SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 04/09/2024 22:40
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lc 5,33-39

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.


33 Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống ?” 34 Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng ? 35 Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.
36 Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. 37 Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. 38 Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. 39 Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’.

SUY NIỆM: TRANH LUẬN VỀ VIỆC ĂN CHAY
Đức Giêsu bị kêu trách vì môn đệ Người cứ ăn uống. Việc ăn chay, cầu nguyện theo cái nhìn của biệt phái, chứng tỏ mình là con người thánh thiện, đạo đức. Vì các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay, nên họ đã đặt vấn đề với Người.
Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc ăn chay, cũng không trách việc ăn uống. Ăn chay hay ăn uống đúng lúc thì mới hợp lý. Các môn đệ của Chúa cũng sẽ ăn chay, khi Người là chàng rể được cất đi. Còn bây giờ, Người còn ở với họ, niềm vui đầy tràn sao bắt họ ăn chay?
Theo luật của người Do thái thì buộc mọi người phải giữ chay những ngày quốc tang và những ngày sám hối, tuy vậy, những người Do thái đạo đức như các biệt phái và môn đệ của Gioan, muốn noi gương đời sống khắc khổ của thầy mình, còn giữ chay một số ngày khác. Nhóm biệt phái còn ăn chay ngày thứ 2 và thứ 5 mùa thu, nếu trời không mưa. Những người sốt sắng cũng ăn chay vào các ngày đó quanh năm (Lc 18,22).
Lời Chúa hôm nay nói đến những người luật sĩ và biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện. Theo quan niệm Do thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, những người biệt phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn chay, mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách họ.
Chúa Giêsu đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do thái, để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Lc 5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận ra rằng: Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm vui, nên con người không còn phải chay tịnh với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.
Và để giải thích cho điều Ngài dạy, Chúa Giêsu đã đưa hai dụ ngôn sự hiện diện của chàng rể trong đám cưới và dụ ngôn chiếc áo mới và bình rượu mới.
Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của chàng rể: bao lâu chàng rể còn đó, thì việc chay tịnh phải được miễn chuẩn. Trong Cựu ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi đó. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và cũng như các môn đệ của ông. Như vậy, khi miễn chuẩn cho các môn đệ của Ngài khỏi phải chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng: Ngài chính là chàng rể, là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi, vì thế mà họ không cần phải chay tịnh để mong chờ nữa. Thời Cứu thế đã đến rồi. Con người không cần phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ, vì những gì họ mong đợi bây giờ đã được toại nguyện rồi.
Tiếp theo là dụ ngôn về chiếc áo mới và bình rượu mới.
Khi nói dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho mọi người hiểu, “lý do” tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại cứu thế, thì phải sống theo tinh thần mới. Chúa bảo: “Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Lc 5,37). Nói thế Chúa không có ý nói cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ. Ở đây rõ rệt Ngài không có ý so sánh mà chỉ có ý nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể tương hợp với nhau.
Truyện: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Những người biệt phái, luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người biệt phái cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 5,33).
Cổ nhân chúng ta và các nhà khôn ngoan thường dạy người ta cách cư xử ở đời là: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”: hãy trách mình trước, rồi trách người sau. Hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cách cư xử với nhau như vậy:
Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt.
Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên mây trên gió.
Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là khuynh tả.
Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không có việc làm.
Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.
Nếu cha hay mỉm cười: cha quá dễ dãi!
Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người nào đó sẽ nói: cha khinh người!
Nếu cha còn trẻ: cha thiếu kinh nghiệm!
Nếu cha có tuổi: cha nên về hưu thì vừa!
Giêsu ơi! Không thua gì các luật sĩ và biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ, chứ không được như họ là. Nếu con cảm thấy thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa: nhìn và yêu (Hosanna).
 Lm Giuse Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM:
Ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do-thái Giáo. Họ có một cuộc “đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn vào các ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gio-an Tẩy giả và những người Biệt phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Chung quy lại, ăn chay đối với Do-thái Giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:
–  Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
–  Đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
–  Lòng đạo đức.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu, những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong lời thắc mắc của họ: “Tại sao môn đệ của Gio-an và Biệt phái ăn chay, còn môn đệ thầy thì không?”
Theo trình tự của Tin Mừng, đây không phải là dịp xá tội để giữ chay theo mùa, đây cũng không phải việc cố ý thắc mắc vì không tin Đấng Cứu Độ đã đến, vì chính Gio-an Tẩy giả (bao gồm các môn đệ của ngài) đã tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế.
Lại nữa, trong câu trả lời của Chúa Giê-su: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là trong THỜI GIAN CỦA SỰ VUI MỪNG – thời gian của Đấng Cứu Độ đã đến và đang ở giữa họ, chứ không phải thời gian Cựu Ước đợi chờ nữa.  Chúa Giê-su còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Người lên án về việc người Do-thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.
Như vậy, qua việc chất vấn của người Do-thái, Chúa Giê-su đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:
Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giê-su về việc ăn chay, bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.
Trở thành môn đệ Chúa Giê-su, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động và cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.
Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của chúng ta. Chúa muốn chúng ta buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin Mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động. Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giê-su, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ và khoan dung tha thứ… 
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết “ôn cố tri tân”, là trong khi vẫn giữ những lề luật của Chúa, nhưng biết áp dụng linh động vào cuộc sống hiện tại, sao cho phù hợp với giáo huấn Tin Mừng, theo như ý Chúa dạy chúng con hôm nay. Amen.
Hiền Lâm 

SUY NIỆM : MỖI THỜI MỖI KHÁC
Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó họ mới ăn chay.” (Lc. 5, 33-35)
Mỗi thời mỗi khác!
Câu nói đó xưa như trái đất. Những luật sĩ và biệt phái hình như quên đi khi họ trách các môn đệ của Đức Kitô không ăn chay như môn đệ của Gio-an và không cầu nguyện như họ.
Mỗi thời mỗi khác, có thời để vui, có thời để hy sinh. Có thời để làm việc, có thời để nghỉ ngơi. Người ta đến đám cưới không phải để khóc! Đức Giêsu nói: lúc này là tiệc cưới của tôi. Vậy phải vui mừng. Buồn sẽ đến lúc tôi ra đi các ông sẽ không bao giờ tìm thấy tôi.
Mỗi thời mỗi khác. Có thời cho quần áo mới. Nhưng quần áo mới không luôn mới. Chúng đẹp khi mới dùng. Dùng lâu, chúng sẽ thành đồ phế thải. Chúng rách khó vá, nên không ai lấy vải mới vá vào áo rách.
Bình cũ không còn có thể chứa được rượu mới, rượu mới sẽ làm bể bình cũ. Đừng quên rằng rượu mới không bao giờ ngon như rượu cũ.
Sự so sánh đó có thể rút ra bài học rất tế nhị. Đức Kitô không muốn xúc phạm đến họ, nhưng Người không ưa những thứ quá khích. Đối với kẻ thù khích bác và cố chấp, họ không thể hiểu được sự khẩn thiết về những đổi mới. Người thử giải thích bằng hình ảnh hôn nhân để thấy sự không thể thích nghi của con người cựu ước với thời tân ước của Ngài. Ngài không chối bỏ họ, nhưng họ có thời của họ. Ngài thiết lập thời tân ước như Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc xưa và nay cho mọi người.
Không phải chỉ có luật sĩ và biệt phái xưa, cả những Kitô hữu ngày nay cũng không biết nhận ra sự cần thiết phải tái sinh lòng mộ đạo theo Thánh Thần Thiên Chúa và công đồng Va-ti-can II hướng dẫn. Không phải tái sinh là chấp vá, nhưng là công việc lâu dài, kiên nhẫn đôi khi phải chịu đau khổ để thêu dệt nên một tấm áo mới không có đường may. Một hy vọng sống lại chan hòa vui mừng.
GF

SUY NIỆM: TRANH LUẬN VIỆC ĂN CHAY
Người Do thái rất coi trọng việc ăn chay (x. Mt 6,1-8). Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa (x. Xh 34,28) hoặc gặp Đấng Messia sắp đến.
Vào đầu thế kỷ thứ 1, người ta nghĩ rằng Đấng Messia sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả.
Phần Chúa Giêsu thì tự biết chính mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh với thời gian Ngài đang sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rể. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.
Vì thế khi người ta chất vấn Ngài “Tại sao các môn đệ của ông không ăn chay?”, Ngài trả lời “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay trong khi chàng rể còn ở với họ?”. Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị đón Ngày quang lâm (x. Cv 13,1-3).
Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn đó. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng : “Rượu mới thì bầu rượu cũng phải mới”.
Cuộc đời của người Kitô hữu tuy có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác Thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ.
Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh: các Ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, nhiều lúc chúng con cũng giống những người Pharisiêu ngày xưa, là thường đòi hỏi người khác phải giống như chúng con: giống về cách suy nghĩ, đi đứng, ăn mặc, cách giữ đạo… nếu không thì chúng con chê bai này nọ, thậm chí chỉ trích, nói hành, nói xấu họ. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu uốn nắn lòng mỗi người chúng con để chúng con có được sự quảng đại và một tình yêu thương rộng lớn, nhờ đó có thể chấp nhận những khác biệt nơi những người sống chung quanh chúng con. Amen.
Lm. J.P                                                                     

SUY NIỆM: DỨT KHOÁT TẬN CĂN
Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: “Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”, “Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa”, “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Xin Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM: CHAY TỊNH BẰNG CẢ TẤM LÒNG
Chay tịnh là một trong những cách khổ chế được nhiều tôn giáo áp dụng. Do Thái giáo cũng tuân giữ luật lệ này một cách rất tỷ mỉ. Họ có những quy định riêng về việc ăn chay. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là họ quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, mà quên đi ý nghĩa bên trong của việc chay tịnh là gì.
Ăn chay không chỉ đơn thuần là việc kiêng cử đồ ăn thức uống. Nó còn là 1 sự biến đổi bên trong tâm hồn để được đẹp lòng Chúa hơn. Việc người môn đệ của Thánh Gioan trách những môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay là một hình ảnh trái ngược với việc chay tịnh của họ. Thay vì chay tịnh giúp họ nên hoàn thiện thì họ lại xét đoán người khác; thay vì yêu thương thì họ lại gây chia rẽ.
Hơn nữa, chay tịnh là việc đạo đức cá nhân của từng người. Nó chỉ phát sinh hiệu quả thiêng liêng cho người thực hiện, khi hành vi đó hoàn toàn tự do và tự nguyện. Như thế, dù các môn đệ Chúa Giêsu có ăn chay bởi lời nhắc nhở thì điều đó cũng vô ích.
Anh chị em thân mến, chay tịnh cũng là một nét đẹp trong các thực hành đạo đức của người kitô hữu chúng ta. Được biết có nhiều anh chị em không chỉ giữ chay rất tốt vào 2 ngày Thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần thánh theo luật buộc, nhưng còn sống đời chay tịnh vào tất cả các ngày thứ Tư và thứ Sáu trong năm. Anh chị em hãy tiếp tục sống và phát huy những việc lành thánh ấy với tấm lòng chân thành, thì chắc chắn đời sống đức tin của mỗi người sẽ trổ sinh những hoa thơm trái tốt.
Tuy nhiên, đời sống chay tịnh không đơn thuần chỉ có việc ăn chay, tức là chay cái bụng, là tiết chế trong việc ăn uống; nhưng anh chị em cũng hãy mở rộng đời sống chay tịnh ra với nhiều việc làm khác.
Cụ thể như là việc “nghĩ chay”, tức là chay cái đầu, là tiết chế trong tư tưởng để chỉ suy nghĩ về những điều trong sạch, lành thánh và tốt đẹp về tha nhân và về chính bản thân mình.
Rồi anh chị em cũng hãy “nói chay”, tức là chay cái miệng, là lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, nói lời hay ý đẹp, nói những lời để xây dựng chứ đừng nói lời gây chia rẽ.
Tóm lại, hôm nay chúng ta cùng nhau khẳng định lại những giá trị đạo đức của đời sống chay tịnh, một đời sống chay tịnh theo đúng thánh ý Thiên Chúa, tức là phải xuất phát từ tấm lòng chứ không chỉ là hình thức bên ngoài. Đồng thời chúng ta được mời gọi hãy thể hiện điều ấy qua ít là 3 việc làm cụ thể: Ăn chay, nghĩ chay và nói chay, để đời sống của mỗi người ngày nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen.
Lm. Anton

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây