THỨ SÁU TUẦN IV PHỤC SINH NĂM C
Ga 14,1-6
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.
2 Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. 3 Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó.
4 Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. 5 Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi ?”
6 Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG
Nhìn vào xã hội chúng ta đang sống hiện nay, có 3 sự thật mà thiết nghĩ ai cũng dễ dàng nhận thấy.
Sự thật thứ nhất, cứ tường rằng xã hội càng văn mình phát triển, và thế hệ trẻ càng được ăn học nhiều, thì sẽ giúp con người thăng tiến bản thân; nào ngờ lại có nhiều người lầm đường lạc lối, nhiều bạn trẻ rơi vào những cạm bẫy và cám dỗ của cuộc đời.
Vậy lý do nằm ở chỗ nào? Lý do là vì xã hội hiện tại tựa như 1 mớ bòng bong hỗn độn: đen trắng, tốt xấu, thật giả, thiện ác lẫn lộn, khiến chúng ta khó mà phân biệt đúng sai được để chọn lựa. Cộng với sự kiêu ngạo của lòng người, cho rằng mình đủ trưởng thành, đủ khôn ngoan và muốn toàn quyền quyết định mà không cần lắng nghe lời chỉ dẫn của bất kì một ai.
Sự thật thứ hai, xã hội chúng ta đầy dẫy sự giả dối. Tiền giả, hàng hóa giả, rồi ngay cả lòng người cũng giả. Hằng ngày có không biết bao nhiêu những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại lừa gạt, khiến con người chúng ta mất tin tưởng vào nhau.
Lý do nằm ở chỗ là con người ngày nay lấy người khác làm tiêu chuẩn cho chính mình. Anh bán hàng giả tôi cũng bán hàng giả, họ sống giả dối tôi cũng sống giả dối, họ mánh khóe tôi cũng mánh khóe… mà bất chấp lương tâm mách bảo gì.
Và sự thật thứ ba, nỗi sợ lớn nhất của con người hôm nay là sợ chết. Ngày nay người ta lo di khám bệnh định kì, tầm soát ung thư, ăn uống những loại thảo mộc và dược phẩm y tế, để kéo dài sự sống. Thậm chí có người còn đầu tư nghiên cứu làm sao để được trường sinh bất tử. Mà quên rằng, chết là 1 quy luật tất yếu của kiếp con người.
Kết quả được gì? Số người lầm đường lạc lối, giới trẻ rơi vào tệ nạn xã hội vẫn gia tăng. Trước kia đề phòng nhau một, giờ thì đề phòng nhau mười. Thuốc ngoại thuốc nội, sơn hào hải vị rồi thì tiền mất tật vẫn mang.
Trước 3 sự thật đó, lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ rằng: chỉ có Chúa Giêsu mới “là đường là sự thật và là sự sống” giúp chúng ta ta cập bến an bình mà thôi.
Do đó, là người kitô hữu, anh chị em hãy gắn bó đời mình với Chúa Giêsu là đường, và Ngài chỉ cho anh chị em đâu là chính lộ mà bước đi để khỏi sa chước cám dỗ.
Là người kitô hữu, anh chị em hãy gắn bó đời mình với Chúa Giêsu là sự thật, để mỗi ngày chúng ta được hoàn thiện như Cha trên trời.
Sau cùng, là người kitô hữu, anh chị em hãy gắn bó đời mình với Chúa Giêsu là chủ sự sống, để rồi dù dòng đời của chúng ta có ngắn hay dài, khỏe mạnh hay đau yếu thì chúng ta vẫn an lòng, vì Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Nguyện xin Chúa Giêsu là đường là sự thật và là sự sống ban ơn soi sáng, giúp mỗi người có thể chọn đúng hướng, đi đúng đường, sớm hoàn lương, để tất cả chúng ta được sống muôn đời trong Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊSU
Hành trình rao giảng của Thánh Phaolô đã đưa ngài đến thành Antiôkhia, nơi lần đầu tiên những người môn đệ của Chúa Giêsu được gọi là “Kitô hữu.” Khi đọc sách Công Vụ Các Tông Đồ, một chi tiết chúng ta thường nhận ra đó là các Tông Đồ không để qua cơ hội nào mà không rao giảng về Đức Giêsu Kitô. Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô luôn nắm bắt cơ hội để rao giảng Tin Mừng và chúng ta thường thấy ngài trong các hội đường. Chúng ta vẫn thường nghe thấy danh từ “hội đường.” Nhưng “hội đường là gì? Theo nguyên ngữ [tiếng Hy Lạp], “hội đường” có nghĩa là “tụ họp mọi người,” nhưng nó cũng ám chỉ nơi tụ họp. Theo sử gia cổ đại Josephus [trong Antiquities], hội đường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như nơi để cầu nguyện, nơi để Lời Chúa được công bố và giải thích, trường học [Kinh Thánh], nơi những bữa ăn chung diễn ra, toà án xét xử, nơi các cuộc họp chính trị được tổ chức, nơi nhận và phân phát quà từ thiện.
Bài đọc I hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Phaolô đã sử dụng hội đường như nơi để rao giảng Tin Mừng. Nội dung của lời rao giảng của thánh nhân xoay quanh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, hay chúng ta còn gọi là Kerygma. Ngài cố gắng chứng minh cho mọi người rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng đến hoàn thành lời hứa Thiên Chúa đã hứa với Abraham và con cháu của ông. Lời hứa này được hoàn thành trong sự kiện sống lại của Chúa Giêsu. Điều này giải thích lý do tại sao người Do Thái không nhận biết Đức Giêsu Kitô (Cv 13:27). Đó là vì họ mong chờ một Đấng Cứu Độ “không chịu đau khổ, không chết và không sống lại”; họ mong chờ một Đấng Cứu Độ đến để giải thoát họ khỏi quyền lực của ngoại xâm, chứ không phải khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta điều gì? Thường ngày trong cuộc sống, khi chúng ta mong chờ một cái gì đó, chúng ta thường mong muốn điều đó xảy ra theo cách thức chúng ta muốn. Hoặc khi ai hứa với chúng ta một điều gì, chúng ta thường “tưởng tượng” ra cách thức người đó thực hiện lời hứa của mình theo cách chúng ta vạch ra. Khi sự việc xảy ra không theo cách thức chúng ta mong muốn, chúng ta thường có những phản ứng tiêu cực.
Theo Thánh Phaolô, lời Thiên Chúa hứa với chúng ta sẽ không được thực hiện nếu Đức Giêsu Kitô không sống lại. Đây chính là Tin Mừng chúng ta loan báo: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv 13:32-33). Những lời này giúp chúng ta nhận ra nội dung của việc loan báo Tin Mừng, đó là Đức Giêsu là Đấng đã đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa cho con người qua cuộc khổ nạn, phục sinh và lên trời của Ngài. Việc rao giảng của chúng ta phải được thực hiện qua chính cuộc sống “cũng được phục sinh với Chúa Giêsu.” Nói cách khác, sự sống mới đầy yêu thương, cảm thông và tha thứ trong Đức Kitô là cách thức rao giảng hiệu quả nhất mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện.
Ai trong chúng ta cũng đã có lần cảm thấy xao xuyến? Nếu có, chúng ta xao xuyến về chuyện gì? Chúng ta có xao xuyến khi sắp mất đi người thân của mình không? Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu “khuyên” các môn đệ của Ngài đừng xao xuyến. Ngài khuyên họ đừng xao xuyến về việc Ngài sẽ về với Chúa Cha và như vậy họ sẽ không còn được thấy Ngài. Điều Ngài mong muốn nơi họ là: trong giây phút xao xuyến “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1). Để hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc đoạn trích này trong bối cảnh gần của nó, đó là bối cảnh nói về việc Chúa Giêsu là đường dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:1-11). Đoạn văn này bắt đầu với lời mời gọi: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1) và kết thúc với lời mời gọi: “Hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14:11). Điều này cho chúng ta biết rằng: Chúa Giêsu muốn các tông đồ nếu không tin vào “lời của Ngài” thì những dấu lạ [việc] Ngài làm chính là nền tảng để cho họ tin rằng Chúa Cha và Ngài là một (x. Ga 10:37-38). Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Qua chi tiết này, Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta như đã từng nói với các tông đồ rằng: Nếu các con không tin vào lời Thầy công bố mỗi ngày [hoặc mỗi Chúa Nhật] khi chúng con tham dự thánh lễ [hoặc khi đọc Kinh Thánh], thì chúng con hãy xem những việc Thầy đã làm cho chúng con mỗi ngày để rồi tin rằng Chúa Cha và Thầy là một. Nói cách cụ thể, nếu chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu khi “đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ,” thì cố gắng nhận ra Ngài trong những công việc bé nhỏ thường ngày của chúng ta.
Trở lại với bài Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra hai phần sau: phần 1 (Ga 14:1-4) nói đến “lời khuyên” của Chúa Giêsu, và phần 2 (Ga 14:5-6) trình bày cho chúng ta phần “hỏi đáp” của Chúa Giêsu với Tôma. Trong lời khuyên của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài bảo đảm cho họ ba điều sau:
(1) Trong nhà Cha Ngài có nhiều chỗ ở và mỗi người có một chỗ trong nhà Cha Ngài (Ga 14:2). Theo truyền thống, “nhà Cha” được hiểu là Thiên Đàng. Theo thần học bây giờ, một số thần học gia hiểu “nhà Cha” chính là “con tim của Thiên Chúa.” Vì vậy, chúng ta có thể hiểu điều Chúa Giêsu nói như sau: trong con tim của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ, không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim [tình yêu] của Ngài. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm là chúng ta có muốn ở trong tim, trong tình yêu của Ngài hay không?
(2) Chúa Giêsu đi để chuẩn bị chỗ và Ngài sẽ trở lại để đón họ (Ga 14:2-3). Trong câu này, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng: họ sẽ trải qua những giây phút mà Ngài “không hiện diện” với họ vì Ngài đi về nhà Cha Ngài để dọn chỗ cho họ, và rồi Ngài sẽ trở lại để đón họ. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng cảm thấy “vắng bóng” Chúa Giêsu. Chúng ta đi tìm kiếm Người và đôi khi chúng ta kêu gào trong thất vọng. Trong những giây phút như vậy, chúng ta cần nhớ rằng: Chúa Giêsu luôn nghĩ đến chúng ta và đang chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trong cung lòng của Chúa Cha. Tuy nhiên, liệu khi Chúa Giêsu đến đón chúng ta vào trong cung lòng của Chúa Cha, chúng ta có nhận ra Ngài và đi theo Ngài không?
(3) Chúa Giêsu muốn Ngài ở đâu thì các môn đệ sẽ ở đó với Ngài. Điều này hàm chứa một ý nghĩa sâu xa cho chúng ta ngày hôm nay [nhất là những người sống đời thánh hiến]. Chúng ta thường mong muốn có một chỗ ở thật tốt, thật đẹp, và thật tiện nghi. Nói cách đơn giản, chúng ta thường tìm cho mình những nơi hợp với “khẩu vị” của mình. Điều này càng ngày càng làm cho chúng ta khó chấp nhận sống những nơi mà không đáp ứng được nhu cầu và sự mong muốn của chúng ta. Chi tiết thứ ba này mời gọi chúng ta đặt lại tầm quan trọng của “nơi chốn” chúng ta cư ngụ. Chúa Giêsu chỉ có một nơi cư ngụ mà Ngài ưa thích, đó là cung lòng của Chúa Cha. Điều này ám chỉ rằng: ở đâu không quan trọng, điều cần thiết và quan trọng là dù ở đâu chúng ta cũng cảm nghiệm được mình đang ở với Chúa Giêsu trong cung lòng, trong tình yêu của Chúa Cha.
Chúa Giêsu kết thúc lời khuyên bằng việc khẳng định về sự hiểu biết của các môn đệ về con đường mà Ngài sẽ đi: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:4). Như chúng ta đã biết, theo Thánh Gioan, sự hiểu biết của các môn đệ Chúa Giêsu luôn có giới hạn. Điều này được diễn tả trong câu hỏi của Tôma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (Ga 14:5). Có một sự hiểu lầm ở đây: Chúa Giêsu nói về “đường đi” [phương tiện], còn Tôma thì nghĩ về “nơi chốn” [mục đích/điểm đến]. Vì không biết mục đích hay nơi đến nên sẽ không biết phương tiện để đạt mục đích hay đường đi để đến nơi cần đến. Chính sự giới hạn về hiểu biết của các môn đệ mà Chúa Giêsu, một lần nữa mạc khải cho họ về chân tính của Ngài: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Trong câu này, Chúa Giêsu lại khẳng định vai trò trung gian duy nhất của Ngài: chỉ qua Ngài, chúng ta mới có thể đến được với Chúa Cha. Ngài là “con đường” dẫn đến “sự thật và sự sống.” Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài không chỉ là “người dẫn” đến ơn cứu độ, nhưng còn là suối nguồn của sự sống và sự thật. Ai sống trong Chúa Giêsu, người đó đạt được ơn cứu độ và luôn sống vui và sống thật.
Lm Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
"Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” Có lẽ câu nói này của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không Kitô hữu nào không biết và thậm chí còn thuộc làu làu, nhưng ít khi chúng ta cùng dừng lại để suy niệm ý nghĩa của câu nói thuộc căn bản đức tin này:
* Thầy là Con Đường.
Chúa Giêsu khẳng định Người là con đường duy nhất dẫn đến cùng Chúa Cha. Lời rao giảng của các tông đồ cũng luôn tuyên xưng như thế: “ngoài Chúa Giêsu ra, dưới gầm trời này không ai có thể đem lại ơn cứu độ”. “Thầy là đường”, chữ “Đường” ở đây không chỉ có nghĩa là Chúa Giêsu chỉ dùng giáo huấn mà dẫn ta đến sự sống, mà chính Người là con đường dẫn đến Chúa Cha nữa. Vì chính Người là mạc khải Chúa Cha (Ga 12,45 và bởi Chúa Cha mà đến rồi lại về với Chúa Cha (Ga 7,29-33). Chỉ trong Chúa Giêsu trung gian duy nhất, chúng ta mới thấy được Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Người đưa chúng ta đến với Thiên Chúa mà chúng ta không phải sợ hãi và xấu hổ.
Khi nghe Chúa Giêsu nói “Thầy là đường”, chúng ta cũng nhớ lại một chân lý bất biến là “qua thập giá vào vinh quang”. Đó là con đường duy nhất mà Chúa Giêsu đã đi, để tiêu diệt sự chết và đi vào cõi sống đời đời. Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu, là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu, Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt. Vì thế, muốn đạt đến Nước Trời, Kitô hữu cũng phải bước theo con đường đó.
* Thầy là sự thật.
Đứng trước quan tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Tôi đến thế gian là để làm chứng cho Sự Thật, và ai đứng về phía Sự Thật thì nghe tiếng Tôi”.
Như thế, Chúa Giêsu là sự thật trọn vẹn đến từ Thiên Chúa, và chỉ có Người mới mặc khải đúng bản tính của Thiên Chúa. Chúa Giêsu từ trời mà đến, từ cung lòng của Chúa Cha nhập thể vào thế gian và chính Người là Thiên Chúa, nên chỉ có Người mới nói đúng về Thiên Chúa như Thiên Chúa có, chứ không phải như những quan niệm về Thiên Chúa cách khiếm diện trong Cựu Ước, hay một Thiên Chúa bằng sản phẩm suy tư của khoa học hay triết thuyết nào. Nói tóm, chỉ có Đấng thấy Thiên Chúa, từ Thiên Chúa đến và là Thiên Chúa thì mới nói đúng Sự Thật về Thiên Chúa, và sự thật của Thiên Chúa là yêu thương, mà Chúa Giêsu chính là Sự Thật toàn diện và là hiện thân của yêu thương.
* Thầy là sự sống.
Chúa Giêsu là Sự Sống tự thân nơi Thiên Chúa và là Đấng ban cho con người sự sống và sự sống đời đời. Còn sự sống nhân loại không tự thân, mà là tuỳ thuộc nơi Thiên Chúa, nên sẽ mất đi khi không nhận được sự trợ giúp của thức ăn, hoặc bị lệ thuộc bởi ngoại cảnh và có thể mất đi bất kỳ lúc nào.
Chúa Giêsu là sự sống của Thiên Chúa, là căn nguyên sự sống, là chủ của sự sống, là tự thân và vĩnh hằng. Người có quyền thông truyền cho những ai Người muốn, nên cũng chỉ có Người là sự sống duy nhất và vĩnh cửu của con Người, không có Người, con người không thể hiện hữu và trở về hư vô.
Tóm lại, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay là: Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa, bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời. Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ. Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu. Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa. Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, là Con Đường dẫn tới Chúa Cha, là Sự Thật về dung mạo Thiên Chúa và là Sự Sống cho con người được hiện hữu và bất tử, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, Chúa là trung gian duy nhất để chúng con chỉ bước theo một mình Chúa mà đạt đến hạnh phúc, chứ không chạy theo những thứ “thần” giả trá dẫn chúng con đến chỗ diệt vong. Amen.
Hiền Lâm
SUY NIỆM:
Thỉnh thoảng, báo Kiến Thức Ngày Nay hay Mực Tím có đăng câu đố có thưởng qua trò chơi tìm đường. Khi tham gia trò chơi này, người ta thường lúng túng, vì có quá nhiều đường vẽ mà chỉ một đường duy nhất dẫn tới đích (là kho tàng ở trung tâm). Nhưng nếu tinh ý một chút, ta sẽ thấy việc tìm kiếm trở nên dễ dàng. Đó là thay vì khởi hành lần lượt từng đường từ ngoài vào, với nhiều ngã rẽ, và thường sẽ dẫn đến ngõ cụt, ta hãy khởi hành từ trung tâm rồi đi ngược ra; khi đó, chắc chắn ta sẽ dễ dàng tìm ra con đường duy nhất chính xác dẫn tới đích. Như vậy, điều quan trọng không phải chỉ là muốn tìm đường đi đến đích mà phải là tìm đúng con đường phải đi để đạt được mục đích kiếm tìm.
Trò chơi đi tìm kho báu, khơi gợi trong tâm hồn mỗi chúng ta khát vọng tìm lẽ sống hay con đường để đạt được hạnh phúc đích thực.
Con người được Thiên Chúa tạo dựng để hưởng hạnh phúc; và con người luôn khao khát hướng về Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của đời mình. Thánh Augustino, sau một thời gian dài đam mê theo lạc thuyết, khi trở về Giáo Hội, đã viết trong tập sách Tự Thú như sau: “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải cho tới khi an nghỉ trong Chúa”. Do đó, cuộc sống của con người là hành trình về với Thiên Chúa; chỉ trong Thiên Chúa Cha -Đấng yêu thương tạo dựng con người- con người mới đạt được hạnh phúc thật; nhưng đâu là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha-Đấng dựng nên mình, để đạt được hạnh phúc đích thật?
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".
Sống giữa thế gian, chúng ta được ‘người đời’ giới thiệu hàng trăm chủ thuyết, hàng nghìn con đường.
Là Kitô Hữu, chúng ta chọn cho mình con đường mang tên Giêsu. Ngài là ‘Đấng’ đến từ Chúa Cha. Ngài là Đấng mở lối từ trời xuống đất, cũng là Đấng duy nhất có thể dẫn dắt con người từ đất lên trời (x.Ga 1,13).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, như các tông đồ năm xưa, sống giữa kiếp nhân sinh, nhiều khi chúng con cũng băn khoăn về tương lai, không biết đời chúng con sẽ về đâu, nhất là về đâu sau khi chết. Lời Chúa trong Tin mừng không chỉ an ủi các tông đồ, những còn an ủi và củng cố đức tin mỗi người chúng con.
Xin cho chúng con tin tưởng và trung thành bước theo Chúa trên con đường mang tên Giêsu để tiến về nhà Cha; và như thế, chúng con sẽ chắc chắn tìm được hạnh phúc đích thực cho vận mạng đời mình. Amen.
Lm. Nguyễn Duy Khang
SUY NIỆM: “ĐỪNG XAO XUYẾN”
Đứng trước cái chết của người thân, ai trong chúng ta lại không khỏi xao xuyến và lòng lại không quặn đau đến tột cùng vì sắp phải chứng kiến sự chia lìa vĩnh viễn!
Tin Mừng hôm nay trong một văn mạch hết sức ấn tượng, đó là sự đau buồn của các môn đệ trước sự ra đi của Đức Giêsu. Thật vậy, ba năm tình nghĩa thày trò, không xao xuyến sao được khi sẽ mất đi điểm tựa! Tuy nhiên, thấu hiểu được tâm trạng của các ông, nên tình thầy trò thân tín, Đức Giêsu đã tâm huyết chia sẻ với các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Thầy đi dọn chỗ cho anh em… để Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó”. Lời tâm huyết này được diễn ra trong bữa Tiệc Ly, một bữa ăn cuối cùng của tình thầy trò. Khi nói những lời ấy, Đức Giêsu trao cho các ông chìa khóa để thêm vững tin, đó là: để khỏi bị xao xuyến, thì: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Tin vào Thiên Chúa, vì Người hằng thương yêu chúng ta. Tin vào Đức Giêsu vì Ngài đi để chuẩn bị cho chúng ta như Ngài đã phán: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em […] và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Chúa trước mọi thử thách trông gai. Không được ủ rũ khóc than. Nhưng là chuẩn bị cho ngày hội ngộ với Đức Giêsu bằng việc sống những điều Ngài dạy. Hãy khước từ mọi sự bất chính, thêm niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu và trung thành đi trên chính con đường của Ngài để được sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng con phải vững tin vào Chúa. Sống những gì Chúa dạy để được sự sống đời đời. Xin Chúa ban cho chúng con được sống xứng đáng với ơn gọi cao quý, đó là được làm con Chúa. Xin cho chúng con được sống bên Chúa khi đã hoàn thành sứ vụ trên trần gian, nơi mà chính Chúa ra đi trước để dọn chỗ cho chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: DỌN CHỖ CHO ANH EM
Khi chúng ta có những dự tính tương lai, khi chúng ta mơ ước về ngày mai, chúng ta rất hay hy vọng tìm được một chỗ tốt nào đó cho mình gửi tấm thân tàn để sống những ngày còn lại. Hay một ngôi mộ yên mả đẹp cho nắm xương tàn.
Ngày nay, người ta đang hy vọng xây những dẫy nhà chung cư tiện nghi để giải quyết những nhà ổ chuột cho hàng ngàn gia đình. Ai cũng mong muốn có một chỗ ở mới, những láng giềng lân cận tốt. Ai cũng khao khát được ở ngôi nhà của riêng mình với những tiện nghi theo kiểu mới, hợp thời trang, giữa khu vườn có phong cảnh lý tưởng.
Nhưng có biết bao gia đình không bao giờ tìm được một nơi ở tương xứng cho gia đình vì quá nghèo và giá cả quá mắc.
Tin mừng hôm nay dắt đưa chúng ta đến xem kế hoạch của Thiên Chúa đang dọn một chỗ ở mênh mông tráng lệ cho con người. Ngài là kiến trúc sư muôn đời, là sở hữu chủ vô biên.
Nhưng kế hoạch đó giống như những thứ nhà chúng ta đang ở, chỉ là những thứ tân trang theo những kiểu mẫu trần tục, thì chán chết. Hỏi có đáng chúng ta hy vọng vào đó nữa không?
Chúng ta trở lại câu hỏi này: Có gì ở bên kia cuộc đời? Khi tuổi già chấm dứt … Khi người ta nói: “Từ trần, đi rồi, tắt hơi thở cuối cùng …”, tôi sẽ đi về đâu? ở chỗ nào? chỗ chúng ta ở được Đức Giêsu dọn sẵn theo kế hoạch của Thiên Chúa là chỗ ở hiệp thông: sâu thẳm nhất, thông suốt nhất, liên đới nhất. Nơi mà láng giềng lân cận là những bạn chí ái nhất và sở hữu chủ là một người Cha. Chỗ chúng ta được mời đến ở là nhà mình, nhà Cha mình, và trung tâm nơi ở này là Đức Giêsu. Chính Người đã đưa chúng ta về ở với Người gần Thiên Chúa.
Mơ ước của chúng ta đượm mầu sắc rực rỡ về những ngôi nhà. Những vấn đề tương lai được mệnh danh là chỗ ở, “nơi cư trú”. Nhưng Đức Giêsu chỉ cho chúng ta con đường đến một nơi ở khác, nơi người ta hát vang ca khúc khải hoàn “nơi đầy ánh sáng, chan chứa tình thương tha thứ, an vui và tự do hạnh phúc”.
C.G