Tặng phẩm tình yêu của tôi!
Thứ năm - 09/04/2020 16:07
Cựu Ước, ông Ápraham đã chia cho ông Menkixêđê một phần mười chiến lợi phẩm, sau khi đã đánh bại vua Cơ-đo-la-ô-me và các vua cùng phe (x.St 14,17-20). Hay như bà góa thành Sarephta đã cho ngôn sứ Elia bánh và nước (x. 1 V 17,10-16)... Thời Tân Ước, Chúa Giê-su khen bà góa nghèo đã bỏ vào thùng quỹ đền thờ nhiều hơn ai hết (x Mc 12,38-44) hay như các thượng tế và kinh sư đã cho Giu-đa It-ca-ri-ốt ba mươi đồng bạc để ông nộp Đức Giêsu (x Mt 26,14-16)...
Ngày nay, người ta có rất nhiều thứ để trao tặng cho nhau. Người nghèo tặng nhau nụ cười đơn sơ. Người giàu trao đổi tặng nhau tiền tài, danh vọng, địa vị,... Nhiều đại gia và hoa hậu đi làm từ thiện vì hoạt động xã hội, nhưng cũng không thiếu những người vì lòng mong ước được khen ngợi và sự nổi tiếng. Vợ chồng nguyện yêu thương nhau tới đầu bạc răng long, nhưng cũng có khi là sự phản bội, một tờ đơn li hôn. Người tu sĩ trao tặng lời cầu nguyện, nhưng cũng len lỏi những cái tôi...
Thánh sử Gio-an đã viết rằng: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của người mà được cứu độ. "(Ga 3 16-17).
Phải chăng đây là một lời khẳng định và loan báo cho muôn thế hệ biết rằng ân huệ cao cả và lớn lao nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại chính là Con Một yêu dấu của Người, Tặng Phẩm Tình Yêu. Tặng phẩm cao quý đó không phải để ngắm khi trưng bày trong tủ kính, cũng không chỉ làm đẹp bản thân khi giữ riêng quyền năng, sự vinh hoa, phú quý nhưng đã tự nguyện là món quà Cha gửi đến cho trần gian, Giê-su ấy đã từ bỏ ngôi báu vinh quang, một Vị Thiên Chúa uy nghi nên một con người bình dị quá đỗi, đến nghèo hèn, khổ cực để mọi người có thể chạm tới được ơn cứu độ. Máng lừa nào diễm phúc được làm nôi cho Hài Nhi bé nhỏ cất tiếng chào đời. Cố Giáo Hoàng Gio-an 23 cũng đã viết trong cuốn "Nhật ký tâm hồn’’ như sau: ‘’ Nhìn con trẻ nằm trong máng cỏ. Chúa Ki-tô, đáng Tạo Hóa, chủ thế giới, đang cứu độ nhân loại, không gặp được ai đón Ngài vào nhà, lần đầu khi Ngài đến thế gian; ai cũng đóng ngõ, không ai chịu tiếp, ai ai cũng bảo hết chỗ rồi. Ngài bị bắt buộc phải đi tìm chuồng súc vật bỏ trống, để xuất hiện lần đầu tiên" (trang 90) và "Giê-su, ánh sáng của bản thể Chúa Cha, sinh nằm xót xa trong máng cỏ, lạnh cóng, chịu sự thay đổi của thời tiết, Chúa đã bắt đầu chịu mọi thứ khổ hình, trong thinh lặng, vì sự cứu rỗi loài người. Ôi đức hy sinh!" (trang 91).
Suốt cuộc đời ẩn dật, chẳng mấy ai biết đến danh hiệu “Con Một yêu dấu của Chúa Cha” mà chỉ là một anh Giê-su, con ông Giu-se thợ mộc và bà Ma-ri-a. Không lâu đài, không lính gác, không xưng Nhà Vua, Hoàng Hậu và Hoàng Tử, nhưng tất cả vẫn chưa diễn tả hết đức vâng phục, sự khiêm hạ của Đấng Ngôi Hai. Giả như vẫn là một chàng Giê-su ấy, tuy không bề thế nhưng có quyền phép trở thành một nhà phù thủy hay nhà thông thái cứu độ tài ba, ai ai cũng thán phục, hâm mộ, rồi nhờ đó mà lôi cuốn mọi người về cùng Thiên Chúa,... Hay theo cách của Thuyết Tiền Định, một cách cứu độ quá đơn giản, quá tầm thường và rất con người!
Cảm thức về đức vâng phục trọn hảo của Đức Giê-su Ki-tô, Thánh Phao-lô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Phi-lip-phê như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,chết trên cây thập tự.Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11). Nhất là khi chính Chúa Giê-su đã thổn thức, xao xuyến cầu nguyện trong Vườn Dầu cùng với Chúa Cha “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Rồi Người đứng dậy vâng theo ý Cha truyền, bước tới Đồi Sọ đau thương! Thập hình nhục nhã!
Hỡi Bạn, trong ba Ngày Cực Thánh này, hãy để từng tế bào nhỏ nhất, từng nhịp đập, từng hơi thở được mở ra, bừng sống dậy để chiêm ngắm thân hình Giê-su bê bết máu cùng mồ hôi, vác thập giá lê thê bước đi. Nhìn lên Giê-su, còn đâu ánh mắt nhân từ, còn đâu đôi bàn tay hay nâng đỡ và chữa lành! Những tiếng búa cuối cùng vang lên, chiếc đinh đã xuyên qua đôi bàn chân ngày nào rảo bước qua các làng mạc để rao giảng lời chân lý, để làm cho người chết sống lại, kẻ mù từ thuở bẩm sinh được sáng mắt, người bại liệt vác chõng mà đi lại được... Điều duy nhất tồn tại cho đến muôn đời là Trái Tim Giê-su yêu thương vẫn rộng mở, dòng máu và nước chả trào cứu độ cho loài người, cho bạn và tôi.
Vậy mà mới mấy ngày trước chính Chúa Giê-su lại nhắn nhủ cùng các môn đệ rằng: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. ‘’(Ga 13, 31-32). Tôn vinh ư? Sao mà khó hiểu, khó chấp nhận quá! Trí óc phàm nhân cần lắm đôi bàn tay thánh thiêng đụng chạm tới và mở ra, để suy cho tỏ tường. Chẳng thụ tạo nào xứng đáng diễn tả hết được tình yêu bao la, thẳm sâu của Thiên Chúa tối cao đã thực hiện. Cũng chẳng có một con người nào nơi dương thế này có thể "điên cuồng, say nồng" vì yêu như Giê-su đã chết trên thập giá xưa.
Thế giới đang chết dần còn Giáo Hội đang trải qua một mùa Chay chưa từng có trong lịch sử: các nhà thờ phải đóng cửa, không thánh lễ, không hội họp, các nghi thức cũng bị cắt giảm, quảng trường Thánh Phê-rô lẻ bóng Vị Cha đáng kính khi Ngài ban phép lành,... và đau buồn hơn nữa là các linh mục, tu sĩ đã qua đời. Vì đại dịch Corona viruss. Mẹ Giáo Hội thổn thức và rên siết trong lòng, thông phần tất cả những tang thương mất mát ấy vào chính cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su. Bạn đã nghĩ gì và dự định gì, đặc biệt với ba ngày Thánh này? Bạn có khao khát và mong mỏi rước Thánh Thể ngự vào lòng như lúc này không? Bạn có cảm thấy hụt hẫng và thất vọng khi không có các nghi thức, không du dương lời thánh ca? Và nếu như bạn bị nhiễm Corona virus và ra đi mãi mãi thì... những gì bạn vẫn đang cố gắng bon chen để chiếm đoạt sẽ thuộc về ai?
Lời thánh Gio-an còn là chiếc chìa khóa đảm bảo về sự sống cho những ai có lòng tin. Một Giê-su đã làm cho ‘’ Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” ( Mc 7,37) . Vậy mà chỉ trong một tuần ngắn ngủi, người dân trong thành đã thay lòng đổi dạ với Người. Bạn hãy hình dung hai thước phim ngắn: cảnh Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem (x. Mc 11,1-10) với cảnh quan Phi-la-tô xử án Đức Giê-su trước mặt dân chúng (x. Mt 27,15-26).Sự đối lập hoàn toàn, chỉ một điều vẫn không thay đổi là thái độ của các kinh sư và biệt phái. Tại sao vậy? Hẳn vì họ không tin nên dễ dàng thay đổi khi bị xúi giục, xách động. Theo dõi tin tức Giáo Hội mới đây, tôi nghĩ tới vụ án của Đức Hồng Y George Pell, một lần nữa lịch sử lặp lại. Cách đây khoảng một năm nhiều những bài viết ngoài trang Công giáo về vụ bê bối của Đức Hồng Y như ‘’Hồng y George Pell - Từ đỉnh cao Vatican đến bản án xâm hại tình dục ‘’ hay ‘’Hồng y Vatican xâm hại tình dục trẻ em bị kết án 6 năm tù ‘’. Bây giờ, các mặt báo mới lại nổi lên ca ngợi Ngài‘’ Tuyên bố Đức Hồng y George Pell vô tội ‘’ hay ‘’Đức Hồng y Pell được Tòa án Tối cao Úc tuyên bố vô tội”. Lên án vội vàng rồi lại xóa án vội vã. Ngày nay con người vẫn luôn chạy đua với sự dối trá, vẫn lọc lừa đổi thay đến chóng mặt. Nhưng cuối cùng sự thật vẫn chiến thắng và Thiên Chúa đã mở ra một niềm vui để an ủi con cái của Người, để củng cố lòng tin của những ai đang héo hắt, tàn lụi. Bạn đang đặt niềm tin của bạn vào điều gì? Tiền bạc hay vật chất hay ái tình để được hưởng thụ, phóng đãng, hoen ố? Hay vào muôn vàn thụ tạo khác mà lại được tôn vinh lên bậc thần thánh? Bạn có tin vào những dự báo của bà “tiên tri” Vanga hay ông “tiên tri” Nostradamus không?
Mùa Sám Hối dần khép lại với Ba Ngày Thánh đang theo dòng chảy của nó mà qua đi, xin đừng ai để lãng phí một giây phút nào sờ lòng nản trí không thuộc về Thiên Chúa, đừng để một giây phút nào không ngừng chiêm ngắm và kín múc suối nguồn hồng ân từ trái tim nhân lành Giê-su!
Bạn thân mến, ước chi bạn và tôi khi nhận lãnh Tặng Phẩm Tình Yêu không bao giờ mất đi từ Cha trên trời, chúng ta cũng trở thành những món quà được tạo bởi tình yêu và trao đổi cho nhau để cùng xây dựng một món quà yêu thương to lớn lan tỏa đến tất cả mọi người, mọi loài trên trái đất trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đấng là hơi thở là nhịp sống và cũng là Đấng không ngừng canh tân chúng ta mỗi ngày để chúng ta được sống trong bình an và sự thật, để thế giới được chữa lành khỏi vết thương do dịch bệnh và chiến tranh.