G. Trần Đức Anh, O.P. – Roma
Đó là cuộc viếng thăm đầu tiên Đức Thánh cha Phanxicô thực hiện sau khi được bầu làm Giáo hoàng hồi tháng 03/2013. Lampedusa là hải đảo có 5 ngàn dân và là nơi nhiều tàu chở thuyền nhân đi tới như ngưỡng cửa để vào Âu Châu và nay vẫn còn là nơi cập bến của nhiều nhóm di dân, mặc dù từ hơn 1 năm nay, chính phủ Italia hạn chế tối đa việc đón nhận các thuyền nhân.
Qua thánh lễ kỷ niệm này, Đức Thánh cha muốn lưu ý dư luận tại Italia và Âu Châu về thảm trạng người di dân và nghĩa vụ cần đón tiếp họ.
Lập trường của Đức Thánh cha không được chính phủ Italia hiện nay ủng hộ. Từ khi lên nắm quyền, Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ Matteo Salvini, thủ lãnh đảng Lega, đã ra lệnh không đón nhận các tàu chở thuyền nhân và do đó con số di dân vào Italia giảm sút rất nhiều. Dường như dư luận tại Italia cũng ủng hộ lập trường này: cụ thể là trong cuộc bầu cử nghị viện Âu Châu hồi cuối tháng 5-2019, đảng Lega của ông Salvini đứng đầu.
Trong số các tín hữu tham dự thánh lễ Đức Thánh cha cử hành ngày 08/07, có khoảng 250 người gồm di dân, tị nạn và những người dấn thân cứu vớt họ. Các tham dự viên được phân bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện mời.
Trong số hàng chục vị đồng tế với Đức Thánh cha cũng có gần 10 Giám mục và khoảng 20 linh mục, đặc biệt là cha Carmelo La Magra, cha sở nhà thờ thánh Gerlando ở đảo Lampudusa, được mời như đại diện cho toàn dân tại đảo này.
Thánh lễ được trực tiếp truyền hình nhưng không có sự hiện diện của giới truyền thông trong Đền thờ. Theo ý Đức Thánh cha, thánh lễ này có tính chất mặc niệm bao nhiêu có thể, để tưởng nhớ những người đã bỏ mình trên đường chạy trốn chiến tranh, và lầm than, đồng thời để khích lệ những người hằng ngày xả thân nâng đỡ, đồng hành và đón tiếp những người di dân và tị nạn”.
Trong bài giảng, Đức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa chữa người đàn bà bị bệnh hoại huyết và mời gọi các tín hữu tín thác nơi Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn. Ngài cũng mời gọi mọi người nhớ đến bao nhiêu người còn bị giam cầm trong các trại cầm giữ người di dân và tị nạn, những người rốt cùng, những người ở trong các trại tạm trú quá lâu, những người bị gạt bỏ, áp bức, tra tấn và bóc lột.
Đức Thánh cha nói: “Trong dịp kỷ niệm lần thứ 6 cuộc viếng thăm tại Lampedusa, tôi nghĩ đến những người “rốt cùng” hằng ngày đang kêu lên Chúa, cầu xin được giải thoát khỏi những tai ương đang đè nặng trên họ. Họ là những người rốt cùng bị đánh lừa và bị bỏ mặc cho chết trong sa mạc; những người rốt cùng bị tra tấn, lạm dụng và cưỡng hiếp trong những trại cầm giữ; họ là những người rốt cùng, bấp chấp những cơn sóng của một biển cả tàn ác; họ là những người rốt cùng bị bỏ mặc quá lâu dài trong các trại tiếp đón và không thể gọi đó là những trại tạm trú”.
Đức Thánh cha tha thiết kêu gọi cứu giúp những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất. Ngài nói: “Đây là một trách nhiệm lớn mà không ai có thể tránh nứ nếu muốn chu toàn sứ mạng cứu độ và giải thoát mà chính Chúa kêu gọi chúng ta cộng tác. Tôi biết nhiều người trong anh chị em, đã đến nơi một mình cách đây vài tháng, nay đang giúp đỡ những anh chị em mới đến trong thời gian gần đây. Tôi cám ơn anh chị em vì dấu hiệu nhân đạo rất đẹp này, dấu chỉ biết ơn và liên tới”.
Cách đây 6 năm, trong cuộc viếng thăm tại đảo Lampudusa, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Sân Vận Động “Campo Arena” và trong bài giảng, ngài nhắc đến tất cả những chiều kích bi thảm của những người tị nạn Á và Phi châu tìm cách vào Âu Châu và hàng trăm người chết trên biển Địa Trung Hải.
Đức Thánh cha nói: “Em ngươi ở đâu? Tiếng kêu máu của em ngươi đã kêu thấu tới Ta, Chúa nói như thế. Đây không phải là một câu hỏi được gửi đến những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi đến tôi, đến bạn, và mỗi người trong chúng ta. Những người anh chị em của chúng ta đây tìm cách ra khỏi tình trạng khó khăn để tìm được một chút thanh thản và an bình; họ tìm kiếm một chỗ tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ, nhưng họ đã tìm thấy cái chết. Bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không được đón tiếp, không tìm thấy tình liên đới! Và tiếng nói của họ kêu thấu tới Chúa!” (TV2000 6-7-2019).
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn