THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 11/10/2024 08:25

THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,27-28

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

 

27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”

28 Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.

 

SUY NIỆM 1: CUỘC SỐNG RẤT CẦN NHỮNG LỜI KHEN NGỢI

“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” Lc 11,27). Đây chỉ là một lời khen bộc trực của một người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm khi chứng kiến những việc Chúa Giêsu đã làm và nghe những lời Chúa Giêsu dạy. Tuy nhiên, lời khen ngợi này đã có những tác động mạnh mẽ đối với người nghe hôm đó.

- Tác động thứ nhất: lời khen ngợi này chắc chắn đã làm đẹp lòng Chúa Giêsu. Vì chẳng những bà khen ngợi Chúa, mà còn gián tiếp khen ngợi Đức Mẹ. Có lẽ bà cũng là một người mẹ, nên bà cảm nhận được rằng người mẹ đã sinh ra Chúa phải hạnh phúc lắm lắm.
- Tác động thứ hai: lời khen ngợi này đã mở ngõ cho Chúa Giêsu mạc khải một mối phúc quan trọng: “Phúc cho những kẻ biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Cái phúc này, đối với CG, còn lớn hơn cả cái phúc của người đã cưu mang và sinh dưỡng Chúa Giêsu.
- Tác động thứ ba: lời khen ngợi này còn được hậu thế muôn đời nhắc đi nhắc lại. Các môn đệ của Chúa chắc là rất ấn tượng trước lời khen khéo léo và tinh tếcủa người phụ nữ hôm ấy, cũng như câu đáp trả của Chúa Giêsu dành cho bà, nên đã đưa câu chuyện này vào trong Tin Mừng Luca. 

Tin Mừng cũng đã ghi lại nhiều lần Chúa Giêsu cất lời khen ngợi. Ngài ngợi khen chúc tụng Chúa Cha khi thấy Chúa Cha đã mạc khải những chân lý nhiệm mầu cho những người hèn mọn. Ngài công khai khen ngợi tông đồ Phêrô đã có lời tuyên xưng đức tin xuất thần, khen ngợi Nathanael có lòng dạ ngay chính.

Ngài khen ngợi những người có niềm tin mạnh mẽ, như viên sĩ quan dân ngoại có người đầy tớ đau nặng, hay người phụ nữ xứ Canaan có đứa con bị quỷ ám. Ngài khen ngợi lòng đạo chân thành của bà góa nghèo bỏ tiền vào Đền Thờ, lòng yêu mến nồng nàn của người phụ nữ tội lỗi xức dầu thơm chân Ngài, v.v,… Chắc chắn những người được Chúa Giêsu khen ngợi cảm thất rất hạnh phúc, và có khi lời khen ngợi ấy còn khiến họ thay đổi cuộc đời.

Cuộc sống rất cần những lời khen ngợi. Vì theo tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn nghe những lời khen ngợi, khích lệ, đặc biệt là lời khen ngợi đúng lúc. Dĩ nhiên, là lời khen chân thành, không giả dối, hay xu nịnh.Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado ở Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm sự biến hóa của nước dưới sự ảnh hởng của âm thanh tác động bên ngoài và phát hiện: khi ông phát những ca khúc nổi tiếng của Mozart và Beethoven rồi dùng kính hiển vi quan sát, ông nhận thấy các tinh thể nước sẽ thuận theo những giai điệu đẹp đó mà không ngừng sản sinh ra những biến hóa đẹp mắt. Tương tự nói những lời dễ nghe thì các tinh thể nước cũng tạo thành những hoa văn rất đẹp. Ngược lại, khi nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước lại chuyển động hỗn loạn, không có trật tự. Vì thế, nói những lời khen ngợi khích lệ người khác cũng sẽ làm rung động tinh thần của người đó, và làm cho nét mặt của họ tươi sáng lên.

Quả vậy, những lời khen chân thành thường xuất phát từ một tâm hồn dễ rung cảm trước những cái hay cái tốt cái đẹp. Những cái hay cái đẹp cái tốt ấy có thể đến từ con người, hoặc đến từ thiên nhiên, vũ trụ, nhất là từ Thiên Chúa vốn là cội nguồn của Chân - Thiện - Mỹ.

Lời khen chân thành còn xuất phát từ một người có lòng bác ái vị tha. Vì lời khen ngợi của họ đem lại sự tươi mát và phấn khích cho tâm hồn của người được khen. Cổ nhân đã từng nói: “Nhất tự chi bao vinh ư hoa cổn – một lời khen còn vinh dự hơn cả tấm áo vua ban”. 

Thực tế cho thấy có những người không bao giờ mở miệng khen ai hay tán dương ai; có chăng là chỉ biết chê bai. Tâm địa của những người này ích kỷ hẹp hòi. Hãy tìm cái hay cái tốt cái đẹp nơi người khác và quảng đại cho họ lời khen. Một lời khen không mất mát gì, nhưng giúp tăng thêm thiện cảm, tình thân, và động lực cho cuộc sống. Một lời khen ngợi không làm hao tổn gì, nhưng giúp ta lan tỏa niềm vui và trải rộng tình yêu thương cho người khác.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

SUY NIỆM 2: GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA

Đoạn Tin mừng hôm nay kể lại cảm xúc của một người phụ nữ Do Thái, trước những gì mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Bà ta ngưỡng mộ đến nỗi thốt lên rằng: “Phúc cho bà mẹ nào đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Lời ca tụng ấy cho thấy bà cũng ước ao được trở thành mẹ, hay đúng hơn được trở thành người nhà của Chúa Giêsu.

Qua đây, Chúa Giêsu trả lời cho người phụ ấy biết rằng, sở dĩ Đức Maria được diễm phúc đó, đơn giản là vì Mẹ đã lắng nghe và thực hành lời của Chúa. Đồng thời, Ngài cũng cho chúng ta biết, không chỉ có Đức Maria, mà bất cứ ai cũng có thể trở thành thành viên trong đại gia đình của Thiên Chúa, miễn là sống cùng một cách thức như Mẹ Maria đã sống: biết lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc đời. 

Điều này không khó hiểu thưa anh chị em! Vì mỗi người chúng ta ai cũng có một gia đình trần thế. Và để gia đình luôn được hạnh phúc, ấm êm và cùng nhau thăng tiến; đòi hỏi mỗi người phải biết yêu thương, lắng nghe và nâng đỡ nhau. Con cái lắng nghe, vâng lời và làm theo lời chỉ dạy của Cha Mẹ. Cha mẹ cũng phải biết lắng nghe, đón nhận và đáp ứng những thỉnh cầu chính đáng của con cái. 

Trong gia đình của Thiên Chúa cũng vậy. Thiên Chúa là cha, chúng ta là con. Mỗi người đều có bổn phận xây dựng gia đình mà mình thuộc về. Trong vai trò của một người cha, Thiên Chúa luôn lắng nghe và đáp ứng mọi ước nguyện chính đáng mỗi khi ta cầu khẩn Ngài. Và ngược lại, là những người con, chúng ta cũng phải lắng nghe và làm theo những lời chỉ dạy của Thiên Chúa. Có như thế, mỗi người mới xứng đáng là thành viên trong gia đình thiêng liêng này.

Đây chính là điều mà Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy nhìn lại chính mình. Vì qua Bí tích Rửa tội, chúng ta vốn dĩ đã là thành viên chính thức trong gia đình của Thiên Chúa, gia đình Giáo Hội. Lời Chúa dạy ta cũng nhiều, và lời Mẹ Giáo Hội dạy cũng nhiều. Vậy ta đã thực hành được bao nhiêu? Trong vai trò của 1 người con, ta đã góp phần mình để xây dựng gia đình của Chúa, gia đình của Giáo Hội như thế nào?

Ước gì đây là cơ hội để mỗi người nhìn lại, và có những quyết tâm cụ thể và thiết thực trong đời sống làm con cái Chúa. Xin Chúa nâng đỡ và ban ơn giúp sức cho chúng ta. Amen.

Lm. Antôn

 

 

SUY NIỆM 3:

Tình thương của người mẹ đã được tôn vinh ngay đầu đoạn Tin Mừng hôm nay. “Phúc cho người mẹ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm.”

Phải chăng chỉ những người mẹ mới có thể nhìn thấy được cách riêng những khó khăn khi nuôi con cái? Đứa con mà mẹ đã vất vả bao nhiêu để bảo vệ từ khi còn trong bào thai cho đến lúc chào đời, từ giọt sữa ấm nóng ngày thơ cho đến khi con thật sự trưởng thành. Sự dưỡng dục không chỉ là câu chuyện của những đêm dài thức trắng những lúc con đau ốm, hoặc những lần ngỗ nghịch của con trẻ khiến bậc cha mẹ phiền lòng, nhưng là triền miên những lời cầu nguyện mong con luôn sống tốt đạo đẹp đời.

Chẳng ai nghĩ việc nuôi con là dễ dàng, huống chi để nuôi dưỡng một người con đặc biệt như Giêsu, Đức Maria hẳn phải là một người mẹ hết sức mẫu mực, thánh thiện và rất khéo léo.

Trước lời tán thưởng từ một người phụ nữ dành cho thân mẫu của mình, Đức Giêsu cũng lấy điều đó làm tự hào chăng? Ngài không phủ nhận hay phản đối câu nói của người phụ nữ, nhưng Ngài đáp lại rằng: “Những ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn.” Và quả thật, Đức Maria cũng chính là mẫu gương đi đầu trong việc “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Nhờ vậy Mẹ mới có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ đặc biệt như Giêsu. Hãy nhớ lại hành trình làm mẹ của Đức Maria khi còn tại thế: kể từ khi thưa “xin vâng” trước lời truyền tin của sứ thần với mầu nhiệm Nhập Thể, khi tận mắt chứng kiến con yêu chết treo thảm sầu trên thập giá, khi vỡ oà niềm vui ngày con phục sinh, và đến tận khi thấy con về trời, Mẹ hoàn toàn vâng nghe và tuân giữ lời Chúa một cách khiêm tốn và triệt để, bất kể đó là những điều Mẹ không thể hiểu và chẳng thể suy, hay đó là những điều xé nát trái tim yêu thương của Mẹ.

Nếu đặt mình trong hoàn cảnh của Đức Maria, hẳn người mẹ đó đã phải vui sướng khi nhận lời khen vì đã nuôi dạy con cái nên người từ một người phụ nữ khác. Nhưng người mẹ đây là Đức Maria, Mẹ không vui sướng vì những thành tựu thuộc về thế gian mà hằng tâm niệm lời Chúa Giêsu đã nói. Những thành quả chỉ thực sự có giá trị khi sinh lời cho đời sống ngày sau trên Thiên đàng. Thánh sử Luca đã khéo léo làm nổi bật lên thông điệp ấy. Đức Maria đã đón nhận và sống lời Chúa. Đám đông lắng nghe Thầy Giêsu giảng dạy, và họ cần tuân giữ lời Chúa như mẫu gương của Đức Maria để được hưởng phần phúc đời đời.

Lạy Chúa, xin cho con có thể nghe được tiếng Ngài nói với con và thực hành Lời ấy trong suốt cuộc sống mình, để con cũng được hưởng nếm niềm vui của những ơn lành mà Ngài đã dành sẵn cho con. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác nơi Ngài!

Nhóm Bạn Đường Linh Thao

 

SUY NIỆM 4: LẮNG NGHE LỜI CHÚA THẬT CÓ PHÚC

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 27 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin Chúa rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng ta, và thương ban những ơn trọng đại lòng chúng ta chẳng dám mơ tưởng bao giờ.

Tình thương Chúa vượt xa mọi công trạng, nhưng, chúng ta phải trung thành trong khi mong chờ Chúa trở lại, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Trước mặt Đức Kitô Giêsu, phải thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, phải bảo toàn giáo lý, đồng thời tránh những chuyện nhảm nhí, những vấn đề của tri thức giả hiệu. Như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu; hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, hãy để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ. Anh em đừng tích trữ của cải dưới đất, nhưng hãy tích trữ của cải trên trời. 

Tình thương Chúa vượt xa mọi công trạng, nhưng, Chúa luôn cần sự cộng tác của chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả nói: Số thợ quá ít, không đủ để gặt lúa đã chín đầy đồng: chúng tôi không thể nói tới điều đó mà không cảm thấy rất buồn, vì có những người muốn nghe điều hay điều tốt, nhưng lại thiếu kẻ nói cho họ nghe… Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt để Người sai thợ ra gặt lúa về. Hỡi dân Ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi, trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can. 

Tình thương Chúa vượt xa mọi công trạng, nhưng, chúng ta phải tin tưởng, khao khát trông mong ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 104, vịnh gia cho thấy: Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan. Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra. 

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Tại sao lắng nghe Lời Chúa lại là một mối phúc? Nghe theo ai là tin tưởng, làm theo những gì người đó nói. Lắng nghe Chúa là tin tưởng cậy trông vào lời Chúa hứa, cho dẫu, thực tế trước mắt lại rất phũ phàng, đòi ta phải trông cậy ngay cả khi chẳng còn gì để trông cậy. Tình thương Chúa vượt quá mọi công trạng của chúng ta, ơn cứu độ là ơn huệ hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa, hồng ân Chúa như mưa như mưa, nhưng, chúng ta phải mở lòng ra đón nhận, có hứng nước mưa, thì mới có được nước. Tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của chúng ta. Chúa đã rộng tình tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, và đã thương ban cho chúng ta những ơn trọng đại, mà lòng chúng ta chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Ước gì chúng ta luôn biết trung thành giữ vững đức tin của mình, cộng tác với ơn Chúa, như Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt vời trong việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, để ơn cứu độ của Chúa được thành toàn nơi bản thân chúng ta và nơi những người xung quanh. Ước gì được như thế!

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

SUY NIỆM 5:

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, đặc biệt trong ngày thứ bảy, ngày hướng về Mẹ Maria, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về hai cái phúc: Cái phúc về sự cưu mang Lời Thiên Chúa và cái phúc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

1. Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy.

Dân gian có câu: “Một người làm nên cả họ thơm lây…”. Khi thấy sự thành công của Chúa Giê-su đầy quyền năng trên quỷ thần, giảng dạy hay, chữa nhiều bệnh tật, dân dân lũ lượt theo Người… thì một người phụ nữ trong đám đông kêu lên:  “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho thầy bú mớm”.

Xét theo phương diện này,  thì Mẹ Maria là Đấng Đầy Ơn Phúc đã cưu mang Chúa Giê-su và cho Người bú mớm. Tuy nhiên, hiểu rộng hơn, đây cũng là cái phúc chung cho mọi người chúng ta. Bởi vì Chúa Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời Thiên Chúa, và cũng được hiểu Lời Chúa là chính Chúa. Cho nên, khi chúng ta yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, chính là chúng ta đang làm mẹ cưu mang Chúa trong tâm hồn, và đang làm cho Chúa được lớn dần lên trong ta.

2. “Phúc thay kẻ lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.

Thiết nghĩ, khi nói điều này, Chúa Giê-su, không phủ nhận công lao sinh thành và dưỡng dục của Thân Mẫu Người. Nhưng Người còn gián tiếp đề cao nhân đức lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa của Mẹ Maria. Nói cách khác, Người nhấn mạnh đến mối phúc của người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, mà Mẹ Người đã là một mẫu mực, vì có ai trong loài người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa như Mẹ Maria. Mẹ đã “xin vâng” theo Lời Chúa, ghi nhớ mọi sự và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,51).

Phần phúc của mọi Ki-tô hữu chúng ta chính là được nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng mối phúc này chỉ trọn vẹn cho chúng ta khi chúng ta biết đem Lời Chúa ra thực hành sống đạo.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con là những người có phúc vì có nhiều cơ hội để được nghe Lời Chúa, xin cho mọi người chúng con luôn ý thức để không chểnh mảng với Lời Chúa, nhưng hết lòng yêu mến và đem ra thực hành Lời Chúa trong đời sống, để không những chúng con cưu mang Lời mà còn làm cho Lời được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Amen

Hiền Lâm

SUY NIỆM 6:

Đời người ai cũng mong muốn có được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải là cái gì để đi tìm mà nó chỉ xuất hiện khi ta làm một điều gì đó. Như thế muốn có hạnh phúc ta phải làm gì? Đó là điều mà lời Chúa hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta biết. Vậy chúng ta hãy để tâm lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay và cố gắng đem ra thực hành thì ta sẽ đạt được điều mà tất chúng ta mong muốn.

Người Việt chúng ta có những câu nói rất chí lý nhằm diễn tả sự gắn kết máu thịt giữa cha mẹ và con cái như sau: “Con cái là triều thiên của cha mẹ” hay “Con dại cái mang”…; rộng hơn là mối liên hệ giữa dòng tộc với nhau, như người đời thường nói: “Một người làm quan cả họ được nhờ”.

Đúng vậy, trên đời này có lẽ không có mối liên hệ nào khắn khít cho bằng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái; cũng như dòng tộc với nhau. Chính vì thế mà niềm vui của người con cũng chính là niềm vui của cha mẹ và ngược lại. Và công danh, sự nghiệp thành đạt của người con cũng chính là niềm vinh dự và hạnh phúc của cha mẹ.

Rất có thể đã từng trải nghiệm điều đó, nên một người phụ nữ đã không ngần ngại cất cao lời ngợi khen cho người mẹ nào đã cưu mang và hạ sinh Thầy Giêsu vì Thầy quá tài giỏi và uy quyền “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Đúng vậy, với cái nhìn tự nhiên có người mẹ nào lại không cảm thấy được hạnh phúc khi nhìn thấy con mình thành đạt, được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn người phụ nữ ấy và dân chúng dừng lại ở cái nhìn tự nhiên, chỉ kiếm tìm hạnh phúc mau qua ở đời nhờ vào mối liên hệ huyết thống, mà Người còn muốn hướng họ đến cái nhìn đức tin để nhận ra đâu mới là hạnh phúc thật có gí trị bền vững nhờ vào mối liên hệ thiêng liêng giữa con người với TC, là nguồn mọi ơn phúc. Do vậy Chúa Giêsu mới phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời TC thì có phúc hơn”.

Khi nói những điều đó, chắc chắn Chúa Giêsu không hề xem thường hạnh phúc ở đời này; Người cũng không hề chê trách hay hạ thấp vị thế của Mẹ Maria. Trái lại, Người muốn gián tiếp ca ngợi và tôn vinh mẫu gương tuyệt hảo của Đức Mẹ. Bởi hơn ai hết Đức Maria lúc nào cũng khiêm tốn để tâm lắng nghe “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.” (Lc 2,19) và sẵn sàng thực thi thánh ý của TC “Này Tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Nhờ đó mà Đức Maria đã được TC trọng thưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn trong nước trời. Mẹ thật xứng đáng được ca ngợi qua muôn thế hệ, như tâm tình mà Đức Mẹ cất lên trong lời kinh Magificat: “Vì Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tớ Chúa, vậy từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phước” (Lc 1,48).

Xin Chúa cho chúng ta cũng biết khiêm tốn mở tai để lắng nghe lời Chúa, mở lòng để cho lời Chúa thấm nhập và rồi can đảm mở đôi tay ra để phục vụ mọi người, nhất là những người trong gia đình và nghèo khổ với niềm tin yêu và phó thác theo mẫu gương của Mẹ Maria. Được vậy, ta mới có được hạnh phúc đời này, nhất là sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc trọn vẹn ở đời sau. Amen.

https://gpcantho.com/suy-niem-loi-chua-tuan-xxvii-thuong-nien

 

SUY NIỆM 7: LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Chúa Giêsu đến trần gian loan báo Tin Mừng cứu độ, kèm theo nhiều phép lạ để minh chứng quyền năng của Ngài, đến ban phát tình thương và chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người. Chính vì thế, nhiều người, trong đó có người phụ nữ giữa đám đông chứng kiến lời giảng của Chúa, bà đã ca ngợi Chúa và ngừời mẹ của Chúa rằng: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!".

Chúa Giêsu không hề phủ nhận công sinh thành dưỡng dục của Mẹ Maria trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ngài; nhưng Ngài muốn mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Ngài và Mẹ Maria: không dựa trên huyết nhục, mà hơn thế, là mối tương quan siêu nhiên, thiêng liêng.

"Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa".

Chúa Giêsu thì không nhận lời khen tặng đó, cho bằng kêu gọi người ta biết đón nghe Lời Thiên Chúa, và đó mới là niềm vui, hạnh phúc của Ngài. Vì thế Chúa Giêsu đáp lại người phụ nữ khen Ngài rằng: "Ðúng hơn phải nói rằng: "Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa".

Chỉ có Mẹ Maria mới chính là người hạnh phúc hơn cả, vì Mẹ biết lắng nghe và giữ Lời Thiên Chúa. Mẹ thi hành ý Thiên Chúa trong cả cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã đón nhận Lời Chúa, qua tiếng Xin Vâng. Nhờ đó, Mẹ trở thành người Mẹ đã cưu mang và sinh ra Chúa Giêsu.

“Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội đang chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa, một lời đang lên xương thịt trong ngài. Đức Maria cũng tượng trưng cho sự cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân; cho sự lắng nghe đầy tích cực, một sự lắng nghe biết nội tâm hóa và thẩm thấu, một sự lắng nghe trong đó lời trở thành một lối sống.” (Tông huấn Lời Chúa của ĐTC Bênêđictô 16, số 27).

Chúng ta cũng sẽ trở nên người diễm phúc của Thiên Chúa, nếu biết noi theo gương mẫu của Mẹ Maria trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

“Thánh Ambrôsiô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Kitô đều tượng thai và sinh hạ lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Kitô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin”. (Tông huấn Lời Chúa, số 28).

Chúng ta hằng ngày đọc và lắng nghe Lời Chúa, có nghĩa chúng ta cũng là người đang cưu mang Lời Chúa, Lời Chúa trở thành sức sống trong chúng ta và Lời Chúa cũng có thể đem sự sống đó đến cho những người xung quanh bằng tinh thần phục vụ và yêu thương của chúng ta, theo gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã làm.

Lạy Chúa, Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con việc đón nghe và sống Lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết siêng năng học hỏi và cố gắng sống Lời Chúa và mang Lời Chúa vào trong cuộc sống của chúng con, để chúng con sống xứng đáng làm con Chúa.

Xin dạy chúng con biết rao truyền Lời Chúa cho mọi người, để con người hôm nay biết và tin nhận Chúa là Cha nhân từ và thương xót. Amen. 

Lm. Duy Khang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây