mình trong cuộc khổ nạn, “các con sẽ tản mác mỗi người một ngả và bỏ mặt Thầy một mình”, nhưng Chúa Cha hằng ở với Thầy nên Thầy sẽ không cô đơn.
– Tin tưởng, bởi vì cho dẫu nhiều gian lao, thử thách và bách hại sẽ xảy đến với các môn đệ, nhưng Chúa Giêsu chấn an các môn đệ hãy an tâm vì có Ngài hằng ở cùng các ông. Và mời gọi các ông hãy đặt niềm tin tưởng vào Ngài “vì Thầy đã thắng thế gian” .
Nước mắt và nụ cười, đau khổ và hạnh phúc là những sợi chỉ đa sắc màu được đan dệt chặt chẽ vào nhau, làm nên tấm thảm của cuộc đời. Bao giờ còn sống giữa thế gian thì còn giới hạn và bất toàn. Chính điều đó đã khiến con người cảm thấy đau khổ.
Có những đau khổ vốn từ bản chất, vì ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ; tuy nhiên cũng có những đau khổ do chính mình, hay do người khác hoặc bởi hoàn cảnh gây nên. Nhưng nếu ngồi đó mà nguyền rủa, chắc chắn cũng không tránh được. Bóng tối sẽ không tan biến nếu chúng ta không thắp lên ánh sáng. Ánh sáng của niềm tin, hy vọng và phó thác trọn vẹn vào tình yêu và uy quyền nơi Chúa Giêsu phục sinh.
Cuộc đời chúng ta sẽ bình an khi đối mặt với những thử thách và đau khổ nếu chúng ta biết đặt trọn niềm tin, hy vọng và phó thác vào Chúa Phục sinh. Bởi Chúa Giêsu chỉ phục sinh vinh quang sau khi đã trãi qua thập giá với niềm tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào thánh ý Chúa Cha.
Lm Seoka
SUY NIỆM 6: CHÚA ĐÃ THẮNG THẾ GIAN
Hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết rằng: các ông là những người đi theo Chúa, không có lý do gì các ông không bị bách hại như chính Ngài. Nhưng liền sau đó, Ngài khích lệ các ông: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”(Ga 16, 33).
Vững tin vào Lời Chúa phán cùng với sứ mạng đã đón nhận là hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian, nhất là sự xác tín vào niềm vui Nước Trời sau cuộc sống trần gian, các môn đệ đã không sợ gì nguy khốn, các ngài đã băng rừng, vượt suối và chấp nhận mọi sự đau khổ, ngay cả cái chết để loan báo về Tin Mừng tình thương, chân lý và sự sống cho mọi người, để ai tin và đón nhận thì cũng được hưởng niềm vui, hạnh phúc như mình.
Trong cuộc sống của người Kitô hữu ngày nay, hẳn mỗi người cũng đều cảm thấy khó khăn trong việc sống đạo! Thật thế, hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải đối diện với những trào lưu tục hóa trên diện rộng, mọi nơi và mọi lúc. Trào lưu đó có thể là một hệ tư tưởng; có thể vì giá trị đạo đức bị đảo lộn; cũng có thể vì miếng cơm manh áo... mà người ta bắt chúng ta phải tin và hành động theo...
Những lúc như thế, lương tâm lên tiếng và chúng ta được mời gọi sống những giá trị Tin Mừng ngay trong những thực tại đó. Vẫn biết đây là khó, nhưng hãy cam đảm lên, vì Chúa đã thắng.
Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, thỉnh thoảng Ngài cũng cảm thấy một niềm vui khi các tông đồ hiểu được giáo huấn của Chúa, như trong cuộc đàm đạo sau bữa tiệc ly mà Tin mừng hôm nay ghi lại.
Các tông đồ xem chừng đã tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về cùng Thiên. Chúa tuy nhiên, Chúa Giêsu báo cho họ biết rằng họ đã có niềm tin nhưng niềm tin của họ chưa đủ vững mạnh để kiên vững trong cuộc Tử nạn của Chúa. Khi đến giờ Chúa chịu đau khổ, bị bắt và bị giết, các ông sẽ hoảng sợ mà chạy trốn hết. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định Ngài không đơn độc một mình, vì có Chúa Cha luôn ở với Ngài. Ngoài ra, Chúa còn loan báo những đau khổ, thử thách và cả bắt bớ nữa đang chờ đợi họ. Họ cũng sẽ được thông chia đau khổ với Ngài, và điều Chúa bảo đảm là sẽ ở với họ và nâng đỡ họ, vì Chúa đã thắng thế gian.
Các tông đồ sau những tháng năm sống gần gũi Chúa mà còn yếu kém niềm tin, thì đối với chúng ta cũng chẳng hơn gì. . Nhiều khi chúng ta tưởng niềm tin của mình đã vững mạnh để có thể dương đầu với khó khăn, thử thách, nhưng thực tế cho thấy có những lần gặp khốn khó khổ đau chúng ta muốn bỏ Chúa, đã hết tin tưởng nơi Chúa.
Chúng ta hãy xin Chúa hướng dẫn và ban sức mạnh, để chúng ta thêm xác tín, cậy trông, để với niềm tin tưởng Chúa đã thắng thế gian, chúng ta được luôn trung thành bước theo Chúa ngõ hầu được chia sẻ vinh quang với Chúa.
Tình yêu và sự vâng phục đối với Thiên Chúa Cha, cũng như tình yêu thương đối với loài người, khiến cho Chúa Giêsu bình thản nhận lấy cái chết trên Thập Giá. Thái độ bình thản của Ngài trước những giờ phút nguy ngập nhất, được Thánh Sử Gioan ghi nhận trong phân đoạn Thánh Kinh, được trích đọc hôm nay, qua lời khích lệ các Tông Đồ của Ngài. “Hãy can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian”
Ngài đã thắng thế gian bởi Ngài đã đáp trả lại gian ác bằng tình thương, hận thù bằng tha thứ.
Đau khổ vẫn mãi mãi là điều phi lý đối với con người. Nhưng với tình yêu, thì đau khổ sẽ không còn phi lý nữa. Đây chính là kinh nghiệm của Đấng đã động viên các Tông Đồ của Ngài giữa cơn thử thách : “Hãy can đảm lên”. Hãy can đảm lên, vì chúng ta luôn có Chúa ở bên.
Hãy can đảm lên, vì dù thử thách có lớn lao đến đâu, cuộc sống của chúng ta vẫn có ý nghĩa.
Hãy can đảm lên, vì Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài đã yêu thương ta hết lòng, nên không bao giờ Ngài để cho những đau khổ thử thách xảy đến với chúng ta quá sức chúng ta chịu đựng. Hãy can đảm lên, vì cho dù Chúa chỉ nhận được toàn là những phản bội, nhưng Ngài vẫn tiếp tục yêu thương ta.
Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian. Một lời an ủi như bơm thêm sức mạnh cho chúng ta. Nhưng không khỏi làm cho ta thắc mắc: Chúa đã thắng thế gian như thế nào ? Trong cuộc chiến chống lại thế gian, Chúa Giêsu đã dùng vũ khí sắc bén là Thập Giá để đạt tới mục tiêu cuối cùng là thánh ý Cha. Sống là chiến đấu, nhưng chiến đấu cho ai mới được ?
Chúng ta thường hiểu chiến đấu để loại trừ thử thách đau thương trong cuộc sống; nhưng hôm nay Chúa Giêsu lại dạy chúng ta: thử thách là qui luật của cuộc sống, và đã là qui luật thì không tránh được. Vậy mục đích quan trọng của cuộc chiến của chúng ta hôm nay là chiến đấu để được có Chúa Kitô trong cuộc sống. Nhưng một khi đã được có Chúa trong cuộc sống, Chúa thường quấy rầy chúng ta, không chịu để ta yên sống theo sở thích hay đam mê của mình. Vì thế chúng ta lại phải chiến đấu với chính mình để Đức Kitô chiến thắng trong ta. Trong cuộc chiến này, Chúa Giêsu khích lệ chúng ta: Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.
Chúa đã thắng thế gian, chúng ta cũng phải thắng thế gian trong ta với Chúa Kitô, để cho Chúa Kitô được toàn thắng.
Lm. Anmai, CSSR
SUY NIỆM 7: CAN ĐẢM LÊN, THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, chúng ta thấy suốt 300 năm đầu, cha ông ta lớn lên trong thử thách. Một cuộc thử thách triền miên và kéo dài! Còn ngày nay, tuy rất ít hình khổ như gông cùm, đòn roi và cái chết được trưng ra để tra tấn các Kitô hữu. Tuy nhiên, người Kitô hữu hôm nay phải đối diện với một thử thách mới, một cuộc thử thách mang tính vĩ mô và sâu xa đánh vào tận lương tâm của con người. Phải chăng đây là những thử thách tinh vi và người Kitô hữu khi sống đúng những giá trị của Tin Mừng thì cũng không khác gì một cuộc tử đạo liên lỉ, dai dẳng và kéo dài!
Hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết rằng: các ông là những người đi theo Chúa, không có lý do gì các ông không bị bách hại như chính Ngài. Nhưng liền sau đó, Ngài khích lệ các ông: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33).
Vững tin vào Lời Chúa phán cùng với sứ mạng đã đón nhận là hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian, nhất là sự xác tín vào niềm vui Nước Trời sau cuộc sống trần gian, các môn đệ đã không sợ gì nguy khốn, các ngài đã băng rừng, vượt suối và chấp nhận mọi sự đau khổ, ngay cả cái chết để loan báo về Tin Mừng tình thương, chân lý và sự sống cho mọi người, để ai tin và đón nhận thì cũng được hưởng niềm vui, hạnh phúc như mình.
Trong cuộc sống của người Kitô hữu ngày nay, hẳn mỗi người cũng đều cảm thấy khó khăn trong việc sống đạo! Thật thế, hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải đối diện với những trào lưu tục hóa trên diện rộng, mọi nơi và mọi lúc. Trào lưu đó có thể là một hệ tư tưởng; có thể vì giá trị đạo đức bị đảo lộn; cũng có thể vì miếng cơm manh áo... mà người ta bắt chúng ta phải tin và hành động theo...
Những lúc như thế, Lương Tâm lên tiếng và chúng ta được mời gọi sống những giá trị Tin Mừng ngay trong những thực tại đó. Vẫn biết đây là khó, nhưng hãy cam đảm lên, vì Chúa đã thắng.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con là những người môn đệ của Chúa còn đang loay hoay giữa biển đời. Theo Chúa lên đường để về nơi phúc thật là hành trình xa xôi và vất vả. Xin giúp chúng con biết chạy đến cùng Ngài để đón nhận sự bình an và can đảm mỗi khi mỏi mệt đơn côi. Xin giúp chúng con chiến thắng con người yếu đuối, nặng nề của mình, để chúng con lên đường trong thanh thản và an vui. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 8:
Trong lời tâm sự với các môn đệ, khi dùng bữa ăn cuối cùng, theo lời kể của thánh Gioan, Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại:
Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha. (Ga 13, 1; 16, 28)
Đây là hành trình riêng của Đức Giê-su, nhưng lại có liên quan đến các môn đệ, và ngang qua các môn đệ, liên quan đến toàn nhân loại và từng người chúng ta hôm nay. Và không chỉ liên quan, nhưng còn dành cho các môn đệ. Bởi vì, hành trình của Đức Giê-su là hành trình diễn tả tình yêu đến cùng của Ngài, và qua Ngài, tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, dành cho các môn đệ; vì thế, hành trình này sẽ mang lại cho các môn đệ đức tin, ơn bình an và sự can đảm.
1. Đức tin
Trước đó Đức Giê-su nói về Thiên Chúa, Cha của Ngài ngang qua các dụ ngôn: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34). Nhưng đã đến giờ, Ngài “nói rõ” về Chúa Chúa: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.” Bởi vì Ngài từ Cha mà đến: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1, 18)
Nếu chúng ta hiểu lịch sử cứu độ là lịch sử qua đó Thiên Chúa bày tỏ khuôn mặt đích thật của Người, khuôn mặt mà ma quỉ đã làm cho con người hiểu lệch lạc (x. St 3), thì lời này của Đức Giê-su là điểm tới, là điểm hoàn tất của lịch sử cứu độ: “Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở”. Như Ngài sẽ nói trên Thập Giá: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 28-39).
Như thế, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa Cha, không còn qua những dụ ngôn nữa, hay nói rộng hơn, qua những dấu chỉ nữa, nhưng là qua chính ngôi vị của Đức Giê-su, qua chính Lời của Đức Giê-su. Xin cho chúng ta cảm nếm chính Thiên Chúa, khi chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Đức Giê-su, nhất là mầu nhiệm Vượt Qua.
Mặc khải của Đức Giê-su về Thiên Chúa Cha đã khơi dậy đức tin nơi các môn đệ: “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự… Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến”. Ngoài ra, các môn đệ tin, còn là vì Đức Giê-su nói về Thiên Chúa, không chỉ bằng lời nói nhưng bằng ngôi vị, và nhất là bằng tình yêu đến cùng của Ngài, được tỏ bày trong mầu nhiệm Vượt Qua.
2. Bình an
Tình yêu đến cùng được Đức Giê-su diễn tả cách trọn vẹn trong cuộc Thương Khó; và trong giai đoạn này, Ngài sẽ bị các môn đệ của mình bỏ rơi, nhưng Ngài nói: “Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy”. Điều này mang lại cho các môn đệ sự bình an. Bởi vì, Chúa Cha không chỉ là điểm đến, nhưng còn luôn luôn hiện diện với Đức Giê-su. Ơn bình an còn đến từ niềm xác tín rằng, nếu Chúa Cha luôn ở với Đức Giê-su trong thử thách, thì Người cũng luôn ở với các môn đệ trong khốn khó và trong sự yếu đuối và giới hạn. Bởi vì, như Đức Giê-su nói: “Chúa Cha yêu mến anh em” (c. 27)
Các môn đệ cũng được mời gọi đi theo Đức Giê-su bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là sống đời mình như một cuộc vượt qua, nhờ, với và trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô phục sinh. Như sách Tông Đồ Công Vụ kể lại cho chúng ta, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô như được tái hiện lại trong hành trình sống và loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô của các môn đệ, các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ của mọi thời, các môn đệ hôm nay, là chính chúng ta.
Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su không chỉ mang lại bình an, nhưng cả niềm vui nữa. Vì Đức Giê-su đã nói: “nỗi buồn của anh sẽ trở thành niềm vui”. Lời của Đức Giê-su không chỉ nói tới niềm vui sau thử thách, nhất là thử thách tận cùng là sự chết, nhưng niềm vui ngay trong thử thách hôm nay. Vì cuộc Vượt Qua của Người mang lại niềm hi vọng, và vì thế mang lại ý nghĩa cho cuộc thương khó của người môn đệ. Và nhất là cuộc thương khó của người môn đệ làm cho mình trở nên giống Đức Ki-tô, nên một Đức Ki-tô. Trong tình yêu, thật là niềm vui lớn lao, khi được trở nên giống nhau, nên một với nhau.
3. Can đảm
Các môn đệ được mời gọi “can đảm lên”, vì Đức Giê-su đi về cùng Cha, không bằng con đường thăng thiên trực tiếp, nhưng bằng cách vượt qua và chiến thắng sự chết gây ra bởi thế gian, nghĩa là bởi sự dữ và những gì thuộc về. Đức Giê-su đã nói : « Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy… Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha ». Như thế, con đường Thầy đi qua và cùng đích Thầy hướng đến đều hội tụ nơi ngôi vị của Đức Giê-su.
Nhưng tất cả vấn đề là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường « điên rồ và sỉ nhục ». Nhưng, đối với Thiên Chúa, đó lại là con đường của « sự thật và sự sống », là con đường của « sức mạnh và khôn ngoan », là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng người của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Đó là điều không thể biết, chúng ta chỉ có thể cảm nếm đích thân mà thôi. Xin cho chúng ta kinh nghiệm được rằng mình đang ở trong sự thật và sự sống, đang ở trong Thiên Chúa Cha, đang được Chúa Cha yêu mến, khi đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. Các môn đệ sẽ gặp nhiều gian nan khốn khó. Nhưng Đức Ki-tô đã thắng thế gian, thắng sự dữ và sự chết; và Ngài chia sẻ chiến thắng của Ngài cho chúng ta, để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó với Ngài.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 9: ĐỂ TRONG THẦY, ANH EM ĐƯỢC BÌNH AN.
Tin Mừng hôm nay, các môn đệ bày tỏ niềm tin vào Chúa Giêsu: “Chúng con tin thầy từ Thiên Chúa mà đến”. Tuy nhiên, Chúa chỉ cho các môn đệ thấy, đức tin không phải là chuyện dễ dàng. Đức tin thực sự sẽ đưa các môn đệ đến những gian nan thử thách, cụ thể trong cuộc khổ nạn của Chúa, các môn đệ đã trải qua những hoang mang lo lắng sợ hãi, thất kinh, đến bỏ Chúa mà chạy trốn.
Nhưng khi được gặp Chúa Kitô phục sinh, và được đón nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ không còn chạy trốn nữa, can đảm tuyên xưng đức tin của mình, hăng say rao giảng Tin Mừng khắp nơi, không sợ đòn vọt bắt bớ và sẵn sàng hiến dâng mạng sống để chứng minh đức tin: Chúa là đường, là sự thật, và là sự sống, Chúa là tình yêu và là cùng đích, là lẽ sống của các môn đệ. Chúa thực sự là bình an của các môn đệ giữa ngàn gian nan bách hại.
Ronald Rolheiser nói thật chí lý: “Duy chỉ có ánh sáng mới xua tan bóng tối, chỉ có tình yêu mới xóa bỏ tội lỗi, và chỉ có bình an mới đẩy lui sợ hãi”. Các môn đệ đã xưa đã đạt được niềm bình an đó bình an giữa những bách hại, bình an khi chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu, sự bình an của con chiên sống giữa bầy sói. Bình an đó, thế gian không thể tưởng tượng nổi. Bình an đó, chỉ có nơi Chúa, các môn đệ xưa đã tín thác tuyệt đối nơi Chúa, cho nên các ngài đã nhận được bình an. Và hết thảy chúng ta hôm nay cũng sẽ hưởng bình an của Chúa, nếu chúng ta tín thác vào Chúa, nương nhờ ơn Chúa, để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng.
Cách đây ít lâu một phụ nữ Ấn độ giáo đã trở lại Công giáo, sau một thời gian nghe rao giảng Lời Chúa. Bà chịu nhiều dèm pha, đay nghiến từ người chồng do việc bà trở lại đạo. Có lần cha xứ hỏi bà: “Khi chồng con nổi giận và hành hạ con, thì con làm gì?” Bà đáp: “Thưa Cha, con cố gắng nấu ăn ngon hơn; khi ông than trách, con lau chùi nhà sạch hơn; khi ông ăn nói cộc cằn, con trả lời ôn tồn nhỏ nhẹ. Con cố gắng được chứng tỏ cho ông thấy khi con trở lại đạo, con phải là người vợ và người mẹ tốt hơn”.
Một thời gian sau, ông xin trở lại đạo Công giáo, không phải vì lời giảng của cha xứ, nhưng chính nhờ gương sáng sống đạo của bà vợ đạo đức của ông.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống tín thác vào Chúa để được bình an và đem ơn bình an đó cho mọi người chúng con gặp gỡ hằng ngày. Amen.
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist