Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!".
Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Ðoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: "Ông cứ về, ông được như ông đã tin". Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh.
Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài. Ðến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta".
Suy Niệm 1: Từ phương đông phương Tây - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Đức Giêsu mới chữa cho một người phong bằng một tiếp xúc gần,
nay Ngài lại chữa lành cho một người bị đau liệt ở xa.
Người được khỏi chính là đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng.
Con người sống gắn bó với nhau bằng những mối dây.
Viên đại đội trưởng là chủ, nhưng ông cảm được nỗi đau của anh đầy tớ:
“Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (c. 6).
Người đầy tớ được khỏi là nhờ tình thương của chủ đối với anh,
chính ông đã đi gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh đầy tớ (c. 5).
Và chính lòng tin của ông đối với Đức Giêsu đã khiến anh được khỏi (c. 10).
Những điều tốt lành của Thiên Chúa vẫn đến với ta qua người khác.
Khi Đức Giêsu nghe lời kêu xin, thì Ngài sẵn sàng lên đường ngay (c. 7),
dù biết rằng nhà của viên đại đội trưởng là nhà dân ngoại, bị coi là ô uế.
Có thể vì sợ Ngài bị ô uế mà ông ta đã can ngăn bằng câu nói nổi tiếng:
“Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời,
đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh” (c. 8).
Ông ý thức về sự bất xứng của mình, của căn nhà mình ở.
Và ông xác tín vào sức mạnh của việc “Ngài chỉ nói một lời.”
Viên đại đội trưởng nhận mình là người có quyền.
Uy quyền của ông nằm trong lời ông ra lệnh cho cấp dưới (c. 9).
Ông tin lời của Đức Giêsu cũng có uy quyền như vậy.
Chỉ một lời ra lệnh của Ngài cũng đủ đẩy lui bệnh tật và thần dữ.
Đức Giêsu ngây ngất trước lòng tin của viên sĩ quan dân ngoại,
một lòng tin vừa mạnh mẽ, vừa khiêm tốn.
Một lòng tin như thế, Ngài chưa từng gặp nơi dân Ítraen (c. 10).
Đức Giêsu nghĩ đến ngày cánh chung, quanh bàn tiệc Nước Trời,
có bao người đến từ muôn phương, những kẻ không phải là người Do thái.
Họ làm nên một cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài.
Họ vui sướng được ngồi bên các tổ phụ và những người Ítraen chân chính.
Đức Giêsu cho thấy dòng lịch sử đang đi vào ngã rẽ quan trọng.
Ơn cứu độ phổ quát do Ngài đem lại được mở ra cho mọi người.
Chỉ ai cố tình chối từ Tin Mừng Nước Trời mới bị loại (c. 12).
Đức Giêsu không chỉ rao giảng Nước Trời bằng lời.
Ngài còn chứng minh Nước Trời đã đến bằng bao việc tốt lành, kỳ diệu.
Lời Ngài giảng cũng là lời chữa cho người phong, cho tên đầy tớ.
“Ngài nói một lời là trừ được các thần dữ” (c. 16).
Lời uy quyền khi giảng cũng là lời uy quyền khi chữa bệnh.
Nhưng Đức Giêsu cũng đụng chạm đến nỗi đau của con người.
Ngài đụng đến người phong, và đụng đến bàn tay mẹ vợ ông Phêrô (c. 15).
Hôm nay, Giáo Hội vẫn cần những người rao giảng như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui. Amen. (ĐHY Roger Etchegaray)
Suy Niệm 2: Từ phương Đông phương Tây
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Áp-ra-ham là người công chính. Từ nhân loại tội lỗi Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham để lập ra một dân riêng. Chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế giáng trần. Áp-ra-ham là vị Tổ phụ mẫu mực. Ngài có tấm lòng rộng mở đón nhận Lời Chúa. Ngài có tấm lòng trung tín luôn vâng theo ý Chúa. Cuộc đời ngài hoàn toàn dâng hiến cho thánh ý Thiên Chúa. Hãy xem cách ngài đón tiếp Thiên Chúa đến viếng thăm. Làm tất cả mọi sự vì Thiên Chúa. Tuyệt đối tin vào Lời Hứa. Dù đã trăm tuổi mà vẫn chưa có con. Nhưng vẫn tin vào Lời Chúa. “Tại sao Xa-ra lại cười và nói: ‘Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng?’ Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa? Vào độ này sang năm, ta sẽ trở lại thăm người, và Xa-ra sẽ có một con trai”. Ông đã trở thành Tổ phụ lớn lao và gương mẫu (năm chẵn).
Tiếc rằng đến thời sau dòng dõi huyết tộc của ông không còn giữ được đức tin và lòng trung tín với Thiên Chúa. Vì họ đã nghe những tiên tri giả mà phạm sai lầm. Rơi vào ảo tưởng. Nên bị Thiên Chúa trừng phạt. “Mọi nơi cư ngụ của Gia-cóp, Đức Chúa huỷ diệt chẳng chút xót thương; nổi trận lôi đình. Người triệt hạ đồn luỹ của thiếu nữ Giu-đa….Ngôn sứ của ngươi tỏ cho ngươi thấy toàn điều hư ảo, toàn chuyện khói mây, còn lỗi lầm ngươi, chúng không vạch rõ để đảo ngược số phận của người”. Tiên tri kêu gọi họ sám hối, cầu xin để được Thiên Chúa tha tội: “Trước nhan Chúa hãy trút niềm tâm sự, giơ tay hướng về Người mà cầu cho sinh mạng của đoàn con đang lịm dần vì đói” (năm chẵn).
Đến khi Chúa Giê-su đi rao giảng, cũng kêu gọi sám hối. Nhưng dân chẳng tin. Trái lại có những người ngoại đạo tin. Như ông đại đội trưởng quân đội Rô-ma hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Lại có lòng khiêm tốn sâu xa: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”. Chúa Giê-su đã ngạc nhiên và khen ngợi ông: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương ddoong phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗi tối tăm bên ngoài”. Như thế dòng dõi Áp-ra-ham có hai. Về huyết thống thì yếu lòng tin nên bị loại bỏ. Về đức tin. Bất cứ ai tin sẽ được gọi là con cháu Áp-ra-ham. Sẽ được vào dự tiệc Nước Trời.
Tinh thần quý hơn thể xác. Đức tin quý hơn huyết thống. Như Chúa Giê-su từng nói: “Ai nghe và tuân giữ Lời Chúa. Đó là anh em, chị em và là Mẹ Ta” (Lc 8,21). Xin cho con được thuộc về dòng dõi những kẻ tin. Để trở thành thân nhân của Chúa.
Suy niệm 3: GIÁO HỘI : CỘNG ĐOÀN ĐƯỢC CỨU ĐỘ − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Khi viết Giáo Hội là cộng đoàn được cứu độ, tôi không có ý nói thành phần Giáo Hội là những người ưu tuyển, hơn người khác, chỉ có mình mới được cứu độ còn những người ngoài thì không! Không phải thế. Tôi muốn nói về ơn cứu độ như một ân ban từ Thiên Chúa, và được cứu độ là một hành trình liên tục suốt cả đời người.
Sau Bài Giảng Trên Núi ở các chương 5 - 6 và 7, nơi đó Chúa Giêsu công bố Nước Trời, thì bây giờ, ở các chương 8 và 9, Tin Mừng Matthêô kể lại hành động của Chúa Giêsu mời gọi người ta vào Nước ấy. Những người được mời gọi không phải là những người “ưu tú” theo nghĩa Do Thái Giáo là giữ luật cách chỉn chu, nhưng là những người bị xem thường và loại trừ bởi giới Do Thái Giáo tự coi mình là ưu tú. Đó là người phong cùi, là viên sĩ quan ngoại giáo, là bà mẹ vợ già của ông Phêrô và mọi kẻ đau yếu. Những người được gọi là những người được chữa lành, được cứu thoát không phải do bởi điều gì từ chính họ, nhưng do ân ban của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Chuyện hai vợ chồng già Abraham và Sara có con trai là hoàn toàn ngoài khả năng của con người; đó là ân ban.
Một Giáo Hội được cứu độ. Điều này không chỉ được thực hiện một lần khi gia nhập Giáo Hội. Nhưng vì còn đang trên hành trình dương thế, các thành viên của Giáo Hội vẫn ngày ngày cảm nhận về sự giới hạn và yếu đuối của mình, và vì thế, họ vẫn tiếp tục cảm nhận hàng ngày, với những kinh nghiệm mới mẻ, về ơn cứu độ thần linh này. Muốn đi tìm, muốn thực hiện một Giáo Hội tinh tuyền, một Giáo Hội vô tì tích sẽ đưa tín hữu đến chỗ tự hào về thành tích đạo đức của mình, và do đó, tự tách mình ra khỏi những người được-cứu-độ-hàng-ngày, và như thế là đánh mất ơn cứu độ, bởi vì ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa.
Mỗi người trong chúng ta hiểu rõ về thân phận con người cần được chữa lành. Không phải chỉ là về sức khoẻ thể lý, nhưng còn là tâm lý và tâm linh. Chúng ta vẫn thường bị tổn thương bởi người khác và cũng không ít phen làm tổn thương người khác. Chúng ta cần được chữa lành như là nạn nhân và như là thủ phạm! Chúng ta vẫn phạm tội hàng ngày, vẫn chạy theo những đam mê và để cho đam mê, tính khí bất ổn chi phối mình hàng ngày. Kinh nghiệm tội lỗi ấy đưa đến ước muốn được chữa lành qua ơn tha thứ.
Chỉ những tâm hồn khiêm hạ mới được chữa lành bởi Thiên Chúa, bởi vì chính Chúa Kitô cứu độ chúng ta trong tư thế khiêm hạ: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.” (Mt 8,17).
SUY NIỆM 4: PHÓ THÁC CHO LÒNG NHÂN HẬU CỦA CHÚA - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Viên đại đội trưởng ngoại giáo có người đầy tớ bị bệnh liệt giường, nên tìm gặp Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành. Ông tế nhị nhận mình là người ngoại không đáng được hưởng ân huệ và cũng không giám phiền Chúa Giêsu đến nhà mình để tránh thiên hạ dị nghị. Ông tin chắc chắn Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh nhân chỉ bằng một lời phán từ xa.
Chúa Giêsu đã khen ngợi viên đại đội trưởng vì tấm lòng nhân hậu của ông đối với bầy tôi, nhất là vì lòng tin đơn sơ, chân thành và sâu sắc của ông .
Chúa Giêsu không loại trừ ai.lại ai càng bị loại trừ thì Chúa Giêsu lại càng ưu ái với những người đó và giúp họ trở về với cộng đoàn yêu thương.
Xét mình kỹ tôi thấy mình có phần giống Chúa nhưng cũng có phần khác Chúa. Giống Chúa ở chỗ tôi có cố gắng yêu thương giúp đỡ những người tội lỗi bệnh tật nghèo nàn mà tôi gặp ở bên ngoài cộng đoàn tôi đang sống. Nhưng khác Chúa ở chỗ là có lúc tôi lại muốn loại trừ một số anh em, chị em đang cùng tôi chung sống trong cộng đoàn.
Người đại đội trưởng này đã biểu lộ đức tin qua việc đích thân đi tìm gặp Chúa Giêsu, khẩn khoản nài xin và vững tin vào quyền năng của Lời Ngài : Lời có sức chữa lành, Lời ban sự sống, Lời cứu độ. Trước lòng tin đó, Chúa Giêsu đã chữa lành cho người đầy tớ của ông. Ngài thực hiện phép lạ để mở mắt tinh thần và cõi lòng con người đón nhận Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu.
Trong khi người ngoại rộng mở tâm hồn đón nhận Chúa, nhiều người vốn tự hào là con cái Chúa lại khép lòng mình lại trong sự an toàn giả tạo với những tập quán máy móc, những quan niệm cứng nhắc, lối sống hình thức. Những điều đó trở thành rào cản để gặp Chúa.
Làm sao để Ki tô hữu tránh khỏi bị tù hãm trong những thơi quen máy móc ? tôn giáo mất đi sự sống khi nó chỉ còn là một tổng hợp các tín điều và nghi thức được chấp nhận vì thói quen. Chỉ có đức tin mới ban sự sống. Tin là đón nhận Chúa Kitô và bước đi theo Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con luôn biết sống yêu thương đối với hết mọi người, và xin nhắc con nhớ “sống bác ái yêu thương phải bắt đầu từ những người anh chị em gần mình nhất”
Xin cho lời nguyện cầu của con đừng bao giờ mang tính yêu sách như thể con có quyền đòi buộc Chúa thi hành điều con xin. Xin cho con sự khiêm hạ của người dân ngoại : “tôi chẳng đáng”
Xin ban cho con một niềm tin đơn sơ, và phó thác để luôn biết tìm gặp Chúa nhờ vững tin vào lời quyền năng và lòng nhân hậu của Chúa. Amen