THỨ TƯ TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 21,12-19
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
12 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.
14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.
16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.
17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
SUY NIỆM: NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI
Sau khi loan báo những tai hoạ: các tiên tri giả, chiến tranh loạn lạc, và các thiên tai xảy đến cho mọi người, thì Luca ghi tiếp về việc các tín hữu Chúa sẽ gặp cơn bách hại. Tuy các tín hữu bị bách hại nhưng đó là cơ hội tốt cho sứ mệnh của họ. Đức Giêsu hứa sẽ trợ giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan, khốn khó. Là Kitô hữu, những người theo Chúa Kitô, chúng ta cũng phải can đảm đón nhận thử thách, những khó khăn trong cuộc sống và chấp nhận chịu thiệt thòi vì Ngài bằng những hành động chân thật, không gian dối, không làm điều xấu điều ác.
Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu báo trước sự bách hại sẽ xảy đến cho các Kitô hữu. Đức Giêsu tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỳ bách hại. Biết bao người mang danh Kitô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, tù đày, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Quả thật, từ hai ngàn năm qua, chính vì danh Đức Kitô, các tín hữu bị thù ghét và bách hại. Như vậy, bách hại là số phận của những người mang danh Kitô hữu. Không thể là môn đệ Chúa mà không đi lại con đường chính Ngài đã đi qua. Đức Kitô đã báo trước cho các môn đệ: “Môn đệ không trọng hơn Thầy”, nếu Ngài đã bị bách hại, các môn đệ cũng phải bị bách hại.
Phúc âm theo thánh Mátthêu đã được viết ra sau cuộc bách hại đầu tiên mà cộng đoàn Giáo hội đầu tiên đã trải qua, như cuộc bách hại và tử đạo của thầy Stêphanô tại Giêrusalem. Các Tông đồ cũng đã từng bị tù rồi chịu chết vì đạo. Phản ứng tự nhiên của con người trước những khó khăn, những bách hại, là lo sợ. Và Đức Giêsu tiếp tục khuyên các Tông đồ hãy can đảm làm chứng cho Ngài. Người môn đệ của Chúa cần sẵn sàng cho mọi nghịch cảnh xảy ra.
Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại đổ máu, nhưng lại có vô số hình thức chối bỏ và chà đạp tự do tôn giáo. Ngày nay, không còn có những cuộc bách hại công khai, nhưng lại có vô số những cuộc tấn công tinh vi hơn nhằm loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người, và các cuộc bách hại ấy dù không làm thân xác con người bị tổn thương, nhưng nhân cách và lương tâm con người ngày càng bị bóp nghẹt và chết dần chết mòn. Ngày nay, không còn có những cái chết đẫm máu, nhưng tử đạo có nghĩa là can đảm đi ngược dòng đời, và khước từ những gì ngược với giá trị của Tin mừng (Mỗi ngày một tin vui).
Là Kitô hữu, chúng nên loại bỏ ý nghĩ đi theo Đức Kitô để tìm sự dễ dãi, an toàn và vinh quang cho bản thân đời này. Vì ở đời này không có niềm vui và hạnh phúc nào bền bỉ ngoài Thiên Chúa. Nhưng nếu chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi, bị người đời nhạo báng, bắt bớ. Vì thế gian, ma quỷ và xác thịt là một trở ngại lớn cho việc sống theo Tin mừng. Nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi gặp khó khăn vì sống đời chứng nhân, mà hãy vui mừng vì được cộng tác vào việc làm sáng danh Chúa.
Trong khi bị bách hại, chúng ta hãy can đảm lên vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Đó là cơ hội để các con làm chứng cho Thầy”. Như vậy, một lần nữa, Đức Giêsu lại nhắc nhở chúng ta: đừng bận tâm khi nào tận thế, hãy lo sống hiện tại và kiên trì. Đối với chúng ta hôm any, điều quan trọng là trung thành làm chứng cho Chúa, là sống đúng tư cách của một Kitô hữu đích thực, chứ không phải chỉ có tiếng mà không có miếng, không phải hữu danh vô thực, nhất là hãy thể hiện tối đa tình yêu thương đối với nhau, đó là cách làm chứng cho Chúa, cho đạo tốt nhất.
Truyện: Trên đường hành hương
Một nhà truyền giáo Ấn độ đã kể lại câu chuyện sau đây:
Một hôm trên một quãng đường vắng, ông thấy một người đàn bà nằm phủ phục sát đất. Đây là một cử chỉ khá quen thuộc trong những cuộc hành hương ở Ấn độ.
Sau một lúc người đàn bà đứng dậy đi mấy bước rồi lại phủ phục trên mặt đường. Trên một quãng đường ngắn, người đàn bà đã phủ phục như thế đến bảy, tám lần.
Thấy thế, nhà truyền giáo mới dừng lại gợi truyện. Ông hỏi:
- Bà đi về đâu vậy ?
Người đàn bà giơ tay chỉ về hướng Himalaya và nêu tên của một ngôi đền nổi tiếng ở đó. Theo lời bà giải thích thì tại đây khi sấm chớp nổi lên Thiên Chúa sẽ biểu dương quyền uy của người phía dưới thung lũng.
Như vậy, từ đây cho đến ngôi đền đó người đàn bà phải vừa đi vừa phủ phục như thế trên cả ngàn lần. Khi được hỏi bà làm như vậy với mục đích gì, người đàn bà trả lời ngắn gọn và quả quyết như sau: “Để được thấy Chúa”.
Cử chỉ của người đàn bà Ấn độ trong câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta hình ảnh của một cuộc chiến đấu.
Được thấy Chúa, người tín đồ Ấn giáo trên đây sẵn sàng chấp nhận một cuộc hành hương gian khổ hầu như quá sức con người. Thế nhưng lòng khao khát thấy Chúa và niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được gặp Ngài đã khiến người tín đồ ấy can trường tiến bước và kiên trì phủ phục tới cà ngàn dặm đường như thế thật đáng cho chúng ta nể phục.
Muốn được hưởng vinh quang với Đức Giêsu, chúng ta cũng phải biết can đảm và kiên trì như vậy.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM:
Câu chuyện
Giáo hội Rôma trong ba thế kỷ đầu bị bách hại dữ dội và chúng tôi đã thực sự xúc động khi đến thăm hang toại đạo ở Rôma. Có tới 500.000 Kitô hữu đã được phúc tử đạo và được an táng trong các hộc mộ ở hang toại đạo... Ở Rôma bây giờ có những hang dài đến nỗi không biết nó đi tới đâu nên người ta phải bít lại, và gần như nó chạy khắp thành phố Rôma, một thành phố Rôma chìm bên dưới lòng đất ở các độ sâu 20m, 40m và sâu nhất là 60m (Theo Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, Máu Đào Tử Đạo - Hiến tế sự sống).
Suy niệm
Ðức Giêsu tiên báo về số phận các môn đệ: Vì Ngài mà các ông sẽ bị bách hại, bị ghét bỏ, ngay trong gia đình, nơi những người thân thuộc. Nhưng đó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy. Ðức Giêsu hứa sẽ trợ giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan khốn khó.
Thật thế, sau này các môn đệ đã sống lời tiên báo của Thầy. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do Thái, các ngài không hề lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác (x. Cv 3-5). Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho mọi người: Trước Hội đồng, Tổng trấn Felix, Festo, và cả vua Herôđê Agrippa…(x. Cv 22-25). Các môn đệ đã lấy cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.
Chúng ta là Kitô hữu, người môn đệ Chúa Kitô, cũng phải can đảm đón nhận những thử thách, những khó khăn trong cuộc sống chấp nhận chịu thiệt thòi khi sống lời Chân lý đối lập với bóng tối, dám can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa. Vì Chúa Kitô dù phải nghèo túng, phải vất vả.
Xin Chúa cho chúng ta có niềm tin luôn mạnh mẽ, sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả hoàn cảnh của cuộc đời.
Ý lực sống
“Máu tử đạo là hạt giống sinh ra người tín hữu”.(Tertullianô)
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM : CƠ HỘI LÀM CHỨNG
Bài Tin Mừng hôm nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy". Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Xin cho chúng ta được luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả cảnh huống nào của cuộc đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM : ĐỐI MẶT VỚI THỬ THÁCH
Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (Lc. 21, 17-19)
Người ta cứ tưởng rằng những người Kitô sẵn lòng tuyên xưng sứ điệp tình yêu và lòng thương xót, thì họ phải luôn luôn được đón rước, được thông cảm và được ca ngợi. Quá ảo tưởng! trái lại, họ là những tuyển sinh hoàn toàn được chỉ định chịu bắt bớ khổ nhục, chỉ vì lý do đơn giản này: sứ điệp của Đức Kitô là cách mạng, nó quấy rầy và phản đối những thói sống và những cách suy nghĩ của người đời.
Người ta chống đối Đức Kitô từ hai ngàn năm rồi. Người ta đã tấn công, hành xích các tông đồ và các Kitô hữu thời đầu tiên. Người ta cũng thấy xảy ra cho các tín hữu thời nay như vậy.
Là dịp để làm chứng
Đối với một Kitô hữu, phải được dự phần vào bị chống đối, bị dẫn đến khổ đau và bị đánh giá là tiêu cực. Sự chống đối cho họ có dịp làm chứng tốt hơn khi được đặc quyền đặc lợi. Người Kitô trở nên tốt hơn cho nhiều người khi người ta tấn công mình. Thử thách làm mình trưởng thành, sửa chữa mình, tăng nghị lực gấp bội cho mình, quyết tâm xác tín hơn và để có thể đạt nhiều thành tích tốt đẹp hơn. Thật ngược đời, chính giữa cơn thử thách và bị hành khổ, người Kitô có thể đạt tới đỉnh phong phú. Tất cả xảy ra đối với mình như xảy ra đối với Đức Kitô. Chính giờ phút này Thiên Chúa ở gần mình nhất và thực hiện một lần nữa mầu nhiệm đau khổ và sự chết để trở thành nguồn sự sống.
Những Kitô hữu quá yên ổn thì sao?
Nếu tất cả những điều trên là đúng, thì chúng ta phải tự hỏi mình: Có khi nào tôi đã chịu bắt bớ vì đức tin chưa? Có khi nào tôi chịu thử thách và chịu đau khổ vì lý do xác tín tôi là Kitô hữu không? Nếu chưa có bao giờ thì có lẽ niềm tin của tôi quá yếu, vì tôi là Kitô hữu quá sống yên ổn, vì tôi là một môn đệ quá yếu hèn của Đức Kitô. Khi một Kitô hữu thật sự không lo lắng tới ai, thì phải dành nhiều giờ để xét mình, để tự tra hỏi mình về giá trị hiện sinh Kitô hữu của mình? Đời sống Kitô hữu của mình có giá trị gì không?
RC
SUY NIỆM: LÀM CHỨNG CHO GIÊSU
Giáo Hội, ngay từ giai đoạn hình thành đến nay, vẫn luôn bị bắt bớ, tra tấn và giết hại. Vậy làm sao chúng ta có đủ can đảm để làm chứng cho Thầy Giêsu?
Đức Giêsu đã báo trước về những sự ghen ghét, đau khổ, giết chóc… mà mỗi người Kitô hữu sẽ phải gánh chịu khi dấn thân làm chứng cho Người. Cái giá phải trả để làm chứng cho Chúa còn đắng cay gấp bội khi chúng ta còn bị chính người thân, gia đình, bạn bè chúng ta bắt nộp và ghen ghét. Và Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến những công trạng mà chúng ta sẽ được hưởng nếu chúng ta trung thành làm chứng cho Chúa đến cùng.
Trong thời đại hưởng thụ ngày nay, khi mà vật chất đang lên ngôi, thì việc làm chứng cho Danh Chúa Kitô càng khó khăn. Thực tế cuộc sống cho thấy rằng những người giàu sẽ có một thế đứng vững chắc trong xã hội; còn những người nghèo khó chắc chắn sẽ bị coi thường và bị gạt ra ngoài xã hội. Thế nên để trở thành người làm chứng cho Chúa, chấp nhận đau khổ, ghét ghen, khinh bỉ là điều khó cho chúng ta – những Kitô hữu. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời dứt khoát cho chúng ta rằng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”, như một cách nào đó nói lên phần thưởng Nước Trời mai sau cho chúng ta khi chúng ta can đảm giữ đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta thật sự yêu Chúa, yêu Giáo Hội của Ngài thì việc làm chứng cho Chúa sẽ trở nên dễ dàng với chúng ta hơn.
Lạy Chúa, xin cho con trở nên như những chứng nhân thật sự của Chúa giữa trăm chiều thử thách của cuộc sống hôm nay.
Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn