SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 17/09/2024 05:58

SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 7,31-35

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

 

31 “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai ? Họ giống ai ? 32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.”

33 Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám. 34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”

 

 

SUY NIỆM 1;

Sứ điệp: Chỉ vì ngoan cố và vì thiếu thiện cảm mà người ta đã xuyên tạc cuộc sống và việc làm của Chúa Giêsu. Nhưng dù vậy, chân lý về Ngài vẫn rực sáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay cho con thấy đã có lần những lời kêu mời của Chúa không được người đời đáp trả. Con người đã tỏ ra dửng dưng với Tin Mừng, không nhận ra Tin Mừng được loan báo cho họ. Người đời đã hiểu sai cách sống của Chúa và của Thánh Gioan Tẩy giả. Cuộc sống khắc khổ nhiệm nhặt bị coi là lập dị lạ đời. Nhưng tiếp xúc, gặp gỡ kẻ khác thì lại bị xem là xu thời nông nổi.

Lạy Chúa, con là người Kitô hữu, là người tin vào Chúa. Thế nhưng đôi khi cuộc sống con đã có những lần làm cho Chúa buồn và thất vọng.

Tuy rằng con không là kẻ đối kháng lại Chúa, nhưng con vẫn không đủ dứt khoát để dấn bước theo Chúa, con chưa đủ xác tín vào Lời Chúa. Con chưa đủ sức bước theo Chúa với cây thập giá trên vai. Con không dám thực hiện các mối phúc mà Chúa đã công bố… Nói chung, cuộc sống con vẫn còn những vướng mắc, ngăn cản con đón nhận sứ điệp cứu độ.

Hôm nay, xin Chúa giúp con xác định thái độ đón nhận Lời Chúa. Con không đủ can đảm để mạnh dạn bước theo Chúa, chỉ biết trông nhờ ơn Chúa. Xin tình yêu của Chúa thấm nhập vào cuộc sống con, để Chúa trở nên sức mạnh lôi kéo con đến với Chúa. Ước gì khi con cảm nhận được những việc kỳ diệu Chúa thực hiện nơi cuộc đời con, con càng vững tin vào Chúa hơn – Lạy Chúa, con tin, xin đón nhận con. Amen.

Ghi nhớ: “Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

 

SUY NIỆM 2 : HÃY TÔN TRỌNG SỰ THẬT 

Xem lại thứ Sáu tuần 2 MV

Gioan Tiền Hô là một người cao trọng hơn hết mọi người nam. Đây chính là lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho ông. Tuy nhiên không phải ai cũng là người nghe ông, cụ thể là các người Pharisêu và Luật sĩ đã khước từ lời của Gioan.

Trước tình trạng đó, Đức Giêsu đã nhận định về lập trường và thái độ của các người Pharisêu và Luật Sĩ như sau: họ giống như lũ trẻ ngồi ở ngoài phố chợ, gọi nhau mà bảo:

"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa!”.

"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc"!.

Hình ảnh của lũ trẻ và lời nói của Đức Giêsu, hẳn cho chúng ta thấy Ngài lên tiếng khiển trách nặng nề về sự mập mờ, gian dối và hay đổi trắng thay đen, nói một đàng làm một nẻo của các người Pharisêu và Luật Sĩ. Họ giống như lũ trẻ nơi phố chợ. Vì thế, những lời họ nói chẳng đáng tin tưởng vì không có giá trị.

Hình ảnh của các người Pharisêu và Luật Sĩ hẳn cũng còn đầy dẫy trong xã hội của chúng ta hiện nay. Khi thì chỗ này, lúc chỗ kia, vẫn còn đó những con người luôn tìm mọi cách bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để chụp mũ người lương thiện, công chính. Họ thuộc hạng nói dối chuyên nghề, nên đâu còn chỗ cho Lương Tâm lên tiếng!!! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn thấy xuất hiện những hạng người “nổ” rất lớn với những lời lẽ “đao to búa lớn”; “rất kêu”, nhưng thực ra những lời đó chẳng khác gì lời nói của con nít, không đáng để chúng ta tin tưởng, bởi lẽ họ “nói mà không làm”; hay “nói một đàng, làm một nẻo”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng trong sự thật, có thế, chúng ta mới được người khác tôn trọng, bằng không, chúng ta chỉ như bọn trẻ nơi phố chợ mà thôi!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào tình trạng của các người Pharisêu và Luật Sĩ khi xưa là: cố chấp, bảo thủ, lập lờ và gian dối. Xin cho chúng con biết sử dụng trí tuệ Chúa ban để phục vụ cho công lý và sự thật. Amen.

Giuse Vinh sơn. Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 3: SỐNG KHÔN NGOAN LÀ SỐNG THEO Ý CHÚA.

Qua cách sống của mình, thánh Gioan Tẩy Giả đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế, còn Đức Giêsu đến dọn tâm hồn mọi người nhận lãnh ơn cứu độ. Muôn người qua muôn thế hệ sẽ nhận ra Đức Khôn Ngoan nơi Đức Giêsu qua cái chết và sự phục sinh của Người. Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa khác con người, vì Ngài dùng khôn ngoan để đem lại sự sống đời đời cho con người, chứ không tìm lợi ích cho mình. Những ai đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ là chứng nhân cho Đức Khôn Ngoan của Người. Cả Chúa Giêsu và thánh Gioan Tẩy Giả là những con người khôn ngoan của Thiên Chúa vì luôn sống theo ý Thiên Chúa.

Chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho sự khôn ngoan để biết phân biệt tốt và xấu, thánh thiện và tội lỗi. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lại không dùng sự khôn ngoan Chúa ban để tìm kiếm Chúa và sự sống đời đời, mà lại dùng nó để thỏa hiệp với tội lỗi. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy dùng sự khôn ngoan Chúa ban để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình. Sống khôn ngoan là sống theo ý Chúa.

Lạy Chúa, chúng con không tìm đâu được sự khôn ngoan trong Chúa. Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan của Chúa để chúng con chỉ ước muốn và làm những điều đẹp lòng Chúa. Amen.

Lm. Laurenso Quốc Huy

 

 

SUY NIỆM 4:

1. Hình ảnh đám trẻ

Để nói về thế hệ đương thời đón nhận như thế nào những dấu chỉ Thiên Chúa thực hiện nơi ông Gioan Tẩy Giả và một cách trọn vẹn và duy nhất nơi chính mình, Đức Giê-su so sánh họ với đám trẻ con chơi trò chơi đám cưới hay đám tang: một số thổi sáo, nhưng những đứa khác không nhảy múa; hoặc một số hát bài đưa đám, nhưng những đứa khác không khóc than.

Hình ảnh đám trẻ chơi trò chơi diễn tả một kinh nghiệm rất thường xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta :

• Tôi đưa tay ra, nhưng người kia không bắt ; hay tôi kể chuyện cười mà không ai chịu cười.
• Tôi cố giải thích một vấn đề, nhưng anh em hay chị em không hiểu ; và nếu có hiểu thì cũng hiểu sai. Hay sau một hồi cố gắng giải thích, anh em hay chị em lại đặt câu hỏi lạc đề !
• Tôi bày tỏ những cử chỉ thiện cảm, nhưng anh em hay chị em không nhận ra, hay nghiêm trọng hơn, giải thích sai thậm chí ngược lại.
• Tôi sống bình thường, thậm chí rất tích cực về mọi mặt (học tập, cộng đoàn, thiêng liêng, tông đồ…), vậy mà anh em hay chị em nhìn mình như thế, suy nghĩ về mình như thế, hiểu mình như thế. Và điều này làm cho chúng ta đau đớn tận đáy lòng.

 2. Đức Giê-su và thế hệ của Người

Đó chính là vấn đề của cả một thế hệ đối với những sáng kiến, những thiện chí, những dấu chỉ mà Thiên Chúa quảng đại ban cho loài người chúng ta. Thế hệ của Đức Giê-su là như thế và chắc chắn thế hệ của chúng ta cũng vậy :

• Gioan đến không ăn không uống, thì người ta cho là đồ bị quỉ ám.
• Còn Đức Giê-su, có ăn có uống, lâu lâu đi ăn tiệc, hay ăn cơm khách, thì bị cho là tay ăn nhậu, bạn bè dây dưa với quân thu thuế và phường tội lỗi.

Vậy thì phải có những điều kiện gì để anh em, chị em nhận ra nhau ? Phải như thế nào để thế hệ của Đức Giêsu và thế hệ của chúng ta nhận ra Thiên Chúa nơi các dấu chỉ, và nhất là nơi « Dấu Chỉ Giêsu » ?

 3. Con cái của Đức Khôn Ngoan

Đức Giêsu nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình » (Lc 7, 35). Để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan, phải hướng về Đức Khôn Ngoan, phải trăn trở và đi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, phải có thiện cảm và ước ao Đức Khôn Ngoan.

Trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra ngang qua những hoa trái của mình » (Mt 11, 16-19). Và để nghiệm được sự thơm ngon của hoa trái, chúng ta không có cách nào khác, là liều mình nếm thử. Cầu nguyện với Lời Chúa (chẳng hạn theo phương pháp Linh Thao), chính là để « cảm và nếm » những gì thuộc về Đức Giê-su, nhất là Lời và Ngôi vị của Ngài.

*  *  *

Trong cầu nguyện chúng ta hãy xác tín rằng, chúng ta chắc chắn sẽ nghe được Lời Chúa, là sự Khôn Ngoan thần linh, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ; và Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình.

Và giữa chúng ta, để nhận ra nhau, điều kiện cũng y như thế. Bởi vì, tất cả chúng ta là con một Cha trên trời và vì thế là anh chị em của nhau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

SUY NIỆM 5: THÁI ÐỘ THIẾU NHẤT QUÁN

Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.

Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui)

 

SUY NIỆM 6: TỪ CHỐI SÁM HỐI

Người đời thường có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo – môi không vành môi méo tứ tung” nhằm nói về những người lắm lời, hay chỉ trích, chê bai, xuyên tạc ý người khác.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng lên án hạng người này. Họ cứng lòng, tự đắc mình là người khôn ngoan mà không tin theo Chúa Giêsu. Họ không những không tin vào Chúa Giêsu mà còn tìm cách chống chế để bào chữa cho sự ngoan cố của mình. Ông Gioan với lối sống khắc khổ của một ngôn sứ để mời gọi họ sám hối thì họ cho là bị quỷ ám; trái lại, Chúa Giêsu với một lối sống giản dị, hòa đồng, gần gũi với mọi người, nhất là những người bị xem là hạng tội lỗi, để mời gọi họ hoán cải mà trở về với Chúa, thì họ cho Người là kẻ sống bê tha, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Họ từ chối hoán cải, từ chối tin vào Đức Giêsu bằng những lời biện minh thiếu thuyết phục.

Trước lời mời gọi hoán cải, nhiều người trong chúng ta cũng dễ tỏ ra ương bướng, tự cho mình là khôn ngoan và dành lấy quyền phán xét người khác, thay vì phán xét chính mình. Chúng ta không hài lòng với ai cả, thế nào cũng có cớ để biện minh cho mình và chỉ trích người khác được. Chúng ta từ chối cơ hội để mình được thay đổi, nhưng lại đòi hỏi người khác phải đổi thay.

Lời Chúa hôm nay là một sự nhắc nhở cho mỗi người chúng ta hãy luôn cảnh giác với những tật xấu này. Điều Chúa muốn chúng ta là sự hoán cải chân thành hơn là tìm lý lẽ để biện mình cho mình và chê bai người khác.

Lạy Chúa, xin cho con biết sám hối chân thành, biết làm chủ miệng lưỡi để chỉ nói lời hay ý đẹp hơn là chỉ trích, phê bình người khác.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây