SUY NIỆM CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ bảy - 13/07/2024 01:21
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Am 1,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Marcô
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: Hình ảnh người tông đồ - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
Suy niệm 2: Ra đi - Lm. Nguyễn Hữu An.
Suy niệm 3: Sứ mạng loan báo Tin mừng - Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Suy niệm 4: Loan báo Tin mừng - Lm. Giuse  Vũ Thái Hòa
Suy niệm 5: Thi hành sứ vụ của Chúa - Lm. Giuse Trần Quang Chinh, SVD
Suy niệm 6: Bài sai - Lm Giuse Trần Việt Hùng

Suy niệm 7: Chân dung của Sứ giả Tin Mừng – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

 

SUY NIỆM 1: HÌNH ẢNH NGƯỜI TÔNG ĐỒ

Lời Chúa: “Người sai từng hai người đi, ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế” (Mc 6,7).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 15 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh người Tông đồ của Chúa. Sứ mệnh Chúa trao cho các Tông đồ cũng là sứ mệnh Chúa trao cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta:
Tông đồ Chúa phái ra đi,
Quyền năng ban tặng thực thi lệnh truyền.
Đừng mang bao bị, bánh, tiền,
Từng hai rao giảng khắp miền gần xa:
Ăn năn trở lại cùng Cha,
Đón chờ Chúa đến cùng ta mỗi ngày.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết vâng nghe lệnh truyền của Chúa mà hăng say tiếp nối sứ vụ tông đồ để đem Tin mừng cứu độ đến cho nhiều người. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng cứu độ trần gian. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa sai từng hai người đi để làm chứng nhân Tin Mừng của Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con tiếp nối sứ vụ tông đồ để đem Tin mừng cứu độ đến cho nhiều người. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo, người ta cố gắng tìm ra những hình ảnh đẹp như những bức tranh sống động để lại cho đời, cho người. Vì nơi những bức tranh này, họa lại hình ảnh của những con người đã một cuộc đời dấn thân phục vụ hy sinh vì lợi ích cho tha nhân. Điều đó, cũng cho chúng ta thấy chân dung của người tông đồ Chúa qua sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay: “Người sai từng hai người đi, ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế”.
Thưa anh chị em, bài đọc 1 hôm nay diễn tả ngôn sứ Amos là một con người chân chất, ông làm nghề chăn chiên. Amos được Thiên Chúa chọn gọi và sai đi loan báo sứ điệp của Thiên Chúa cho dân. Ông đã bỏ nghề chăn chiên, từ bỏ quê hương và đời sống ổn định của ông để chấp nhận cuộc sống bạc bẽo của người ngôn sứ. Ông dùng Lời Chúa mà thức tỉnh khi họ chỉ biết sống theo hình thức trong đời sống tôn giáo mà không có đời sống thực. Thế nhưng, Amos đã gặp rất nhiều khó khăn, bị dân ghét bỏ, ngay cả tư tế A-mát-gia ở Đền thờ Bết Ên cũng trục xuất ông về vương quốc Giuđa. Tuy nhiên, ngôn sứ Amos đã nhất quyết ở lại Israel để thi hành sứ vụ của mình, vì ông ý thức được rằng: sứ vụ đó không xuất phát từ bản thân ông nhưng từ Thiên Chúa. Như thế, vị ngôn sứ hay người tông đồ, tất cả đều có cùng một điểm chung, đó là người được chính Thiên Chúa chọn gọi và sai đi làm sứ giả cho Ngài. Tiếp tục tư tưởng đó, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết đâu là hành trang của người tông đồ khi thi hành sứ vụ được sai đi. Chúa Giêsu truyền lệnh cho các tông đồ: “Đừng mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo”. Nghĩa là, người tông đồ Chúa không phải bận tâm đến vấn đề vật chất, nhưng dành trọn cả con tim, tâm trí và hành động cho lời rao giảng. Hành trang của người tông đồ Chúa chính là lòng tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ngài sẽ yêu thương nâng đỡ, làm cho những cố gắng của các ông thêm phong phú, và sống động bằng chính con người chứng nhân.
Chuyện kể rằng, ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với thầy dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Thế là hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!”. Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường, mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Người Kitô hữu chúng ta không có cách nào truyền giáo hay hơn là bằng chính đời sống chứng tá của mình. Hôm nay, Chúa Giêsu chọn 12 vị mà Người gọi là tông đồ và sai từng hai người đi. Cũng vậy, qua bí tích thánh tẩy và thêm sức, chúng ta được chính Chúa chọn gọi và cho tham dự vào chức ngôn sứ của Người, như Thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa đã chọn gọi chúng ta trong Chúa Kitô trước khi tạo dựng thế gian”. Vì thế, mỗi người chúng ta phải cố gắng sống xứng đáng và trở nên chứng nhân Tin mừng của Chúa, bằng đời sống phục vụ hy sinh, bằng đời sống cầu nguyện và chuyên chăm trong việc bổn phận nơi gia đình của mình. Nhờ đó, chúng ta cũng được hưởng gia nghiệp vinh quang với Người.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết vâng nghe Lời Chúa, và hăng say tiếp nối sứ vụ tông đồ, để đem Tin mừng cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Amen.
Lm. Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: RA ĐI

“Hôm nay khai mạc đại hội Truyền giáo tại nhà nguyện dòng Thánh Phaolô. Mình phụ trách phần thuyết trình. Lần đầu tiên trong đời, mình đăng đàn trước một cử toạ có nhiều người tai to mặt lớn như thế. Mình bắt đầu run. Phải hít thật sâu mấy hơi liền mới thấy hết hồi hộp.
Mình chủ trương rằng người truyền giáo phải khởi đầu sự nghiệp bằng việc ra đi. Đi đễ thấy mình phải làm gì, phải làm thế nào và phải làm tới mức độ nào. Đức Giêsu đã đi và đi không ngừng. Thánh Phaolô cũng thế. Mình trích dẫn lời của Thủ tướng Ben Gourion: “Người lính Do Thái phải tìm hiểu và yêu thương quê hương của mình bằng hai bàn chân”. Người truyền giáo có thể đi bằng phương tiện truyền thông xã hội, nhưng đi bằng chính thân xác của mình, để hiện diện và đối thoại với người lương dân là cách đi hoàn hảo nhất. Mặt đối mặt, lời trao lời mới nảy ra tình yêu. Truyền giáo mà không yêu thương thì không thể là truyền giáo được. Muốn thế thì phải đi, phải đến…
Bài thuyết trình của mình có một ưu điểm là rất ngắn gọn, nên được thính giả vỗ tay hơn thông lệ. Vừa rời giảng đài được chừng ba bước thì chạm trán với thầy Hiến Minh. Thầy siết tay mình thật chặt và khen ngợi bằng một câu rất gọn: “Cậu nói được đấy”.
Thái độ niềm nở và lời khen ngợi của Thầy làm mình phấn khởi và thêm xác tín vào lập trường sẵn có: “Người truyền giáo phải khởi đầu sự nghiệp bằng việc ra đi. Đi để thấy mình phải làm gì, phải làm thế nào và phải làm tới mức độ nào”
(Lm Piô Phúc Hậu, Nhật ký truyền giáo trang 177).
Truyền giáo là ra đi, đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân.
Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Đức Giêsu thực hiện sứ vụ bằng việc ra đi.
Suốt mấy năm ra mặt với đời để hành đạo, Chúa Giêsu không ngừng đi rày đây mai đó. Ngài luôn ngang dọc trên mọi nẻo đường đất nước của Ngài để truyền đạo. Từ hội đường này đến hội đường khác (Mt 4,23) hay ở ngoài trời, ở ngoài đường. Trên một sườn núi cũng có (Mt 5,1), bên một bờ hồ hiu quạnh cũng có (Mc 6,30-34). Có khi “mệt mỏi vì đường sá”, một mình ngồi trên thành giếng nói chuyện với người phụ nữ đến kín nước (Ga 4,6). Có lúc vì dân chúng chen lấn xung quanh đông đảo quá thì “Ngài mới lên một chiếc thuyền, thuyền của Simon và xin ông ấy chèo ra xa bờ một tí. Ngài ngồi xuống rồi từ ngoài thuyền nói vào mà giảng dạy dân chúng” (Lc 5,3). Chúa Giêsu thực hiện một cuộc hành trình liên miên. Theo ngôn ngữ của Marcô chương 1: Ngài bỏ Nazareth để đến gặp Gioan bên sông Gio-đan, rồi đến Galilê, dọc theo bờ biển Galilê, và Ngài đi rao giảng trong các hội đường khắp xứ Galilê. Trong chương 2: ít lâu sau, Ngài lại về Capharnaum… Ngài ngang qua đồng lúa… Cứ đi và đi như vậy mãi.
Chính giữa khung cảnh đường dài trời rộng thênh thang ấy mà lời giảng dạy của Ngài bao giờ cũng khởi hứng từ một hoàn cảnh cuộc sống. Các hình ảnh cuộc sống đời thường gần gũi tràn ngập trong lời rao giảng. Cánh huệ mọc ngoài đồng, đàn chim sẻ đang bay. Một đám ruộng lúa chín vàng mở rộng đến chân trời. Một mẻ cá lớn bên biển hồ. Những hạt giống người nông phu gieo vương vãi trên đường mòn,giữa bụi gai, trên sỏi đá. Một đàn cừu, dê, người chăn lùa về buổi chiều tối. Từng tảng đá, từng hạt sạn người ta nhặt từ một đống muối để vất đi. Từng con còng người đánh cá nhặt ra bỏ lại bên bờ sau một mẻ cá…
Việc thu thập môn đệ, Ngài cũng vừa đi, vừa gọi, vừa nhận… Như các môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20). Chúa Giêsu không dừng lại, yên nghĩ, hưởng thụ hay cũng cố vị trí người ta dành sẵn cho. Sau một ngày thành công rực rỡ ở Capharnaum chẳng hạn “sáng đến, Ngài ra đi vào nơi hoang vắng. Dân chúng đi tìm Ngài và đến nơi Ngài,họ cố giữ Ngài lại, không để Ngài đi khỏi chỗ họ. Nhưng Ngài bảo họ: Ta còn phải đem tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4,42-43).
Như thế, quả là suốt đời Đức Giêsu đã không hề có trụ sở, không hề có chỗ trụ trì, không hề có nhà thờ. Ngài đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới Ngài sống.
Đức Giêsu bị bắt lúc đang cầu nguyện giữa vườn Ghetsêmani hoang vắng. Bị điệu đến Hanna rồi Caipha. Từ toà đạo qua toà đời. Hết bị điệu đến dinh Philatô lại bị gửi qua dinh Hêrôđê, rồi bị đưa trả về cho Philatô. Không đầy một ngày một đêm mà kẻ tử tù đã phải đi không biết bao nhiêu dặm đường trên con đường “công lý” của loài người.
Bị kết án thập hình. Hai tay dang rộng, bị đóng đinh thập giá. Tảng đá lấp cửa mồ (Mc 14,32 -15,47). “Lính canh phòng cẩn mật, niêm phong tảng đá lại” (Mt 27,62-66).
Thế nhưng, Đức Giêsu đã không dừng chân cả trong cái chết. Ngày thứ ba Ngài sống lại, vượt cái chết qua sự sống bất diệt.
Sau khi phục sinh, Ngài cũng đi nhiều nơi, đến với với các môn đệ, cũng cố lòng tin và sai họ ra đi loan báo tin mừng.
Hoàn thành sứ mạng, “Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” (Mc 16,19) và luôn đồng hành cùng Giáo hội “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28,20)
Đức Giêsu lập nên Nhóm Mười Hai. Họ được Ngài sai đi rao giảng (Mc 6,7). Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, ra đi đến với muôn dân.
Hai động từ Gọi – Sai Đi diễn tả rõ rệt ơn gọi của Nhóm Mười Hai. Các Tông Đồ là những người được sai đi. Chúa căn dặn rằng: người được sai đi phải có tinh thần nghèo khó và từ bỏ.
Nghèo khó về hành trang đi đường: 1 cây gậy, 1 đôi dép, không mang 2 áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.
Nghèo khó về phương diện sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi trong tư thế tuỳ thuộc. Không vướng víu, không “mọc rễ” bất cứ đâu để nhẹ nhàng ra đi nơi đâu Chúa muốn.
Đức Giêsu cũng không giấu diếm họ. Con đường truyền giáo là con đường đầy chông gai, lắm gian khó. Cũng như Ngài, họ đón nhận sự rủi ro bị từ chối, bị xua đuổi. Cần phải hy sinh bản thân. Đó là thân phận kẻ được gọi, được sai đi. Ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén. Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi. Thành công cũng không thụ hưởng mà thất bại cũng chẳng đắng cay. Bởi lẽ tôi trồng, Apollô tưới Chúa cho mọc lên.
Người truyền giáo luôn bị cám dỗ định cư, tìm an toàn bảo đảm bản thân, an nghĩ trong những thành công tạm bợ… và không muốn ra đi. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu. Vì vậy, Chúa muốn các môn đệ luôn sẵn sàng ra đi, lên đường bao giờ cũng đẹp, hạnh phúc chỉ dành cho ai dám lên đường tìm kiếm.
Cuộc đời người Kitô hữu cứ phải ra đi không ngơi nghĩ. Ra khỏi cái cũ và đi tới cái mới. Ra khỏi cái đang có để đi tới cái chưa có. Ra khỏi cái mình đang là để đi tới cái mình phải là. Như thế, hành trình xa xăm nhất lại chính là hành trình của con tim.
Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi.
Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ra đi từ trời cao xuống đất thấp, mang Tin mừng chiếu soi nhân trần. Xin sai chúng con ra đi nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin giúp chúng con chỉ biết cậy dựa vào Chúa. Chỉ mình Chúa là đủ cho chúng con. Amen.

Lm. Nguyễn Hữu An.

 

SUY NIỆM 3: SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG


Sau khoá huấn luyện “trung cấp” 2 năm về “kỹ năng” loan báo Tin Mừng, hôm nay Chúa Giêsu đặc phái các môn sinh của mình lên đường thực tập sứ vụ trước khi cấp “chứng chỉ tốt nghiệp ra trường” cho các ông. Ngay trước lúc lên đường, Chúa Giêsu đã không quên ân cần dặn dò các môn sinh cách thức để việc loan báo Tin Mừng mang lại hiệu quả như ý. Tựu trung lời dặn dò đó chứa đựng 3 bí quyết, như là “kim chỉ nam” cho các nhà truyền giáo mọi thời mọi nơi.
  1. Loan báo Tin Mừng – sứ mạng phải được thực hiện trong chiều kích cộng đoàn
Cá nhân chủ nghĩa không có chổ đứng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi chưng, Chúa Giêsu không sai các môn đệ đi từng người một, lẻ loi, đơn độc, để rồi các ông cứ mãi hát khúc hát “Cô đơn một cõi đi về”. Ngài sai họ đi là sai từng hai người một, cùng với các Tông đồ khác tạo thành nhóm, thành cộng đoàn. Qua đó, các ông được huấn luyện tinh thần làm việc chung, làm việc với người khác. Tinh thần làm việc chung, việc nhóm mới có khả năng tạo nên sức mạnh kỳ diệu (các giải thưởng Nobel trong những năm gần đây chứng minh điều này. Hầu hết đó là những công trình của một tập thể, một nhóm). Hơn nữa, trên phương diện chứng tá, chứng của hai người trở lên bao giờ cũng có giá trị hơn. Giá trị còn là vì cộng đoàn tính nói lên tinh thần liên đới và hiệp nhất của người Tông đồ. Cộng đoàn tính còn là lời chứng sống động về tình huynh đệ yêu thương mà họ rao giảng. Bởi thế, ta không ngạc nhiên khi thấy các vị thừa sai thường được phái đi từ 2 hoặc 3 người đến một giáo điểm hay một vùng miền nào đó để làm việc Tông đồ truyền giáo.
Chính Chúa Giêsu khi được Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài không đi một mình, nhưng có Chúa Thánh thần cùng đồng hành và cùng hoạt động với Ngài.
  1. Loan báo Tin Mừng – sứ mạng cần được thực hiện với tinh thần siêu thoát
Siêu thoát khỏi những dính bén với của cải vật chất, tiền bạc để sẵn sàng lên đường, sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu một cách nhanh nhẹn và vui tươi. Siêu thoát với mọi thực tại đời này để toàn tâm, toàn ý cho sứ mạng được giao phó. Thái độ siêu thoát cũng là dấu chứng nói cho người khác biết lòng tin tưởng phó thác của người môn đệ vào sự quan phòng của Chúa. Chúa Quan Phòng phải là người bạn đường của người loan báo Tin Mừng. Nếu gạt Chúa Quan Phòng sang một bên, người tông đồ chỉ còn loay hoay vun vén, “đào hang”, “xây tổ” cho riêng mình.
Chúa Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ của Ngài về tinh thần siêu thoát và tín thác. Khi đến trong trần gian, Ngài không mang theo gì ngoại trừ tình yêu của Chúa Cha. Khi sống trong trần gian, cũng như khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài hoàn toàn sống phó thác vào sự quan phòng của Chúa Cha. Chính Ngài đã bộc bạch: “Chim có tổ, cáo có hang; còn Con Người không có chổ tựa đầu” (Lc 9,58).
  1. Loan báo Tin Mừng – sứ mạng phải được thực hiện với năng quyền của chính Chúa
Lệnh truyền và sứ điệp loan báo Tin Mừng không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa. Do đó, để có thể chu toàn sứ mạng, cần đón nhận năng quyền Thiên Chúa ban. Đó là năng quyền rao giảng: công bố Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. Đó là năng quyền chữa lành và thánh hoá nhằm cải thiện đời sống và phong hoá trần gian. Đó còn là năng quyền trừ quỷ hầu chế ngự và đẩy lui các thế lực sự dữ.
Kinh nghiệm của các Tông đồ ngày hôm nay cũng cho thấy Thiên Chúa luôn dẫn dắt chúng ta đi: “Ơn ta đã đủ cho ngươi”. Đức Tổng Giám mục Vacchelli, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ý quốc, khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Trợ lý Tổng Trưởng của Thánh Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc và Chủ tịch Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo, ngài cho hay: “Gia nhập vào Thánh Bộ là chịu trách nhiệm trực tiếp với 1.100 giáo phận trên toàn cầu, 2.000 giám mục và vô số các giáo sĩ, nam nữ tu sĩ. Và trên hết vấn đề chính không chỉ là nghèo đói, nhưng là xây dựng một đời sống theo đường lối Kitô giáo. Vì thế, phạm vi rộng hơn nhiều”.
Đối mặt với lượng công việc đồ sộ như vậy, ngài vẫn tràn trề hy vọng nói: “Khi anh làm việc cho Thiên Chúa, Người luôn đi trước anh, thu xếp tính hèn yếu của anh bằng ân huệ của Người”. Nếu ý thức được như thế, các vị thừa sai của Chúa sẽ bớt sợ bớt lo khi thấy trách nhiệm năng nề, đồng thời sẽ bớt tự mãn kiêu căng khi làm được việc này việc nọ.
Qua Bí tích Rửa Tội, đặc biệt là Bí tích Thêm Sức, người Kitô hữu, cũng là người được sai đi. Được sai đi cùng với người khác, được sai đi với tính thần siêu thoát và được sai đi với ơn sức của Chúa. Đối tượng mà chúng ta cần nói cho biết về Chúa, không ở đâu xa mà ngay trong gia đình, gia tộc và xứ đạo của mình. Họ là những người thân thích với ta, là bà con lối xóm của ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người cùng nghề cùng sở làm với ta…
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là khi thực hiện ơn gọi loan báo Tin Mừng, tôi đã nêu cao tinh thần chung, tinh thần cộng tác với anh chị mình chưa hay vẫn còn cá nhân chủ nghĩa? Tôi đã đề cao tinh thần siêu thoát chưa, hay còn quá dính bén với những thực tại đời này, và quá chú trọng đến việc “xây tổ”, “đào hang” cho mình? Và nhất là tôi đã hết lòng giương cao sức mạnh của Chúa chưa, hay chỉ toàn cậy dựa vào tài cán và sức riêng mình?
 Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 

SUY NIỆM 4: LOAN BÁO TIN MỪNG


Hôm nay, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi giảng dạy. Sau những tháng ngày được ở và học với Thầy, hôm nay họ được Thầy Giêsu sai đi. Trách nhiệm của các tông đồ là tiếp tục công việc mà Thầy Giêsu đã khởi xướng.
Tại sao Chúa Giêsu sai các ông đi từng hai người một? Theo luật Do Thái, một chứng từ chỉ có giá trị khi có ít nhất hai nhân chứng. Ta có thể thấy ở đây dấu chỉ của tính cộng đoàn. Người được sai đi biết rằng họ không bao giờ đơn độc trong hành trình sứ vụ, nhưng luôn có sự đồng hành của cộng đoàn, của Giáo Hội, và những gì họ rao giảng và làm chứng được củng cố bởi Giáo Hội. Đồng thời họ cũng ý thức rằng mình được sai đi nhân danh cộng đoàn, nhân danh Giáo Hội nên họ không rao giảng để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, cũng không rao giảng những quan điểm riêng tư cá nhân. Vì vậy, người hành động đơn lẻ, tự tách khỏi Giáo Hội, thì không còn là một chứng nhân hợp lệ nữa.
Ra đi không có gì trong tay, không có gì trong túi! Chúng ta có thể ngạc nhiên về mệnh lệnh này của Chúa Giêsu. Có cần thiết phải là người vô gia cư, hành khất, thiếu thốn đủ thứ, để có thể loan báo Tin Mừng hay không? Chắc chắn là vào thời Chúa Giêsu, điều đó có thể thực hiện được. Trong một nền văn minh-văn hóa nông thôn, đặc biệt là nơi những người du mục, lòng hiếu khách đã và vẫn là một nghĩa vụ thiêng liêng. Người ta sẽ tự cảm thấy xấu hổ nếu không cho khách vãng lai dùng bữa và ở trọ. Cho đến cuối thời Trung cổ, chỉ thị này của Chúa Kitô đã được những người trẻ tuổi và nhiệt huyết như Phan-xi-cô Átxidi thi hành cách triệt để. Do đó đã phát sinh ra những “Dòng tu khất thực” như dòng Phanxicô chẳng hạn.
Ngày nay lối sống triệt để thuở ban đầu nơi các dòng tu này đã được thể hiện dưới các hình thức khác. Chúng ta hiểu rằng, trong thời đại chúng ta, khó có thể áp dụng những chỉ thị này của Chúa Giêsu một cách triệt để theo nghĩa đen, nhưng điều cốt yếu mà những người được sai đi phải giữ là lối sống đơn sơ, không vụ lợi và một tinh thần phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu khuyên các môn đệ không nán lại nơi mà người ta không lắng nghe họ. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ gợi ý, đề nghị chứ không áp đặt. Đón nhận Lời Chúa luôn là một sự lựa chọn của tự do. Chẳng có ích gì khi quấy rầy một người không muốn lắng nghe. Tuy nhiên, chứng từ của một đức tin mạnh mẽ được biểu lộ ra bên ngoài bằng lời giảng dạy và cách sống sẽ không bao giờ là vô ích.
Trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, chúng ta đã thấy dân làng Nadarét từ chối tin vào Chúa Giêsu, người đồng hương của họ. Trước thái độ cứng lòng của những người đồng hương, Chúa Giêsu không nài ép họ tin, nhưng Người đi các làng khác để loan báo Tin Mừng. Và Tin Mừng cũng kể cho chúng ta rằng, trong khi rao giảng, Chúa Giêsu đã để cho các thính giả của Người hoàn toàn tự do tiếp nhận lời rao giảng của Người, như Người vẫn thường nói: “Ai có tai để nghe thì nghe”. Tình yêu của Thiên Chúa đã được rao giảng và trao ban nơi Chúa Giêsu, nhưng đón nhận hay không là tự do của mỗi người. Tình yêu phải được trao và nhận trong tự do. Vì thế, thông điệp của tình yêu cũng là thông điệp của tự do.
Cụ thể, điều đó muốn nói hai điều:
Thứ nhất, tất cả những ai, trong đó có chúng ta, được giao trách nhiệm truyền đạt sứ điệp Tin Mừng cần phải thể hiện sự tôn trọng tự do của người khác. Chúng ta được tự do để nói lên niềm tin của mình, nhưng không ép buộc người khác phải tin như chúng ta, cũng không nêu ra những đòi hỏi và tránh bất cứ điều gì có thể gây áp lực cho người mà chúng ta gặp gỡ.
Thứ hai, đối với chúng ta là những người đón nhận sứ điệp Tin Mừng, chúng ta phải có lòng khiêm tốn để đón nhận người được sai đến với chúng ta như họ là, qua việc chấp nhận sự nghèo nàn của họ, dù là vật chất hay tinh thần, cả những giới hạn của họ về kiến thức và nhân văn, và giúp đỡ họ trong những thiếu thốn về vật chất.
Tin Mừng hôm nay cũng nói cho chúng ta một chi tiết không kém quan trọng, là đi kèm với lời rao giảng, các tông đồ còn “trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân. Việc xua trừ ma quỷ vẫn tiếp tục trong đời sống của các Kitô hữu, đó là khi chúng ta cố gắng sống các giới răn của Chúa và nhân danh Chúa để loại bỏ những loại tà thần đang đầu độc thế giới, đầu độc gia đình và đời sống đức tin của chúng ta như chủ nghĩa thống trị, loại trừ con người, và biết bao điều độc hại khác.
Như các môn đệ và cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi hăng hái loan báo Tin Mừng Phục Sinh, hôm nay công cuộc truyền giáo vẫn tiếp tục và luôn cần đến sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Trong một xã hội ngày càng đề cao chủ nghĩa cá nhân và tinh thần hưởng thụ, thì việc loan báo một thông điệp yêu thương, dấn thân và hy sinh cho người khác bỗng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Cho dù chủ nghĩa vô thần có lên ngôi trong một thế giới chỉ coi trọng vật chất, thì ơn cứu độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại vẫn chưa bao giờ mất đi tính thời sự của nó. Tất cả chúng ta, những Kitô hữu, đều được mời gọi và có bổn phận tiếp tục công trình của Chúa Kitô trong thế giới hôm nay bằng chính đời sống chứng tá và gương sáng của mình.
Lm. Giuse  Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 5: THI HÀNH SỨ VỤ CỦA CHÚA

Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta đã mang trên mình sứ vụ mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta, đó là sứ vụ truyền giáo. Ngày xưa khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, Người đã chọn các môn đệ đến ở với Người và được sai đi làm sứ vụ. Trong tinh thần này, phần mở Hiến pháp Dòng Ngôi Lời đã xác quyết: “Cuộc sống của Người là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta”. Đó là mục tiêu mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta, là những tông đồ của Đức Giêsu, được cộng tác với Người, để mở rộng vương quốc tình yêu mà Đức Giêsu đã dạy, đã làm. Muốn được như vậy thì chúng ta phải:
      Hiểu Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì?
      Chúng ta thi hành sứ vụ của Chúa như thế nào?
  1. Hiểu Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì?
      Tin Mừng thánh Máccô hôm nay thuật lại cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu đã chọn mười hai Tông Đồ, mục đích là để các ông ở với Ngài, được huấn luyện và sai đi rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu sai mười hai Tông Đồ đi rao giảng trước hết là cho dân Ítraen, sau là cho toàn thể thế giới. Người đã ban cho các ông những quyền năng như trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh… Chúa Giêsu sai từng hai người một như có ý nhắc các ông hãy làm chứng với tính cách cộng đoàn, chứ đừng mang tính cá nhân. Vì chứng tá của hai người hay một nhóm người thì cao hơn là một người làm riêng rẽ.
      Nhóm Mười Hai nhận chỉ thị mang hành trang sứ vụ một cách rất đơn sơ, với thái độ không gắn bó với với của cải vật chất hay những gì không hoàn toàn cần thiết cho sứ vụ rao giảng. Ra ra đi với hành trang đơn sơ như vậy đòi buộc các môn đệ phải đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và những người Chúa gởi đến cho mình. Vì theo phong tục Phương Đông, việc ân cần tiếp đãi khách lạ được xem như là bổn phận thiêng liêng. Và chắc chắn người thời ấy đã tiếp đón các môn đệ như vậy.[1] Chúa Giêsu đã trao cho các ông quyền trừ quỷ, chữa bệnh và khuyên bảo người ta ăn năn sám hối để đón nhận triều đại Thiên Chúa. Sứ mạng rao giảng đòi hỏi các môn đệ phải hiến thân, dứt khoát để theo Đức Giêsu, phải sống nghèo, trưởng thành và can đảm để làm chứng cho đức tin.
      Trong bài đọc I mà chúng ta vừa nghe, khi gọi Amốt, Chúa đã nói với ông: “Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta” (Am 7,15). Dù bị buộc phải rời khỏi Ítraen, nhưng ngôn sứ Amốt vẫn cương quyết chống lại, vì ông đã nhận được lệnh là phải rao giảng, dù người ta không ưa lời rao giảng của ông. Ông đã can đảm làm chứng cho đức tin của mình và luôn trung thành với thánh ý của Thiên Chúa.
  1. Chúng ta thi hành sứ vụ của Chúa như thế nào?
      Đối với mỗi người chúng ta ngày hôm nay thì sao? Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta đã mang trên mình sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Nhưng chúng ta đã thi hành sứ vụ đó như thế nào? Vì từ đời đời Thiên Chúa đã muốn cho tất cả chúng ta thành con cái của Ngài, và giao cho Con Một của Ngài thực hiện quyết định lạ lùng đó. Thánh Phaolô đã bày tỏ chương trình của Thiên Chúa trong thư gởi tin hữu Êphêxô mà chúng ta vừa nghe đọc trong bài đọc 2. Mục đích của việc loan báo Tin Mừng, chính là giới thiệu đức tin, tình yêu và niềm trông cậy của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ chúng ta.
      Nhìn vào lịch sử cứu độ, Thiên Chúa chọn gọi mỗi người theo một cách thức và thời điểm khác nhau và với những công việc khác nhau. Chính Đức Giêsu đã chọn Nhóm Mười Hai để trao cho các ông sứ vụ mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha (Ga 20,21). Đồng thời, Người cũng muốn những người được chọn, gọi hãy luôn có một thái độ tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa (Ga 14,1).
      Mỗi người chúng ta không thể làm cho người khác trở thành môn đệ của Đức Kitô mà bản thân của mình không tín thác cậy trông vào Đức Kitô. Mà để tín thác cậy trông vào Chúa đòi hỏi người môn đệ phải cố gắng sống đời sống cầu nguyện, tu luyện mỗi ngày và lớn lên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, như các Tông Đồ xưa kia: “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được đầy Thánh Thần và mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4, 31). Qua sự tín thác, cầu nguyện, chúng ta mới có kinh nghiệm về Chúa. Vì có kinh nghiệm về Chúa, chúng ta mới nói về Chúa cho người khác. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Con người thời đại ngày nay cần nghe những chứng nhân hơn những thầy dạy”.
      Nguồn gốc của sứ vụ không phải khởi nguồn từ Giáo Hội mà là bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Để thi hành sứ vụ một cách hiệu quả, mỗi một người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn cần phải có đời sống nội tâm, hoán cải, hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Phải nên giống Đức Kitô trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Như Chúa Cha đã sai Đức Kitô, Chúa Kitô cũng sai chúng ta, vừa để tiếp nối sứ mạng của Chúa, vừa cho người khác nhận ra sứ mạng của Chúa. Truyền giáo không phải ý muốn nhất thời của mỗi người chúng ta, nhưng đó là quà tặng, ân ban của Thiên Chúa đối với mỗi người. Công việc của chúng ta là cảm nghiệm được Tin Mừng của Chúa và chia sẻ Tin Mừng đó cho người khác. Chúng ta chỉ có thể tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô khi chúng ta kinh nghiệm về Chúa, yêu Chúa qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
      Ước gì phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta ý thức hơn về sứ vụ của mình. Có ý thức được sứ vụ của mình, chúng ta mới biết cách Phúc Âm hóa gia đình mình, nỗ lực thi hành sứ vụ rao truyền Tin Mừng ngay từ trong gia đình mình. Sống kết hiệp với Ba Ngôi trong tình con thảo, sống tình huynh đệ trong gia đình cũng như với những người chung quanh chúng ta. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết cộng tác với nhau để tìm mọi cách Phúc Âm hóa những người và môi trường nơi chúng ta đang sống.
Lm. Giuse Trần Quang Chinh, SVD

SUY NIỆM 6: BÀI SAI  


Tiên tri Amos xuất hiện khoảng năm 760 trước Công Nguyên dưới thời của Vua Phương Nam Uzziah (783-742) và Vua Phương Bắc Jeroboam II (786-746).
Tiên tri Amos làm việc nơi đồng áng và chăn nuôi súc vật. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi rao giảng sám hối tại trung tâm miền Bắc Bethel và Samaria. Quan niệm thần học tập trung việc cảnh cáo dân Do-thái rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt và phá hủy dân Israel bởi vì tội lỗi của họ. Amos kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối và cải đổi đời sống theo giới răn của Chúa.
Phúc âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi. Chúa ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Với lời nhắn nhủ sống đơn sơ chân thành và đi làm nhân chứng với hai bàn tay trắng. Các ông đã ra đi vào các làng mạc chuẩn bị các tâm hồn đón nhận ơn Chúa. Các ông hoàn toàn cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã chọn những con người tầm thường, họ không có nhiều tài năng chuyên môn, không có của cải và không có chỗ đứng trong xã hội. Chúa chọn những người bình thường để làm những việc phi thường cho Nước Chúa.
Thật lạ lùng, Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan truyền sứ mệnh quan trọng nhưng không ban cho các phương tiện, tiền bạc hay của cải. Ngày nay trong công tác mục vụ, chúng ta thường chuẩn bị rất kỹ càng, nào là tiền mặt, thẻ tín dụng, thức ăn thức uống, bản đồ, áo trong áo ngoài, máy móc đủ loại và các dụng cụ cá nhân. Nếu khi phải ở qua đêm, chúng ta còn cần nhiều thứ lỉnh kỉnh nữa. Chúng ta lo lắng cho những nhu cầu vật chất như chỗ ăn chỗ ở, cái ăn cái mặc và những tiện nghi tối thiểu. Đôi khi chúng ta lại quá lo lắng cậy dựa vào những nhu cầu vật chất của đời thường. Theo thông lệ một số các đấng bậc khi thăm viếng mục vụ, các giáo đoàn phải chuẩn bị đón tiếp long trọng và đôi khi còn phải chi tiêu hao tốn, thiếu đi tinh thần nghèo khó và sự phó thác.
Mỗi năm kết khóa, mùa Hè là mùa ra trường. Các ứng sinh lãnh nhận những mảnh bằng tốt nghiệp đã bắt đầu bước vào đời. Những vốn liếng thu lượm qua việc trau dồi học hỏi trên ghế nhà trường nay đem ra áp dụng theo những sở trường và khả năng. Trong sứ mệnh dâng hiến, mỗi năm Giáo Hội đón nhận nhiều tu sĩ nam nữ khấn dòng, khấn tạm hoặc vĩnh khấn, các chủng sinh lãnh nhận chức đọc sách, giúp lễ, phó tế và các tân chức linh mục. Mỗi tu sĩ hay tân chức sẽ lãnh nhận những bài sai từ bề trên để ra đi làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Các sứ giả phúc âm không được tự chọn cho mình nơi chỗ, nhưng được sai đến bất cứ nơi nào để phục vụ Giáo Hội và tha nhân.
Tháng Sáu vừa qua, tôi rất hân hạnh được tham dự thánh lễ truyền chức linh mục tại Đài Đức Mẹ, Tân Hiệp, Địa phận Long Xuyên. Lễ phong chức cho 18 tân linh mục rất là hoành tráng. Với trên hai trăm linh mục trong Giáo phận có mặt và có thêm nhiều vị từ khắp nơi đổ về. Với sự hiện diện trên mười ngàn Giáo dân vui mừng hân hoan tụ về tham dự nghi lễ phong chức linh mục. Ngay sau thánh lễ truyền chức, một vị linh mục đại diện đã công bố Bài Sai của Đức Giám Mục Địa Phận cho từng tân linh mục. Một sự chọn lựa cắt đặt các tân chức vào các sứ vụ tùy theo khả năng thích hợp của mỗi tân linh mục.
Chúng ta biết rằng lãnh nhận thiên chức linh mục không phải riêng cho mình, nhưng cho Giáo Hội và chung cho mọi người. Các tân chức nhận những Bài Sai khác nhau như về trụ sở Tòa Giám Mục, các Giáo Xứ và có những Bài Sai về nơi truyền giáo vùng sâu vùng xa. Niềm vui trào dâng khi nhận lãnh thiên chức cao cả. Khi nghe rao báo Bài Sai, các tân chức cũng có những cảm tình vui buồn lẫn lộn. Có những bà mẹ nhảy cẫng vui mừng vì con mình được về giáo xứ giầu có ổn định. Có những gia đình vỗ tay hãnh diện vì tân linh mục nhà mình được về xứ lớn ở trung tâm thành phố. Có những vẻ mặt không được vui lắm khi nghe Bài Sai sẽ đi phục vụ ở những nơi khai hoang truyền giáo. Thật vậy, được sai đi nơi đâu, cũng là để phục vụ tha nhân. Chúa Kitô vẫn luôn là trung tâm điểm của đời sống mục vụ và phục vụ.
Câu truyện vào thời chiến, có một sự kiện xảy ra nơi một làng nhỏ ở nước Đại Hàn. Trước nhà thờ có một tượng Chúa Giêsu bị trúng mảnh bom làm vỡ bể. Một nhóm binh sĩ Hoa Kỳ đã giúp linh mục lau dọn và thu thập các mảnh vỡ vụn để gắn đặt lại tượng Chúa. Họ tìm thấy mọi phần của tượng Chúa, trừ một cánh tay bị vỡ tan. Các binh sĩ đề nghị với linh mục là đưa tượng Chúa về Hoa Kỳ để tu sửa và làm cánh tay mới. Linh mục bổn sở từ chối. Ngài nói: Tôi có một ý tưởng. Cứ để tượng như thế, thiếu một cánh tay. Chúng ta hãy viết trên bệ cho các khách hành hương chú ý: Hỡi bạn, cho tôi mượn cánh tay của bạn.
Trong cách này, mỗi tu sĩ nam nữ, các thiện nguyện viên hay các linh mục ra đi giúp mọi người nhận ra những nhu cầu trong sứ mệnh phục vụ của mình. Chúng ta sẽ là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu để xây dựng lại những đổ nát và hư mất. Cùng một suy tưởng, Chúa cần những đôi chân của chúng ta để đi tìm kiếm những ai đã lạc bước. Chúa muốn những đôi tai của chúng ta để nghe những tâm sự cô đơn buồn chán của tha nhân. Chúa dùng miệng lưỡi của chúng ta để nói những lời thân thương, khuyến khích, ủi an và nâng đỡ những kẻ đau buồn, khổ sở và thất vọng.
Trong thơ gởi cho tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô đã viết rằng: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người (Eph 1, 4). Sau khi hồi đầu, Phaolô đặt trọn niềm tin nơi Đức Kitô. Chúa đã chọn và gọi Phaolô một cách đặc biệt. Biến đổi ông từ một người bách hại các Kitô hữu trở nên nhân chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Phaolô đã được sai đi rao giảng tin mừng cho dân ngoại. Tông đồ Phaolô đã không ngại gian khó rong ruổi khắp các thành thị và làng mạc để loan báo về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.
Giáo Hội luôn kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho ơn gọi dâng hiến. Có rất nhiều tâm hồn đã và đang quảng đại đáp lại tiếng Chúa trong ơn gọi tu trì. Mỗi tín hữu đều có bổn phận góp sức mình, của cải và khả năng để xây dựng và loan truyền tin mừng cứu độ. Chúng ta không thể đổ dồn trách nhiệm cho môt thành phần riêng biệt nào. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm sống động trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Sự cộng tác của chúng ta bằng lời cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần và khuyến khích hơn là sự chỉ trích, gây chia rẽ, đàm tiếu hoặc phá đổ. Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát, xin Chúa sai thêm những thợ gặt lành nghề. Chúng con cảm tạ Danh Chúa đến muôn ngàn đời. Amen.
Lm Giuse Trần Việt Hùng

SUY NIỆM 7:  CHÂN DUNG CỦA SỨ GIẢ TIN MỪNG

 

Một cuộc đời đẹp là một cuộc đời dấn thân vì lợi ích cho tha nhân. Một tâm hồn thanh cao là tâm hồn luôn thanh thoát khỏi những bon chen vật chất, những vinh hoa phù phiếm mau qua. Đó chính là mẫu người mà xã hội hôm qua cũng như hôm nay đang cần, rất cần họ để điểm tô cho xã hội thêm phong phú nhờ những cống hiến vô vị lợi và đầy lòng quảng đại của họ.
Đó cũng chính là chân dung của các sứ giả Tin mừng. Họ đã để lại cho nhân thế những bước chân thật thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng đầy tình người. Họ là những người được tuyển chọn để cứu nhân độ thế. Họ dấn thân vào đời để giải cứu thế gian khỏi ba thù hiểm độc. Thế gian có quá nhiều mưu mô và xảo quyệt. Ma qủy có quá nhiều phương cách để cám dỗ. Họ cần phải ra đi với đôi chân nhẹ nhàng và lòng thanh thoát. Họ không được mang bao bị, không mang bạc tiền của nhân thế. Họ là những người chấp nhận cuộc sống nổi trôi “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”. Sứ mệnh của họ là đẩy lùi sự dữ và thi thố tình thuơng. Họ không thể bận tâm đến của cải thế gian. Họ không để lòng mình bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất và tiện nghi. Nếu họ quá quan tâm đến mình sẽ quên đồng loại. Nếu họ quá chú trọng đến vật chất sẽ dẫn đến lo hưởng thụ và tích góp cho bản thân. Thiện chí sẽ mất. Hướng đi sẽ chệch đường lạc lối. Lý tưởng ban đầu sẽ bị đảo ngược. Thay vì cứu đời sẽ chỉ còn lại sự lợi dụng địa vị chức quyền để vun quén cho bản thân.
Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày.
Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.
Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn. Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, tối mặt vì công việc, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò. Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn. Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình. Anh cưới vợ và sinh con. Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một cái áo rách. Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật. Ma qủy thường cám dỗ từng bước. Ma qủy thường gợi lên những điều rất hấp dẫn để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam – Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm. Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình. Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một chiếc áo rách.
Thực vậy, vì tiền bạc, mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời.Vì tiền mà cái tính bổn thiện của con người ban đầu đã không còn. Vì tiền mà người ta có thể chối bỏ niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Đó là bài học cho tất cả chúng ta. Đồng tiền thật cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Đừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó chính là con dao hai lưỡi có thể làm hại cuộc đời chúng ta, nếu không khôn ngoan, sáng suốt để nhận định đúng giá trị của nó. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm của cải vật chất, chúng ta cần có đủ nghị lực khước từ mọi hành vi bất chính, mọi thoả hiệp với lừa đảo, gian trá của thế gian. Chúng ta không thể vì tiền mà đánh mất tính người. Vì tiền mà đánh mất tình người. Vì tiền mà lòng mang dạ sói để hại người, hại đời, để làm tôi cho ma quỷ sai khiến ra đi gieo vãi sự dữ cho trần gian.
Con người luôn hướng về sự thiện. Con người luôn mong muốn cống hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Đó chính là mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Thế nhưng ma quỷ luôn vẽ lối chúng ta đi sai đường Chúa. Ước gì lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta, hãy lo tìm kiếm những điều đẹp ý Chúa hơn là thế gian. Hãy để tâm làm việc phụng sự Chúa hơn là làm tôi cho tiền bạc và tiện nghi. Đừng để lòng mình lệ thuộc vào vật chất mà quên đi gía trị tinh thần. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa để được phúc lành mai sau. Vì “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”. Amen.
 
Lm Jos. Tạ Duy Tuyền
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây