CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT  Lc 2,41-52

Thứ sáu - 27/12/2024 09:11
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT
 Lc 2,41-52
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
41 Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. 42 Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua.
43 Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. 44 Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
45 Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.
46 Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. 47 Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. 48 Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.
49 Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” 50 Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
51 Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. 52 Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

SUY NIỆM: MẦU NHIỆM GIA ĐÌNH
Lời Chúa: “Bấy giờ Người theo ông bà trở về Nagiaret và vâng phục hai ông bà” (Lc 2,51)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh gia thất. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Gia Đình Thánh Chúa Giêsu, mẹ Maria và Thánh Giuse. Một gia đình thánh thiện, yêu thương nhau, tôn trọng nhau và đã trở nên khuôn mẫu của các gia đình Kitô giáo:
Thánh gia Con Chúa ẩn thân,
Có cha, có mẹ, ấm êm tốt lành.
Vâng lời, hiếu thảo, trung thành,
Sớm hôm cầu nguyện thi hành phận con.
Sống theo ý Chúa vuông tròn,
Khó khăn thử thách đâu còn bận tâm.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết học nơi các Ngài những đức tính cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc gia đình, thể hiện qua sự tôn trọng yêu thương và tha thứ. Xin các Ngài ban ơn thánh hóa gia đình chúng ta, cách riêng các gia đình tạ ơn Kim khánh và Ngân khánh hôm nay một mái ấm gia đình hạnh phúc yêu thương. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con ai thảo kính cha mẹ là thi hành thánh ý Chúa Cha. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã sống vâng phục thánh Giuse, mẹ Maria trong gia đình Nazareth để nêu gương cho chúng con lòng hiếu thảo. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, con cái là kết quả của tình yêu, là quà tặng Thiên Chúa trao ban cho vợ chồng. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.

Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Gia đình là chiếc nôi yêu thương. Nơi chiếc nôi ấy con trẻ được sinh ra và lớn lên đầy ắp tình người bởi sự nâng niu, chăm sóc và chở che trong vòng tay yêu thương của mẹ cha. Nơi ấy có một bờ vai vững chắc của cha để ta khóc trước nỗi đau, có bàn tay của mẹ nắm lấy kéo ta ra khỏi tuyệt vọng, ... Nơi ấy chính là gia đình đã được tác giả Ngọc Lễ diễn tả qua bài hát “Ba Ngọn Nến lung linh” như sau: Gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao niềm thương mến. Gia đình, vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về. Gia đình, bên nhau mỗi khi đớn đau, bên nhau đến suốt cuộc đời… Lời bài hát như đưa ta trở về với tuổi thơ êm đềm nơi một mái ấm gia đình.
Thưa anh chị em, chính nơi chiếc nôi - mái ấm gia đình Con Thiên Chúa đã chọn để đi vào lịch sử loài người và thực hiện ý định cứu độ. Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã sống trong mái ấm gia đình đầy hạnh phúc. Nơi gia đình Thánh gia có thánh Giuse là một người cha luôn chở che cho gia đình, mẹ Maria luôn sống âm thầm, tận tuỵ trong công việc của mình và Chúa Giêsu luôn kính trọng, vâng lời cha mẹ. Các ngài đã cùng nhau xây nên một gia đình rất đẹp, rất thánh thiện và gương mẫu nhất đời. Một gia đình luôn đồng cảm với nhau, chia sẻ vui buồn với nhau và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của cuộc sống. Nhất là các ngài luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc đời. Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh gia thất. Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm gia đình thánh: Thánh Giuse, mẹ Maria và Chúa Giêsu. Một gia đình thánh thiện, yêu thương nhau, tôn trọng nhau và đã trở nên khuôn mẫu của các gia đình Kitô giáo. Thế nhưng, các cặp vợ chồng trẻ ngày nay dường như chưa cảm nhận được hết giá trị của hai tiếng “gia đình”, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn: giận nhau, cãi nhau thì đem nhau ra tòa ly dị. Chủ động kết hôn, chủ động ly hôn. Xã hội thời hiện đại đã tạo ra nhiều thuận lợi cho cuộc sống của con người, nhưng nó cũng gây nên biết bao thách đố khiến nhiều gia đình rạn nứt và đổ vỡ. Người công giáo trước kia rất xa lạ với ly dị ly thân, thế nhưng ngày nay dường như đã trở thành thói quen, đã có không ít các cặp vợ chồng trẻ dắt nhau ra tòa ly dị, ly thân. Theo số liệu thống kê, tình trạng ly hôn tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ. Trung bình, mỗi năm cả nước có khoảng 600.000 vụ ly hôn, trong đó 70% do phụ nữ đệ đơn. Đáng chú ý, tỷ lệ ly hôn trong độ tuổi từ 18 đến 30 ngày càng tăng. Năm 2022, có 1.159 cặp ly hôn trong độ tuổi này; năm 2023 tăng lên 1.375 cặp; và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 317 cặp ly hôn trong tổng số 1.175 vụ án hôn nhân và gia đình. Nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn bao gồm mâu thuẫn về lối sống, vấn đề kinh tế, ngoại tình và bạo lực gia đình.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Gia đình đang bị đe doạ bởi sự tục hoá của xã hội, làm thế nào để các gia đình có thể giữ được hạnh phúc. Để giảm thiểu tình trạng này, thiết nghĩ các nhà chức trách cần phải tăng cường giáo dục về hôn nhân và gia đình, cũng như hỗ trợ các cặp vợ chồng trong việc giải quyết mâu thuẫn. Thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Côlôxê hôm nay khuyên rằng: “anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dạy rằng: “Xin phép, cám ơn và xin lỗi là ba từ giúp chúng ta bước vào trong tình yêu của gia đình, duy trì cuộc sống hạnh phúc, bình an trong gia đình và ngoài xã hội, vì chúng giúp tránh các rạn nứt có thể trở thành các hố sâu ngăn cách. Vì thế, đừng bao giờ kết thúc ngày sống trong gia đình mà không làm hòa với nhau”. Anh em đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa đã đến trong gia đình đầy ắp tình yêu thương và đã đề cao gia đình thánh. Nguyện xin Chúa nâng đỡ các gia đình Kitô giáo biết học nơi gia đình Thánh những đức tính cần thiết cho cuộc sống, để gia đình chúng con trở nên một mái ấm yêu thương và hạnh phúc. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
 
DANH HIỆU “GIA ĐÌNH THÁNH”
Không biết giờ còn hay không, chứ trước đây thường thấy nhiều nhà có tờ giấy chứng thật to, mang tên: “Gia đình văn hóa”. Cũng chẳng biết tật hư thế nào, và đâu là tiêu chuẩn để được xã hội nhìn nhận là một “Gia đình văn hóa”. Thôi thì chúng ta cứ coi như đó là một cách thức, để khích lệ người ta hướng đến và thực hiện một, hay nhiều điều tốt lành nào đó, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Liên quan đến gia đình, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy nhìn vào và chiêm ngắm gia đình Nadaret, là gia đình mẫu mực cho mọi gia đìn. Nhưng có điều lạ, là chúng ta không thấy gia đình Nadaret có giấy chứng nhận là “Gia đình văn hóa”. Thay vào đó, gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse lại có một chứng nhận khác, mang tên: “Gia đình Thánh”.
Và qua Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội cho ta biết đâu là tiêu chuẩn để gia đình Nadaret có một danh hiệu đẹp như thế.
Thứ nhất, gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse có một đời sống đạo hết sức tử tế.
Mặc dầu họ biết mình là những người Chúa chọn để thực hiện những điều cao cả cho nhân loại, nhưng các Ngài luôn ý thức mình là 1 người con cái Chúa, gia đình mình là 1 gia đình Do Thái giáo. Vì thế, các ngài không đi ra khỏi truyền thống của cha ông và những gì luật dạy. Bằng chứng là khi đủ thời gian, họ đã chịu thanh tẩy theo luật Môsê, đã đem con mình lên đền thờ để tiến dâng cho Chúa, cùng với những phẩm vật như luật định, (x. 2, 22-24).
Và cứ thế, một nếp sống đạo đức đã in sâu vào trong tâm hồn của các ngài trong cuộc lữ hành dương đức tin dương thế. Kinh Thánh nhiều lần cho biết, các ngài tuy có 1 cuộc sống đơn nghèo nhưng tuyệt đẹp, 1 đời sống đạo thầm lặng nhưng sốt sắng và thánh thiện. Và Hài Nhi Giêsu trong thân phận của 1 con người, đã được thừa hưởng từ cha mẹ của mình những điều đó.
Thứ hai, là những thành viên trong cùng 1 gia đình, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse rất tử tế với nhau, đặc biệt là những lúc gặp phải khó khăn thử thách và đau khổ trong cuộc sống
Cụ già Simêon đã từng cho biết rằng: “Thiên Chúa đã đặt Hài Nhi Giêsu làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 34-35). Đúng như lời đã tiên báo, gia đình Thánh gia đã đối diện với rất nhiều khó khăn và thử thách. Mà chắc ai cũng đã biết rõ, những khó khăn thử thách đó là gì.
Nhưng điều đáng nói là, khi 1 khó khăn xảy đến với gia đình, các Ngài không kêu van than trách, không thoái thác buông suôi; cũng không đùn đẩy trách nhiệm; nhưng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng để tìm ra điều Chúa muốn mình thực hiện. Và như thế, những thử thách cứ tưởng chừng như sẽ làm xáo trộn mái ấm gia đình của các ngài, ai ngờ, nó lại trở thành phương thế để giúp các ngài nên thánh.
Tóm lại, gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse đạt được danh hiệu “Gia đình Thánh” nhờ vào 2 nhân đức, đó là: họ đã sống tử tế với Chúatử tế với nhau.
Thưa anh chị em, mỗi người trong chúng ta đều có 1 gia đình của riêng mình. Và ai cũng mong muốn gia đình mình được bình an và hạnh phúc. Hơn nữa, là 1 gia đình Công giáo, ai cũng muốn những người trong gia đình luôn đạo đức và thánh thiện. Thiết nghĩ 2 nhân đức của Thánh Gia Thất hôm nay, sẽ là phương thế hữu hiệu để giúp gia đình chúng ta đạt được ước nguyện trên.
Thật vậy, là 1 gia đình Công giáo, chúng ta được mời gọi hãy có một sự cân đối trong cuộc sống mưu sinh và đời sống đức tin. Chúng ta đừng sống đạo chỉ để chu toàn bổn phận của một người kitô hữu, nhưng chúng ta hãy vươn mình lên để trở thành một người tín hữu đạo đức. Đạo đức không chỉ vì mình mà còn vì con cái. Là cha là mẹ, chúng ta hãy biến đời sống đức tin của mình trở thành những bài giáo lý sống động cho con cái noi theo.
Tương tự thế, là những người sống trong ơn gọi gia đình, chắc chắn anh chị em hiểu rõ về những cung bậc thăng trầm, những vui buồn sướng khổ trong bậc sống này. Đời sống gia đình không thiếu những lần khó khăn thử thách. Nó là 1 phần của ơn gọi gia đình. Đã là vợ là chồng, thì khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng những lúc mạnh khỏe; phải yêu thương và tôn trọng nhau, phải đối xử tử tế với nhau, phải luôn là điểm tựa cho nhau. Đừng trốn tránh nhưng hãy cùng nhau đối diện, đừng đùn đẩy những hãy cùng nhau nâng đỡ, đừng than van nhưng hãy cùng nhau cầu nguyện.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng biết noi gương gia đình Gia Đình Thánh Gia, để xây dựng gia đình mình trên nền tảng là đời sống đạo đức và tình yêu thương chân thành ngay trong những lúc khó khăn, để tổ ấm yêu thương của mỗi người cũng được Chúa xác nhận là “Gia đình Thánh”. Amen.
Lm. Mạnh Phương

SUY NIỆM: GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Tolstoy viết lời mở đầu cuốn sách “Anna Karenina”: Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì lại muôn màu muôn vẻ.
Vậy gia đình hạnh phúc có những điều nào giống nhau? Thực tế cho thấy rằng, một gia đình hạnh phúc là mẹ được ưu ái, cha được tôn trọng và con được tiếp nhận. Mẹ được chiều chuộng, gia đình càng hạnh phúc. Cha được tôn trọng sẽ càng yêu mẹ hơn. Con cái được tiếp nhận, gia đình mới thực sự là mái ấm. Gia đình là thế giới của mẹ, là vương quốc của cha, là khu vườn thần tiên của con trẻ. Đây chính là hình mẫu về một mái ấm hạnh phúc.
Gia đình là tổ ấm yêu thương cho từng thành viên. Trước ngưỡng cửa của đời sống hôn nhân gia đình, ai cũng muốn cho mình có được một cuộc tình êm xuôi, một gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hoà, con cái hiếu thảo, vợ chồng yêu thương nhau. Hôn nhân gia đình là một quyết định và là bước ngoặt lớn trong cuộc sống con người, nên người ta đặt vào đó cả niềm hy vọng và sự mong đợi lớn lao.
Đời sống hôn nhân gia đình có một ơn gọi và sứ mạng cao quý trong Giáo hội và xã hội. Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong khung cảnh của một gia đình. Qua cuộc sống của Thánh Gia, “chúng ta hiểu cách sống trong gia đình. Nadarét nhắc chúng ta về ý nghĩa của gia đình, về sự hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ và giản dị, tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; Nadarét làm cho chúng ta thấy gia đình là một trường học ngọt ngào và không thể thay thế, dạy cho ta biết thế nào là chức năng tự nhiên của gia đình đối với trật tự xã hội” (ĐTC Phaolô VI, Diễn từ tại Nadarét)…Muốn có những con người tốt và những Kitô hữu thánh, gia đình phải tốt và thánh thiện; muốn đổi mới đất nước, xã hội và Hội Thánh, phải bắt đầu từ gia đình. “Gia đình là con đường của Hội Thánh” (Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình, số 2).
Lễ Thánh Gia, Giáo hội mời gọi mỗi gia đình Công giáo hướng về gia đình Nadarét. Không phải lúc nào cũng màu hồng mà Tin Mừng cho thấy Thánh Gia đã trải qua những lận đận lao đao vất vả giữa bao hiểm nguy khó khăn thử thách trăm bề. Thánh Giuse khéo léo chống chèo vượt qua tất cả và cùng với Mẹ Maria – Chúa Giêsu xây dựng mái ấm hạnh phúc.
Thánh Gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này. Chúa Giêsu đã vâng phục kỷ luật trường này, chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ và Người đã lớn lên chững chạc, trưởng thành, quân bình thể xác trí tuệ, tâm linh. Chúa đã sống học tập rèn luyện 30 năm để rao giảng 3 năm. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì 10 năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.
1. Mái ấm gia đình
Có nhà hoạ sĩ kia cứ mãi mơ ước trong đời mình sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất thế giới. Nhưng anh ta không biết phải vẽ thứ gì để bức tranh sẽ có được hình ảnh, màu sắc, và nội dung sâu đậm đáng trở thành bức tranh tuyệt vời nhất trần gian.
Chàng đã tìm hỏi với một linh mục về điều gì đẹp và ý nghĩa nhất. Vị linh mục trả lời ngay: “Niềm tin. Niềm tin là số một, niềm tin sẽ nâng cao giá trị con người. Niềm tin sẽ chữa lành và biến đổi mọi sự nên tuyệt vời.”
Chàng hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái đang bước lên xe hoa về nhà chồng. Cô gái trả lời: “Trên thế gian này không có gì đẹp bằng tình yêu. Tình yêu là hơi thở, là sức sống, là hạnh phúc, là tất cả. Tình yêu biến cay đắng thành ngọt ngào, đưa tiếng cười vào nơi than khóc, đổi nghèo hèn tầm thường thành phú quí cao sang. Tình yêu thật tuyệt vời.”
Cuối cùng người hoạ sĩ gặp một anh thương binh vừa trở về từ tiền phương. Anh lính đã trả lời: “Hoà bình là điều đẹp nhất trần gian. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có đổ nát, bất hạnh, khổ đau. Ở đâu có hoà bình, ở đó có cái đẹp.”
Ba câu nói của ba con người – vị linh mục, cô gái sắp lấy chồng và anh thương binh trẻ – đã làm cho người hoạ sĩ phân vân: không biết phải làm thế nào để trên bức tranh của mình có thể diễn tả cùng một lúc niềm tin, tình yêu, và hoà bình.
Đang suy nghĩ anh về đến nhà lúc nào không hay. Mấy đứa con anh ùa ra đón bố. Anh nhận thấy niềm tin trong ánh mắt của các con. Anh cũng cảm được tình yêu trong chiếc hôn chân thành của người vợ. Niềm tin của con cái và tình yêu của người vợ làm cho tâm hồn anh ta ấm áp và an bình lạ thường. Thế rồi một ý tưởng chợt loé lên trong đầu. Anh vội ngồi xuống khởi công vẽ tranh, và sau khi hoàn thành tác phẩm đẹp nhất thế gian, anh đã đặt tên cho nó: “Mái Ấm Gia Đình”.
Mái ấm gia đình chính là hình ảnh xinh đẹp và sống động nhất mà người ta có thể vẽ được về Nước Trời hay Thiên đàng ngay trên thế gian này. Mái ấm gia đình cũng sẽ là lời chứng tá hùng hồn nhất cho sự hiện diện của Đức Giêsu giữa dương gian.
2. Hạnh phúc gia đình
Theo Đức cha Bùi Tuần, có ba yếu tố làm nên hạnh phúc gia đình: Quy tụ gia đình; Lễ giáo gia đình và Tình nghĩa gia đình.
– Quy tụ gia đình 
Gia đình là nơi con người được “ở với nhau”. Các môn đệ đầu tiên không tìm đến với Chúa Giêsu như một vị thầy dạy học, nhưng như “Đấng ở với” (Ga 1,38). Chúa đã mời gọi các ông, trước tiên không phải là học một bài học, mà là xem chỗ Người ở và ở lại với Người (Ga 1,39). Cũng vậy các thành viên trong gia đình hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình, được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, gia đình là nơi chốn bình an cho tâm hồn mình; “Đấng Tạo Hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người nên gia đình trở thành ‘tế bào đầu tiên và sống động của xã hội’ (x.Tông huấn gia đình số 42).
Quy tụ là họp mặt, là gặp nhau, là nói chuyện với nhau, là gần gũi nhau, là chia sẻ với nhau. Quy tụ gia đình làm nên một bầu khí ấm áp thiêng liêng. Có thể nói, mọi quy tụ gia đình, dù thường ngày, dù bất thường, đều mang bầu khí đạo đức, có ánh sáng của đức tin và có hương thơm của đức ái.Quy tụ gia đình như thế sẽ có Chúa hiện diện. Nhờ có Chúa hiện diện, gia đình sẽ biết phân định điều gì là tốt cần làm, điều gì là xấu cần tránh, nhất là trong tình hình hiện nay tốt xấu lẫn lộn một cách quá phức tạp. 
– Lễ giáo gia đình  
Lễ giáo là nghi lễ và giáo dục gia đình. Gia đình là một cộng đoàn, một đời sống chung của những con người. Họ có những dây liên đới với nhau. Nên cần phải có những hình thức thể hiện những dây liên đới đó. Do vậy, mà phải được giáo dục, để có được lối sống liên đới tốt đẹp, trong trật tự. Liên đới thấp nhất thuộc nhân bản của cộng đoàn là biết diễn tả sự gần gũi nhau và có trách nhiệm đối với nhau. Biết siêng năng và lương thiện làm hết sức mình, để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc chung gia đình, đó là nét đẹp căn bản của lễ giáo gia đình. Biết chào kính, chào thăm, chào hỏi, với nhiều bình thức, là một nghi lễ đơn sơ chứng tỏ con người có giáo dục gia đình. Biết cảm ơn, biết xin lỗi cũng là những điều lễ phép thô sơ của con người có giáo dục trong cộng đoàn. Biết kính trên nhường dưới cũng là một biểu hiện lễ phép của nền giáo dục liên đới. Biết sống chân thành và trung thành trong các liên đới gia đình cũng là một giá trị của con người có giáo dục gia đình. 
“Các bạn trẻ hãy suy nghĩ kỹ càng và chọn người bạn đời dựa trên tiêu chuẩn tình yêu và các đức tính tốt. Tiền bạc, sắc dục và địa vị xã hội không làm nên hạnh phúc gia đình; trái lại, nếu không biết sống theo các nguyên tắc đạo đức, rất nhiều khi chính những điều ấy lại trở thành nguy cơ phá hoại hạnh phúc. Cha mẹ hãy hướng dẫn cho con cái biết chọn lựa cho đúng đắn, và con cái cần lắng nghe kinh nghiệm khôn ngoan của cha mẹ. Tuy nhiên cha mẹ không có quyền ngăn cản hay ép buộc con cái theo ý mình. Tự do kết hôn là quyền cơ bản của con cái, và con cái phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình”. (x.Thư Mục Vụ Giáng Sinh 2016, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng)  
– Tình nghĩa gia đình
Tình nghĩa gia đình cần được vun trồng, cần được chăm sóc, cần được xây dựng với những tình tiết nhỏ. Người tình nghĩa đích thực là người biết xót thương như người Samari đó. Chúng ta chỉ có được một cách đích thực bằng tấm lòng bén nhạy và giàu tình xót thương với những tình tiết nhỏ, do trực giác đạo đức hơn là do lý luận.
3. Tình yêu gia đình
“Hôn nhân gia đình vốn là hình ảnh tiêu biểu của tình yêu. Những áp lực của đời sống xã hội đang làm rúng động tận nền tảng của đời sống gia đình, làm biến dạng ý nghĩa chân thực của tình yêu. Không kể những đổ vỡ trong đời sống gia đình, trên thế giới ngày nay còn xuất hiện và đang lây lan những mẫu gia đình kỳ lạ, gia đình đồng tính, gia đình tạm thời, gia đình ba hoặc bốn vợ/chồng…Kitô giáo không chấp nhận những mẫu gia đình kỳ lạ ấy, không phải chỉ chúng khác lạ, nhưng vì chúng phá vỡ ý nghĩa đích thực của tình yêu”. (x. Gia đình kitô hữu trước những thách đố thời đại, Nội san chia sẻ số 76).
Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nản, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ. Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có những em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế và lao vào thế giới ảo, lối sống ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau.
Các bậc phụ huynh xin hãy nhớ, sức mạnh của sự quy tụ các thành viên trong tình nghĩa và với lễ giáo gia phong sẽ làm thành mái ấm gia đình cao quý. Chính đức tin và tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái cho đời sống gia đình. “Quả vậy, chính trong gia đình mà mỗi người lớn lên không những về thể lý, mà cả về tâm lý và đạo đức. Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy những giá trị nhân bản. Chính từ trong gia đình mà mỗi người học được những thói quen và lối sống tốt để từ đó định hình tính tình của mình. Gia đình là nơi mỗi người tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha nhân, tập hy sinh quên mình để sống vì người khác, quảng đại và tha thứ. Nếu lớn lên từ trong môi trường như thế, khi bước vào đời sống xã hội, người trẻ sẽ sống vị tha, hòa hợp và bao dung nhân hậu, thay cho lối sống ích kỷ, hưởng thụ và tìm cách thống trị người khác. Từ trong gia đình, mỗi người tập sống theo lương tâm ngay thẳng, theo sự thật, công bằng, liêm khiết, tinh thần trách nhiệm, biết làm chủ bản thân và khôn ngoan chọn lựa để sống theo nguyên tắc đạo đức, chứ không gian dối lừa đảo, không nhắm mắt chạy theo đồng tiền và khoái lạc. Cũng từ trong gia đình, con cái được lớn lên trong đức tin qua sự dạy dỗ và đời sống chứng nhân của cha mẹ. Mọi người trong gia đình cùng cầu nguyện chung, cùng tìm thánh ý Chúa và nâng đỡ nhau trong những giờ phút quan trọng, đó chính là bài học đức tin sống động và hữu hiệu” (x.Thư Mục Vụ Giáng Sinh 2016, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng). 
Ở các nước Âu Mỹ, có một câu ngạn ngữ nổi tiếng nhà nhà đều biết: “Happy wife happy life”, nghĩa là “Vợ vui lòng, cuộc sống vui vẻ”. Câu này nên trở thành kim chỉ nam của mỗi một ông chồng. Một người phụ nữ được chiều chuộng sẽ rất rạng rỡ, ấm áp, mềm mại như ngọc. Một người đàn ông được tôn trọng sẽ có thần thái, phong độ ngời ngời. Chồng càng yêu thương vợ, vợ lại càng tôn trọng chồng. Vợ càng tôn trọng chồng, chồng lại càng yêu thương vợ. Tình cảm hài hoà, cha mẹ tôn trọng ý nguyện của con cái, quan tâm và tán dương con cái, gia đình thật hạnh phúc, chan hòa niềm vui tình yêu.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Niềm vui của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh” (Tông huấn Niềm vui tình yêu, số 1).
Theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình hãy nỗ lực thực thi lời mời gọi của HĐGMVN: “Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Công Giáo”. Hạnh phúc gia đình khởi đi từ tình yêu, niềm tin và hoà bình. Gia đình sẽ là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” nhân bản và tâm linh cho con cái, để trở thành một Hội Thánh tại gia.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: GIA ĐÌNH, NƠI GIEO NIỀM VUI, HẠNH PHÚC VÀ BÌNH AN
Trong nhiều gia đình công giáo Việt Nam, chúng ta còn thấy treo bức tranh Thánh Gia với hình ảnh Ðức Mẹ đang may vá, thêu thùa, còn Chúa Giêsu ngoan ngoãn phụ giúp thánh Giuse trong nghề thợ mộc. Nhìn bức tranh, chúng ta có cảm tưởng rằng Thánh Gia sống bình an và hạnh phúc lắm. Thật ra, Thánh Gia cũng đã trải qua những sóng gió, gặp nhiều khó khăn. Khi bé Giêsu mới sinh ra, cả gia đình đã phải chạy trốn sang Ai Cập để lánh nạn, vì vua Hêrôđê sai lính truy lùng và sát hại hài nhi Giêsu. Ai đã đi vượt biên sẽ hiểu rõ hơn nỗi vất vả, khiếp sợ của Thánh Gia. Tệ hơn nữa, lúc vượt biên, bé Giêsu chỉ mới sinh được vài tháng! Rồi sau khi vua Hêrôđê băng hà, Thánh Gia trở về đất Do thái nhưng không dám về quê cha đất tổ của mình là Bê Lem mà lập cư tại Nadarét, vì vẫn còn sợ vua kế vị, vốn là con của vua Hêrôđê, sẽ tìm cách giết hại con mình.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể chuyện Thánh Gia đi hành hương tại đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Cậu bé Giêsu cũng được theo cha mẹ đi hành hương vì đã 12 tuổi, tuổi được xem là trưởng thành về mặt tôn giáo đối với Do Thái giáo. Xong lễ, hai ông bà ra về, còn cậu bé Giêsu ở lại Giêrusalem mà cha mẹ của Người không hay biết. Khi nhận ra con mình không ở trong đoàn những người hành hương, cha mẹ Người vội đi tìm. Ai cũng cảm được nỗi lo lắng của hai ông bà khi đi tìm kiếm con mình ròng rã suốt ba ngày trời. Vậy mà khi tìm thấy con, cha mẹ Người không hề lớn tiếng. Mẹ Maria chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Trước sự lo lắng của cha mẹ, cậu bé Giêsu bình thản trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Đây không phải là câu trả lời của một đứa trẻ vô tâm, nhưng ở tuổi được xem là đã trưởng thành về mặt tôn giáo, Chúa Giêsu muốn vén mở cho cha mẹ trần gian của người về mối quan hệ giữa Người với Chúa Cha, và mối quan hệ này phải được đặt lên trên mọi quan hệ khác. Nhưng cha mẹ không hiểu lời Người nói. Vì mầu nhiệm “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” vượt quá mọi hiểu biết của loài người, ngay cả những người sẵn sàng đón nhận Lời Chúa nhất. Tuy không hiểu, nhưng hai ông bà vẫn tôn trọng và chấp nhận lời của con. Còn Chúa Giêsu, sau câu trả lời mang tính mạc khải về thân phận thần linh của mình, thì Tin Mừng cho ta biết, Người theo cha mẹ trở về nhà và hằng vâng phục các ngài.
Câu chuyện lạc mất con của Thánh Gia có thể là câu chuyện của bất cứ gia đình nào, nhưng nhìn vào cách cư xử của từng thành viên gia đình thánh trong biến cố này, chúng ta có thể rút ra được một bài học quý giá, đó là trong cuộc sống và nhất là trong đời sống gia đình, phải luôn có sự tôn trọng lẫn nhau, giữa vợ-chồng, giữa cha mẹ-con cái.
Tôn trọng người khác, đó là điều kiện để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thánh Giuse và Mẹ Maria luôn tôn trọng nhau. Chúa Giêsu, tuy là Chúa, vẫn tôn kính và vâng phục cha Giuse và mẹ Maria. Chính trong gia đình nhỏ bé và khiêm nhường này, Chúa Giêsu đã lớn lên và phát triển toàn diện về nhân bản.
Chúng ta thường nói về con cái như là một sở hữu của mình: “tôi có một đứa con, hai đứa con, ba, bốn... đứa con”, hoặc “bạn tôi vừa có đứa con gái”. Nhưng trong Kinh Thánh, con cái thường được diễn tả là một ân ban, một quà tặng của Chúa. Nhận ra người khác là một hồng ân, là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là điều rất quan trọng. Chúa ban cho tôi một người chồng, một người vợ và những đứa con, tôi đón nhận họ vào trong cuộc đời mình như những món quà đến từ Thiên Chúa. Điều đó không chỉ giúp chúng ta biết trân trọng người khác mà còn khám phá ra những giá trị tốt đẹp nơi họ và luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Tôi phải tôn trọng họ vì họ thuộc về Chúa trước khi họ thuộc về tôi. Là cha mẹ, ngoài cưu mang, sinh dưỡng con mình, còn có trách nhiệm đồng hành, lắng nghe và truyền đạt những điều tốt đẹp cho con, khuyến khích khi con làm đúng, sửa dạy khi con làm sai. Vì con cái đến từ Thiên Chúa, chúng ta phải giúp chúng đến với Chúa.
Một khi các thành viên trong gia đình biết tôn trọng nhau, giúp nhau phát triển về đời sống tinh thần cũng như về nhân bản, gia đình sẽ có được niềm vui và bình an. Niềm vui và bình an chính là ơn Chúa và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong gia đình chúng ta.
Lễ Thánh Gia, cầu chúc cho mỗi gia đình chúng ta luôn tràn ngập niềm vui và bình an của Chúa, để niềm vui và bình an của chúng ta cũng được lan tỏa đến mọi người chung quanh. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM:
Mỗi lần nghe bài hát “ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Lễ, chúng ta thấy hình ảnh gia đình ẩn hiện đâu đó qua sắc màu của những cây nến. Dù màu sắc mỗi cây khác nhau, nhưng điểm chung ở đây là chúng phải chấp nhận tiêu hao, chấp nhận hủy mình, để cho thế giới chung quanh có được ánh sáng, sức nóng và niềm vui.
Ngày lễ Thánh Gia là dịp Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta trở lại với những giá trị của gia đình, bởi gia đình, nhìn từ bên ngoài chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì giá trị, chỉ có một vài người sống với nhau như một cộng đoàn nhỏ thôi, nhưng khi đi vào chiều sâu của gia đình, chúng ta mới thấy được những giá trị tinh thần, giá trị nhân bản, và giá trị thánh thiêng của một cộng đoàn nhỏ đó. 
Con Thiên Chúa khi nhập thể đã chọn một gia đình nhỏ để đi vào lịch sử nhân loại, nơi đó, dù Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã tùng phục hai ông bà, mỗi ngày cộng tác với Mẹ Cha để xây dựng tổ ấm, giúp nhau trong công ăn việc làm như bao người con khác. Người cha của Ngài là thánh Giuse đã chấp nhận mọi rủi ro, mọi hiểm nguy, để bảo vệ người con duy nhất của mình. Đang đêm khuya, nghe tin kẻ thù tìm giết con, người cha đã chỗi dậy, lập tức đem mẹ và con đi trốn. Một cuộc ra đi đầy thách đố, chỉ vì trách nhiệm là Cha, với ước mong được bảo vệ con cái an toàn và bình an. Người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời chỉ để dạy dỗ, để chăm sóc và giáo dục con mình mỗi ngày nên người, nên thánh và trưởng thành trong bổn phận hiếu thảo với Mẹ Cha, với mọi người

Khi con trai được 12 tuổi, cả hai ông bà đem tới đền thờ để mừng lễ Vượt Qua. Chắc việc mừng lễ là một phần nhỏ, nhưng quan trọng hơn là những bài học về đời sống tôn giáo. Hai ông bà đã hướng dẫn cho con cái con đường đến với Giave qua việc học hỏi Kinh thánh, tìm biết Lề luật, hòa nhịp với cộng đoàn. Trẻ Giêsu đã ở lại nơi đền thờ để tìm biết thêm về chương trình của Chúa Cha muốn nơi Ngài ra sao, chỉ một chút thiếu quan tâm, hai ông bà đã lạc mất con trai. Không có gì đau khổ cho bằng khi con bị thất lạc. Hai ông bà quay trở lại tìm cậu nhỏ Giêsu, và đã tìm thấy trong đền thờ. Cũng từ nơi đây, chúng ta học được một tâm tình sống cho các gia đình, đó là sự tôn trọng người chồng của Mẹ Maria. Khi gặp con, Đức Mẹ lên tiếng: sao con để cho Cha con phải vất vả tìm kiếm như thế? Thánh Giuse không lên tiếng trách móc vì biết đó là lỗi của mình, nhưng lời trách của Mẹ Maria như bộc bạch nỗi đau khổ của người cha, người chồng trong gia đình như thế nào, khi có một người con bị lạc mất, bị quên lãng.
Tìm lại được con trai, hai ông bà tiếp tục hành trình trở về quê quán. Nơi đó, trẻ Giêsu lớn lên từng ngày, cả về thể xác lẫn tinh thần. Cũng từ biến cố này, cậu trẻ Giêsu ý thức hơn về bổn phận làm con của mình, mỗi ngày được nhìn nhận về chỗ đứng trong gia đình và được cộng góp một phần nhỏ công sức, để xây dựng gia đình, để giúp đỡ Mẹ Cha nơi mái ấm tình thương gia đình. Có thể nói, từ biến cố lạc con trong đền thờ, hai ông bà đã dành hết cuộc đời để chăm sóc, bảo vệ, dạy dỗ và nuôi dưỡng cho cậu con duy nhất của gia đình. Hạnh phúc cho cậu bé Giêsu bởi cậu có người Cha, người Mẹ trên cả tuyệt vời.
Trở về với các gia đình nhân loại hôm nay, chúng ta thấy còn nhiều trăn trở cần được quan tâm. Vai trò người cha, trách vụ người mẹ, bổn phận người con, tất thảy chưa được ý thức, chưa được trân trọng và chưa được hoàn thiện. Trào lưu xã hội hôm nay luôn đề cao giá trị cá nhân. Tất cả đều phục vụ cho mọi nhu cầu cá nhân con người, từ những vật dụng nhỏ nhất cho đến các phương tiện liên lạc, từ phòng ngủ cho đến các dịch vụ đi lại, mỗi người không muốn phiền hà bất cứ ai và cũng không muốn ai đi vào thế giới riêng của mình, trào lưu đó đã len lỏi vào các gia đình, làm rạn nứt nền tảng căn bản của gia đình. Mỗi thành viên, mỗi ơn gọi nơi gia đình thay vì tìm đến với nhau trong sự hiệp nhất, thì đã tìm con đường đi vào thế giới riêng tư của mỗi người. Như thế, làm sao người cha có thể chăm sóc, bảo vệ và dạy dỗ con cái mỗi ngày một lớn lên cả thể xác lẫn tinh thần được, làm sao con cái có thể cảm nhận được tình thương bao la như biển thái bình từ trái tim người mẹ được, làm sao người cha, người mẹ có thể thấu hiểu và chăm sóc con cái mỗi ngày một lớn lên trong tình yêu, trong sự quan tâm và trong sự chở che của mẹ cha? Quả là một vấn nạn đang thách đố các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ.
Hình ảnh gia đình còn được phục dựng lại nơi các cộng đoàn sống chung với nhau trong cùng một chí hướng. Nếu mỗi thành viên nơi các cộng đoàn đó không được nhìn nhận, không được yêu thương, không được tôn trọng đúng với giá trị nhân linh và trong tình người, thì làm sao nơi đó được gọi là một mái ấm tình thương khởi đi từ tin mừng được? Dù bao con người khác nhau vùng miền trở về cùng chung chia khát vọng nên thánh, nhưng họ cũng cần được che chở, bảo bọc và dưỡng nuôi như là gia đình thứ hai của mỗi người. Thiếu đi những yếu tố đó, giá trị của đời sống chung mang hình ảnh gia đình sẽ bị tục hóa và phai nhạt hình ảnh cộng đoàn đức tin.
Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu, Chúa đã chấp nhận một gia đình nhỏ, dù thiếu thốn về vật chất nhưng rất ấm cúng về tình thương và tình người. Xin giúp chúng con mỗi ngày biết khám phá những giá trị thánh thiêng từ nơi gia đình, để chúng con cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau, để chúng con cùng chia sẻ những âu lo với nhau và để chúng con cùng giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến gia đình của mình, kính trọng Mẹ Cha, yêu thương mọi thành viên nơi gia đình và biết chấp nhận những khác biệt nơi nhau, để gia đình chúng con sẽ là một gia đình thánh, một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn yêu thương và là một cộng đoàn luôn biết chăm sóc và bảo vệ sự sống. Amen.
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
SUY NIỆM: LỐI ĐI RIÊNG  
Trước hết, bài Tin Mừng hôm nay tường trình những sự thể như sau:
Sau khi ngày lễ chấm dứt, cha mẹ và trẻ Giêsu trên đường từ Giê-ru-sa-lem trở về nhà đã không cùng đi chung với nhau, nhưng mỗi người chọn một lối đi riêng. Và sau đó, không phải cậu con lên 12 tuổi đi tìm cha mẹ, nhưng là cha mẹ đi tìm kiếm cậu!
Câu trả lời của trẻ Giêsu trước lời trách móc của mẹ mình, xem ra bất cẩn: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà cha của con sao?”
Ðiều ngạc nhiên ở đây là đã không xảy ra chuyện cãi cọ giằng co giữa hai bên. Trái lại, trẻ Giêsu ngoan ngoãn “hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51), chứ không hề tỏ ra bất kính. Còn cha mẹ Người – hai ông bà Giuse và Maria – cũng không nhắc đi nhắc lại hay đưa ra phân tích mổ xẻ sự việc đã xảy ra.
Chắc chắn là đã có những khó khăn xảy ra. Nhưng với những khó khăn, người ta cũng vẫn có thể sống chung với nhau được, miễn là mọi thành viên trong gia đình đều biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Ðó chính là điều đã làm cho một gia đình đơn sơ Na-da-rét thành một thánh gia thất!
Lời đầu tiên mà các bản Tin Mừng đã tường thuật lại từ miệng trẻ Giêsu, là một lời hết sức tự tín: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà cha của con sao?” Lời nói này biểu lộ sự tự lập của trẻ Giêsu khỏi tất cả mọi ràng buộc nhân loại. Nói đúng hơn, vì sứ mệnh Thiên Sai của mình, Ðức Giêsu không ràng buộc gắn bó với cha mẹ mình như là điều tiên quyết, nhưng là với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của Người và sứ mệnh của Người là chu toàn mọi ý định của Thiên Chúa.
Cuộc đời Ðức Giêsu được gắn liền với chữ “phải”, và chữ “phải” đó định đoạt cuộc sống và mọi hoạt động của Người. Thí dụ:
Người phải ở nhà Cha của Người;
“Thầy cũng phải loan báo tin Mừng của Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4,43);
“Con Người phải chịu nhiều đau khổ” (Lc 9,22);
“Phải chăng Ðấng Messia không phải chịu tất cả những điều đó, để đạt tới được sự vinh quang của Người” (Lc 24,26); v.v…
Chữ “phải” đó được đặt nền tảng trên thánh ý Thiên Chúa, mà Ðức Giêsu cảm thấy có bổn phận phải chu toàn. Ðối với Ðức Giêsu, không có gì quan trọng hơn thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, việc chu toàn thánh ý Thiên Chúa chính là lối đi riêng của Người, và không có bất cứ lý do ngoại tại nào có thể ngăn cản hay làm lạc hướng được!
Trong cuộc hành hương về giáo đô Giê-ru-sa-lem, Ðức Giêsu phải ở nhà Cha Người. Người phải ở nơi mà Danh Thiên Chúa được tôn kính và Lời của Thiên Chúa được công bố. Trong cuộc hành hương của mình, Ðức Giêsu đã tìm kiếm và đã gặp được Thiên Chúa, Cha của Người.
Qua thái độ rõ ràng và dứt khoát của mình đối với Thiên Chúa, trẻ mười hai tuổi Giêsu đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ và tự xấu hổ. Tại sao chúng ta lại không định hướng đời chúng ta về cùng Thiên Chúa một cách hoàn toàn và trọn vẹn như Người?
Ðức Giêsu đã tìm được lối đi riêng cho mình và qua đó Người cũng đã tìm gặp được ý nghĩa đích thực của đời mình, đó là khi Người hoàn toàn sống một cuộc sống vì Thiên Chúa và cho Thiên Chúa.
Ðối với chúng ta cũng thế, chúng ta không còn có sự lựa chọn nào khác, khi đi tìm kiếm cho mình một lối đi riêng. Vì thế, Thiên Chúa phải luôn luôn là đề tài và nội dung của cuộc sống chúng ta!
Ðiều “phải” của cuộc sống chúng ta hệ tại việc chúng ta phải tự lập và trưởng thành. Thiên Chúa muốn mỗi người trong chúng ta là một nhân vị cá biệt, độc lập và bất tráo đổi. Người đã trao ban cho mỗi người trong chúng ta những ơn huệ và những bổn phận riêng biệt.
Ðứa trẻ có bổn phận phải lớn lên và trưởng thành cả hai mặt: tâm-sinh lý. Các bậc cha mẹ có bổn phận phải là những nhà giáo dục tốt, để giúp đỡ con cái trong suốt tiến trình trở thành tự lập của chúng.
Người thanh niên có bổn phận phải học hỏi và phải tập tự nắm lấy định mệnh của mình, nghĩa là: Có tư duy riêng, có những quyết định và lựa chọn riêng với đầy đủ ý thức trách nhiệm; nói tắt, có cuộc sống tự lập. Vì thế, người thanh niên sẽ thiếu sót bổn phận của mình cách trầm trọng và qua đó sẽ làm mất định hướng cho cuộc đời mình, nếu chỉ bán bíu và lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Tiến trình tự nhiên và bình thường của cuộc sống con người là “sinh ra, lớn lên, trưởng thành và sống đời tự lập!” Ngoài tiến trình đó ra là không bình thường, là thiếu sót, là lệch lạc!
Do đó, người thanh niên sẽ bỏ lỡ đời mình, nếu anh chỉ biết làm theo điều người khác làm; nếu anh chỉ nhắm mắt chạy theo người khác từng bước trên đường đời.
Mỗi người chỉ tìm gặp được con đường riêng của mình, nếu người đó biết khám phá ra được các ân huệ mà Thiên Chúa đã ban riêng cho mình để mang lại hạnh phúc và sự cứu rỗi cho mọi người.
Một điều vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định là việc ý thức được rằng chúng ta có bổn phận phải chu toàn thánh ý Thiên Chúa trên hết mọi sự, trên tất cả mọi mệnh lệnh, mọi chương trình và ý muốn nhân loại.
Nhưng ai tìm cách bước đi trên con đường đời của mình một cách đầy đủ ý thức và nghiêm chỉnh như thế, thường sẽ phải đối mặt với những va chạm và đụng độ: với môi trường sống, với những người hữu trách và cả với chính mình nữa. Tuy nhiên, trong cuộc sống mọi sự được đan kết và gắn bó chặt chẽ với nhau, chứ không hoàn toàn sòng phẳng rõ ràng, để có thể nói được rằng đây là con đường duy nhất khả dĩ đối với tôi, ngoài ra không có con đường nào khác nữa. Nhưng điều đó cũng không phủ nhận là trong suốt dòng thời gian, người ta thường cảm nhận được rằng Thiên Chúa đã tiền định cho mỗi người một điều hoàn toàn riêng biệt. Ðiều quan trọng là mỗi ngày và trong mỗi hoàn cảnh phải luôn luôn biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Ðó chính là điều kiện để vượt thắng được những thử thách trên bước đường đời và để đạt tới được mục đích. Và qua gương sống của mình, trẻ mười hai tuổi Giêsu sẽ đỡ nâng và truyền sức mạnh cho chúng ta để có thể hiên thực được điều đó. Amen.
 Lm. Nguyễn Hữu Thy

SUY NIỆM: KẾT HỢP

Kể câu truyện vui có ý nghĩa: Vào một tối nọ, ông Ađam về nhà trễ và bà Evà đổ lỗi cho ông là đi lại với người đàn bà khác. Ađam năn nỉ: Tại sao, em yêu, không thể có một người đàn bà nào khác. Tuy nhiên, sau khi ông Ađam ngủ say, bà Evà đã hết sức cẩn thận đếm lại những cái xương sườn còn lại của ông. Thiếu tin tưởng lẫn nhau là một trong những đầu mối gây phiền hà trong đời sống gia đình. Gia đình là một tổ ấm có cha mẹ và con cái. Cha mẹ là rường cột và là kiên thuẫn chở che để con cái có chỗ nương thân.
Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh của Chúa. Chúa đã kết hợp gia đình đầu tiên giữa người nam và người nữ. Ông Ađam và bà Evà đã nhận lãnh sự sống trực tiếp từ Thiên Chúa. Chúa trao cho hai ông bà trách nhiệm truyền sinh giống nòi theo hình ảnh của Thiên Chúa. Sự khác biệt của nam nữ về sự kết cấu giới tính, lý trí, ý chí, tình cảm, tâm sinh lý và sở thích làm nên sự trọn hảo khôn lường. Giữa phái nam va phái nữ có sự thu hút tìm đến với nhau để xây dựng sống chung gia đình. Theo ý định của Thiên Chúa và theo lẽ sống tự nhiên, trải qua bao đời con người đã và đang sống để hoàn thành sứ mệnh cao cả này.
Trước khi được làm cha làm mẹ, ai cũng từng là những người con. Chúng ta biết rằng là con người, ai cũng được cưu mang ngay từ khi khởi đầu cuộc sống. Có nghĩa là, ai cũng đã được thụ thai trong lòng mẹ và phát triển theo ngày tháng để trở thành người. Khi suy về sự sống, chúng ta nhận ra vai trò liên đới quan trọng của mỗi người trong cuộc sống này. Với thời gian và trong không gian, mỗi người phát triển từ trẻ thơ tới tuổi già. Không thể có bước nhảy vọt từ loài này sang loài kia hay đột biến vượt thời gian. Lần lượt từng bước là con thơ, sau trở thành cha mẹ và rồi thành ông bà nội ngoại. Dòng dõi này nối tiếp dòng dõi kia để truyền sinh sự sống. Ý nghĩa cuộc sống gia đình quá linh thiêng và tốt lành. Ấy thế mà giá trị hôn nhân gia đình ngày nay dần dần bị xao lãng. Có nhiều người không còn chấp nhận những giá trị tự nhiên và truyền thống của gia đình nữa.
Thời đại văn minh tiến bộ, từ ngữ ‘gia đình’ đã bị lạm dụng theo những suy tư không thuận với luân lý truyền thống. Tại một số nơi, đời sống gia đình có nhiều khác lạ, bao gồm cả các tín hữu công giáo. Tôi nhận thấy nhiều lối sống gia đình lạ ngay trong cộng đoàn nơi đang sinh sống và phục vụ. Kìa, gia đình một cha hay một mẹ sống chung với con cái. Gia đình gồm có bạn trai và bạn gái sống tạm với nhau không khế ước hôn nhân. Gia đình vợ chồng sống ly thân hoặc ly dị, con cái nheo nhóc. Gia đình một mẹ với ba bốn người con và có khi con cái cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ. Trong khi người nam, người nữ bình thường không còn muốn lập khế ước hôn nhân, thì những cặp đồng tình luyến ái lại muốn lập hôn thú hợp pháp trước tòa án. Vấn đề đời sống chung gia đình rất bén nhậy và đầy thử thách! Cách sống này có thể vì ảnh hưởng lối sống theo văn hóa và quan niệm xã hội riêng. Nhiều người kết hợp lối sống gia đình theo như thế hệ trước, cha mẹ thế nào và con cái thế ấy. Nhiều bạn trẻ bắt đầu vào đời, liên hệ nam nữ trước hôn nhân nên đành bước lỡ này kéo theo cái lỡ khác. Nhiều bạn sợ hãi trước tương lai bất định nên tìm sống hưởng lạc ngay trong hiện tại. Xảy một ly đi một dặm là thế. Như thế, các thế hệ trẻ lớn lên trong bầu khí gia đình bất thường như thế sẽ bị ảnh hưởng không ít bởi cách sống quá ồn ào, tự do và hưởng thụ.
Tự hỏi làm sao chúng ta có thể tìm được sự an lạc, bình an và hạnh phúc trong đời sống gia đình? Hình như càng đi tìm hạnh phúc, hạnh phúc càng vượt tầm tay. Câu truyện hay: Chó con hỏi chó mẹ: Mẹ ơi hạnh phúc là gì? Chó mẹ bảo: Hạnh phúc là cái đuôi con đấy! Và thế là chó con quay lại tóm cái đuôi của mình, nhưng không tài nào tóm được. Chú ngồi xuống oà khóc và lại hỏi mẹ: Tại sao con không thể nào bắt được hạnh phúc hả mẹ? Chó mẹ mỉm cười và nói rằng: Con trai, tại sao con không tiến về phía trước và hạnh phúc sẽ theo sau con. Vậy tại sao chúng ta cứ phải đi tìm hạnh phúc, khi mà hạnh phúc luôn đi theo mình. Hãy sống và cảm nhận hạnh phúc mà cha mẹ đã tặng ban cho ta. Chúng ta hạnh phúc vì được sống bên những người mà mình yêu thương.
Giáo Hội trung thành với lời Thiên Chúa đã ban truyền trong đời sống gia đình khi một người nam va một người nữ đã kết bạn: Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. ” (Mt 19, 6). Thiên Chúa đã phối hợp con người trong đời sống gia đình để mong tìm hạnh phúc. Vai trò của mỗi thành viên trong gia đình rất quan trọng. Cha mẹ phải là mẫu gương tốt cho con cái noi theo. Thánh Phaolô nhắn nhủ:Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng (Col 3, 21). Còn con cái có những bổn phận quan trọng đối với đấng bậc sinh thành. Đối với cha: Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm (Hc 3, 3) và đối với mẹ: Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu (Hc 3, 4). Tất cả sự hiếu nghĩa là bày tỏ sự tôn kính và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ.
Thánh Phaolô khuyên dạy vợ chồng phải tương kính lẫn nhau sống cho có đức độ: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Col 3, 13). Cha mẹ có bổn phận và nhiệm vụ nuối nấng, dạy dỗ và nêu gương mẫu mực trong đời sống. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Cha mẹ là mái che và lá chắn che chở đời con. Người ta ví rằng: Con có cha như nhà có nóc hoặc còn cha thì gót đỏ như son, đến khi cha chết, gót mẹ gót con đen xì. Tình cha nghĩa mẹ thật sâu nặng. Sách Đức Huấn Ca đã khuyên dạy con cái rằng: Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng (Hc 3, 6).
Bài phúc âm tường thuật câu truyện Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ để gặp gỡ các chức sắc và lo lắng cho sứ mệnh. Nghĩ rằng con bị lạc, Giuse và Maria lo lắng đi tìm:Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “(Lc 2, 48). Cha mẹ đau buồn vì vắng con. Với những lời trách cứ nhẹ nhàng của cha mẹ, Chúa Giêsu hé mở một chút về sứ vụ của ơn cứu độ:Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “(Lc 2, 49). Nhưng rồi Chúa Giêsu cũng đã vâng lời đi theo cha mẹ trở về quê hương tiếp tục sống những tháng ngày âm thầm chờ đợi. Một mẫu gương cao cả, Con Thiên Chúa vâng phục loài người là cha và mẹ. Đây là điều vô cùng đẹp lòng Chúa và làm hài lòng cha mẹ. Thánh Phaolô viết: Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa (Col 3, 20).
Chúa Giêsu đã sống an vui trong khung cảnh gia đình. Gia đình là nền tảng và là vườn ươm mầm sống. Mọi sự tốt lành bắt nguồn trong đời sống gia đình. Chúng ta hãy qúy trọng mọi vai trò trong đời sống gia đình. Dù biết rằng đôi khi cha mẹ có thể bị thất học, thấp kém, nghèo nàn, bệnh hoạn tật nguyền nhưng vai trò làm cha làm mẹ không suy giảm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta hãy tôn kính hiếu thảo và yêu thương các ngài. Chúa Giêsu đã trải qua từng ngày sống bên cha cạnh mẹ và Chúa đã trưởng thành: Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2, 52).
Lạy Chúa, gia đình là tổ ấm của tình yêu. Chỉ có yêu thương mới khỏa lấp mọi yếu đuối, hờn ghen và giận ghét. Chỉ có tình yêu mới khơi nguồn hạnh phúc đích thực trong đời sống gia đình. Thánh Phaolô khuyên:Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Col 3, 14). Xin cho chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

SUY NIỆM: XÂY DỰNG TRÊN TÌNH YÊU – GIA ĐÌNH SẼ HẠNH PHÚC
Bài hát: “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của tác giả Ngọc Lễ đã diễn tả hình ảnh gia đình thật sâu đậm và ấm cúng: “Gia đình gia đình, ôm ấp những ngày thơ, cho ta bao kỷ niệm thương mến. Gia đình gia đình, vương vấn bước chân ra đi, ấm áp trái tim quay về”.
Với thi sĩ Tế Hanh, ông coi gia đình là cái nôi phát xuất tình yêu, vì thế, ông viết: “Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ. Cuộc đời nằm giữa yêu thương” (Tế Hanh).
Thật thế, ai trên đời này cũng đều có một gia đình, khi nhắc đến, lòng mỗi người rộn lên bao nhiêu nhung nhớ trìu mến, vì: “Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là gia đình”. Ôi hình ảnh gia đình thật đẹp và cao quý trong tâm tưởng của mỗi người, khiến chúng ta phải trân trọng!
Cao đẹp, vì nơi gia đình, mọi mối tương quan được thiết lập. Trân trọng vì gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội.
Tuy nhiên, muốn cho các mối tương quan được tốt đẹp và nền tảng được vững chắc, ắt phải dựa trên tình yêu được bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Với người Công Giáo, mỗi khi nhắc đến vai trò gia đình, Giáo Hội còn nhấn mạnh và đi xa hơn khi khẳng định: Gia đình là “Giáo Hội thu nhỏ”; hay “Giáo Hội tại gia” (x. SGLC 2205; FC 52). Nơi đó: “Mỗi gia đình thể hiện đúng bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thươnghiệp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước Thiên Chúa” (x. FC 52).
Sứ mạng ấy được nói đến cách cụ thể và thiết thực qua lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay:“Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 18-21).
Như vậy, đời sống vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với dân người; giữa Đức Kitô với Giáo Hội.
Nếu Thiên Chúa luôn trung thành, yêu thương con người, không bao giờ ly dị chúng ta, dù đã nhiều lần chúng ta bất trung, bội bạc và vô ơn…; thì đời sống vợ chồng cũng luôn mời gọi chúng ta noi gương Thiên Chúa để sống trung thành với nhau trọn đời.
Nếu Đức Giêsu đã yêu thương Giáo Hội và hiến thân vì Giáo Hội, thì vợ chồng cũng được mời gọi sống chết cho nhau như thế. Trong đời sống vợ chồng, chúng ta: “Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3, 12-14).
Khi dạy tín hữu như thế, thánh Phaolô muốn nhắc đến điều căn bản của gia đình, đó là: một cộng đoàn đức tin và yêu thương…
Sang bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật sự kiện Đức Giêsu cùng với cha mẹ Ngài trẩy hội lên đền Giêrusalem để mừng lễ, sau kỳ lễ, Ngài đã ở lại đền thờ và: “Ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông về những chuyện liên quan đến Kinh Thánh” (x. Lc 2, 46).
Câu chuyện kết thúc bằng việc Đức Maria và thánh Giuse sau khi biết Đức Giêsu không về với bà con thân thuộc, liền quay trở lại để tìm con. Phần Đức Giêsu khi đã gặp Đức Mẹ và thánh Giuse, Ngài đã theo cha mẹ trở về Nazareth và: hằng “vâng phục hai ông bà […], tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2, 51-52).
Qua câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đặt trung tâm đời sống của Ngài là Thiên Chúa, nên cũng như mọi người, Ngài lên đền thờ Giêrusalem dự lễ để chu toàn bổn phận trong lòng mến với Thiên Chúa.
Nơi Đức Maria và thánh Giuse, thì luôn coi Đức Giêsu là trung tâm của gia đình, nên khi không thấy Đức Giêsu, các ngài đã hối hả lên đường để đi tìm!
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng: cuộc sống của gia đình chúng ta sẽ gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc nếu biết gắn bó với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và luôn đặt Ngài vào trung tâm của gia đình. Nếu đi ngược lại điều đó, mọi mối tương quan sẽ bị rạn nứt và đổ vỡ vì nó không được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa.
Thật vậy, đời sống cầu nguyện nơi gia đình là tối quan trọng. Quan trọng đến độ nếu muốn có một gia đình hạnh phúc thì không thể không cầu nguyện. Tại sao vậy? Thưa! Vì khi cầu nguyện, mọi mối tương quan được khởi sắc và khăng khít.
Hãy cầu nguyện với Chúa mọi nơi mọi lúc. Cầu nguyện trong sự cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho.
Ngày nay, người ta coi thường giờ kinh gia đình, thay vào đó là giờ của tivi, truyền hình, sách báo… và nhiều chuyện khác…
Tuy nhiên, hệ quả đằng sau nó chính là sự chia rẽ, rạn nứt, vì không được Lời Chúa hướng dẫn, không nhận ra khuyết điểm để sửa sai, không thấy ân lộc Chúa ban mà tạ ơn, như vậy, đây là mối nguy của sự chung thủy.
Khi cầu nguyện chung với nhau, mọi người được Chúa hướng dẫn và mọi thành viên học được bài học yêu thương.
Nếu con cái tôn thờ Thiên Chúa thì chúng không thể không yêu thương, kính trọng cha mẹ là hình ảnh và đại diện Chúa trên trần gian.
Nếu vợ chồng có những chuyện không thể tha thứ, khi cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được Thiên Chúa nhân hậu và quảng đại, Ngài đã tha thứ cho mình, thì mình cũng phải tha thứ cho nhau… Trong cuộc sống, có biết bao những khó khăn cách này, cách khác… nhìn lên Thánh Giá Chúa trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được mọi lời giải đáp và tìm lại được ý nghĩa, giá trị của đau khổ trong đời sống đức tin.
Cuối cùng, tham dự các buổi cử hành phụng vụ, lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, chúng ta sẽ được chính lòng thương xót của Thiên Chúa dưỡng nuôi và định hướng.
Mẫu gương gia đình Thánh Gia mà Giáo Hội mừng kính hôm nay toát lên những đặc tính đó. Và, khi thiết lập lễ Thánh Gia, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần hãy nhìn ngắm, chiêm ngưỡng đời sống của gia đình Thánh Gia. Những tấm gương ngời sáng của một người cha, một người mẹ và một người con hết lòng vì gia đình.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin cho các bậc làm cha mẹ biết ý thức được vai trò, trách vụ quan trọng của mình trong gia đình, từ đó biết chu toàn bổn phận, yêu thương và giáo dục con cái nên người.
Xin cho các người con biết yêu mến, vâng phục cha mẹ trong tình yêu, để qua đó, được trở nên con người tốt giúp ích cho Giáo Hội và xã hội.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây