Thứ sáu tuần 4 Mùa Chay.

Thứ năm - 04/04/2019 08:47

Thứ sáu tuần 4 Mùa Chay.

"Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người".

 

 

Lời Chúa: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta". Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Do lai của Chúa.

Không ai trong chúng ta đã chọn lựa được sinh ra; không ai trong chúng ta đã chọn lựa chủng tộc, cha mẹ, dân tộc để sinh ra. Nếu được chọn lựa để sinh ra một lần nữa, có lẽ đa số chúng ta sẽ chọn lựa cho mình một cuộc sống khác.

Thế nhưng, với Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài là người duy nhất trên trần gian đã chọn lựa cho mình tất cả để sinh làm người. Ngài đã chọn một người mẹ, một nơi sinh và những hoàn cảnh trong đó Ngài sẽ trưởng thành. Nếu phải chọn lại một lần nữa, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ không thay đổi cuộc sống ấy, một cuộc nghèo khổ, tăm tối. Dĩ nhiên, chúng ta không thể hiểu được hoàn toàn tại sao Chúa Giêsu đã chọn lựa một cuộc sống như thế.

Cuộc sống nào cũng là một mầu nhiệm. Cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người lại càng là một mầu nhiệm đối với chúng ta hơn. Vào thời Chúa Giêsu, đa số những người Do Thái đều có một suy nghĩ giống nhau về thân thế của Chúa Giêsu. Họ biết rõ Ngài là con bác thợ mộc Yuse, và Mẹ Ngài là bà Maria. Họ cũng biết rõ từ Nazaret không bao giờ có thể xuất phát một nhân vật tài ba nào cho dân tộc. Họ biết quá rõ về Ngài, nhưng chỉ biết theo sự hiểu biết và phán đoán của con người mà thôi.

Qua các thời đại, nhiều người đã tốn hao bút mực để viết về cuộc đời Chúa Giêsu. Đối với nhiều người, Ngài có thể là một vĩ nhân, một con người ý thức mình có sứ mệnh đặc biệt. Nhưng Ngài cũng chỉ là một người như mọi người, nghĩa là cũng sinh ra, sống một thời gian rồi cũng qua đi như mọi người. Trong khi đó, đối với kitô hữu, Chúa Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa. Họ tin ở lời Chúa như được ghi trong Tin Mừng hôm nay: “Ta không tự mình mà đến, nhưng có Đấng sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài và Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta”. Tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người chính là biết nhìn xuyên qua cuộc sống lam lũ tăm tối của Ngài để nhận ra quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cũng chính là nhận ra giá trị của cuộc sống âm thầm ấy như một thể hiện của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Chọn lựa cuộc sống nghèo hèn ấy và sau này tiếp tục sống thiết thân với những người cùng khổ bất hạnh, Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho chúng ta thấy phẩm giá cao cả của con người. Dù nghèo hèn đến đâu, mỗi người sinh ra trên đời cũng đều có giá trị cao cả bất khả nhượng. Chọn lựa cuộc sống nghèo hèn và chấp nhận cái chết thê thảm nhất, Chúa Giêsu cũng muốn nêu bật giá trị và ý nghĩa của cuộc sống con người. Cái nghèo hèn trở nên sự giầu sang, cái mất mát trở thành lợi lộc, cái yếu đuối trở thành sức mạnh mang lại sự sống.

Mùa chay, mùa của hoán cải, chúng ta được mời gọi thay đổi trước tiên cái nhìn của chúng ta. Tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận Ngài, là đi vào cái nhìn của Ngài. Mùa chay là mùa quay trở lại với anh em. Ước gì cái nhìn của chúng ta đối với anh em không dừng lại theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời, nhưng được mặc lấy ánh mắt tôn trọng, cảm thông, bao dung, tha thứ của Chúa. Ước gì cái nhìn của chúng ta về cuộc sống không đóng khung trong những phán đoán thông thường của người đời, nhưng được hướng dẫn bởi những tâm tình tin tưởng, phó thác, lạc quan của chính Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Tin nhận Chúa Giêsu

Sự cứng lòng của những người Do Thái không tin đã nhốt kín họ trong những định kiến mê muội đối với những hành động khẳng khái của Chúa Giêsu. Thay vì khách quan đặt lại vấn đề để tìm ra nguyên do nào đã thúc đẩy Chúa hành động bất chấp nguy hiểm như thế, họ chỉ một mực bưng tai bịt mắt khư khư giữ lấy lập trường riêng của mình. Họ đem lòng dạ quanh co xấu xa của họ ra xét đoán tha nhân và những sự việc xảy ra chung quanh. Họ không nhận ra được sự thật mà Chúa Giêsu đã mang đến; cũng không nhìn thấy hình ảnh của Ðấng Thiên Sai nơi Chúa Giêsu. Thật ra, đó chỉ là những hình ảnh thô thiển do cái nhìn chủ quan của họ tạo ra. Còn Ðấng Cứu Thế đích thực đang đứng trước mặt họ thì họ lại khước từ.

Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi sự mù quáng tinh thần, nhất là đừng để con vì những lợi lộc ích kỷ mà xa Chúa, hay tệ hại hơn chống đối và từ bỏ Chúa. Xin thương mở rộng tâm hồn và đôi mắt con cho con được nhìn ra Chúa. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của con để con biết tôn trọng và lắng nghe tiếng Chúa nơi tất cả mọi người con gặp hàng ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Các ông biết Tôi ư?

Lúc giảng dạy trong đền thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng:

“Các ông biết tôi ư?

các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?

Tôi đâu có tự mình mà đến.

Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật.

Các ông, các ông không biết Người.

Phần tôi, tôi biết Người,

Bởi vì tôi từ nơi Người mà đến

Và chính Người đã sai tôi,”(Ga. 7, 28-29)

Đây là một trong những điều chúng ta khó tin Đức Kitô: Chúng ta biết Người. Chúng ta biết lý lịch của Người theo khía cạnh nhân loại. Chúng ta biết chỗ sinh ra, cha mẹ và những nơi Người đã sống. Đấy là cái khó mà những người đồng thời của Chúa gặp phải: “Ông này chúng ta biết xuất thân từ đâu rồi. Còn Đấng Kitô khi Ngài đến thì chẳng ai biết Ngài xuất thân từ đâu cả”. Trước sự phản đối này, Đức Kitô đáp: “Tôi không tự mình mà đến: Đấng đã sai Tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Ngài!”.

Và Đức Kitô đòi chúng ta phải tin vào Người. Người có quyền đòi chúng ta tin vì Người thuộc phạm vi Thiên Chúa mà chúng ta không biết, nếu không có đức tin, không có lời Người.

Tính cách lưỡng diện này của Đức Kitô: vừa là loài người, vừa là Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta biết thế, nhưng cái gì ngăn cản chúng ta tin vào Người, cậy trông Người?

Nếu dừng lại một lát, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Chúng ta biết rất ít về Đức Kitô, dù sau khi đã được Phúc âm mặc khải cho chúng ta. Điều chúng ta biết về Người là giáo huấn Người để lại cho chúng ta. Và giáo huấn đó thì quá giản dị, quá trong sáng, quá là là mặt đất đến nỗi làm chúng ta hơi thất vọng, nếu chúng ta đòi Người làm những điều phi thường! Những điều mà như chúng ta nghĩ sẽ có thể thành công dễ dàng nếu có một chút can thiệp siêu việt, siêu phàm của Thiên Chúa. Đây chính là phạm vi Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải sống để khám phá và phát triển trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta lại từ chối.

Đức Kitô nhắc nhở chúng ta không phải chỉ biết Người theo phạm vi loài người mà chính là theo phạm vi Thiên Chúa, như chúng ta, không phải chỉ sống theo khía cạnh là người này phải làm lụng vất vả để kiếm bánh ăn mỗi ngày: bánh cho xác, bánh cho con tim, cho trí óc mà còn cần thứ khác siêu việt hơn. Thứ khác đó thuộc phạm vi đức tin mà chúng ta phải khám phá. Thứ khác đó chính là Đức Kitô, Người đang sống trong chúng ta. Chính là ơn thánh, chân lý mầu nhiệm mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, Người an ủi chúng ta, không vượt xa mà hoàn toàn ở trong chính chúng ta.

J.M

 

SUY NIỆM 4: CÓ ĐỨC, CÓ TÀI VÀ CÓ HẠNH (Ga 7, 1-2; 25-30)

Hôm nay, Đức Giêsu trở lại Galilê vào một dịp Lễ Lều của người Do Thái.

Lễ Lều là một trong những lễ mà người Do Thái coi trọng, vì thế nó đã trở thành luật buộc đối với họ. Mục đích của Lễ Lều là tạ ơn Chúa sau vụ mùa, nhất là sau mùa hái nho. Tạ ơn Chúa vì Chúa cho vụ mùa bội thu. Hai là dịp nhắc cho con cháu nhớ lại những năm tháng ngược xuôi dòng rã trong sa mạc trước khi vào đất hứa. Họ thường mang những hoa màu ruộng đất do công khó của mình làm nên để tạ ơn và cầu xin cho vụ mùa tiếp theo được mưa thuận gió hòa.

Nhân dịp này, Đức Giêsu xuất hiện, và chẳng mấy chốc, Ngài đã lên tiếng giảng dạy trong đền thờ. Sự kiện Ngài xuất hiện đã làm cho dân chúng không khỏi ngạc nhiên và bàn tán xôn sao vì đã trở thành cái gai trong mắt những nhà lãnh đạo.

Tại sao biết bao nhiêu lời chứng mà Đức Giêsu đã trưng dẫn cho họ về Ngài mà họ cũng không tin? Nào là Gioan tiền hô; Thiên Chúa Cha; Kinh Thánh... Rồi đến ngay cả những việc Ngài làm minh định điều đó mà họ vẫn không tin.

Thưa! Đơn giản vì cái tôi của họ quá lớn. Họ tự tôn là thành phần đặc quyền đặc lợi, ưu tuyển, nên không thể chấp nhận được giáo huấn cũng như bản tính thần linh của Đức Giêsu. Ngược lại, họ đã kết tội Đức Giêsu, cái tội mà chắc chắn sẽ chết, đó là nói lộng ngôn, phạm thượng. Là kẻ phản loạn, không giữ luật ngày Sabát... Chính vì tâm trí họ ra mù quáng mà sự hiện diện và lời dạy của Đức Giêsu không hề thức tỉnh lương tâm của họ.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng thấy không ít người có tâm tưởng như những người Do Thái, Họ học hỏi Kinh Thánh, giáo lý không phải vì lòng yêu mến và mong muốn được biến đổi cho bằng học để biết rồi sinh ra chê bai, trách móc và tự kiêu... hoặc đôi khi học để rồi tìm cách bách hại lại những người tin Chúa!

Những não trạng mù quáng ấy đôi khi lại là lựa chọn của mỗi chúng ta khi chúng ta tách rời hiểu biết ra khỏi cuộc sống.

Như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì: “Có học mà không hạnh là kẻ ác”; “Có hạnh có đức mà không có học là đần”.

Mong sao, chúng ta “có tài, có đức, có hạnh” trong việc giữ đạo và sống đạo trong thế giới hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Giờ của Người chưa đến

Suy niệm :

Lễ Lều là một đại lễ hàng năm qui tụ đông đảo dân chúng lên Đền thờ.

Đây là một lễ rất vui, kéo dài cả tuần (Lv 23, 34-36).

Mục đích chính là để tạ ơn Chúa vì hoa trái mùa màng Ngài ban,

và còn để nhớ lại tình thương Chúa trong thời gian 40 năm đi trong hoang địa.

Lễ Lều là một lễ hội tưng bừng và long trọng bậc nhất.

Những người tham dự cắm trại trong các lều làm bằng cành lá,

được dựng trên mái nhà, gần nhà hay ngoài đồng.

Mỗi buổi sáng có lễ rước nước từ hồ Silôam để rưới lên bàn thờ.

Mỗi tối, tiền đình phụ nữ nơi Đền thờ rực rỡ ánh nến và vang tiếng múa hát.

Đức Giêsu đã không muốn bỏ qua lễ hội này,

dù lên Đền thờ Giêrusalem bây giờ thật là nguy hiểm đến tính mạng,

vì người Do thái, nghĩa là giới lãnh đạo Do thái giáo, đang tìm cách giết Ngài.

Đức Giêsu đã chọn giải pháp lên Đền thờ một cách kín đáo (c.10).

Nhưng vào giữa kỳ lễ, Ngài đã giảng dạy công khai, không chút sợ hãi (c. 14).

Đức Giêsu dám đối mặt với thế lực đang đe dọa Ngài.

Ngài bình tĩnh giảng ngay nơi Đền thờ,

trước những thượng tế, những người Pharisêu, và dân cư ngụ ở Giêrusalem.

Họ chẳng dám làm gì Ngài, vì giờ của ngài chưa đến (c. 30).

Xảy ra cuộc tranh luận giữa Ngài với dân cư ngụ ở Giêrusalem.

Chẳng có chút thiện cảm nào với Ngài, họ chỉ muốn làm hại Ngài.

Họ tin vào điều này một cách vững chắc :

“Khi Đấng Kitô đến, chẳng ai biết Người đến từ đâu” (c. 27).

Nguồn gốc của Đấng Kitô, đối với họ, phải là một điều bí ẩn.

Họ không tin Đức Giêsu là Kitô, bởi lẽ họ “biết ông này đến từ đâu.”

Chắc họ đã nghĩ Đức Giêsu là dân vùng Nazareth,

làm nghề thợ mộc, sống với cha mẹ là Giuse và Maria.

Tự hào về cái biết đúng nhưng không đủ ấy của họ,

đã khiến họ ngừng lại nơi nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu.

Đức Giêsu thật là Đấng Kitô.

Và đúng như dân Giêrusalem đã tin, nguồn gốc của Ngài thật không dễ biết.

Đức Giêsu biết nguồn gốc của mình.

Ngoài gốc nhân loại, Ngài còn gốc thần linh, gốc từ trời.

Ngài không tự mình mà đến, nhưng từ Thiên Chúa chân thật mà đến.

Ngài xuất thân từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đi (cc. 28-29).

Dân Giêrusalem không thấy được trọn vẹn con người Đức Giêsu.

Họ đã giết Đấng Kitô đang ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác.

Làm sao tôi có thể nhận ra Đức Kitô cao cả

đang ở bên những người tầm thường tôi gặp mỗi ngày ?

 

Cầu nguyện :

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ thất vọng đến hy vọng,

từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an

trong trái tim chúng con,

trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. Amen. (Thánh Têrêxa Calcutta)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

1. “Tin” điều không “thấy”

Những người đương thời của Đức Giê-su chờ đợi một Đấng Ki-tô mà họ không biết xuất thân từ đâu, có nghĩa là từ trên trời rơi xuống, không có cha, không có mẹ, không dòng họ, không quê hương dân tộc chi cả. Họ muốn có một Đức Kitô “từ trời xuống”!

Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi;
còn Đấng Ki-tô, khi Người đến
thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả. 
(c. 27)

Đúng là Đức Kitô xuất phát từ Thiên Chúa, như Ngài nói: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (c. 29), và như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Ngài đã từ trời xuống thế”. Nhưng không ai “thấy” được Đức Ki-tô từ trời xuống, từ Thiên Chúa mà đến, tất cả mọi người xưa cũng như nay được mời gọi “tin” thôi, chúng ta tin điều chúng ta không thấy, đơn giản là vì là đối tượng của lòng tin, thì không thể thấy được. Như khi chúng ta không thể thấy hết mọi điều thuộc về một ngôi vị con người, và mãi mãi không thể thấy hết, nhưng chúng ta vẫn tin, vẫn chọn, vẫn mến, vẫn yêu. Bởi lẽ, một ngôi vị không thể giản lược vào những gì được thể hiện và càng không thể giản lược vào những gì người khác biết.

Như những người đương thời của Đức Giê-su, chúng ta “thấy”, nghĩa là biết một cách khách quan, Đức Giê-su được sinh ra và lớn lên trong một gia đình và một dân tộc, nhưng mọi người được mời gọi tin rằng Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa. Và niềm tin này không phải là cả tin hay tin mù quáng, vì niềm tin này đến từ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô như các môn đệ xưa, nhất là môn đệ Gioan: Ngài là Đức Giê-su Nazareth, nhưng chúng ta nghe, cảm nếm và “đụng” được Lời của Ngài, ngôi vị của Ngài như là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Lương Thực hằng sống, là Sự Sống, là Ánh Sáng, là Sự Thật và là Đường Đi dẫn đưa về Thiên Chúa cội nguồn và cùng đích của mọi sự.

 2. Thập Giá dẫn đến lòng tin

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, ở câu đầu và câu cuối, được đánh dấu thật rõ bởi mầu nhiệm Thập Giá:

Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê;
thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê,
vì người Do-thái tìm giết Người. 
(c. 1)

Bấy giờ họ tìm cách bắt Người,
nhưng chẳng có ai tra tay bắt,
vì giờ của Người chưa đến. 
(c. 30)

Vì thế, chúng ta được mời gọi đọc hiểu bài Tin Mừng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá trong tương quan với lòng tin: “Thập Giá làm cho tin”, như Pascal nói. Thật vậy, những người đương thời, và con người thuộc mọi thời đại, trong đó có chúng ta hôm nay, chỉ thấy “Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”, bởi vì Người đã thực sự bị bắt, bị kết án và bị hành hình; và thập giá trên đó Người bị đóng đinh, hiện hiện và được giương cao ở khắp nơi và trong mọi thời. Thấy thập giá của Đức Kitô, nghĩa là chúng ta sẽ thấy sự sỉ nhục và điên rồ, nhưng chúng ta lại tin, như thánh Phaolô nói, đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta tin Đức Giêsu chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa, là Khuôn Mặt đích thật của Thiên Chúa, và là chính Sự Sống của Thiên Chúa. Bởi vì, Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa.

Chính vì thế, trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vậy, chúng ta hãy nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:

  • Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
  • Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.
  • Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.
  • Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.

Nghi ngờ Thiên Chúa là nọc độc của Con Rắn đã gieo vào lòng con người ngay từ nguồn gốc sự sống (St 3, 1-7; và Ds 21, 4-9), nhưng được chữa lành tận căn bằng Thập Giá, bởi vì thập giá diễn tả tình yêu đến cùng Thiên Chúa.

3. Đức tin và sự sống

Tin điều không thấy, đó cũng chính là cách sống đức tin hôm nay, thay vì đòi thấy những điều lạ lùng mới chịu tin[1]; thay vì chạy theo những điều ngoại thường, những phép lạ, chúng ta được mời gọi khám phá ra:

  • Những điều lạ lùng ngay trong những điều bình thường của ngày sống. Những ơn huệ nơi những gì chúng ta là và chúng ta nhận được trong cuộc đời và từng ngày sống.
  • Sự hiện diện của Chúa, kín đáo nhưng rất mạnh mẽ, nơi các biến cố trong cuộc đời.
  • Cách Chúa dẫn đưa trong hành trình cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, ngang qua những khó khăn, thách đố, mất mát thua thiệt.

Nếu chúng ta không tin Thiên Chúa hằng sống mạnh hơn sự chết, như người Do Thái xưa và như bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan nói, tất yếu chúng ta sẽ bị Sự Dữ gieo nọc độc quên ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị và đẩy tới những hành động của bóng tối sự chết.

Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào…
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm. 
(Kn 2, 17-20)

Lời nhạo báng này còn có một tầm mức nghiêm trọng hơn: dùng ngôn ngữ đức tin: “Thiên Chúa viếng thăm”, nhưng hoàn toàn không có đức tin. Đó là thứ ngôn ngữ trống rỗng, biểu hiện sự trống rỗng chết chóc nơi nội tâm của con người. Như thế, những lời nhạo báng mà chúng ta nghe chất đầy những hiểm họa.

Thực vậy, từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Người nào không tin vào sự sống, thì chẳng mấy chốc người ta sẽ đưa ra những bằng chứng của sự chết, đó là cung cánh sống, những hành động và rốt cục là chính bản thân người đó hướng về sự chết, và thuộc về sự chết (x. Kn 1, 16 – 2, 24).

*  *  *

Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta sẽ chiêm ngắm trong Tuần Thánh sẽ làm sáng tỏ và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ, như thế: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Đó là không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như nó đã làm ở ngay khởi đầu trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

 

Giờ Người chưa đến

 Friday (April 05): His hour had not yet come

 

Gospel Reading:  John 7:1-2, 10, 25-30

1 After this Jesus went about in Galilee; he would not go about in Judea, because the Jews sought to kill him. 2 Now the Jews’ feast of Tabernacles was at hand. 10 But after his brothers had gone up to the feast, then he also went up, not publicly but in private. 25 Some of the people of Jerusalem therefore said, “Is not this the man whom they seek to kill? 26 And here he is, speaking openly, and they say nothing to him! Can it be that the authorities really know that this is the Christ? 27 Yet we know where this man comes from; and when the Christ appears, no one will know where he comes from.” 28 So Jesus proclaimed, as he taught in the temple, “You know me, and you know where I come from? But I have not come of my own accord; he who sent me is true, and him you do not know. 29 I know him, for I come from him, and he sent me.” 30 So they sought to arrest him; but no one laid hands on him, because his hour had not yet come.

Thứ Sáu     05-04               Giờ Người chưa đến

 

Ga 7,1-2.10.25-30

1 Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.2Lễ Lều của người Do-thái gần tới. 10 Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. 25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao?26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô?27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.”28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người.29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Meditation: 

 

What can hold us back from doing the will of God? Fear, especially the fear of death and the fear of losing the approval of others, can easily rob us of courage and the will to do what we know is right. Jesus met opposition and the threat of death with grace and determination to accomplish his Father’s will. Jesus knew that his mission, his purpose in life, would entail sacrifice and suffering and culminate with death on the cross. But that would not be the end. His “hour” would crush defeat with victory over sin and Satan, condemnation with pardon and freedom, and death with glory and everlasting life. 

Jesus offered up his life for us to restore us to friendship with God

He willingly suffered for our sake and embraced the cross to redeem us from sin and to restore us to new life and friendship with God our Father.

Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) wrote:

“Our Lord had the power to lay down his life and to take it up again. But we cannot choose how long we shall live, and death comes to us even against our will. Christ, by dying, has already overcome death. Our freedom from death comes only through his death. To save us Christ had no need of us. Yet without him we can do nothing. He gave himself to us as the vine to the branches; apart from him we cannot live.”

 

 

No one can be indifferent with Jesus for very long. What he said and did – his miraculous signs and wonders – he did in the name of God. Jesus not only claimed to be the Messiah, God’s Anointed One – he claimed to be in a unique relationship of sonship with God the Father and to know him as no one else did. To the Jews this was utter blasphemy. The religious authorities did all they could to put a stop to Jesus because they could not accept his claims and the demands he made.

 

Jesus alone can set us free from the power of sinful pride, rebellion, and fear

 We cannot be indifferent to the claims which Jesus makes on us. We are either for him or against him. There is no middle ground. We can try to mold the Lord Jesus to our own ideas and way of thinking or we can allow his word of truth to free us from our own sinful blindness, stubborn pride, and ignorance. Do you accept all that Jesus has taught and done for you with faith and reverence or with disbelief and contempt? The consequences are enormous, both in this life and in eternity.

 

“Eternal God, who are the light of the minds that know you, the joy of the hearts that love you, and the strength of the wills that serve you; grant us so to know you, that we may truly love you, and so to love you that we may fully serve you, whom to serve is perfect freedom, in Jesus Christ our Lord.” (Prayer of Saint Augustine)

 

Suy niệm:

 

Điều gì có thể níu kéo chúng ta không thực hiện ý Thiên Chúa? Sự sợ hãi, đặc biệt sợ hãi cái chết, có thể dễ dàng cướp khỏi chúng ta lòng can đảm và ý chí để thực hiện những gì chúng ta biết là đúng đắn. Ðức Giêsu đã nhìn sự chống đối và sự đe doạ của cái chết với ơn sủng và sự quyết tâm hoàn thành ý Cha. Ðức Giêsu biết rằng sứ mệnh, mục đích của mình trong cuộc đời, sẽ đòi hỏi sự hy sinh và đau khổ và lên tới cực điểm với cái chết trên thập giá. Nhưng đó chưa phải là hết. “Giờ” của Người sẽ đè bẹp sự thất bại với chiến thắng, sự kết án với tha thứ và giải thoát, và cái chết với sự sống vinh quang và vĩnh cửu.

 

Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình cho chúng ta để phục hồi cho chúng ta tình bằng hữu với TC

Người sẵn sàng chịu đau khổ và đi tới thập giá vì chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và phục hồi mối quan hệ của chúng ta với Chúa Cha.

Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) nói:

 

“Chúa chúng ta có quyền hiến mạng sống mình và lấy nó trở lại. Nhưng chúng ta không thể chọn lựa mình sẽ sống bao lâu, và cái chết đến với chúng ta thậm chí trái với ý chúng ta. Qua cái chết, Đức Kitô đã chiến thắng cái chết rồi. Sự giải thoát của chúng ta khỏi cái chết chỉ đến ngang qua cái chết của Người. Để cứu chúng ta, Đức Kitô không cần đến chúng ta. Nhưng không có Người, chúng ta sẽ không thể làm được gì. Người hiến mình cho chúng ta như cây nho với các nhành nho; tách lìa Người, chúng ta không thể sống được”.

Không ai có thể dửng dưng với Ðức Giêsu lâu được. Những gì Người đã nói và làm – những dấu lạ điềm thiêng – Ngài đã làm nhân danh Thiên Chúa. Ðức Giêsu không chỉ tuyên bố mình là Đấng Mêsia, Đấng được tuyển chọn của Thiên Chúa. Người còn tuyên bố Người ở trong mối quan hệ duy nhất với Thiên Chúa và hiểu biết Người như không ai khác làm được. Đối với người Dothái điều này là sự phạm thượng hoàn toàn. Các nhà cầm quyền tôn giáo đã làm mọi sự để có thể ngăn chận Ðức Giêsu bởi vì họ không thể tiếp nhận những lời tuyên bố của Người và những lệnh truyền Người đưa ra.

Chỉ có Đức Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội kiêu ngạo, nổi loạn, và sợ hãi

Chúng ta không thể dửng dưng với những lời tuyên bố mà Ðức Giêsu nói với chúng ta. Một là chúng ta ủng hộ Ngài, hai là chúng ta chống lại Người. Không có phe trung lập. Chúng ta có thể cố gắng đúc nặn Ðức Giêsu theo ý thích của chính mình, hay chúng ta có thể để cho lời Người giải thoát chúng ta khỏi sự ngu dốt, tính kiêu ngạo bướng bỉnh, và sự lừa dối của chính mình. Bạn có tiếp nhận tất cả những gì Ðức Giêsu đã nói và làm cho bạn với niềm tin và lòng tôn kính hay với sự vô tín và coi thường? Những hệ quả thì rất nhiều, cả đời này lẫn đời sau.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng là ánh sáng của tâm trí để nhận biết Chúa, là niềm vui của những tâm hồn yêu mến Chúa, và là sức mạnh của những ý chí phụng sự Chúa; xin ban ơn cho con để nhận biết Chúa, để con có thể thật sự yêu mến Chúa, và yêu mến Chúa đến nỗi chúng con có thể phụng sự Chúa cách trọn vẹn, để phụng sự Chúa với sự tự nguyện hoàn hảo, chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Augustine)

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây