THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH NĂM C - Ga 10,22-30

Thứ sáu - 09/05/2025 10:59
THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH NĂM C
Ga 10,22-30

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
22 Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. 23 Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. 24 Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”.
25 Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi.
26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. 27 Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.
28 Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. 29 Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. 30 Tôi và Cha Tôi là một”.

SUY NIỆM: CHIÊN CỦA TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI
Lời Chúa hôm nay một lần nữa khẳng định với chúng ta rằng, Chúa Giêsu chính là vị Mục Tử nhân lành, sẵn sàng yêu thương, tha thứ và mang lại cho ta sự sống đời đời.
Tất cả những nét đẹp ấy được minh chứng, khi Chúa Giêsu sẵn sàng bỏ lại 99 con chiên khác, để đi tìm 1 con chiên bị lạc và vui mừng vác trên vai đưa trở về. Tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta tuyệt vời như vậy đó thưa anh anh chị em.
Còn chúng ta là đoàn chiên của Ngài, chúng ta cần phải làm gì để đáp lại tình yêu ấy?
Trước hết, anh chị em hãy có lòng tin vững chắc vào Chúa chúng ta. Chúa Giêsu đã nói rất rõ: “Ai không tin thì không thuộc đoàn chiên của Tôi”. Năm xưa, người Do Thái biết rõ mọi sự nhưng họ không tin. Họ đặt vấn đề với Chúa Giêsu rằng: “Nếu ông là Đấng Ki-tô thì hãy nói công khai cho chúng tôi biết”.
Đức tin mà Giáo Hội muốn chúng ta có không phải theo kiểu lý luận như thế, nhưng là đức tin với lòng cậy trông phó thác; không cần chứng minh, không cần giải thích và lý luận, vì “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Kế đến, anh chị em hãy vâng nghe lời Người. “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Đó là mối tương quan và là điều kiện tất yếu giữa mục tử và đàn chiên.
Nhưng đáng buồn thay, năm xưa con chiên bị lạc; còn ngày hôm nay, có những con chiên cố tình đi lạc, nghĩa là cố tình phất lờ đi những lời dạy của Chúa và Giáo Hội, để làm theo những gì mình muốn, cố tình tách mình ra khỏi đàn chiên Giáo Hội để đi theo con đường của riêng mình.
Chính vì thế, ngày hôm nay chiên lạc không chỉ có “1” mà có đến “99” con, và còn nhiều hơn thế nữa. Để rồi ta mới thấy chỉ có những ai đi trên con đường của Chúa và vâng nghe lời Ngài, mới không bị lầm đường lạc lối mà thôi.
Tóm lại lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ rằng, Chúa chính là mục tử nhân lành, Ngài hết lòng yêu thương chúng ta. Phần chúng ta, hãy luôn vững tin và vâng nghe lời Người.
Và Chúa Giêsu cho biết, những ai làm được như thế thì Ngài sẽ ban cho ta sự sống đời đời, chúng ta sẽ không bao giờ bị diệt vong, và cũng không ai cướp được chúng ta khỏi tay Người. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC CHÚNG
Có những Kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời.
Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn,
nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng.
Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão.
Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ.
Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn
mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày.
Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu.
Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu
không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu.
Được ở trong ràn chiên của Chúa,
không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.
Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10).
Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10).
Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ.
“Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12).
Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê,
nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy.
Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần:
“Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.).
Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá.
Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng.
Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất,
đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên,
thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt.
Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường.
Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha.
Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29).
Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên,
không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29).
Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30).
Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế.
Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ?
Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa.
Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết.
Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

SUY NIỆM:
Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, minh chứng được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu độ nhân loại, kêu gọi mọi người sám hối, và dùng quyền năng làm nhiều phép lạ chữa bệnh, trừ quỷ,…nhưng nhiều người Do Thái vẫn thắc mắc về Ngài, chưa tin Ngài là Đấng cứu độ.
"Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết".
Xem ra lòng tin của người đương thời chưa lay chuyển, chưa thấm sâu và chưa sẵn sàng đón nhận Sứ điệp Tin Mừng, cũng như chưa chấp nhận Đức Giêsu là Chúa Cứu Thế.
Tin Mừng thánh Gioan hôm nay muốn cho thấy Ðức Giêsu vẫn tiếp tục yêu thương con người, và Ngài đã dùng hết quyền năng mà Cha thông ban để lôi cuốn, thuyết phục con người đến với Ngài trong tư thế của người biết vâng phục lắng nghe, tin tưởng phó thác cho Ngài, như những con chiên trong đoàn chiên của vị Mục tử Nhân lành Giêsu. Họ phải đặt mình vào tư thế của con chiên ngoan hiền, mới có thể thấy và nhận ra Đức Giêsu là Đấng yêu thương, chăm sóc và bảo vệ đoàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài. Những con chiên trong đoàn chiên của Chúa là những người nghe và đi theo Chúa: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.“
Họ thuộc về đoàn chiên của Chúa, được Chúa giữ gìn để  không một con nào hư mất, nhưng được ban cho sự sống đời đời. “Ta đển để cho chúng được sống và sống dồi dào”.(Ga 10,10)
Người tín hữu hôm nay không còn thắc mắc hay hoài nghi về Đức Giêsu có phải là Đấng cứu độ được Chúa Cha sai đến nữa. Vì niềm tin của chúng ta là niềm tin của Giáo Hội hơn 2 ngàn năm qua. Niềm tin của chúng ta chắc chắn rằng: Đức Giêsu là Đấng đã chết và đã sống lại thật. Chính nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài thanh tẩy và giải thoát chúng ta khỏi sự chết do tội lỗi của chúng ta và của cả nhân loại. Chính nhờ lòng thương xót của Chúa Cha mà chúng ta được giải thoát và cứu độ.
Bài đọc I trong sách Công vụ tông đồ hôm nay thuật lại: “Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa.” (Cv 11, 22-23)
Đức tin thật sống động trong đời sống của người tín hữu qua mọi thời đại khác nhau. Vì đức tin rất cần thiết để nuôi dưỡng đời sống đạo của chúng ta vào Chúa. Thật vậy, mỗi người chúng ta vẫn đang được Đức Giêsu nuôi dưỡng qua nguồn sự sống thiêng liêng là Lời Chúa và nguồn ân sủng là Bí tích Thánh Thể. Chỉ trong thời gian đại dịch Covid-19 không được tham dự Thánh lễ và rước lễ, khiến chúng ta cảm thấy “thiếu” nguồn sức sống thiêng liêng từ nơi Chúa. Chúng ta mong mỏi đến khi nhà thờ mở cửa, việc cử hành Thánh lễ và các bí tích, việc đọc kinh cầu nguyện…sớm trở lại bình thường, để đến với Chúa, đón nhận sự sống thần linh của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tin tưởng và hy vọng nơi Chúa, và xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu Chúa cả trong những lúc gặp khó khăn thử thách, để nhận ra bàn tay yêu thương và quan phòng của Chúa luôn mãi. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang

SUY NIỆM: CHIÊN CỦA TA THÌ NGHE TIẾNG TA
Câu chuyện
Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào cuối thế kỷ II rằng: “Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn đàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.
Chúa Kitô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa (Theo Lm. Hồng Phúc).
Suy niệm
Tình thương của Thiên Chúa qua hình ảnh mục tử trải qua bao năm tháng luôn tràn đầy như Thánh Vịnh đã nhấn mạnh: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 22,6). Hôm qua, hôm nay và qua mọi thời, Thiên Chúa vẫn chăm sóc chúng ta, Ngài vẫn luôn cất tiếng gọi chiên, dẫn đưa trên đường chân lý như Thánh Vịnh ca ngợi: “Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính” (Tv 22,3).
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự tương quan giữa Thiên Chúa chính là Ngài - Mục tử và đoàn chiên là những người tin vào Ngài: Đức Kitô Mục tử như vừa là người cha vừa là người mẹ hiền chăm sóc cho từng chiên và bảo vệ chúng. Thật thế, Ngài luôn bảo vệ chúng ta trước những cạm bẫy, nguy hiểm của thế gian. Ngài mạnh mẽ như người mục tử đầy sức mạnh, kiên cường của một người du mục, luôn sẵn sàng chiến đấu, có khả năng bảo vệ đoàn vật mình khỏi thú dữ đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (x. 1Sm 17,34-35). Vì thế Ngài khẳng định: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Chúa khẳng định: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta”. Trong mọi giây phút của cuộc đời, tôi và bạn cùng “gạn đục khơi trong” tiếng mục tử giữa cuộc đời. Tiếng đó thì thầm trong lương tâm ngay thẳng được chiếu sáng bằng đức tin và Lời Chúa: “Lời Chúa soi rọi bước chân con” (x. Tv 118,105). Tiếng Ngài nói qua những biến cố thăng trầm của cuộc sống: Luôn thẳng đứng trong hy vọng và tin tưởng. Lời của Chúa dạy phải biết vâng phục sự thật (x. 1Pr 1,22) và bước đi trong sự thật (x.3Ga 4), mọi tiếng nói, mọi sự việc, mọi biến cố đều đặt trong gương sự thật và như Chúa khẳng định: “Chính chân lý sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).
Nghe Lời mục tử, không để Lời Ngài bị lấn át bởi những âm thanh xào xạc của thế gian. Trái lại, chính nhờ Lời của mục tử “chỉnh lại” âm thanh vừa phải của những lời xào xạc của cảm xúc, thanh lọc âm điệu ồn ào của thế gian. Đặc biệt, Lời mục tử chỉnh sửa và phối hợp chúng làm những âm thanh trầm bổng của cuộc sống tạo thành bản tình ca “Chúa Chiên nhân lành Người thương chăn dắt tôi…”. Chính lúc đó, tôi và bạn học “biết” mục tử, tham dự vào cái “biết” của Ngài. Với cái “biết” linh thiêng này, tôi và bạn gắn bó trọn vẹn với Đức Kitô, dù thuộc bất cứ thành phần nào, cương vị nào: Người tín hữu gắn bó với Ngài hơn qua đời sống hằng ngày, người đang sống với ơn gọi linh mục, tu sĩ cảm nhận được hạnh phúc của đời thánh hiến và dấn thân quên mình như người mục tử nhân lành, sinh viên, học sinh nghe được tiếng Chúa gọi, nhắn nhủ đầu tư cho tương lai cần chăm chỉ học hành, rèn luyện nhân cách cho mình và cho xã hội là đồng cỏ xanh mới đang được kiến tạo. Đặc biệt, người đang được tiếng Chúa gọi trở nên mục tử tương lai, sẽ cảm nhận ơn gọi đã được gieo trong tâm bạn và bạn đang “biết” Chúa hơn, theo Ngài trọn vẹn để làm nảy nở và sinh trái. Đó cũng là ý nghĩa đặc biệt của Chúa Nhật hôm nay - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.
Như Chúa nói: “Chúng theo Ta”, “theo” là thái độ tự do đáp trả dấn thân với Chúa. Như các môn đệ gặp gỡ Đức Kitô, nghe Ngài và khi Ngài gọi “Hãy theo tôi” (Ga l,42). Các ông lập tức đáp trả lại: Bỏ mọi sự theo Thầy (x. Mt 4,20; Mc 1,18.20…). Theo Đức Giêsu là gắn bó trọn với Ngài. Được Ngài bảo vệ, hơn nữa kết hợp mật thiết tình thầy trò, và qua Thầy gắn bó với Cha vì gắn bó với Thầy là gắn bó với Cha như Chúa Giêsu nói “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30).
Ý lực sống: ”… Chúng theo tôi … không ai cướp được chúng trong tay tôi” (Ga 10, 27-28).
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ
 
SUY NIỆM: LÀM CHỨNG BẰNG HÀNH ĐỘNG
“Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi” (Ga 10,25).
Việc làm là chứng từ mạnh mẽ nhất để chứng minh cho lời nói. Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Nói đi đôi với làm thì người ta mới phục, mới tin chứ không phải bằng lời nói suông.
Ngày hôm nay, làm chứng cho Chúa không đòi hỏi ta phải đổ máu, hy sinh mạng sống mình như các thánh ngày xưa. Nhưng chúng ta làm chứng cho Chúa bằng chính những việc làm cụ thể hàng ngày trong cuộc sống, trong gia đình, cộng đoàn, trong giáo xứ, làng xóm… Mỗi khi ta nở nụ cười để tha thứ cho những sai lầm của người khác, mỗi khi ta biết thăm hỏi những người nghèo neo đơn, mỗi khi ta biết chạnh lòng thương trước những nỗi khổ đau của anh em … như thế là ta đã làm chứng cho Chúa rồi. Tưởng chừng những việc làm đó thì quá nhỏ bé, đơn giản chẳng đâu vào đâu, ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, tâm lý ai cũng muốn làm những việc lớn, chứ những việc nhỏ không ai muốn làm. Nếu ta không có sự khiêm nhường để làm những việc nhó bé, thì tự hỏi khi làm những việc lớn, lòng khiêm nhường của ta ở đâu? Bởi, “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10). Một khi chúng ta biết quên mình phục vì người khác là khi đó ta đang làm chứng cho Chúa vậy.
Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con là những chứng nhân sống động cho Chúa. Thế nhưng, dường như chúng con đang làm chứng cho Chúa nhân danh chúng con chứ chưa làm chứng để nhân danh Cha. Xin Chúa tha thứ và ban cho chúng con sự khiêm nhường để chúng con biết làm chứng nhân danh Cha, chứ đừng nhân danh chúng con.
Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD

SUY NIỆM: SỰ THẬT CỨU RỖI
Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện. Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.
Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: "Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?". Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: "Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin". Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: "Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta".
Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi "Ông là ai?" như thế nào rồi. "Ta và Cha Ta, chúng ta là một". Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả". Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.
Ước chi mỗi người đồ đệ của Chúa trong ngày hôm nay cũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Lạy Chúa, với sự kiện Chúa sống lại, không ai trong chúng con nên hồ nghi về mối quan hệ giữa Chúa và Chúa Cha. Xin thương ban ơn giúp mỗi người chúng con sống xứng đáng với niềm tin vào Chúa và đừng bao giờ để con lìa xa Chúa.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây