Tiếng gọi phục sinh

Chủ nhật - 19/04/2020 01:30
1. CHIÊM NGẮM MẦU NHIỆM THỨ NHẤT SỰ MỪNG

Sau ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn sầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng, mất phương hướng và muốn bỏ cuộc. Madalena và những phụ nữ theo Chúa buồn thương khóc lóc, một số môn đệ bỏ về quê và trở lại với nghề cũ của họ, các Tông Đồ lẩn trốn, sống chui lủi trong nhà không dám xuất hiện trước công chúng vì sợ bị liên lụy. Các ông giờ đây không chỉ đau với nỗi đau tình cảm mất Thầy sau 3 năm kề cận gắn bó, mà còn đau hơn với nỗi đau  của kẻ thất bại, uổng công 3 năm bỏ mọi sự theo Thầy mà chẳng được gì. Niềm tin vào Đấng mà họ tuyên xưng là Chúa có khả năng cho họ sự sống và hạnh phúc giờ đây lại chết trong đau đớn tủi nhục. Tâm hồn họ dường như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của họ như cùng bị chôn táng trong mộ với Thầy. Họ như rắn mất đầu không còn biết đi đâu về đâu, mọi nỗ lực, mọi niềm tin và mọi hy vọng vào Thầy Giê-su giờ đây chấm hết. Họ đi vào ngõ cụt và chưng hửng trở lại với cuộc sống cũ của mình với đôi bàn tay trắng trong sự bất an và xấu hổ với mọi người.

Nhưng giữa lúc ấy, Chúa sống lại khải hoàn. Chúa Giê-su phục sinh đã làm thay đổi tất cả, không chỉ  thay đổi toàn bộ những tình cảm và suy nghĩ tiêu cực đó của các môn đệ mà còn làm thay đổi toàn bộ diện mạo con người và cuộc đời của họ. Khi tảng đá lấp cửa mộ tung ra cũng là lúc tâm hồn họ thoát khỏi màn đêm vây phủ. Gặp được Chúa Phục Sinh rồi, tâm hồn họ bừng lên sức sống mới, hạnh phúc dâng trào. Họ như người đã chết nay sống lại. Chúa Giêsu đã phục sinh tâm hồn họ. Sự sống mới của Chúa đã tràn vào trong họ. Ơn Phục Sinh đã được ban cho họ: sự sợ hãi đã trở thành mạnh dạn, sự yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ, sự thất vọng đã biến thành hy vọng, nỗi sầu buồn trở thành niềm vui. Từ đây, Chúa đã làm cho cuộc đời của họ thay đổi tận gốc rễ. Họ trở thành những con người hoàn toàn mới. Các phụ nữ yêu mến Chúa không còn sầu thương khóc lóc nữa, họ đã nhận được niềm an ủi và sứ mạng mới từ Chúa Phục Sinh: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galile, họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”[1] Lời của Chúa Phục Sinh đã cho họ can đảm và hứng khởi để mau mắn ra đi loan báo tin mừng trong niềm hân hoan khôn tả. Các Tông Đồ cũng không còn phải lo sợ và lẩn trốn người Do Thái nữa, Chúa Phục Sinh đã mang đến cho họ sự bình an, sức mạnh và quyền năng của Thánh Thần để họ ra đi loan báo tin mừng phục sinh và chữa lành hồn xác cho mọi người[2]. Đặc biệt với Tô-ma, tâm hồn ông thôi hết cứng cỏi, ông đã được Chúa Phục Sinh ưu ái cho phép sờ chạm vào những thương tích của Người để ông được chữa lành khỏi sự cứng cỏi với Chúa và đồng loại, để nhận ra quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa cách sống động và rồi ông có thể trở thành nhân chứng hùng hồn nhất, cao rao Đấng đã chịu khổ nạn và đã chết ấy chính là Thiên Chúa hằng sống: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.”[3] Hai môn đệ trên đường trở lại quê hương không còn nghi nan, thất vọng và bỏ cuộc nữa, họ được Chúa Phục Sinh khai sáng và làm cho thêm vững tin và hy vọng vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nơi Đấng mà họ đã đi theo trong suốt 3 năm qua. Họ xác tín vào sự phục sinh của Chúa, quay trở về với lý tưởng theo Chúa trong hân hoan và nhiệt thành loan báo tin mừng cho người khác[4]. Phê-rô và các Tông Đồ khác thôi không còn nung nấu ý định trở lại với nghề đánh bắt cá nữa, nhưng bắt đầu ý thức về sứ mạng mới là việc đánh bắt các linh hồn. Từ đây các ông không còn sống trong buồn phiền, lo lắng, thất vọng, nghi ngờ và sợ hãi nữa, nhưng hoàn toàn xác tín và mạnh mẽ phó thác trọn vẹn cuộc đời mình cho thánh ý Chúa và dấn thân phục vụ cho Nước Trời theo gương Thầy Chí Thánh, dù có phải chấp nhận đau khổ và chết như Thầy.[5] Các ông có được một định hướng rõ ràng nhờ cuộc gặp gỡ tiếp xúc với Chúa Phục Sinh. 

 Cuộc đời của các môn đệ đã minh chứng sự phục sinh của Chúa có khả năng cải hóa các ông cách lạ lùng, đã đem họ bước ra khỏi nấm mồ của chính mình, những nấm mồ của cái nhìn tiêu cực, lo lắng, sợ hãi, chán chường, khổ đau, thất vọng, nấm mồ của sự ích kỷ chỉ nghĩ đến mình và lo cho bản thân để đi vào thế giới tự do trong Thần Khí, để biết quan tâm đến người khác và lo cho mọi người được ơn cứu độ như Thầy Chí Thánh của họ đã làm. Chính nhờ sức mạnh và ân sủng của Chúa phục sinh, các môn đệ đã có khả năng chấp nhận chết cho bản thân để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Các ông không còn nghĩ cho mình, cho gia đình mình, cho những toan tính vụ lợi có tính trần thế, để trở nên như Thầy Giê-su trong sự hy sinh phục vụ. Sự phục sinh của Chúa quả là có sức mạnh phi thường, chính nhờ nhận lãnh một kinh nghiệm lạ lùng từ biến cố phục sinh này mà các ông đã làm được biết bao điều vĩ đại. Từ những con người nhát đảm đến mức chỉ biết co cụm lại với nhau sau cánh cửa bị khóa chặt trong sợ hãi và hoang mang thành những nhà truyền giáo bất chấp mọi trở ngại để loan báo tin mừng phục sinh và cuối cùng để làm chứng cho những gì mình rao giảng bằng chính mạng sống.

Sự phục sinh của Chúa Giê-su không nhắm làm thay đổi chỉ một nhóm người nhưng là thay đổi toàn thể nhân loại. Thật vậy, chính nhờ sự phục sinh của Chúa Giê-su mà vận mệnh con người được thay đổi, một thời đại mới được mở ra, sự thống trị của tội lỗi và sự chết trên thế gian không còn nữa. Chiến thắng của Đấng Phục Sinh trên tội lỗi và sự chết là đích điểm mà Thiên Chúa muốn cho muôn vật muôn loài Ngài đã dựng nên đạt tới.[6]  Sự phục sinh của Chúa khẳng định với chúng ta về quyền tối thượng của Thiên Chúa trên sự sống và sự chết của con người, là bảo chứng về sự sống lại của chúng ta mai sau. Đức Giê-su chính là Thiên Chúa hằng sống, sự phục sinh của Người mở đường cho chúng ta đi vào niềm xác tín và hy vọng sống lại sau cái chết của thân xác như lời khẳng định của thánh Phao-lô: “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.”[7]

Vì thế, sự phục sinh của Chúa Ki-tô mời gọi chúng ta ý thức hơn tầm quan trọng của sự sống linh hồn mà mầu nhiệm thứ nhất sự Mừng nhắc nhớ: “Xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.” Sự sống phần hồn là mục đích mà sự sống phần xác hướng tới, con người được dựng nên không phải cho đời này mà là cho đời sau, nơi đó chúng ta được hưởng sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Nhưng sự sống vĩnh cửu phải được trả giá bằng cái chết về mặt thân xác, chết cho những sự đời này vì cuộc đời của Chúa Ki-tô đã minh chứng phải “qua gian khổ mới tới vinh quang.” Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Đức Giê-su để giải thoát  chúng ta khỏi tội lỗi, và ban cho chúng ta sự sống mới làm con cái Ngài. Sự sống ấy đã được đánh đổi cho nhân loại nhờ giá máu châu báu của Chúa Ki-tô và sự sống lại của Người là bảo chứng chắc chắn cho sự sống lại mai ngày của chúng ta.

Như thế, Chúa Ki-tô chết và sống lại không phải cho Người nhưng cho chúng ta. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, thay vì nhân loại vẫn phải loay hoay trong nếp sống cũ thì được bứt phá khỏi sức khống chế của tội lỗi và ma quỉ để tiến vào cuộc sống mới. Trong Chúa Phục Sinh, chúng ta được biến đổi thành “con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa;”[8] “là con người đổi mới luôn luôn để nên giống như hình ảnh Đấng dựng nên mình;”[9] con người mới mặc lấy sức sống mới và niềm tin mới, được sống trong tự do, bình an, hân hoan và lớn lên trong đời sống tin cậy mến. Quả vậy, mầu nhiệm phục sinh là căn nguyên thay đổi đời sống tâm linh cũng như mọi vấn đề của đời người.[10]

2. SỐNG TIẾNG GỌI PHỤC SINH
2.1. Phục sinh tâm hồn
Chúa phục sinh cốt làm cho thế giới được đổi mới tận căn, toàn diện và vĩnh cửu. Cho nên, tiếng gọi phục sinh của Chúa Ki-tô trước hết đòi chúng ta phải sống trong tinh thần mới theo Tin Mừng. Lối sống này phải khởi đi từ việc hoán cải nội tâm để có thể sống ra một đời sống mới đích thực theo tinh thần của Chúa Phục Sinh. Mùa chay thánh mời gọi chúng ta hoán cải trong sự đau đớn vì tội lỗi mình đã làm cho Thiên Chúa phải đau khổ và chết, nhưng mùa phục sinh mời gọi chúng ta hoán cải trong tinh thần mới không phải trong sầu thương khóc lóc nhưng trong niềm vui và hy vọng vì hoán cải để được phục sinh với Chúa. Sự hoán cải này là khởi điểm đánh dấu bước ngoặt mang chúng ta tới cuộc sống mới trong Chúa, là hoa quả của cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, là dấu chỉ của sự phục sinh linh hồn mà Chúa khải hoàn mang đến cho chúng ta. Sự hoán cải nội tâm vì thế phải bắt nguồn từ sự cảm nhận tình yêu và hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho con người nhờ cái chết và  sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Chính trong cái nhìn này mà chúng ta được thôi thúc hoán cải đời sống mình để bước vào đời sống mới trong Chúa và với Chúa. 

Đời sống mới trong Chúa đòi người ta xa tránh mọi tội lỗi và những gì  không phù hợp với lối sống của Tin Mừng, một lối sống hoàn toàn bỏ mình “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”[11] Lối sống như thế bao hàm những cái chết liên lỉ, nhưng “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời,” đó là một chân lý không có luật trừ bởi lẽ ngay cả Đấng Cứu Độ cũng phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang,[12] để sống lại, Ngài cũng đã phải nếm trải sự chết. Chấp nhận quy luật chết để sống này, Ngài mở đường cho nhân loại đi vào sự sống vĩnh cửu vốn đã bị tội lỗi làm cho chết. Cho nên, tất cả những ai muốn sống lại về phần linh hồn, cũng phải chấp nhận đi vào trong cái chết với Ngài và như Ngài ngay từ bây giờ. Đó là cái chết vì yêu trong sự tự do và tự nguyện của những người con cái Thiên Chúa, chết đi con người cũ với những đam mê dục vọng của tính xác thịt, chết cho những thói hư tật xấu của bản năng để con người mới trong Thần Khí trỗi dậy với những giá trị của Tin Mừng như thánh Phaolo nhắc nhớ: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.[13] Một khi “con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa,”[14] chúng ta thực sự tham dự vào trong cái chết của Chúa Ki-tô, chắc chắn chúng ta cũng sẽ được phục sinh như Người, vì “nếu chúng ta cùng chết với Chúa Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng được sống lại với Người.”[15] Như thế, phục sinh tâm hồn ngay từ đời này sẽ là dấu chỉ của sự sống lại về phần hồn mai sau.

Tuy nhiên, sự phục sinh tâm hồn chỉ xảy ra khi chúng ta dám nhìn thẳng vào mình để biết thật đâu là những mầm mống của sự chết như những nấm mồ cản trở chúng ta sống tự do trong Thần Khí. Đời thánh hiến thường dễ bị che đậy bởi vỏ bọc đạo đức bên ngoài, dễ bằng lòng với lối sống đủ để được cứu độ vì những gì chúng ta thực hành mỗi ngày xem ra đã tốt hơn các Ki-tô hữu bình thường. Chúng ta có thể mang danh hiệu tận hiến với ơn gọi độc thân, vâng phục theo ý bề trên và lối sống vô sản; làm việc không lương bổng; tham dự đầy đủ các giờ thiêng liêng mỗi ngày... Nhưng chúng ta hãy thử tự vấn lương tâm và trả lời trước Chúa về thái độ và tâm tình sống của mình trong tất cả những điều ấy để xem mình đã làm với tinh thần nào? Có phải với tình yêu và tất cả khả năng trong sự khiêm tốn tìm Chúa và các linh hồn không? Chúng ta đang bước đi trên con đường nào: đường của Chúa hay của mình?

Hãy can đảm nhìn sâu vào những nấm mồ ẩn khuất bên trong những vỏ bọc đạo đức bên ngoài. Hãy bước ra khỏi nấm mồ kiêu căng, tự ái, ích kỷ, tham lam để sống lại hình ảnh con người lúc tạo dựng là yêu thương và quên mình, khiêm tốn và quảng đại. Hãy đi ra khỏi những nấm mồ của con tim khô cứng, lạnh lẽo và vô cảm vì sự cầu an và dửng dưng với người khác để sống lại tình thương và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đặt để trong tim nhân loại lúc tạo dựng. Hãy ra khỏi nấm mồ ảo tưởng trần gian với những ước muốn đề cao và tìm kiếm danh, lợi, thú ở đời để sống lại tâm hồn trong sạch, siêu thoát và hoàn toàn cho Thiên Chúa. Hãy ra khỏi những nấm mồ vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm, ươn ái, chán nản, buồn sầu, thất vọng, bi quan... để mặc lấy sinh khí của Chúa Phục Sinh  mà sống đúng tư cách là con của Chúa và anh chị em của nhau trong niềm tin yêu và hi vọng. Mỗi một ngày không có sự tương quan mật thiết với Thiên Chúa, không làm mọi việc với tình yêu là dấu chỉ chúng ta đang tìm mình, một đời sống đức tin đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang lụi tàn. Chúng như những nấm mồ giam hãm kìm kẹp chúng ta trong lớp đất, chôn vùi đời chúng ta xa Chúa và không thể tự do đến với Ngài. Việc tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi những nấm mồ trong tâm hồn mình là một cuộc chiến khốc liệt nhưng với sức mạnh của Thánh Thần, Đấng đã được ban cho các môn đệ sau khi Chúa phục sinh, chúng ta cũng sẽ tiếp nhận được sự sống mới như các môn đệ. Và cũng như các ngài, chúng ta có khả năng ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh tới bất cứ nơi nào dù có phải chấp nhận đánh đổi cả đến mạng sống mình.

2.2. Loan báo Tin mừng
 
Sau khi gặp được Chúa Phục Sinh, Madalena không còn buồn nữa bà cũng không chạy về nhà mình đóng cửa nghiền ngẫm giây phút sung sướng thầy trò gặp lại nhau nhưng chạy vội đi gặp các tông đồ loan tin: “tôi đã thấy Chúa.”[16] Madalena không chỉ đi như một người muốn khoe khoang ân huệ mình có, muốn kể về niềm vui mình đã nhận mà còn đi để thi hành sứ mạng cao cả Chúa Phục Sinh mời gọi bà: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.”[17] Các môn đệ của Chúa cũng vậy, sau khi được thấy Chúa Phục Sinh hiện ra nhiều lần và nhận được mệnh lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo,”[18] tất cả các ngài đã hăng hái lên đường loan báo Tin Mừng, ra đi khắp cùng đế quốc La Mã, từ xứ Gaule đến Palestine, qua Anh Quốc tới Bắc Phi. Như thế, việc ra đi loan báo Tin Mừng bắt nguồn từ hai chiều kích: (1) chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của mình; (2) thi hành sứ mạng Chúa trao phó. Chính vì vậy mà người tông đồ truyền giáo đòi hỏi phải có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa và thi hành sứ vụ nhân danh Chúa Ki-tô qua đại diện của Người là Giáo Hội.

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa vừa là động lực thôi thúc chúng ta ra đi truyền giáo vừa là chất liệu cần có để chúng ta loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha Benedicto XVI xác quyết: “Phúc Âm Hoá luôn khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Những người đã đến với Đức Giêsu và đã kinh nghiệm về tình yêu của Ngài, lập tức họ sẽ muốn chia sẻ vẻ đẹp và niềm vui phát sinh từ tình bạn có được với Đức Kitô. Càng biết về Đức Giêsu, chúng ta càng muốn nói về Ngài. Càng thưa chuyện với Đức Kitô, chúng ta càng khao khát để nói về Ngài. Càng để Đức Giêsu chiếm đoạt mình, chúng ta càng khao khát lôi kéo người khác về với Ngài...” Thật vậy, một khi biết Chúa Ki-tô, người ta sẽ biết đượcThiên Chúa yêu thương nhân loại đến độ hủy mình ra không và trao hiến mạng sống để cứu độ nhân loại, hiểu được ước mơ lớn nhất của Ngài là lửa tình yêu của Thiên Chúa được bùng cháy trong thế giới, thấy được Thiên Chúa hiện diện nơi tha nhân, cảm nhận được chỉ duy mình Chúa mới có khả năng ban tặng cho nhân loại tình yêu đích thực, hạnh phúc vĩnh cửu và sự sống đời đời. Gặp được một Thiên Chúa như vậy, không ai có thể im lặng mà không giới thiệu Chúa cho người khác, càng gần Chúa, càng hiểu biết Ngài, người ta càng không thể không yêu mến và muốn thực thi thánh ý Ngài. Chính vì những kinh nghiệm quý báu này mà thánh Phaolo đã phải thốt lên rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”[19]

Nhà truyền giáo như thế không nói gì khác ngoài những gì về Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Ngài. Họ chia sẻ những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Ki-tô và ước mơ của Ngài với tha nhân, họ ra đi kể câu chuyện về Chúa Ki-tô bằng chính cuộc sống của mình. Họ trở nên giống Chúa Ki-tô và thực thi sứ mạng trong Chúa Thánh Thần. Để được như vậy, người tông đồ phải là người của “Thinh Lặng và Chiêm Niệm,” vì “nhà truyền giáo, nếu không phải là nhà chiêm niệm, không thể rao giảng Chúa Giêsu cách đáng tin tưởng.”[20]Thinh lặng là khả năng lắng nghe để được Chúa chinh phục. Chiêm niệm là bước đường tìm kiếm và gặp gỡ Chúa, để được chiếu sáng mầu nhiệm linh thánh của Ngài trên mọi tư tưởng và hành động. Bước đường thinh lặng và chiêm niệm chính là cuộc hành trình tiến tới say mến Chúa và dám xả thân vì Người.  

Như Đức Kitô đã để cho mình được hoàn toàn chi phối bởi kế hoạch của Chúa Cha đến độ tự hủy mình ra không. Người truyền giáo cũng thế, họ phải từ bỏ chính mình để trở nên Đức Ki-tô thứ hai, cuộc sống của họ là sự phản chiếu sự hiện diện của Chúa Ki-tô cho mọi người, họ để cho Thiên Chúa chi phối hoàn toàn cuộc sống mình đến độ có thể nói như Thánh Phaolô: “Tất cả, tôi làm chỉ vì Phúc Âm.”[21]Vì chỉ khi người tông đồ biết bỏ qua những bận tâm tìm kiếm an toàn cho bản thân và buông đời mình cho Thánh Thần dẫn dắt, họ mới có khả năng bước vào cánh đồng truyền giáo “như chiên vào giữa sói rừng,” dám “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới,” dám “đi đến những vùng ngoại biên,” dám vượt lên những khó khăn thử thách cả bên trong lẫn bên ngoài, có đủ sức thắng vượt những cám dỗ tìm mình, đề cao danh dự, quyền hành, ý riêng, lợi lộc, tình cảm cá nhân và hấp dẫn thế tục, để có thể làm được mọi việc, đến được mọi nơi, sống được với mọi người, để chỉ tập trung vào một mối bận tâm duy nhất là Tin Mừng được rao giảng, Đức Ki-tô được loan báo, danh Chúa được vinh quang và các linh hồn được cứu độ.

Người có tinh thần truyền giáo đích thực không bao giờ sợ thất bại và lùi bước trước những khó khăn, cũng chẳng tự phụ trước những thành công bởi: “Việc loan báo Tin Mừng chẳng phải do sáng kiến của con người và cũng chẳng tùy thuộc vào tài năng của họ. Nó là một sự đáp ứng đầy tin tưởng và vâng theo lời mời gọi của Thiên Chúa, không dựa trên sức riêng của con người, nhưng là dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.”[22] Chúa Thánh Thần là tác nhân siêu việt và chính yếu của sứ vụ Giáo Hội. Chính Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin Mừng, “Thánh Thần thúc đẩy chúng ta biết ‘đi ra’ khỏi mình và ‘ra đi’ để loan truyền Tin Mừng.”[23] Chính nhờ Chúa Thánh Thần, gương mặt và giáo huấn của Chúa Kitô sẽ tỏ hiện lên trong lòng người đón nhận, đặc biệt trong chính bản thân và cuộc đời của người truyền giáo, và từ chiều sâu ý thức, Ngài làm cho người ta đón nhận và hiểu Lời cứu độ.[24]

Người truyền giáo như thế không làm việc trong đơn độc, họ có Chúa đồng hành, làm việc nhân danh Chúa và hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Người truyền giáo ý thức mọi hoạt động mình làm không đơn giản chỉ như những công việc trong thế giới, không phải chỉ nhắm mưu cầu lợi nhuận trước mắt, nhưng là chính Thiên Chúa và những giá trị của Người. Cho nên, dù ở trong môi trường nào, làm bất cứ công việc gì, được biết đến hay bị lãng quên, thành công hay thất bại, đó không phải là vấn đề đối với họ. Vấn đề làm họ bận tâm duy nhất là những gì tôi làm có phù hợp ý Chúa không? Chúng phát xuất từ động cơ nào? Có tìm vinh danh Chúa hay tôn vinh chính mình? Các linh hồn nhận được gì qua những hoạt động của tôi? Những vấn nạn đó sẽ mang họ đến ý thức nền tảng của sứ vụ truyền giáo là biết mình được Chúa sai đi, cảm nghiệm Chúa đang đồng hành với mình và xác tín mình đang thi hành sứ mạng của Người. 

Như thế, để là một nhà truyền giáo như Chúa muốn, điều quan trọng trước hết phải ở lại trong Người, mặc lấy những tâm tư, tình cảm của Người để có thể hành động bằng trái tim của Người. Điều này giả thiết cần có một đời sống kết hợp mật thiết với Chúa, không ngừng chiêm ngắm cuộc đời Chúa Cứu Thế để Tin Mừng hóa chính mình chứ không đơn thuần chỉ chú trọng nhiều vào việc tiếp thu kiến thức về Chúa và thủ đắc những phương tiện làm việc cụ thể. Về điểm này, chúng ta được mời gọi học với Đức Maria, nhà truyền giáo tiên khởi và đắc lực của mọi thời đại, vì nhờ Mẹ mà nhân loại bao thế hệ đã được biết đến Chúa Ki-tô và hưởng ơn cứu độ của Người. Mẹ là mẫu mực của Hội Thánh Truyền Giáo và mẫu mực của mọi người tông đồ. Ở đâu ơn cứu độ trong Chúa Giêsu được rao giảng, ở đó cũng có Mẹ Maria. Người nữ tu Mân Côi với sứ mạng truyền giáo đặc thù qua các hoạt động giáo dục, y tế, bác ái và công tác mục vụ giáo xứ sẽ không là một nhà truyền giáo đích thực nếu như qua đó chúng ta không bày tỏ các mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Ki-tô hiện diện sống động trong cuộc sống của mình. Vì không ai có thể rao truyền Phúc Âm cho người khác nếu tâm hồn chưa được Phúc Âm biến đổi, cũng như “không ai có thể làm chứng cho Chúa nếu không phản chiếu hình ảnh của Ngài.”[25] 

Tiếng gọi phục sinh là tiếng gọi của hành động đức tin có tính thời sự và hiện tại. Tiếng gọi này không làm một lần là đủ nhưng liên lỉ và suốt đời người Ki-tô hữu. Nó thôi thúc chúng ta phải không ngừng hoán cải để phục sinh đời sống mình và làm cho người khác cũng được phục sinh. Đó là lối sống căn bản cho mọi tín hữu nên Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh: Chúa Ki-tô đang sống, chúng ta hãy luôn nhắc nhớ mình về điều đó bởi lẽ chúng ta có nguy cơ nhìn thấy Chúa Giê-su chỉ là một mẫu gương đẹp xa xôi trong quá khứ, một hoài niệm, một nhân vật đã đến cứu thoát chúng ta cách đây 2000 năm. Điều đó không thay đổi gì nơi chúng ta và cũng không đem lại tự do cho chúng ta... Nếu Người sống, thì chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn.[26] Tin vào Chúa Kitô không đơn thuần là chấp nhận một hệ thống giáo điều hay một lý thuyết, nhưng chính là sống gắn bó với Chúa Kitô và để cho tinh thần của Ngài thấm nhập vào tất cả cuộc sống mình. Mỗi tín hữu truyền giáo trước tiên bằng đời sống hơn là lời nói hay những hình thức bên ngoài[27] Đó là một đời sống đã được thấm nhập và đổi mới nhờ Lời Chúa, nhờ đó góp phần thăng tiến xã hội theo tinh thần Phúc Âm. Truyền giáo chính là truyền lửa yêu thương, người tông đồ sẽ không để cho mình đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô trong cách ăn nết ở, trong tâm tình và ước muốn thì không thể hành động như Người.


3. ÁP DỤNG THỰC HÀNH
 
1/  Chiêm ngắm mầu nhiệm thứ I sự Mừng
2/ Phục sinh đời sống ( thay đổi lối sống, diệt trừ tính hư nết xấu, loại bỏ những tiêu cực, thực thi nhân đức, hướng tới những điều tích cực, sống lạc quan, vui tươi)
3/ Loan báo Tin Mừng ( đem niềm vui, yêu thương cho người xung quanh, làm gương sáng, nói cái gì đó về Chúa cho những người mình gặp nhất là người chưa biết Chúa hoặc người đang sống xa Chúa, ý thức tinh thần truyền giáo trong các hoạt động, lời nói của mình).
 

[1] Mt 28,10.
[2] x. Ga 20, 19-23.
[3] Ga 20,28.
[4] x. Lc 24,13-35.
[5] x. Ga 21, 1-23.
[6] x. Cr 15, 28.
[7] 1 Cr 15, 20.
[8] Ep 4, 24.
[9] Cl 3,10.
[10] Đức Thánh Cha Phanxico, “Sứ điệp Mùa Chay năm 2020”
 
[11] Mc 8, 34.
[12] x. Lc 24, 26.
[13]Ep 4, 22-24.
[14] Rm 6, 6.
[15] Rm 6,8.
[16] Ga 20, 18.
[17] Ga 20,17.
[18] Mc 16,15.
[19] 1 Cr 9,16.
[20] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông Điệp “ Sứ Vụ Chúa Cứu Chuộc,” 91.
[21] 1Cr 9, 22-23; Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông Điệp “Sứ Vụ Chúa Cứu Chuộc,” 88.
[22] 2Cr 4, 7.
[23] http://www.simonhoadalat.com/hochoi/tailoanbaotinmung/loanbaotinmung.htm.
[24] x. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông Điệp “ Sứ Vụ Chúa Cứu Chuộc”  36.
[25] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông Điệp “Sứ Vụ Chúa Cứu Chuộc,”  87. 
[26] Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn “ Chúa Ki-tô Đang Sống”, S. 124 & 127.
[27] x. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông Điệp “Sứ Vụ Chúa Cứu Chuộc,” 23.

Nguồn tin: gpbuichu.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây