Có thể nói, biến cố Thiên thần Gabriel truyền tin cho Mẹ Maria là biến cố độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại, nhưng giá trị và hiệu quả của biến cố này lại kéo dài mãi mãi. Thật vậy, dù trời đất này có qua đi, thì Con Thiên Chúa – Chúa Giêsu vẫn mãi mang hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính con người (GL HTCG, số 464-469). Đồng thời, ơn cứu độ mà Người đã đem đến cho nhân loại ngang qua hai tiếng xin vâng của Mẹ Maria sẽ mãi còn nguyên giá trị. Theo đó, mỗi người chúng ta cũng có thể noi gương Đức Mẹ trong việc đọc ra ý nghĩa của các biến cố và tìm cách hiện thực hoá thông điệp của các biến cố ấy trong cuộc đời mình. Ngõ hầu chúng ta có thể hiểu được Ý Muốn cực thánh của Thiên Chúa và mau mắn chu toàn Ý Muốn ấy cách hoàn hảo. Để làm được điều đó, thiết nghĩ có hai câu hỏi mà ta cần phải đặt ra và trả lời trước mỗi biến cố xảy đến với mình: (1) Chuyện này có nghĩa là gì? Và (2) Chuyện này sẽ được thực hiện bằng cách nào?
Trước lời chào có phần lạ lùng của thiên thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”, thánh sử Luca thuật lại rằng Mẹ Maria cảm thấy “rất bối rối” (Lc 1, 29a). Dẫu vậy, Mẹ đã không vội vàng chấp nhận như thể thiên thần đang nói đúng về mình, nhưng Mẹ cũng không xua tay khước từ như thể chuyện đó chẳng liên quan đến mình. Trái lại, Mẹ tự hỏi: “Lời chào như vậy có nghĩa là gì?” (Lc 1, 29b) Nhờ đó, Mẹ đã được thiên thần giải thích cặn kẽ về ý nghĩa của điều mà Mẹ vừa nghe, để rồi sau này “dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào” (Mt 7, 25a) thì Mẹ vẫn vững lòng thực thi Ý Chúa.
Nhìn về cuộc đời tôi, có lẽ mỗi ngày cũng có rất nhiều “biến cố truyền tin” vẫn đang xảy đến với tôi. Chẳng hạn, có những lời khen khiến tôi vui mừng, có những phê bình khiến tôi buồn bã; có những cuộc gặp gỡ khiến tôi thêm can trường, mạnh mẽ; cũng có những cuộc gặp gỡ khiến tôi sợ hãi, lo âu. Nhưng thay vì vội vàng đồng thuận hay phản kháng, có khi nào tôi cũng biết noi gương Mẹ Maria, mà tự hỏi: “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi?”
Quả thế, mọi thứ xảy ra đều có một lý do, một ý nghĩa nào đó. Tất cả đều giống như những sắc màu, những mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của cuộc đời ta. Việc đọc ra ý nghĩa của những biến cố sẽ giúp ta không bị u mê bởi thành công hay bởi những lời xu nịnh. Ta cũng không vội chán nản mà bỏ cuộc khi đương đầu với những thử thách gian nan, để rồi đánh mất đi những cơ hội quý giá vốn là những điều tốt lành mà Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời, ban cho con cái của Người (x. Mt 7, 11).
Thêm vào đó, bên cạnh việc khám phá ra ý nghĩa của những biến cố đơn lẻ xảy đến với tôi, tôi cũng cần phải khám phá ra ý nghĩa tổng thể của cả cuộc đời mình. Vì nếu mọi sự vật được tạo ra đều có một mục đích nào đó và mọi điều xảy đến với tôi đều mang một ý nghĩa nhất định, thì việc tôi được sinh ra trên đời này chắc hẳn phải có một mục đích, một ý nghĩa rất lớn lao. Vậy, ngay lúc này đây, tôi hãy tự hỏi: Đâu là ý nghĩa cuộc đời tôi? Hay, tôi được sinh ra trên đời để làm gì? Phải chăng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã tìm ra câu trả lời cho mình qua bài hát “Khát vọng”, khi ông mong muốn đời mình “sống như dòng sông để biết yêu nguồn cội, sống như đồi núi để vươn tới những tầm cao, sống như là gió, là mây để thấy trời bao la, như là phù sa rót mỡ màu cho hoa, như là đàn chim gọi bình minh thức giấc và như mặt trời gieo hạt nắng vô tư…” Còn tôi, tôi được sinh ra vì mục đích gì: cho những điều tầm thường, giả trá; hay cho những điều cao quý hơn? (thánh Stanislaus Kostka, S.J.).
Câu hỏi phản tỉnh: Tôi thường phản ứng như thế nào trước những biến cố xảy đến với tôi: vội vàng chấp nhận hay nhanh chóng khước từ? Tôi hoảng hốt lo sợ hay bình tĩnh suy xét? Hãy nhớ lại phản ứng của tôi trong một sự kiện/tình huống lớn nhất và gần đây nhất mà tôi đã trải qua. Nếu có cơ hội làm lại, tôi sẽ làm gì, để cuộc đời của tôi đi theo đúng mục đích tốt lành mà Thiên Chúa đã định cho tôi, như cách mà Mẹ Maria đã làm.
Khi hiểu được sứ mạng vừa cao cả, vừa lớn lao mà Thiên Chúa đang muốn trao phó cho mình trong chương trình cứu độ của Người, Mẹ Maria đã đặt câu hỏi: “How will this be – Chuyện này sẽ được thực hiện bằng cách nào?”, chứ Mẹ không tìm lý do để thoái thác.
Phải chăng tác giả Phi Tuyết đã được nhận được cảm hứng từ cách phản ứng của Mẹ Maria và những cách phản ứng tương tự để viết ra tác phẩm cùng tên “Khi muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn ta sẽ tìm lý do”? Quả vậy, trên thực tế, người ta quyết định làm hay không làm một việc gì đó không hệ tại ở tính chất khó khăn hay dễ dàng của công việc, nhưng là ở động cơ bên trong. Nghĩa là khi thực sự mong muốn làm một việc gì đó, họ sẽ cố gắng làm cho kỳ được. Cũng giống như khi tình yêu đủ lớn, người ta sẽ sẵn sàng tìm mọi cách để có thể đến được với người mình yêu, đến nỗi “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” (Ca dao Việt Nam). Ngược lại, khi không muốn làm một việc gì đó, người ta sẽ nghĩ ra đủ thứ lý do để khước từ. Giống như trong dụ ngôn về Nước Trời, khi nhà vua nói: “Này cỗ bàn Ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn,…(Mt 22, 1-10).
Câu hỏi phản tỉnh: Trước những sự việc khó khăn, tôi thường tìm cách để giải quyết hay tìm lý do để biện minh và bỏ cuộc?
Như vậy, nếu đứng trước các biến cố xảy đến cho bản thân tôi mỗi ngày, tôi biết đặt ra và trả lời cách đủ nghiêm túc và đủ chân thành cho hai câu hỏi: (1) Chuyện này có nghĩa là gì? Và (2) Chuyện này sẽ được thực hiện bằng cách nào?, thì có lẽ tôi cũng sẽ trở nên một “Maria khác”, mang Chúa Giêsu, mang ơn cứu độ cho tôi và cho cả gia đình nhân loại thân yêu này! Để rồi tôi không còn dương dương tự đắc mỗi khi thành công; cũng không còn càm ràm ca thán hay cảm thấy đau khổ bất lực mỗi khi thất bại hay khi phải vác thập giá nặng trĩu trên vai nữa.
Hv. Văn Tài, S.J.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn