https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/11/01-Moments-Of-Fantasy.mp3
Câu nói “Y phục xứng kì đức” không chỉ phản ánh một thực trạng, nhưng còn hiện lên một giá trị văn hóa của cả một thời đại. Mỗi giai đoạn, ta thấy một phong cách ăn mặc khác nhau. Trang phục tuy không quá quan trọng, nhưng là một phần đại diện cho văn hóa, lối sống hay tập quán của một cộng đồng. Chẳng thế mà khi nói đến áo bà ba, người ta nghĩ ngay đến vùng Nam Bộ. Yếm đào trở nên hình ảnh ẩn dụ của người phụ nữ Bắc Bộ. Áo dài là đặc sản của người con gái Việt Nam … Trang phục đôi khi cho ta cái nhìn về một thực trạng của cả một giai đoạn lịch sử. Bởi khi tạo ra một sản phẩm là người ta đang cố gắng đáp ứng cho một nhu cầu nào đó của con người: công việc, lối sống, thời đại … để làm nên giá trị con người. Và một số khi là làm thay đổi lối suy nghĩ trong cách sống của cả cộng đồng, trang phục cũng mang những ý nghĩa tích cực như vậy?
Trong cơn đại dịch, người ta quan tâm và luôn nhắc nhở nhau về một thứ trang phục – đặc dụng cho cái miệng – khẩu trang. Vậy, thứ trang phục chuyên biệt này có ý nghĩa và giá trị gì trong giai đoạn khó khăn này? Liệu rằng nó có mang một thông điệp gì đó cho một thế giới đang phải hoang mang vì một vi sinh vật không nhìn thấy bằng mắt thường được?
Trước tiên, hãy quay trở lại quá khứ vài năm trở về trước, khi dịch bệnh chưa xuất hiện. Xã hội phóng khoáng mở ra biết bao mời chào, biết bao thay đổi trong sự hội nhập. Một trong số đó là tự do được đề cao và phổ quát. Nó mang ý nghĩa lớn lao và là nền tảng cho những quyền lợi căn bản của con người. Chính tự do làm nên giá trị của sự bình đẳng và công bằng trong xã hội. Con người có quyền tự do hơn trong mọi hoạt động sống của mình: tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp, ngôn luận …
Nếu chỉ dừng lại ở những tiến bộ và sự khẳng định con người thì tự do quả là một hình thế hữu hiệu để phát triển và thăng tiến. Thế nhưng, con người lại lạm dụng tự do để nói những điều không nên nói và làm những điều không nên làm. Trong khuân khổ thiển cận về mối quan hệ biện chứng giữa tự do và chiếc khẩu trang thời Covid, người viết xin có một vài suy tư.
Đóng
Một trong những vai trò của trang phục là che đậy và khẩu trang cũng không ngoại lệ. Khẩu trang có nhiệm vụ bảo vệ miệng và mũi, là những bộ phận liên quan trực tiếp đến hô hấp – con đường dễ lây nhiễm. Việc bảo vệ này đòi hỏi phải đóng lại cửa ngõ tương tác. Người ta sẽ hạn chế nói, tránh tiếp xúc và giao tiếp với người khác khi đeo khẩu trang. Và, khi đã đóng cửa ngõ ấy vào, người ta cũng ít có cơ hội được sử dụng ngôn ngữ, biểu hiệu của tự do ngôn luận.
Sự đóng lại ấy gợi lên điều gì? Phải chăng sự đóng cửa ấy cảnh tỉnh về một xã hội mà người ta sử dụng tự do ngôn luận một cách thái quá. Ngôn ngữ là phương tiện để con người có thể giao tiếp, trò chuyện, chia sẻ và đồng cảm với nhau. Nó cũng trở thành tiếng kêu trong một bất công nào đó. Thế nhưng, tuyệt nhiên ngôn ngữ không bao giờ là vũ khí để con người tấn công, gieo đau khổ và u sầu cho nhau.
Thế mà, trong một xã hội đề cao sự tự do, người ta đang làm gì vậy? Biết bao những từ ngữ tục tĩu vô văn hóa xảy ra thường khi như một chuyện bình thường. Người ta “thêm mắm thêm muối” vào lời ăn tiếng nói của mình như một điều hiển nhiên. Chẳng có gì phải e dè, như thể có thêm những thứ đó thì câu chuyện mới hấp dẫn và lời nói mới thu hút.
Đôi khi, ngôn ngữ bỗng nhiên trở thành những lời tố cáo không có cơ sở. Các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những lời vu khống theo kiểu a dua, không bằng chứng. Ngôn ngữ cũng trở nên một thứ ớt cay sát vào tâm hồn những con người, mà họ chẳng đáng bị như thế, những lời sỉ vả, đặt điều, bôi nhọ danh dự.
Nhiều khi, ngôn ngữ còn trở thành đầy tớ phục vụ cho dư luận vô căn cứ, mang đến những hậu quả trầm trọng. Tai hại hơn, ngôn ngữ biến thành kẻ sát nhân của bao số phận oan ức.
Chưa hết, ngôn ngữ còn vượt quá giới hạn của mình khi dám ngang nhiên nói những lời phạm thánh, báng bổ bằng sự ngạo mạn, muốn thay thế cả thần linh. Sự kiêu căng ấy giờ đây bị dập tắt và đập phá bởi một sinh vật nhỏ đến nỗi mắt thường không thể nhìn thấy.
Mở
Hạn chế giao tiếp, ngăn chặn bệnh tật là vai trò và trách nhiệm của chiếc khẩu trang trong cơn đại dịch này. Nó sẽ góp phần trong trận chiến đánh tan dịch bệnh trên mỗi đất nước và trên thế giới. Chúng ta vẫn và đang hy vọng vào điều đó. Hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau cơn đại dịch, khi chúng ta đã chiến thắng. Nhưng trước hết, chúng ta phải chấp nhận những hạn chế. Đó ý nghĩa về sự đóng lại để có thể mở ra.
Người ta thường nói về luật bù trừ nơi những người khuyết tật. Kinh nghiệm thực tế cho thấy quy luật bất thành văn ấy hoàn toàn đúng. Một người mù sẽ có đôi tai thính hơn bình thường. Một người điếc lại rất tinh. Một người cụt chân thì tay rất khỏe và linh động. Một người cụt tay thì đôi bàn chân lại rất khéo léo. Điều này quả là một ân ban thật hợp lý và chính đáng của Đấng tạo hóa đối với những người thiệt thòi trong xã hội. Nhưng bên cạnh đó là cả sự cố gắng không biết mệt mỏi của họ để có thể thích nghi với cuộc khó khăn. Khi tay không có thì họ phải tập luyện để làm mọi thứ bằng đôi bàn chân. Rồi vì không có khả năng nhìn thì họ phải cố gắng tập luyện và chú ý lắng nghe để có thể nhận biết những điều xảy ra xung quanh.
Vậy, nếu chiếc khẩu trang đã biến con người thành “câm” theo một nghĩa nào đó, đã đóng cửa một bộ phận thì liệu nó có mở ra điều gì hay không? Hoặc nó có được bù lại những khả năng khác? Điều đó vừa là sự thích nghi vừa là sự cố gắng nỗ lực của chúng ta. Câm đòi hỏi chúng ta hãy biết mở ra những bộ phận khác để có thể sống, để có thể hòa nhập và phát triển với đúng nhân phẩm của một con người.
“Khuyết khẩu” nhưng chúng ta vẫn còn những bộ phận khác: đôi tai để lắng nghe, đôi mắt để quan sát, đôi tay để phục vụ, đôi chân để “ra đi” và con tim để yêu thương. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì trong cơn đại dịch? Mấy ngày nay, chúng ta thấy truyền hình hay các trang mạng xã hội thông tin về những hình ảnh thật xúc động và ý nghĩa trong nghĩa cử của “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một loài”, hay “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Rất nhiều những khẩu hiệu cho thấy sự tương thân tương ái trong một thời kì vô cùng khó khăn. Đó là một gợi ý cho sự mở ra thời đại Covid. Chúng ta hãy mở đôi tai để lắng nghe, biết ra đi phục vụ chính những người anh em của mình bằng tình yêu thương. Cho đi là một điều tuyệt vời trong công thức của phục vụ và yêu thương. Chúng ta hãy mở tâm hồn ra, mở rộng tấm lòng để sẵn sàng cho đi những gì mình có, chia sẻ với những người đang phải chống chọi với dịch bệnh.
Còn đối với những người không thể ra ngoài qua lời kêu gọi “không ra ngoài khi không có việc cần”. Đó là cơ hội để mỗi gia đình có thể cải thiện mối tương quan một cách hiệu quả nhất. Mỗi người trong gia đình hãy mở rộng đôi tai để biết lắng nghe nhiều hơn. Lắng nghe những tâm tư, tình cảm và cả những khó khăn của nhau, lắng nghe những thao thức và cùng nhau xây dựng để gia đình trở thành một môi trường giáo dục đầy nhân bản và đức hạnh cho thế hệ tương lai. Mỗi người cũng hãy tập luyện để có một cái nhìn yêu thương và trìu mến khi ngang qua nhau. Đó chính là con đường đầu tiên để bước đến hạnh phúc gia đình. Hãy làm cho đôi chân và đôi bàn tay trở nên những kẻ phục vụ có tâm để nâng đỡ, tương trợ nhau trong mọi công việc. Trên hết, hãy mở con tim để gia đình luôn là tổ ấm thân thương mà ở đó, người ta không cần phải giải thích hay biện bạch điều gì. Nhưng đơn giản là yêu thương, quan tâm, chia sẻ và ở bên.
***
Chiếc khẩu trang có lẽ không chỉ mang ý nghĩa và giá trị về mặt hình thức hay chỉ với chức năng bảo vệ. Nhưng nó còn là biểu tượng của một cuộc cải cách và cảnh tỉnh về lối sống của một xã hội quá lạm dụng tự do. Khẩu trang và sự đóng lại cửa ngõ giao tiếp đánh thức con người về việc sử dụng ngôn ngữ. Hãy đóng lại cùng với chiếc khẩu trang những lời lẽ không văn mình, đóng lại những vu khống đặt điều, đóng lại những bôi nhọ ích kỉ, đóng cả những kiêu căng tự phụ để trở nên thứ ngôn ngữ có văn hóa và trong sạch hơn. Trả về cho nó đúng với ý nghĩa và giá trị của mình là truyền đạt những ý tưởng, diễn tả những điều yêu thương, san sẻ những quan tâm, trao cho nhau sự đồng cảm giữa con người với con người.
Thứ trang phục chuyên biệt này cũng có giá trị của sự mở ra. Đó là quy luật bù trừ. Đóng lại cửa ngõ giao tiếp đòi buộc chúng ta phải mở ra những bộ phận khác để cho cuộc sống cân bằng. Những khó khăn của giai đoạn lịch sử này cần lắm những con người biết lắng nghe, quan tâm và chia sẻ. Đó là những tấm lòng biết mở ra và cho đi, cho đi những yêu thương của cuộc đời và đồng cảm của số phận.
Như vậy, chiếc khẩu trang tuy đơn giản nhưng không bình thường. Trong thời đại khó khăn này, thời đại mà con người trở nên bất lực trước nCoV, ta thấy nơi nó một ý nghĩa nhân văn lớn lao. Không chỉ mở hoặc đóng, nhưng cả hai cùng tồn tại. Nó nhắc nhở con người hãy che đi tất cả những gì là xấu xa, tục tĩu, đóng lại những nguy cơ của chia rẽ, đổ vỡ và hận thù để mở ra sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc trong tinh thần phục vụ lẫn nhau. Cuộc hành trình của nCoV quả là một thách thức cho con người, đó cũng là lời cảnh tỉnh cho sự yếu đuối mỏng manh. Chính vì thế, đóng lại những kiêu ngạo và tội lỗi, mở ra những giá trị nhân văn và yêu thương sẽ tạo nên sức mạnh của vũ trụ này.
Hiên Sắc
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)