Thứ Sáu đầu tháng, tuần 7 thường niên.

Thứ năm - 28/02/2019 07:39

Thứ Sáu đầu tháng, tuần 7 thường niên.

"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

 

Lời Chúa: Mc. 10, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ.

Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị".

Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".

 

 

Suy Niệm 1: Mối giây bất khả phân ly

Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.

Trước hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ, một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.

Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi". Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.

Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau, có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.

Chính vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.

Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Tình yêu, thực phẩm mau hư?

Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ nói thế là để thử Người.

“Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc. 10, 2. 9)

Nền văn minh của chúng ta đã phát triển khả quan lãnh vực thực phẩm. Từ ngữ lương thực mau hư ngày xưa ám chỉ những thực phẩm rất dễ hư thối như: rau cỏ, trái cây, v.v….Thật là điều lạ: kỹ thuật tân tiến tìm cách bảo quản những thực phẩm dễ hư này bằng kỹ thuật đông lạnh, nhưng xã hội tiêu thụ thì lại làm cho những vật không hư hóa ra mau hư. Người ta nghĩ và làm ra những sản phẩm để rồi những sản phẩm ấy lại mau chóng được thay thế bằng những sản phẩm khác. Có những áo dài giấy, những tấn lưỡi dao bào, những bật lửa máy bị “đổ tháo đi.” Nền văn minh “sính-cái-mới”, thích-sắm-sửa, ưa-giục-bỏ! Cái não trạng tiềm ẩn ở bên dưới cách sống này có nguy cơ làm ô nhiễm những quan hệ của con người, làm cho những quan hệ ấy trở nên mau hư. Tình yêu giữa con người trở nên mau hư, hôn nhân, một vấn đề phải giục bỏ, bởi lẽ làm lại cuộc sống với một người khác thì dễ hơn là xây dựng lại những quan hệ đã sứt mẻ với người bạn đời của mình.

Câu trả lời của Chúa Giêsu

Câu hỏi của những người Pharísiêu phản ánh cái não trạng ưa tạm thời, thích mới nới cũ này. Cứ theo mặt chữ thì đây đúng là một câu hỏi của người tiêu thụ: “Thưa Thầy, người ta có được phép (dục) bỏ vợ mình không?” Nói cách khác, tình yêu con người có mau hư không? Câu hỏi thừa, vì luật Mô-sê đã có ghi khoản này cho cặp vợ chồng Do thái. Chỉ cần thời gian ăn xong một bữa cơm là có được tờ giấy ly dị. Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là đưa những người chất vấn mình trở về với luật Mô-sê. Rồi Người giải thích điều luật cho phép đó bằng lời này: “Chính vì các ông lòng dạ chai đá …”

Chúa Giêsu sẽ khẳng định điều luật căn bản này, dựa vào sách Sáng Thế: “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ”. Có nghĩa là con người là một sinh vật có những quan hệ với nhau, rằng, để hiện hữu như là người, con người phải đồng-hiện hữu, nghĩa là cùng sống với người khác: “Không nên để con người sống một mình.” Con người cần một người khác để sống với. Và ước muốn này rất mạnh, thậm chí: ”người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình.”

Thiên Chúa muốn cho tình yêu vợ chồng lớn hơn cả tình yêu đối với cha mẹ nữa. Kết quả khác nữa là hai vợ chồng “sẽ thành một xương một thịt.”, nghĩa là “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì thế, không một quyền lực nào của loài người được phép phân ly hai người đã nhờ hôn nhân mà nên một. Cũng như chỉ có sự chết mới phá vỡ được sự duy nhất của con người thế nào, thì cũng chỉ có một sự chết mới cắt đứt được mối giây ràng buộc hai người nam nữ đã nên một mà thôi.

“Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

 

Suy Niệm 3: THIÊN CHÚA KHÔNG LY DỊ CON NGƯỜI! (Mc 10,1-12)

Nói về sự chung thủy trong hôn nhân Công Giáo, nhiều người đã không khỏi khó chịu và buông theo những lời chê bai như: Giáo Hội không thích ứng với thời đại; Giáo Hội là một bà già; Giáo Hội bảo thủ...

Khi nhận định như thế, người ta đòi Giáo Hội phải duyệt xét lại vấn đề hôn nhân. Một mặt họ muốn dễ dãi, không muốn ràng buộc. Mặt khác, người ta muốn coi đời sống hôn nhân như là một sự thỏa thuận thuần túy con người, tức là giảm thiêng.

Tuy nhiên, Giáo Hội từ bao đời vẫn luôn trung thành với Giáo Huấn của Đức Giêsu, người sáng lập nên Giáo Hội mà chúng ta là thành phần trong Giáo Hội ấy. Giáo huấn về hôn nhân được khởi đi từ ý định Thiên Chúa, vì thế, nó thuộc Thiên Luật: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly”.

Nếu chỉ giải thích như thế, hẳn con người thời nay rất khó đón nhận. Nhưng cần thêm giáo huấn của thánh Phaolô để làm sáng tỏ ý định của Thiên Chúa: “Chồng hãy yêu thương vợ, như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình vì Giáo Hội”.

Thật vậy, Thiên Chúa không từ bỏ con người. Đức Giêsu không ly dị Giáo Hội của Ngài, mặc cho con người và Giáo Hội có những điều trái khuấy.

Sự trung thành trong hôn nhân được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội. Bí quyết của việc sống chung thủy, đó là sự tha thứ. Cần cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa cho mình, thì chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và cùng nhau vượt qua thử thách để sống sự chung thủy trong đời sống hôn nhân.

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đều đã kết ước với Chúa. Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa. Chúa làm chủ và ta là thần dân của Ngài. Từ giao ước đó, chúng ta được mời gọi trung thành giữ giáo huấn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, chúng ta đã bội ước và đã làm cho cuộc hôn nhân thánh của mình bị đứt đoạn.

Nguyên nhân làm cho sự trung thành của chúng ta gãy cánh, đó chính là những tội lỗi, ngờ vực và thiếu tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa khi chúng ta đi tìm những lợi lộc thấp hèn qua những thụ tạo do con người và ma quỷ tạo nên.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết yêu mến luật của Chúa và trung thành với giao ước mà chúng con đã ký kết với Ngài. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Một xương một thịt

Suy niệm :

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”

Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,

và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.

Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng

ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.

Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.

Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở thành một giấc mơ.

Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về chuyện chồng ly dị vợ.

Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).

Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)

để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c. 4).

Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!

Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)

để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.

“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác (c. 8),

mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.

Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6)

và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.

Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 5).

Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật Môsê

và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.

Trong xã hội, văn hóa và Do Thái giáo thời Đức Giêsu,

người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.

Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng,

nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại tình đối với chồng,

và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.

Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một món hàng,

mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.

Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng với chồng,

nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ mà cưới vợ khác

thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ (c. 11).

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.

Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.

Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.

Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng

mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.

Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.

Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,

khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,

khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,

khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…

khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.

Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,

bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…

để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,

xin Cha nhìn xuống

những gia đình sống trên mặt đất

trong những khu ổ chuột tồi tàn

hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến

những gia đình thiếu vắng tình yêu

hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,

những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ

hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục

vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,

những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương

những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,

những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,

những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ

từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,

từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu

đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;

nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ

hạnh phúc luôn ở trong tầm tay

của từng người chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, rất quen thuộc đối với chúng ta, một số người Pharisiêu đến hỏi Đức Giêsu: “chồng có được phép rẫy vợ không?” Ngày nay, cả hai vợ chồng đều được mời gọi chia sẻ bổn phận lo cho đời sống gia đình, tùy theo khả năng và hoàn cảnh; vì thế, câu hỏi này phải được nói lại là: vợ chồng có được phép bỏ nhau không? Bởi vì, ngày nay, người vợ cũng có thể chủ động bỏ chồng của mình!

 1. Họ hỏi như thế là để thử Ngài

Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người. (c. 2)

Theo lời kể của tác giả Tin Mừng, những người Pha-ri-sêu hỏi như thế là để thử Đức Giê-su. Thử, nghĩa là đặt người khác vào trong một tình huống khó khăn, để xem người này có nói sai hay hành động sai hay không nhằm kết án, loại trừ, “sa thải”. Thử ở đây tương đương với hành động giăng bẫy.

Và câu hỏi của những người Pharisiêu thực sự là một cái bẫy chết người; thực vậy, nếu Ngài trả lời không được phép, Ngài sẽ nói ngược với Luật Môsê; nếu trả lời được phép, Ngài sẽ trở thành người đồng lõa với tệ nạn lạm dụng sự cho phép của Lề Luật để rẫy vợ bừa bãi.

Các Tin Mừng nói với chúng ta rằng những người Pharisiêu nhiều lần đến hỏi để thử Đức Giêsu; và đủ nhiều để chúng ta có thể kết luận rằng, đây một trong những đặc điểm trong cách hành xử của họ, hay nói cách khác, họ có “cái thú” dò xét, giăng bẫy nhằm tố cáo tội của người khác, và nếu dò xét và giăng bẫy không ra tội, họ sẽ vu cáo. Thế mà, theo sách Khải Huyền, “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi khác của Satan:

Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì kẻ tố cáo anh em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài. 
(Kh 12, 10)

 2. Sự Dữ và Lề Luật

Để tố cáo, phải dựa vào Lề Luật, nói đúng hơn là phải sử dụng Lề Luật như phương tiện để dò xét, giăng bẫy; trong khi Luật là “tốt và thánh”, nghĩa là Luật được ban từ sự sống và cho sự sống. Thánh Phao-lô trong thư Roma, chương 7, nói rằng, Tội dùng Lề Luật như cái đà để phóng tới (x. Rm 7, 7-13). Chính vì thế Đức Giê-su buộc họ phải phô bày ra phương tiện gài bẫy của họ, đó là Luật cho phép rẫy vợ của Môsê: “Môsê đã cho phép viết giấy li dị mà rẫy vợ” (c. 4; x. Đnl 24, 1). Đặt vào bối cảnh lịch sử, thực ra Luật này là một tiến bộ, đặc biệt theo hướng tôn trọng người phụ nữ: thay vì đuổi vợ bừa bãi, thì người chồng phải viết chứng thư, trao tận tay để nàng có thể làm lại cuộc đời.

Nhưng Đức Giêsu, một cách thật bất ngờ, mặc khải cho người nghe thực trạng mà từ đó luật được ban hành, thực trạng mà Đức Giê-su gọi là “lòng chai dạ đá” của con người. Luật được ban, điều này có nghĩa là “cái xấu”, sự dữ đã có mặt. Chẳng hạn luật cấm giết người, điều này có nghĩa là người ta đã giết người trong thực tế! Điều này đúng cho mọi Lề luật, xưa cũng như nay, đời cũng như đạo.

Như thế Lề Luật chỉ giới hạn và ngăn cản, như cái đê chắn sóng nước hung dữ, chứ không thể giải quyết tận căn sự dữ có trong lòng con người, gây tai hại cho đời sống con người, trong đó có đời sống hôn nhân và gia đình; hơn nữa, trong thực tế, chính khi nại đến Luật, để biết được phép hay không được phép, thì giao ước, tình yêu, lòng trung thành, tương quan hiệp nhất đang bị tổn thương và có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Điều lạ lùng là khi có lề luật, cái xấu không bớt, nhưng lại càng sinh sôi (x. Rm 7, 7-13), như chúng ta thấy hiện nay trong mọi lĩnh vực, bởi vì người ta thường lợi dụng lề luật để thực hiện ý đồ xấu của mình.

3. Trở về nguồn gốc: ơn sủng và tình yêu

Đức Giêsu quan tâm đến cái xấu đang có mặt trong lòng con người, và mời gọi chúng ta giải quyết tận căn bằng cách trở về với nguồn gốc.

  • Ở nguồn gốc, không có lề luật, chỉ có ơn sủng nhưng không tuyệt đối: người phụ nữ là một tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, ban không cho người đàn ông; và ngược lại, người đàn ông, vốn là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, được ban không cho người phụ nữ. Người phụ nữ là tuyệt tác, vì được dựng nên từ xương thịt con người, vốn là tinh hoa của sáng tạo; trong khi đó, người đàn ông được dựng nên từ bùn đất, tương tự như loài vật! Vì thế, người phụ nữ được gọi là phái đẹp và tượng trưng cho sự dịu dàng và hiền lành; trong khi đó, phái nam có cùng nguồn gốc với với loài vật, nên gần với thú tính (x. St 2).
  • Ở nguồn gốc, là tình yêu hai người dành cho nhau một cách quảng đại và nhưng không, cùng với lời cam kết thuộc về nhau vĩnh viễn, vì cả hai một cách tự do, trở nên “một xương một thịt”.

Nguồn gốc của sáng tạo là ơn sủng và tình yêu, và ở ngọn nguồn của mỗi đôi hôn nhân cũng như vậy, cũng là ơn sủng và tình yêu. Bởi vì người con trai hay người con gái đã làm gì cho người kia, mà người này lại tự nguyện thuộc về mình suốt đời, tự nguyện cho đi, trao vào tay người kia cuộc đời mình? Xóa bỏ hay quên đi tình yêu nhưng không ban đầu này, đời sống hôn nhân sẽ không còn nền móng, và sẽ mau chóng đổ vỡ. Bởi vì, đời sống hôn nhân không thể chỉ đặt nền tảng trên lề luật, cho phép hay không cho phép, nhưng đặt nền tảng trên ơn sủng, ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban người kia cho mình, ơn sủng nhưng không của người này trao ban cho người kia; và từ đó phát sinh lời cam kết vĩnh viễn thuộc về nhau, cho dù cuộc đời bể dâu.

Vợ chồng chọn nhau, nhưng còn được mời gọi đón nhận nhau như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, trong một Giao Ước được Thiên Chúa đóng ấn vĩnh cửu. Tình yêu và Giao Ước của Thiên Chúa mới là đá tảng vững bền cho đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, cảm xúc của chúng ta hay giao động và không ổn định. Như thế, lời của Đức Giê-su mở ra cho chúng ta con đường để vượt qua những vấn đề hôn nhân một cách triệt để: không chỉ dựa trên lề luật để ràng buộc nhau, nhưng loại bỏ ý muốn chia li ngay trong lòng, dựa trên kinh nghiệm sâu đậm về ân sủng và tình yêu nhận được và sống bằng tâm tình biết ơn và ca tụng.

*  *  *

Và ơn gọi tu trì của chúng ta cũng phải dựa trên một nền tảng như thế, nghĩa là không thể chỉ dựa trên lề luật liên quan đến đời tu, nhất là ba lời khấn, nhưng trên kinh nghiệm về Thiên Chúa và tình yêu của Người ở ngọn nguồn, cũng như trong mỗi ngày sống của đời sống dâng hiến: ở ngọn nguồn là ơn huệ nhưng không Chúa ban, và chúng ta liều mình đáp lại vĩnh viễn và qua từng ngày sống, với lòng cảm mến.

Lời cam kết tình yêu của Thiên Chúa là Chân Lý, nghĩa là luôn luôn đúng, vì: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Lời cam kết của chúng ta cũng được mời gọi trở nên chân lí, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Song ngữ

 

Friday (March 01): What God has joined together

 

Scripture: Mark 10:1-12

1 And he left there and went to the region of Judea and beyond the Jordan, and crowds gathered to him again; and again, as his custom was, he taught them. 2 And Pharisees came up and in order to test him asked, “Is it lawful for a man to divorce his wife?” 3 He answered them, “What did Moses command you?” 4 They said, “Moses allowed a man to write a certificate of divorce, and to put her away.” 5 But Jesus said to them, “For your hardness of heart he wrote you this commandment. 6 But from the beginning of creation, `God made them male and female.’ 7 `For this reason a man shall leave his father and mother and be joined to his wife, 8 and the two shall become one flesh.’ So they are no longer two but one flesh. 9 What therefore God has joined together, let not man put asunder.” 10 And in the house, the disciples asked him again about this matter. 11 And he said to them, “Whoever divorces his wife and marries another, commits adultery against her; 12 and if she divorces her husband and marries another, she commits adultery.”

Thứ Sáu 01.03       Ðiều gì Thiên Chúa đã liên kết

 

 Mc 10, 1-12

1 Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? “4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

 

Meditation: 

 

What is God’s intention for our state in life, whether married or single? Jesus deals with the issue of divorce by taking his hearers back to the beginning of creation and to God’s plan for the human race. In Genesis 2:23-24 we see God’s intention and ideal that two people who marry should become so indissolubly one that they are one flesh. That ideal is found in the unbreakable union of Adam and Eve. They were created for each other and for no one else. They are the pattern and symbol for all who were to come.

We belong to God and not to ourselves

Jesus explains that Moses permitted divorce as a concession in view of a lost ideal. Jesus sets the high ideal of the married state before those who are willing to accept his commands. Jesus likewise sets the high ideal for those who freely renounce marriage for the sake of the kingdom of heaven (Matthew 19:11-12). Both marriage and celibacy are calls from God to live a consecrated life, that is to live as married couples or as singles who belong not to themselves but to God. Our lives are not our own – they belong to God (1 Corinthians 6:19b,20; Romans 14:7-8). 

The Lord Jesus through the gift of the Holy Spirit gives the grace and the power to those who seek to follow his way of holiness in their state of life. His grace and power bring freedom, discipline, and strength to live a life of love, joy, and holiness. Do you seek the Lord and his grace (his strength and power) in your state of life?

“Lord Jesus Christ, your call to holiness extends to all in every state of life. Sanctify our lives – as married couples and as singles – that we may live as men and women who are consecrated to you. Make us leaven in a society that disdains life-long marriage fidelity, chastity, and living single for the Lord”.

Suy niệm:  

 

Ý định của Thiên Chúa dành cho cuộc đời bạn là gì, cho dù ở bậc sống gia đình hay độc thân? Chúa Giêsu giải quyết vấn đề li dị bằng cách đưa người nghe trở về thuở ban đầu tạo dựng, và ý định của Thiên Chúa dành cho con người. Nơi chương 2,23-24 sách Sáng thế, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa là hai người cưới nhau sẽ không thể chia lìa, đến nỗi họ trở nên một huyết nhục. Lý tưởng đó được tìm thấy nơi sự kết hợp không thể chia cắt giữa Ađam và Evà. Họ được tạo dựng cho nhau, chứ không cho một ai khác. Họ là kiểu mẫu và biểu tượng cho tất cả thế hệ mai sau.

Chúng ta thuộc về TC chứ không thuộc về mình

Đức Giêsu giải thích rằng ông Môisen cho phép người ta ly dị như một sự nhượng bộ bởi vì lý tưởng đã mất. Đức Giêsu đưa tình trạng hôn nhân lên một địa vị cao trọng trước những ai sẵn sàng chấp nhận các giới răn của Người. Đức Giêsu, cũng đề cao lý tưởng cho những ai tình nguyện từ bỏ đời sống hôn nhân để sống vì nước Trời (Mt 19,11-12). Cả hai bậc sống: hôn nhân và độc thân đều là ơn gọi từ Chúa để sống một đời sống thánh thiện, nghĩa là sống như đôi vợ chồng với nhau hay như những người sống độc thân, không phải sống cho mình nhưng sống cho Thiên Chúa. Sự sống của chúng ta không phải là của riêng mình, nhưng nó thuộc về Chúa (1Cor 6,19b; Rm 14,7-8).

 

Chúa Giêsu ngang qua hồng ân của Chúa Thánh Thần  ban ơn sủng và sức mạnh cho những ai muốn bước theo đường lối thánh thiện của Người trong bậc sống của mình. Bạn có tìm kiếm Chúa và ơn sủng của Người (sức mạnh và quyền năng của Người) trong bậc sống của bạn không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, lời mời gọi nên thánh của Chúa dành hết cho mọi bậc sống. Xin Chúa thánh hóa cuộc sống chúng con, hôn nhân cũng như độc thân, để chúng con có thể sống như những con cái được thánh hiến cho Chúa. Xin Chúa làm cho chúng con nên men trong một xã hội coi rẻ tính chung thủy của bậc sống hôn nhân, đức trong sạch. Để chúng con sống cho một mình Chúa thôi.

 

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây