Thứ Hai tuần 7 thường niên.
“Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi”.
Lời Chúa: Mc. 9, 14-29
Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.
Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: "Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?" Một người trong đám đông trả lời rằng: "Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực". Người đáp lại: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta". Và người ta đem nó đến.
Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: "Nó bị như thế từ bao giờ?" Ông ta đáp: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi". Chúa Giêsu nói với ông: "Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được". Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: "Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi". Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: "Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa". Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: "Nó chết rồi". Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.
Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?" Người đáp: "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay".
Suy Niệm 1: Quỷ vẫn còn ám
Có một người suốt đời chỉ biết chăm lo cho mình, vì thế tuy là người giàu có nhưng anh cũng là người keo kiệt nhất. Ngày nọ, sau khi dự đám tang của người thân trở về, anh quyết định đổi mới cuộc sống. Ít lâu sau đó, một người láng giềng bị cháy sạch nhà cửa, đây là cơ hội tốt để anh học biết cho đi. Thế nhưng, khi đứng trước kho lẫm, có tiếng nói thầm vào tai anh: "Hãy cho ít thôi". Một lần nữa anh phải chiến đấu với tính keo kiệt của mình, nhưng lòng quảng đại trong anh đã chiến thắng. Dù vậy, khi người láng giềng cám ơn và ra về, lòng anh vẫn còn vọng lại dư âm như muốn chế nhạo anh: "Chỉ có người điên mới làm như vậy, người láng giềng cũng có đôi tay để làm việc, tội gì phải cho đi như thế, lúc ốm đau thì lấy đâu lo cho thân mình".
Ngày nay, vẫn còn có nhiều người lưu tâm đến việc thờ ma quỷ, không những trên báo chí, phim ảnh, mà còn cả phong trào tôn thờ ma quỷ nữa. Ðiều này dễ làm con người lầm tưởng rằng ma quỷ ở đâu đâu hoặc ở trong một số người nào đó. Kỳ thực, không có những hiện tượng bên ngoài, như bị vật ngã, xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ thân thể, mà Tin Mừng hôm nay ghi lại, nhưng thực tế con người cũng bị ma quỷ ám ảnh tâm trí một cách nào đó. Những quỷ kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, mê ăn uống... không hiện nguyên hình, nhưng ngụy trang thành những bộ mặt đáng yêu để quyến rũ con người: với những lý luận đủ sức thuyết phục con người, như: thu tích tiền của có gì là xấu, có tiền củ tại sao tôi không hưởng thụ. Những ý tưởng đó dần dà chiếm hữu con người hoàn toàn, khiến họ bịt tai nhắm mắt trước những khốn khổ của người khác.
Thật không dễ gì trị được hiện tượng quỷ ám này, nếu không thực hiện Lời Chúa dạy là ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay để nâng con người lên khỏi sức nặng của thân xác và của cám dỗ vật chất; cầu nguyện để đón nhận sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, Ðấng đã đánh bại được quyền lực của Satan. Cầu nguyện là để cho con người cũ của chúng ta chết đi và để cho Chúa Giêsu mỗi ngày một lớn lên trong chúng ta.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thêm ý thức về thân phận tội lỗi, yếu hèn của chúng ta, và trong mọi sự, chúng ta biết hướng nhìn lên Chúa là sức mạnh, là lẽ sống duy nhất của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 2: Các môn đệ thất bại
Bất cứ ở đâu, hể quỷ nhập vào là vật cháu xuống; Cháu xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi. Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.” (Mc. 9, 18-19)
Đang lúc Chúa Giêsu và ba tông đồ còn ở trên núi, thì các môn đệ đã được Chúa sai đi truyền giáo gặp một trở ngại lớn. Đó là chuyện một đứa trẻ bị quỷ ám, quỷ thường hành hạ, xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho chết. Cha đứa bé đã đưa nó đến cho các môn đệ, nhưng các ông này không thể thắng được tên quỷ kia. Bệnh tật khốn khổ của đứa bé, có lẽ là chứng động kinh, đã lôi kéo đám đông và các kính sư, họ bắt đầu tranh luận với các môn đệ. Chắc hẳn mấy ông kinh sư nọ phải vui sướng vì sự thất bại này và phải hỏi các môn đệ ấy xem liệu Ông Thầy của họ sẽ đuổi được tên quỷ này không. Câu truyện tới đây thì Chúa Giêsu xuất hiện và thu hút mọi người. Cha đứa nhỏ len lỏi đến được với Chúa Giêsu và trình bày cho Người hay tình cảnh. Sau khi đã thử lòng tin của ông, Chúa Giêsu chữa cho con trai ông ta được lành. Phép lạ này đặt sức mạnh của Thầy đối chọi với sự yếu kém, bất lực của các môn đệ. Đức Giêsu mặc dầu đang tiến đến cái chết, như Người đã loan báo, thì Người vẫn cứ thảnh thơi hành động nhờ vào tính toàn năng của Thiên Chúa.
Mặt dưới của sự thất bại
Sự các môn đệ thất bại không trừ được quỷ cho Chúa Giêsu cơ hội giáo huấn về lòng tin và sự cầu nguyện, cả hai đều là nền tảng của việc truyền giáo cũng như đời sống Kitô giáo. Về phương diện này, ba giai đoạn của trình thuật thật quan trọng: lời trách móc đám đông, nói chuyện với người cha và nói chuyện với các môn đệ. Khi người cha mô tả cho Chúa Giêsu cơn bệnh của đứa con trai ông và sự bất lực của các môn đệ Người, thì Chúa Giêsu đưa ra một lời trách móc: “Oi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin!”. Các ngôn sứ trước thái độ bất trung và cứng lòng của dân Do thái thường kêu lên như vậy. Căn nguyên của sự thất bại nằm trong sự thiếu lòng tin, và điều này khiến Chúa phâỉ bực mình nổi giận: “Tôi còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”
Cha của người bệnh nói: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Lời kêu gọi xin thương xót này làm động lòng Chúa, mặc dầu có một sự ngờ vực nào đó về quyền năng của Người. Chúa Giêsu bắt bẻ lại: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin”, có nghĩa là Thiên Chúa toàn năng phục vụ cho kẻ tin. Chúa Giêsu nắm giữ quyền năng thay đổi thực tại vì lợi ích của người tín hữu chân thật. Người cha đã hiểu được tiến trình Chúa Giêsu đề nghị cho ông: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Thay vì xin chữa khỏi cho con mình, ông lại xin được tăng thêm lòng tin vốn là điều kiện cho phép lạ được thực hiện.
Cầu nguyện cho có lòng tin đã là một thái độ tin rồi và không có được lòng tin vững chắc, nếu không dựa vào ân sủng của Chúa.
Suy Niệm 3: THỨ HAI TẠI SAO CÁC MÔN ĐỆ KHÔNG TRỪ ĐƯỢC QUỶ? (Mc 9, 14-29)
Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm cho xứ đạo được thánh thiện. Thánh nhân hỏi: "Ngài đã làm gì ?" Cha kia đáp: "Con tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực hiện những cuộc rước kiệu... Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối".
Thánh Vianney hỏi lại: “Thế cha đã ăn chay và cầu nguyện chưa?". Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực là chưa hề nghĩ tới.
Thấy vậy, cha Gioan Vianney đã chỉ ra cho cha kia biết nguyên nhân là chưa cầu nguyện và ăn chay nên không thành công...
Câu hỏi: "Tại sao chúng con không trừ được quỷ” mà các môn đệ cất lên hỏi Đức Giêsu có lẽ cũng là câu hỏi đầu tiên của chúng ta khi nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay!
Khi các môn đệ đang phân vân và không thiếu kinh ngạc trước sự cứng đầu của quỷ, Đức Giêsu đã nói ngay: “Giống quỷ đó chỉ trừ được bằng cầu nguyện”.
Tại sao vậy? Thưa! Rất đơn giản, vì các môn đệ chỉ là người thừa tác để trừ quỷ chứ tự thân, các ông không thể trừ được. Vì thế, các ông phải nhân danh người sai mình. Cầu nguyện chính là sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời của người sai và người được sai. Khi cầu nguyện, người thi hành chỉ biết làm khi có lệnh hay đúng hơn là làm theo ý chủ.
Chỉ có sự kết hiệp mật thiết với Chúa, con người mới có khả năng để thống trị ma quỷ. Chỉ có cầu nguyện liên lỷ, con người mới gắn bó và đi trong đường lối của Thiên Chúa, nếu không, người ta dễ làm theo ý riêng và quy chiếu về mình thay về Chúa.
Thật vậy, "Không cầu nguyện thì không có đức tin.
Không có đức tin thì không có tình mến.
Không có tình mến thì sinh kiêu ngạo.
Khi đã kiêu ngạo thì hoàn toàn thuộc về ma quỷ”.
Đây là mấu chốt các môn đệ không trừ được quỷ.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cậy trông vào Chúa qua việc cầu nguyện. Cần xác định rõ rằng: việc trừ quỷ là việc của Chúa, chúng ta chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Tuy nhiên, dụng cụ phải vừa tay ông chủ, tức là chúng ta chỉ hữu dụng khi biết phụ thuộc vào Chúa qua cầu nguyện.
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ý thức được sự cao quý của việc cầu nguyện, để đức tin, cậy, mến ngày càng lớn mạnh trong con người và nơi sứ vụ của chúng ta. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 4: Nếu Thầy có thể
Suy niệm:
Cha mẹ thường phải chịu đau khổ vì con.
Đức Giêsu đã từng đối diện với sự bối rối của ông trưởng hội đường
khi cô con gái mười hai tuổi của ông gần chết (Mc 5, 22-23).
Ngài cũng đối diện với sự kiên trì của người phụ nữ dân ngoại
khi bà xin Ngài chữa cho cô con gái của bà bị quỷ ám ở nhà (Mc 7, 25).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đứng trước nỗi đau của một người cha
có đứa con trai nhỏ mang triệu chứng của bệnh động kinh.
Nhưng đối với ông, hẳn con ông là người bị quỷ ám.
Ông đã đem cậu con đến với Đức Giêsu, tiếc thay lại không gặp (c. 17).
Bởi vậy ông đã xin các môn đệ của ngài đuổi quỷ dùm.
Tiếc thay họ không làm được (c. 18).
Bây giờ gặp được Ngài, ông tha hồ kể về bệnh tình của con ông.
Mỗi lần quỷ nhập - hay mỗi lần lên cơn động kinh -
con ông bị vật xuống đất, sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ (c.18).
Nhiều khi quỷ còn xô cậu bé vào nước hay lửa cho chết (c. 22).
Vì chuyện buồn này diễn ra từ hồi cậu còn nhỏ,
nên người cha hẳn đã đau khổ triền miên và căng thẳng từ nhiều năm qua.
Ông gặp Đức Giêsu chỉ mong Ngài giải phóng con mình khỏi quỷ.
“Xin chạnh lòng thương mà giúp chúng tôi.”
Rõ ràng nhiều người khác trong gia đình ông cũng phải chịu đau khổ.
“Nếu Thầy có thể làm được gì”, câu này cho thấy ông tin không mạnh lắm.
Vì thế Đức Giêsu đã bắt bẻ câu nói của ông.
“Mọi sự đều có thể đối với người tin” (c. 23).
Đức Giêsu buồn vì phải ở với và chịu đựng một thế hệ cứng lòng tin (c. 19).
Các môn đệ không đuổi được quỷ vì họ chưa đủ đức tin.
Người cha muốn con mình được khỏi, ông cũng cần có thêm đức tin.
Thái độ nửa tin, nửa ngờ cũng là thái độ của thế hệ chúng ta.
Đức tin là lời đáp trả của con người,
nhưng đức tin cũng là ơn ban của Thiên Chúa.
Có lúc chúng ta cũng kêu lên như người cha đang chới với :
“Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”(c. 24).
Chúa có khả năng nâng đỡ đức tin của ta trong lúc khủng hoảng.
Có lúc chúng ta thấy không thắng nổi sức mạnh của xác thịt, của quỷ ma.
Và như các môn đệ, chúng ta tự hỏi tại sao (c. 28).
“Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện” (c. 29).
Cầu nguyện là xin Đức Giêsu thêm sức mạnh và thêm lòng tin cho ta.
Cầu nguyện :
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết, xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM:
1. Thần câm điếc
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại trường hợp một bé trai bị “quỉ câm” hành hạ. Và khi chữa lành cho em bé, Đức Giê-su còn gọi tên quỉ là “thần câm điếc” (c. 25). Bởi vì, câm điếc luôn đi đôi với nhau. Nhưng người ta không chỉ bị câm điếc thể lí, nhưng còn có nhiều lúc, như chính mỗi người chúng ta có kinh nghiệm, câm điếc đối với Chúa và câm điếc đối với nhau.
Thực vậy, đã có những lúc, chúng ta không nghe được lời sự sống của Chúa với lòng ước ao, chúng ta không thực sự lắng nghe nhau với sự cảm thông. Và vì thế, chúng ta không “nói thực sự” được với Chúa, không “nói thực sự” được với nhau. “Nói thực sự” là nói điều chúng ta là, là dấn thân trong điều chúng ta nói; và điều chúng ta là, tự bản chất, là sự sống, là sự thiện và là tình yêu, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa
Câm điếc ở bình diện tương quan được hiểu như trên, có khi còn gây ra những hậu quả nghiêm trong cho sự sống của chúng ta, còn hơn là câm điếc thể lí. Những lúc như thế, chúng ta có nhận ra rằng, mình đang bị “thần câm điếc” làm chủ không?
2. Sự chết và sự sống
Theo trình thuật Tin Mừng, là “thần câm điếc”, nhưng ma quỉ lại muốn hành hạ thân xác của em bé, nghĩa là làm phương hại đến sự sống: “Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra”. Ma quỉ không chỉ hành hạ, nhưng còn muốn giết chết, vì đó là năng động của Sự Dữ, luôn đi tới tận cùng là hủy diệt, như cha của em bé kể lại: “Từ thủa bé. Nhiều khi quỉ xô nó vào lửa, hoặc đẩy xuống nước cho nó chết”!
Ngược lại, Đức Giê-su đến để phục vụ cho sự sống của con người, đến để làm cho con người được sống và sống dồi dào. Và Người không chỉ trao ban sự sống của mình để phục vụ cho sự sống của chúng ta, nhưng Lời Sự Sống của Người mạnh hơn ma quỉ, mạnh hơn sự chết. Thực vậy, vừa thấy Đức Giê-su, ma quỉ liền phản ứng, ma quỉ chứ không còn là em bé, vì ma quỉ làm chủ. Nhưng ma quỉ không thể đứng vững trước Lời Sự Sống của Người:
Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết… Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.
Người không chỉ đụng chạm em bé bằng lời, nhưng bằng chính thân thể của Người, để làm cho em bé được giải thoát và “đứng lên”. Người vẫn làm thế cho chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, để giải phóng chúng ta khỏi “quỷ câm điếc” và làm cho chúng ta sống sự sống của Người. Nhưng chúng ta có chịu tin không? Chúng ta có cầu nguyện không?
3. Lòng tin và cầu nguyện
Các môn đệ không chữa được, và chỉ có Đức Giê-su mới chữa nổi, nhưng Người chỉ cho chúng ta con đường để trừ quỉ, đó là lòng tin gắn liền với cầu nguyện: “mọi sự đều có thể đối với người tin” (c.23); “Giống quỉ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (c. 29).
Vì lòng tin và cầu nguyện mở lòng, mở tai và mở miệng của chúng ta ra với Chúa, và để cho chính Chúa hành động, vì Người là Ngôi Lời chữa lành tình trạng câm điếc, Người là ánh sáng xua tan bóng đêm, Người là sự sống mạnh hơn sự chết. Như người cha đáng thương, chúng ta hãy thưa với Chúa:
“Lạy Chúa, con tin!
Nhưng xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của con”
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ
Monday (February 25): “All things are possible to him who believes”
Scripture: Mark 9:14-29 14 And when they came to the disciples, they saw a great crowd about them, and scribes arguing with them. 15 And immediately all the crowd, when they saw him, were greatly amazed, and ran up to him and greeted him. 16 And he asked them, “What are you discussing with them?” 17 And one of the crowd answered him, “Teacher, I brought my son to you, for he has a dumb spirit; 18 and wherever it seizes him, it dashes him down; and he foams and grinds his teeth and becomes rigid; and I asked your disciples to cast it out, and they were not able.” 19 And he answered them, “O faithless generation, how long am I to be with you? How long am I to bear with you? Bring him to me.” 20 And they brought the boy to him; and when the spirit saw him, immediately it convulsed the boy, and he fell on the ground and rolled about, foaming at the mouth.21 And Jesus asked his father, “How long has he had this?” And he said, “From childhood. 22 And it has often cast him into the fire and into the water, to destroy him; but if you can do anything, have pity on us and help us.” 23 And Jesus said to him, “If you can! All things are possible to him who believes.” 24 Immediately the father of the child cried out and said, “I believe; help my unbelief!” 25 And when Jesus saw that a crowd came running together, he rebuked the unclean spirit, saying to it, “You dumb and deaf spirit, I command you, come out of him, and never enter him again.” 26 And after crying out and convulsing him terribly, it came out, and the boy was like a corpse; so that most of them said, “He is dead.” 27 But Jesus took him by the hand and lifted him up, and he arose. 28 And when he had entered the house, his disciples asked him privately, “Why could we not cast it out?” 29 And he said to them, “This kind cannot be driven out by anything but prayer.” |
Thứ Hai 25-2 Tất cả mọi sự đều khả thi đối với người có lòng tin
Mc 9,14-29 14 Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.16 Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế? “17 Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám.18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.”19Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.”20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.21 Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? ” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé.22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.”23 Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.”24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! “25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! “26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi! “27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? “29 Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” |
Meditation:
What kind of faith does the Lord Jesus expect of us, especially when we meet challenges and difficulties? Inevitably there will be times when each of us cause disappointment to others. In this Gospel incident the disciples of Jesus brought disappointment to a pleading father because they failed to heal his epileptic son. Jesus’ response seemed stern; but it was really tempered with love and compassion. We see at once both Jesus’ dismay with the disciples’ lack of faith and his concern to meet the need of this troubled boy and his anguished father. Jesus recognized the weakness of the father’s faith and at the same time challenged him to pray boldly with expectant faith: “All things are possible to him who believes!” Prayer and faith go together Augustine of Hippo (354-430 AD), in his commentary on this passage, reminds us that prayer and faith go together: “Where faith fails, prayer perishes. For who prays for that in which he does not believe? ..So then in order that we may pray, let us believe, and let us pray that this same faith by which we pray may not falter.” The Lord gives us his Holy Spirit that we may have the confidence and boldness we need to ask our heavenly Father for his help and grace. Do you trust in God’s love and care for you and pray with expectant faith that he will give you what you need?
When Jesus rebuked the evil spirit, the boy at first seemed to get worse rather than better as he went into a fit of convulsion. Peter Chrysologus (400-450 AD), a renowned preacher and bishop of Ravena, reflects on this incident: “Though it was the boy who fell on the ground, it was the devil in him who was in anguish. The possessed boy was merely convulsed, while the usurping spirit was being convicted by the awesome judge. The captive was detained, but the captor was punished. Through the wrenching of the human body, the punishment of the devil was made manifest.” God promises each one of us freedom from oppression, especially from the oppression of sin and the evil one who tries to rob us of faith, hope, and peace with God. The Lord Jesus invites us, as he did this boy’s father, to pray with expectant faith. Do you trust in God’s unfailing love and mercy? Faith and trust in God’s unfailing love and mercy The mighty works and signs which Jesus did demonstrate that the kingdom of God is present in him. These signs attest that the Father has sent him as the promised Messiah. They invite belief in Jesus as the Son of God and Savior of the world. The coming of God’s kingdom means defeat of Satan’s kingdom. Jesus’ exorcisms anticipate his great victory over “the ruler of this world” (John 12:31). While Satan may act in the world out of hatred for God and his kingdom in Christ Jesus, and may cause grave injuries of a spiritual nature, and indirectly even of a physical nature, his power is nonetheless limited and permitted by divine providence (Romans 8:28). Jesus offers freedom from bondage to sin and Satan. There is no affliction he cannot deliver us from. Do you make full use of the protection and help he offers to those who seek him with faith and trust in his mercy?
“Lord Jesus, help my unbelief! Increase my faith and trust in your saving power. Give me confidence and perseverance, especially in prayer. And help me to bring your healing love and truth to those I meet”. |
Suy niệm:
Thiên Chúa mong đợi lòng tin nào nơi chúng ta, đặc biệt khi chúng ta gặp thất bại và thử thách? Chắc chắn có những lần khi mỗi người chúng ta làm cho người khác chán nản. Trong câu chuyện Tin Mừng này, các môn đệ của Ðức Giêsu khiến người cha đến cầu xin bị thất vọng, bởi vì họ không chữa được bệnh động kinh cho con trai ông. Phản ứng của Ðức Giêsu xem ra rất lạnh lùng. Nhưng thật ra Người đầy lòng yêu thương và trắc ẩn. Chúng ta thấy một lúc hai điều: sự thất vọng của Ðức G iêsu đối với sự thiếu lòng tin của các môn đệ và sự quan tâm của Người đối với nhu cầu của cậu bé đáng thương và cha đau khổ của nó. Ðức Giêsu nhận ra đức tin yếu đuối của người cha, và đồng thời kêu gọi ông can đảm cầu xin với một đức tin kiên vững: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin!”
Cầu nguyện và đức tin đi đôi với nhau Thánh Augustinô thành Hippo (354-430 AD), trong bài giải thích đoạn Tin mừng này, nhắc nhở chúng ta rằng lời cầu nguyện và đức tin luôn đi đôi với nhau: “Ở đâu không có đức tin, lời cầu nguyện sẽ chết. Thật vậy, làm sao người ta cầu nguyện cho điều mà họ không tin? Chính vì thế, để có thể cầu nguyện, chúng ta hãy tin tưởng, và chúng ta hãy cầu nguyện cùng với đức tin này, và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không bị dao động.” Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Thần của Người, để chúng ta có thể tin tưởng và mạnh dạn cầu xin với Cha trên trời cho sự giúp đỡ và ơn sủng của Người. Bạn có tin tưởng vào tình yêu và sự quan tâm của Chúa dành cho bạn, và cầu nguyện với lòng tin kiên vững rằng Người sẽ ban cho bạn những gì bạn cần không? Khi Ðức Giêsu la mắng thần dữ, thoạt đầu, cậu bé xem ra tệ hơn khi nó bị lay mạnh và ngã xuống đất. Peter Chrysologus (400-450 AD), một giáo phụ ở thế kỷ thứ 5, suy gẫm về sự kiện này như sau:
“Mặc dầu chính cậu bé ngã xuống đất, nhưng tên quỷ trong nó mới bị đau đớn. Cậu bé bị quỷ nhập chỉ bị co giật, trong khi đó kẻ chiếm đoạt mới bị kết án bởi sự phán xét kinh hoàng. Người bị chiếm đoạt bị giam cầm, nhưng kẻ chiếm đoạt lại bị trừng phạt. Qua sự co giật của thân xác, sự trừng phạt của tên quỷ được thể hiện.”
Thiên Chúa hứa giải thoát chúng ta khỏi sự áp bức, đặc biệt sự áp bức của tội lỗi và ma quỷ, là điều đã cướp đi lòng tin, niềm vui, và bình an của chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta, như Người đã kêu mời người cha của cậu bé này, là cầu nguyện với đức tin kiên vững. Bạn có tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót vô tận của Chúa không? Lòng tin cậy vào tình yêu và lòng thương xót bền vững của Thiên Chúa Những công việc và dấu chỉ lạ lùng mà Ðức Giêsu đã làm chứng tỏ rằng nước Thiên Chúa hiện diện nơi Người. Những dấu chỉ này chứng thật rằng Chúa Cha đã sai Người đến với tư cách là Đấng Mêsia như đã hứa. Chúng mời gọi chúng ta tin tưởng vào Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian. Việc vương quốc Chúa đến là để đánh bại vương quốc của Satan. Những lần trừ quỷ của Ðức Giêsu tiên báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Người trên “kẻ thống trị thế gian” (Ga 12,31). Trong khi Satan có thể hoạt động trong thế gian vì ghen ghét Thiên Chúa và vương quốc của Người nơi Đức Giêsu Kitô, và có thể gây ra những thương tổn về bản tính siêu nhiên, và thậm chí một cách gián tiếp về bản tính tự nhiên nữa. Tuy nhiên, quyền lực của hắn bị giới hạn và được Thiên Chúa cho phép (Rm 8,28). Ðức Giêsu đem lại sự giải thoát khỏi cảnh nô lệ cho tội lỗi và Satan. Bạn có tận dụng sự bảo vệ và trợ giúp mà Người ban cho những ai tìm kiếm Người với lòng tin cậy nơi lòng thương xót của Người không? Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp sự thiếu lòng tin của con! Xin gia tăng lòng tin cậy của con nơi quyền năng cứu chữa của Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng tự tin và kiên trì, đặc biệt trong việc cầu nguyện. Và xin Chúa giúp con đem tình yêu và chân lý chữa lành của Chúa cho những ai con gặp gỡ. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn