THỨ BẢY TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 17/10/2024 22:49

THỨ BẢY TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lc 12,8-12

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

8 “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.

11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

 

SUY NIỆM:

Sứ điệp: Chúa Giêsu bảo đảm rằng: Ai tuyên xưng Ngài bằng cách trung thành với Ngài trong cuộc sống hôm nay, Ngài sẽ không quên họ trong cuộc sống mai sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống của con hôm nay dễ làm con quên Chúa. Con không chối Chúa trực tiếp như thánh Phêrô đã chối Chúa. Tuy thế, vì đồng tiền chi phối, công việc bận rộn, bổn phận nặng nhọc, các gương xấu và dịp tội nhan nhản, con như bị cuốn vào một cơn lốc, cơn lốc thế trần. Rồi con cũng bon chen, cũng gian tham, cũng ghen ghét oán thù, cũng lao mình vào tội lỗi và quên mình là môn đệ Chúa, chẳng khác gì con đã chối Chúa. Hẳn đã có một lần, vì một dịp vui với bạn bè, con đã thiếu sót bổn phận với Chúa. Đã có một lần vì một chút xúc phạm đến danh dự con, con vội nổi đóa, quên hẳn bài học khiêm tốn hiền lành Chúa dạy. Những lần như thế con đã phế bỏ Chúa ra khỏi tâm hồn con.

Con muốn quyết tâm sống sao cho xứng danh người môn đệ Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ con, để nếu con nghèo, thì đừng vì nghèo mà gian tham; nếu con bị người ta vô ơn, con đừng bất mãn để rồi không sống bác ái nữa; giả như con bị anh em xúc phạm đến danh dự thì đừng để lòng thù oán. Luôn sống theo tinh của Chúa trong mọi hoàn cảnh, đó là con đang tuyên xưng Chúa là Thầy và là Chúa của con.

Lạy Chúa, con tin vào Lời Chúa: “Ai tuyên xưng Ta trước mặt thiên hạ, Ta sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Ta”. Các thánh đã được hưởng lời hứa đó. Con quyết sống trung thành với Chúa và can đảm sống theo đường lối Chúa, để mai sau Chúa cũng sẽ nói với con: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chủ ngươi”. Amen.

Ghi nhớ: “Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

 

SUY NIỆM: MẠNH DẠN LÀM CHỨNG CHO CHÚA VỚI SỨC MẠNH THÁNH THẦN

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh các môn đệ Chúa Giêsu sẽ gặp những chống đối từ bên trong và bên ngoài (x. Lc 12:1-59). Sự chống đối khi theo Chúa Giêsu luôn là điều mà người môn đệ phải đối diện qua mọi thời. Chúa Giêsu đã nói, “tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh [chị] em” (Ga 15:20). Dù biết và hiểu điều này, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn còn tỏ ra “ngạc nhiên” và không chấp nhận thực tại này. Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đón nhận thực tại và hành xử như Chúa Giêsu đã dạy. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay làm ba phần:

Phần 1 (Lc 12:8-9) trình bày cho chúng ta hai thái độ sẽ xảy ra khi bị chống đối, đó là tuyên nhận và không tuyên nhận Con Người trước mặt thiên hạ: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 10:8-9). Những lời này ám chỉ đến thực tại đang xảy ra trong cộng đoàn Thánh Luca, đó là có người trung thành với ơn gọi làm môn đệ của mình, nhưng cũng có người từ chối khi gặp chống đối và bắt bớ. Theo Thánh Luca, những ai trung thành với ơn gọi làm môn đệ của mình cho đến cùng, Con Người [Chúa Giêsu] sẽ là Người nâng đỡ và đón nhận họ trong ngày phán xét. Còn những người không tuyên nhận Ngài sẽ bị từ chối. Mỗi người chúng ta cũng đang sống ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng nhiều lần chúng ta cũng đã từ chối Ngài qua những lời nói, những hành động thiếu bác ái, thiếu cảm thông, thiếu tha thứ của mình. Chúng ta hãy bắt đầu lại, hãy sống trung thành với ơn gọi môn đệ của mình dù người khác không sống trung thành. Đừng để những khó khăn và chống đối lấy đi niềm vui làm môn đệ Chúa Giêsu của chúng ta.

Trong phần 2 (Lc 12:10), Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết về điều họ phạm khi bị chống đối sẽ không được tha, đó là “bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” Theo các học giả Kinh Thánh, câu 10 này phải được đọc và hiểu trong tương quan với câu 11 và 12. Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Luca và nhất là trong bối cảnh phải đối diện với việc chống đối từ bên trong và bên ngoại của người môn đệ, tội “không được tha” được hiểu là một sự từ chối mang tính ngoan cố trước sứ điệp Tin Mừng [sứ điệp Kitô giáo] mà Giáo Hội, được đổ đầy với Chúa Thánh Thần, rao giảng. Nói cách khác, tội không được tha này là tội “đóng kín” cửa lòng trước tác động của Chúa Thánh Thần để đón nhận sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội rao giảng. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại thái độ của chúng ta trước sự tác động của Chúa Thánh Thần. Mỗi ngày [mỗi Chúa Nhật] chúng ta lắng nghe sứ điệp Tin Mừng được công bố, nhưng chúng ta đóng kín cửa lòng mình lại, chúng ta ngoan cố từ chối sự tác động của Chúa Thánh Thần trên tâm trí chúng ta để rồi sứ điệp Tin Mừng không có chỗ trong cuộc sống chúng ta. Hãy dễ dạy với Chúa Thánh Thần vì Ngài là Đấng sẽ đưa chúng ta đến chân lý toàn vẹn.

Phần 3 (Lc 10:11-12) trình bày cho chúng ta thái độ các môn đệ cần có khi bị chống đối mà không rơi vào tình trạng phạm tội “không thể được tha.” Theo lẽ tự nhiên, khi bị chống đối chúng ta thường tìm cách biện minh cho chính mình hay chúng ta chạy trốn không dám đối diện với chống đối. Chúa Giêsu trấn an các môn đệ [và chúng ta] rằng: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định vị trí quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc đón nhận sứ điệp Tin Mừng và trong việc làm chứng cũng như sự trung thành sống sứ điệp đó. Khi bị chống đối, dù bị người khác bỏ rơi, chúng ta không đơn độc đối diện với những khó khăn vì chính Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài là nhân vật chính, Đấng sẽ dạy chúng ta phải làm gì và nói gì. Vì vậy, khi bị chống đối và bắt bớ, chúng ta phải giữ cho mình bình thản và mở rộng cõi lòng với Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể sáng suốt nói và làm những điều Chúa muốn, chứ không làm theo phản ứng tự nhiên của mình.

Lm Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: “ĐỪNG SỢ” CHÚA THÁNH THẦN SẼ NÓI THAY 

Đọc lại lịch sử các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy: rất nhiều vị thánh xuất thân từ nhà quê, chẳng được học hành là bao, lại phải lam lũ khổ sở, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời! Ấy vậy mà khi bị bắt, bị tra tấn, đánh đập, nhất là khi bị hỏi cung, các ngài đã trả lời hết sức trôi chảy. Không những thế, các ngài còn lý luận và bẻ gãy những lời nói phi nhân, bất nghĩa của vua quan. Mặt khác, nhân cơ hội, ngoài chuyện làm chứng cho Chúa bằng đời sống, các ngài còn rao giảng Lời Chúa cho những người đang làm hại mình nữa. Tất cả những chuyện đó, chúng ta, ai cũng hiểu là Chúa Thánh Thần nói trong và hành động nơi các thánh.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói cho các môn đệ biết, các ông sẽ phải chịu đau khổ, bách hại và gặp muôn điều khó khăn, tuy nhiên, các ông đừng sợ, những lúc như thế, Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông để cho các ông biết phải làm gì và nói gì.

Trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, không còn quá khó như thời các thánh tử đạo khi xưa. Nhưng vẫn còn nơi này, nơi kia, vì một số người kém hiểu biết, dốt nát, cổ hủ, nên còn gây khó dễ đối với các tín hữu cách này, cách khác. Những người này có thể vì một mục đích thực dụng nào đó cho cá nhân hay tập thể, nên mới có những hành xử kém hiểu biết và thiếu nhân văn như vậy! Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi vì kinh nghiệm cho thấy, càng khó khăn, khổ sở bao nhiêu thì niềm tin và đời sống đạo lại càng sống động. Nhưng điều đáng sợ hơn cả chính là những trào lưu tục hóa đang dần bách hại tinh thần của chúng ta. Những phim ảnh, sách báo, băng đĩa xấu đang lan tràn mọi nơi. Những thứ này nó phá hủy từ bên trong, nên có sức làm băng hoại đời sống đạo đức, luân lý nơi con người. Đây mới là thử thách đáng phải quan tâm!

Sống trong xã hội như thế, người Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống lành mạnh… Khước từ những điều không phù hợp với luân lý Kitô giáo. Còn nếu có gặp khó khăn, bắt bớ, cấm cách, chúng ta an tâm, vững tin vào Chúa Quan Phòng, vì những lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ thực thi vai trò của Người như xưa Người đã làm nơi các Tông đồ và các bậc tiền nhân của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con được ơn can đảm, trung thành với Chúa và Tin Mừng của Chúa.Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP


SUY NIỆM: ĐỂ THÁNH THẦN LÊN TIẾNG

“Thánh Thần sẽ dạy cho các con biết những điều phải nói!”.

“Khiêm tốn, sự yên tĩnh hoàn hảo của trái tim! Tôi không băn khoăn, bực tức, đau đớn hay thất vọng. Tôi bình yên khi không ai khen tôi hoặc chê trách, coi thường tôi. Đó là ngôi nhà phước huệ, nơi tôi có thể vào, đóng cửa và bí mật quỳ lạy Cha tôi. Và tôi bình an như chìm trong biển sâu yên tĩnh khi chung quanh đầy khó khăn. Đó là kết quả công trình cứu chuộc của Chúa Kitô trên đồi Canvê, thể hiện nơi những ai thuộc về Ngài, những người chắc chắn vâng phục Chúa Thánh Thần!” - Andrew Murray.

Kính thưa Anh Chị em,

Tâm sự đáng ao ước của Andrew Murray được gặp lại qua của Lời Chúa hôm nay! Chúa Giêsu tiết lộ một sự thật, chúng ta rất yếu hèn; đặc biệt, khi phải làm chứng cho Ngài! Vì thế, Kitô hữu phải gắn kết với Chúa Thánh Thần, đầy Chúa Thánh Thần; để mỗi khi khó khăn, bạn và tôi không dao động, nhưng cứ ‘để Thánh Thần lên tiếng!’.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta rất khó để thừa nhận Chúa Giêsu trước người khác chứ chưa nói đến việc tử đạo. Hãy nghĩ đến khả năng tử đạo và hãy tự hỏi, liệu chúng ta có thể trung thành với Chúa nếu điều đó đồng nghĩa với cái chết! Chúng ta làm chứng cho Ngài khá tốt hằng ngày, nhưng có thực sự như vậy? Lắng nghe những lời phỉ báng Chúa Giêsu và Giáo Hội, chúng ta không dám phản đối. Đôi khi, chúng ta thậm chí còn gật đầu hoặc mỉm cười như thể tán thành.

Bản thân chúng ta sẽ không bao giờ nói những điều xúc phạm đó, nhưng bạn và tôi không thực sự đứng lên bảo vệ niềm tin cả khi ‘không thể’ tử đạo. Có bao giờ bạn cảm thấy khó chịu khi làm dấu thánh giá ở nơi công cộng? Đó là một điều đơn giản mỗi khi đến bàn ăn, nhưng nó có thể cực kỳ khó khăn khi bạn đang ở trong một nhà hàng, nơi mà gánh nặng duy nhất là “mọi người nghĩ bạn và tôi là người Công Giáo!”.

Có thể không quá lo lắng về việc bị đưa ra toà vì Chúa, nhưng tôi vẫn phải làm chứng điều đó hàng ngày bằng cuộc sống mình. Bất kể đi đâu, làm gì, chúng ta vẫn là chứng nhân. Bạn và tôi cần ‘để Thánh Thần lên tiếng’ qua cuộc sống mình trước mặt mọi người. Chúa Giêsu đã hứa, Thánh Thần sẽ dạy chúng ta những gì cần nói, cần làm. Thư Rôma hôm nay nói đến sự trung tín của Chúa, điều Ngài hứa với Abraham, Ngài đã giữ. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thánh Thần sẽ dạy cho các con biết những điều phải nói!”. Đời sống của chúng ta phải là một đời sống “chìm trong biển sâu yên tĩnh” của Thánh Thần tình yêu “khi chung quanh đầy khó khăn!”. Vì lẽ, mọi người sẽ phán xét không chỉ tôi, mà còn ‘tất cả các Kitô hữu’ qua tôi, vì vậy tôi cần sống bác ái như dấu hiệu của một Kitô hữu đích thực. Tôi cần nuôi dưỡng sự khiêm nhường của một người nhìn vào sự cao cả và thánh thiện của Thiên Chúa nhưng vẫn nhận ra sự yếu hèn và tội lỗi của mình. Cách duy nhất tôi có thể làm tất cả những điều này là mỗi ngày, đi vào “ngôi nhà phước huệ” của mình, “quỳ lạy Cha tôi” và ‘để Thánh Thần lên tiếng’ trong mọi sự!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có sự “yên tĩnh hoàn hảo của trái tim”, giúp con đừng bao giờ rời xa ngôi nhà phước huệ của mình; ở đó, con đắm chìm trong Thánh Thần!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

SUY NIỆM: PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN

Lời Tin Mừng hôm nay ghi lại huấn dụ của Chúa Giêsu cho các môn đệ phải can đảm làm chứng, tuyên xưng Chúa, cũng như để Thánh Thần Chúa tác thánh trong ơn tha thứ. Ai tuyên xưng thì sẽ được tuyên xưng, ai từ chối thì sẽ bị từ chối.

“Tội phạm đến Thánh Thần thì không được tha.” Không phải vì Chúa không tha thứ mà vì hối nhân cố chấp không ăn năn hối lỗi, không để cho Chúa Thánh Thần thánh hóa mà tha thứ. Không được tha vì hối nhân cứ ngoan cố ở lì trong tình trạng tội lỗi của mình, chối từ ơn tha thứ và mọi ân huệ của Chúa Thánh Thần.

Trong đời sống đức tin, hiếm khi chúng ta phạm đến Chúa Thánh Thần cách công khai. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta không cộng tác với Ngài, không quý trọng ân sủng của Ngài, không để cho sự bén nhạy lương tâm của ta tức là tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn ta lên tiếng khi ngăn ngừa cám dỗ và sự dữ. Thực tế trong đời sống hằng ngày, chúng ta có những suy nghĩ, việc làm và thái độ đối nghịch với giáo huấn của Chúa và phẩm giá con người. Như vậy, một cách nào đó chúng ta cũng xúc phạm đến Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa đầy lòng thương xót sẵn sàng tha thứ cho con cái khi có lòng ăn năm thống hối trở về. Ngài đã ban Thánh Thần đề tác thánh và hướng dẫn con cái qua sự khôn ngoan và các ân sủng. Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và giúp đỡ trong những lúc nguy nan thử thách, đặc biệt trong những lúc bị cám dỗ chối từ ơn tha thứ của Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi dẫn cho từng suy nghĩ và hành động của chúng con. Xin đừng chấp tội chúng con và tiếp tục hướng dẫn chúng con, giúp chúng con nhận ra sự yếu đuối và giới hạn của mình để biết nương tựa và phó thác vào Chúa.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây