1Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. 2Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. 3Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. 5Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” 6Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
SUY NIỆM 1: TINH THẦN NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ Với những gì mà Thánh Luca thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay, có ít là 3 điều đáng để cho chúng ta suy gẫm. Điều thứ nhất: Tấm lòng của Chúa Giêsu luôn hướng về chúng ta. Trước khi sai các tông đồ lên đường loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu đã căn dặn các tông đồ rất kĩ từng chi tiết một. Ngài dặn dò các ông như người cha người mẹ lo cho con cái. Điều này cho thấy Chúa không để chúng ta mồ côi một mình, nhưng luôn dõi mắt nhìn, và muốn nói với chúng ta rằng: Trong mọi sự, “hãy yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ!” Điều thứ hai: Đã là người dấn thân phục vụ nhà Chúa thì phải có lòng cậy trông phó thác. Chúa Giêsu muốn các môn đệ khi ra đi đừng mang theo túi tiền, bao bị hay giày dép; nhưng chỉ cần mang theo một thứ, đó là lòng phó thác. Làm việc cho Chúa thì hãy cậy trông vào Chúa, chứ đừng cậy dựa vào bất cứ điều gì thưa anh chị em. Có như thế thì dù thành công hay thất bại, dù gặp chuyện vui hay chuyện buồn thì chúng ta vẫn cứ an lòng để tiếp tục dấn thân phục vụ, “vìphần thưởng Chúa dành cho chúng ta ở trên Trời thật lớn lao”. Điều thứ ba: Đã sẵn sàng phục vụ thì cũng hãy sẵn sàng đón nhận những phũ phàng. Chúa Giêsu cho biết, sẽ có người đón tiếp thiện chí của chúng ta, nhưng cũng sẽ có người công kích. Chính Chúa Giêsu cũng từng bị như thế, các tông đồ cũng vậy, và chúng ta cũng thế thôi. Rồi sẽ có lúc chúng ta bị hiểu lầm, bị từ chối, bị trách móc, bị chửi bới, bị kiện tụng… Sẽ có lúc “vì chú tâm lo việc nhà Chúa mà chúng ta sẽ phải thiệt thân”. Đây quả là một niềm an ủi cho những ai đang một lòng một ý chung tay xây dựng và phục vụ giáo xứ, nhưng lại bị nói này nói nọ. Hãy tin rằng, Chúa luôn hướng lòng về chúng ta. Ngài đang dõi mắt nhìn và thấy hết mọi sự. Ngài biết chúng ta đang gặp phải khó khăn gì. Ngài biết rõ ai đúng ai sai. Và Ngài biết, Ngài cần phải làm gì để nâng đỡ chúng ta. Mỗi người hãy phó thác cho Chúa tất cả những nỗi niềm của riêng mình, để “Chúa biến nỗi buồn của chúng ta thành hoan lạc”. Và mỗi người cũng hãy khắc ghi thật sau lời này của Chúa Giêsu: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét.Nhưng ai bền đỗ đến cùng kẻ ấy sẽ được cứu độ”. Đừng để bất cứ điều gì ngăn cản lòng nhiệt thành của chúng ta. Hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhau và tiếp tục dấn thân phục vụ thưa anh chị em. Amen. Lm. Antôn
SUY NIỆM 2 : Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại để sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và việc rao giảng này luôn đi đôi với việc phục vụ cho sự sống: “Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân”; và “các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi”. 1. Ơn huệ sự sống Các môn đệ được mời gọi phục vụ cho sự sống, theo lời kể của thánh Mát-thêu, trong tâm tình nhưng không : « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy » (Mt 10, 8). Và không ở đâu sự nhưng không được thể hiện cách tuyệt đối, như ở ơn huệ sự sống. Như thế, Nước Trời gắn liền với sứ mạng phục vụ cho sự sống cách nhưng không. Bởi vì Nước Trời là Nước của Sự Sống, của Thiên Chúa Hằng Sống, và Thiên Chúa là nhưng không. Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ trước khi sinh con, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có, hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con có ra nông nỗi gì. Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Hội Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không có động lực để sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, giữa cộng đoàn của chúng ta. Vì thế, khi đọc lại đời mình, chúng ta được mời gọi nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng không trong ơn huệ sự sống và cũng nhưng không trong ơn tha thứ. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong cộng đoàn ở mọi cấp độ, trong Giáo Hội và ngay cả trong một xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng ». Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta sẽ không có ngày hôm nay ở gia đình này hay ở cộng đoàn này. 2. Nước Trời và sứ mạng phục vụ cho cho sự sống Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) nhưng không chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống : sự sống thể lí, bằng cách quan tâm đến những người nghèo hèn, những người bệnh tật, và sự sống nhân linh, vì con người sống không nguyên bởi không khí (nghĩa là nhu cầu), nhưng còn bầu khí (nghĩa là tương quan). Ma quỉ thường tấn công vào mối tương quan giữa chúng ta với nhau, để làm ô nhiễm bầu khí cộng đồng, cộng đoàn và gia đình, bằng cách gieo rắc thái độ vô ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực dưới nhiều hình thức khiến chúng ta hiểu lệch lạc, mù lòa, câm điếc, tê liệt đối với nhau và đối với Chúa. Đó thật sự những bệnh tật, gây hậu quả nghiêm trọng hơn là những căn bệnh thể lí, và chỉ có thể được chữa lành bởi chính Chúa và những năng lực đến từ chính Chúa. Để phục vụ cho sự sống của người khác, Đức Giê-su đã ban cho các tông đồ « năng lực và quyền phép » đặc biệt nhằm trừ quỉ và chữa bệnh. Thế hệ dầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Ngày hôm nay, Đức Giê-su vẫn mời gọi chúng ta thi hành cùng một sứ mạng phục vụ cho sự sống, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn, bởi vì đó là « năng lực và quyền phép » của tình yêu và lòng thương xót Chúa, dành cho mỗi mỗi người chúng ta. Ø Đó là ơn nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua. Ø Đó là sứ mạng thông truyền đức tin và kinh nghiệm sống đức tin, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… (kinh nghiệm của các nhà truyền giáo) Ø Đó là chiến thắng sự dữ và bạo lực không phải bằng những phương tiện của sự dữ và bạo lực, nhưng bằng sự hiền lành, bằng tâm tình tạ ơn và ca tụng, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Thập Giá Đức Ki-tô ; như lời Tv 8 loan báo : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ». Ø Đó là sự hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết. Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động. 3. “Anh em đừng mang gì đi đường”! Chính vì thế, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết và triệt để, chi tiết và triệt để đến độ không thể thực hiện được: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Bởi vì, nếu chúng ta làm theo y như lời dặn này của Đức Giê-su, chúng ta không thể rao giảng được mấy ngày, thậm chí đi tĩnh tâm cũng không được ! Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15, 5; 21, 3-6). Đức Giê-su cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bỡi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x. 2Cr 3, 17). Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, thật xa theo năng động mà lời của Ngài gợi ra. Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn ban nhưng không của Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta ; và nếu có phần đóng góp của các phương tiện và tài năng, thì tất cả đều là ơn huệ Chúa ban cách nhưng không. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
suy niệm 3: tối giản cho việc cần thiết! Người nói: “Anh em đừng mang gì khi đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc.” (Lc 9,1-6) Suy niệm: Chủ nghĩa Tối giản không chỉ là một xu hướng thời trang ngày nay; đó là lối sống thiên về sự giản dị, được nhiều danh nhân như M. Gandhi hay Steve Job ưa chuộng. Họ chú tâm vào những điều thiết yếu, ít màng đến các chi tiết phụ tuỳ, và nhờ đó, dễ đạt thành quả. Chúa Giê-su sai môn đệ lên đường trong cung cách tối giản gần như triệt để: không bao bị,giày dép, không tiền bạc... Tại sao? Cốt để các ông tập trung vào chuyện cần thiết là rao giảng Nước Trời và chữa lành bệnh nhân (x. Câu 2). Việc rao giảng & chữa lành ấy phải chiếm vị trí số một trong sứ mạng người môn đệ, là lý do giúp vượt qua những lôi cuốn như vật chất, tiền bạc, thú vui. Các ông phải là cầu nối giữa Thiên Chúa và nhân loại, trao chuyển phúc lành của Người.
Mời Bạn: Bộ phim “Đừng khóc thương tôi, Sudan” về cha Lee Tea Suk, từng lấy đi nước mắt bao người. Sau khi thụ phong, cha rời quê nhà, từ giã danh vọng, tiện nghi đời sống, sang Châu Phi truyền giáo, sống đời thiếu thốn cơ cực, cùng với dân chúng. Tuy nhiên, chính lối sống tối giản đầy chất Tin Mừng ấy lại có sức tỏa lan và thu hút bao người tìm đến với Chúa. Mời bạn suy nghĩ về một “Lee Tea Suk” trong bạn, để bạn cũng được thúc đẩy loan báo Tin Mừng trong chính môi trường mình sống. Sống Lời Chúa: Bạn ưu tiên cho việc chia sẻ niềm vui Tin Mừng với người mà bạn gặp gỡ trong ngày. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, ước mơ của Chúa là mọi người nhận biết Tin Mừng Nước Trời. Xin giúp con khao khát nói về Chúa, làm chứng cho Ngài trong cuộc đời con. Lạy Chúa! Đời người ngắn ngủi, không có thời gian cho việc tiếc nuối, xin cho chúng con đừng quá bận lòng với những người, những việc khiến chúng con phiền muộn, dù chỉ là một giây. Nếu chưa có kết quả cuối cùng, xin cho chúng con biết mỉm cười và mạnh chân tiến về phía trước. Đời người, có khi chúng con cần một khoảng lặng để ngắm nhìn hoa nở, lắng nghe tiếng xao động của lá cây. Việc cần đến sẽ đến, người muốn đi rồi cũng sẽ đi, xin cho chúng con đừng cự tuyệt cũng đừng níu kéo, mọi người mọi việc cứ thuận theo ý Chúa. Amen. Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB SUY NIỆM 4: ĐỨC GIÊ-SU SAI CÁC TÔNG ĐỒ ĐI GIẢNG 1. Đức Giê-su sai mười hai Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng để các ông được tham gia vào sứ mạng của Ngài. Đức Giê-su đã ban cho các ông năng lực làm phép lạ, chữa bệnh và quyền phép để xua trừ ma quỉ. Ngài cũng căn dặn các ông nhiều điều trước khi lên đường. Lời căn dặn của Đức Giê-su phải chăng muốn nói: khi rao giảng phải bỏ hết những đồ dùng, kể cả lương thực? Thưa không, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng, với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, đừng để vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ mình. Nhưng, phải cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và của Tin Mừng thôi. 2. Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giê-su đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiến bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giê-su còn trao ban cho các ông năng lực của chính Ngài để thực hiện các phép là và ban quyền phép để xua trừ ma quỷ. 3. Trước khi đi rao giảng, Đức Giê-su dặn bảo các ông cần có tinh thần siêu thoát: ”Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Theo đó, Đức Giê-su không bảo các ông phải vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Đức Giê-su muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình. Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, hãy dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giời cho Chúa (Hiền Lâm). 4. Lý do của việc truyền giáo. Hội thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: ”Vì tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc tôi”(2Cr 5,14). Quả thế, “Thiên Chúa luôn cho mọi người được ơn cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý”(1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được ủy thác chân lý, Hội thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội thánh phải truyền giáo. 5. Loan báo Tin Mừng Nước Trời là sứ mệnh hàng đầu của Đức Giê-su và của cả Giáo hội, Ngài đã đến trần gian và ở lại 33 năm là để thi hành sứ mệnh này. Kế tiếp Ngài, các người được Ngài mời gọi, đi theo, ở với và rồi được sai đi cũng mang trọng trách ấy cho đến “khi Chúa đến”. Trước tiên, loan báo Tin Mừng hệ tại việc “đi”: đi vào giữa lòng đời và đi ra vùng ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ, trong đó có dấu chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những kẻ môn đệ Chúa Ki-tô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin Mừng được đón nhận dễ dàng hơn khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại… kèm theo. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách khác, để chu toàn sứ mệnh, người môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di chuyển và đưa ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp (5 phút Lời Chúa). 6. Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết, cử chỉ hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho Linh mục Gio-an Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: ”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”. 7. Truyện: Chúa sai tôi đi. Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ thấy hầm với hố, tường thì đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường xiêu vẹo. Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại lòng đạo đức của cả đoàn chiên. Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ. Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh cha rằng: – Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của thân phụ tôi ngày tôi chịu chức Linh mục: “Nay con đã là linh mục của Chúa, cha chỉ cầu mong con ba điều: “Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào. Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào. Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa”. Và thế rồi ngài an bình ra đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm SUY NIỆM 5: TRUNG THÀNH VỚI LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm Mười Hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố Phục Sinh để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau Phục Sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, sau biến cố vượt qua mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày vẽ công việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do theo sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu. Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa cho rằng, Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu, một ý định vượt qua giới hạn thời gian, Chúa đã kêu gọi huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh. Nhà thờ để phụng thờ Thiên Chúa, nhà thương để chăm sóc bệnh nhân, nhà dưỡng lão để săn sóc người cao niên, nhà học tập dành cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa. Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sơ sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai. Lạy Chúa, Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi. (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 6: Nét đẹp của người môn đệ chính là thái độ sống thanh thoát khỏi những tiện nghi vật chất. Họ không để cồng kềnh bởi mớ hành lý nặng nề. Chuyến hành trình truyền giáo là một thời gian dài chứ không phải là một vài hôm. Thế nên, cần phải có thái độ từ bỏ, thanh thoát. Cần phải từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa. Ước gì đời sống ky-tô hữu của chúng ta luôn thể hiện nét đẹp của mình qua thái độ sống chân thành, không để lệ thuộc vào vật chất, không tham lam của người và cũng không hẹp hòi với người, nhưng luôn sống chia sẻ tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Xin Chúa là Đấng đã từ bỏ mọi sự xin giúp chúng ta luôn biết sống thanh thoát như Ngài. Cầu nguyện Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa, để chúng con có thể đẩy lùi sự dữ và những điều xấu xa ra khỏi môi trường chúng con đang sống. Xin gìn giữ chúng con khỏi những mưu chước hiểm độc của ma quỷ đang tìm cách làm ô uế linh hồn của chúng con. Xin đừng để chúng con rơi vào cạm bãy của ma quỷ, khiến chúng con đánh mất vẻ đẹp của phẩm giá con người là luôn hướng về sự thiện, và luôn sống theo lẽ phải. Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ở bên chúng con và bước đi cùng với chúng con. Xin hộ phù và gìn giữ chúng con luôn trung tín theo đường lối Chúa. Amen Lm.Jos Tạ Duy Tuyền