THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH - Ga 3,7b-15

Thứ sáu - 25/04/2025 10:13
THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH
Ga 3,7b-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
7b Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” 10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! 11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.
12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ?” 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.
14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

SUY NIỆM: CỘNG ĐOÀN ĐỨC TIN
Bài đọc I được trích từ sách Công vụ tông đồ hôm nay tuy ngắn gọn, nhưng lại phác họa cho ta biết một khung cảnh tuyệt đẹp về cộng đoàn các kitô hữu đầu tiên.
Thánh Luca cho biết, lúc bấy giờ các tín hữu rất đông đảo nhưng họ chỉ có một lòng một ý. Họ hiệp nhất chứ không chia rẽ. Họ yêu thương hòa thuận chứ không giận hờn ghen ghét.
Họ xác định, tất cả những gì mình có đều là của chung. Họ bán tất cả ruộng đất của cải, lấy tiền đặt dưới chân các Tông đồ để các ngài phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Nhưng điều đáng nói là, tuy các kitô hữu đầu tiên tổ chức theo hình thức “hợp tác xã”, nhưng không một ai phải thiếu thốn điều gì.
Vậy nhờ đâu mà các kitô hữu tiên khởi ấy có thể làm được như thế? Thưa nhờ họ có một đức tin vững mạnh vào Đức Kitô Phục sinh.
Họ xác tín rằng, cùng đích của người kitô hữu không phải là cuộc sống này, nhưng là sự sống đời đời; mà việc Chúa Giêsu  sống lại từ cõi chết chính là bảo chứng cho niềm tin ấy. Đó chính là cách sống của  người được biến đổi, của  người sống theo Thần Khí, của người có đức tin. Đây chính là chân lý mà Chúa Giêsu đã khẳng định lại với Nicôđêmô trong bài Tin mừng hôm nay.
Cộng đoàn kính mến, tinh thần sống của người kitô hữu chúng ta không loại trừ cuộc sống này, cũng không phủ nhận giá trị của tiền của vật chất; nhưng muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng, đó là là những cái tạm bợ, đó chỉ là phương tiện Chúa ban để mỗi người có thể đạt đến sự sống đời sau.
Do đó, đừng ai chấp nhận dừng lại và cảm thấy thỏa mãn với những thứ ở đời này, mà không còn muốn tiếp tục vươn đến hạnh phúc thiên đàng. Và khi bất kỳ thứ gì của đời này ngăn cản chúng ta trên đường nên thánh, hãy can đảm từ bỏ nó để tiếp tục hành trình đức tin của mình.
Ước gì niềm tin vào Đấng đã từ cõi chết sống lại và ơn của Chúa Kitô Phục sinh, sẽ là điểm tựa cho những nỗ lực và cố gắng của chúng ta, để sau khi hoàn tất cuộc sống này, mỗi người sẽ xứng đáng được Thiên Chúa ban thưởng Nước Trời làm gia nghiệp. Amen.
Lm.Antôn

SUY NIỆM:
Triết học cổ đại Hi-lạp, đặc biệt Socrate, Platon và Aristote, thường sử dụng lối văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng. Tin Mừng thứ IV cũng từng sử dụng lối văn đối thoại này, khi kể lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, hầu chuyển tải ý nghĩa về ơn cứu độ.
 
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ minh họa về đặc tính của Thần Khí Thiên Chúa, được ví như gió: Gió tuy không ai thấy được nhưng không có nghĩa là không có, gió tự do thổi đâu thì thổi, không ai biết gió đến từ đâu và đi đâu. Thần Khí Thiên Chúa vốn thiêng liêng không ai thấy được, nhưng mọi người biết được nhờ kết quả của Thần Khí tác động và biến đổi trên những con người đã được tái sinh.
 
Nicôđêmô không thể hiểu được nên ông đã thắc mắc làm sao có thể xảy ra. Xét theo mạch văn, có lẽ ông vẫn chưa hiểu được về ý nghĩa Tân Sáng Tạo, nghĩa là nhờ Ơn Cứu Độ là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, con người được sinh ra lần nữa không phải theo huyết nhục mà là qua Phép Rửa con người trở thành thụ tạo mới nhờ nước và Thần Khí.
 
Điều này không riêng gì Nicôđêmô, mà hết mọi người, kể cả các môn đệ Chúa Giêsu, chỉ khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Người dùng Thánh Thần mở trí cho mới hiểu được ơn tái sinh này. Ơn tái sinh trong nước và Thần Khí xuất phát từ trời mà không ai đã lên trời để có thể thấu hiểu, mà chỉ có Đấng đến từ trời xuống mặc khải cho.
Điều Chúa Giêsu mặc khải thật rõ ràng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. 
Có lẽ đây là nét độc đáo nhất chỉ gặp thấy nơi Tin Mừng thứ IV, con đường linh đạo này có một mức độ quyết liệt hơn, vì trong khi 3 Tin Mừng Nhất Lãm nói đến việc muốn đạt đến Ơn Cứu Độ phải vác lấy thập giá, còn đối với Tin Mừng thứ IV đòi phải được “giương cao lên” nghĩa là không chỉ vác mà còn phải bị treo lên, chịu đóng đinh vào khổ giá.
 
Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương cao lên” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32).
Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Chúa Giêsu.
Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến Ơn Cứu Độ.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chấp nhận được giương cao lên, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Xin cho chúng con cũng biết “giương cao lên” là vượt lên trên mọi sự thấp hèn xấu xa của thế gian, để sống cho Chúa và cho mọi người. Amen.
Hiền Lâm

SUY NIỆM: TÁI SINH BỞI CHÚA THÁNH THẦN                        
Lời Chúa nói với ông Nicôđêmô “Ngươi phải tái sinh lại bởi trên cao”. Vào thời Gioan viết Phúc Âm đã có những tôn giáo giáo huyền bí nói đến việc tái sinh. Tái sinh theo một giáo thuyết, một tôn giáo lúc ấy là khi con người gia nhập một tôn giáo huyền bí đó thì nhân tính của họ bị coi như tan biến đi, biến đổi hẳn con người của mình và đồng hóa với giới thần thiêng chứ còn cá nhân mình và bản chất của mình thì bị mất hết.
Chữ tái sinh mà Chúa Giêsu nói trong bài Kinh Thánh hôm nay không trong ý nghĩa đó, và cũng vì vậy mà làm cho ông Nicôđêmô một nhà tiến sĩ luật lúc ấy khó hiểu và băn khoăn. Chữ tái sinh trong Phúc Âm có nghĩa là người gia nhập Giáo Hội Chúa qua bí tích Rửa tội vẫn giữ nguyên bản ngã của mình. Bản chất con người đó không hề bị tiêu tan nhưng được chữa lành và bồi bổ trong ơn lộc Ba Ngôi Thiên Chúa và cuối đời là được sống với chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Cho nên chữ tái sinh “bởi trên cao” có nghĩa là sinh lại bởi Thiên Chúa, trở nên con cái của Thiên Chúa, chấp nhận nguyên tắc sống siêu nhiên, một bản tính mới như nâng hẳn chúng ta lên vượt khỏi điều kiện tầm thường nhân loại: từ thân phận tội lỗi đáng trầm luân mà được nâng lên làm con Thiên Chúa cùng được hưởng gia nghiệp nước trời là sự sống đời đời.
Cho nên Tái sinh có 4 yếu tố trong ý nghĩa siêu nhiên:
1. Không ai có thể vào nước Trời nếu không tái sinh bởi trời.
2. Tái sinh cụ thể là qua bí tích rửa tội.
3. Nguồn gốc việc tái sinh đó là bởi cái chết trên thập giá của Chúa Kitô.
4. Lòng tin vào ơn cứu rỗi.
Bốn yếu tố đó đúc kết lên chữ Tái sinh. Với những ý nghĩa đó hẳn là Nicôđêmô chưa hiểu được ngay. Vì thế Chúa Giêsu cắt nghĩa thêm là phải tái sinh bởi Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu ví Ngài như gió thổi.
Chúng ta không ai tiên đoán được gió sẽ đi đâu, đến đâu và ngưng ở đâu. Chúng ta cũng chẳng thấy được hướng đi của gió. Không ai trong chúng ta thấy được gió. Không biết gió đến từ đâu và đi đâu. Người ta chỉ thấy hậu quả của gió là gió mát hây hây, gió thổi cành cây, gió mơn trớn đồng lúa chiều, có thứ gió Nam nóng bỏng, gió bấc rét cắt da thịt, gió bão làm hư hại nhà cửa mùa màng.
Nói tới gió tức là nói tới sức làm việc liên lỉ không ngừng. Gió không bao giờ ngủ, không bao giờ ngưng thổi. Gió có một vẻ gì như êm đềm nhưng có một sức mạnh phi thường vô địch. Điều đó ám chỉ Chúa Thánh Thần đầy quyền năng và sức mạnh, Ngài biến đổi chúng ta từ tội nhân nên thánh thiện qua bí tích giải tội và qua các bí tích. Chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần đang hoạt động và làm cho các Kitô hữu sống tốt hơn mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, khi chúng con nhận lãnh bí tích Rửa tội, chúng con đã được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết nhớ đến Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần canh tân đổi mới chúng con, để mỗi ngày chúng con được  trở nên xứng đáng là con cái của Chúa. Amen.
Lm. J.P

SUY NIỆM:
Trong phần này của cuộc đối thoại của Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, Người tiếp tục nói về ơn tái sinh bởi Thần Khí: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.
Nhưng ngang qua thắc mắc rất đơn sơ của ông Ni-cô-đê-mô: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” Đức Giê-su dẫn chúng ta thẳng tới chân Thập Giá, để đón nhận ơn tái sinh bởi Thánh Thần:
Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 (c. 14; x. Ds 21, 9)

1. Nghi ngờ Thiên Chúa
Trong sách Sáng Thế (x. St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa. Thiên Chúa nói: ăn vào thì chết; nhưng con rắn nói: ăn vào không chết. Tin vào lời con rắn, chính là cho rằng Thiên Chúa nói dối, rằng Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc độc vào người.
Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến (x. Ds 21, 4-9), chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết; thật vậy, người Do- thái kêu trách: « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? »[1]. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người. Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là lúc chúng ta bị rắn độc cắn. Bị rắn độc cắn, thì đương nhiên là chết, không cần phải ai bắt mình ra xét xử, lên án và thi hành án phạt. Như chính Đức Giêsu nói:
Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án;
nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi,
vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
(c. 17-18)

2. Mầu nhiệm Thập Giá
Đức Giê-su, ngay từ những lời nói đầu tiên trong đời sống công khai, trong cuộc đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô, đã đặt mầu nhiệm Thập Giá mà Người sẽ sống trong tương quan rất trực tiếp với hình ảnh « con rắn », biểu tượng của Tội và Sự Dữ :
Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
(c. 14)

Theo lời này của chính Đức Ki-tô, chúng ta nên hình dung ra, hay tốt hơn là vẽ ra, một bên là « Con Rắn » bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13)Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:
-  Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
 -  Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.
-  Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.
-  Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!
3. Ơn tái sinh
Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành, nghĩa là được tái sinh. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.
Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.
Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.
Ơn chữa lành. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội.
Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (x. St 3 và Ds 21). Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (x. Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phân con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM: SINH LẠI BỞI ƠN TRÊN
Bài Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô về ơn tái sinh, ơn cứu chuộc qua thập giá Đức Kitô và ân sủng Thánh Thần.
Ông Nicôđêmô hiểu tái sinh là vào lòng mẹ để được sinh lại, nên ông thắc mắc: “Việc ấy xảy ra thế nào được?” Trái lại, Chúa Giêsu nói về một sự tái sinh bởi ơn trên, nghĩa là một sự biến đổi sâu xa nhờ quyền năng của Thiên Chúa được thực hiện qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Người ta không thể nhận thấy sự thay đổi nhìn từ diện mạo bên ngoài nhưng cảm nhận được sự biến đổi sâu xa bên trong.

Trong hành trình trở thành con cái Chúa, trước khi là người Kitô hữu, chúng ta là con người tự nhiên hoặc theo một tôn giáo nào khác. Tuy nhiên, do tác động của Thánh Thần như làn gió thổi theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, chúng ta được ơn tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Tái sinh bởi Thánh Thần là ơn sủng mà bất kỳ ai cũng đều có được nếu biết mở lòng để Thánh Thần tác động mà được biến đổi nên con cái Thiên Chúa.
Ngày này trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta ý thức Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong tâm hồn của con người, dù họ thuộc tôn giáo hay văn hóa nào. Ngài luôn hướng dẫn con người tìm về chân thiện mỹ và cuối cùng nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Đó chính là hoạt động quan phòng của Thiên Chúa để giúp con người được ơn tái sinh.

Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con, để chúng con luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong nhân loại. Xin cho con người thời đại hôm nay nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa mà đáp lại ơn tái sinh trong Thánh Thần.
Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

SUY NIỆM: TIN ĐỂ HIỂU
Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật hôm qua, vì thế, vẫn trong bối cảnh giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô xoay quanh câu chuyện tái sinh và sự sống đời đời.
Thật vậy, vấn đề sự sống đời đời là một chủ đề lớn và vấn nạn ấy khiến cho con người ở mọi thời không ngừng suy tư!
Thấy được Nicôđêmô là một người chân chính, lòng dạ ngay thẳng, không có gì gian dối, nên khi ông chân thành đến với Đức Giêsu và tin tưởng Ngài là vị thầy tâm linh sẽ giúp ông đạt được điều mà ông hằng thao thức! Đức Giêsu đã không ngần ngại để mặc khải cho ông biết phải làm gì và phải làm như thế nào để đạt được sự sống ấy. Ngài nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời”. Nói như thế, Đức Giêsu đã mặc khải thiên tính của Ngài cách cụ thể, để như một con đường và mời gọi Nicôđêmô đi trên con đường ấy thì được cứu độ.
Tiếp theo, Đức Giêsu muốn củng đức tin thêm cho ông, nên Ngài khẳng định: “Thật, tôi bảo thật ông: ‘Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy”.
Con đường cụ thể mà Đức Giêsu đề ra cho Nicôđêmô là con đường sinh lại từ ơn trên, nghĩa là cần được tái sinh, đổi mới nhờ Thần Khí. Ai đi trên con đường ấy là đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà đường lối của Chúa Thánh Thần chính là đường lối từ trên cao, con đường Gongotha, con đường thập giá, con đường cứu độ bằng cái chết…
Qua cách thức của Đức Giêsu, Ngài đã dẫn Nicôđêmô từ chuyện cố hiểu để tin, sang tình trang tin để hiểu.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để Lời Chúa được thấm vào trong tâm hồn của mình. Bởi vì nếu không khiêm tốn, thì hồng ân đức tin không thể đến với những người kiêu ngạo.
Sự sống đời đời được trao ban là do phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải do kiến thức mà ta có được. Vì thế, cần phải sám hối để đón nhận mạc khải của Chúa và trung thành đi theo đường lối ấy thì mới mong được cứu độ.
Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: có ba điều cần thiết cho phần rỗi con người, đó là: hiểu biết điều nào phải tin; hiểu biết điều nào phải ước ao; và hiểu biết điều nào phải thực hiện. (Thánh Thomas Aquinas)
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sẵn sàng đi trên đường lối cứu chuộc mà Chúa mạc khải cho chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi hằng ngày để được trở nên con người thánh thiện nhờ được ơn Chúa thanh tẩy. Amen.
Ngọc Biển SSP
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây