Cuộc sống có nhiều con đường. Có những người sống đơn giản, họ cứ đi theo những con đường sắp đặt sẵn, những lối mòn kẻ khác đã qua, tin vào những giá trị và hướng dẫn người khác đã vạch ra, không nghi ngờ, phân vân, ngó nghiêng nơi khác. Lại có những người muốn tự đi trên con đường mình vẽ nên, muốn tự tìm tòi khám phá, mở lối mới mẻ để thể hiện ‘cái tôi’ oai hùng. Nhưng dù đi trên con đường nào, không tránh khỏi việc bản thân mau chóng cảm thấy hoang mang, lạc lối, khủng hoảng, bị tác động bởi người khác, và rơi vào mớ bòng bong của những lựa chọn và hoảng loạn trong đó.
Với bao áp lực từ bên trong và bao kỳ vọng của người khác, ta cứ lao đi về phía trước như cây non bị gió cuốn, cứ chạy băng băng, chẳng nhìn lại, nhưng bối rối chẳng biết phải hướng về đâu. Càng gồng sức, ta càng thấy mình mất đi một điều gì đấy đẹp đẽ bên trong, cảm thấy thêm một chút gì đấy trống rỗng, cô đơn. Ta trở thành một kẻ cuồng công việc. Chẳng có thời gian cho bản thân. Chẳng có thời gian cho gia đình. Cuối cùng, ta cũng sở hữu được những con số rất đáng tự hào về thu nhập. Nhưng rồi kỳ lạ sao, ta vẫn không có được cái cảm giác tích cực, hạnh phúc và bình an. Ta vẫn luôn thấy bất an, lo sợ cho tương lai. Ta sợ làm đối tác thất vọng, sợ mình chạy chưa đủ nhanh, sợ kết quả công việc không như ý. Ta sa sút trầm trọng, trong cả thể chất lẫn tinh thần. Ta bối rối, thiếu định hướng, không biết đang nỗ lực vì điều gì. Và rồi ta tự dày vò trong cái mớ nhùng nhằng, hỗn loạn, mù mờ mà ta tự vẽ nên.
Cho dù con đường nào, đã có sẵn hay bắt chước người khác, mỗi người vẫn phải tự bước đi, vượt qua thử thách, trải nghiệm thất bại để rồi tìm ra cho mình một lối nẻo riêng, một cách thế riêng. Giữa muôn con đường, quan trọng và cũng khó khăn nhất vẫn là con đường tìm về chính mình, nắm bắt bản thân trong hiện tại, nhận chân mình là ai và không phải là ai, vì con đường này cần dành thời gian để nhìn lại những trải nghiệm của bản thân và lắng nghe tiếng nói trong mình. Điều đó sẽ giúp ta được làm chủ cuộc sống của mình, không còn phải nỗ lực trở thành một con người khác. Mỗi người sinh ra để viết nên những câu chuyện khác nhau. Cuộc sống là tổng hoà của nhiều mối quan hệ, và cái mỗi người cần là một cuộc sống cân bằng: để bản thân được đam mê hết mình cho những gì hữu ích cho người khác; để có thời gian ở bên gia đình, thưởng thức những khoảnh khắc nhẹ nhàng và yên bình nhất; để có thời gian cho chính mình: được chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc bản thân, làm giàu thế giới nội tâm; và để được vùng vẫy tự do, được tự mình khám phá sự kỳ diệu của thế giới ngoài kia.
Người ta chỉ nhận ra những gì khiến mình thực sự hạnh phúc, khi để cho mình được chìm vào trong sự tĩnh lặng trong mình, khi mình không bị ảnh hưởng bởi những tiếng ồn, những suy nghĩ, quan điểm của người khác. Sự tĩnh lặng đơn giản nhưng mầu nhiệm. Có lẽ vì vậy mà ai cũng nên tự thưởng cho mình những khoảnh khắc tĩnh lặng, dù chỉ một chút ít, để tiếp thêm năng lượng và đào sâu sự hiểu biết mình mỗi ngày. Thường sau khi đã trải qua một sự việc và nhìn lại, người ta mới hiểu được giá trị và ý nghĩa nó mang lại cho mình. Đời người thiếu gì những vội vàng bước đi trên những con đường thất bại, những lần lạc lối, nhưng nhờ vậy, người ta mới hiểu được giá trị của con đường mà mình đang đi, những gì mình đang theo đuổi.
Vào Mùa Chay, các giáo xứ, các đoàn hội, các nhóm thường tổ chức những buổi tĩnh tâm. Dù tĩnh tâm tại nhà, tại giáo xứ hay đi tới một chốn tĩnh lặng ở xa, thì điều cốt lõi của các cuộc tĩnh tâm này vẫn không thay đổi, đó là thời gian ‘vàng’ trong đó mỗi người hồi tâm, “trở về với lòng mình”. Trong vài ngàn năm, các triết gia và nhà tiên tri đã thúc giục con người phải biết mình. Lời Chúa trong sách Ngôn sứ Gio-en trong ngày thứ Tư Lễ Tro nhắc nhở: “Hãy trở về cùng ta với trọn tâm hồn” (Ge 2,12). Trở với với bản thân cũng là để trở về với Chúa và anh chị em. Con đường trở về với lòng mình không bao giờ thẳng tắp. Có những lúc tưởng như mình đã biết, rồi mình lại lung lay, bị những điều trông hấp dẫn, lung linh khác mời gọi. Nhưng phải đi rồi người ta mới biết hóa ra đã nhầm đường, rằng điều đó không dành cho mình, và quay lại nơi con người ta thuộc về. Như vậy, trở về là để đi xa hơn, vững chắc hơn và tin tưởng hơn.
Gió Biển
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn