Thứ Bảy tuần 6 thường niên

Thứ sáu - 22/02/2019 08:07

Thứ Bảy tuần 6 thường niên – Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

"Người biến hình trước mặt các ông".

 

* Thánh Pôlicáp là môn đệ của thánh Gioan và là chứng nhân cuối cùng của thời các Tông Đồ.Người đã chết trên giàn hoả thiêu, giữa hí trường Miếcna, trước mặt dân chúng. Đang lúc đó, người dâng lời tạ ơn Chúa “vì mình đã được xét là xứng đáng được kể vào số các chứng nhân (tử đạo) và được chia sẻ chén đắng của Chúa Kitô”.

Hôm đó là ngày 23 tháng 02 năm 155, thánh nhân được tám mươi sáu tuổi.

 

Lời Chúa: Mc 9, 2-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".

 

 

 

Suy Niệm 1: Biến hình với Chúa

Lịch sử cứu độ được dệt bằng những cuộc ra đi. Dường như Thiên Chúa không muốn cho người dậm chân tại chỗ: Ngài kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi mà ông không biết; Ngài thúc đẩy Môsê rời bỏ cung điện nguy nga để tìm đến nơi hoang vắng, Ngài ra lệnh cho ông phải đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập; Ngài kêu gọi Êlia hãy lên ngọn núi cao để nhận ra sứ điệp của Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm một cuộc ra đi: Ngài rời bỏ ngôi nhà của Cha để đến cư ngụ giữa loài người.

Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Chúa Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày sau khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trẩy đi từ sự sống qua sự chết và đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài; con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.

Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc trẩy đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Ðó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sai, thì không xứng đáng là môn đệ Ta".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình không? Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không? Ðức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?

Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng cuộc sống hiện tại của chúng ta. Những vất vả khổ đau mà chúng ta đang trải qua trong cuộc sống này phải được sống và được nhìn với niềm hy vọng vào cuộc biến hình vinh hiển đang chờ đón chúng ta. Từng bước một, xin Chúa Kitô Phục Sinh thêm sức để chúng ta vững tin tiến tới.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Không được phép dựng lều

Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. (Mc. 9, 2-3)

Trèo lên núi cao, có nghĩa là ra khỏi quê hương hay nơi cư trú của mình, là nâng mình lên cao khỏi những lo lắng thường ngày, là cắt nhịp sống tầm thường để tiến tới cuộc sống phi thường. Thánh Phêrô đã thấy rõ khía cạnh này khi đi lên núi cùng với Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan. Ông cảm thấy khoan khoái khi được ở trên ngọn núi này. Vì thế ông đề nghị dựng lều cho Chúa Giêsu ở đây. Chúa Giêsu từ chối lời đề nghi này của Phêrô, bởi lẽ đối với Chúa không có vấn đề du lịch, cũng không phải ra khỏi xứ. Việc lên núi này tham dự vào sứ mạng của Người. Thực vậy, biến cố Chúa hiển dung trước tiên là vì các môn đệ, và củng cố niềm tin của các ông đối với Chúa Giêsu. Chúa biến đổi hình dạng sáng láng, y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh có nghĩa là Người được bao trùm vinh quang của Thiên Chúa. Hơn nữa, cuộc đàm đạo của Chúa với những nhân vật có thế giá của Cựu ước là Elia và Mô-sê cũng là cách nói cho các môn đệ hiểu rằng Đức Giêsu được nhập vào hàng ngũ và đang đi theo đường lối của hai vị đại ngôn sứ này. Thánh Luca nói đến đề tài của cuộc đàm đạo này: “Các ngài nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.” Cả hai vị Môi-sê và Elia đều là những người từng trải về xuất hành: vị thứ nhất đã đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập; còn vị thư hai đã đi khỏi trần gian này một cách huyền bí vào lúc cuối đời. Bằng cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu phải thực hiện một cuộc xuất hành mới sẽ cho phép những kẻ thuộc về Người tiến đến cùng Thiên Chúa làm một với Người

Tiếng Chúa Cha phán

Trong chương chín, thánh Maccô đã trình bày cho ta thấy các tông đồ đã gặp ngày xui: các ông chậm hiểu, và Phêrô lại còn bị Chúa quở trách. Tình trạng đó hẳn làm cho các tông đồ mất tinh thần và khiến các ông phải tự hỏi liệu Người có phải đúng vị kinh sư mà mình đã chọn để đi theo không. Vì thế việc Chúa biến đổi hình dạng sáng láng đến đúng lúc. Phêrô đã trả lời nói lên căn tính của Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô”. Đúng, nhưng chưa đủ. Ở đây, Thiên Chúa Cha cho câu trả lời đầy đủ: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Chứng từ này của Chúa Cha làm cho vẻ tăm tối ảm đạm nơi định mệnh của Chúa Giêsu là chân chính, xác thực. Đó là “những tư tưởng của Thiên Chúa “và các tông đồ chỉ có chọn lựa để chấp nhận: “Hãy vâng lời Người!” Dừng lồng khuôn Chúa Giêsu theo hình ảnh đấng thiên sai của các ông, đừng gán cho Người sứ mạng của một Đấng Kitô mang tính cách chính trị phải chiến thắng và phục thù. Các ông phải đón nhận Đấng-Thiên-Chúa-sai như Thiên Chúa sai đến: một Đấng thiên sai phải chịu đau khổ rồi mới vinh quang. Phải có điều này vì điều kia.

 

Suy Niệm 3: MỘT CUỘC BIẾN ĐỔI

Cuộc biến hình hôm nay được diễn ra sau sáu ngày Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn đệ.

Giờ đã đến, Đức Giêsu hé mở vinh quang của Ngài trong tư cách là Đấng Thiên Sai - Con Thiên Chúa. Qua cuộc biến hình của Ngài với Êlia và Môsê, Đức Giêsu muốn dạy cho các ông bài học rằng: chính Ngài phải chịu đau khổ rồi mới đến vinh quang; phải trải qua cái chết rồi mới phục sinh. Đây cũng là con đường dẫn đến hạnh phúc dành cho người môn đệ nếu muốn chung phần với Thầy của mình.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vững tin vào Chúa. Luôn biết quy chiếu cuộc đời chúng ta trong niềm hy vọng phục sinh. Biết đón nhận thử thách và đau khổ trong cuộc đời với lòng yêu mến Chúa, để nhờ đó, chúng ta được hạnh phúc như Chúa đã mặc khải cho các môn đệ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa tha thiết. Biết trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, để mai sau được phục sinh với Ngài. Amen.

 Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Hãy nghe Người

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần:

lúc chịu phép rửa (1, 11), lúc được biến hình (9, 7), và sau khi tắt thở (15, 39).

Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ.

Lần thứ nhất, khi Ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa (1, 9).

Lần thứ hai, sau khi Ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó (8, 31).

Lần thứ ba, sau khi Ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá (15, 39).

Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến cùng của phận người tội lụy

thì Ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao.

Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Ba ông này đã được thấy Ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37),

và sẽ được ở bên Ngài trong vườn Dầu sau này (14,33).

Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục Ngài trắng tinh rực rỡ.

Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu,

vốn được ẩn giấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường.

Đức Giêsu biến hình không phải là đổi qua một hình khác,

mà là vén mở trong một thời gian ngắn

để cho ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi Ngài.

Phêrô và các bạn ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy.

Hơn nữa, họ còn thấy ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu.

Hai ông này đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18).

Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao.

Phêrô chỉ muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi.

Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn.

Có lẽ ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường nhọc nhằn phải đi.

“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe ngài” (c. 7).

Câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Máccô.

Cha giới thiệu cho ta Con của Cha, Cha mời gọi ta vâng nghe Ngài.

Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này

họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây,

và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói.

Rồi đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi.

Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường.

Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác.

Nhưng những gì diễn ra ở ngọn núi này thật là không thể quên.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa thường hay lên núi cầu nguyện.

Thỉnh thoảng xin dẫn con lên một ngọn núi cao

để con sống tình bạn với Chúa.

Xin cho con ngỡ ngàng khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa,

khuôn mặt mà con tưởng mình đã quen biết từ lâu.

Chúa cho con thấy những nét đơn sơ để lòng con trở nên giản dị.

Chúa cho con thấy những nét hiền hậu để con biết thứ tha.

Chúa cho con gặp những nét sáng tươi

để con nở một nụ cười với cuộc sống.

Lạy Chúa, xin hãy cho con có kinh nghiệm lên núi với Chúa,

yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe.

Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi

nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hằng ngày.

Và ước gì khi xuống núi,

con thấy mình mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

1. Dung nhan rạng ngời của Đức Giê-su

Trên đường đi theo Đức Ki-tô, vào một lúc nào đó, các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi lên núi để gặp gỡ Ngài. Núi có ý nghĩa như thế, vì đó là hình ảnh diễn tả việc giữ khoảng cách với những vấn đề của cuộc sống, vốn hay trói buộc con người, để có thể hướng về trời cao và những gì thuộc về trời cao. Chính vì thế, Đức Giê-su hay lên núi cầu nguyện, giảng ở trên núi (x. Bài Giảng Trên Núi trong Mt 5-7), và đặc biệt lần này, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và lịch sử cứu độ ở trên núi.

Trong đời sống ơn gọi của chúng ta, ơn gọi dâng hiến và cả trong ơn gọi gia đình nữa, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới « ngọn núi cao » biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể ca tụng và tạ ơn Chúa, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên ngọn núi cao.

Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, vẫn được ban cho chúng ta đấy thôi, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban.

  • Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.
  • Đó là thời gian chúng ta dâng Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.
  • Đó là thời gian tĩnh tâm, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm hay những lúc chúng ta khao khát và sắp xếp được.

Ước gì trong những lúc « đi riêng ra một nơi » với Chúa, Chúa ban cho chúng ta có cùng kinh nghiệm thiêng liêng như các tông đồ, đó là cảm nếm căn tính chói ngời của Chúa, để có thể nói : « Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ».

Ánh sáng chói lòa của Đức Giêsu trên đỉnh núi (x. Mc 9, 2-8) muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói trong bài Tin Mừng hôm qua (x. Mc 8, 34-38). Thực vậy, lúc Đức Giê-su biến hình trên đỉnh núi cao, là lúc mà nơi Ngài, có sự hội tụ của:

  • Lịch sự cứu độ, của lịch sử đời tôi, của niềm hi vọng sáng tạo mới và sự sống mới của tương lai. Bởi vì, có sự hiện hiện của ông Môse và ngôn sứ Êlia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ và theo thánh sử Luca (x. Lc 9, 31), các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem, từ đó xuất phát cuộc xuất hành của mỗi người chúng ta.
  • Ngài cũng là điểm gặp gỡ của Trời (mây) và Đất (núi).
  • Ngài là mối liên kết giữa Thiên Chúa (tiếng Thiên Chúa Cha từ mây) và con người (Đức Giê-su, Ngôi Hai nhập thể).

Thánh sử Mát-thêu diễn tả : « Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng » (Mt 17, 2). Chính khi tất cả mọi sự hội tụ ở nơi Đức Giê-su, ngài trở nên mặt trời, mặt trời ban ánh sáng và sự sống. Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giê-su trở nên chói lọi như mặt trời, như là các Tin Mừng tường thuật, và xin ơn được nhận ra mọi sự đều hội tụ nơi Đức Giê-su, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta, chính lúc ấy, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng một cách đích thân ánh quang của Đức Ki-tô.

Trong đời sống dâng hiến, để sống Ba Lời Khấn, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này : Đức Ki-tô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; và cuộc đời dâng hiến với Ba Lời Khấn của chúng ta chính là cách chúng ta diễn tả tâm tình vui sướng : “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay”.

 2. « Chúng con ở đây thật là hay »

Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của các môn đệ, để hiểu hết lời nói này của ông Phê-rô:

Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!
Chúng con xin dựng ba cái lều…  
(c. 5)

Có người hiểu là, « rất may, có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài… ». Tuy nhiên, như Tin Mừng thuật lại, thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Vì thế, chúng ta phải hiểu đó đơn giản là lời diễn tả cảm xúc, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu ; và ông Phê-rô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. Lều là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây.

Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giê-su, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói lọi đối với chúng ta. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Ki-tô chói ngời trong Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa chói ngời, ngay trong đời sống đi theo Người trong một ơn gọi, nhất là ơn gọi thánh hiến đầy thách đố của chúng ta.

Thật vậy, đó chính là điều Chúa Chúa muốn, khi Ngài đáp lời Phê-rô. Bởi vì, khi ông còn đang nói, có đám mây sáng ngời bao phủ cách ông. Đám mây là hình ảnh của sự di động, không thể làm chủ hay nắm bắt được, thay vì cố định, dễ làm chủ và nắm bắt như căn lều ; và từ đám mây Thiên Chúa Cha lên tiếng :

Đây là Con Ta yêu dấu,
hãy vâng nghe lời người. 
(c. 7)

Như thế, chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giê-su, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta và ngang qua việc sống Ba Lời Khấn với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta có thể nói : « Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay ! »

 3. Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su

Một trong hai vị đàm đạo với Đức Giê-su rạng ngời trên núi cao là ngôn sứ Elia ; và khi xuống núi, vị ngôn sứ này sẽ trở thành đề tài trao đổi giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Thật vậy, các ông hỏi Ngài :

Tại sao các kinh sư lại nói
ông Ê-li-a phải đến trước?  
(c. 11)

Điều này nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh ngôn sứ Elia có một vị trí đặc biệt trong tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, và vì thế, sẽ soi sáng, làm rạng rỡ cuộc đời và căn tính của Đức Giê-su. Thực vậy, trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài, ông Gio-an Tẩy Giả được coi là ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ phải đến và chính Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với cả ông Gioan lẫn ngôn sứ Êlia : « Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê ».

Sách Huấn Ca kể lại những kì công mà ngôn sứ Êlia đã thực hiện : « Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách! Ai có thể tự hào được nên giống như ông?(Hc 48, 4) Nhưng, như chúng ta đều biết, ngôn sứ Êlia cũng đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn, thậm chí bi đát. Thực vậy, theo sách Các Vua quyển thứ nhất, bị đuồi giết, vị ngôn sứ đã phải chạy trốn vào sa mạc, và chính trong nỗi tuyệt vọng mà ông thưa với Đức Chúa những lời này : « Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con. » (1V 19, 4). Và chính bởi những thử thách tận căn này của đời mình, mà ngôn sứ Êlia loan báo và soi sáng cuộc đời của Gioan Tầy Giả và Đức Giê-su.

Tuy nhiên, chính khi chạy trốn và ở trong sa mạc, mà Êlia có một kinh nghiệm hoàn toàn khác và mới mẻ về Thiên Chúa : Thiên Chúa không hiện diện ở trong những điều hùng mạnh có sức hủy diệt và làm cho sợ hãi, và càng không ở trong lửa ; nhưng Thiên Chúa hiện diện ở trong « tiếng gió hiu hiu » :

Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC CHÚA, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong trận động đất.12 Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu”. (1V 19, 11-12)

Tiếng gió dịu êm nhắc nhớ chúng ta sự dịu êm thần linh của mầu nhiệm Giáng Sinh và cả mầu nhiệm Thập Giá nữa. Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua đã được ghi khắc trong cuộc đời của ngôn sứ 
Êlia rồi, vì chính khi ông gặp thử thách khó khăn, đi đến đường cùng, bị mọi người ruồng bỏ, kể cả Thiên Chúa nữa, thì ông lại kinh nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa một cách hoàn toàn mới. Nhưng vào lúc cuối đời, ngôn sứ Elia vẫn chưa biết đến cái chết, như sách Các Vua kể lại : « Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc » (2V 2, 11). Chính vì thế mà vị ngôn sứ như vẫn còn mắc nợ với cuộc đời này, vì phải trở lại để hoàn tất sứ vụ ngôn sứ, là « chỉnh đốn mọi sự » và nhất hoàn tất thân phận của một ngôn sứ, là chịu bách hại đến cùng. Vì vậy, những thế hệ sau này luôn chờ đợi ông trở lại : « Các ông hỏi Đức Giê-su: Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước? »

Trên đồi sọ, khi nghe tiếng kêu của Đức Giê-su, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” (Mc 15, 36). Đó là lời nhạo báng, là tội lỗi, nhưng Thiên Chúa lại dùng để làm cho hoàn tất lời Kinh Thánh, hoàn tất kế hoạch cứu độ, như Người đã làm và luôn làm như vậy. Vì thế, lúc ấy, Êlia đã nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là sự thinh lặng và không làm gì hết. Vậy là ngôn sứ Êlia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Người cũng sẽ “thing lặng không làm gì hết” đến cùng trên Thập Giá.

Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thập Giá, thing lặng và không làm gì hết, nhưng lại nói cho chúng ta nhiều nhất, làm cho chúng ta nhiều nhất. Vì như thánh Phao-lô nói, đối với con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Như các ngôn sứ Elia và Gioan, trong những thử thách tận căn của cuộc đời, chúng ta được mời gọi trở nên một với Đức Ki-tô chịu đóng chịu đinh, để « sức mạnh và sự khôn ngoan » của Thiên Chúa được tỏ hiện.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

Saturday (February 18): “This is My Son, the Beloved – Listen to Him!”

 

Mark 9:2-13

2 Six days later, Jesus took with him Peter and James and John, and led them up a high mountain apart, by themselves. And he was transfigured before them, 3 and his clothes became dazzling white, such as no one on earth could bleach them. 4 And there appeared to them Elijah with Moses, who were talking with Jesus. 5 Then Peter said to Jesus, “Rabbi, it is good for us to be here; let us make three dwellings, one for you, one for Moses, and one for Elijah.” 6 He did not know what to say, for they were terrified. 7 Then a cloud overshadowed them, and from the cloud there came a voice, “This is my Son, the Beloved; listen to him!” 8 Suddenly when they looked around, they saw no one with them any more, but only Jesus. 9 As they were coming down the mountain, he ordered them to tell no one about what they had seen, until after the Son of Man had risen from the dead. 10 So they kept the matter to themselves, questioning what this rising from the dead could mean. 11 And they asked him, “Why do the scribes say that first Elijah must come?” 12 And he said to them, “Elijah does come first to restore all things; and how is it written of the Son of man, that he should suffer many things and be treated with contempt? 13 But I tell you that Elijah has come, and they did to him whatever they pleased, as it is written of him.”

Thứ Bảy     18-2           Đây là Con yêu dấu của Ta – Hãy nghe lời Người

 

Mc 9,2-13

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.11 Các ông hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước? “12 Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

Meditation: 

 

Are you prepared to see God’s glory? God is eager to share his glory with us! We get a glimpse of this when the disciples see Jesus transfigured on the mountain. Jesus’ face changed in appearance and his clothing became dazzling white (Mark 9:2,3). 

When Moses met with God on Mount Sinai the skin of his face shone because he had been talking with God (see Exodus 34:29). Paul says that the Israelites could not look at Moses’ face because of its brightness (2 Corinthians 3:7). In the Gospel account Jesus appeared in glory with Moses, the great lawgiver of Israel, and with Elijah, the greatest of the prophets, in the presence of three of his beloved apostles – Peter, James, and John. 

What is the significance of this mysterious appearance? Jesus went to the mountain knowing full well what awaited him in Jerusalem – his betrayal, rejection and crucifixion. Jesus very likely discussed this momentous decision to go to the cross with Moses and Elijah. God the Father also spoke with Jesus and gave his approval: This is my beloved Son; listen to him. The Father glorified his son because he obeyed. The cloud which overshadowed Jesus and his apostles fulfilled the dream of the Jews that when the Messiah came the cloud of God’s presence would fill the temple again (see Exodus 16:10, 19:9, 33:9; 1 Kings 8:10; 2 Maccabees 2:8). 

The Lord wants to share his glory with each of us

The Lord Jesus not only wants us to see his glory – he wants to share this glory with us. And Jesus shows us the way to the Father’s glory: follow me – obey my words – take the path I have chosen for you and you will receive the blessings of my Father’s kingdom – your name will be written in heaven.

 Jesus succeeded in his mission because he went to Calvary so that Paradise would be restored to us once again. He embraced the cross to obtain the crown of glory that awaits each one of us, if we will follow in his footsteps.

Origen of Alexandria (185-254 AD), an early church bible scholar and writer, shows us how the transfiguration can change our lives: 

“When he is transfigured, his face also shines as the sun that he may be manifested to the children of light who have put off the works of darkness and put on the armor of light, and are no longer the children of darkness or night but have become the sons of day, and walk honestly as in the day. Being manifest, he will shine unto them not simply as the sun, but as demonstrated to be the sun of righteousness.”

Stay awake spiritually – Don’t miss God’s glory and action 

Luke’s Gospel account tells us that while Jesus was transfigured, Peter, James, and John were asleep (Luke 9:32)! Upon awakening they discovered Jesus in glory along with Moses and Elijah. How much do we miss of God’s glory and action because we are asleep spiritually?  There are many things which can keep our minds asleep to the things of God: Mental lethargy and the “unexamined life” can keep us from thinking things through and facing our doubts and questions. The life of ease can also hinder us from considering the challenging or disturbing demands of Christ.  Prejudice can make us blind to something new the Lord may have for us. Even sorrow can be a block until we can see past it to the glory of God. 

Are you spiritually awake? Peter, James, and John were privileged witnesses of the glory of Christ. We, too, as disciples of Christ are called to be witnesses of his glory. We all, with unveiled face, beholding the glory of the Lord, are being changed into his likeness from one degree of glory to another; for this comes from the Lord who is the Spirit (2 Corinthians 3:18). The Lord wants to reveal his glory to us, his beloved disciples. Do you seek his presence with faith and reverence?                                      

“Lord Jesus, keep me always alert and awake to you, to your word, your action, and your daily presence in my life. Let me see your glory.”

Suy niệm:

 

Bạn có sẵn sàng nhìn thấy vinh quang của Chúa chưa? Thiên Chúa mong muốn chia sẻ vinh quang của Người với chúng ta! Chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về điều này khi các môn đệ nhìn thấy Đức Giêsu biến hình trên núi. Khuôn mặt của Đức Giêsu biến dạng và y phục của Người trở nên trắng sáng (Mc 9,2-3).

Khi Môisen gặp gỡ Chúa trên núi Sinai, da mặt ông chiếu sáng, bởi vì ông được nói chuyện với Thiên Chúa (Xh 34,29). Thánh Phaolô nói rằngdân Israel không thể nhìn vào mặt ông Môisen, bởi vì ánh sáng của nó (2Cor 3,7). Trong câu chuyện Tin Mừng, Đức Giêsu hiện ra trong vinh quang với Môisen, người lập luật vĩ đại của dân Israel, và với Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong các ngôn sứ, trước sự hiện diện của ba vị tông đồ yêu dấu của Người: Phêrô, Giacôbê, và Gioan.

Ý nghĩa của sự xuất hiện thần bí này là gì? Đức Giêsu lên núi và biết rõ những gì đang chờ Người ở Giêrusalem – sự phản bội, chống đối, và đóng đinh của Người. Đức Giêsu dường như thảo luận quyết định đi tới thập giá quan trọng này với Môisen và Êlia. Chúa Cha cũng nói với Đức Giêsu và cùng với sự chứng nhận: Đây là con yêu dấu của Ta, hãy vâng nghe lời Người. Chúa Cha cho Con của Người được vinh quang vì Người vâng phục. Đám mây che phủ Đức Giêsu và các tông đồ đã thực hiện giấc mơ của người Dothái rằng khi Đấng Mêsia đến, đám mây của sự hiện diện của Chúa sẽ bao phủ đền thờ một lần nữa       (Xh 16,10; 19,9; 33,9; 1V 8,10; 2Mcb 2,8).

 Chúa muốn chia sẻ vinh quang của Người cho mỗi người chúng ta

Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta nhìn thấy vinh quang của Người – Người muốn chia sẻ vinh quang này với chúng ta. Và Đức Giêsu chỉ cho chúng ta con đường tới vinh quang của Cha: hãy theo Ta – vâng lời Ta – đi theo con đường Ta đã chọn cho con và con sẽ nhận lãnh các phúc lành của vương quốc của Cha – và tên con sẽ được ghi trên trời.

Đức Giêsu thành công trong sứ mạng vì Người đi tới núi Canvê để Thiên đàng được trả lại cho chúng ta một lần nữa. Người ôm lấy thập giá để có được triều thiên vinh quang đang chờ đợi mỗi người chúng ta, nếu chúng ta đi theo dấu chân của Người.

Ôrigênê thành Alexandria (185-254 AD), nhà chú giải Kinh thánh ở giáo hội sơ khai, cho chúng ta thấy sự biến hình có thể thay đổi đời sống chúng ta như thế nào:

“Khi Người biến hình, mặt Người cũng chiếu sáng như mặt trời, đến nỗi Người có thể được biểu lộ cho con cái sự sáng, những người từ bỏ những công việc của bóng tối, và mang lấy áo giáp sự sáng, và không còn là con cái của bóng tối hay đêm đen nữa, nhưng trở nên con cái ban ngày, và mạnh dạn bước đi như giữa ban ngày. Rõ ràng, Người sẽ chiếu sáng trên họ không chỉ đơn giản như mặt trời, nhưng như sự biểu lộ của mặt trời công chính”.

Hãy tỉnh thức – Đừng bỏ qua vinh quang và hành động của Thiên Chúa

Tin mừng Luca kể lại cho chúng ta rằng khi Đức Giêsu biến hình, Phêrô, Giacôbê, và Gioan đang ngủ (Lc 9,32)! Khi thức dậy, họ thấy Đức Giêsu trong vinh quang với Môisen và Êlia. Biết bao lần chúng ta đã bỏ qua sự vinh quang và hành động của Chúa, bởi vì linh hồn chúng ta đang ngủ? Có nhiều thứ có thể làm cho tâm trí chúng ta mê ngủ trước những việc của Thiên Chúa: tính thờ ơ của tinh thần, và “cuộc đời không kiểm điểm” có thể ngăn cản chúng ta không suy nghĩ đến các việc một cách thấu đáo, khi đứng trước những hoài nghi và vấn nạn. Cuộc sống dễ dãi cũng có thể  ngăn cản chúng ta không suy nghĩ tới những lệnh truyền đòi hỏi hay khó chịu của Đức Kitô. Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng trước những điều mới mẽ mà Chúa muốn cho chúng ta biết. Thậm chí đau khổ có thể là chướng ngại vật cho tới khi chúng ta nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa đàng sau nó.

Tâm hồn bạn có tỉnh thức không? Phêrô, Giacôbê, và Gioan đã được diễm phúc chứng kiến vinh quang của Đức Kitô. Chúng ta, các môn đệ của Đức Kitô, cũng được mời gọi làm chứng cho vinh quang của Người. Như vậy, tất cả chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí (2Cor 3: 18). Thiên Chúa muốn tỏ lộ vinh quang của Người cho chúng ta, là các môn đệ yêu dấu của Người. Bạn có tìm kiếm sự hiện diện của Chúa với lòng tin và lòng sốt mến không?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con luôn tỉnh thức với Chúa, với lời Chúa, với hành động của Chúa, và với sự hiện diện hằng ngày của Chúa trong cuộc đời con. Xin Chúa cho con được thấy vinh quang của Người.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây