SUY NIỆM THỨ 5 TUẦN VII PHỤC SINH
Thứ tư - 15/05/2024 07:05
SUY NIỆM THỨ 5 TUẦN VII PHỤC SINH
Ga 17, 20-26
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
20Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.
22Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: 23Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
25Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.
26Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
SUY NIỆM 1:
Phân tích
Chúa Giêsu cầu cho các tín hữu đã nghe lời giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài:
“Con không chỉ cầu xin cho chúng mà thôi, mà cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con.”
“Để cả chúng cũng nên một trong Ta.”
“Con muốn rằng, Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con.”
“Để tình yêu Cha yêu Con ở trong chúng và Con cũng ở trong chúng nữa.”
Suy gẫm
1. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta”: “Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.
Lạy Cha, xin giữ chúng con trong tình hiệp nhất. Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền: cố nhịn nói, cố nhịn tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.
Mà sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.
Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.
2. Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập với dàn hợp xướng gồm cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát: “Tiếng sáo nào kì vậy ?” Và phải tập lại từ đầu.
3. “Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con.” Chúa Giêsu ở đâu ? Ở trong tình yêu Chúa Cha; ở trong sự thật; ở trong Thánh Ý Chúa Cha; Ở trên Thập Giá và ở trên thiên đàng.
4. Chính Cha đã sai Con và yêu thương họ như đã yêu thương Con.”
Mỗi lần nói đến cuộc đời Chúa Giêsu, tôi rất dễ dâng lời cảm tạ, ngợi khen, tri ân trước những hy sinh lớn lao của Ngài. Và tôi thường lý luận nông cạn rằng vì Chúa Giêsu được Chúa Cha yêu thương cách đặc biệt nên Người có thể làm mọi sự.
Nhưng hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu lại khẳng định với tôi rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Như vậy, Chúa Giêsu Nadarét ngày nào cũng như tôi hôm nay, và cũng được Chúa Cha yêu thương bằng một tình Cha thật gần gũi. Nhưng khác một điều Ngài đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, dù trong những lúc đau thương nhất của cuộc sống. Còn tôi, tôi cũng tin vào tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không mấy xác tín rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Cha ơi, xin cho con cảm nghiệm được Cha yêu con và học biết nơi Đức Kitô cách đáp lại trọn vẹn tình Cha.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 2:
Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con”.
• Chúng ta tiếp tục được mời gọi đi vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Ngài luôn đặt Cha làm điểm qui chiếu và là cùng đích. Ngài không chỉ cầu nguyện cho các môn đệ nhưng còn cho những ai nhờ lời các môn đệ cầu nguyện cũng được nhận lời.
• Lời cầu nguyện đem lại ơn cứu độ cho con người khi họ tin vào Đức Giêsu. Không những thế, lời cầu nguyện còn đem lại cho con người sự bình an và một cuộc sống hạnh phúc.
• Thế giới hôm nay vẫn tin vào vật chất và để cho vật chất chi phối. Đức Giêsu muốn giải thoát cho con người và giúp họ hướng về trời cao nhưng vẫn để cho con người có tự do chọn lựa.
→ Tôi được mời gọi cầu nguyện cho thế giới, cho những người nhờ tôi cầu nguyện? Tôi sẽ nói gì với Chúa cho họ? Tôi có tin Chúa sẽ nhận lời tôi cầu nguyện?
→ Lạy Chúa, xin nhận lời chúng con cầu nguyện cho những người cần đến lời cầu nguyện của chúng con.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 3: TẤT CẢ NÊN MỘT
Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha cho tất cả những ai tin vào Ngài được nên một với Chúa Cha. Ngài cố gắng dạy dỗ, giới thiệu và đưa dẫn họ về với Chúa Cha. Ngài mong muốn tất cả những ai theo Ngài cùng được hưởng vinh quang với Ngài, nhất là luôn được ở trong tình yêu của Chúa Cha như Ngài. Ngài biết rõ hạnh phúc và niềm vui đích thực chỉ có nơi Chúa Cha, nên Ngài khao khát cho tất cả mọi người đều được chung hưởng với Ngài. Chúa Giêsu yêu thương tất cả mọi người nên Ngài luôn mong muốn cho mọi người đều có chỗ trong trái tim của Chúa Cha.
Chúa Giêsu luôn mong muốn cho mọi người được nên một với Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta chẳng quan tâm đến vấn đề gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Chúng ta dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm vật chất, danh vọng và niềm vui thế gian. Tất cả mọi sự đời này đều qua đi hết. Chỉ khi nào chúng ta được gắn bó với Chúa đời đời thì mới tồn tại vĩnh viễn. Mỗi người đừng đợi khi chết mới gắn bó với Chúa, nhưng ngay từ giây phút này hãy sống gắn bó với Ngài bằng cách tin tưởng và yêu mến Ngài nhiều hơn. Chúng ta hãy nên một với Chúa trong từng việc làm của mỗi giây phút sống trong đời mình.
Lạy Chúa, chúng con xin lỗi Chúa vì đã sống quá thờ ơ trong khi Chúa luôn khát mong chúng con được ở trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết trân trọng tình yêu Chúa trao ban bằng cách sống đẹp lòng Chúa trong từng việc chúng con làm. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 4:
Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời cầu nguyện chân thành và tha thiết của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha.
Lời cầu nguyện tha thiết này Chúa Giêsu hướng cách đặc biệt về những người tin nhận Chúa, với mong muốn cho họ được hiệp nhất nên một. Bởi hiệp nhất chính là sức mạnh; có hiệp nhất mới có niềm vui và bình an. Trái lại, sự chia rẽ làm cho cuộc sống trở nên buồn bã, đau khổ và mất sức sống. Hiệp nhất trong cùng một đức tin còn là dấu chứng khả tín nhất cho việc loan báo tin mừng.
Nhưng lời cầu xin của Chúa Giêsu hình như đã bị con người khướt từ bởi tính kiêu căng, tự mãn. Do vậy mà trong GH đã từng xảy ra những cuộc sự chia rẽ đáng tiếc, làm mất đi tinh thần hiệp nhất trong cùng một thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Chính những cuộc chia rẽ ấy đã gây nên những vết thương lòng đau đớn và đã trở nên gương mù, gương xấu trong GH Chúa, nhất là làm mất đi tính khả tin của Tin mừng tình yêu.
Ý thức điều đó, nên hàng năm GH luôn dành một tuần lễ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Nhưng để cho Chúa nhậm lời ước nguyện hiệp nhất ấy, trước hết mọi người Kitô hữu chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho mình có được lòng khiêm tốn, bao dung để biết mở lòng đón nhận những khác biệt của nhau; cũng như tích cực cộng tác với nhau thực hiện những giá trị căn bản mà Chúa chỉ dạy, với tinh thần tôn trọng và lòng yêu mến chân thành.
Lm Seoka
SUY NIỆM 5:
Ở đâu và ở mọi thời con người luôn cần sự hiệp nhất, sự đoàn kết vì thiếu sự đoàn kết, thiếu sự hiệp nhất thì một cộng đoàn, một tập thể, một nhóm lớp, một giáo xứ, một tổ chức và chính trong mỗi người chúng ta cũng gây nên những xung đột, những mâu thuẫn và dẫn đến sự đổ vỡ.
Bài Tin Mừng thánh Gioan hôm nay trích từ lời cầu nguyện của Đức Giê-su. Nổi trội của lời cầu nguyện là sự "nên một". Chúa Giê-su muốn nên một đó là sự hòa hợp trọn vẹn, không còn là hai nữa nhưng chỉ là một: Một trong sự suy nghĩ, một trong thân xác và một trong linh hồn. Chúa Giê-su muốn nên một trong Chúa Cha và nên một như Chúa Cha. Điều đáng nói là Chúa Giê-su muốn cho loài người được nên một với Thiên Chúa. Và không có sự chia cắt "phần con, con ban vinh quang mà cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta". Chúa Giê-su còn nói: Con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con đều được ở đó, để chiêm ngưỡng vinh quang của con. Con đã cho họ biết danh Cha và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ và con cũng ở trong họ nữa. Sự nên một của Chúa Giê-su và Chúa Cha là sự nên một trong cùng một suy nghĩ, sự nên một hòa quyện trong sự thánh thiêng, sự nên một cùng một thể xác. Nhưng để có sự nên một này đức Giê-su đã phải sống vâng phục "để đến mức thập toàn". Kinh Thánh viết: Dầu là con Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã trải qua bao đau khổ vì vâng phục để Người làm theo Thánh ý Chúa Cha. Để nên một Chúa Giê-su từ bỏ ý riêng, cũng phải vâng lời Chúa Cha.
Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy. Sự hiệp nhất không dễ để được có sẵn mà phải được ước muốn, phải có sự nỗ lực của bản thân, của tập thể. Hiệp nhất nên một. Hãy sống yêu thương, chân thành, xây dựng cách ngay lành trong gia đình, cộng đoàn và trong mỗi cá nhân chúng ta.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thương, để kiến tạo sự hiệp nhất trong từng ngày sống của chúng con. Để hạnh phúc có Chúa trong từng giây phút của cuộc đời con. Amen!
Tân Quang
SUY NIỆM 6:
“20 Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.”
Đọc đi đọc lại lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu, thân thưa với Chúa Cha, lòng tôi xúc động mãi, và có lẽ nếu có ai đó đọc thật chậm rãi và suy nghĩ về ý nghĩa của lời này, chắc hẵn cũng sẽ có tâm tình như thế.
Quả vậy, với cõi lòng hướng về trời cao, đôi mắt hơi khép lại hòa vào tâm trí Ngài để thân thưa với Cha của mình. Cha ơi, “con không chỉ cầu nguyện cho những người này”, những người này tức là các môn đệ, cả những người khác đang theo Chúa, họ đang hiện diện xung quanh ngài. Họ là những người trước tiên tin vào Lời Chúa, tin vào ơn cứu độ, tin vào Đấng Mê-si-a, họ xứng đáng hưởng nhờ lời nguyện cầu của Chúa Giêsu. Thế nhưng, đối tượng mà Chúa Giêsu nhắm đến, không chỉ là đám đông dân chúng đang theo Ngài. Tôi đọc đi đọc lại cụm từ “không chỉ....nhưng còn”, vậy mới nhận ra rằng, đối tượng Ngài nhắm đến là có tôi, có bạn, có con cháu, anh chị em, họ hàng, bạn hữu của chúng ta và có cả nhiều nhiều, thật nhiều thế hệ tiếp sau nữa cho đến ngày thế mạt.
Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho những người đang nghe Ngài rao giảng, nhưng cho cả chúng ta, những con người “đã nhờ họ mà tin vào Con”. Chúng ta đã tin vào Đức Giêsu, không phải bởi chính đôi tai của mình nghe tiêng Chúa cách trực tiếp, không phải bởi nhìn thấy những dấu lạ điềm thiêng Chúa làm bằng đôi mắt thịt mềm. Nhưng tất cả, chúng ta đón nhận niềm tin ấy, ơn cứu độ ấy qua những người khác, những người đã tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu, tin vào Giáo Hội của Ngài. Nhờ có những người tin vào Chúa, truyền lại cho chúng ta, chúng ta “nhờ họ mà tin vào Đức Giêsu”. Đây quả là một hồng ân đặc biệt, hồng ân vô giá giành cho những kẻ tin, như Chúa Giêsu đã từng nói sau khi phục sinh vơi Tô-ma và các tông đồ “Phúc cho ai không thấy mà tin”.
Nhưng điều còn cao trọng hơn nữa cho niềm tin của chúng ta, không chỉ tin để nhận biết Thiên Chúa và được ơn cứu độ cho mình, nhưng còn tin để được NÊN MỘT trong Chúa. “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”. Khi ta tin vào Chúa, ta được tháp nhập vào thân mình Đức GiêSu Kitô là Giáo Hội, như cành nho liên kết với thân nho, như các chi thể liên kết trong một thân thể. Đó mới thực sự là ơn cao trọng hơn hết, một hồng ân đặc biệt: chúng ta được ở trong Đức Giêsu, mà Đức Giêsu lại ở trong Cha của Ngài và Cha của Ngài cũng ở trong Ngài; và như thế Thiên Chúa Cha cũng ở tỏng mỗi chúng ta, vì ta đã được ở trong Đức Giêsu bởi lòng tin của mình. Đó là một sự hiệp nhất trọn vẹn, điều viên mãn nhất trong niềm tin của người ki-tô hữu, điều mà Thánh vịnh hay diễn tả, chúng ta sẽ nên những vị thần, bởi chúng ta được ở trong THIÊN CHÚA hằng sống.
Ước gì, mỗi giây phút của cuộc đời, ta luôn ý thức điều đó: ta ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong ta, nhất là khi đón nhận thần lương Thánh Thể, sự sống Đức Giêsu tan chảy trong ta, hòa quyện nơi mỗi tế bào chúng ta và biến đổi ta thành một Giêsu mới cho mọi người. Nhờ thế, ta được biến đổi bởi sức mạnh của Thánh Thần, để sua trừ cái xấu, sự tội nơi mình và để nên những bậc thánh nhân, hầu mưu ích cho chính mình và làm chứng tá niềm tin cho kẻ khác.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con tiếp tục lời nguyện của Chúa “Xin cho tất cả nên một”, không chỉ những ai đang trong thân mình Giáo Hội, mà cho cả những người nghe chúng con loan truyền về tình yêu thương và ơn cứu độ của Người. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn được nên một trong Chúa, bởi thái độ từ bỏ sa tan và quyết tâm nên thánh mỗi ngày. Amen!
Xuân Hạ, OMI
SUY NIỆM 7: CẦU CHO HIỆP NHẤT
Có một câu chuyện cổ được kể lại như sau: trong một cuộc họp tất cả các muông thú rừng xanh, dòng nhà cọp đã dành được ngôi vị chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp người thợ săn, trước khi buông phát tên, người thợ săn nói với cọp: “Hỡi chúa sơn lâm, hãy đón nhận các điều mà con người gửi đến cho các muông thú”. Và một phát tên đã cắm phập vào lưng cọp, quá đau đớn nên cọp đã chạy vào rừng rậm.
Thấy cọp bỏ chạy, một con sói già hỏi tại sao? Cọp lắc đầu đáp: “Chỉ một lời con người muốn nói với chúng ta mà đã làm cho ta đau đớn đến thế này, thì làm sao ta có thể chống lại được bọn họ”. Sói già an ủi cọp: “Ðiều suy nghĩ của chúa sơn lâm thật thực tế, tuy nhiên chúa sơn lâm đã quên một điều là nếu tất cả các muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con người. Tỉ như họ hàng nhà sói chúng tôi tuy sức mạnh không bằng chúa sơn lâm, nhưng một bầy sói vẫn có thể nuốt trọn tên thợ săn”. Ý kiến thật hay, tuy nhiên thú rừng vẫn cứ bị tiêu diệt vì chẳng bao giờ chúng học được hai chữ “đoàn kết – hợp nhất”.
Anh chị em thân mến!
Trước khi từ giả các môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ theo Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ và vì quyền lực của sự dữ tấn công. Nếu đơn độc chiến đấu, chắc chắn họ sẽ thất bại cũng như nguyên tổ của họ đã thất bại. Nếu con người thua trận lần nữa thì việc cứu chuộc của Chúa Giêsu trở thành luống công vô ích. Bởi thế mà Ngài đã cầu nguyện cho họ “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Chúa Giêsu không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người vào nguy cơ ỉ lại vào chính mình, không còn biết đến ai và lúc đó, con người trở thành hòn đảo cô độc.
Ngài cũng không cầu xin cho con người có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu của tham vọng, tham vọng thống trị, buộc người khác phải phục vụ mình, tham vọng giàu sang đã có quyền lại có thế để rồi từ đây sẽ phát sinh ra biết bao nhiêu tham vọng khác.
Hẳn thật, sức mạnh và quyền lực sẽ chóng giúp con người từ thành đạt đến thành công. Có được hai yếu tố này, mọi tổ chức chẳng lo gì phải thất bại, Vậy mà khi cầu nguyện cho Giáo Hội, cộng đoàn của những kẻ nhờ lời các tông đồ mà tin, thì Chúa Giêsu lại không xin cho Giáo Hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và Ngài hằng ao ước cho lửa ấy cháy lên. Ngài vẫn luôn mong mỏi cả thế gian tin nhận rằng: Ngài là Ðấng Cứu Thế duy nhất.
Tuy nhiên, con đường Ngài đi và phương thế Ngài dùng lại hoàn toàn khác biệt, tất cả được gói trọn trong hai chữ “Yêu Thương – Phục Vụ”. Bởi thế, muốn phản chiếu hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu, không gì hiệu nghiệm cho bằng sống yêu thương – hiệp nhất.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu tuy đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện, Bởi vì bao lâu còn góc cạnh là bấy lâu chẳng thể đặt sát gần nhau và nếu chỉ một phía cắt bỏ các góc cạnh mà thôi thì vẫn còn xa cách. Sự hiệp nhất chỉ được phát sinh từ những cố gắng của mọi phía. Chẳng thể ngồi chờ đợi kẻ khác, còn tôi cứ đóng khung trong các chứng tật cố hữu của mình, xem như chẳng liên quan đến ai cả.
Lạy Chúa, khi đã trở thành phần tử trong nhiệm thể Chúa Kitô, chắc chắn mỗi người trong chúng con không thể đứng riêng rẽ một mình, nhưng phải liên kết với nhau để thông truyền sức sống. Muốn liên kết chúng con phải cắt bỏ những chứng tật cố hữu, phải hy sinh trong mọi lúc. Thế nhưng, nhờ những hy sinh này, chúng con sẽ nên một trong Chúa và sẽ được chiêm ngắm quyền năng vinh quang Chúa hành động. Amen.
Missionaries in Asia