Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, một tiếng gọi thân thương quen thuộc đối với GP Phan Thiết chúng ta, vì Mẹ Thiên Chúa được chọn làm Bổn mạng của GP Phan Thiết, ngoài ra còn có giáo xứ Mẹ Thiên Chúa, giáo họ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là niềm vui của Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai sau khi Chúa về trời. Mẹ Thiên Chúa là câu kinh trên môi miệng của người Công giáo hôm nay, nhất là trong tháng Hoa, tháng Mân côi qua tràng chuỗi với kinh Kính Mừng. Tháng Năm tháng Hoa dành cho Mẹ và là tháng hành hương dành cho Các Bà Mẹ Công Giáo trong Năm Thánh 60 năm Đức Mẹ Tàpao. Ngày hôm nay 12/5 lại là Ngày của Mẹ. Cùng với những lời tri ân Mẹ, những tràng hoa mân côi muôn sắc đã được dâng cho Mẹ. Mẹ được tôn vinh một cách đặc biệt. Đây là cơ hội để chúng ta biểu lộ lòng sùng kính Đức Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa! Trong bài giáo lý này chúng ta sẽ đọc lại kinh Kính Mừng để dựa vào Lời Chúa mà vui mừng đón nhận Mầu nhiệm Đức Maria (I), rồi củng cố niềm tin Mẹ Thiên Chúa (II), cuối cùng cổ vũ lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa (III).
I-Mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa : niềm vui cho toàn thể nhân loại. Kinh Đức Mẹ Tàpao, sau khi xác định vị trí của Đức Maria trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đã vui mừng tuyên xưng Mầu Nhiệm Nhập Thể và Mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa: “Chúng con chúc tụng Chúa, vì từ đời đời, Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ, hạ sinh Con Thiên Chúa làm người cho chúng con ....”(Kinh Đức Mẹ Tàpao) Giáo Hội tôn vinh Mẹ Thiên Chúa bằng nhiều tước vị khác nhau như trong Kinh cầu Đức Mẹ và không khi nào khai thác hết mầu nhiệm của Mẹ. Đây là niềm vui khôn tả, vì liên hệ đến ơn cứu độ của toàn thể loài người. Để chia sẻ niềm vui với Giáo Hội, chúng ta dừng lại ở Kinh Kính Mừng, như là bản tóm lược niềm tin và lòng sùng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong lịch sử Giáo Hội. Kinh Kính Mừng nhắc nhở chúng ta về hai biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Maria: Truyền tin và Thăm viếng. Kinh Kính Mừng ghi lại một lời chào và một lời chúc tụng, qua đó Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa. 1-Lời chào của thiên sứ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Qua lời chào của thiên sứ trong ngày truyền tin, triều thần thiên quốc kính mừng Mẹ: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà...” Đây là niềm vui khôn tả của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ được gọi là Đấng đầy ơn phúc, Mẹ được Chúa ở cùng, Mẹ thành nơi trú ngụ của Thiên Chúa. “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao...” (Lc 1, 31-33). Mẹ vui mừng và khiêm tốn nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa“Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”(Lc 1,38). Qua tiếng xin vâng, Mẹ nói lên niềm tin phó thác và Ngôi Lời đã bắt đầu làm người trong cung lòng của Mẹ. Mẹ vui mừng hoan hỉ trở thành Mẹ của Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Giáo Hội vinh dự gọi Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa. 2-Lời chúc tụng của Bà Êlisabeth: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ”. Qua lời chào của Bà Êlisabeth trong ngày Mẹ thăm viếng, toàn thể loài người chúc tụng Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc ...Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi” (Lc 1,43-45). Cùng với niềm vui của Bà Êlisabeth và con trẻ Gioan nhảy mừng trong lòng, Giáo Hội vui mừng tuyên xưng Mẹ là Mẹ của Chúa. Tin mừng Mẹ Thiên Chúa đã được loan báo. Mẹ được chúc phúc vì đã đáp lại lời mời của Thiên Chúa. Chính hoa quả của lòng Mẹ làm cho Mẹ được diễm phúc. Chính Đấng Cứu thế ngự trong lòng Mẹ mà Mẹ mới trở thành Đền Thờ và Hòm bia của Thiên Chúa. Mẹ vui mừng vì nhận biết rằng tất cả những gì tiên báo trong Cựu ước về một Trinh Nữ sinh con đã được thực hiện nơi Mẹ. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã bắt đầu. Và vì thế, vui mừng của Mẹ trở thành tin mừng của tất cả nhân loại chúng ta. Mẹ trở thành Mẹ Đấng cứu độ. Phần đầu của Kinh Kính mừng với hai lời chào của thiên sứ Gabriel và của bà Êlisabeth gói trọn những gì Tân Ước đã ca tụng Đức Maria. Nhưng với kinh Kính Mừng, Giáo Hội muốn ca tụng Đức Maria trong Danh Thánh Đức Giêsu, vì mọi ơn cứu độ đã từ Người mà đến, cho Đức Maria, cũng như cho tòan thể nhân loại. Và với Đức Maria và Đức Giêsu chúng ta ca tụng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. 3-Bài ca ngợi khen Chúa (Magnificat) :Và Mẹ đã biểu lộ niềm vui của mình. Mẹ hát bài ca Ngợi khen Thiên Chúa. Cùng với Mẹ là cả triều thần thiên quốc và loài người dưới thế hân hoan vui mừng chúc tụng Thiên Chúa. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. Mẹ lên tiếng ngợi khen Chúa, vì Mẹ ý thức mình được cứu độ, đồng thời cũng ý thức mình là Mẹ Đấng Cứu Thế, vì Mẹ đang mang trong mình niềm hy vọng của Dân Chúa tin tưởng và mong chờ Đấng Cứu Thế. Vì thế, Mẹ vui với niềm vui của cả dân tộc mình. Cả bài Ngợi khen Chúa tóat lên niềm vui ơn cứu độ. Cả con người và cuộc sống của Mẹ tóat lên niềm vui đó. Nơi Mẹ, cả nhân loại nhảy mừng trước mầu nhiệm Nhập Thể, khởi đầu lịch sử cứu độ. Trên đây là những căn cứ Thánh Kinh cho lòng sùng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa từ thời sơ khai của Giáo Hội, từ trong lòng tin nguyên thủy của Giáo Hội. Lòng sùng kính đó được tóm gọn trong kinh Kính Mừng nguyên thủy. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Amen”.
II-Mẹ Thiên Chúa, niềm tin của Giáo Hội. “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người.” (Kinh tin kính). Đó là niềm tin vào mầu nhiệm nhập thể. Nhưng niềm tin này gặp sóng gió làm cho tước vị Mẹ Thiên Chúa cũng bị lung lay. Chúng ta phải chấp nhận rằng giữa mạc khải của Kinh Thánh và những từ ngữ để diễn đạt các mầu nhiệm đó đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề. Vì thế, từ thế kỷ thứ IV, đã bắt đầu có những suy tư khác nhau về Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa hay không, Ngài có phải là con người hay không? Hay làm thế nào mà kết hợp hai bản tính con người và Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô? Có lúc người ta chối từ thiên tính của Ngài, có lúc người chối từ nhân tính của Ngài. Nhưng nổi cộm nhất là khủng hoảng do thuyết của Arius (TK IV) và những tranh luận của Nestorius (TK V và VI). -Đức Giêsu có phải là Con Thiên Chúa hay không? Nhằm bảo vệ tính siêu việt của Thiên Chúa, ông Arius không thỏa mãn với những ngôn ngữ quá đơn giản mà Kinh Thánh đã dùng khi nói về Đức Giêsu như “Ngôi Lời là Thiên Chúa” hoặc “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm”và ông cũng không chấp nhận cách phát biểu của một vài tuyên tín. Vì vậy, ông không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa mà chỉ nhận Ngài là thụ tạo đầu tiên do Thiên Chúa sáng tạo từ hư không. Hai Công đồng Nicê (325) và Constantinople (381) đã xác quyết thiên tính của Đức Giêsu là“Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha...”(Kinh Tin Kính) -Đức Giêsu là một Đấng duy nhất, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, được không? Nếu thiên tính của Chúa Giêsu đã được công nhận cách rõ ràng ở hai Công đồng Nicê và Constantinople, vậy quan hệ giữa Con Thiên Chúa với con người Giêsu là thế nào? Thiên tính kết hợp với nhân tính thế nào? Ông Nestorius cho rằng phải có hai Đấng (ngôi vị) nơi Đức Giêsu Kitô: một là Đức Giêsu, con người thật, hai là Ngôi Lời Thiên Chúa. Vì vậy ông tuyên bố rằng ai rao giảng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là lộng ngôn. Ông chủ trương thiên tính ở trong nhân tính như Thiên Chúa ở trong Đền Thờ vậy. Đức Maria đáng được tôn trọng thật, nhưng Ngài chỉ sinh Chúa Giêsu về mặt thể xác, về mặt nhân tính thôi, chứ không thể sinh thiên tính được. Vì vậy, chỉ có thể gọi Mẹ Đức Kitô hay Mẹ Đấng Cứu Thế, chứ không thể gọi Mẹ Thiên Chúa được. Chủ trương của Nestoius đã phủ nhận mầu nhiệm Nhập Thể. Công đồng Êphêsô (431) đã xác quyết sự hợp nhất giữa hai bản tính và vi sự hợp nhất này mà Giáo Hội tuyên xưng Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Niềm tin Mẹ Thiên Chúa không những bảo vệ mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Chuộc, mà còn củng cố chân lý về Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cho biết Ba Ngôi riêng biệt trong một bản tính Thiên Chúa. Vì thế, khi nói Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ là Mẹ của Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người, không có nghĩa là Mẹ cũng là Mẹ của Thiên Chúa Cha, hay Chúa Thánh Thần. Mẹ không sinh ra Chúa Giêsu theo thiên tính mà chỉ theo nhân tính. “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu thuộc tín lý cổ xưa nhất và quan trọng nhất dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Tước hiệu này đã được định tín tại công đồng Êphêsô (431) như là chân lý mà mọi Kitô hữu phải tin. Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa gói trọn hai chân lý: -Đức Maria là Mẹ thật, Ngài đã mang thai, sinh nở và cho bú mớm, dưỡng nuôi Đức Giêsu như mọi người mẹ. Vì thế Giáo Hội chống lại mọi thuyết phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu. -Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa, có nghĩa là người Con mà Đức Trinh Nữ Maria sinh ra có thiên tính ngay từ ban đầu, là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngôi Hai đó đã kết hợp với nhân tính trong Đức Giêsu thành Nagiaret một cách trọn vẹn. Địa vị Mẹ Thiên Chúa phải là trọng tâm của mầu nhiệm: tất cả mọi tín điều về Đức Mẹ phải xoay quanh mầu nhiệm này. Đức Maria là Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Đức Kitô, nên Mẹ cũng là mẹ của nhiệm thể Đức Kitô, Mẹ của Gíao Hội và cũng là Mẹ của chúng ta. Gíao Hội vui mừng khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa. Lời khẩn cầu của Giáo Hội từ đó được thêm vào kinh Kính Mừng: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen Và chúng ta có Kinh Kính Mừng hiện nay.“Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”
III-Lòng sùng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen” Lòng sùng kính Đức Mẹtheo đúng Giáo huấn của Hội Thánh là thao thức của Quí Giám Mục tiền nhiệm của GP Phan Thiết, ĐC Nicôla Huỳnh văn Nghi, ĐC Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, đặc biệt là ĐC Giuse Vũ Duy Thống. Thánh Công đồng Vaticanô II dạy phải lấy Đức Maria Mẹ Thiên Chúa như là mẫu mực, để noi gương bắt chước “trên bình diện đức tin, đức ái và sự kết hợp hòan hảo với Đức Kitô” (LG 63). Nhạc phẩm“Bên Mẹ Tàpao”của Đức Cha Giuse có thể gợi ý về lòng sùng kính Đức Mẹ. Đức Cha Giuse đã ngắm nhìn Mẹ, từ trên đỉnh núi cao, Mẹ đã trở thành hồng ân, Mẹ đã trở thành chốn nương thân và là ánh sáng cho muôn dân. Đó là lý do của lòng sùng kính Mẹ Maria. -Mẹ là hồng ân, “Là hồng ân Chúa ban tặng giữa nơi rừng núi cao”(TK 1). Vì từ muôn đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ hạ sinh Con Thiên Chúa làm người cho chúng con và đã tôn vinh Mẹ làm Mẹ của chúng con. (x.Kinh Đức Mẹ Tàpao). Tiếng hát tôn vinh Mẹ vẫn tiếp tục hát lên bên Mẹ Tàpao hôm nay và cho đến mai sau. -Mẹ là chốn nương thân, “Đoàn con yêu mến nay tìm đến bên Mẹ náu nương”(TK 2). Vì Thiên Chúa đã chọn núi rừng Tàpao làm linh địa để Mẹ gặp gỡ chúng con và trao ban lòng thương xót Chúa cho những ai biết hết lòng tin tưởng chạy đến khẩn cầu cùng Mẹ. (x.Kinh Đức Mẹ Tàpao). Ngày hôm nay, từng đòan hành hương vẫn nối đuôi nhau lên núi cao, tìm đến nương thân bên Mẹ. -Mẹ là ánh sáng, “Mẹ nên ánh sáng cho những tháng năm đời tối tăm”(TK 3). Vì trong cảnh đời tối tăm hôm nay của thế giới tục hóa, vị kỷ, hưởng thụ, hận thù, chiến tranh, Mẹ là Thầy dạy đức tin cho chúng con, để chúng con biết hết lòng phụng thờ Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy... (x.Kinh Đức Mẹ Tàpao). Hằng ngày khách hành hương vẫn về bên Mẹ Tàpao nơi trường dạy đức tin để hưởng nguồn ánh sáng từ ánh sao của Mẹ. Kinh Đức Mẹ Tàpao, linh đạo của lòng sùng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa được dệt thành nhạc để thực hiện thánh ý của Mẹ “đến muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng Tòan năng đã làm cho tôi những sự trọng đại” Tóm lại, kinh Kính Mừng là lời ca tụng tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trên cơ sở Kinh Thánh. Đồng thời Kinh Kính Mừng cũng để lại cho chúng ta gia sản của lòng sùng kính Đức Mẹ, Đấng là mẫu gương cho chúng ta noi theo và là nơi chúng ta chạy đến khẩn cầu.
GHI NHỚ: 1-Giáo lý HTCG: Đứng trước những ngộ nhận hiểu lầm và những thái quá trong lòng sùng kính Đức Mẹ, chúng ta hãy ghi nhớ câu giáo lý này: “Đức Maria thật sự là “Mẹ Thiên Chúa” vì là Mẹ của Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đã làm người, Đấng cũng chính là Thiên Chúa.” (GLHTCG số 509). 2-Bài hát tóm lựoc bài giáo lý: Qua bài hát Dâng Mẹ của Lm Hoài Đức, chúng ta ca tụng tôn vinh Mẹ, noi gương nhân đức của Mẹ, tin tưởng chạy đến khẩn cầu Mẹ, tận hiến cuộc đời cho Mẹ.
Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ đồng trinh, đoàn con chung tiếng hát chung tấm lòng dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria Mẹ nhân ái Mẹ hiển vinh, Mẹ chính là Nữ Vương là trạng sư, là Mẹ con 1-Con dâng Mẹ đây tâm hồn đây trí khôn, cả dĩ vãng cả hiên tại với tương lai. Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới, trông lên Mẹ là gương mẫu của đời con. 2. Yêu thanh bình yêu vâng lời, yêu khiết trinh, và yêu sống trên con đường Chúa đi xưa, Xứng con Mẹ con vui bước tới Thiên Chúa, hy sinh nhiều vì bác ái quên lợi danh. 3. Con nguyện cầu, con trung thành, con quyết tâm, Mẹ nhận lấy cả tâm hồn kính dâng lên. Sống bên Mẹ muôn ơn thánh giúp con tiến. Xin che chở giờ sau sau hết qua trần gian.
Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu, hành hương Đức Mẹ Tàpao 13/5/2019.
Tài liệu tham khảo: 1-Bernard Sesboué, Đức Maria trong ngôn ngữ đức tin, Lm Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ 2018. 2-Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh, Kinh kính mừng Ave Maria, NXBTG 2011. 3-Peter M.J. Stravinskas, Lời kinh cổ xưa thế giới hiện đại, cuốn sách về Đức Maria, NXBTG 2010. 4-HĐGMVN, Sách Giáo Lý HTCG. 5-Niềm tin của người Công giáo, NXBTG 2009.