THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN Mc 3,22-30

Chủ nhật - 26/01/2025 10:18

THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN
Mc 3,22-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
22 Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, 23 và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”.
24 Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được?
25 Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được?
26 Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong.
27 Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y.
28 Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, 29 nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”.
30 Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.

SUY NIỆM: ĐỪNG GANH TỴ
Chắc chúng ta vẫn còn nhớ, trong dịp lũ lụt tại miền Trung năm 2020 vừa qua, có 1 nữ ca sĩ đã làm dậy sóng cả cộng đồng mạng, bởi những hành động và nghĩa cử cao đẹp mà cô dành cho bà con ở đây. Đó chính là ca sĩ Thủy Tiên. Thế nhưng, bên cạnh những lời khen ngợi và tôn vinh, cũng có những người vì ganh tỵ, nên đã tìm cách nói xấu về cô ấy. Người ta dựng nên những lý do vô cớ để vu khống cô.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Maccô cho biết, Chúa Giêsu cũng từng rơi vào hoàn cảnh như thế. Trong khi Ngài đến để đem tình thương cho mọi người, để giải phóng con người khỏi sự thống trị của ma quỷ, để chữa lành cho các bệnh nhân, hầu mọi người được bình an và hạnh phúc. Nhưng vì lòng ganh tỵ, nên các kinh sư đã tìm cách để vu khống rằng: Ngài là đồng bọn của quỷ vương Bê-en-dê-bun. Họ tung tin rằng, Chúa Giêsu bị quỷ ám và tìm cách để tiêu diệt Ngài.
Chỉ vì ganh tỵ mà người Do Thái đã muốn khử trừ Chúa Giêsu. Cũng vì ganh tỵ mà có nhiều người đã nói xấu cô ca sĩ Thủy Tiên, nói xấu và đòi các nhà từ thiện sao kê chi tiết, khiến họ không còn động lực để tiếp tục sống bác ái yêu thương.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đừng bao giờ làm như thế. Đừng bao giờ thấy người khác giỏi hơn mình, giàu hơn mình, đạo đức và hăng say việc tông đồ hơn mình, được nhiều người yêu mến hơn mình; rồi đâm ra ganh tỵ, xầm xì, nghĩ tiêu cực về họ.
Thưa anh chị em, chúng ta cần hiểu rằng, sở dĩ các anh chị em đó có hơn mình về điều này điều nọ, gia đình họ có khá giả hơn mình đôi chút, là vì họ đã luôn cố gắng và nỗ lực từng ngày. Những điều họ đang có, được đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt.
Trong đời sống đạo cũng thế, sở dĩ có nhiều anh chị em đạo đức hơn mình, nhiệt thành trong các công việc chung hơn mình, là vì họ luôn cố gắng hy sinh để phục vụ, chứ không phải họ rãnh rỗi hơn mình. Họ cũng phải lo lắng cho gia đình, bộn bề với công việc, đầu tắt mặt tối với cuộc sống mưu sinh; nhưng họ đã cố gắng sắp xếp để phục vụ nhà Chúa.
Nếu chúng ta quá bận rộn với cuộc sống thường nhật, không thể tham gia phục vụ trong các công việc chung như thế, thì anh chị em có thể đóng góp bằng lời cầu nguyện, bằng những lời động viên để khích lệ người khác hy sinh; chứ đừng xầm xì bàn tán, ganh đua thua thiệt.
Thấy người khác làm điều tốt mà chúng ta mỉa mai xuyên tạc, là chúng ta đang chối bỏ sự thật, chối bỏ điều thiện, là đi ngược với tiếng nói của lương tâm, là chống lại Thánh Thần chân lý. Mà Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Tin mừng: “Mọi tội lỗi đều được tha, nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ chẳng bao giờ được tha đâu”.
Ước gì lời nhắc nhở ấy của Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta biến đổi con người của mình, tức là thay vì ganh tỵ, thì mỗi người sẽ trân trọng và cố gắng; thay vì xầm xì bàn tán, thì chúng ta sẽ nói lời động viên khích lệ anh chị em mình. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG MẠNH NHẤT
A. Hạt giống…
  1. “Các kinh sư nói Chúa Giêsu bị quỷ vương Bêendêbun ám và dựa vào thế quỷ vương để trừ quỷ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan (3,23b). Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong (3,24-25); Satan cũng vậy (3,26). Mc 3,27 cho thấy chẳng những Chúa Giêsu không bị quỷ chi phối, không theo phe quỷ, Ngài còn chống quỷ; quỷ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỷ nữa” (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).
  2. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỷ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỷ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối và được tha. Từ chối sự thật, không chịu sám hối thì không thể nào được tha. Không được tha không phải vì Chúa không tha mà vì mình không muốn được tha.
B…. nẩy mầm.
  1. Chuyện này nhắc ta hai sự thật:
a/ Quả thực có hoạt động của Satan trong thế giới này và trong bản thân mỗi người, sức hoạt động này rất mạnh;
b/ Nhưng quả thật, Chúa Giêsu mạnh hơn. Chuyện này cũng làm ta liên tưởng tới những lời chia xẻ kinh nghiệm của thánh Phaolô “Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay… Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,21.24); “Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại… Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, đề sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi… Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,7.10)
  1. Đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa hai em nhỏ:
– Nếu Satan đến cám dỗ, bạn làm sao chống trả ?
– Mình biết Satan đến để cám dỗ, nhưng khi nó gõ cửa lòng mình, mình bảo Có phải Chúa Giêsu gõ cửa đấy không ạ? Khi Satan nghe tên Giêsu là nó biến ngay!
Người mạnh nhất cũng không thể một mình chống lại Satan (Góp nhặt).
  1. Phải hiểu cho đúng câu Tin Mừng Luca 4,13: “Và sau khi chấm dứt mọi cám dỗ, quỉ bỏ đi chờ đợi thời cơ”. Câu đó không có nghĩa là sau khi ma quỉ cám dỗ, nó để cho ta yên một thời gian. Cũng không phải là nó để ta có giờ nghỉ ngơi hầu lấy lại sức mạnh cho cuộc chiến sau. Cũng không phải Chúa ngăn cản, không để quỉ cám dỗ ta trong một thời gian. Dịch cho đúng: câu đó có nghĩa là  quỉ tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại và tiếp tục tấn công. Nên khi quỉ thôi cám dỗ ta, chính là lúc nó đang tìm cách để đánh úp ta. (Góp nhặt)
  2. “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền. Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3,24)
Trong cuộc sống, khi cộng tác với người khác, tôi thường có những thành kiến, không tin vào thiện chí của họ, không vượt qua được những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến hẹp hòi, là vì tôi đã không dám từ bỏ chính mình để đi tìm chân lý ở mọi người.
Rồi cuộc sống chỉ có mình tôi, thế giới đối với tôi thật nghèo nàn, và cuộc sống trở nên vô nghĩa.
Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe nhau bằng quả tim yêu thương. Xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống trần gian. (Epphata)
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

SUY NIỆM: QUYỀN LỰC THIÊN CHÚA
Phụng vụ hôm nay đề cập đến quyền lực của Thiên Chúa trên cuộc sống con người, vốn luôn bị lấn át bởi các thế lực của sự dữ.
1/ Quyền lực Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu
Vào thời Đức Giêsu, Sa-tan vốn được coi là thế lực bất khả xâm phạm, con người phải lệ thuộc vào sự may rủi của Sa-tan. Sa-tan chiếu cố đến ai thì người ấy phải chịu, phải chấp nhận. Nên khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài là hiện thân của quyền lực Thiên Chúa, chữa lành người bị quỷ ám, điều này đã làm cho những người Kinh Sư ghen tức và vu khống rằng: “Người dựa thế lực của quỷ vương mà trừ quỷ”. Nhân cơ hội này Đức Giêsu đã dựa vào lý luận của họ để quật lại họ, Ngài nói: “Sa-tan làm sao trừ được Sa-tan? Nước nào tự chia rẽ nước ấy sẽ không thể bền”. Và đồng thời khẳng định cho họ biết quyền lực của Thiên Chúa tự nơi Ngài: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người ấy lại trước đã, rồi mới cướp sạnh nhà nó”. Trong Tin mừng Luca còn cho chúng ta thấy rõ: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”.
2/ Quyền lực Thiên Chúa thể hiện qua kẻ Ngài yêu mến
Bài đọc một sách Samuen tiếp tục tường thuật lại câu truyện Thiên Chúa thi thố quyền lực của Ngài trên cuộc đời Đavít. Đavít đang trong thân phận của một kẻ chạy trốn khỏi sự sát hại của vua Saolô, cô thế cô thân, không quân đội, không võ khí. Trái lại vua Saolô có đầy đủ những gì cần thiết nhất cho một vị vua cần đầu một quốc gia. Thế nhưng người được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu mến là Đavít, vì thế quyền lực của Thiên Chúa đã phủ xuóng trên cuộc đời Đavít. Đavít đã quy tụ được toàn thể chi tộc Israen, được các Kỳ mục xức dầu tấn phong làm vua Israen, khi đó mới ở độ tuổi ba mươi. Và như sách bài đọc một viết: “Vua Đavít ngày càng mạnh thế, và Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, ở với vua”.
Kết luận:  Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta, hãy để quyền lực Thiên Chúa thi thố trên cuộc đời mỗi người, hãy sống đẹp lòng Thiên Chúa, để Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta vượt qua những chặng đường gian nan nguy hiểm. Hãy Tin vào quyền lực của Chúa Giêsu, Ngài vượt trên tất cả, thống trị tất cả những quyền lực của sự dữ, của ma quỷ và sa-tan, bước đi dưới sự che chở của Ngài là sự bình an cho cuộc sống và tâm hồn.
Tam Thái
SUY NIỆM: CHÚA LẤY QUYỀN NÀO?
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu chữa lành cho những người bị quỉ ám. Các luật sĩ không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên cho rằng Ngài lấy quyền của tướng quỉ Bengiêbút mà trừ quỉ. Nhưng Chúa nói cho họ biết: nước nào tự chia rẽ thì làm sao tồn tại được. Ma quỉ cũng vậy, nếu nó chia rẽ, nó sẽ tiêu vong. Còn nếu Ngài nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ thì ma quỉ đã tự chia rẽ nhau rồi, làm sao nó đứng vững được?
Các luật sĩ nói Chúa Giêsu bị quỉ vương Bengiêbút ám và dựa vào thế quỉ vương để trừ quỉ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan. Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong. Satan cũng vậy. Marcô 3,27 cho thấy: chẳng những Chúa Giêsu không bị quỉ chi phối, không theo phe quỉ, Ngài còn chống quỉ; quỉ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỉ nữa” (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).
Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỉ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỉ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là nguồn bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ  thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustinô từng dạy: ”Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm  đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ? (Mỗi ngày một tin vui).
Có lẽ chúng ta không đến nỗi “tệ” tới mức “nghi” Chúa Giêsu bị quỉ Bengiêbút ám, nhưng nghi sự trái cho người khác, hoặc thấy việc tốt người khác làm, không khen ngợi thì chớ, lại còn “tán chuyện” ra  để đàm tiếu thì phải chăng đó là “chuyện thường ngày ở…” sở làm, trong xóm ngõ của chúng ta? Để không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nhìn nhận việc tốt của người khác một cách trân trọng, và nếu cần phải phân định việc gì hãy làm với tinh thần bác ái.
Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý  đang bị đảo lộn khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhận là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Kitô bị phân rẽ và tổn thương. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do thái kết án Người là lấy quyền tướng quỉ đè bẹp lính quỉ.
Những người luật sĩ bị coi là phạm đến Chúa Thánh Thần vì họ chối bỏ chân lý, không chấp nhận sự sám hối thì làm sao có thể tha tội được. Qua lời phân định của Chúa Giêsu về mức độ tội trạng được tha và không được tha, mỗi người chúng ta, một đàng ý thức về tội trạng của mình khi xét mình trước mặt Chúa để khơi dậy lòng thống hối; đàng khác phải luôn luôn bảo vệ và phát triển lòng tin cùng kính mến Chúa để tránh những xúc phạm đến Chúa. Nếu đã đã trót phạm tội mà ăn năn sám hối thì tội bao nhiêu cũng được tha. Cứ vững lòng tin.
Truyện: Không nghi ngờ và thất vọng.
Người ta kể: một hôm có một chàng thanh niên đến gặp cha Placido Vicardi, dòng Biển Đức, ở Italia, để xin xưng tội. Chàng thanh niên này quì xuống và thưa với cha Vicardi:
– Thưa cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.
Cha Vicarđi đáp:
– Đúng, con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ có tội khốn nạn nhất, vì có một tội nặng nhất mà con đã không phạm tội ấy.
Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn cha Vicardi ngạc nhiên hỏi:
– Thưa cha, làm sao cha biết? Tội đó là tội nào vậy?
Cha Vicardi trả lời:
– Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng  về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ cha biết như thế, vì nếu không, thì con đã không đến đây để xin lãnh nhận Bí tích Giải tội. Vậy, nhân danh Đấng giầu lòng từ bi và yêu thương mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về, và cố gắng đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhá.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM:
 1. “Người dựa thế quỷ vương”?
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay khởi đầu và kết thúc với lời nói của các kinh sư, cho rằng Đức Giê-su bị Quỉ Vương Bê-en-dê-bun ám:
Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám. (c. 22)
Đó là vì họ đã nói: “ông ấy bị thần ô uế ám”. (c. 30)
Ở phần trung tâm của bài Tin Mừng (c. 23-29), đó là lời của Đức Giê-su. Trước hết, bằng “ngôn ngữ dụ ngôn”, Người mời gọi các kinh sư hãy học biết “phân định thiêng liêng”, nghĩa là phân biệt những gì thuộc về Thiên Chúa, nguồn của sự sống, ánh sáng và sự thiện và những gì thuộc về Satan, đó là sự chết, bóng tối và sự dữ (c. 23-27)[1].
Sau cùng, Người mặc khải bản chất tội lỗi ở mức độ tuyệt đối, được hàm chứa trong lời nói đồng hóa Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa với “Quỉ Vương” (c. 28-29). 
2. “Nước nào… nhà nào”
Đức Giê-su bắt đầu bằng cách dùng những hình ảnh “một nước” và “một nhà”, để cho thấy nhận định của họ không phù hợp qui luật của hiện hữu: ở mức độ cá thể hay tập thể, điều gì đã hiện hữu thì tự bản chất nó muốn hiện hữu dài lâu và nếu có thể hiện hữu mãi mãi; và để hiện hữu, hữu thể không thể tự chia rẽ, vì như thế sẽ dẫn đến hậu quả tự hủy diệt chính mình. Chính vì thế, ma quỉ (tiếng Hi-lạp là diabolos; tiếp đầu ngữ dia có nghĩa là chia rẽ), nghĩa là “Kẻ Tố Cáo” thường gieo rắc nộc độc chia rẽ bằng hành vi tố cáo, để hủy diệt sự sống của con người[2]. Những người tự biến mình thành tay sai của Satan, hay bị Satan chi phối mà không ý thức, cũng hành động như thế.
Sau đó, ngang một dụ ngôn thật nhỏ, nhưng rất “xấu” (tương tự như dụ ngôn người quản lí bất lương): “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (c. 27), Đức Giê-su mời gọi người nghe nhận ra một mầu nhiệm thật lớn và thật đẹp, đó là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta (x. Mt 12, 28 và Lc 11, 20).
Triều Đại Thiên Chúa đã đến ngang qua lời nói, hành động và chính ngôi vị của Đức Giê-su, vì nếu Satan bị đẩy lùi và bị trừ khử, thì chỉ có thể là Thiên Chúa mà thôi, chỉ có thể là “Thần Khí của Thiên Chúa” (Mt 12, 28), chỉ có thể là “ngón tay của Thiên Chúa (Lc 11, 20). Hơn nữa, theo các Tin Mừng Nhất Lãm, ngôn ngữ dụ ngôn được Đức Giê-su ưu tiên dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đến độ “dụ ngôn Tin Mừng” tự nó có nghĩa là Nước Thiên Chúa, và Đức Giê-su chính là một “Dụ Ngôn” nói cho chúng ta một cách hoàn hảo về Thiên Chúa và về Triều Đại của Người.
3. “Nói phạm đến Thánh Thần”
Sau đó, Đức Giê-su mặc khải tính nghiêm trọng tuyệt đối (nghĩa là không thể tha thứ) của tội nói phạm đến Thánh Thần. Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều kể lại lời của Đức Giê-su, nói về điều này (Mt 12, 31-32; Lc 12, 10), nhưng Tin Mừng theo thánh Mác-cô xác định rõ nhất lí do tại sao: “Đó là vì họ đã nói ông ấy bị thần ô uế ám”.
Nơi Đức Giê-su, Thánh Thần hiện diện cách trọn vẹn (x. Mc 1, 12), vì Người là Con Thiên Chúa. Do đó, lời nói cho rằng Đức Giê-su bị ám bởi Quỉ Vương, ẩn chứa tội phạm đến Thánh Thần, mà chính người nói cũng không biết, như lời Tv 19 diễn tả: “Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay” (Tv 19, 23); và chính Đức Giê-su mặc khải trong cuộc Thương Khó: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Bởi lẽ ai có thể nói phạm đến Đấng tuyệt đối, ngoài một “tuyệt đối” khác, đúng hơn một “cực điểm” khác là Satan? Tương tự như trong mầu nhiệm Thương Khó, tương ứng với khuôn mặt của Sự Thiện tuyệt đối, rạng ngời nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh, chính là Sự Dữ, bị buộc phải lộ ra nguyên hình, khởi đi từ hành động của những con người cụ thể.
Như thế, lời của Đức Giê-su về tội phạm đến Thánh Thần vừa làm cho chúng ta bình an và vừa chất vấn chúng ta: Tôi không thể phạm đến Thánh Thần được, nhưng tôi có thể để cho Sự Dữ hoạt động ở trong tôi, nói ở trong tôi, làm xúc phạm đến Thánh Thần. Chỉ có Đức Giê-su, Đấng tràn đầy Thánh Thần, Lời và Mình Máu Thánh của Người, mới giải thoát tôi khỏi Sự Dữ và tái sinh tôi trong Thánh Thần của Người mà thôi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: THÍCH ỨNG ĐỂ TRUYỀN GIÁO
Đọc lại lịch sử truyền giáo của các nhà thừa sai trên Miền Thượng (Tây Nguyên – Việt Nam) trong cuốn: “Dân Làng Hồ”, tác giả cho thấy rất rõ yếu tố sống còn, thành công hay thất bại, phụ thuộc rất nhiều vào việc thích ứng hay không thích ứng của các thừa sai!
Khi nói đến truyền giáo, yếu tố thích ứng là điều rất quan trọng, vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến yếu tố này khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và truyền cho họ  đừng mang theo bao bị, giày dép, túi tiền… Người ta cho ăn thức ăn gì thì hãy ăn. Điều này ngược lại với quan niệm của người Pharisêu, vì mỗi khi họ đi đâu xa, thường thì họ luôn chuẩn bị cho mình những thứ căn bản như tiền, bao bị và thức ăn để đảm bảo sự thanh sạch, vì nếu không có những thứ đó, họ e sợ bị nhiễm uế nơi dân ngoại…
Người môn đệ của Đức Giêsu phải khác! Khác để hiệp nhất, hiệp thông, hòa đồng; khác để sống tình huynh đệ, bác ái; khác để thích ứng và hội nhập; khác để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa; khác để sống phó thác trong sự an bài của Thiên Chúa.
Điều quan trọng là nhà thừa sai phải là người cảm nghiệm được sự bình an sâu xa từ trong nội tâm khi phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và sống hết mình với anh chị em mình, có thế, món quà quý giá mà người thừa sai trao ban cho con người chính là sự bình an, niềm vui và hạnh phúc.
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người được trao phó trách nhiệm làm ngôn sứ cho Chúa. Tức là chúng ta có trách nhiệm giới thiệu Chúa cho người khác. Trở nên chứng nhân trong cuộc sống đời thường của mình. Đây là sứ mạng mà Chúa tin tưởng, ủy thác cho chúng ta. Vậy, chúng ta đã ý thức và thi hành sứ vụ đó ra sao?
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con bình an của Chúa, để chúng con biết chia sẻ sự bình an đó cho người khác. Amen.
Ngọc Biển SSP

 
 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây