CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Thứ sáu - 19/07/2024 21:47
 
16e8bc20 0d99 43ce 8dbb 5df97041184b


CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Gr 23,1-6; Êp 2,13-18; Mc 6,30-34

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.
31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
32 Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.
33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.
34 Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
CÁC BÀI SUY NIỆM

 

SUY NIỆM 1: MỤC TỬ TỐT LÀNH

Lời Chúa: “Họ như đàn chiên không người chăn” (Mc 6,34)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 16 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là vị mục tử tốt lành. Người ân cần chăm sóc các tông đồ, sau khi các ông được sai đi giảng dạy trở về. Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót dân chúng theo Người như đàn chiên không người chăn:
Xót thương dân Chúa dại khờ,
Như chiên không chủ bơ vơ cả ngày !
Giê-su Mục tử Thiên sai,
Thuộc dòng Đa-vít quản cai dắt dìu.
Phần ta muốn được Chúa yêu,
Lắng nghe thực hiện những điều Người khuyên.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết ngồi lại bên Chúa như các tông đồ, để cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, và học biết bài học của người mục tử tốt lành. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là vị mục tử tốt lành. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa tỏ lòng thương xót dân chúng theo Chúa như đàn chiên không người chăn. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con tham dự vào sứ vụ mục tử của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và là vị mục tử tốt lành. Ngài yêu thương và chăm sóc hết thảy mọi người. Tình thương Chúa luôn bao bọc, chở che trước sự bơ vơ của đàn chiên không người chăn. Ngài mời gọi chúng ta cũng biết quan tâm như thế đến những người chúng ta có trách nhiệm. Điều đó đã được thể hiện qua sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay: “Người động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn”.
Thưa anh chị em, ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1 hôm nay được Thiên Chúa dùng để khiển trách các tư tế và các vua dân Do thái, là những mục tử bất tài đức không biết lo cho đoàn chiên của Ngài. Thay vì kết hợp chiên lại, họ lại làm cho chúng phải phân tán, gặp nhiều tai họa, bị lưu đày nơi đất khách quê người mà cuộc lưu đầy ở Babylon là một điển hình. Vì thế, chính Ngài sẽ đứng ra chăm sóc đoàn chiên, và dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi, về dòng suối mát để chúng được lớn lên và tăng số. Thiên Chúa hứa sẽ cho mọc lên từ dòng dõi vua Đavít, một vị mục tử tuyệt hảo là Đấng Messia, xuất thân từ nhà Đavít với sự khôn ngoan để đoàn chiên được chăn giữ, được cứu thoát và được sống an bình. Lời hứa này đã được thực hiện nơi Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Chính Người là vị mục tử tốt lành. Người ân cần săn sóc các tông đồ, huấn luyện các ông cách kiên nhẫn, sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho các làng lân cận. Sau thời gian được sai đi giảng dạy, nay các tông đồ trở về với lòng đầy hân hoan. Các tông đồ đã hội lại bên Chúa Giêsu, để kể cho Người nghe những gì các ông đã làm như: trừ quỉ, chữa lành các bệnh tật, rao giảng sự sám hối. Chúa Giêsu lắng nghe các tông đồ với sự chú ý đầy tình âu yếm và khích lệ họ. Người chia sẻ niềm vui với các tông đồ, nhưng nhận thấy nơi các ông có vẻ thấm mệt sau một cuộc truyền giáo nên Người nói: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ nghỉ ngơi một chút”. Tất cả nói lên mối quan tâm chăm sóc của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ. Chúa Giêsu không chỉ quan tâm đến những người được chọn gọi, mà Người còn biểu lộ tình thương đối với đám đông dân chúng.  Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng đã đợi sẵn ở đó thật đông, Người chạnh lòng thương xót họ, vì họ sống bơ vơ như đàn chiên không có người chăn. Thái độ này gợi lên một tâm tình sâu xa bắt nguồn từ đáy lòng, và diễn tả ra bằng một hành vi giúp đỡ đặc biệt: Người giảng dạy họ nhiều điều, và hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ.
Chuyện kể rằng: Một tối giá lạnh miền bắc Virgina, một cụ già không còn đi được, ngồi bên bờ sông chờ xin quá giang. Có tiếng vó ngựa từ xa, một người phi ngựa qua, rồi đến kỵ mã thứ hai, thứ ba. Cụ già vẫn ngồi yên. Một người nữa phóng ngựa tới, cụ đứng lên lớn tiếng xin. Người kia trả lời: “Mời cụ lên!”. Cụ không còn lên ngựa nổi, người kia phải xuống ngựa giúp cụ lên và hỏi: “Tại sao cụ không xin những người kia mà lại xin tôi quá giang?”. Cụ trả lời:  “Tôi nhìn vào mắt họ, và thấy họ không quan tâm đến tôi. Nhưng khi nhìn vào mắt ông, tôi thấy rõ lòng nhân hậu của ông, và biết thế nào ông cũng giúp tôi”. Người đàn ông xúc động: “Thưa cụ, thật ra thì tôi cũng không quá bận đến nỗi không thể giúp đỡ được người đang cần đến mình”. Rồi ông cỡi ngựa về tòa Bạch Ốc. Người đó chính là tổng thống Thomas Jef-fer-son.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy, giữa một xã hội lạnh lùng tình người thì cần lắm những ánh mắt của lòng nhân hậu và sẵn lòng cúi xuống phục vụ mà không mong đền đáp. Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót và là vị mục tử tốt lành. Người đã sống yêu thương. Người yêu thương và chăm sóc hết thảy mọi người. Tình yêu của Người trải rộng cho mọi người. Trái tim Người luôn chạnh lòng xót thương những mảnh đời khổ đau. Người mời gọi chúng ta cũng biết quan tâm như thế với những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết dừng lại bên Chúa sau mỗi một ngày làm việc vất vả, để lắng nghe và kín múc nơi Chúa nguồn sức mạnh thần linh. Để từ đó, chúng ta tiếp tục sống yêu thương và bác ái với hết thảy mọi người. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: MỘT CÕI RIÊNG TƯ

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối trang Tin Mừng tuần trước.Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Sau chuyến đi, các học trò trở về. Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm. Chúa chia sẻ niềm vui với các môn sinh và khuyên nhủ : “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Một lời khuyên rất thiết thực, một sự quan tâm thật ân cần, ấm áp tình thầy trò.
Chúa Giêsu rất thương các môn đệ. Làm việc nhiều nên cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức lực để tiếp tục làm việc. Nghỉ ngơi ở đây không phải là chè chén say sưa, hưởng thụ thỏa thích, hay lười biếng “nhàn cư vi bất thiện”, nhưng đó chính là thời giờ bồi dưỡng tâm hồn, là dịp tĩnh tâm của các Tông đồ. Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện, trau dồi nội tâm.
  1. Thinh lặng là một cõi riêng tư
Một bầu khí yên tĩnh, một thời gian trầm lắng là một cõi riêng tư thật cần thiết cho con người. Thân xác nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt, tâm hồn bình an.
Giữa những ồn ào của đám đông
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó
trầm lắng và bình an.
Lm Nhạc sĩ Thái Nguyên suy tư những lời thơ sâu lắng ấy và đã dệt ca khúc: “Một cõi riêng tư”: Một cõi riêng tư, trong lòng con xin dành cho Chúa.Một cõi riêng tư, trong lòng con Chúa thương ngự trị.Chúa là điểm hẹn nơi con phát xuất ra đi dấn thân, cho cuộc đời nhân trần.Chúa là đỉnh cao nơi con trở lại,để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình.
Một cõi riêng tư với Chúa, chan chứa một niềm vui sâu lắng trong nội tâm, niềm vui gặp gỡ Chúa.
2.Chúa Giêsu, mẫu gương thinh lặng
Thinh lặng là điểm nổi bật nhất trong cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa sống thinh lặng, yêu thích thinh lặng, dạy thinh lặng, và dùng sự thinh lặng như một phương thế hữu hiệu để hoạt động tông đồ. Chúa khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người. Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Cha.Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Người chọn những nơi hiện diện: “Một ngọn núi cao riêng biệt” (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.
Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Làm việc và cầu nguyện, sống “nội tâm” và hoạt động “bên ngoài”, đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu.
  1. Thinh lặng để sống nội tâm
Thinh lặng thuộc về yếu tính của thánh thiện. Trong thinh lặng và lòng cậy trông, sức mạnh của các Thánh được hình thành (Is 30,15). Ðời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Thiên Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.
Là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người, Chúa Giêsu nói bằng thinh lặng nhiều hơn bằng những lời rao giảng của Ngài. Thinh lặng cũng là luật sống của Mẹ Maria. Triết gia Jean Guitton gọi Mẹ Maria là “Trinh nữ suy tư”. Người trinh nữ ấy “ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Mẹ không vội vã phản ứng và phát biểu nhưng “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại trong lòng”. Trong thinh lặng, Mẹ khám phá ý nghĩa các sự kiện và biến cố. Trong thinh lặng, Mẹ đi vào cuộc giao tiếp thâm sâu với Lời Thiên Chúa và để Lời ấy nên hình hài trong lòng Mẹ. Nếu Tin Mừng ghi lại một vài câu nói của Mẹ Maria thì Thánh Cả Giuse không có một lời nào, hoàn toàn thinh lặng. Ngay giữa lúc được Thiên Thần hiện đến trong giấc mộng để báo tin về Mẹ Maria cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa, Thánh Giuse cũng không nói một lời nào, và nhất là Ngài âm thầm ra đi khỏi cuộc đời lúc nào cũng không ai hay biết.
Thinh lặng là miền đất phì nhiêu cho hạt lúa đơm bông. Thinh lặng là cung lòng người mẹ cho tư tưởng mang lấy hình hài. Thinh lặng nội tâm để cầu nguyện, đó chính là những tâm tình kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống nội tâm, “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b). Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời. Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.
Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại. Con người thời nay dễ bị căng thẳng. Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga,Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.
Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghĩ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi. Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng… Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người. Thân xác nghĩ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt. Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.
  1. Thinh lặng cầu nguyện
Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.
Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng. Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được. Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức. Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.
Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa. Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.
Sứ điệp Ngày Truyền Thông Quốc Tế năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn chủ đề “Thinh Lặng và Lời: Con Đường Phúc Âm Hóa”. Sứ điệp viết: Nếu Thiên Chúa nói với chúng ta ngay trong thinh lặng, chúng ta sẽ khám phá trong thinh lặng khả năng để nói với Chúa về Chúa…Trong sự chiêm niệm thinh lặng, Lời Hằng Sống, qua Đấng cấu tạo thế giới, trở nên hiện diện mạnh mẽ hơn và chúng ta ý thức nhiều hơn về kế hoạch cứu chuộc Chúa đang thực hiện trong lịch sử chúng ta bằng lời nói và việc làm…Lời nói và thinh lặng: học cách truyền thông là học cách lắng nghe và chiêm niệm cũng như học nói.
Mẹ Têrêxa Calcutta thích thinh thặng và đã dâng lời cầu nguyện tha thiết.
Lạy Thiên Chúa,Đấng ưa thích sự thinh lặng,xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,trò chuyện,lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,để tránh xa mọi ích kỷ,thù hằn,ghen ghét,để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sựAmen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 3: NHIỆT THÀNH NHƯ CHÚA

Bài Phúc âm hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu trong sứ mạng loan báo Tin mừng. Thánh Maccô cho biết, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước một đoàn chiên không người chăn dắt, nên thay vì cần phải ngh ngơi đôi chút, thì lòng nhiệt thành lại thôi thúc Chúa Giêsu và Ngài đã tiếp tục dạy dỗ đám đông dân chúng nhiều điều. Thánh Luca cũng cho biết, Chúa Giêsu cũng đã từng thổn thức trước một đồng lúa bao la mà thiếu thợ gặt. Ngài mời gọi các tông đồ cùng cầu nguyện xin Chúa Cha sai thợ gặt đến để gặt lúa về.
Khi nói đến lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu, có lẽ không ai trong chúng ta dám phủ nhận điều đó. Ngài nhiệt thành đến nỗi chấp nhận bị người ta hiểu lầm và thù ghét, chấp nhận chịu mọi thiệt thòi và bất công, và chấp nhận một cái chết oan thương, để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Chúa Giêsu nhiệt thành với loài người chúng ta như thế đó thưa anh chị em. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu  để sống nhiệt thành hơn với Chúa và với nhau.
Trước hết, anh chị em hãy nhiệt thành hơn trong đời sống đức tin. Điều đầu tiên phải kể đến đó là Thánh lễ hằng ngày. Bởi Thánh lễ diễn tả rõ nét nhất lòng tin, lòng mến, và lòng cậy trông phó thác của ta vào Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ. Còn nếu vì một lý do khách quan nào đó, chúng ta không thể đến với Chúa hằng ngày được, thì anh chị em đừng quên nhớ đến Chúa trước khi đi ngủ và mỗi mai khi thức dậy với những lời kinh đơn sơ chân thành làm hy lễ. Một đời sống đức tin nhiệt thành thì phải luôn có những sáng kiến như thế thưa anh chị em.
Thứ hai, anh chị em hãy nhiệt thành hơn trong việc phục vụ nhà Chúa. Dẫu biết rằng cuộc sống mưu sinh ngày hôm nay khiến chúng ta phải lận đận lao đao đầu tắt mặt tối, quần quật suốt cả tuần; nhưng anh chị em đừng bao giờ từ chối khi giáo xứ cần đến mình. Phục vụ mà cộng với hy sinh sẽ mang tròn đầy ý nghĩa. Và đặc biệt, Chúa sẽ không để chúng ta phải thiệt thòi bao giờ.
Và thứ ba, anh chị em hãy nhiệt thành hơn trong thiên chức của một người làm cha làm mẹ, làm vợ làm chồng. Đã là vợ là chồng, đã là cha mẹ với con cái, đã là người cùng 1 nhà thì đừng dừng lại nơi những trách nhiệm phải chu toàn, nhưng cần phải hy sinh và quảng đại với nhau nhiều hơn; để gia đình không là một phòng trọ ở ghép mà là một tổ ấm yêu thương.
Tóm lại, Thiên Chúa luôn nhiệt thành với tất cả chúng ta trong mọi sự. Do đó, đừng ai tính toán so đo với Chúa và với nhau điều gì. Nhưng hãy sống nhiệt thành và quảng đại, vì Chúa sẽ ban cho chúng ta được gấp trăm ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Hãy tin tưởng vào điều đó thưa anh chị em. Amen.
Lm. Antôn

 

SUY NIỆM 4:  MỤC TỬ DUY NHẤT


Dân Do Thái xưa vốn là dân du mục và làm nghề chăn nuôi, nên hình ảnh người mục tử rất quen thuộc với họ. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường được ví như người mục tử và đoàn chiên là dân Israel, như trong thánh vịnh 94 khẳng định: Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (c.7). Còn thánh vịnh 22 trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay miêu tả hình ảnh Chúa là người mục tử tuyệt vời: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Dầu qua lũng âm u, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.”
Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa trao phó đoàn chiên của Người cho các vị lãnh đạo chăm sóc. Vì vậy, các vua được như những mục tử. Nhưng đáng tiếc thay, vua chúa các nhà lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm lãnh đạo dân, mà chỉ lo mưu cầu lợi ích cá nhânthỏa mãn những tham vọng riêng tư!
Trong bài đọc I, qua miệng ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta nghe Chúa lên án những nhà lãnh đạo cư xử như những mục tử xấu: Chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng”. Và Thiên Chúa loan báo sẽ cho xuất hiện từ nhà Đa-vít một chồi non chính trực”, người là vị vua, vị mục tử đích thật và nhân lành sẽ chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Chính người sẽ quy tụ đàn chiên đang bị tản mác, an ủi và cho chúng được ăn uống no nê. Đoàn chiên sẽ “không còn hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi” vì vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người “khôn ngoan tài giỏi và sẽ thi hành điều chính trực công minh”.
Chúa Giêsu chính là vị vua, vị mục tử đích thực của dân Chúa mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo từ đầu thế kỷ VI trước Công Nguyên. Trình thuật của thánh sử Máccô mà chúng ta nghe hôm nay khẳng định điều đó: Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Chỉ có người mục tử đích thật mới “chạnh lòng thương” đoàn chiên của mình. Họ là những người nghèo khổ, bị các chủ đồn điền ức hiếp, phải đóng thuế nặng nề, phải sống dưới ách thống trị của người La Mã, phải thi hành luật tôn giáo đến từng chi tiết nhỏ, những khoản luật bóp nghẹt đời sống của họ thay vì đem lại cho họ sự tự do và hạnh phúc. Nhưng chẳng có ai quan tâm đến sự khốn khổ của họ.
Vì thương đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu không ngại thay đổi chương trình sinh hoạt của mình. Người bỏ cả giờ nghỉ ngơi với các tông đồ để ở lại với đám đông. Người không mê hoặc họ bằng những lời hứa hão huyền, nhưng loan báo cho họ Tin Mừng cứu độ, dạy dỗ họ sống trong sự thật, và dẫn đưa họ đi trên con đường ánh sáng, con đường đem lại sự sống, bình an và hạnh phúc đích thật.
Tuy nhiên, chúng ta thấy vẫn còn đó những mục tử không muốn có mùi chiên; những mục tử tìm an thân thay vì dấn thân vào những vất vả, chia sẻ những đau khổ, dám chạm đến những vấn đề của đàn chiên mình; những mục tử không muốn lên đường để tìm những con chiên lạc, ... Nhìn thấy những mục tử như thế, đôi lúc chúng ta tự hỏi làm sao có thể nghe được tiếng Chúa qua mục tử của Người?
Nhưng hôm nay Chúa vẫn nhìn đến đàn chiên của Người và vẫn không ngừng “chạnh lòng thương”. Và Chúa vẫn gởi đến cho chúng ta những mục tử tốt lành để chăm sóc và dạy dỗ chúng ta trong đời sống đức tin, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Người. Nhất là Chúa vẫn không ngừng “dạy dỗ chúng ta nhiều điều” qua Kinh Thánh. Chúng ta tin rằng việc đọc và thi hành Lời Chúa không chỉ giúp chúng ta sống tốt đạo đẹp đời, nhưng còn giúp thăng tiến đời sống của chúng ta. Lời Chúa như kim chỉ nam giúp chúng ta đi đúng hướng trước những trào lưu, những tư tưởng sai lạc chống lại con người và sự sống, và chống lại chính Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng, tất cả các tín điều, các thông điệp, các tông thư hay tông huấn,... của Giáo Hội nhằm hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta, đều được gợi hứng và đặt nền tảng trên Lời Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa qua việc thường xuyên học hỏi và đọc Lời Chúa, để Lời Chúa thực sự là sức sống, là ánh sáng, là đường, là niềm vui trọn vẹn của chúng ta, như cảm nghiệm của Linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy qua bài hát “Lắng nghe Lời Chúa”: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.”
 Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 5: NGƯỜI CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Trong bố cục của tin mừng Marcô, đoạn 6:30-34 được chia thành hai và thuộc hai trình thuât kế tiếp nhau. Những câu 6:30-32 là kết luận của câu chuyện nhóm Mười Hai được sai đi rao giảng (6:6b-13); trong khi những câu 6:33-34 được xem là nhập đề của câu chuyện Chúa Giêsu cho năm ngàn người ăn bánh no nê (6:32-44). Giữa hai đoạn ngắn nầy có những liên kết chặt chẽ: các tông đồ nhận chỉ thị là rút lui vào “nơi hoang vắng” để nghỉ ngơi (c. 31), và họ đi thuyền vào nơi ấy (cc. 32-33); “dân chúng đông đảo” xuất hiện trong câu 31, sẽ kéo đến nơi hoang vắng và Chúa Giêsu sẽ chạnh lòng thương họ (c. 33.34). Ngoài ra, còn có một sự diễn tiến liên tục giữa hai phần: các tông đồ nhận chỉ thị đi vào nơi hoang vắng (c. 31), họ ra đi (c. 32) và họ đến nơi (c. 34). Như thế, đoạn 6:30-34 đóng vai trò liên kết hai trình thuật 6:6b-13 và 6:33-44, chuyển tiếp từ vai trò được sai đi đến vai trò làm mục tử học từ Chúa Giêsu là Mục Tử duy nhất của dân Người.
Khi các tông đồ trở về, sứ mạng đầu tiên của họ kể như chấm dứt. Ở câu 6:7 họ “đến cùng” Chúa Giêsu theo lời mời gọi của Người để được sai đi. Ở đây, họ lại “đến cùng” Người (6:30) để thuật cho Người những việc họ đã làm. Marcô đã nói đến những việc của họ: rao giảng để cho những người nghe có thể sám hối, trừ quỉ, chữa nhiều bệnh tật (x. 6:12-13). Chỉ Luca ghi nhận kết quả của những việc họ đã làm là họ vui mừng vô cùng vì đã trừ được quỉ nhân danh Chúa Giêsu (x. Lc 10:17). Trước khi Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ sẽ lãnh nhận lần nữa mệnh lệnh đi rao giảng và cả sức mạnh và quyền năng từ Người để nhân danh Người thực hiện những điều mà hôm nay chỉ là thực tập (x. 16:17-18). Như thế, họ hoàn toàn lệ thuộc vào Người trong ơn gọi và sứ mạng của họ.
Về phần dân chúng, họ đông đảo và tuôn đến từ các thành (c. 33; x. 1:33.45). Lần nầy họ tìm đến không chỉ Chúa Giêsu mà cả các tông đồ, đến nỗi họ không có thời giờ để ăn (c. 31; x. 1:45). Những hành động của họ được mô tả cách sống động trong câu 33: “thấy”, “nhận ra”, “cùng nhau chạy” và “đến trước” diễn tả sự khao khát và nhu cầu của họ. Động từ “nhận ra”, “nhận biết” (c. 33) chỉ sự hiểu thấu thâm sâu bên trong một người hoặc một sự kiện (x. 2:8; 5:30). Dân chúng đã nhận ra Chúa Giêsu và các tông đồ của Người là ai và đó là lý do họ tìm đến các ngài (x. 6:33.54).
Tương ứng với những hành động của dân chúng là những hành động của Chúa Giêsu. Người “thấy họ” khi bước xuống khỏi thuyền (c. 34); như thế bắt gặp cái nhìn của họ. Cái “thấy” của Người, hơn cả việc nhận ra bằng thị giác một sự kiện, thấu hiểu tường tận tình huống bên trong của nó. Khi thấy một ai, Người hiểu ngay người ấy cần gì để được nên hoàn hảo hơn; do đó, Người làm điều gì đó cho Người ấy (x. 1:16.19; 2:14; 6:34). Ở đây, Người thấy dân chúng như một đàn chiên không có người chăn chiên, nên Người chạnh lòng thương (c. 34; 8:2). Động từ “chạnh lòng thương” xuất phát từ chữ “ruột gan” (splagkhnon), ngày xưa được dùng để chỉ nơi phát sinh nhưng tình cảm, cảm xúc, thay vì “con tim” trong cách dùng ngày nay. Do đó, có thể nói là khi thấy dân chúng đông đảo, Người xót dạ. Việc Người sẽ làm cho dân chúng là giảng dạy (c. 34) và cho họ bánh ăn no nê (6:35-44).
Chúa Giêsu là Mục Tử. Người nuôi dưỡng đàn chiên của Người bằng giáo huấn và bánh hằng sống của mình máu Người. Người đặt nhóm tông đồ làm mục tử và dạy cho họ làm sao có thể có được gan ruột mục tử của Người.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến
 

SUY NIỆM 6: THƯƠNG ĐÀN CHIÊN BƠ VƠ  

Hai sự kiện lịch sử lớn nhất thế kỷ hai mươi là:
Việc mở cổng Brandenburg và phá đổ bức tường ô nhục Berlin trước lễ Giáng Sinh năm 1989, đã chấm dứt 28 năm chia đôi nước Đức và chiến tranh lạnh thế giới giữa hai phe hận thù tư bản và cộng sản, mở ra một kỷ nguyên mới hòa bình và tin tưởng lẫn nhau. Thế giới hy vọng có những chủ chiên nhân lành, thương dân, xây dựng một thế giới đoàn kết, phát triển.
Việc thứ hai là dân tộc Israel và Palestin đã hạ súng xuống, sau hơn 30 năm chém giết nhau. Giữa tháng 7 năm 1994, ông Arafát chủ tịch Palestin đã về nước và tuyên bố: “Palestin và Israel cùng một tổ tiên”. Họ không còn những chủ chiên giả dẫn dắt vào con đường lầm lạc, hận thù, cuồng tín, tan nát. Họ đã được giải thoát khỏi những kẻ mù dắt mù xuống hố.
Người ta đã kể đến những vĩ nhân có công trực tiếp chấm dứt thời kỳ làm tán loạn thế giới là: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, ông Walesa: chủ tịch Công đoàn Đoàn kết Balan, ông Gorbachov: tổng bí thư Liên bang Xô viết và ông Reagan: tổng thống Mỹ. Thực ra, họ chỉ là những sứ giả hòa bình của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô mới là người phá bức tường chia rẽ hận thù giữa loài người với Thiên Chúa, giữa dân tộc với dân tộc, giữa cá nhân với cá nhân.
Thánh Phaolô đã nói rõ vai trò đó của Đức Giêsu Kitô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Trước kia anh em là những kẻ ở xa đối với Thiên Chúa, thì nay trong Đức Kitô, anh em đã trở nên những người ở gần … Chính Người đã liên kết dân Do thái và dân ngoại thành một. Người đã hiến thân để phá đổ bức tường ngăn cách là hận thù. Như vậy, nơi bản thân, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới và thiết lập hòa bình. Nhờ thập giá, Người đã quy tụ đôi bên trong một thân thể duy nhất, và cho họ được giao hòa với Thiên Chúa”. Tin mừng hôm nay cho thấy tấm lòng của Chúa Giêsu thương mến đám đông dân chúng biết bao: “Đến nỗi dầu mỏi mệt, đói khát đến đâu Người vẫn sẵn sàng tiếp đón họ, dạy dỗ và cứu chữa họ, không để họ bơ vơ thất vọng”. Thiếu vắng Người, họ như đàn chiên không người chăn dắt. Dân Do thái và dân ngoại thời đó, giống như bầy chiên bơ vơ, lạc lõng. Đất nước bị quân La mã đô hộ. Vua quan như Hêrôđê chỉ là tay sai đế quốc bóc lột dã man. Hêrôđê có nhiều con, nhưng chính tay ông đã giết hết, chỉ còn bốn hoàng tử. Dân chúng hơi bị nghi ngờ là bắt giết. Một hôm vua giả dạng thường dân đến làng quê, gặp ông già, vua hỏi: “Ông nghĩ về vua thế nào?”. Ông đáp: “Chim trời cũng là tình báo cho vua, còn ai dám nói điều gì” (Lm. Bửu Dưỡng, Ngôn hành dưới đất, 1965. tr. 37).
Đời đã bị xiết chặt, đạo cũng bị phân tán trăm bè bảy mối: phái Sađốc lo ăn chơi bám gót đế quốc; phái tư tế lo giữ địa vị, sợ đế quốc cách chức, dẹp bỏ; phái Pharisiêu bày đặt ra những luật tỉ mỉ, kiêng cữ bên ngoài để gò ép dân chúng sống khắt khe. Mỗi bè phái lôi kéo dân chúng theo mình. Dân chúng không còn biết chủ chăn nào chân chính, chủ chăn nào của Thiên Chúa. Đúng như lời Chúa phán trong bài đọc một: “Khốn thay những mục tử đã làm cho đàn chiên trong đồng cỏ của Ta phải tản lạc chết chóc”.
Giờ đây, Đức Giêsu đến để cho họ nhận ra Người là chủ chăn của Thiên Chúa. Người nói: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống mình cho chiên … cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên Tôi và chiên Tôi biết Tôi … Tôi là cửa cho chiên ra vào, ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu”.
Đức Giêsu còn dạy cho dân chúng biết kẻ chăn giả, không qua cửa mà vào, chúng chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy … chúng không thiết gì đến chiên. Khi sói đến, chúng bỏ chiên mà chạy, để mặc cho sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn (Ga. 10, 1-14).
Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu đang thực thi sứ vụ mục tử nhân lành, luôn luôn chỉ dẫn cho nhân dân thế giới biết những kẻ chăn chiên giả. Họ là trộm cướp, tham nhũng, bóc lột, đàn áp chiên để chiếm tài sản, danh vọng, chức quyền. Họ sống giàu sang phú quý, xa hoa như những ông hoàng bà chúa thời phong kiến độc tài. Dân chúng sống nghèo khổ, lại phải đóng góp thuế má mọi mặt, phải hạn chế sinh sản, lại tự do sống đồi trụy và phá thai. Dân chúng không còn chủ chăn chân chính mà chỉ có trộm cướp.
Trung tuần tháng 8 năm 1997, một mục tử nhân lành, dầu đã 77 tuổi, sức yếu, chân chồn, vẫn đến Paris, thủ đô nước Pháp, gặp gỡ, yêu mến, săn sóc và khuyến khích hàng triệu con chiên giới trẻ bơ vơ, biết mạnh mẽ sống yêu thương, đoàn kết, tin tưởng gắn bó chặt chẽ với Đức Kitô, Chúa chiên nhân lành, trẻ trung, đã hy sinh cho họ được sống và sống dồi dào. Ngày nay, còn được bao nhiêu mục tử nhân lành như vậy? Còn được bao nhiêu linh mục, thày dạy, cha mẹ biết thấy con chiên đông đảo bơ vơ thì chạnh lòng thương để hy sinh phục vụ con chiên như Chúa chiên lành Giêsu xưa?
Lạy Chúa Giêsu, Người đã lăn xả xuống trần gian, đi tìm đàn chiên tản lạc và soi sáng dạy dỗ họ bằng lời hằng sống, cứu chữa hồn xác họ được lành mạnh, tin tưởng. Họ được no thỏa nằm nghỉ ngơi trong đồng cỏ tình yêu xanh tươi êm ái của Người. Còn bao nhiêu tâm hồn bơ vơ thất bại trên thế giới hoang dã này, xin Chúa cho họ được thấy đường Người đi mà chạy đến gặp gỡ Người để được sống và sống dồi dào.
Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

SUY NIỆM 7: TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC NUÔI HỒN 

Ông Delia Delgatto, Giám đốc Trung tâm quốc gia chăm sóc trẻ em của Chi-lê cho biết: Một bé trai người Chi-lê 10 tuổi, bị cha mẹ nghiện ma tuý nặng, vứt bỏ ra đường từ lúc lên năm. Từ đó, em chung sống với một đàn chó hoang chừng 15 con trong một cái hang tại thành phố cảng Talcahuano, ở phía Nam Chi-lê. Ngày ngày cậu bé cùng đi kiếm ăn chung với đàn chó. Hôm nào không tìm được thực phẩm, những con chó cái trong đàn đã cho bé trai này bú sữa của chúng.
Ông Delia kể tiếp: “Cảnh sát Chi-lê bắt lại được bé trai này khi bé nhảy xuống một cái hồ tìm cách thoát thân.”
Vì lâu ngày ở chung với chó, em không biết nói tiếng người mà chỉ biết gầm gừ như chó. Và cũng vì chưa có tên nên báo chí gọi em là Bé Chó. (nguồn: Vietcatholic ngày 21 tháng 6 năm 2001)
Bé Chó nầy không hề thiếu lương thực nuôi xác, nhưng em thiếu hoàn toàn lương thực tinh thần như văn hoá, lễ nghĩa, lời dạy bảo khôn ngoan… nên em không thể thành người. Em mang hình hài con người nhưng tính tình và cách sống của em lại thuộc loài chó.
Sự kiện hiếm có nầy chứng tỏ cho thấy rằng nếu chỉ dùng lương thực nuôi xác mà không hấp thụ lương thực tinh thần, con người trở nên như con vật.
Để trở thành người, chúng ta không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần đến văn hoá, giáo dục và nhất là Lời khôn ngoan mang lại sự sống đời đời của Chúa Giêsu. (Mt 4,4)
Khao khát lương thực tinh thần
Tin Mừng hôm nay cho thấy đám đông dân Do-Thái nô nức tìm đến với Chúa Giêsu, không phải để tìm lương thực vật chất mà là tìm kiếm những lời dạy khôn ngoan.
Vì thấy các môn đệ mệt nhoài sau hành trình rao giảng, Chúa Giêsu sai các ông tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi cho lại sức.
Các môn đệ vừa xuống thuyền ra đi thì đám đông dân chúng đoán biết địa điểm mà các ngài sẽ đến nên từ các thành, họ kéo nhau đi vòng quanh bờ hồ, tuôn đến nơi ấy trước Chúa Giêsu và các môn đệ.
Khi Chúa Giêsu lên bờ thì thấy dân chúng đã tụ họp đông đảo đang khao khát đón nhận những lời khôn ngoan của Người. Chúa cảm thương họ vì họ như đàn chiên đói khát bơ vơ không người chăn và Người đã trao ban lời khôn ngoan cho họ.
Thiên Chúa ban cho con người cơm bánh để nuôi phần xác nhưng điều quan trọng hơn là Người ban lương thực tinh thần để bồi bổ tâm linh họ.
Chúng ta vô cùng diễm phúc khi được sống bên Chúa Giêsu là hiện thân của Sự Khôn Ngoan, được đón nhận Kinh Thánh là kho tàng chứa đựng sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Vì thế, nếu không biết khai thác kho tàng khôn ngoan nầy thì thật vô cùng uổng phí.
Người Ả-rập Xê-út trước đây mang phận nghèo truyền kiếp. Tổ tiên họ sở hữu một kho tàng vô cùng phong phú nằm ngay dưới chân mình. Đó là một kho dầu lửa khổng lồ chiếm hơn một phần tư trữ lượng dầu của toàn thế giới. Tiếc thay, vì không biết khám phá kho tàng đó, nên cha ông họ đã sống trong nghèo đói cùng cực từ đời nầy sang đời khác.
Từ năm 1938, nhờ việc phát hiện và khai thác kho “vàng trắng” vĩ đại này, Ả-rập Xê-út trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhân dân Ả-rập trở thành những người giàu có bậc nhất.
Như người Ả-rập xưa, chúng ta cũng đang sống bên cạnh kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Kho tàng đó là Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh. Kho tàng đó là chính Chúa Giêsu, hiện thân của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng tiếc thay chúng ta không biết khai thác kho tàng khôn ngoan bên cạnh mình, nên chúng ta vẫn còn là những người nghèo đói trong đời sống tâm linh.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con luôn nhớ rằng thân xác của chúng con mai đây sẽ hư nát và chỉ còn là tro bụi, nên chỉ cần chăm sóc vừa phải, còn linh hồn chúng con sẽ tồn tại vĩnh viễn nên đáng được nuôi dưỡng chu đáo hơn. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

SUY NIỆM 8: THIÊN CHÚA CHĂN DẮT DÂN 

Khi từ thuyền bước lên bờ, Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì Ngài động lòng thương vì họ như chiên không người chăn dắt, và Ngài đã dạy dỗ họ. Dân chúng mong chờ khao khát điều mà họ thiếu, nay gặp Đức Giêsu và các môn đồ, họ như thể tìm được điều họ mong ước, nên họ tuôn đến với Đức Giêsu. Thiên Chúa cần những con người cụ thể để chăn dắt dân Ngài.
1/.Ta sẽ đem chúng trở lại đồng cỏ
Tiên tri Giêrêmia sống vào thời trước và trong khi dân Do Thái bị lưu đầy. Trước thời lưu đày, dân Do Thái có tất cả những cơ cấu cần thiết, gồm những người có quyền đại diện Thiên Chúa mà cai quản, dạy dỗ dân chúng: vua, tư tế và tiên tri. Hai tiên tri lớn thời này là Giêrêmia và Edêkiel. Tuy nhiên, những người lãnh đạo thời đó là vua quan và tư tế thì lại đi tìm lợi ích và thỏa mãn riêng của họ; nên dân chúng chán nản không còn có thể tin vào những người lãnh đạo được nữa, và họ bị lạc lối và tán loạn.
Thiên Chúa đã nói qua tiên tri Giêrêmia: “khốn cho các mục tử đã để đàn chiên của Ta bị tan hoang và phân tán…; tuy nhiên Ta sẽ quy tụ chúng từ những nước Ta đã phân tán chúng; Ta sẽ mang chúng trở lại đồng cỏ”. Vì những lỗi lầm của những người lãnh đạo chăn dắt, dân chúng đã phải phân tán lưu đày; nhưng chính Thiên Chúa sẽ là Đấng quy tụ và đem dân trở về. Thiên Chúa sẽ đem con người trở về với Thiên Chúa cho dù con người hiện tại có bị lạc xa đường lối của Thiên Chúa.
“Ta sẽ làm chỗi dậy một nhành cho David, và vị này sẽ chăn dắt dân như một vị minh vương”. Thiên Chúa vẫn tiếp tục chăn dắt con người qua những trung gian của Ngài. Ngài sẽ cho chỗi dậy những con người như lòng Ngài mong ước để chăn dắt dân của Ngài. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người như hiện tại, là Ngài đã muốn dùng cơ cấu vật chất- tinh thần, trung gian hữu hình để ở với và nói với con người của mọi thời đại.
2/.Đức Giêsu động lòng thương dân như chiên không người chăn
Sau hơn ba mươi năm tháng dài ở Nadarét, Đức Giêsu đã rong ruổi khắp đất nước Do Thái để rao giảng. Ngài thu nhận môn đệ, và giữa các môn đệ Ngài tuyển chọn nhóm 12, để chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng sau này. Tin Mừng Mác-cô cho thấy Ngài đã sai các tông đồ đi rao giảng, và các ông đã trở về với bao kết quả đáng mừng. Dân chúng đổ xô đến cùng các ngài, đến độ các ngài không còn thời gian để ăn và nghỉ ngơi hầu lấy lại sức khỏe cần thiết.
Đức Giêsu khuyên các tông đồ hãy tìm chỗ vắng vẻ để nghỉ ngơi. Ở đây một lần nữa người ta thấy Đức Giêsu cũng tôn trọng nhịp sống của con người: làm việc và nghỉ ngơi, kể cả đối với những công việc quan trọng như việc tông đồ. Dường như nhu cầu tông đồ không bao giờ cạn; người được sai phải làm bổn phận của mình, nhưng cũng cần phải có thời gian để yên lặng, để sống với Thiên Chúa cho chính mình, để thân xác hồi lại sức lực. Tôn trọng cơ cấu con người, cũng là tôn trọng Thiên Chúa.
“Khi Đức Giêsu ra khỏi thuyền và lên bờ, Ngài thấy dân chúng đông đảo nên động lòng thương vì họ như chiên không người chăn, và Ngài giảng dạy họ nhiều điều”. Đức Giêsu vẫn để các tông đồ có thời gian nghỉ, và lúc này chính Ngài dạy dỗ dân chúng. Đức Giêsu, hơn ai hết, Ngài nhận ra nhu cầu của dân chúng, của con người cụ thể. Ngài biết điều gì là thực sự cần thiết cho con người, Ngài đã làm và huấn luyện các tông đồ để họ tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian.
3/. Con người hôm nay như dấu chỉ thời đại
Khi những người lãnh đạo dân không sống đúng với ơn gọi của họ, dân chúng bị phân tán vì họ không tìm thấy nơi những vị đó điều họ mong ước hy vọng. Con người luôn cần những người lãnh đạo tinh thần. Và ngược lại, nếu dân chúng phân tán như một sự kiện, thì những người lãnh đạo tinh thần cũng cần xét lại xem họ có đáp ứng nhu cầu thực sự của con người thời đại không.
Ngày nay, ở châu âu và ngay cả ở Mỹ, người ta ít đến nhà thờ; những người trẻ không tìm thấy ý nghĩa nơi nhà thờ. Nhà thờ ở Ý và nhiều nước ở châu âu trở thành “bảo tàng viện”, nơi các du khách tìm đến để xem những kiến trúc xa xưa, những hình ảnh phản ánh văn hóa một thời đại. Phụng vụ ở nhiều nơi chỉ gồm những nghi thức nhưng nội dung giảng dạy thì không được chú ý; cả một số nơi người ta cố gắng đổi hình thức nhưng lại không cố gắng để có nội dung sâu xa, và như vậy không cuốn hút được người trẻ, vì họ không tìm thấy nơi đó của ăn sức sống tinh thần, hay điều họ thâm sâu mong ước.
Những mục tử chân chính phải xét lại cách rao giảng của mình, xem mình và Giáo Hội có đáp ứng nhu cầu của con người ngày nay, đặc biệt là các người trẻ hôm nay không, hơn là chỉ nói: con người ngày nay không muốn đến nhà thờ nữa, hoặc con người ngày nay không còn có tinh thần đạo đức nữa. Làm sao có thể đòi họ đến nhà thờ khi họ không thấy ý nghĩa, khi họ không tìm thấy nơi đó có sức sống hay của ăn nuôi dưỡng họ và làm cho họ lên tinh thần. Thiển nghĩ, con người của mọi thời đại đều tốt, và cũng đang được Thánh Thần hướng dẫn và thúc đẩy. Người mục tử chân chính ngày nay phải làm sao để giúp con người hiện tại gặp gỡ Thiên Chúa, điều mà con người của mọi thời đại đều mong ước. Có lẽ Giáo Hội cũng phải xét lại cách huấn luyện những mục tử tương lai, sao cho những người này có thể nghe được và nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa qua con người ngày nay, qua thao thức và khát vọng của họ. Làm sao phụng vụ, những bài giảng, phải là lương thực nuôi dưỡng con người ngày nay. Nếu những người trẻ ngày nay không muốn tới nhà thờ, thì đâu là điều người trẻ hôm nay mong ước mà Giáo Hội cần khám phá và đáp ứng.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
*Theo bạn, con người ngày nay mong ước gì một cách sâu xa nhất?
*Theo bạn, Giáo Hội Công Giáo ngày nay đáp ứng được đến mức nào mong ước của con người hiện đại? Tại sao bạn nghĩ vậy?

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây