Thứ ba tuần 4 Mùa Chay.
"Tức khắc người ấy được lành bệnh".
Lời Chúa: Ga 5, 1-3a. 5-16
Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa "Chiên", có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm.
Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: "Anh muốn được lành bệnh không?" Người đó thưa: "Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi". Chúa Giêsu nói: "Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về". Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: "Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng". Anh ta trả lời: "Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: "Vác chõng mà đi". Họ hỏi: "Ai là người đã bảo anh "Vác chõng mà đi?" Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.
Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: "Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước". Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.
Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.
SUY NIỆM 1: Chữa Người Bất Toại
Cuốn phim Mỹ với tựa đề: “Cái chết của một thiên thần” mang một ý nghĩa sâu sắc. Tại một vùng quê hẻo lánh bên Nam Mỹ, nơi mà lòng đạo đức bình dân thường pha trộn những mê tín dị đoan, một thanh niên nọ đã ngụy tạo ra một phép lạ thu hút được rất nhiều người. Anh lén rạch da lấy máu mình và cho vào tượng Thánh giá mà chỉ anh mới biết cách tháo ráp. Mỗi lần anh ôm Thánh giá vào lòng thì máu từ mão gai của tượng chảy ra. Dân chúng từ khắp nơi, nhất là những kẻ tàn tật, mù lòa đổ vào để chứng kiến phép lạ. Đoàn người làm thành một đám rước Thánh giá lên trên một ngọn đồi, tại đó người thanh niên quỳ cầu nguyện bên cạnh Thánh giá và máu lại chảy ra từ mão gai trên đầu Chúa.
Trong khi phép lạ ngụy tạo này diễn ra mỗi ngày, thì một đám người bất lương muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền. Họ biết chắc đây chỉ là một sự lừa bịp, nhưng họ chưa khám phá được bí quyết của người thanh niên. Sau một thời gian theo dõi, họ đã bắt giữ người thanh niên và tra khảo anh khai ra bí mật ấy. Không chịu nổi cuộc tra tấn, người thanh niên đành thú nhận sự thật và đó cũng là lúc khởi đầu của những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời anh. Trước đám đông đang chuẩn bị cuộc rước, người thanh niên tháo gỡ tượng Chúa Giêsu khỏi Thánh giá và cho mọi người thấy sự lường gạt của anh từ bao năm qua. Với tất cả thành tâm thống hối, anh vác Thánh giá tiến lên đồi. Đám người bất lương bắn xối xả vào người anh, anh ngã gục, nhưng đoàn người lại tiếp tục vác Thánh giá lên đồi, nhiều người tàn tật, mù lòa bỗng cảm thấy được chữa lành.
Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta nhận ra phần nào sứ điệp mà Mẹ Giáo Hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay. Đám đông trong câu chuyện trên chờ đợi những dấu lạ từ pho tượng của Chúa Giêsu, nhưng dấu lạ lại chỉ xảy đến chính lúc họ biết khước từ những hiện tượng bên ngoài ấy để nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu trên Thánh giá và thông hiệp vào chính cuộc khổ nạn của Ngài.
Phép lạ xảy ra cho người bất toại trong Tin Mừng hôm nay có thể là hình ảnh của lòng tin cần được thanh luyện. Từ 38 năm qua, con người tàn tật này chờ một phép lạ, nhưng một phép lạ gắn liền với một hiện tượng bên ngoài là nước hồ lay động đã không bao giờ xảy đến. Chỉ khi người tàn tật này gặp gỡ Chúa Giêsu, xưng thú nỗi bất lực của mình, và tin tưởng ở lời Ngài, thì lúc đó phép lạ mới thực sự được thực hiện.
Ngày nay, để cảm nhận được phép lạ của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần vượt qua não trạng chỉ chờ đợi những hiện tượng khác lạ trong thiên nhiên. Người ta thích đổ xô tới nơi có hiện tượng lạ thường. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp. Thiên Chúa đã thực hiện điều đó. Thế nhưng điều quan trọng cho đức tin chúng ta không phải là những hiện tượng khác thường ấy, mà là chính sự gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Gặp gỡ Ngài, tin ở lời Ngài, kết hiệp với Ngài nhất là trong mầu nhiệm khổ nạn, con người mới cảm nhận được tác động của Ngài.
Mùa chay là mùa của thanh luyện. Giáo Hội mời gọi tín hữu kết hiệp với Đức Kitô Tử nạn bằng cách sống tâm tình tin tưởng phó thác của Ngài, nhờ đó niềm tin của họ được thanh luyện và họ sẽ cảm nhận được tình yêu của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Ðừng phạm tội nữa
Việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát là một trong những nguyên nhân khiến cho người Do Thái tức tối. Họ chống đối Chúa ra mặt. Thậm chí còn muốn trừ khử Ngài cho rảnh mắt.
Trong bài Tin Mừng trên đây, chúng ta thấy có ba tuyến nhân vật: một là Chúa Giêsu, hai là người mắc bệnh nan y, và ba là những người Do Thái.
Hôm nay chúng ta đặc biệt lưu ý đến thái độ của người Do Thái và thái độ của Chúa Giêsu. Nhìn vào thái độ của người Do Thái, chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có quá cứng nhắc trong các nguyên tắc, các luật lệ, đến độ vô cảm trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh hay không, chúng ta có lên án những người vì phục vụ lợi ích của anh chị em đồng loại mà làm những việc có vẻ như bất chấp luật lệ hay không. Phản ứng nông cạn của những người Do Thái trong bài đọc trên đây là một lời nhắc nhở để chúng ta nhớ lại cung cách sống của mình trong các tương quan với kẻ khác. Chúng ta đừng để mình rơi vào trường hợp đáng buồn như những người Do Thái.
Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể xét mình theo thái độ của mình đối với anh chị em. Chung quanh chúng ta không bao giờ thiếu những người bất hạnh. Họ đau khổ trước nỗi bất hạnh của mình và chờ mong một ai đó chia sẻ nỗi khổ với họ. Con tim chúng ta có đủ can đảm để nhận ra tình cảnh khốn khổ của anh chị em mình hay không? Lời và việc làm của chúng ta có mang theo đủ tình thương để xoa dịu nỗi đau khổ của họ hay không? Chúng ta có đủ can đảm và quảng đại vượt qua những trở ngại bên ngoài để giúp đỡ người ấy ra khỏi tình cảnh khốn khó của họ hay không? Hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta can đảm dấn thân chia sẻ nỗi đau khổ với anh chị em chung quanh.
Lạy Chúa, xin cho con học được những bài học thiết thực khi suy niệm bài Tin Mừng của ngày hôm nay. Xin cho con biết kiên trì hy vọng lúc gặp đau khổ, biết lưu tâm chia sẻ những nỗi đau khổ của những người khác và biết uyển chuyển linh động khi đáp ứng những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Người hay chữa bệnh ngày sa-bát
Đức Giêsu bảo: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng và bước đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và bước đi.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!” (Ga. 5, 8-10)
Một lần nữa chứng tỏ một điều chắc chắn này: Xưa kia luật lệ con người rất khó thay đổi, và hầu như không cải tiến được, vì nó ăn sâu vào bản tính nhân loại. Ngay cả ngày nay cũng vậy, người ta gắn bó với nhiều luật lệ từng chi tiết và trở thành một thứ hình thức cực đoan, đến nỗi bị tiêu diệt vì luật lệ. Chúng ta có dám phản đối lối giữ luật nô lệ đó không? Chừng nào chúng ta mới được soi sáng, chừng nào chúng ta mới sống theo tinh thần của luật và không theo lối từ chương lệ cổ, ước chi lòng thành tâm làm cho chúng ta phải sống thế nào cho cân xứng. Sự gắn bó với những điều phụ thuộc làm cho chúng ta mù quáng về những điều cốt yếu. Những người Do thái giữ ngày Sa-bát thời Đức Kitô cũng vậy.
Đây trong một ngày Sa-bát, họ thấy người vác chõng. Mọi người đều biết anh là kẻ bị tê liệt lâu năm nằm ở hành lang hồ Bết-đa-tha. Người ta không biết ngạc nhiên, trong chốc lát, anh đã đi được. Sự lạ lùng nào đã xảy ra cho anh, sao anh đã được khỏi? Nhưng người ta chỉ chú ý đến việc anh vác chõng xúc phạm đến luật nghỉ lễ ngày Sa-bát: một gương mù quá tệ, bất trung chừng nào, ai dám xúc phạm lề luật? Chính ông Giêsu đó, loại người Na-gia-rét chẳng có gì tốt cả, nhưng dám làm nổ tung luật lệ, dám cho mình là Con Thiên Chúa, cho mình bằng Thiên Chúa, còn gọi Thiên Chúa là Cha riêng của mình.
Người Do thái không quan tâm tìm hiểu chân lý đó, mặc kệ chân lý! Họ chỉ biết có luật và mù quáng trung thành giữ luật thôi.
Kêu gọi chúng ta đừng bỏ ngày Chúa nhật để đi tìm thú vui bỉ ổi, chúng ta phải thấy rõ sự cần thiết làm vinh danh Chúa. Còn một cách giữ ngày Sa-bát nữa là yêu thương người lân cận, tuy luật không nói tới, nhưng tình yêu tha nhân là bằng chứng lòng yêu mến Thiên Chúa, đức thờ phượng và lời cầu nguyện của chúng ta.
Đoạn Tin mừng này kêu gọi chúng ta về trách nhiệm đối với anh em mình, họ đang cần chúng ta. Thường người ta tự hỏi sao ngày Chúa nhật không được sống thoải mái! Nhưng ta lại không tự hỏi: Tại sao không dùng ngày Chúa nhật để thực hiện tình bác ái, giúp đỡ bệnh nhân và kẻ nghèo khó, đi dâng lễ. Đó là những cách nhỏ bé chúng ta có thể để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày của Ngài.
J.M
SUY NIỆM 4: “ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA” (Ga 5, 114)
Nếu nói đạo là con đường, thì đạo Công Giáo là con đường dẫn đến sự thật. Sự thật đó là tình yêu. Vắng tình yêu, đạo Công Giáo không còn là con đường và đương nhiên không phải là đạo đúng nghĩa!
Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã đề cao tinh thần sống đạo hơn là việc giữ đạo. Việc bề ngoài chỉ có ý nghĩa khi nó được tình yêu từ bên trong tâm hồn thúc bách. Bằng không, nó chỉ là một sự phù phiếm, mê tín mà thôi.
Hôm nay, Đức Giêsu đã vì tình yêu, mà Ngài vượt lên trên lề luật để cứu chữa một người ốm đã ba mươi tám năm.
Tuy nhiên, chính trong hành động yêu thương này mà Đức Giêsu bị những người Dothái không ưa chống đối. Họ cho rằng Đức Giêsu đã không tuân giữ lề luật và thường xuyên vi phạm ngày Sabát.
Đối với Đức Giêsu, luật vì con người chứ không phải con người vì luật. Hơn nữa, khi Đức Giêsu chữa anh này khỏi bệnh thì đồng thời Ngài cũng chữa anh khỏi những hệ lụy của nó mà người ta thường gán cho là tội. Không dừng lại ở đó, Ngài còn nhắc cho anh biết là hãy vác chõng mà về và đừng phạm tội nữa.
Vác chõng là việc anh phải làm để chu toàn bổn phận của chính mình. Đừng phạm tội là lời nhắc cho anh về việc từ nay anh đã được giải thoát khỏi tội và anh đã được thuộc về Chúa. Ngài đã tẩy rửa tâm hồn và thân xác anh sạch thì anh phải lo giữ nó, kẻo trở thành khốn khổ khi bệnh tình tái phát. Tội ở đây có ý muốn nói đến ảnh hưởng của sự dữ, thuộc về Ma Quỷ.
Mùa Chay là cơ hội để chúng ta quay trở về với Chúa và xin Ngài tha thứ, đồng thời cũng là dịp thuận tiện để ta hối cải, từ bỏ con đường cũ để làm lại cuộc đời.
Chúa không chấp nhận chúng ta ù lỳ trong tội, nhưng Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy đứng dậy vác chõng mà ra đi”, đó là dứt khoát với con đường tội lỗi của mình, nếu không, chúng ta có thể sẽ khốn khổ hơn khi phạm tội.
Xin Chúa giúp chúng ta can đảm để sống điều mình quyết tâm trong Mùa Chay thánh này. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5: Muốn trở nên lành mạnh
Suy niệm :
Các Tin Mừng Nhất lãm chẳng khi nào nói đến chuyện
Đức Giêsu chữa bệnh cho ai ở vùng Giêrusalem.
Riêng Tin Mừng Gioan nói đến chuyện Ngài chữa bệnh cho một anh bất toại
tại một cái hồ, gần Cửa Chiên dẫn vào khuôn viên Đền thờ Giêrusalem.
Hồ Bếtdatha này khá lớn, có hình chữ nhật, được ngăn làm hai phần.
Chính vì thế có đến năm hành lang, nơi đây người bệnh nằm la liệt.
Họ mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền khác nhau,
nhưng ai đến đây cũng nuôi hy vọng khỏi bệnh.
Giữa bao người ốm đau tàn tật đó, dường như Đức Giêsu chỉ thấy một mình anh.
Ngài biết anh mắc bệnh đã lâu, nằm trên chõng một thời gian dài.
Ba mươi tám năm, thời gian bằng một nửa đời người.
Chính Đức Giêsu là người đến với anh và mở lời bằng một câu hỏi:
“Anh có muốn trở nên lành mạnh không ?” (c. 6).
Câu hỏi có vẻ thừa này thật ra lại chạm đến nỗi khát khao sâu thẳm của anh.
Nó đụng đến chờ đợi mòn mỏi của anh từ nhiều năm qua.
Anh bất toại không trả lời câu hỏi của Đức Giêsu, người với anh vẫn còn xa lạ.
Nhưng anh lại muốn trải lòng cho người lạ này thấy cái ngõ cụt của mình,
những lý do khiến mình phải nằm ở đây lâu đến vậy.
“Tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”: đó là lý do thứ nhất.
Tôi không có được sự trợ giúp từ phía bạn bè thân thuộc.
Tôi cô đơn, trơ trọi một mình.
Giá mà tôi có ai đó giúp tôi lúc cơ may đến…
“Lúc tôi tới đó, thì người khác đã xuống trước tôi rồi” : đó là lý do thứ hai.
Khi phải lê đi bằng chính sức của mình, thì tôi bao giờ cũng là người đến sau.
Tôi đã cố gắng nhiều lần, nhưng luôn phải cam chịu thất bại.
Bây giờ tôi còn dám tin vào mình nữa không ?
Anh bất toại mong có một người bạn đem anh xuống nước đầu tiên.
Anh mơ thấy ngày trồi lên từ hồ nước, ướt sũng, nhưng đi lại bình thường.
Anh chẳng tin rằng ngày ấy là hôm nay.
Người bạn anh mong đang ở gần, kéo anh ra khỏi nỗi cô đơn.
Anh sẽ được khỏi bệnh mà người vẫn khô ráo.
“Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !”: đây là lời mời hay mệnh lệnh ?
Bất ngờ, nhanh chóng và dễ dàng, anh đã đứng lên và đi được.
Cái chõng đã vác anh, bây giờ anh vác nó.
Hãy nhìn những bước đi đầu tiên của người ba mươi tám năm bất toại.
Anh đã trở nên lành mạnh, dù anh không xin hay bày tỏ lòng tin nào (cc. 6, 9,14).
Giêsu đến với anh như một người bạn làm anh trở nên lành mạnh (cc. 11,15).
Vì chữa bệnh cho anh này vào ngày sabát, Ngài đã bắt đầu bị chống đối (c.16).
Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi tôi: Con có muốn trở nên lành mạnh không?
Con có muốn ra khỏi sự bất toại kinh niên của mình không ?
Ngài mời tôi đứng lên và mạnh dạn bước đi, bỏ lại quá khứ tội lỗi.
Sau khi được chữa lành, ngài dặn tôi đừng phạm tội nữa (c. 14).
Cầu nguyện :
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe công bố, nêu ra ít nhất ba vấn đề lớn, và cả ba vấn đề này vẫn còn là lớn đối với chúng ta hôm nay:
Ba vấn đề quá lớn của con người đến từ kinh nghiệm sống, mà mỗi người chúng ta gần như phải đối diện mỗi ngày. Và vì cả ba đều có liên quan đến Sự Dữ ở chiều sâu, nên Đức Giê-su không thể không đối diện với những vấn đề này, từ đó, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình, để chữa lành và mở đường cho chúng ta đi, ngang qua ngôi vị, hành động, lời nói hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.
1. Mạnh được yếu thua
Có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giê-su “biết và thấy” anh ta, Người chủ động đến hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Người bệnh trả lời:
Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! (c. 7)
Đó chính là qui luật mạnh được yếu thua, nhanh thì còn chậm thì hết, hiện diện ngay trong nơi thánh thiêng nhất, nghĩa là nơi xẩy ra ơn chữa lành cách lạ lùng. Đức Giê-su muốn giải thoát anh cách nhưng không, nhưng anh chỉ nghĩ đến sự thua kém của mình so với những người bệnh khác. Giữa những người bệnh, cũng có sự ganh đua hơn kém, về khả năng, phương tiện hay thân thế. Bất hạnh lại càng bất hạnh.
Nhưng nếu chúng ta để tâm suy nghĩ cho kĩ, qui luật này ít nhân tính nhất, vì là qui luật đặc trưng của loài vật. Tuy nhiên, qui luật này lại ngày càng chi phối đời sống của con người hôm nay ở mọi lãnh vực, vì ở đâu người ta cũng đòi hỏi “chất lượng cao”: học tập, làm ăn, các trò chơi trên màn ảnh truyền hình; và người ta đưa nguyên tắc này vào cả trong giáo dục và huấn luyện nữa, huấn luyện đức tin và huấn luyện đời tu. Đúng là, qua qui luật “mạnh được yếu thua”, người ta khuyến khích rèn luyện và nỗ lực và tìm được những người ưu tú. Nhưng, trong thực tế, cách làm này đã để lại những hậu quả rất tai hại về mặt nhân linh cho gia đình, nhóm, xã hội và thế giới con người, vì người ta sẽ loại ra ngoài bằng cơ chế hay bằng cung cách ứng xử biết bao người yếu kém, ít khả năng, giới hạn, già nua, bệnh tật, khuyết tật, kém may mắn, những người nghèo, những người chịu thiệt thòi vì thân phận… Và họ sẽ phải sống trong mặc cảm thua thiệt, than thân trách phận, kêu trách người khác, kêu trách cuộc đời, kêu trách Thiên Chúa, kêu trách Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa, bị sự nghi ngờ, lòng ham muốn và ghen tị dày vò; từ đó sẽ tất yếu phát sinh bạo lực dưới mọi hình thức.
Đức Giê-su phá vỡ qui luật này, khi Ngài hành động bằng tình thương nhưng không và nhất là bằng lòng thương xót: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Khỏi bệnh mà không cần chạy đua với người ta, chỉ cần anh ước ao thôi. Đời sống Ki-tô hữu và nhất là đời sống dâng hiến, hơn bao giờ hết, được mời gọi làm chứng cho “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) được đón nhận tình thương và lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chú ý đến người người bé nhỏ, và trở thành những người bé nhỏ. Và chính Ngài cũng ứng xử như người bé nhỏ (phục vụ thay vì được phục vụ), tự biến mình thành người “bé nhỏ” trên Thập Giá và mãi mãi đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 25). Và Người không ngăn cản được niềm vui trào ra từ con tim:
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.(Lc 10, 21)
2. Sự Sống và Lề Luật
Một người đau ốm, nằm liệt một chỗ suốt ba mươi tám năm, nay trở nên lành mạnh và có lại sức khỏe đến độ vác được chõng của mình mà đi. Thay vì chúc mừng và chia vui với anh và cùng nhau ca tụng Chúa, người ta dựa vào luật Sa-bát để bắt bẻ anh và điều tra ra Đức Giê-su để chống đối Ngài[1]. Sự chống đối này là khởi đầu của cả một dự án giết chết, nhân danh Lề Luật: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết!” (Ga 19, 7)
Luật Sa-bát là luật được đặt ra để tưởng nhớ sự sống đã được trao ban nhưng không và hướng đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, luật này đã biến thành phương tiện để dò xét, để buộc tội và lên án, nghĩa là để cản trở sự sống và hủy diệt sự sống. Đức Giê-su cố ý chữa bệnh ngày Sa-bát, để làm lộ ra khuynh hướng chết chóc này nơi con người (x. Mc 3, 1-6).
Đây chính là một trong những điều xấu lớn nhất của con người và có mặt ở khắp nơi, nhưng không ai làm gì được; thậm chí, người hành động như thế, cũng tự cho mình là đúng. Bởi vì, một đàng là có luật, và đàng khác, có người phạm lỗi: phạm lỗi công khai, hay tôi dò xét người khác một hồi là ra lỗi. Người phạm lỗi bị kết án đúng người đúng tội, nhưng trước khi người khác phạm lỗi hay trước khi thấy người khác phạm lỗi, người kết án đã có ý đồ hại người khác rồi, hay ít nhất không tin người khác và vì thế, coi người khác là một tội nhân “tiềm năng”, từ đó tìm đủ cách chứng minh mình là đúng! Vì thế, mọi người bất lực trong việc phơi bầy ý đồ hại người của người đã dựa vào luật để lên án.
Chúng ta là những người bất toàn, nên bình thường bị dò xét một hồi là ra lỗi. Chỉ với Đức Giê-su, người ta mới không thể tìm ra lỗi; vì thế, người ta sẽ gài bẫy để Người phạm lỗi; và khi gài bẫy, Người cũng không sa bẫy, nên cuối cùng người ta sẽ vu cáo. Bởi vì, ý đồ hại người là có trước, nhưng người ta phải tìm đủ cách, nhất là gian dối, để dựa vào Luật nhằm thực hiện ý đồ. Để hại người mà mình vẫn được an toàn, thì không có cách nào khác, là phải dựa vào Luật.
Có thể nói, Lề Luật là nơi ẩn nấp kín đáo nhất của Sự Dữ; và chỉ có Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, mới làm bật tung Sự Dữ và tất cả những ai hành động theo Sự Dữ, ra khỏi nơi ẩn nấp là Lề Luật. Như thánh Phao-lô nói:
Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó. (Rm 7, 12)
3. Tội lỗi và bệnh tật
Khi Đức Giê-su gặp lại người đã được Ngài chữa cho khỏi bệnh, Ngài nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Khi nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta thường hiểu, bệnh tật của anh là một hình phạt của tội. Cũng như các môn đệ, khi đối diện với người mù từ thủa mới sinh, các ông nghĩ ngay đến tội, và đi đôi với tội là hình phạt theo qui định của lề luật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2)
Loài người chúng ta ở mọi thời, ít nhất ở mức độ vô thức, luôn nhìn thấy tội lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực; chẳng hạn, có người nói bệnh si-đa là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên loài người tội lỗi. Nếu như thế, thì Thiên Chúa hành động giống y như những nhóm khủng bố, giáng phạt không phân biệt kẻ tốt người xấu! Thậm chí, có người còn cho rằng, thân phận con người như nó là (sinh lão bệnh tử), là một hình phạt của tội!
Thập Giá của Đức Ki-tô đã phá vỡ kết nối tự phát tội lỗi với tai họa hay với thân phận con người, bởi vì Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội, nhưng vẫn sống thân phận con người đến cùng và đã phải hứng chịu tai họa lớn đến như vậy. Vì thế, Thập Giá của Đức Ki-tô còn mặc khải cho chúng ta biết rằng, thân phận con người dù có như thế nào, là một ơn huệ và là con đường dẫn đến sự sống nơi Thiên Chúa, thậm chí tôn vinh Thiên Chúa, như trường hợp người mù bẩm sinh (x. Ga 4, 3).
Người đau ốm được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị đau ốm trở lại, anh nằm xuống và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được. Chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ muốn giải phóng người bệnh khỏi bệnh tật, ơn huệ này tuy đặc biệt, nhưng rất chóng qua và không giải quyết tận căn vấn đề sự sống, nhưng còn muốn “chữa lành” anh khỏi Sự Dữ bằng lòng bao dung tha thứ, khi mời gọi anh: “Đừng phạm tội nữa” (x. Mc 2, 1-12).
* * *
Và như chúng ta có kinh nghiệm, ơn tha thứ không thể là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ. Để được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong cuộc sống như là ơn tái sinh : « Con ta đã chết, nay sống lại » (Lc 15, 24).
Đó là một việc lâu dài và rất khó khăn. Thật vậy, chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa ? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Một cô bưng dùm cho cộng đoàn mâm cơm lên cầu thang, cha Bề Trên tình cờ đi xuống và đứng ngay ở đầu phía trên cầu thang. Thay vì cha “ca tụng” cô, cha đã ra lệnh cho cô nhân danh “lề luật”: “Chị không được phép lên lầu!” Từ đó, cô không còn vào nhà dòng để phụ giúp nữa!
Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ
Tuesday (April 02): “Walk and sin no more”
Gospel Reading: John 5:1-16 1 After this there was a feast of the Jews, and Jesus went up to Jerusalem. 2 Now there is in Jerusalem by the Sheep Gate a pool, in Hebrew called Bethzatha, which has five porticoes. 3 In these lay a multitude of invalids, blind, lame, paralyzed.5 One man was there, who had been ill for thirty-eight years. 6 When Jesus saw him and knew that he had been lying there a long time, he said to him, “Do you want to be healed?” 7 The sick man answered him, “Sir, I have no man to put me into the pool when the water is troubled, and while I am going another steps down before me.” 8 Jesus said to him, “Rise, take up your pallet, and walk.” 9 And at once the man was healed, and he took up his pallet and walked. Now that day was the Sabbath. 10 So the Jews said to the man who was cured, “It is the Sabbath, it is not lawful for you to carry your pallet.” 11 But he answered them, “The man who healed me said to me, `Take up your pallet, and walk.'” 12 They asked him, “Who is the man who said to you, `Take up your pallet, and walk’?” 13 Now the man who had been healed did not know who it was, for Jesus had withdrawn, as there was a crowd in the place. 14 Afterward, Jesus found him in the temple, and said to him, “See, you are well! Sin no more, that nothing worse befall you.” 15 The man went away and told the Jews that it was Jesus who had healed him. 16 And this was why the Jews persecuted Jesus, because he did this on the Sabbath. |
Thứ Ba 02-04 Hãy đi và đừng phạm tội nữa
Ga 5,1-16 1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động,4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi).5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không? “7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! “8 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! “9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày sa-bát.10Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng! “11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: “Anh hãy vác chõng mà đi! “12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: “Vác chõng mà đi”? “13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước! “15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.16Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát. |
Meditation:
Is there anything holding you back from the Lord’s healing power and transforming grace that can set you free to live in wholeness, joy, and peace with God? God put into the heart of the prophet Ezekiel a vision of the rivers of living water flowing from God’s heavenly throne to bring healing and restoration to his people. We begin to see the fulfillment of this restoration taking place when the Lord Jesus announces the coming of God’s kingdom and performs signs and miracles in demonstration of the power of that kingdom. One of the key signs which John points out in his Gospel account takes place in Jerusalem when Jesus went up to the temple during one of the great Jewish feasts (John 5:1-9). As Jesus approached the temple area he stopped at the pool of Bethzatha which was close by. Many Jews brought their sick relatives and friends to this pool. John tells us that a “multitude of invalids, blind, lame, paralyzed” were laid there on the pavement surrounding the pool (John 5:3). This pool was likely one of the ritual baths used for purification for people before they went into the temple to offer prayers and sacrifice. On certain occasions, especially when the waters were stirred, the lame and others with diseases were dipped in the pool in the hope that they might be cured of their ailments. Do you want the Lord Jesus to make you whole? The lame man that Jesus stopped to speak with had been paralyzed for more than 38 years. He felt helpless because he had no friends to help him bathe in the purifying waters of the pool. Despite his many years of unanswered prayer, he still waited by the pool in the hope that help might come his way. Jesus offered this incurable man not only the prospect of help but total healing as well. Jesus first awakened faith in the paralyzed man when he put a probing question to him, “Do you really want to be healed?” This question awakened a new spark of faith in him. Jesus then ordered him to “get up and walk!” Now the lame man had to put his new found faith into action. He decided to take the Lord Jesus at his word and immediately stood up and began to walk freely. The Holy Spirit purifies, heals, and transforms us in Christ’s image The Lord Jesus approaches each one of us with the same probing question, “Do you really want to be healed – to be forgiven, set free from guilt and sin, from uncontrollable anger and other disordered passions, and from hurtful desires and addictions. The first essential step towards freedom and healing is the desire for change. If we are content to stay as we are, then no amount of coaxing will change us. The Lord will not refuse anyone who sincerely asks for his pardon, mercy, and healing.
“Lord Jesus, put within my heart a burning desire to be changed and transformed in your way of holiness. Let your Holy Spirit purify my heart and renew in me a fervent love and desire to do whatever is pleasing to you and to refuse whatever is contrary to your will.” |
Suy niệm:
Có điều gì lôi kéo bạn lại khỏi sức mạnh chữa lành và ơn sủng biến đổi của Chúa có thể cho bạn tự do sống trong toàn vẹn, vui mừng, và bình an với Thiên Chúa không? Thiên Chúa đặt vào tâm trí của ngôn sứ Êdêkien một thị kiến về dòng sông có nước sự sống chảy ra từ ngai toà uy linh của Thiên Chúa hầu chữa lành và phục hồi cho con người. Chúng ta bắt đầu thấy sự ứng nghiệm của sự phục hồi này xảy ra khi Chúa Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đến và thực hiện những điềm thiêng dấu lạ để chứng minh sức mạnh của vương quốc đó.
Một trong những dấu chỉ báo hiệu mà Gioan chỉ ra trong câu chuyện Tin mừng xảy ra ở Giêrusalem khi Đức Giêsu lên đền thờ trong lúc một dịp lễ lớn của người Dothái (Ga 5,1-9). Khi Đức Giêsu đến gần khu vực đền thờ, Người dừng lại ở hồ Bétgiatha ở gần đó. Nhiều người Dothái đem người thân và bạn bè đau yếu đến hồ này. Gioan kể với chúng ta rằng “Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại” nằm la liệt ở đó, trên hành lang quanh hồ (Ga 5,3). Hồ này giống như một trong những hồ tắm cho lễ nghi được dùng cho sự thanh tẩy người ta trước khi họ vào đền thờ để cầu nguyện và dâng lễ vật. Vào lúc nào đó, đặc biệt khi nước hồ khuấy động, người què và người bệnh tật khác nhảy xuống hồ với hy vọng rằng họ có thể được chữa lành khỏi bệnh tật của mình. Bạn có muốn Chúa Giêsu chữa lành bạn toàn diện không? Người què mà Đức Giêsu dừng lại nói chuyện với anh đã bị bại liệt hơn 38 năm. Anh cảm thấy bất lực bởi vì anh không có bạn bè giúp anh xuống hồ nước thanh tẩy. Mặc dù lời cầu nguyện nhiều năm của anh chưa được nhận lời, anh vẫn chờ đợi bên bờ hồ với hy vọng sự trợ giúp sẽ đến với anh. Đức Giêsu không chỉ đem lại cho người bất toại này niềm hy vọng trợ giúp mà cả sự chữa lành toàn diện nữa. Trước hết, Đức Giêsu khơi dậy niềm tin nơi người bất toại này khi Người đặt câu hỏi với anh “Anh thật sự muốn được chữa lành không?” Câu hỏi này đã khơi lên một tia sáng niềm tin mới trong anh. Rồi Đức Giêsu ra lệnh cho anh “đứng dậy mà đi!” Giờ đây, người què phải đưa niềm tin mới xây dựng của mình vào hành động. Anh quyết định tiếp nhận lời của Chúa Giêsu và ngay lập tức đứng dậy và bắt đầu bước đi thoải mái. Chúa Thánh Thần thanh tẩy, chữa lành, và biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Đức Kitô Chúa Giêsu đến gần mỗi người chúng ta với cùng câu hỏi thăm dò “Anh em có thật sự muốn được chữa lành – được tha thứ, được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi cơn giận bất trị và những đam mê hỗn loạn, và khỏi những ước muốn và nghiện ngập tai hại không?” Bước đầu tiên cần thiết đi tới sự giải thoát và chữa lành là sự ao ước thay đổi. Nếu chúng ta bằng lòng với con người hiện tại, thì chẳng có lời lẽ ngọt ngào nào có thể thay đổi chúng ta. Chúa sẽ không từ chối bất cứ ai thành tâm cầu xin ơn tha thứ, lòng thương xót, và sự chữa lành của Người. Lạy Chúa Giêsu, xin đặt để trong lòng con sự khao khát nóng cháy được thay đổi và đổi mới trong đường lối thánh thiện của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa thanh tẩy tâm hồn con và đổi mới trong con một tình yêu và ao ước tha thiết để thực hiện mọi sự làm vui lòng Chúa và khước từ những gì trái ngược với ý Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn