THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN Mc 9,30-37

Thứ hai - 24/02/2025 03:46
THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN
Mc 9,30-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
30Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê.
Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”
32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.
35Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”
36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

SUY NIỆM: CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI
Bài Tin mừng hôm nay cho biết, trong khi các tông đồ đang mãi băn khoăn và say sưa bàn tán với nhau là không biết sau này ai sẽ được làm ông này bà nọ trong Nước Trời, thì Chúa Giêsu đã mạc khải cho các ông 3 điều, mà xem ra các tông đồ không mấy hứng thú với 3 điều này:
Thứ nhất, con đường mà họ đang đi là con đường thập giá, con đường của khổ đau. Người Do Thái nói chung và cách riêng là các tông đồ lúc ấy rất sợ thập giá, vì đối với họ, đó là một hình phạt ô nhục nhất.
Thứ hai, ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ mọi người. Bao nhiêu năm tháng chịu đô hộ của đế quốc Rô-ma khổ quá nhiều, các tông đồ chỉ muốn đổi đời. Hai chữ “phục vụ” quả là một điều ngán ngẩm đối với các ông.
Và thứ ba, Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ tiếp đón, yêu thương và cưu mang những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Lúc ấy, các tông đồ lo cho bản thân và gia đình mình còn chưa nổi, thì lấy đâu ra mà giúp đỡ người khác.
Thưa anh chị em, thập giá, phục vụ và yêu thương tha nhân là sứ mạng của Chúa Giêsu, và cũng là sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến chúng ta hôm nay.
Nếu ai đó nghĩ rằng, con đường chúng ta theo Chúa là con đường có nắng xuân trải lụa vàng, có tiếng chim hót rộn ràng; là con đường không có khổ đau và thử thách, thì hãy coi chừng, có ngày chúng ta sẽ vỡ mộng. Bởi con đường mà Chúa muốn người ki-tô hữu bước đi là con đường hẹp, con đường thập giá, đường hy sinh, đường có cả những gian nan vất vả. Chính những điều đó sẽ thanh luyện và vun đắp đức tin, ý chí và lòng trông cậy của mỗi chúng ta. Và đừng ai quên rằng, con đường ấy luôn có Chúa đồng hành, và là con đường ngắn nhất để dẫn đến vinh quang.
Vậy tại sao Chúa lại muốn chúng ta đi trên con đường thập giá ấy? Bởi khi bước đi và và đối diện với thập giá của cuộc đời, chúng ta mới nhận ra mình bé nhỏ và yếu đuối. Chính điều ấy sẽ giúp mỗi người khiêm tốn hơn trước mặt Chúa và anh chị em mình. Và chỉ khi bước đi trên con đường thập giá, chúng ta mới có thể gặp thấy những người nghèo khổ bất hạnh, những người bị xã hội loại trừ, những người đang rất cần đến sự trợ giúp của chúng ta, và chúng ta mới có thể đồng cảm với họ.
Hưởng thụ, kiêu ngạo và vô cảm, vốn là 3 căn bệnh và cũng là 3 cơn cám dỗ của các tông đồ năm xưa, cũng như của chúng ta hôm nay. Chính vì thế, Chúa muốn chúng ta đi trên con đường thập giá để biết hy sinh, để biết khiêm tốn, để biết yêu thương. Và đó cũng là 3 mật mã để mở cánh của thiên đàng.
Ước gì mỗi người luôn can đảm bước đi theo Chúa và đi đến trọn con đường. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: PHỤC VỤ CHÚA VÀ THA NHÂN
Chúa Giêsu loan báo về sự chết và sự sống lại của Ngài cho các môn đệ. Ngài muốn bộc lộ sứ mạng mà Ngài sẽ thực hiện theo thánh ý Chúa Cha và để cứu chuộc nhân loại. Thế nhưng các môn đệ không hiểu, lại còn tranh cãi với nhau về địa vị lớn bé trong tương lai.
Dường như Chúa Giêsu vẫn chỉ một mình hướng đến mầu nhiệm thập giá đau thương mà không có người môn đệ nào cảm thông, chia sẻ và đồng cảm với Ngài trên con đường cứu chuộc nhân loại.
Con người ngày nay cũng thế, ai cũng muốn làm lớn, có địa vị cao sang, có nhà cửa rộng lớn, hoành tráng, hiện đại đầy đủ tiện nghi để hưởng thụ. Làm nô lệ, làm đầy tớ và làm kẻ hầu người hạ.
Chúa Giêsu hiểu tâm tính của các môn đệ lúc này, chẳng khác gì người đời là muốn làm lớn, muốn địa vị, Ngài đã gọi mười hai ông lại và nói: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Ngài muốn các ông phải “tẩy não” khỏi lòng ham muốn hưởng thụ và đòi bổng lộc. Ngài mời gọi các môn đệ phải trở nên giống như Chúa: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”.
Chúa Giêsu hướng các môn đệ đi vào con đường thập giá và dám từ bỏ chính mình: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Ngài mời gọi các môn đệ cần phải hy sinh bản thân, để phục vụ Tin Mừng Nước Thiên Chúa và đón tiếp mọi người, dù cho họ bé mọn, nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Chúng ta không thể làm những điều lớn lao trên đất này, mà chỉ có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn.”
Lời Chúa dạy các môn đệ: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người", cũng là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay, đó là phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội và phục vụ con người. Chúa mời gọi chúng ta hãy phục vụ cách vô vị lợi, phục vụ với lòng quảng đại mà không tính toán, như Chúa đã dạy: “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì cũng cho nhưng không”.
Lạy Chúa Giêsu, mặc dầu chúng con được mang danh là Kitô hữu, nhưng chúng con chưa hiểu hết về Chúa, chưa có được lòng tốt, lòng yêu thương, lòng quảng đại, lòng hy sinh của Chúa và vì Tin Mừng. Xin Chúa dạy chúng con biết từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi ích kỷ để biết quên mình phục vụ Chúa và tha nhân. Xin Chúa dạy chúng con mỗi ngày được nên giống Chúa hơn. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang.

SUY NIỆM: TÂM HỒN TRẺ THƠ
Truyền thuyết kể lại rằng: lúc các môn đệ đang tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, thì Đức Giêsu gọi một em nhỏ đặt giữa các ông, mà em nhỏ đó có tên là Ignatius ở Antinôkhia, sau này trở nên một tôi tớ của Hội Thánh, một tác giả lớn và cuối cùng chịu tử đạo vì Danh Chúa. Tương truyền nói Ignatius có tên là Theophoros, có nghĩa là người được Đức Chúa Trời ẵm bế hay Đức Chúa trời sanh. Sở dĩ Ignatius có được cái tên đó vì Chúa Giêsu đã đặt ngồi trên đầu gối của Ngài.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến đứa trẻ, từ hình ảnh đứa trẻ ta bắt gặp được những đức tính của một công dân Nước Trời. Nơi đứa trẻ thường có nhiều đức tính đáng yêu như: khả năng ngạc nhiên trước cảnh lạ lùng của thế giới và khả năng tha thứ, quên, dù người lớn hay cha mẹ bất công với chúng.
Sự ngây thơ trong trắng khiến trẻ thơ luôn học hỏi tiếp thu và thực hiện. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu có nghĩ đến những điều này, nhưng không phải là nhiều điều chính yếu mà Ngài muốn đề cập đến. Điều Ngài muốn nói là trẻ thơ có ba đặc điểm lớn khiến chúng dùng làm biểu hiện cho những đức tính của công dân thiên quốc.
-Trước tiên và chính yếu, cũng là đặc tính then chốt của toàn đoạn Tin mừng hôm nay là khiêm nhường của đứa trẻ. Đứa trẻ không muốn đầy mình ra phía trước, nhưng muốn lẩn
ra đằng sau. Nó không muốn nổi bật, chỉ khi lớn lên nó mới bắt đầu đi vào thế giới cạnh tranh, giành giật phần thắng về mình, tìm những chỗ trước tiên, bỏ lại đằng sau sự khiêm nhường thuộc bản chất trẻ thơ.
-Tiếp đến là sự nương nhờ của trẻ thơ. Đối với trẻ sự nương nhờ là một trạng thái rất tự nhiên. Không bao giờ nó nghĩ rằng tự nó có thể đối diện với cuộc sông. Nó hoàn toàn hài lòng chịu nương dựa vào những người yêu thương, chăm sóc nó. Nếu chúng ta chấp nhận nương nhờ vào Chúa thì một sức lực mới và sự bình an mới sẽ bước vào đời sống chúng ta.
-Sau cùng là sự tin cậy của trẻ thơ. Bản chất trẻ thơ là nương dựa và tin cậy cha mẹ sẽ cung ứng cho nó những nhu cầu cần thiết. Khi còn nhỏ, chúng ta không thể thự sắm sửa quần áo, thức ăn hay nhà riêng cho mình, nhưng chắc chắn chúng ta tin mình được nuôi dưỡng, được lo cho ăn mặc, có sấn một tổ ấm, tiện nghi đầy đủ đợi chờ chúng ta khi chúng ta đi đâu trở về. Khi còn nhỏ chúng ta đi đây đi đó mà không nghĩ tới việc trả lộ phí, cũng không nghĩ sẽ làm thế nào để đến đích, chúng ta không bao giờ nghi ngờ nhưng luôn tin chắc rằng cha mẹ sẽ đem chúng ta đến nơi an toàn.
Sự khiêm nhường của trẻ thơ chính là khuôn mẫu cho thái độ đối xử của chúng ta đối với người khác. Sự lệ thuộc và tin cậy của trẻ thơ còn là mẫu mực cho thái độ của chúng ta đối với Chúa là Cha chung của mọi người.
Các bạn thân mến,
Vậy ai tự hạ mình, coi mình như trẻ thơ thì được vào Nước Trời là phần thưởng cao quý nhất, và được gọi là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Hôm nay ta được kêu mời sống thánh thiện theo con đường thơ ấu của Têrêsa Hài Đồng Giêsu là mẫu gương cho những ai tự hạ, coi mình như trẻ thơ.
Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB.
SUY NIỆM : ĐỨC GIÊ-SU VA EM BÉ
1. Ai lớn nhất ?
Trên đường đi theo Đức Giêsu, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại cuộc tranh luận và đặt ngay sau khi Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó mà Ngài sẽ trải qua. Thánh Luca nói rằng đây là vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng », và vì thế, ngay sau Bữa Tiệc Ly, họ lại tiếp tục tranh luận vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (Lc 22, 24). Thánh Mát-thêu, đẩy vấn đề đi xa hơn: họ đến hỏi trực tiếp Đức Giêsu để biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời !
Lược qua một chút bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật, như thế là quá đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một «căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, ganh tị  nhau, loại trừ nhau; ngoài ra, đó là một căn bệnh nghiêm trọng, còn là vì bệnh này là bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và mọi thời.
Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt về ngoại hình, vì thua kém trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và tự xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc. Hơn nữa, tranh đua dựa trên qui luật “mạnh được yếu thua”, vốn qui luật ít nhân tính nhất, nếu không muốn nói, thuộc bình diện thú tính!
2. Cách Đức Giêsu « chữa lành »
Cách Đức Giêsu chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giêsu giải quyết; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung:
Đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta : muốn làm lớn phải không? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (theo Tin Mừng Luca)! Hãy thay đổi và trở nên như trẻ con (theo Tin Mừng Mát-thêu). Hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người.
Để các môn đệ đừng hiểu mơ hồ những khái niệm «nhỏ nhất», «trẻ con», «người rốt hết và người phục vụ», Đức Giêsu đem một em bé tới đặt giữa họ.
Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giêsu đi đến cùng bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ: «Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy».
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Cách Đức Giê-su trả lời như thế và cách ba Tin Mừng thuật lại như vậy, trong thực tế có thể lại gây ra một cuộc tranh luận khác, còn sôi nổi và gay gắt hơn : thế nào là nhỏ nhất, thế nào trẻ em, thế nào là rốt hết, thế nào là người phục vụ ? Bằng chứng là, chẳng có chú giải nào giống chú giải nào, chẳng có bài giảng nào giống bài giảng nào về vấn đề này.
Đó là vì, lời Đức Giê-su không phải là lí thuyết, thúc đẩy người ta phải đưa ra định nghĩa chính xác về khái niệm « nhỏ nhất » ; hơn nữa, điều mà Đức Giê-su muốn diễn tả, cũng không thể định nghĩa được. Thật vậy, « nhỏ nhất là gì », phải chăng là tuổi tác, là vóc dáng, là chức vụ, là trình độ học vấn, mức độ thánh thiện hay tội lỗi ? Lời của Đức Giê-su không đưa ra một tiêu chuẩn khác, để xếp loại hay một mô hình thứ bậc khác, nhưng là một tinh thần khác, một năng động khác, một con đường khác.
Vì thế, thay vì định nghĩa hay tranh cãi, lời của Đức Giê-su  mời gọi chúng ta đưa ra một lựa chọn của con tim. Một khi con tim được Đức Giê-su chữa lành khỏi căn bệnh quyền bính, căn bệnh hơn người, căn bệnh vẻ bề ngoài, sẽ tìm được cách diễn tả tốt nhất trong cộng đoàn, dù mình là ai, có trách nhiệm hay nhiệm vụ gì.
3. Đức Giê-su ôm em bé
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : Đức Giê-su ôm em bé ; và Ngài sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa không chỉ bằng lời và nhất là bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá.
Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM: ĐI THEO CHÚA LÀ CHẤP NHẬN LỘI NGƯỢC DÒNG.
Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong bối cảnh trước đó Đức Giê-su biến hình trên núi trước mặt ba môn đệ thân tín và việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người bị quỷ câm ám. Sau đó, trên đường qua miền Ga-li-lê, Chúa Giê-su loan báo lần thứ hai về cuộc thương Khó và Phục Sinh của Người nhưng các môn đệ không hiểu.

Thái độ của các môn đệ có lẽ không làm chúng ta ngạc nhiên vì các ông vừa được chiêm ngắm vinh quang rực rỡ của Chúa, vừa được chứng kiến quyền năng của Người trên ma quỷ, lòng các ông đang hy vọng sẽ được hưởng lợi lộc gì đó nhờ uy quyền của Chúa Giê-su. Các ông không những không hiểu, không muốn hiểu nhưng còn tranh cãi nhau về việc ai là người lớn hơn cả. Chúa Giê-su một lần nữa dạy các ông làm điều ngược lại: hãy nên như trẻ nhỏ và hãy là người phục vụ.
Đường lối của Thiên Chúa luôn khác với đường lối của con người. Câu trả lời của Chúa Giê-su có lẽ cũng sẽ làm cho chính chúng ta thất vọng, vì ai trong chúng ta cũng muốn là người chỉ đạo, muốn có chức tước, muốn có người bên dưới để sai bảo, nhưng Chúa Giê-su thì muốn chúng ta đi theo Chúa trong thái độ phục vụ nhất là với những người bé nhỏ, thấp hèn. Phục vụ không chỉ vì bổn phận, trách nhiệm nhưng là với tất cả tình yêu thương.
Lạy Chúa, xin giúp con biết lắng nghe và nhận ra thánh ý Chúa. Xin giúp con tránh xa khỏi những ước muốn phù vân đời này nhưng luôn biết khao khát và tìm kiếm sự “giàu có” từ nơi Chúa.

Lm Phaolo Đào Văn Trường.

SUY NIỆM: QUYỀN LỰC VÀ VINH QUANG
Quyền lực luôn là một cám dỗ rất lớn đối với con người. Các môn đệ cũng không thoát khỏi cám dỗ ấy. Trong khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó mà Người sắp phải chịu, các ông lại tranh nhau cãi xem ai là người lớn nhất.
Theo lẽ thường, người làm lớn luôn được người khác kính trọng, có danh tiếng và có quyền hành. Tư tưởng của các môn đệ cũng đang gắn chặt với cái lẽ thường tình ấy. Tin Mừng cho thấy giữa các ông đang có một cuộc tranh cãi gay gắt để xem ai là người lớn hơn cả. Đức Giêsu biết rõ điều mà các môn đồ của mình đang tranh luận. Người không quở trách, cũng chẳng la mắng nhưng ôn tồn dạy dỗ các ông: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Như thế, giá trị của lẽ thường ở đời về người đứng đầu đã bị đảo ngược. Người có chức vụ lớn không phải để đè đầu cưỡi cổ người khác nhưng ôm ấp nơi mình trách nhiệm phục vụ, hướng dẫn và lo lắng cho những người bé mọn trong dân thánh. Vinh quang của người đứng đầu không thể hiện nơi quyền lực nhưng được tỏ lộ trong việc chu toàn trách nhiệm phục vụ.
Quyền lực và vinh quang trần thế như một cám dỗ luôn đeo bám những người theo Chúa. Để rũ bỏ được nó, không khác gì hơn là phải thay đổi hẳn lối nhìn về người đứng đầu. Đây là điều khó khăn cho các môn đệ và cho chính chúng ta nữa. Chỉ có đức khiêm nhường để đưa chúng ta vào vai trò phục vụ Chúa và phục vụ Tin Mừng chứ không phải phục vụ vinh quang của bản thân. Đức Giêsu đã trở nên gương mẫu cho sự phục vụ: Con Thiên Chúa đến trần gian không phải để được phục vụ nhưng là phục vụ mọi người (x. Mt 22,28). Vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ cách trọn hảo nơi thập giá trên đồi Gôngôtha. Người cũng mời gọi chúng ta hãy học hỏi theo mẫu gương ấy: “Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức khiêm nhường, để chúng con biết phục vụ người khác như chính Chúa đã phục vụ.
Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây