THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN Mc 1,29-39

Thứ ba - 14/01/2025 09:17
THỨ TƯ TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 1,29-39

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!"
38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

SUY NIỆM:
Sứ điệp: Mọi hoạt động của Chúa đều nhằm cứu độ con người khỏi sự dữ phần hồn cũng như phần xác. Ta hãy tin tưởng đến với Chúa là Đấng Cứu Độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay gợi lên cho con thực trạng đau khổ của cuộc sống nhân loại. Khi xưa cũng như ngày nay, loài người phải mang lấy biết bao bệnh hoạn, tật nguyền. Đặc biệt con nghĩ đến những chứng bệnh nan y mới phát sinh, đang đe dọa tính mạng của nhiều người. Con nghĩ tới những nạn nhân chiến tranh, những kẻ tàn phế. Con nhớ tới những nạn nhân tâm thần càng ngày càng nhiều. Con nhớ tới những kẻ đang sống nô lệ cho ma quỷ, tội lỗi, sự ác và bất công. Con nhớ tới những đau khổ hồn xác của mọi người trên thế giới, của những người trong gia đình con và của chính con.
Lạy Chúa, những đau khổ ấy thật là khó hiểu và dễ làm con nổi loạn. Nhưng lạy Chúa, con tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Trái tim Chúa đã và vẫn mãi ôm ấp và chữa lành những đau khổ của chúng con. Hằng ngày con chạy đến với Chúa trong thánh lễ. Xin Chúa cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Lạy Chúa, ngày nay Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng con và đang biểu lộ quyền năng cứu độ chúng con. Chúa đã lại gần cầm tay bà mẹ vợ ông Simon và đỡ dậy. Con tin rằng trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Chúa đang lại gần con, cầm tay và đỡ con lên. Chúa có đủ quyền năng và muôn vàn phương thế để phục hồi và tái tạo cuộc đời chúng con cả hồn lẫn xác. Xin Chúa ra tay thực hiện và xin Chúa dạy con biết góp phần xóa bớt những đau khổ của anh chị em, để họ được sống trong niềm vui và hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ: “Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: KIẾP SỐNG VÀ ĐỨC TIN
Đời người vốn là thân lữ khách. Và đời sống đức tin của người kitô hữu, cũng chính là 1 cuộc lữ hành dương thế dài, với biết bao vui buồn sướng khổ quyện lẫn vào nhau. Có lúc niềm vui dâng trào, nhưng cũng có buồn rầu hiu hắt; có lúc hy vọng tràn trề, nhưng cũng có lúc thất vọng hụt hẫng.
Thế nhưng qua Tin mừng hôm nay, Thánh Maccô mời gọi chúng ta hãy thoát ra khỏi suy nghĩ não nề và bi đát ấy, hãy vươn lên từ tâm trạng thất vọng ê chề, để mặc lấy niềm hy vọng dâng trào. Bởi Đức Kitô, Chúa chúng ta đã mang lấy thân phận của mọi kiếp người. Ngài sẽ vui với người vui và khóc với người khóc.
Thật vậy, là người kitô hữu chúng ta đừng quên rằng, chúng ta còn có Chúa là điểm tựa của đời mình. Ngài luôn là niềm hy vọng cho tất cả chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Ta đến là để cho chiên được sống, và sống dồi dào”, “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Chúa chúng ta là như thế đó thưa anh chị em. Ngài đã nhạy bén và thấu cảm được trước hoàn cảnh của bà nhạc mẫu ông Simon, và đã chữa lành cho bà. Ngài cũng làm như thế cho tất cả những ai tìm đến với Ngài. Ngài không chỉ chữa lành và nâng đỡ về phần xác, nhưng còn cả phần hồn.
Dù muốn dù không, ta cũng phải thành thật mà nhìn nhận rằng, khó khăn thử thách là 1 phần của cuộc sống con người. Mỗi người đều có những nỗi khổ của riêng mình. Do đó, chúng ta đừng chỉ nhìn lên rồi than trách rằng: chẳng ai khổ bằng tôi! Nhưng mỗi người cũng hãy nhìn xuống để thấy rằng, mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người.
Trong cuộc đời này chẳng có ai sướng và hạnh phúc hơn ai, mà cũng chẳng có ai khổ và bất hạnh hơn ai. Do đó, chúng ta đừng tìm cách tránh né, cũng đừng than thân trách phận; nhưng hãy can đảm và mạnh dạn cùng nhau đối diện. Thánh Phaolô cho ta biết rằng: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho chúng ta mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để chúng ta bị thử thách quá sức; nhưng khi để chúng ta bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp” (1Cr 10,13). Hãy tin tưởng như thế. Và đừng bao giờ quên, chúng ta còn có Chúa ở bên cạnh mình.
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta 2 sứ điệp:
Thứ nhất, cuộc đời của mỗi người không thiếu những khó khăn và thử thách, không thiếu những vất vả gian lao, buồn vui lẫn lộn. Đó là chuyện không của riêng ai.
Thứ hai, Chúa chính là điểm tựa cho mỗi chúng ta. Do đó, mỗi khi gặp phải lo toan và gánh nặng, ta hãy tìm đến và tựa nép bên lòng Ngài. Ngỏ hết cho Ngài những tâm tư, những vui buồn của đời sống dương gian, cả những mệt nhoài và lo toan của cuộc sống.
Sau cùng, chúng ta cùng nhau cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin, để con thấy Chúa luôn đồng hành,xin ban thêm sức mạnh, để con thắng vượt ngàn gian nan; cho con qua khổ đau, đường thánh giá giúp con tôi luyện; xin cho con  đức tin thêm vững vàng, để tình yêu Chúa được nồng nàn chứa chan. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: ĐỘNG LỰC CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ
Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Tại nhà của ông Simôn, Chúa Giêsu đã chữa mẹ vợ ông khỏi sốt cao. Như thế, Người cho thấy Người làm Chúa tể trên một thứ tai họa khác của loài người, đó là bệnh tật. Nhưng trong nhãn quan của Tim Mừng theo Thánh Maccô, bệnh tật cũng là do ma quỷ, nên chữa lành bệnh tật cũng là chiến thắng trên ma quỷ.
Ở đây, chúng ta ghi nhận là lần đầu tiên Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật là cho một phụ nữ, trong khung cảnh đơn sơ và thân tình của một ngôi nhà và của mộtgia đình. Bằng chứng cho thấy bà này đã thực sự được lành bệnh là bà đã ân cần chu đáo phục vụ các khách quý. Cũng như  Đức Kitô đã đỡ bà mẹ vợ Simôn trỗi dậy khi mà bà đang bị cơn sốt bắt nằm bất động như một người đã chết, Người cũng nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống lại, để chúng ta có thể phục vụ Người
Hành vi đó của Chúa Giêsu trong ngày đầu tiên hoạt động công khai đưa tới hậu quả là dân chúng hiểu là khi ở trong tình trạng quẫn bách, họ có thể trông mong được ai giúp đỡ. Khi chiều đến, họ đưa tất cả mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám đến với Người. Đức Giêsu như bị cả một đại dương đau thương và bần khốn vây quanh và tấn công; toàn thể niềm hy vọng được đặt để nơi Người. Người có thể đương đầu với tình trạng quẫn bách này. Người có khả năng giúp đỡ và trong thực tế Người đã giúp đỡ.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: “Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện”. Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: “Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì”.
Gương Chúa Giêsu đi cầu nguyện khiến chúng ta phải xem lại cách chúng ta đánh giá ý nghĩa của việc cầu nguyện cũng như những tiêu chuẩn giúp chúng ta sử dụng thì giờ. Nếu chúng ta không thể hoặc không muốn dùng thì giờ mà làm cho mình được tự do để sống cho Thiên Chúa, các động lực đang nâng đỡ hoạt động của chúng ta rất có thể cần được xét lại. “Nếu Đấng không có tội mà còn cầu nguyện như thế, những lẻ tội lỗi còn phải cầu nguyện đến thế nào. Nếu Người đã thức qua đêm mà cầu nguyện liên lỉ, chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ và cũng phải canh thức đến độ nào.
Cũng nên coi lại giá trị chúng ta gán cho sự thinh lặng, sự yên tĩnh, sự cô tịch. “Chính Chúa Giêsu, với sức mạnh không cần được nâng đỡ trong một cuộc tĩnh tâm, cũng không bị ngáng trở bởi xã hội loài người, đã quan tâm để lại cho chúng ta một gương sáng. Trước khi thực hiện sứ vụ rao giảng và làm phép lạ, Người đã vào nơi cô tịch chịu thử thách cám dỗ và nhịn đói (Mt 4,1t). Kinh Thánh kể lại cho chúng ta rằng, Người đã bỏ lại đó đám đông môn đệ, mà leo lên núi để cầu nguyện (Mc 6,46). Rồi khi giờ Thương Khó đã đến gần, Người bỏ các môn đệ, và ra đi cầu nguyện một mình (Mt 26,36): gương sáng này giúp chúng ta hiểu sự cô tịch có lợi cho việc cầu nguyện đến thế nào, bởi vì Người không muốn cầu nguyện bên cạnh các bạn đường, ngay cả các tông đồ.
Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình”.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
Thường người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là hai việc khác nhau, có khi đối chọi nhau. Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta có thể biến tất cả công việc làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt ngày làm việc của chúng ta là một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban sáng khi thức dậy, chúng ta đã dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi việc trong một ngày có thể trở thành kinh nguyện liên miên.
Chiêm ngắm một ngày sống của Chúa, chúng ta được mời gọi sống như Ngài. Cuộc sống người Kitô hữu không thể chỉ có những khoảnh khắc dành cho Chúa trong Thánh lễ hay kinh nguyện, mà còn phải trải dài qua những sinh hoạt và gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống. Người Kitô hữu phải biết thống nhất đời sống bằng cách biến những giây phút hoạt động thành một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa.
Huệ Minh
SUY NIỆM:
1. Từ hội đường đến nhà ông Phêrô
Rời khỏi hội đường của người Do-thái, Đức Giêsu đi thẳng tới căn nhà của ông Simon Phêrô. Chúng ta hãy hình dung và chiêm ngắm hành trình mang đầy ý nghĩa này của Đức Giê-su:
– Đó là hành trình từ Cựu Ước sang Tân Ước; từ Israen sang Dân Mới của Đức Chúa, là Giáo Hội; và với hành trình này, Đức Giê-su làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất, nghĩa là đạt tới sự sống mới và sáng tạo mới, ngang qua và bất chấp bệnh tật, tai họa, những thăng trầm, tội lỗi, sự dữ và cuối cùng là chính sự chết.
– Hành trình này của Đức Giê-su còn diễn tả hành trình từ nơi phượng tự sang ngôi nhà của đời sống bình thường, ở đó diễn ra mọi vấn đề của cuộc sống, của thân phận con người, sinh lão bệnh tử; và chính nơi ở đây, niềm tin và ơn gọi của mỗi người được thử thách và qua đó lớn lên, trở nên đích thực, trở nên kinh nghiệm thực sự.
– Ngoài ra, hành trình này còn diễn cách Đức Giê-su gặp gỡ, “mang lấy” và “chia phần” với từng người chúng ta. Nghĩa là, Người không chỉ đi vào tương quan với chúng ta nơi phượng tự hay công cộng, nhưng còn muốn gặp gỡ chúng ta nơi riêng tư nhất, nơi tất cả những gì làm nên con người của chúng ta : nơi ở, gia đình và những người thân yêu của chúng ta.
Trong ơn gọi sống đời sống hôn nhân, cũng như trong đời sống thánh hiến, từ nhà tập đến môi trường tông đồ và sứ mạng, từ lúc tuyên khấn đến đời sống ơn gọi cụ thể, với biết bao mới lạ và thách đố. Nhưng đó lại là môi trường làm cho lòng ước ao dâng hiến và phục vụ trở nên đích thực, và làm cho chúng ta lớn lên trong ơn gọi của Hội Dòng.
Vì thế, chúng ta được mời gọi suy niệm và nhất là chiêm ngắm thật lâu những gì diễn ra trong nhà ông Simon: những gì diễn ra thật đơn sơ, nhưng mang nhiều ý nghĩa cho hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta hôm nay.
2. Chữa lành và phục vụ
Trong nhà, có sự hiện diện của người mẹ, bà nằm đó và đang bị sốt nặng; và như bài Tin Mừng kể lại, ngay tối hôm đó, người ta lũ lượt kéo đến nhà: đó là những người bệnh, những người bị quỉ ám, những người đau khổ vì sự dữ đủ loại; và rốt cuộc cả làng kéo đến đứng trước cửa nhà.
Đó là một hình ảnh thật cụ thể diễn tả nhân loại chúng ta: nhân loại có quá nhiều người bệnh. Nhưng trong thực tế, còn có một thứ bệnh không phải thể lí, nhưng lại làm chúng ta tê liệt hơn là bệnh thể lí: chán nản, mất niềm tin, mất hướng đi, thấy cuộc sống vô nghĩa, bi quan về mình, về hoàn cảnh, về người khác, bị hiểu lầm, bỏ rơi, không được lắng nghe hay tin tưởng… Ngoài ra, và ở một mức độ hay một nghĩa nào đó, cũng có nhiều người bị “quỉ ám”, nghĩa là bị Sự Dữ chi phối và làm chủ.
Các môn đệ nói với Đức Giê-su về bà mẹ. Điều này nói lên sự quan tâm chúng ta dành cho nhau trong thực tế và trong lời nguyện, và đó chính là nét thiết yếu làm nên Dân Mới do Đức Giê-su qui tụ. Đức Giêsu đi đến bên bà, cầm tay bà và giúp bà ngồi dậy. Ở đây, chúng ta còn được mời gọi cảm nhận sự thân mật trìu mến. Ơn chữa lành đến từ cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Giê-su và người bệnh. Hình ảnh này còn nói đến ơn phục sinh, nói đến tình yêu, lòng thương xót, lời hằng sống và chính Mình và Máu Ngài làm chúng ta đứng dậy tiếp tục đi, tìm lại hướng đi, ý nghĩa, lòng ước ao phục vụ, ơn gọi. Đó thực là sự sống mới, hình bóng của ơn tái sinh.
Cơn sốt biến mất và bà bắt đầu phục vụ họ, nghĩa là Đức Giêsu và cả nhà. Bà khỏi bệnh và lấy lại sức sống, không chỉ là sức sống thể lý, nhưng là sức sống mới, sự sống mới, vì sự sống này hướng tới việc phục vụ quên mình. Kinh nghiệm của bà cũng phải là kinh nghiệm của chúng ta, của mọi Kitô hữu.
3. Rao giảng và trừ quỉ
Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tự do của Đức Giêsu đối với nhu cầu của chính mình và của con người: Đức Giê-su không muốn khơi ra nhu cầu và tìm cách đáp ứng (như nền kinh tế thị trường trong đó chúng ta đang sống); nhưng, Ngài chỉ khơi dậy lòng ước ao Thiên Chúa, có nơi sâu thẳm của con người.
Vì thế, trong thực tế, Ngài đã không làm hết việc, Ngài chỉ chữa nhiều người nhưng không chữa hết mọi người. Do đó, vẫn còn nhiều người nữa đang tìm Ngài, họ còn nhờ các môn đệ đi tìm dùm! Nhưng Đức Giê-su rời nơi đó để đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, và khắp miền Galilê để rao giảng và trừ quỉ (lưu ý: hoạt động chữa bệnh không được nêu ra).
Ngài dường như chỉ muốn đi lướt qua lịch sử con người, và chỉ dừng lại ở một số thân phận. Bởi vì Ngài chỉ muốn vạch ra cho chúng ta con đường phải đi, con đường dẫn đến ơn chữa lành triệt để và đích thực, đó là ơn chữa lành bởi Thập Gia, như thư Do Thái mặc khải cho chúng ta:
Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. (Dt 2, 14-15)
Ơn này sẽ dành cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Và Ngài vẫn cần chúng ta nói cho con người hôm nay về Ngài, và ơn chữa lành triệt để của Ngài, và cách nào đó, chúng ta cũng cần nói cho Ngài về con người hôm nay, như các môn đệ đã làm trong “nhà ông Phêrô”.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM:
Tin Mừng hôm nay tiếp diễn ngày hôm qua nói về một ngày hoạt động trong hành trình công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Cũng vào ngày Sa bát đó, sau khi phục vụ trong hội đường, Chúa Giêsu đến nhà của hai người môn đệ là Simon và Andrê ở Ca-phác-na-um.
Khi đến nơi, Chúa Giêsu biết tin mẹ vợ ông Phêrô phải nằm trên giường vì bị sốt. Ngài liền lại gần, cầm lấy tay và đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay, bà khoẻ dậy và phục vụ các ngài. Việc phục vụ này không phải là vai trò của người nữ trong gia đình. Hơn thế, đây là cách để nói lên vai trò của tất cả Ki tô hữu, cả người nam và người nữ, để phục vụ. Chữa lành không chỉ là giúp một người lành bệnh mà còn nâng đỡ để người ấy trở nên hăng hái trở lại và phục vụ cộng đồng.
Chiều đến, khi ngày Sa bát qua đi, người ta được tự do đi lại hơn. Vì thế, một số lượng lớn người bệnh kéo đến với Người để được chữa khỏi mọi bệnh tật và được giải thoát khỏi quyền lực của ma quỷ. “Cả thành xúm lại trước cửa,” đó là cánh cửa của ngôi nhà nơi Chúa Giêsu ở. Nhà của Chúa Giêsu phải chăng là nơi quy tụ những ai thân cận với Chúa, như là cộng đồng dân Chúa thường quy tụ nơi nhà thờ. “Nhà của Chúa” là biểu tượng cho nơi Chúa ở, nơi quy tụ mọi người xung quanh Chúa Giê-su, cũng là biểu tượng của Giáo Hội, của cộng đoàn. Vậy khi những người nghèo khổ, người bệnh, và những người bị mất tự do mà không còn tìm đến cộng đoàn của chúng ta để tìm sự chữa lành nữa, nâng đỡ, thì chúng ta cần suy nghĩ lại đời sống chứng nhân của người Ki-tô hữu chúng ta.
Sớm ngày hôm sau, Chúa Giêsu rời khỏi đó và đến một đồi vắng mà cầu nguyện một mình. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm ở Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu biết mình vẫn cần cầu nguyện để lấy lại năng lượng thiêng liêng và kết nối với Cha Ngài và cũng để nhận ra những nhu cầu chính đáng hơn mà dân chúng ở các thành khác đang cần.
Tuy Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa, nhưng Ngài chỉ có thể hiện diện ở một nơi trong một thời diểm nhất định, và trong ba năm công khai rao giảng, Chúa Giê-su chỉ có thể “đụng chạm” được một số lượng ít người, để Tin Mừng được rao truyền khắp nơi, Ngài rất cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Khi Chúa Giêsu trở về sau buổi cầu nguyện, Ngài không quay trở lại Ca-phác-na-um, mặc dù chắc chắn có nhiều người cần được chữa lành và giúp đỡ ở đó. Thay vào đó, Chúa tiếp tục đến các hội đường khắp Ga-li-lê để công bố tin mừng Nước Trời và làm cho tin mừng đó được cụ thể hóa bằng việc chữa lành bệnh tật và giải phóng những ai bị giam cầm bởi sự dữ.

Điều này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự ứng trực, sẵn sàng. Chúng ta đừng ngần ngại khi có thể giúp đỡ cho những ai cần chúng ta thực sự. Đồng thời, cũng hãy biết những giới hạn của bản thân. Cho dù chúng ta có thể rất hào phóng và cho đi rất nhiều, chúng ta cần cân bằng giữa những nhu cầu của tha nhân và biết những giới hạn của bản thân. Chúng ta không thể giúp đỡ người khác bằng cách làm mọi việc cách hết mình và trở nên kiệt sức. Nên nhớ chúng ta cũng cần dành ra một khoảng thời gian ‘có chất lượng' để ở với Chúa, để cầu nguyện và để suy ngẫm về thứ tự ưu tiên của chúng ta trong cuộc sống. Chúa Giêsu đã làm gương cách tuyệt vời cho chúng ta trong đoạn bài đọc ngày hôm nay.

Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao

SUY NIỆM: ÐỘNG LỰC CỦA VIỆC TÔNG ĐỒ
Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".
Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình".
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM: SỐNG TINH THẦN LIÊN ĐỚI 
Chúng ta đã nghe đây đó lời của một bài hát, trong đó có đoạn: “Sống trong cuộc sống, cần có một tấm lòng”. Thật vậy, trong một xã hội ngày càng giàu có, tiện nghi sang trọng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên; điện, đường, trường, trạm được mọi người quan tâm... Tuy nhiên, về tinh thần liên đới, trách nhiệm, đạo đức... thì e rằng đang xuống cấp hơn bao giờ hết! Những chuyện vô lương tâm, tàn nhẫn, bất trung diễn ra nhan nhản đến mức báo động! Lại có những chuyện tưởng chừng chỉ trong tiểu thuyết, thì giờ đây nó lại xảy ra như cơm bữa trong đời sống hằng ngày...!
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa bệnh cho mẹ vợ ông Simon. Mẹ vợ ông Simon được Đức Giêsu biết đến là nhờ vào sự liên đới của mọi người, họ kể cho Ngài nghe về bệnh tình của bà.
Phải chăng Đức Giêsu cần sự thông báo của người ta? hay Ngài buộc họ phải nói thì Ngài mới ra tay cứu giúp? Không! Tuy nhiên, cứ theo cảm tính tự nhiên, thì việc quan tâm này rất cần thiết vì nó thể hiện sự yêu thương, liên đới tới nhau.
Sứ điệp Lời Chúa hôn nay mời gọi mỗi chúng ta hãy sống tinh thần yêu thương, liên đới, để cho ý Chúa được thể hiện trong cuộc sống thường ngày của mình, và để cho mọi người nhận ra chúng ta là con cái của Chúa khi mỗi người sống bác ái, xây dựng tình huynh đệ trong cuộc sống thường ngày.
Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa sẽ không vui khi chúng con sống mà chỉ biết mình. Nhưng Chúa sẽ vui biết bao khi chúng con sống liên đới với tha nhân, nhất là biết giúp đỡ những người khổ đau, nghèo đói.
Xin Chúa ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con yêu với tình yêu không phân biệt. Amen.
Ngọc Biển
 
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây