Từ trước tới giờ, Chúa Nhật Lễ Lá năm nay thật ngoại lệ đến lạ thường. Ngoại lệ vì Giáo Hội cho phép giáo dân tham dự nghi lễ online; lạ thường vì chúng ta không được nhận những nhành lá, không cùng nhau hiện diện tại thánh đường để cử hành lễ Lá. Tất cả vì một nguyên nhân ai cũng biết và phải đề phòng: Virus Covid–19.
Dẫu sao chúng ta có thể đọc hoặc nhớ lại biến cố ngày này thời Đức Giêsu: Ngài đã cưỡi lừa vào thành thánh Giêrusalem. Đó là biến cố bước vào Tuần Thánh cùng với Đức Giêsu chịu thương khó. Đây là một trong những dịp lễ trọng đại và kéo dài cả tuần trước ngày Sa bát. Tuy nhiên, các thánh sử chỉ ghi lại cho chúng ta vài câu về biến cố này. Chẳng hạn thánh Gioan thuật lại như sau:
“Dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ. Thoạt nghe tin Ðức Giêsu tới Giêrusalem, họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò:
Hoan hô! Hoan hô!
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa!
Chúc tụng vua Ítraen!
Ðức Giêsu gặp một con lừa nhỏ, liền cỡi lên như có lời chép:
Hỡi thiếu nữ Sion, đừng sợ!
Này Ðức Vua của ngươi ngự đến,
ngồi trên lưng lừa con.” (Ga 12,12–19)
Đó là những ngày đại lễ Vượt Qua của người Do Thái. Thiên Chúa của chúng ta vào thành thánh với muôn vạn lời chúc tụng. Ngài cũng đang hòa cùng niềm vui lễ hội với dân. Hôm nay Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta sống lại biến cố này một cách khác thường, nhưng không thiếu tâm tình thiêng liêng.
1. Chúa muốn vào nhà chúng ta
Nếu không có Covid–19, mỗi giáo xứ trong những này này rộn ràng lắm. Nào là vệ sinh, lau dọn nhà thờ, nào là tập dượt bài Thương Khó, chuẩn bị nhành lá, tập hát mừng đại lễ. Nói chung, mỗi người một việc để chuẩn bị cho cả Tuần Thánh. Các giáo xứ, nhà thờ năm nay vắng người. Phải chăng Chúa muốn cho chúng ta một kinh nghiệm độc đáo trong mùa dịch này: Chúa tiến vào nhà mình!
Với mệnh lệnh của nhà nước và hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta cử hành lễ Lá tại gia đình. Thay vì đến nhà thờ gặp Chúa, chính Đức Giêsu tìm đến tận mỗi gia thất của chúng ta. Nơi đó, Ngài có được mỗi người đón tiếp, tung hô và trò chuyện không? Dù giàu sang gấm lụa, nghèo nàn thiếu thốn, Chúa thực sự muốn bước vào tất cả những nơi đó. Cũng như dân thành năm xưa, hẳn là mỗi người cũng hạnh phúc đón Đức Vua, Thiên Chúa của chúng ta vào nhà mình.
Một lý do đơn giản: gia đình cần Chúa đến lúc này. Khi dấu hiệu đại dịch mỗi lúc một tăng, van xin Chúa hiện diện là điều cần thiết. Trong khi tham dự lễ Lá online, xin đừng giam Chúa trong chiếc điện thoại, máy tính hoặc nơi TV. Qua những phương tiện truyền thông, chúng ta tin rằng Thiên Chúa cũng thực sự đến với mỗi người. Chẳng phải mỗi người chúng ta là một đền thờ của Chúa Thánh Thần sao? (1 Cr 6,19–20). Chẳng phải gia đình cũng là Giáo Hội thu nhỏ đó sao? Dù Virus có khủng khiếp đến đâu, với Chúa và trong Chúa, hy vọng tình thế sẽ tươi sáng hơn nhiều.
2. Xin Chúa cứu nhân loại
Thử tưởng tượng người người tung hô Thiên Chúa lúc đó: vang rền cả một vùng trời. Nếu để ý, chúng ta thấy đám đông đang tán dương Đức Giêsu bằng lời của thánh vịnh 118. Nơi đó, họ hoan hô, chúc tụng Đấng ngự nhân danh Chúa mà đến! Hoan hô trong tiếng Do Thái là “Ho–san–na”, nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ”. Vào thời Chúa Giêsu, từ này cũng ám chỉ Đấng Thiên Sai. Lời hoan hô ấy thường được dùng trong bối cảnh phụng vụ. Dĩ nhiên, lúc này mỗi người cũng đang ước nguyện van xin Chúa giúp: “Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”
Nếu mạng xã hội có thể nối kết con người, thì nơi đó, chúng ta cũng thấy biết bao lời nguyện cầu dâng về Chúa. Mỗi người một ý nguyện, tâm tình. Dù cách xa về địa lý, nhưng chúng ta được liên kết gần gũi với nhau. Cùng nhau phòng chống dịch, cùng hướng về nhau và về Chúa. Khi đó, lời cầu nguyện của chúng ta cũng sẽ vang thấu trời. Hy vọng Chúa sẽ nhận lời chúng con.
Theo truyền thống Do Thái, các tư tế cũng dùng thánh vịnh 118 để chúc phúc cho các trưởng phái đoàn tiến lên Đền Thờ. Trong ý nghĩa này, chúng ta thấy Đức Giêsu cũng được chúc phúc. Hay nói đúng hơn, chính nhờ sự hiện diện của Ngài mà đoàn người hôm ấy được chúc phúc. Họ nhìn ngắm Đức Giêsu trên lưng lừa mà van xin: “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho dân người lúc này.”
Trước cảnh u ám này, Chúa nhắn với mỗi người đừng sợ hãi, đừng hoang mang. (Mt 28,5). Chúa Giêsu đã không sợ khi bước vào thành thánh, dù Ngài biết nơi đó nguy hiểm đến tính mạng mình. Là người Công Giáo, chúng ta có nhiều lý do để sẵn sàng ứng phó với đại dịch lần này. Bằng cách nào? Cùng với Chúa và với nhau. Đó là mẫu số chung cho mỗi người lúc này. Nghe có vẻ lạ tai! Cứ nhìn vào xã hội và Giáo Hội, chẳng phải chúng ta đang cố gắng theo hướng đó sao?
3. Chúa bắt đầu chết vì tôi
Trong ngày Lễ ngày, chúng ta được nghe lại bài Thương Khó của Chúa chúng ta. Sau ngày lễ này, Thượng Hội Đồng quyết định bắt Đức Giêsu (Ga 11,45–54). Vậy là Đức Giêsu đã có án tử. Ngài đang đi vào con đường tử nạn, và chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta. Đó là nguồn sức mạnh để mỗi người thêm lý do bám vào Chúa. Ngài nhất định không bỏ con người. Dù dịch bệnh có tàn nhẫn đến đâu, dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn đang chịu chết để cứu độ con người.
Nếu chúng ta đang chịu đau khổ vì virus, thì chính Con Thiên Chúa cũng đang chịu cực hình. Trong hoàn cảnh đó, Đức Giêsu một lòng tín trung vào Chúa, sẵn sàng chấp nhận thử thách. Trong đó, đau khổ thực sự là một thử thách đức tin của mỗi người. Hoặc nói như thánh Giacôbê tông đồ: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.” (Gc 1,2–3). Cụ thể hãy kiên nhẫn với Thiên Chúa, bởi Ngài đang rất kiên nhẫn với con người. Ngài sẽ nhậm lời khẩn nguyện của ta. Đồng thời kiên nhẫn đi cùng với Chúa trong đau khổ, vinh quang sẽ chờ ta phía trước.
Giáo Hội vẫn đang gọi mời chúng ta hãy cùng bước vào con đường của Đức Giêsu. Với lời tung hô chúc tụng, lời van nài nguyện xin, hy vọng mỗi người đi với Chúa đến cuối con đường thập giá. Nơi đó, Chúa đã chết vì chúng ta và mời gọi mỗi người đón nhận mọi khổ đau, dịch bệnh trong bình an và tin tưởng. Vì chúng ta muốn yêu mến Thiên Chúa thật nhiều. “Đức mến này thì nhẫn nhục, hiền hậu, …tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13,1–8).
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn