CARITAS PHAN THIẾT TỔ CHỨC CHUYẾN GIAO LƯU HỌC HỎI VỀ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG: GÌN GIỮ MEN RƯỢU CẦN, THẮP LỬA YÊU THƯƠNG TRONG LÒNG NGƯỜI TRẺ

Thứ hai - 14/04/2025 11:14
CARITAS PHAN THIẾT TỔ CHỨC CHUYẾN GIAO LƯU HỌC HỎI VỀ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG: GÌN GIỮ MEN RƯỢU CẦN, THẮP LỬA YÊU THƯƠNG TRONG LÒNG NGƯỜI TRẺ
Trong dòng chảy hiện đại, nơi những giá trị văn hóa truyền thống dần bị lãng quên, Với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Vừa qua, từ ngày 11-13/4/2025, Ban Caritas Phan Thiết đã tổ chức một hành trình đặc biệt – chuyến giao lưu học hỏi về cách làm men rượu cần từ các loại lá, rễ cây rừng tại xã Đông – huyện K’Bang – tỉnh Gia Lai và tham quan mô hình dệt thổ cẩm tại thành phố Kontum cho 22 người đại diện anh chị em trong các làng xã miền núi tại Phan Sơn, Phan Lâm, Suối Máu và Sông Phan.
Chuyến đi không chỉ là dịp để sẻ chia yêu thương mà còn là hành trình khám phá nét đẹp văn hóa – cách riêng là tìm hiểu và lưu giữ lại cách làm men rượu cần bằng các nguyên liệu tự nhiên trong rừng.
Trong không khí trong lành của núi rừng và sự đón tiếp nồng hậu của người dân bản địa, các già làng và các bạn trẻ đã có cơ hội trực tiếp chia sẻ, quan sát và tham gia vào quá trình làm men rượu cần – một nét đẹp truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt và tinh thần của đồng bào Raglay và Bana. Từ việc hái lá rừng, phơi khô, đến giai đoạn ủ men và phối trộn các nguyên liệu, từng công đoạn đều thấm đẫm sự khéo léo, kiên nhẫn và tri thức bản địa được truyền lại từ nhiều thế hệ. Từng dân tộc có các cách làm khác nhau, nguyên liệu cũng khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung đó là cùng hướng tới tình yêu dành cho nét văn hóa bản địa, muốn giữ lại những gì mà cha ông đã truyền lại.
Không chỉ dừng lại ở việc học hỏi kỹ thuật, chuyến đi còn là dịp để các bạn trẻ cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu quê hương, ý thức gìn giữ văn hóa và trân trọng những giá trị truyền thống đang dần mai một trong dòng chảy hiện đại. Những câu chuyện được kể lại về việc tại sao lại chọn lá cây này, tại sao phải đặt rễ cây kia lên trên bánh men, tất cả đã khơi lên trong tâm hồn mọi người một niềm yêu mến và tự hào về sự đa dạng, phong phú của văn hóa dân tộc mình.
Sau khi giao lưu với nhau về cách làm men rượu cần từ thiên nhiên, bà con nông dân di chuyển đến Kontum – nơi tiếp tục mở ra một khung trời văn hóa đầy màu sắc, tham quan mô hình dệt thổ cẩm bằng tay của chị Y Thoai – chị là người dân tộc Bana và chị đã dành hơn 40 năm để gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Không gian làm việc của chị Y Thoai giản dị nhưng ấm cúng. Tiếng trò chuyện râm ran giữa những người lớn tuổi và người trẻ khiến ai cũng cảm thấy như đang được trở về với một phần sâu thẳm của văn hóa Tây Nguyên. Điều khiến đoàn chúng tôi thực sự bất ngờ và xúc động là những tấm thổ cẩm tuyệt đẹp, mang hoa văn đặc trưng của dân tộc Bana – lại được dệt nên từ đôi bàn tay gầy guộc, tỉ mỉ và khéo léo của các cụ già trong làng.
Chứng kiến những tấm vải rực rỡ sắc màu được dệt ra từ tình yêu và ký ức, người trẻ trong đoàn như được tiếp thêm niềm tin: văn hóa không bao giờ mất đi, nếu có người gìn giữ – bằng đôi tay, bằng trái tim và cả bằng sự kiên trì thầm lặng.
Chuyến giao lưu học hỏi do Caritas Phan Thiết tổ chức không chỉ là một hoạt động mang tính giáo dục văn hóa, mà còn là cơ hội kết nối các thế hệ, kết nối người trẻ với các già làng có kinh nghiệm. Qua đó, mỗi người tham dự lại mang trong tim mình một hạt giống yêu thương – yêu thiên nhiên, yêu văn hóa, yêu người, để rồi chính họ sẽ là những “sứ giả” góp phần bảo tồn và lan tỏa vẻ đẹp ấy đến với cộng đồng.
Vân Anh
xem hình: 
11-13.04.2025 HÌNH HOẠT ĐỘNG GIAO LƯU VĂN HÓA TẠI GIA LAI - KONTUM
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây