THỨ BẢY TUẦN III PHỤC SINH
Ga 6,60-69
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
60 Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” 61 Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư ?
62 Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao ? 63 Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì ? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. 64 Nhưng trong các ngươi có một số không tin”.
Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”.
66 Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. 67 Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không ?”
68 Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai ? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”.
SUY NIỆM: THẦN KHÍ VÀ SỰ SỐNG
Khi Chúa nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Người ta lẩm bẩm kêu trách Chúa. Vì họ hiểu theo xác thịt. Theo xác thịt, làm sao có thể ăn được thịt Chúa. Chúa cho biết: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Lời Chúa là thần khí. Nên phải “ăn” bằng tin tưởng. Nhập tâm. Tiêu hoá. Và biến thành sức sống.
Phê-rô được Thần Khí linh hứng nên đã tin và tuyên xưng: “Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời”.
Sau ngày Phục sinh, thánh Phê-rô đã hiểu rõ chân lý ấy. Và đã cảm nghiệm sâu xa. Phê-rô để Chúa chiếm đoạt. Ông hoàn toàn tin nhận. Ông hoàn toàn từ bỏ mình. Ông sống nhờ Chúa. Sự sống của Chúa mãnh liệt trong ông. Ông không có gì. Nhưng Chúa có tất cả. Vì thế, khi gặp người què từ thuở mới sinh ông nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi”. Lập tức, “anh đứng phắt dậy, đi lại được” (Cv 3,6.8).
Sự sống của Chúa mãnh liệt trong ông. Nên ông làm cho người khác được sống lại. Đến thăm “Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê liệt. Ông Phê-rô nói với anh ta: “Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi. Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy”. Lập tức anh đứng dậy”.
Đến thăm bà Ta-li-tha Linh Dương đã chết, Phê-rô “quỳ xuống cầu nguyện.. và ra lệnh: “Bà Ta-li-tha, hãy đứng dậy”. Bà ấy mở mắt ra… và ngồi dậy”.
Thật lạ lùng sức mạnh của Lời Chúa. Quả thật Lời Chúa là thần khí và sự sống. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Phê-rô đã tin. Đã lắng nghe. Đã nhập tâm. Đã tiêu hoá. Chúa trở thành sự sống trong ông. Ông lại dùng mà làm cho người khác được sống.
Ta hãy biết noi gương Phê-rô thưa với Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM:
Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh từ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn mà còn dư lại mười hai thúng đầy, dân chúng bị choáng ngợp, họ muốn tôn Chúa lên làm vua. Họ phản ứng như thế do sự phấn khích và cũng là để mong được Chúa đáp ứng những nhu cầu thường ngày. Chúa Giêsu biết điều đó, và để tránh những hiểu lầm, Chúa đã lánh đi một nơi khác. Tin Mừng Thánh Gioan thuật lại : “họ lên thuyền đi Capharnaum tìm Ngài”. Họ gặp lại Chúa trong bầu khí thanh thản hơn, Chúa muốn hướng họ đến một điều gì mới mẻ hơn chứ không phải chỉ dừng lại ở những thứ họ đang tìm kiếm. Chúa giải thích cho họ, không phải là : con người phải làm gì để Thiên Chúa ban cho mình những thứ vật chất thường ngày, mà là : Thiên Chúa đang làm gì trong đời sống con người, những công việc Thiên Chúa làm là để đưa con người đến được với ơn cứu độ. Chúa muốn hướng họ, từ Manna trong hành trình về đất hứa, đến Bánh Hằng Sống là chính Thịt và Máu Chúa trên hành trình về Nước Trời, từ lương thực thiết yếu nuôi thân xác đời này đến lương thực thần linh cho sự sống đời đời; từ vật chất sang tinh thần, từ trần thế sang thiêng liêng, từ thực nghiệm sang lãnh vực đức tin luôn là một thách thức mà con người phải vượt qua nếu muốn gặp được Thiên Chúa.
Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay cho thấy, nhiều môn đệ Chúa Giêsu không thể đón nhận được những lời Chúa dạy khi Chúa nói với họ : “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”. Họ chưa thực sự mở lòng mình ra để có thể đón nhận được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện để cứu độ con người, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.(x.Lc 1,37).
Đời sống của Kitô hữu đặt căn bản trên niềm tin Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong cuộc sống con người, đang hiện diện trong Giáo hội, đang tác động trên các Bí Tích và Ngài hiện diện cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh thể. Quyền năng Thánh Thần Chúa đã biến đổi bánh thành Thịt Chúa và rượu thành Máu Chúa, nhiệm tích này Chúa Giêsu đã thực hiện trong bữa tiệc sau hết với các môn đệ và đã truyền phải cử hành để nhớ đến Ngài. Niềm tin vào Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta mỗi ngày gắn bó hơn với Đức Kitô, Ngài chính là hiện thân của Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Sự gắn bó này không chỉ là sự gần gũi, liên kết bên ngoài mà là sự kết hợp trọn vẹn, nên một giữa ta với Chúa, thực hiện điều chúa mong ước : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Chúa ở trong mỗi người chúng ta và trong Bí tích Thánh Thể để người môn đệ được biến đổi nên giống Thầy mình như Thánh Phaolô nói : “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(Rm 8,39).
Niềm tin vào Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể là nền tảng cho đời sống đạo của kitô hữu trong Giáo hội, vì nếu như chúng ta, một khi không tin Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể, thì khi đó chúng ta cũng không tin vào tình yêu, quyền năng và sự hiện diện của Người nơi Giáo hội là Thân Thể mầu nhiệm mà Chúa Giêsu là Đầu. Vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và Giáo Hội lúc đó, chỉ còn được nhìn như là một cơ chế mang tính con người với những hệ luỵ “không thể nuốt nổi”, nhưng trái lại, Giáo hội phải là Giáo hội của Chúa Kitô: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ .
Nhờ đức tin, chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để Ngài củng cố đời sống đức tin của mỗi người chúng ta ngày càng vững mạnh hơn, hiệp thông trong Giáo hội mỗi ngày một bền chặt hơn, thúc đẩy chúng ta hăng hái ra đi loan Tin Mừng Cứu Độ.
“Đẹp thay trên các núi non
Chân người sứ giả, kẻ loan Tin mừng”
Lm. Đa-minh Đỗ Hữu Nam
SUY NIỆM: CHẤP NHẬN HAY BỎ CHÚA
1. Kết quả của bài giáo lý về Thánh Thể: chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau trước những lời giảng của Đức Giêsu. Một bên, nhiều môn đệ rút lui, không theo Ngài nữa vì thấy chướng tai quá, không thể chấp nhận nổi. Một bên, Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai tuyên xưng và tin nhận rằng chỉ có Chúa mới là lý tưởng, chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống, và họ đi theo Ngài.
2. Bốn bài giảng liên tiếp về Bánh Hằng Sống của Đức Giêsu đã tạo ra nhiều phản ứng nơi những cử tọa Do thái. Khi Ngài tiết lộ cho họ biết Ngài có Bánh Hằng Sống, ăn vào sẽ không đói khát nữa, họ liền xin Ngài cho họ thứ bánh đó. Tiến thêm một bước, Ngài cho họ biết Bánh đó chính là Ngài từ trời xuống, họ có phản ứng chống lại ngay vì họ cho rằng Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse ở Nazareth, làm sao lại có chuyện đó được? Nhưng khi Đức Giêsu cho họ biết Bánh Hằng Sống đó chính là thịt máu Ngài, phải ăn thì mới có sự sống trong mình, thì họ có phản ứng kịch liệt vì họ cho đây là một việc tởm gớm không thể chấp nhận được. Thậm chí, cả một số môn đệ cũng có phản ứng tương tự: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được”. Kết quả là một số môn đệ bỏ đi, không theo Ngài nữa.
3. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta, là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các Tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc.
Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn vế đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo hội. Nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy sự khác biệt giữa bánh chưa truyền phépvà bánh đã được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Đức Giêsu trong phép Thánh Thể.
4. Phần chúng ta, chúng ta có thái độ nào trước mạc khải của Đức Giêsu về Bí tích Thánh Thể? Lời Đức Giêsu hỏi các môn đệ ngày xưa cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta hôm nay: “Chúng con có muốn bỏ đi không”? Tin nhận và sống giáo huấn yêu thương phục vụ của Chúa đã là một điều khó: tin nhận và sống Bí tích Thánh Thể lại càng khó hơn. Tuy nhiên, chúng ta không làm việc đó một mình, bởi vì tin và sống Bí tích Thánh Thể đúng như ý Chúa muốn là một hồng ân của Chúa Cha: “Không ai có thể đến được với Ta, nếu không được Chúa Cha ban cho”.
5. Về vấn đề lựa chọn có theo Chúa hay không thì chính chúng ta phải đích thân lựa chọn và phải sống trung thành với sự lựa chọn đó: Đứng lại với Chúa, không phải chỉ vì thấy người khác còn đứng lại vì chưa gặp dịp thuận tiện để tháo lui. Nhưng đứng lại với Chúa vì tin Ngài là Đấng có lời ban sự sống đời đời, không còn ai khác để mình đi theo.
Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đi theo Đức Kitô, chúng ta tin Ngài là Đấng không những ban cho chúng ta sự sống đời này mà còn ban sự sống đời đời nữa. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ: Sự sống đời đời không phải chỉ là sự sống đời sau, nhưng đến cùng Chúa, tin vào Chúa và ăn thịt máu Chúa là chúng ta đã được sự sống đời đời ngay từ bây giờ, bởi vi mỗi lần rước Chúa là chúng ta rước lấy mầm sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu. Cho nên, chúng ta hãy siêng năng rước Chúa và rước Chúa thật sốt sắng.
6. Truyện: Quyết theo chân Chúa.
Odette, một cô gái đẹp sinh ra trong một gia đình quí tộc nước Bỉ, năm 17 tuổi cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ đến bắt cô trở về. Từ lâu, ông bà đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon thuộc lâu đài gần đó.
Vốn biết cô con gái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm chuẩn bị hôn lễ, các thiệp mời được kín đáo gửi đi và sự chuẩn bị đều giữ bí mật cho đến giờ chót.
Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vén màn nhìn qua cửa sổ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đài. Hỏi ra, cô mới biết ngưới ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Xong, họ đưa cô xuống nhà nguyện tư của lâu đài. Giám mục của vùng và linh mục tuyên úy lâu đài đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.
Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có ưng nhận Simon làm chồng theo luật Giáo hội không? Cô dõng dạc tuyên bố:
- Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng bởi vì tình yêu của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào có thể tách rời con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con.
Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng. Và kìa, Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không còn ai cấm con đi tu nữa”.
Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép nhập tu viện. Ba năm sau đó được bầu làm tu viện trưởng mới 23 tuổi.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM:
Hôm nay, sau diễn từ về Thánh Thể, nhiều người và ngay cả các môn đệ đã phản ứng: “Lời này chướng tai quá ai mà nghe được”. Thế rồi đã có nhiều môn đệ rút lui không theo Chúa nữa.
Với sự phản ứng này này, chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải dễ dàng mà có đức tin được.
Tin vào mầu nhiệm Thánh Thể thật không dễ dàng chút nào. Nếu ngày xưa nhiều môn đệ không thể chấp nhận được thịt Thầy Giêsu trở thành bánh đem lại sự sống đời đời, thì con người ngày nay cũng khó có thể tin được mầu nhiệm chuyển bản thể (substantia) từ một tấm bánh vẫn còn màu và mùi vị đó lại là Thịt Chúa Kitô.
Chính vì vậy, nếu không được Chúa ban ơn đức tin, thì không thể hiểu được, thậm chí còn là cớ vấp phạm, giống như một số môn đệ xưa phản ứng: “Lời này chói tai quá”.
Phải, làm sao những người nghe Chúa Giêsu có thể tin rằng “người con của bác thợ mộc làng Nazareth kia” lại từ Thiên Chúa mà đến? Và ngày nay làm sao chúng ta có thể tin rằng chúng ta cần Thánh Thể? Chúa Giêsu cho chúng ta biết tại sao Người đã đến: Con Thiên Chúa đến với chúng ta, để sau đó sẽ LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA. Người đã đến từ Thiên Chúa để thông ban cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa, mà sự sống này sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc đời đời trong Thiên Chúa.
Thế giới chúng ta được đổi mới là nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa đã trở LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA, với thân xác nhân loại đã được Thần Khí biến đổi. Con Thiên Chúa đã lên trời với chất người của chúng ta. Đức Kitô là con người nhân loại đầu tiên đạt tới cõi Thiên Chúa. Khi Con Thiên Chúa đi vào vinh quang của Chúa Cha, Người mang trên đôi vai toàn thể thụ tạo mà Người đã đổi mới và thánh hiến.
Thật khó lý giải, nhưng nếu không tin vào mầu nhiệm biến đổi từ bánh thành Mình Chúa, thì cũng không thể hiểu được “con người” đi vào được cõi thần linh. Khi thân xác thần linh của Chúa Giêsu kết hợp với thân xác thụ tạo của chúng ta bằng Mầu Nhiệm Thánh Thể, thì biến đổi chúng ta và đưa thân xác thụ tạo chúng ta vào trong cung lòng Thiên Chúa.
Một số môn đệ Chúa Giêsu và người Do-thái không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể – Thần Linh trong con người hữu hạn.
Thật vậy, họ đã không hiểu được mầu nhiệm Con Thiên Chúa tự nguyện hạ mình và trút bỏ thần tính vinh quang của mình như thế. Người đã trở nên phàm nhân và chết như một tên nô lệ, để sau đó Chúa Cha đưa NGƯỜI TRỞ LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA. Chúng ta cũng vậy, khó lòng chấp nhận được một Thiên Chúa hoạt động giữa chúng ta, và giữa thế giới đầy bất công và tội lỗi đến thế, nhưng vẫn được Thiên Chúa yêu thương, trong lòng một Giáo Hội bất xứng đến vậy nhưng vẫn được Thiên Chúa trọng dụng để thực hiện kế hoạch của Người, đặc biệt trong một lịch sử vô vọng nhưng lại là thời gian chuẩn bị cho Nước Trời.
Điểm sáng nhất mà bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta, là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy Thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc vì Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn về đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông Đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo Hội.
Nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy sự khác nhau giữa bánh chưa truyền phép và được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Dù sao, giữa một thế giới trên dưới 6 tỉ người không tin vào Thánh Thể, thì cũng vẫn còn điểm sáng khích lệ chúng ta là có hơn 1 tỉ Kitô hữu tin vào sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong tấm bánh miến được truyền phép trong thánh lễ mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, mắt phàm chúng con không thể nhận ra Chúa nơi tấm bánh, nhưng đức tin Chúa ban cho chúng con nhận ra bánh miến và rượu nho được dâng trên bàn thờ chính là Thịt và Máu Chúa đã hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con một niềm tin kiên vững, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM: LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Gioan tiếp tục trình bày về bài giảng của Chúa Giêsu tại hội đường Caphácnaum. Sau khi nghe Chúa Giêsu giảng về Bánh Hằng Sống, các môn đệ đã cảm thấy “chướng tai” bởi những lời “khó nghe” của Chúa. Họ đã không chấp nhận những gì Đức Giêsu nói về Bánh Trường Sinh. Cuối cùng họ đã rút lui và không còn theo Người nữa.
Trước thái độ cứng lòng tin của các môn đệ, Chúa Giêsu quay sang hỏi Nhóm Mười Hai. Phêrô đã đại diện anh em trả lời một cách xác tín rằng: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” Thật vậy, lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đã khẳng định rằng Chúa là Đấng không thể thiếu trong cuộc sống của các ông. Bởi ngoài Chúa ra không có ai khác để các ông bước theo. Hơn nữa, không ai khác, chỉ nơi Chúa mới có “Lời đem lại sự sống đời đời.” Quả thế, Lời Chúa là Lời Thần Khí và là sự sống; Lời cứu độ; Lời đem lại niềm vui; Lời biến đổi con người. Phêrô đã nhận ra được Lời Chân Lý ấy là Lời đem lại sự sống đời đời chứ không phải “lời chướng tai” như các môn đệ khác. Vì vậy, những ai tin và đón nhận Lời sẽ không bị thiệt.
Là những Kitô hữu đang bước đi trên hành trình đức tin, chúng ta hãy bắt chước Phêrô tuyên xưng lòng tin của mình. Đồng thời, tín thác vào Đức Giêsu là Ngôi Lời hằng sống. Nhờ đó, chúng ta được thông phần vào sự sống của Người.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Ngôi Lời nhập thể, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe Lời, tin vào Lời và thực hành Lời trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó chúng con được cùng với Lời vui hưởng vinh quang trong Nước Trời. Amen.
Tu sĩ GB. Trần Anh Tuấn, SVD