Sống quảng đại và tha thứ

Thứ năm - 21/02/2019 19:47
 
SỐNG QUẢNG ĐẠI VÀ THA THỨ
CHÚA NHẬT VII TN C:
Một trong những di chứng mà chế độ Cộng sản tạo ra trong thế giới ngày nay đó là bạo lực, căm thù và trả thù. Sự căm thù, trả thù bằng bạo lực một thời được người ta đưa vào giảng dạy, tuyên truyền nhồi nhét trong nhà trường cho các học sinh. Từ đó những con người thiếu lòng bao dung tha thứ được tạo ra cho xã hội và họ đang cư xử với nhau bằng bạo lực và thù oán. Chúng ta có thể thấy trong cách ứng xử theo kiểu trả thù từ chính quyền, công an cho đến dân thường. Chính quyền, công an trả thù theo kiểu của kẻ có quyền lực, người dân trả thù nhau theo kiểu bạo lực của người dân, dân làm ăn trả thù theo kiểu dân làm ăn, các băng đảng trả thù theo kiểu các băng đảng. Hầu như các tấm gương sống quảng đại, bao dung, tha thứ càng ngày càng trở nên khan hiếm trong xã hội của chúng ta. Hôm nay Lời Chúa nhắc lại cho chúng ta về lối sống và cách cư xử của người môn đệ, đó là sống quảng đại và tha thứ.
Bài đọc một kể lại tấm gương tha thứ của Đavít đối với vua Saolê: Lúc đó Đavít đang phục vụ vua Saolê, ông cầm quân đánh thắng được nhiều kẻ thù, diệt được tướng khổng lồ Gôliat, được dân chúng ca tụng như một vị anh hùng. Vua Saolê đã ghen tị với sự thành công và được nhiều người ngưỡng mộ của Đavít, ông đã toan tính tiêu diệt Đavít. Đavít cùng với những người thân đã phải bỏ trốn vào sa mạc tránh khỏi sự truy sát của vua Saolê và đoàn quân tinh nhuệ của vua. Khi đêm xuống Saolê và đoàn quân đang ngủ, Đavít và những người theo ông đã đột nhập vào giữa doanh trại của Saolê mà không ai hay biết. Cận thần của Đavít đề nghị ông lấy giáo hạ sát Saolê, nhưng Đavít đã không làm như thế, ông chỉ lấy đi cây giáo và bình nước của Saolê như một bằng chứng ông đã tha thứ cho Saolê. Hôm sau từ bên kia thung lũng, Đavít đã gọi vua Saolê và nói cho nhà vua biết ông không hề mang thù oán, không muốn trả thù nhà vua, ông trả lại nhà vua cây giáo và bình nước với sự kính trọng. Lý do Đavít không ra tay sát hại Saolê vì ông kính trọng nhà vua là Đấng đã được Chúa xức dầu. Ông nói: “Có ai ra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà được vô sự đâu?” Điều này cho thấy cái nhìn đức tin của Đavít. Mặc dù Saolê đang là kẻ truy sát ông, Saolê đang để cho sự ghen tị thù oán chiếm hữu và làm chủ mình, nhưng Đavít vẫn nhìn nơi Saolê là người được Chúa chọn. Đavít kính trọng Saolê không phải vì cá nhân ông ta nhưng vì là người của Chúa, vì lòng kính sợ Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu giải thích rõ hơn lý do tại sao chúng ta phải sống quảng đại và tha thứ đối với anh chị em: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Đây là một trong những nét nổi bật trong giáo lý của Chúa Giêsu. Sống trong một xã hội mà cách cư xử mắt đền mắt, răng đền răng, ăn miếng trả miếng, thì đòi hỏi này của chúa Giêsu quả là một bước đi thật dài và thật cao, là tiêu chuẩn đòi người môn đệ phải vượt qua. Thông thường, người ta có khuynh hướng yêu người mình yêu, thích người mình thích, xa tránh kẻ thù, nhưng ở đây Chúa đòi các môn đệ của Ngài phải có hành động chủ động và cụ thể hơn, đó là lấy ơn đáp lại oán, lấy yêu thương đáp lại ghen ghét, lấy tha thứ đáp lại sự thù hằn.
Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ của Ngài phải đi xa hơn thế nữa khi dạy rằng: Ai vả má bên này, thì giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì thì đừng đòi lại. Dạy những điều trên, Chúa không khuyến khích một lối sống nhu nhược, không làm ngơ trước bất công, nhưng Chúa muốn chúng ta không bao giờ dùng bạo lực để đáp lại bạo lực, không dùng thù oán đáp lại thù oán. Vì dùng bao lực đáp lại bạo lực, chỉ có thể gia tăng bạo lực. Cũng vậy, dùng thù oán đáp lại hận thù thì chỉ đào sâu và gia tăng sự thù oán mà thôi và nó là nguyên nhân đưa đến hủy diệt và giết chóc. Trái lại, khi dùng sự quảng đại và tha thứ để đối xử với nhau sẽ hóa giải được bạo lực và còn có thể chữa lành những tổn thương trong tâm hồn.
Lý do Chúa Giêsu đưa ra để giải thích cho những đòi hỏi của Ngài là: Vì chúng ta là môn đệ của Chúa và vì tất cả mọi người đều là con của Cha trên trời, là anh em với nhau. Vì thế, Chúa đòi chúng ta phải chủ động và tích cực đi bước trước trong việc tha thứ và trong cách cư xử quảng đại yêu thương với anh chị em chung quanh. Các nhà hiền triết trước đó như Khổng Tử chỉ yêu cầu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” có nghĩa là: nếu mình không muốn điều gì, thì đừng làm cho người khác. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chủ động hơn: “Điều gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm cho người khác như vậy”. Chúa Giêsu cho thấy đòi hỏi của Ngài vượt trên tất cả cách cư xử thông thường và vượt trên lời dạy của các tôn giáo khác: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân nghĩa, vì người tội lỗi cũng yêu thương người yêu thương họ. Nếu anh em chỉ làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì dân ngoại cũng vẫn làm như thế”. Dạy điều này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải dám sống khác với cách cư xử có qua có lại của người đời vì chúng ta là môn đệ của Chúa.
Lý do quan trọng hơn nữa, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết tại sao chúng ta phải cư xử tốt với nhau, quảng đại và tha thứ cho nhau, vì chúng ta là con Thiên Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là đấng nhân từ”. Thiên Chúa của chúng ta trước hết là một người Cha nhân từ hằng yêu thương ta và quảng đại tha thứ cho chúng ta. Vì thế, khi chúng ta cư xử với nhau bằng tình yêu và sự quảng đại, chúng ta không chỉ thể hiện lòng kính trọng Thiên Chúa là Cha, mà còn giúp chúng ta trở nên giống Thiên Chúa.
Mỗi người đều có kinh nghiệm về tình thương của Chúa, cảm nhận được Chúa yêu thương. Nhiều lần chúng ta sai lỗi, ngỗ nghịch chống lại Thiên Chúa, nhưng Chúa là Cha vẫn tha thứ cho chúng ta, Ngài không bao giờ kết án, nhưng chỉ biết yêu thương và tha thứ. Vì thế, chúng ta được mời gọi cư xử với nhau giống như Thiên Chúa đã đối xử với ta: “Đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Hãy cho, thì Thiên Chúa sẽ cho lại gấp trăm và đầy tràn. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.
Thưa quý OBACE, sống trong một xã hội đầy sự thù oán và bạo lực, người tín hữu dễ bị cám dỗ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Phim ảnh, sách báo ngày nay hầu như khuyến khích sự trả thù theo kiểu: “Quân tử trả thù mười năm cũng không muộn” nhiều hơn là những gương sống đẹp, sống cao thượng và tha thứ. Suy nghĩ này đang ảnh hưởng trên nhiều người chúng ta. Sống trong xã hội chộp giật, mánh khoé, gian dối, chúng ta cũng bị cám dỗ hành xử như vậy. Thực tế, nhiều người đã đánh mất sự bao dung trong cách sống, sử dụng bạo lực ngay trong gia đình, thiếu kiên nhẫn khi giải quyết các vấn đề, nhất là thiếu tình yêu thương, bác ái trong cách cư xử với những người mình không ưa, không thích. Trong tương quan xã hội, trên các trang mạng, nhiều người đã không dùng những lời lẽ thiện chí, mang tính xây dựng, những lời mang tính yêu thương của đạo để nói với nhau, trái lại họ dễ dàng sử dụng ngôn ngữ côn đồ, bạo lực để phê bình, ném đá nhau, gây tổn thương cho nhau. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc chúng ta xét lại cách sống và cách cư xử của mình đối với những người chung quanh. Là những người thuộc về Chúa Kitô, chúng ta phải dám sống khác với dòng chảy, xu thế, cùng những lôi kéo tầm thường của xã hội ngày nay. Chúng ta được mời gọi sống, cư xử với nhau bằng tình yêu thương thực sự, không giả dối; nhìn nhau theo cái nhìn của Chúa vì chúng ta đều là con của Chúa. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi mỗi ngày phải nên giống Thiên Chúa là Đấng nhân từ và quảng đại với hết mọi người, dù là những người ta yêu ta thích, những người thích ta yêu ta và cả những người ta không yêu không thích, những người không thích ta, không yêu ta nữa. Đòi hỏi này tuy khó, nhưng chúng ta có thể thực hiện được với sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Xin cho chúng ta biết bắt đầu thực hiện những đòi hỏi của Chúa hôm nay từ trong gia đình, đến hàng xóm láng giềng và những người chúng ta gặp mỗi ngày. Amen.
 
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây