Trong những năm tháng ở trong tù, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cảm hóa được nhiều bạn tù, trong đó có cả những cai tù cứng cỏi. Họ đã bị thu hút bởi lối sống đơn sơ, hiền hòa, đầy lạc quan và hy vọng, đầy tin tưởng và phó thác, đầy tình yêu và khôn ngoan của Đức Hồng Y. Có những người sau này đã xin vào Đạo. Đức Hồng Y đã bắc một nhịp cầu để dẫn đưa người khác bước sang bến bờ của chân thiện mỹ. Nói cách khác, Đức Hồng Y đã thực hiện vai trò của một người dẫn đường để đưa người khác đến gặp Chúa Giêsu. Tin mừng CN 2 Mùa Vọng[1] cũng giới thiệu về một người dẫn đường xuất hiện cùng thời với Chúa Giêsu. Nhân vật này đã dành trọn cuộc đời của mình để giới thiệu Chúa Giêsu và giúp người khác chuẩn bị tâm thế xứng hợp để gặp gỡ Chúa Giêsu. Nhân vật đó chính là Gioan Tẩy Giả.
Trước hết, Gioan Tẩy Giả loan báo về một Đấng đang đến, quyền thế hơn ông và sẽ thật sự tha được tội lỗi của con người. Một cách cụ thể, ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi … tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” Đấng quyền thế mà Gioan Tẩy Giả nói đến chính là Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả không nói về chính mình hay tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình, cho dù lối sống của ông đã thật sự lôi kéo được nhiều người. Gioan Tẩy Giả chỉ nói về Chúa Giêsu mà thôi.
Gioan Tẩy Giả còn giúp người khác chuẩn bị tâm thế để gặp Chúa Giêsu. Ông nhắc đi nhắc lại rằng họ cần phải biết ăn năn sám hối thật sự để nhận lãnh ơn tha thứ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Thái độ ăn năn sám hối đích thực không đơn thuần là việc nhận ra những sai trái. Nó còn bao gồm cả thái độ quyết tâm từ bỏ lối sống tội lỗi và quay về với Thiên Chúa. Đối với Gioan Tẩy Giả, sự chuẩn bị cần thiết nhất cho cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu chính là sự sám hối. Gioan không đề cập nhiều, thậm chí không đề cập đến những việc chuẩn bị có tính bề ngoài, chẳng hạn như nơi chốn, trang phục. Những thứ đó chỉ là thứ yếu. Điều cần chuẩn bị nhất là chính tâm hồn của mỗi người, mà cụ thể là thái độ ăn năn sám hối, chân thành nhìn nhận những tội lỗi của mình.
Lời giảng của Gioan Tẩy Giả thu hút và tác động đến nhiều người không đơn thuần do nội dung của lời giảng. Đúng hơn, chính lối sống của ông đã lôi kéo họ và khiến họ tin vào lời giảng của ông. Tin mừng Maccô cho biết Gioan Tẩy Giả sống ở trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông sống một lối sống cô tịch, đơn sơ, đạm bạc, gần gũi với thiên nhiên. Đó là lối sống của người đã thoát tục, thoát khỏi thói tham lam và kiêu ngạo là những thứ khiến người ta dễ rơi vào đủ thứ sai lạc. Lối sống của Gioan Tẩy Giả khiến người ta được thức tỉnh và nhận ra đâu là những điều chân thật và ý nghĩa trong cuộc đời. Người ta không thấy mâu thuẫn giữa lời giảng và lối sống của ông. Lối sống của ông quá đẹp đến nỗi nó giúp cho những lời giảng của ông được dễ dàng đón nhận. Thậm chí, lối sống của ông, tự nó, đã là một lời rao giảng hùng hồn và đầy tính thuyết phục.
Mùa Vọng là thời gian đặc biệt để các tín hữu nhớ lại biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người cách đây hơn 2000 năm. Mùa Vọng còn là cơ hội để các tín hữu mong chờ Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ đến lần nữa trong ngày Cánh Chung. Ở nơi các giáo xứ và các xóm đạo, người ta đang bận rộn để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Từ việc làm những hang đá Giáng sinh, trang trí cây thông Noel, giăng đèn chớp, cho đến tập hát, tập kịch Giáng sinh. Những việc làm trên là những việc làm rất ý nghĩa, mang tính truyền thống trong Mùa Vọng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những việc làm trên, người ta đã quên đi những việc làm khác cũng quan trọng không kém trong Mùa Vọng mà Gioan Tẩy Giả đã đề cập đến.
Thứ nhất, Gioan Tẩy Giả luôn thao thức rao giảng về Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta cũng cần phải biết giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ mừng biến cố Giáng sinh cho riêng mình mà thôi. Trái lại, đây là dịp để chúng ta chia sẻ câu chuyện Giáng sinh cho những người chúng ta có cơ hội gặp gỡ, nhất là những người lương hoặc những người thuộc các tôn giáo bạn.
Thứ hai, Gioan Tẩy Giả kêu gọi người ta ăn năn sám hối và hoán cải để chào đón Chúa Giêsu. Trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ mừng biến cố Giáng sinh bằng việc chuẩn bị những hang đá thật độc, thật lạ, thật hoành tráng. Sự chuẩn bị cần thiết nhất vẫn là những hang đá tâm hồn. Đó là tâm hồn biết hoán cải, biết nhận ra những sai lỗi của mình và biết sửa đổi. Chúng ta còn phải giúp những người mà chúng ta có cơ hội gặp gỡ biết hoán cải. Những góp ý chân thành, xác đáng, nghiêm khắc nhưng đầy tình yêu và tế nhị của chúng ta có thể giúp những người đang lạc lối có thể tỉnh ngộ và thay đổi.
Cuối cùng, Gioan Tẩy Giả rao giảng không chỉ bằng lời mà còn bằng cả lối sống đẹp. Trong Mùa Vọng, chẳng có hang đá hay những trang trí hoành tráng bên ngoài nào có thể tác động một cách sâu thẳm đến người xem bằng đời sống chính trực của các Kitô hữu. Không ai có thể kể câu chuyện Giáng sinh một cách hấp dẫn và thuyết phục cho người khác bằng những người đã kể câu chuyện Giáng sinh bằng chính cuộc đời mình.
Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Tuấn, SJ
………
[1] Mc 1,1-8
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn