Chiêu trò của Xatan

Thứ tư - 09/12/2020 00:56

 

Chiêu trò của Xatan

 

  Khuynh hướng được coi là có ảnh hưởng mạnh và bao trùm thế giới vật chất, thực dụng ngày nay chính là khuynh hướng phủ nhận những thực tại siêu nhiên, thiêng liêng, vô hình như Thiên Chúa, ma qủy, thiên đàng, hoả ngục, mà hệ luận được chờ đón chính là : con người là thiên chúa của mình, thiên chúa là sản phẩm do con người làm ra. Vì lẽ đó, tội, phúc không còn là vấn đề làm con người phải băn khoăn, lo lắng, sợ hãi.

 

Khuynh hướng này lan tràn, len lỏi khắp nơi, không chỉ trong môi trường “thế gian”, mà ngay giữa hàng ngũ môn đệ Đức Giêsu cũng có những người ủng hộ khuynh hướng vô thần, duy vật chất rất nguy hiểm này.

 

Đây là chiêu rất độc, trò rất hiểm Xatan đang triệt để tận dụng để phá nát thế giới, triệt tiêu tình huynh đệ giữa con người, đẩy nhân loại xa khỏi vòng tay thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa. Để thực hiện mục tiêu trên, Xatan sử dụng những kỹ thuật phù hợp với bản chất Gian Dối, Ganh ghét, Hận Thù, Bạo Lực, Hủy Diệt của chúng.

 

1.   Là “Bạo Lực Hủy Hoại”, Xatan áp dụng chiêu trò Vu Khống, Tố Cáo :  

 

Hành vi bạo lực kinh khủng, tàn bạo nhất của thời đại mới là Vu Khống, Tố Cáo người khác trên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, gây căng thẳng, bất hoà, tạo nghi ngờ, làm mất tin tưởng, phá hoại hiệp nhất, đạp đổ sự nghiệp của cá nhân cũng như của cộng đoàn.

 

Ở thời đại văn minh “kỹ thuật số”, đội quân bạo lực của Xatan không còn sử dụng những khí giới thô sơ, lỗi thời để tàn phá, giết chóc, nhưng dùng “bàn phím” của truyền thông để hồ đồ tố cáo, trân tráo vu oan, nhẫn tâm mạ lỵ như vũ khí cực kỳ tân kỳ, hiệu qủa. 

Kinh Thánh cho chúng ta biết Vu Khống, Tố Cáo là chiêu  trò đắc dụng của Xatan. Nó và bè lũ là những tay chuyên nghiệp tố cáo, vu oan ; là những tên “ngậm máu phun người” rất thiện nghệ, làm hại thanh danh, uy tín của người khác bằng tung tin giật gân, phao tin khủng khiếp, giật tin nóng bỏng để lôi kéo đám đông, khích động quần chúng, dụ dỗ người cả tin, nhẹ dạ vào chiến dịch mạ lỵ, đấu tố người khác một cách hồ đồ, bất công, phi nhân, tàn nhẫn.

 

Ngôn sứ Dacaria đã khởi đầu thị kiến thứ bốn : “Người lại cho tôi thấy thượng tế Giêsua đang đứng trước mặt thần sứ của Đức Chúa ; còn Xatan đứng bên phải ông để tố cáo ông” (Dcr 3,1); thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã viết về  tên tố cáo, tức Xatan bị Thiên Chúa trừng phạt : “Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời : “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đay biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12,10).

 

Như thế, Xatan và bè lũ không bao giờ ngưng tố cáo chúng ta với người khác để vùi giập, chà đạp, nghiền nát cuộc đời chúng ta. Chúng còn “ngày đêm tố cáo chúng ta trước toà Chúa”. Vì thế, tất cả ý muốn cũng như hành vi tố cáo người khác, vu khống tha nhân đều xuất phát từ Xatan, được Xatan giúp lập trình, lên kế hoạch, được Xatan hướng dẫn, kích hoạt, ủng hộ, khuyến khích, cung cấp  phương tiện. Cũng chính vì thủ đọan và hành động tố cáo anh em thuộc về Xatan, nên những ai làm công việc gian ác, bẩn thỉu này đều là những kẻ thuộc về Thần Dữ, là cánh tay nối dài của ma qủy, là khí cụ đắc dụng của Xatan.     

 

Xatan còn là đứa khiêu khích, gây xáo trộn, khi sành sỏi trong nghề “thổi lửa”, là nghề thổi phồng, làm lớn chuyện, “bé xé ra to”, diễn dịch với ác tâm, tà ý, nên qua cửa miệng của Xatan thì chuyện nhỏ, nhẹ tênh cũng thành nặng nề, to lớn ; chuyện không đáng cũng biến thành nguyên nhân “gây hậu qủa nghiêm trọng” ; chút xíu lỗi lầm cũng trở thành “ngàn cân trọng tội”.    

 

Xatan còn là “thầy dùi” của bạo lực, khi đẩy đưa, lèo lái người khác vào khó khăn, nguy hiểm, như nó đã làm với ông Gióp, với mục đích “hành hạ ông” (G 2,7) : Sau những lời bênh vực Gióp của Đức Chúa, Xatan thưa lại với Đức Chúa : “Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” (G 2,4-5).

 

Và cho đến tận thế, Xatan vẫn mãi xử dụng những chiêu trò quen thuộc, nhưng ngày càng tinh vi có sức tàn phá kinh khủng, theo làn sóng duy vật chất, thực dụng.

 

2.   Là  cha đẻ của Gian Dối, Xảo Quyệt, Xatan  tận dụng đòn phép dụ dỗ, mê hoặc, lừa đảo con người :

 

Thánh Gioan khẳng định trong sách Khải Huyền : “Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma qủy hay Xatan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12,9).

 

Xatan không trừ ai, không nể nang ai, nhưng lừa đảo, mê hoặc toàn thể nhân loại. Vì thế, không ai, dù ở địa vị, phẩm hàm nào dám tự hào mình đứng vững trước những chiêu trò dụ dỗ, mua chuộc, lừa phỉnh của Xatan, bởi nó có đủ ngón nghề kinh dị để thiên hạ bị lọt lưới, sa bẫy mê hoặc, như thánh Phaolô đã ra lo sợ khi viết cho giáo đoàn Thêxalônica : “Tôi đã sai người đi hỏi cho biết lòng tin của anh em ra sao, sợ rằng tên cám dỗ đã cám dỗ anh em, và công lao khó nhọc của chúng tôi trở nên vô ích” (1 Tx 3,5).

 

Khi lừa đảo ai, Xatan bóp méo sự thật, tô vẽ những chuyện huyền hoặc nhưng hấp dẫn để lừa phỉnh. Và để người ta tin là sự thật những điều nó nói, việc nó làm, Xatan mặc cho gian dối y phục “chân lý”, tạo cho xảo quyệt vỏ bọc “thật” hơn cả sự thật, tốt đẹp hơn cả điều thiện hảo, như dùng vỏ bọc đức tin để gieo rắc tà thuyết ; vỏ bọc nhân ái để chia rẽ, tiêu diệt ; vỏ bọc hiền lành để cắn xé, tàn sát ;  vỏ bọc khiêm tốn để đàn áp, thống trị ; vỏ bọc vâng phục để phản bội, phản phúc ; vỏ bọc thiên thần để cưỡng bách, hãm hại, như khẳng định của thánh tông đồ dân ngoại : “Điều tôi làm, tôi sẽ tiếp tục làm, để những kẻ muốn có cơ hội tự phụ là những người ngang hàng với chúng tôi, không còn cơ hội đó nữa. Vì những kẻ đó là tông đồ giả, là thợ gian xảo, đội lốt tông đồ của Đức Kitô. Lạ gì đâu! Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính” (2 Cr 11,12-15).   

 

Tuy biết những gì dối trá đều thuộc ma qủy, nhưng dối trá lại tràn ngập trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Người ta lừa gạt, bịp bợm, tráo trở, đổi trắng thay đen, ăn không nói có, ngụy trang sự kiện, dàn dựng hiện trường, ngụy tạo chứng cớ cách thản nhiên đến đáng sợ. Mà không chỉ người thế gian lừa nhau, cả người có đạo cũng trắng trợn, nhẫn tâm gạt gẫm, bán đứng, làm khổ nhau.

 

3.   Là Ganh Ghét, Xatan lợi dụng “cái tôi ích kỷ” để gây chia rẽ, bất hòa :

 

Sở dĩ có ghen ghét, ganh tỵ, chia rẽ, bất hoà vì ai cũng cho cái tôi của mình vĩ đại, không thể thay thế, nên coi thường đồng nghiệp, đánh giá thấp cấp trên, vô ơn với người thi ân, chê bai không căn cớ mọi người, phê bình vô trách nhiệm mọi việc ; vì tôn sùng “cái tôi” như trung tâm của vũ trụ, nên những người này thường lên mặt kiêu căng, dù không biết gì cả, lại mắc bệnh ham tranh luận, đấu lý, dù kém cỏi  mọi mặt, non nớt trong mọi phương diện.

 

Do sở trường của họ là ganh tỵ, nên tâm hồn họ lúc nào cũng sôi sục lửa ghen ghét, vì không chịu được người khác đẹp hơn mình, giỏi hơn mình, thành công hơn mình, hạnh phúc hơn mình, đạo đức hơn mình. Khả năng trổi vượt của họ là nghĩ xấu, nói xấu người khác, và làm cho bầu khí của bất cứ nơi nào họ có mặt ngày càng trở nên tồi tệ, bế tắc, vì sức tàn phá của lòng dạ kiêu căng, phán đoán lệch lạc, tính bất chấp sư thật, và thói suy diễn tiêu cực, bất công, và độc ác, mọi sự, mọi việc của họ.

 

Khi làm việc với ai, hay phụ trách công tác trong cộng đoàn, người kiêu căng vì thần tượng “cái tôi” của mình, nên mải mê tìm sơ hở của người khác để chia rẽ nội bộ, kéo bè kéo đảng nhằm phục vụ tham vọng làm chủ, làm thầy, làm tướng, làm lãnh tụ. Họ là người  không thể làm việc với ai, bởi chỉ muốn một mình quyết định, một mình được trân trọng, một mình được đánh bóng, tuyên dương ; họ cũng không chia sẻ thành qủa của công việc với ai, vì với họ “tất cả thành công là nhờ họ, do một tay họ làm nên” còn thất bại là do thiếu sót, sai lầm, tội lỗi của người khác ; đặc biệt họ là người vô ơn, phản phúc, vì kiêu căng nghĩ rằng đời họ do chính họ làm nên, mà chẳng cần đến bàn tay của bất cứ người nào khác.

 

Thực vậy, Xatan khai thác triệt để “cái tôi” kiêu căng của mỗi người để phá hoại bình an của gia đình nhân loại, bởi nó biết : “cái tôi” là cái dễ làm cho con người ganh ghét, hận thù, xa cách nhau nhất. “Cái tôi” cũng là cái có mặt ở mọi nơi, trong mọi hàng ngũ, ngay cả hàng ngũ những người loan báo Tin Mừng, như thánh Phaolô viết : “Có những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì lòng ganh tỵ và tranh chấp” (Pl 1,15), nên chỉ cần khơi dậy lòng kiêu căng, khiêu khích tính háo thắng, ngạo mạn của “cái tôi” là lập tức Xatan có ngay một chiến trường đẫm máu con người.

 

Vì “hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ…” là những việc do tính xác thịt gây ra (x. Gl 5,20,21), mà “cái tôi kiêu căng” là điển hình, nên Đức Giêsu đã đòi hỏi những người muốn đi theo Ngài “phải từ bỏ mình”, tức từ bỏ “cái tôi” kiêu căng, thống trị”, “cái tôi” tham vọng, ích kỷ, “cái tôi” trịch thượng, hống hách, vô ơn, bởi “những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê”, để “chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gl 5,24.26) hầu làm cho “hoa trái của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5;22-23) được rực rỡ, xum xuê.   

 

4.   Là Diệt Vong, Chết Chóc, Xatan sử dụng kế độc làm con người tuyệt vọng : 

 

Kế độc của Xatan là lấy đi niềm hy vọng ở con người, bởi một khi không còn hy vọng, con người không thể sống, vì không còn nghị lực để vượt qua những khó khăn, gian truân, thử thách của cuộc sống, nhờ hy vọng vào Đấng đã hứa ban Hạnh Phúc và Sự Sống đời đời trong vương quốc yêu thương, bình an của Ngài.

 

Qủa thực, Xatan sử dụng kế độc tước đọat hy vọng của con người, bằng gieo nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, và Lòng Thương Xót vô cùng của Ngài, bởi đánh mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa thương yêu, người ta sẽ tự đánh mất mình, khi đánh mất lý do sống, ý nghiã  sống, tương lai mai hậu của sự sống, đồng thời không còn khả năng bảo đảm nhân phẩm, nhân vị, vì hành trình nhân loại hoàn toàn rơi vào bế tắc, vô nghiã, khi không còn Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng  những con người sống, Đấng trân qúy, gìn giữ, bảo vệ sự sống và hứa ban cho con người sự sống của chính Ngài.

 

Thánh tông đồ trưởng Phêrô đã xác quyết : Đức Giêsu chính là iềm hy vọng của chúng ta (x. 1P 3,15), như lời thánh vịnh : “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lậy Chúa, như chúng con hằng hy vọng ở Ngài” (Tv 32,22), vì “Thiên Chúa là nguồn hy vọng”, và chúng ta được tràn trề hy vọng, “nhờ quyền năng của Thánh Thần” (x. Rm 15,13), niềm hy vọng mà thánh Phaolô đã giải thích : “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải hy vọng. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là hy vọng nữa : vì ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,24-25).

 

Qủa thực, không đặt hy vọng vào Chúa và Lời Hứa của Ngài, chúng ta không thể đi tới đích Sự Sống, Bình An, Hạnh Phúc đời đời Chúa hứa ban, như Phêrô đã chối Chúa vì không hy vọng vào Lời Hứa “ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Lc 18,33), nhưng rất may mắn Phêrô đã không rơi vào tuyệt vọng, vì “ngay lúc ông còn đang chối thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông : “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).

 

Đó là nưc mắt của Hy Vọng, khi Phêrô bắt gặp cái nhìn âu yếm, bao dung  của Thầy ; nước mắt của hy vọng được khoan hồng, tha thứ mà ông tìm lại được ở đôi mắt nhân hậu, thương xót của Thầy ; nước mắt của lòng trông cậy vào lượng hải hà khoan nhân của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ  không bao giờ từ bỏ, xua đuổi ai.

 

Khác với Giuđa, cũng là môn đệ, nhưng đã mất hy vọng vào Thầy mình, khi “Xatan đã nhập vào ông” (Lc 22,3), và gieo vào lòng ông “ý định nộp Đức Giêsu” (Ga 13,2). “Hắn đi nói chuyện với các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ về cách thức nộp Người cho họ. Họ rất mừng và đồng ý cho hắn tiền. Hắn ưng thuận và tìm dịp để nộp Đức Giêsu cho họ, lúc không có dám đông” (Lc 22,4-6).

 

Giuđa là môn đệ trong Nhóm Mười Hai, là người ở bên cạnh Đức Giêsu và được Ngài thương yêu, dậy dỗ, nhưng ma qủy vẫn thành công khi lấy đi niềm hy vọng của ông ở Đức Giêsu, và đẩy ông đến tuyệt vọng, khi “ra đi thắt cổ” (Mt 27,5).

 

Thực vậy, Xatan ở giữa loài người (x. Kh 2,13). “Nó rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây” (G 2,2), để cám dỗ loài người làm điều xấu xa, đồi bại hầu đi đến diệt vong (x. 1 Tx 3,5), để “cản trở” chúng ta làm điều tốt lành, thánh thiện và đi theo đường lối của Thiên Chúa (x. 1Tx 2,18), để làm cho tâm trí con người trở nên tối tăm, không còn nhận được ánh sáng sự thật của Thiên Chúa.

 

Xatan còn “đội lốt thiên thần sáng láng” (2 Cr 11,14) để đánh lừa chúng ta, vì Xatan có sức mạnh của nó, sức mạnh do bản tính “thiên thần” thiêng liêng, mà Thiên Chúa đã không lấy lại khi đuổi chúng ra khỏi thiên đàng, vì Ngài tôn trọng mọi thụ tạo Ngài đã dựng nên, như thánh Phaolô đã cắt nghiã : “Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Xatan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý, để được cứu độ” (2 Tx 2,9-10).    

 

Qủa thực Xatan lắm chiêu trò, ma qủy nhiều mưu thâm chước độc, thế gian nhiều cạm bẫy nguy hiểm, và cuộc chiến với Xatan là cuộc chiến có thật, cuộc chiến rất cam go, đòi phải có ơn Chúa và nhiều cố gắng, hy sinh, như Đức Giêsu đã nói : “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26,41), hay  “loài qủy này chỉ trị được bằng ăn chay, cầu nguyện (Mt 17,21). Nhưng  chiến thắng luôn thuộc về Thiên Chúa và những kẻ trung thành biết đặt hy vọng vào Ngài, vì “Thiên Chúa là nguồn bình an, chẳng bao lâu nữa sẽ đè bẹp Xatan, bắt nó phải ở dưới chân anh em” (Rm 16,20), cho dù có “hết một ngàn năm ấy, Xatan sẽ được thả ra khỏi hoả ngục. Nó sẽ ra đi mê hoặc các nước ở khắp bốn phương thiên hạ là Gốc và Magốc, và tập hợp chúng lại để giao chiến ; số chúng nhiều như cát biển. Chúng tiến lên lan tràn khắp mặt đất, bao vây doanh trại dân thánh và Thành Đô được Thiên Chúa yêu chuộng. Nhưng có lửa từ trời rơi xuống thiêu hủy chúng. Ma qủy, tên mê hoặc chúng, bị quăng vào hố lửa và diêm sinh, ở đó đã có Con Thú và tên ngôn sứ giả, và chúng sẽ bị làm khổ ngày đêm đời đời kiếp kiếp” (Kh 20,7-10).

 

Xin Chúa cho chúng ta ơn bình an và ánh sáng của Ngài, để không rơi vào cạm bẫy nguy hiểm và những chiêu trò ác độc làm hại linh hồn chúng ta của Xatan và bè lũ.

 

Jorathe Nắng Tím       

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây