Thứ sáu ngày 1-3 vừa qua bắt đầu tháng Thánh Giu-se. Có lẽ nhân đức Thinh lặng là nhân đức vượt trổi của thánh nhân, chúng ta cần noi gương bắt chước; đồng thời cũng là nhân đức mà Lời Chúa trong thánh lễ đòi chúng ta tập luyện.
Trong tập sách “Thần Học Thánh Giu-se”, cha Jefin Galot SJ viết : “Khi chỉ thuật lại sự cần thiết tối thiểu về ngài trong chuyện kể về Chúa giáng trần và thời thơ ấu của Chúa Giê-su, Tin Mừng phù hợp với đặc điểm chủ yếu trong nhân cách của ngài : Thánh Giu-se là con người của im lặng.
Sự kiện chúng ta không có bất cứ lời nào của ngài thật có ý nghĩa. Về Đức Ma-ri-a, chúng ta đã thu nhận được một vài câu nói ngắn ngủi, mang đầy ý nghĩa. Nhưng Tin Mừng không bao giờ cho chúng ta thấy thánh Giu-se mở miệng; và tất cả những gì Tin Mừng nói cho chúng ta biết đều cố gắng khiến chúng ta nghĩ rằng bằng một cách quen thuộc thánh Giu-se tự xóa bỏ mình một cách im lặng…
Là người cuả im lặng, thánh Giu-se vẫn là một giáo huấn sống đối với thời đại và thế giới chúng ta. Chắc chắn im lặng là một giá trị đối với bất cứ thời đại nào. Nhưng thời đại chúng ta nổi bật bởi vô số tiếng ồn ào và lời nói, do sự phát triển của những kỹ thuật truyền thông. Nhờ những kỹ thuật này, lời nói của con người lan tràn một cách dễ dàng hơn, và con người đối thoại với người đồng loại thường xuyên hơn.
Sự tiến bộ này có nhiều ưu điểm; tuy nhiên nó làm lan truyền sự giảm sút đời sống nội tâm. Một vài cuộc sống có nguy cơ biến mất trong những thỏa mãn bên ngoài mà những phát minh của thế giới hiện đại không tiếc cho trí tuệ và các giác quan.
Thánh Giu-se nhắc nhớ rằng người ta chỉ có thể đón nhận Chúa Ki-tô và mầu nhiệm của Người bằng sự thinh lặng. Chính sự im lặng này đã cho phép ngài cũng như Đức Ma-ri-a “lưu giữ trong trái tim” và “suy niệm” mầu nhiệm mà ngài chứng kiến (Lc 2,19.51)…
Thánh Giu-se yêu mến sự im lặng bởi vì ngài mong muốn thấy mình đối diện với Thiên Chúa. Ngài không sợ sự buồn chán của tình trạng đơn dộc, bởi vì bất cứ sự đơn độc nào đối với ngài cũng là sự hiện diện hiện của Chúa…
Ngài đã sống một cách tích cực cùng với Chúa Giê-su, ngài muốn lôi kéo chúng ta thưởng thức nhiều hơn bằng sự im lặng sự đồng hành của Thầy, Đấng đã muốn ở trong chúng ta. Chính Người mới là Đấng phải nói; chúng ta quá thường xuyên liều lĩnh làm át đi giọng nói của Người, và tự chúng ta không muốn lắng nghe Người. ..
Sự im lặng không làm bận bịu cuộc sống, nó góp phần vào việc phong phú hóa nội tâm. Sự tôn thờ, sự tán phục, tình yêu, sự đau khổ, niềm vui đã trở nên sâu sắc hơn trong tâm hồn thánh Giu-se bởi tỉ trọng mà sự im lặng của ngài ban cho chúng. Thay vì trở thành một tình trạng thiếu thốn sinh lực, sự im lặng này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hăng hái của một đời sống tinh thần hơn…
Sự im lặng là dấu chỉ của một sức sống cao cả, một trật tự khác. Người đàn ông này nói rất ít đã có thể suy nghĩ một cách hết sức sáng suốt…
Thánh Giu-se có thể dạy cho con người biết im lặng để yêu mến nhiều hơn.
(Thiện Hữu và Kim Ngân chuyển ngữ, Thần Học Thánh Giu-se, trang 127-132)
Bài đọc 1 : Bài đọc 1 ở trong sách Huấn Ca. Nhóm CGKPV đã giới thiệu sách Huấn Ca như sau : “Vừa là người có tinh thần cởi mở, ông Ben Xi-ra không ngần ngại tiếp thu những gì là tinh hoa dịch thuật của nền văn hóa mới. Tuy nhiên, hơn ai hết ông cũng rất ưu tư về tiền đồ Do Thái giáo và muốn đối phó với nguy cơ Hy Lạp một cách lâu bền và hữu hiệu. Để bảo vệ gia sản tôn giáo và văn hóa của dân tộc, không gì bằng trình bày, trong một tác phẩm, quan điểm đứng đắn về Thiên Chúa, về thế giới và về ơn gọi của Ít-ra-en , cho mọi người xác tín rằng với Bộ Luật mặc khải hàm chứa sự khôn ngoan đích thực, dân Do Thái chẳng có gì phải thèm khát chạy theo một nền văn minh ngoại giáo. Đó là mục tiêu ông Ben Xi-ra nhằm khi viết sách Huấn Ca… Với tầm nhìn xa thấy rộng, ông hiểu rõ dân tộc ông đang sống trong thời đại nào, và muốn bảo toàn điều cốt yếu phải biết nắm vững tình thế ra sao. Trong Huấn Ca, ông tổng hợp đạo lý cổ truyền với sự khôn ngoan chung của nhân loại mà ông đã đào sâu nhờ kinh nghiệm riêng. Huấn Ca là một tác phẩm cần thiết cho những người Do Thái muốn giữ nguyên căn tính của mình giữa một thế giới đang biến chuyển mau lẹ” (Kinh Thánh, ấn bản 2011, trang 1434).
Chúng ta đọc 4 câu của bài đọc 1, để thấy sự tai hại của “người lắm mồm mau miệng” :
Sàng rồi, trấu ở lại sàng
Nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay
Có thử lửa mới biết bình thợ gốm
Nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay
Xem quả thì biết vườn cây,
Nghe lời miệng nói, biết ngay lòng người
Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng
Muốn biết người phải nghe miệng nói năng (Hc 27,4-7).
Bài Tin Mừng : Thánh Phi-lip-phê Nê-ri sửa dạy một phụ nữ có tật nói xấu như sau : “Thánh nhân bảo chị hãy mua một con gà giết chết, rồi vừa đi vừa nhổ lông trên đường tới gặp ngài. Chị ta ngạc nhiên và làm như vậy. Tới nơi thánh nhân bảo :
Chị hãy trở về đường cũ và lượm hết các lông đó lại.
Người phụ nữ la lên :
Không thể được, vì gió thổi bay khắp chốn rồi.
Thánh nhân dạy :
– Những lời nói xấu vu oan cho người ta một khi ra khỏi miệng sẽ truyền từ tai này qua tai nọ. Chị có thể lấy lại được không ?
Còn Chúa thì dạy :
– “Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (Lc 6,42b).
Bài đọc 2 : Cuối bài đọc 2, thánh Phao-lô viết : “Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng : trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1Cr 15,58).
Ông William Barclay cắt nghĩa : “Đời sống Ki-tô hữu có thể khó khăn, nhưng mục đích của đời sống xứng đáng cứ chiến đấu mà vươn tới” (Dương Đình Tảo chuyển ngữ, 1 Thư gủi Tín Hữu Côrintô, trang 146).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành
Nguồn tin: tinvui.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn