THỨ BA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 15/09/2024 22:29

THỨ BA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 7,11-17

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

 

11 Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Naim, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”

14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.

 

SUY NIỆM 1: HÃY NẮM CHẶT TUỔI THƠ (Mc 10, 13-26)

(Bài giảng lễ TẾT TRUNG THU)

Thiếu nhi chúng con rất thân mến, cứ mỗi dịp Trung thu về thì tất cả mọi người luôn hướng về chúng con, thể hiện cho chúng con sự yêu thương và quan tâm bằng những hành động hết sự cụ thể và thiết thực. Khi xuống thể làm người, Chúa Giêsu cũng đã từng yêu thương chúng con bằng một tình thương đặc biệt như thế. Bài Tin mừng hôm nay cho biết, Chúa Giêsu luôn mở rộng vòng tay để ôm lấy các trẻ thơ vào lòng và đặt tay chúc lành cho các em ấy. Ngài còn chọn chúng con làm tiêu chuẩn cho những ai muốn vào Thiên đàng, khi Ngài nói với các Tông đồ rằng: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Vậy tuổi thơ của chúng con có những đặc điểm nổi bật gì, khiến Chúa Giêsu và mọi người phải “cảm nắng”  chúng con như thế?

Đặc điểm thứ nhất, tuổi thơ chúng con rất đơn sơ trong trắng. Tính đơn sơ trong trắng ấy thể hiện qua lời nói, hành động, suy nghĩ; trong cách ăn mặc, trong các mối tương quan, và cả trong cách sống của chúng con.

Đặc điểm thứ hai, tuổi thơ chúng con rất hồn nhiên thật thà. Tuổi thơ chúng con được tác giả sách Thánh vịnh mô tả “là người sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. Coi khinh điều xấu xa, trọng ai kính Chúa Trời, lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời (Tv 15, 2-4). 

Đặc điểm thứ ba, tuổi thơ chúng con rất khiêm tốn vâng lời. Tuổi thơ thì luôn khiêm tốn nhìn nhận mình bé nhỏ và sống cậy nhờ vào người khác, luôn biết lắng nghe những lời chỉ bảo và học hỏi điều hay lẽ phải. Tuổi thơ còn là lứa tuổi gắn bó với gia đình, luôn cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ, và là niềm vui của các ngài.

Do đó, không chỉ có ngày tết Trung thu hôm nay, nhưng trong mọi tháng ngày còn lại của tuổi mộng mơ, chúng con hãy tận hưởng tuổi thơ của mình; một giai đoạn đẹp, thơ mộng và thanh lịch của đời người. Chúng con đừng để mình trở thành những “ông bà cụ non” trước tuổi để rồi sống trong tương tư đa cảm; đừng để tuổi thơ của mình lệ thuộc vào một ai đó quá sớm rồi không còn biết gì đến những điều thú vị xung quanh; cũng đừng đánh mất tuổi thơ của mình cách vô nghĩa trong chiếc smartphone, vì đó chỉ là một góc rất nhỏ giữa một thế giới với muôn điều vĩ đại.

Nhưng ngược lại, chúng con hãy tiến lại gần nhau bằng cái bắt tay thân tình, bằng những nụ cười vui tươi thân thiện, bằng tình bạn chân thành và thân mật. Nếu ngày xưa niềm vui của tuổi thơ là các trò chơi trốn tìm, đá dế, nhảy dây, bắn bi, đá cầu… thì ngày nay chúng con hãy cùng nhau tận hưởng tuổi thơ qua các trận bóng đá hay cầu lông giao hữu vào cuối tuần; qua các buổi giao lưu nhạc cụ âm nhạc; hãy trao đổi với nhau về kĩ năng sống, về cách học làm người; tham gia các cuộc trại và các buổi sinh hoạt ngoại khóa; hay tham gia vào các teams để phát huy những năng khiếu vốn có nơi mình.

Nói tóm lại, cái tuổi mà chúng con quen gọi là “trẻ trâu”, rất đẹp! Hãy nắm lấy thật chặt tuổi thơ của chúng con, đừng để nó vụt mất trong những điều vô nghĩa. Tuổi thơ là giai đoạn để lại trong ký ức của chúng ta nhiều kỉ niệm đẹp, nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Và đặt biệt, Chúa Giêsu của chúng ta yêu thích tuổi thơ. Ngài đã hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho những ai có tâm hồn như một trẻ thơ.

Cầu chúc chúng con có được nhiều niềm vui trong ngày tết Trung thu hôm nay. Chúc cho chúng con luôn giữ được những nét đẹp của tuổi thơ là đơn sơ trong trắng, hồn nhiên thật thà và khiêm tốn vâng lời; để chúng con luôn mãi là niềm tự hào của Chúa, của Giáo Hội của ba mẹ và gia đình.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM 2: LỜI HAY Ý ĐẸP

Khi viết lại cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu, các Thánh sử đã phát họa cho ta thấy Chúa Giêsu trong dung mạo của một vị Lương Y nhân từ. 

Thật vậy, trong 3 năm thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã cứu chữa nhiều người với nhiều bệnh trạng khác nhau: Có những căn bệnh thuộc về tâm hồn, đơn cử như trường hợp của người phụ nữ phạm tội ngoại tình; có những căn bệnh thuộc về thể lý như việc chữa những người bại liệt, câm điếc, hay mù lòa; cũng có những căn bệnh thuộc về tâm lý, như trường hợp của những người bị coi là do quỷ ám…

Nhưng hoàn toàn khác với các lương y khác, phương thuốc mà Chúa Giêsu dùng không phải là một thứ vacxin hay dược phẩm y học, nhưng là “lời nói”:“hãy đứng dậy, vác chõng mà về”, “chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”, hay “đức tin của con đã cứu chữa con”… 

Cụ thể là trong bài Tin mừng hôm nay, phương thuốc mà Chúa Giêsu dùng để làm cho con trai của một bà góa được sống lại cũng là bằng “lời nói”: “Người thanh niên, Tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”. 

Những lời phát xuất từ miệng của Chúa Giêsu luôn mang lại ơn chữa lành và bình an cho con người thưa anh chị em .Và đây cũng chính là sứ điệp mà lời Chúa hôm nay muốn gởi đến từng người chúng ta: Hãy nói những lời hay ý đẹp để mang lại bình an cho đời và cho người.

Về điều này, ông bà cũng dạy rằng: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Điều này ngụ ý lời nói có thể là một linh dược để chữa lành, nhưng cũng có thể là một độc dược để “giết chết”. Bởi vì lời nói tốt hay xấu là tùy thuộc vào người nói, vì lời nói là một khả năng thuộc quyền sở hữu riêng của từng người, và ta có toàn quyền quyết định nói hay không nói một điều gì, nói như thế nào và nói lúc nào. 

Chắc ít nhiều chúng ta cũng từng chứng kiến vì nóng giận mà nhiều người đã nói lên những câu nói khiến vợ chồng phải phân ly, cha mẹ và con cái trở nên xung khắc, tình làng nghĩa xóm bị đánh mất… Thật vậy, “giận quá thì mất khôn”, một lời nói phát xuất từ sự nóng nảy thì sẽ không giải quyết được gì, nhưng chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Cũng vậy, một lời nói sai sự thật và thiếu chân thành chỉ làm cho nhau thêm đau khổ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Chúa Giêsu để nói lời yêu thương, lời an ủi, lời động viên khích lệ, lời tha thứ, lời mang lại bình an và hạnh phúc cho người khác. 

Và thưa anh chị em, chúng ta hãy thực hiện điều đó ngay trong chính gia đình mình, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, nên nói những gì và không nên nói những gì. Và chúng ta cũng hãy làm như thế với bè bạn, với xóm làng, với những người trong cùng một xứ đạo.

Và để kết thúc, mỗi người hãy luôn luôn tâm niệm điều này: Chúng ta không buộc phải nói tất cả những gì mình biết. Nhưng, chúng ta buộc phải biết tất cả những gì mình nói. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM 3:

 

11. Sau đó, Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Naim, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12. Khi Đức Giêsu đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”

• Tin mừng kể lại đám tang con trai duy nhất của bà góa, có nhiều người đi cùng hiệp thông về sự mất mát đau buồn của bà. Họ muốn chia sẻ nỗi buồn và đồng hành cùng bà. Bà đã khóc rất nhiều vì mất đi chỗ dựa tinh thần trong cuộc đời bà.

• Đức Giêsu thấy bà và chạnh lòng thương, Ngài an ủi bà đừng khóc nữa. Có lẽ lúc này khi nghe lời Đức Giêsu nói bà sẽ khóc to thêm nữa theo phản ứng tự nhiên. Ngài muốn để bà khóc nhưng cũng phải dừng lại để còn lo hậu sự chứ không ở mãi trong đau buồn.

• Mấy ngày nay chúng ta đang thấy biết bao cảnh đau thương mất nhà, mất người thân của đồng bào. Biết bao nhiêu tiếng khóc làm nấc lòng nhiều người. Thiên Chúa vẫn thấy, Ngài vẫn chạnh lòng để nói và an ủi con người ngang qua những con người tình nguyện cũng như nhu yếu phẩm cần thiết. 

→ Lời của Đức Giê su đừng khóc nữa vẫn là một lời động viên đúng lúc và nguồn nâng đỡ tinh thần cho con người. Không dễ để bắt đầu nhưng chúng ta vẫn tin Chúa có cách của Ngài. Tôi muốn xin điều gì?

→ Lạy Chúa, xin an ủi chúng con trong cảnh đau thương này.

Br. Vincent SJ 

 

SUY NIỆM 4: THIÊN CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN

Chúa Giêsu đã động lòng thương người mẹ và cho con trai của bà sống lại. Hành động của Chúa Giêsu vừa diễn tả một Thiên Chúa đang hiện diện vừa cho thấy một Thiên Chúa rất gần với con người. Thiên Chúa mà con người tôn thờ không phải là một nhân vật tưởng tượng, nhưng là một Đấng luôn luôn hiện diện thật sự bên cạnh con người. Vì thế, Ngài lắng nghe, hiểu thấu và cùng đi với con người cho đến ngày tận thế. Bất cứ điều gì xảy ra trên cuộc đời này, Thiên Chúa đều thấu tỏ và chính Ngài sẽ chủ động can thiệp đúng thời điểm như Chúa Giêsu đã làm dù người mẹ không hề xin.

Sống trên trần gian này, chúng ta không tránh được những buồn vui của cuộc đời. Nhiều khi chúng ta thấy dường như Thiên Chúa đi vắng hoặc không hiện diện khi để chúng ta gặp khó khăn thử thách một mình. Tuy nhiên, khi cơn giông bão cuộc đời đi qua, nhìn lại chúng ta nhận ra sự can thiệp âm thầm của Thiên Chúa đã giúp vượt qua mà chúng ta không biết. Thiên Chúa không phải là Đấng vô cảm. Ngài là Đấng thích hành động trong âm thầm. Do đó, mỗi người đừng bao giờ mất niềm tin vào sự hiện diện của Ngài, nhưng hãy can đảm đối diện và bước đi giữa giông bão của cuộc đời. Chính Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi sự cho chúng ta.

Lạy Chúa, Chúa luôn hiện diện và không bao giờ lìa xa chúng con, nhất là khi chúng con gặp khó khăn thử thách. Xin Chúa ban thêm ơn đức tin để chúng con luôn phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa. Amen.

Lm. Laurenso Quốc Huy

 

SUY NIỆM 5: CON TRAI BÀ GÓA Ở NAIM SỐNG LẠI

1. Vì tình yêu thương mà Đức Giê-su đem lại niềm an ủi cho bà góa thành Na-im. Ngài không đành lòng nhìn bà đau khổ nên đã cho con trai bà sống lại.  Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp, Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng thương. Ngài chạnh lòng thương trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non. Phép lạ cho thấy Đức Giê-su luôn quan tâm đến nỗi khổ của chúng ta. Ngài luôn hiện diện, nâng đỡ, ủi an và cứu giúp chúng ta.

2. Bà góa trong Tin Mừng hôm nay đau khổ biết bao: một đàng chồng đã chết rồi, đàng khác con trai duy nhất cũng chết theo. Xã hội thời đó lại càng chất thêm nỗi khổ cho phụ nữ neo đơn như bà. Không có chồng, không có con trai, pháp luật không cho bà bảo lãnh bản thân và tài sản, bà sống như người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội.

Trong cảnh tang thương đó, bà đau buồn khóc lóc thảm thiết, đến nỗi rất đông dân thành đã đi tiễn con của bà, thì Đức Giê-su cũng xuất hiện đứng bên quan tài. Với quyền năng của Thiên Chúa đầy lòng thương xót những người cùng khổ như bà góa này, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương, khẽ an ủi bà: ”Bà đừng khóc nữa”, rồi sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: ”Này người thanh niên, ta bảo anh: Hãy chỗi dậy”! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.

3. “Bà góa” là một trong những thành phần được Đức Giê-su ưu đãi và đặc biệt  dành nhiều tình cảm nhất, vì họ thuộc nhóm những người nghèo hèn, cùng khốn của xã hội. Họ là đối tượng được Đức Giê-su quan tâm. Ở đây, trước nỗi đớn đau khốn cùng của bà góa thành Naim về cái chết của đứa con duy nhất. Đức Giê-su đã chạnh lòng thương. Ngài không trì hoãn. Ngài đã đến an ủi bà  và làm tan đi nỗi đau nơi bà bằng cách cho cậu con trai của bà sống lại. Không chỉ con của bà được sống lại, tâm hồn của bà  và của mọi người chứng kiến sự sống lại này cũng được sống lại, niềm tin của họ vào Thiên Chúa được nảy sinh. “Bà đừng khóc nữa”. Phải, rất cần một thái độ cậy trông hơn là thái độ than vãn trong khi chờ lòng thương xót của Chúa (5 phút Lời Chúa).

4. Trong Tông thư gửi những người sống đời tận hiến, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời họ ra khỏi chính mình và đi về những vùng biên của cuộc đời, về phía những người đang mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, các bạn trẻ đang gặp ngõ cụt trước tương lai và những người già bệnh tật đang bị loại trừ.

Đứng trước sự đau khổ của bà góa thành Naim, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và ra tay làm phép lạ cho anh con trai duy nhất của bà sống lại. Người đã đi bước trước để xoa dịu và cất đi sự đau khổ của bà.

Ngày hôm nay, xã hội tuy phát triển về kinh tế, thông tin… nhưng con người càng ngày càng dửng dưng, vô cảm với nhau. Là Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi sống cảm thương trước nỗi đau của người khác. Khởi đi từ việc thương cảm, chúng ta thực thi những hành động bác ái cụ thể để nâng đỡ, ủi an những người đau khổ đang cần sự giúp đỡ (Học viện Đa-minh).

5. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải biết thông cảm với người khác. Đừng ai sống trơ trơ như một hòn đảo giữa đại dương (theo Thomas Merton), một mình mình biết, một mình mình hay, nhưng hãy biết tìm đến với nhau, biết chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phao-lô đã khuyên bảo: ”Hãy vui cùng kẻ vui, hãy khóc cùng kẻ khóc”(Rm 12,15).

Con người không thể sống trơ trơ như đá. Con vật còn biết thương nhau, chia sẻ với nhau, huống chi là con người. Người Việt nam chúng ta đã có kinh nghiệm về vấn đề này nên đã nói:

Một con ngựa đau cả tầu chê cỏ (Tục ngữ)

Theo gương Đức Giê-su, chúng ta hãy tập cho mình biết đi ra khỏi mình, đừng bao giờ co cụm lại nơi mình. Hãy biết đi đến với người khác. Mang lấy cái tâm tình của người khác, nghĩa là hãy học biết thông cảm.

6. Truyện: Biết cảm thông và chia sẻ.

Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một việc kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”? Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giảng viên bộ môn trả lời:

– Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị phải luôn gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc  đời mình. Tôi cũng đã biết được tên chị tạp vụ trong trường: Chị tên là Dorothy.

Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.

 Lm Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 6:

Câu chuyện

Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin tha thiết với hoàng đế Napoléon cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý.

Nhưng bà mẹ năn nỉ:

- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.

Hoàng đế Napoléon trả lời:

- Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót.

Bà mẹ nói:

- Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.

Hoàng đế Napoléon đáp:

- Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó.

Và ông sai thả người thanh niên đó ra (Theo Flor Mc  Carthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm C, tr. 192).

Suy niệm

Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót người quả phụ có đứa con duy nhất qua đời…  mọi người cảm thương và đưa ra nghĩa địa… Bà góa phụ cũng như đang chết. Như đang có hai con người rời bỏ cuộc sống: Người con trai chết được đem ra nghĩa địa chôn cất, người mẹ góa không nơi nương tựa và không người chăm sóc, bảo vệ mình trong đời sống, cho nên bà góa phụ cũng như đang đi vào cõi chết.

Chúa Giêsu nhìn rõ nỗi buồn của người mẹ mất con, Ngài hiểu thấu nỗi cô đơn của bà góa không nơi nương tựa: bà cũng như đang chết, Ngài liền an ủi: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Không chờ đợi người ta cầu xin, nài nỉ, Ngài sờ vào quan tài và nói: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy” (Lc 7,14). Chúa Giêsu đã can thiệp mau lẹ: Ngài giật lại khỏi tay thần chết con trai duy nhất của bà góa thành Naim. Chúa làm sống lại con trai bà góa, như thế Ngài cũng mang lại sự sống tinh thần, niềm hy vọng cho người mẹ.

Đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim được sống lại và chính bà cũng được sống lại. Đức Giêsu đã phục sinh cho cả hai mẹ con bà. Sự việc thật kỳ diệu làm cho mọi người tham dự đám tang đang sầu khổ thành niềm hân hoan, mừng vui cho hai mẹ con bà góa.

Sự kiện con trai bà goá thành Naim được Chúa Giêsu cho sống lại, cũng chính là hình ảnh loan báo trung tâm điểm của Kitô giáo: Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. Thật thế, sự chết và Phục sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta như Ngài quả quyết: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25).

Ý lực sống

“Ta truyền cho ngươi hãy trỗi dậy” (Lc 7,14).


Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

 

SUY NIỆM 7:

Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu sống con trai người đàn bà góa thành Naim. Qua đây minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót. Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Người, nhất là trong những lúc gặp gian nan thử thách.

Phép lạ của Chúa Giêsu cứu sống đứa con trai người đàn bà góa thành Naim hôm nay muốn nói với chúng ta 2 điều:

– Đức Giêsu chính là Thiên Chúa quyền năng: Sự sống con người là quý giá nhất. Sự sống ấy do chính Chúa tạo nên và ban tặng cho con người. Nên không ai có quyền trên sự sống ấy, ngoại trừ Thiên Chúa. Sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim hôm nay đã mất, không ai trên trần gian này có thể phục hồi được, trừ một mình Thiên Chúa là chủ của sự sống. Nên khi Chúa Giêsu phục hồi sự sống của đứa con trai bà góa thành Naim, minh chứng cho biết Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng.

– Đức Giêsu là Thiên Chúa giàu lòng thương xót: Với quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu thì người phụ nữ và con trẻ là thành phần thấp kém vì bị xã hội khinh thường. Người phụ nữ không được tham gia vào các công việc trong xã hội cũng như tôn giáo vì thế mà mất đi nguồn thu nhập cho cuộc sống nên tình cảnh sẽ rất khó khăn và nghèo khổ. Đứa con trai chính là niềm vui và hy vọng lớn lao của bà góa này. Nhưng nay niềm hy vọng của cuộc sống bà ta đã mất vì đứa con trai bà ta đã chết. Nhìn thấy tình cảnh đau thương ấy, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và quyết định ra tay cứu sống đứa con trai duy nhất của bà góa và trao nó lại cho bà, cho dẫu đây là trường hợp không ai kêu xin Người. Trao đưa đứa con trai sống lại cho bà góa, cũng đồng nghĩa với việc trạo ban lại cho bà ánh sáng hy vọng và niềm vui.

Qua phép lạ này cho thấy: Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng cũng rất giàu lòng thương xót. Ngài đã dùng quyền năng của Ngài để thực thi lòng thương xót qua việc phục sinh đứa con trai của bà góa thành Naim, đem lại cho bà ta niềm niềm vui và hy vọng sáng tươi.

Xin cho chúng ta nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi Chúa Giêsu để chúng ta luôn biết yêu mến, vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Người. Đặc biệt trong những lúc đau khổ và thất vọng xin cho chúng ta biết tìm đến nương tựa vào quyền năng và tình thương của Ngài.

 Nguồn:https://gpcantho.com/suy-niem-loi-chua-tuan-xxiv-thuong-nien

SUY NIỆM 8: THẤU CẢM  

Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. “Thấu cảm” là gì mà lại hiện hữu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống và nó xảy ra như thế nào? Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá bản chất và giá trị của sự thấu cảm trong cuộc sống, qua việc Đức Giêsu cho con trai bà góa thành Nain sống lại.

Bà goá thành Nain xuất hiện trong khung cảnh “ kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”. Bà chỉ có đứa con trai duy nhất là niềm hy vọng, lẽ sống và tương lai. Thế mà, bà phải chứng kiến cảnh người con của mình được “người ta khiêng đi chôn” (x. Lc 7,12). Giữa lúc tột đỉnh của sự tuyệt vọng, người góa phụ như “chết lặng”, chẳng nói nên lời. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca đã không đề cập đến lòng tin của bà cũng không thấy nói về việc bà đã từng đi theo hay đã biết về Đức Giêsu. Bà cũng chưa thốt nên lời cầu xin. Thế nhưng, chính Đức Giêsu đã đi bước trước. Ngài đã thấu cảm được nỗi tuyệt vọng của bà, đã ra tay uy quyền và cho con bà sống lại. Ngài đã thắp lại niềm hy vọng cho cuộc sống của bà.

Quả vậy, từ cổ chí kim, những đau buồn, khó khăn,… vẫn luôn bủa vây con người. Lắm khi, chúng ta cảm thấy mất hết tất cả: bị phản bội trong tình yêu, thất bại trong công việc, người thân yêu ly biệt, bệnh tật triền miên,… Dường như, một tương lai không còn niềm hy vọng đang đón đợi. Chúng ta có thể sẽ rơi vào cảnh tuyệt vọng như bà goá trong Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng, mỗi người hãy nhớ rằng, trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành. Ngài dõi bước, quan phòng và thấu cảm từng nỗi đau của ta. Nhờ đó, chúng ta nhận được nguồn ủi an và sức mạnh để can đảm lướt thắng những đau khổ trong kiếp nhân sinh.

Lạy Chúa, lắm lúc chúng con cảm thấy chẳng còn gì để hy vọng. Xin Chúa đến và phục hồi tâm hồn chúng con, ban lại cho chúng con niềm vui và hy vọng. Đồng thời, xin Chúa cho chúng con biết thấu cảm trước những hoàn cảnh bi đát của tha nhân. Amen.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD

SUY NIỆM 9:

 

"Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!"

Bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh câu chuyện về hành động của Chúa Giê-su đối với chàng trai trẻ đã qua đời. Mẹ anh là một góa phụ. Bà rất đau buồn khi người được coi là điểm tựa duy nhất trong cuộc sống của bà đã ra đi mãi mãi.

Hãy tưởng tượng xem bà đã vui mừng hạnh phúc thế nào khi Chúa Giê-su ra lệnh truyền, và trao cho bà người con trai độc tôn đã chết nay lại hồi sinh. Đó là những giây phút mà bà sẽ không thể quên được trong suốt cuộc đời mình.

Những lời Chúa Giê-su truyền đã mang đến một điều kỳ diệu to lớn. Ngài phán một lời và sự việc liền trở thành hiện thực. Người từ cõi chết đã quay lại với cuộc sống thực tại. Điều này chứng tỏ một niềm xác tín sâu xa, Ngài là Thiên Chúa yêu quý sự sống và ở nơi Ngài chúng ta được nhận lấy một sức sống dồi dào. Tuy rằng Chúa Giê-su sẽ chẳng thực hiện phép lạ để mang người thân yêu của chúng ta sống lại theo nghĩa đen như Người đã làm với anh thanh niên trong đoạn tin mừng, nhưng Ngài sẽ trao ban cho chúng ta một sức sống mới, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm nghiệm : “nếu các con lỡ đánh mất sức sống nội tại, ước mơ, nhiệt huyết...thì Chúa Giêsu luôn đứng trước mặt các con như xưa Ngài đứng trước đứa con con trai đã chết của người góa phụ...và với quyền năng của Đấng phục sinh Ngài nói với con: Ta truyền cho con, hãy trỗi dậy.” (Trích Tông huấn Đức Kitô Sống, 20)

Chúa Giêsu sẽ hành động theo nhiều cách khác nhau để giúp đỡ chúng ta. Chỉ cần chúng ta có một niềm tin mãnh liệt, sự phó thác và một lòng hướng về Chúa Giê-su, Ngài sẽ chẳng để chúng ta phải chịu bất kỳ đau thương nào, nhưng sẽ bao bọc chúng ta trong ngôn ngữ và cử chỉ của tình yêu thương.

Những điều mà ta muốn hiến dâng cho Chúa Giê-su là gì? Điều gì khiến ta trở nên đau khổ và cô đơn trong chính cuộc sống này? Những tổn thương, tội lỗi, hay sự thất vọng nào ta muốn dâng lên cho Chúa? Hãy suy ngẫm về quyền năng Thiên Chúa đã tỏ bày qua lời Người nói ra. Đặc biệt hơn, Chúa Giê-su có thể ra lệnh được điều gì trong chính cuộc sống của bạn?

Ngày hôm nay, hãy dâng lên Ngài mọi vết thương, những lỗi lầm và gánh nặng đang đè trên đôi vai bạn, sau đó lắng nghe lời Người truyền cho bạn. Hãy để Người nói với bạn "Ta truyền cho con trỗi dậy", trỗi dậy từ mọi tội lỗi, tổn thương, giận dữ và mọi đau đớn đang hằn lên thân thể bạn. Hãy để lệnh truyền của Ngài được thấm nhuần và đem lại sự đổi mới cho tâm hồn bạn, vực bạn dậy từ chốn tối tăm của sự chết.

Lạy Chúa của con, con xin hiến dâng mọi điều nơi con và cả những muộn phiền, đau đớn đang đè nặng trên đôi vai. Con xin dâng lên Ngài mọi tội lỗi, đau thương mất mát và tất cả trở ngại cản bước con đến với lối sống mà Ngài luôn mời gọi con hướng đến. Con tín thác mọi sự vào Chúa, lạy Thiên Chúa yêu dấu. Xin giải thoát con khỏi những ràng buộc nơi trần thế và tội lỗi, để dẫn con vào thế giới mới xinh tươi Ngài đã chuẩn bị cho con. Lạy Chúa, con yêu Ngài.

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây